Năm Tính Nhân Bản của Tương Tác Luận

819

Triệu Từ Truyền

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con người không ngừng đi tìm những giải pháp cho đời sống. Đời sống của con người từ nguyên thủy đến hiện đại luôn bị những nỗi đau dày vò… Tại sao tôi sống, tôi hiện hữu? Tại sao tôi chết? Sau khi chết tôi ở đâu hay hoàn toàn tan biến? Sống để làm gì mà vui thì ít còn đau khổ triền miên? Kiếm miếng ăn đầy lao nhọc, luôn bị ai đó đè đầu cưỡi cổ, ai đó lừa gạt, phản bội, xúi dại? 

Nhà thơ Triệu Từ Truyền

I. Từ tương tác tự nhiên (thiên nhiên) đến tương tác nhân sinh.

Con người không ngừng đi tìm những giải pháp cho đời sống. Đời sống của con người từ nguyên thủy đến hiện đại luôn bị những nỗi đau dày vò

Nhiều học thuyết có hệ thống từ hơn 2000 năm qua đưa ra giải pháp, mong xóa bỏ tận gốc đau khổ của hành tinh xanh. Hàng trăm triết gia từ Đông sang Tây, suốt dọc lịch sử nhân loại ra sức trình bày giải pháp, Thầy và học trò của các học thuyết này đã có nhiều thành tựu, song cũng chưa hơn một liều thuốc giảm đau. Căn bệnh của nhân loại chưa trị được tân gốc, và có phải cần đặt ra giết sạch vi trùng và siêu vi không; như những bậc thầy đưa ra “diệu kế” của mình, học trò thực hiện quyết liệt, thậm chí bằng những kế sách phi nhân ác độc?

Có bài thơ sau:

tôi đi giữa đêm lạnh lắng từng nhịp bước nẻo đời
vẫn thấy chơi vơi

tôi qua giữa chặng đường
còn hoài nghi gì nữa …?
đạo lý của con người
biến hóa biết bao đời và thay đổi bấy nhiêu nơi

người ơi, mặt đường nhựa đen quẩn quanh trong thành phố
đi tới đi lui to nhỏ được gì?
lướt tới nữa mấy khi gần chân lý
lời đáp ngàn năm xưa Chúa nghĩ vẫn chưa thành.
(Giữa Đêm Noel – 25/12/1985)

Rõ ràng nỗi thất vọng trước đấng toàn năng cũng là nỗi thất vọng trước những đấng cứu nhân độ thế khác, trong đó có các bậc thầy tư tưởng và triết gia .

Bài viết này không viết lại lược sử triết học, cũng không phê phán một học thuyết nào vì việc đó có rất nhiều sách đã xuất bản trên toàn cầu. Hơn nữa, học thuyết nào cũng có nhân tố đúng, ít nhiều có đóng góp cho một giai đoạn thực tiễn của lịch sử, nhưng như những nấc thang lên cao dần, học thuyết sau tiệm cận gần thực tại hơn học thuyết trước.

Tiến trình của triết học cũng là tiến trình của khoa học. Vì vậy, những khám phá toán học, vật lý và sinh học thường là chứng liệu cho tư duy triết học. René Descartes (1596 – 1650) được Phương Tây tôn vinh là người sáng lập triết học hiện đại, ông áp dụng phương pháp quy nạp của khoa học, trước hết của toán học, vào tư duy triết học. Từ tiểu luận triết học (Essais philosophiques) xuất bản năm 1637. Tác phẩm gồm bốn phần, ba phần đầu nói về hình học; quang học, sao băng và phần 4 quan trong nhất: trình bày về phương pháp (Discours de la méthode) mới thật sự mỗ xẻ về triết lý.

Có nhiều lộ trình để đi đến triết lý, không nhất thiết cùng lộ trình với René Decartes. Ở Phương Đông thông qua tri thức xã hội và lịch sử cũng dẫn đến tư duy triết lý như: Khổng Tử, Mạnh Tử (phương Tây có cùng trường hợp là Aristole; Platon ; Socrate). Độc đáo là Phật Thích Ca và đệ tử thông qua thiền định, trực cảm tâm linh, một kênh hiểu biết khác, ấy là tâm thức. Tuy nhiên, lộ trình khởi thủy của triết học phương Tây luôn dính liền với tri thức khoa học, vật lý, hình học, thiên văn học. Càng về sau càng dính dáng sâu với khoa học xã hội như xã hội học; kinh tế học; lịch sử; mỹ học… Tóm lại, triết học là bộ khung tư duy của các lãnh vực khoa học và chiều ngược lại triết học cũng cần hấp thu những thành tựu của khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, như gốc cây hấp thu dưỡng chất do lá cành quang hợp.

Một thí dụ cho luận điểm trên là triết học của Karl Marx (1818- 1883) bắt nguồn từ triết học, kinh tế học và xã hội học, cộng với sử dụng nhiều thành tựu của toán học. Trong tác phẩm Biện Chứng Của Tự Nhiên, để chứng minh quy luật phủ định của phủ định, Engel đã dùng ý niệm toán (-a).(-a) = +a (trừ a nhân với trừ a bằng cộng a).
Tuy nhiên Toán học là chuỗi suy luận từ một định đề ban đầu, cũng chỉ là một hệ thống duy lý, chưa hẳn từ thực tiễn nhân sinh. Song, chính toán học là công cụ cốt lõi để giải quyết nhiều lãnh vực của nhân sinh. Định đề Euclid: “Qua một điểm nằm ngoài một đường thẳng ta vẽ được một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đã cho.” Mỗi định đề cũng chỉ đáp ứng cho một mặt của thực tại. Bên cạnh Eucid (330-275), còn có hai đề xuất: qua một điểm nằm ngoài một đường thẳng không kẻ được một đường thẳng song song nào (Riemann 17 tháng 9, 1826 – 20 tháng 7, 1866) và có thể kẻ vô số những đường thẳng song song với nó (Lobatchevsky (1 tháng 12 năm 1792 – 12 tháng 2 năm 1856)). Như vậy là hình học có đến 3 định đề sau hơn 2000 năm tư duy qua nhiều thế hệ. Phải chăng hình học đã đi đầu cho quan niệm “đa chân lý”; đa thực tại. Mãi đến giữa thế kỷ 20, Vật lý mới có thuyết tương đối mở rộng , và thuyết lượng tử tiếp tục củng cố cho quan niệm đa thực tại. Đồng thời triết học mới ra đời như hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh vô thần để chối bỏ định mệnh do thượng đế đặt để, thực chất xã hội cũng đa quyền lực, không chỉ có quyền lực duy nhất của hoàng đế, hoặc đảng của tập đoàn lợi ích nào đó, thậm chí mỗi người là quyền lực của chính mình. Nhà văn Nga Dostoievsky viết: “nếu không có thượng đế thì tôi là thượng đế”.

Nhận biết được tương tác nhân sinh để chấm dứt thời kỳ biệt phái, ngông nghênh của vài vị tự cho mình là thiên tài, thẩm định lại vấn đề cơ bản của triết học, chấm dứt tranh cải lực nào quyết định thân phận con người.

Trước khi kết luận thẩm định vấn đề cơ bản của triết học, nên tìm hiểu những tương quan sau đây:

Những tương tác tự nhiên dẫn đến những tương tác nhân sinh:

Nếu trong vật chất, tương tác mạnh (a)) diễn ra trong nhân nguyên tử, do những hạt sứ giả luôn trói chặt nhân nguyên tử (1), tương ứng diễn ra trong nhân sinh là tương tác bản năng, chính bản năng sinh tồn làm con người hiện hữu, bản năng là nhân tố chính của tập quán, truyền thống, bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng người.

Tương ứng với tương tác yếu (b) là tương tác tâm thức, do năng lượng tâm linh vượt qua nhiều vũ trụ khác nhau nên thoạt nhìn không được mạnh như tương tác bản năng, song chúng quyết định tài năng, bản lĩnh, thành tựu của con người tương tự như hạt sứ giả W và Z có vai trò quan trọng trong cấu tạo vũ trụ.

Hai tương tác nhân sinh: bản năng và tâm thức ảnh hưởng mạnh mẻ nhất cho từng nhân thân (cá nhân) , cũng như tương tác mạnh và tương tác yếu luôn diễn ra trong thế giới vi mô vậy.

Tương tác hấp dẫn (c – trọng trường) và tương tác điện từ (d) diễn ra trong thế giới vĩ mô, tương ứng như vậy tương tác tri thức và tương tác quyền lực diễn ra trong cộng đồng xã hội loài người.

Tương tác tri thức làm xã hội loài người đứng vững và phát triển khoa học, cũng như tương tác hấp dẫn giữ vật thể trên trái đất không bay vào khoảng không vô định, rộng hơn giữ cho hệ mặt trời bền vững, giữ cho các thiên hà tồn tại trong vũ trụ đang giãn nở.

Đồng thời, tương tác điện từ diễn ra khắp nơi, ai cũng có thể biết; thấy; chạm phải được. Tương ứng như vậy, tương tác quyền lực cũng phổ biến trong xã hội, từ lực cầm quyền các cấp (mà người dân thấp cổ bé miệng mọi thời kỳ lịch sử thường ví nó như tai ách; gông xiềng), lực giáo quyền, đến lực người đứng đầu một hội đoàn; kể cả gia đình… đều chi phối mỗi cá thể; đương nhiên tương tác quyền lực cũng có hai mặt cũng như điện có thể thắp sáng và cũng có thể làm chết người trong nháy mắt.

Đến đây thấy rõ bốn tương tác nhân sinh là bốn lực căn bản duy trì cộng đồng và cá thể của xã hội loài người tồn tại và phát triển. Không nên chỉ nhấn mạnh và khuyếch đại một lực tương tác nhân sinh sẽ dẫn đến sai lầm trong nhận thức và thực tiễn. Trong lịch sử nhân loại có triết gia xem bản năng chi phối mọi hành vi của con người, nghĩa là chỉ nhấn mạnh tương tác bản năng. Ngược lại, có học thuyết chỉ thấy bảo vệ quyền lợi giai cấp, bảo vệ lợi ích kinh tế là động cơ để phát triển (trong đó giành quyền sở hữu tư liệu sản xuất), nghĩa là chỉ biết có tương tác quyền lực mà thôi.

Mặt khác, có triết gia chủ trương lịch sử văn minh là do chủng tộc thông minh, với nhiều cá thể siêu nhân điều khiển đám đông, triết gia ấy chỉ thấy có tương tác tri thức. Tương tác tâm thức bị một số người lợi dụng đề cao mê tín, thần quyền bóp méo tương tác tâm thức thành quyền lực của một đấng siêu hình nào đó, phủ nhận vai trò của tương tác khác dẫn đến phủ nhận khoa học, phủ nhận bản năng tốt của con người.

Thử tưởng tượng trong thế giới vật chất nếu chỉ có một tương tác, mà ba tương tác còn lại vắng mặt, chắc chắn sẽ không có vũ trụ, không có hệ thái dương và dĩ nhiên cũng chẳng có trái đất. Nhờ có đủ bốn tương tác trong tự nhiên mà sinh vật người mới hình thành và tồn tại. Vì vậy cá nhân và cộng đồng người cũng cần có đủ bốn tương tác nhân sinh mới có thể tồn tại văn minh được.

Từ bốn tương tác nhân sinh: tương tác tri thức – tương tác quyền lực – tương tác bản năng – tương tác tâm thức dẫn đến cần điều chỉnh vấn đề cơ bản của triết học.

II/ đổi mới các quan niệm triết lý:

1/ Không còn ranh giới rạch ròi giữa vật chất và ý thức, cũng như không có ranh giới giữa sóng và hạt trong vật lý vậy. Nhận thức triết học từ đầu thế kỷ thứ 20 trở về trước chỉ giới hạn trong thế giới ba chiều không gian với một chiều thời gian (mà thực chất cũng chính là một chiều không gian mà thôi). Nên những nhà vật lý quan niệm rằng nhân loại trên trái đất đang sống trong vũ trụ bốn chiều không gian (2), bao hàm khái niệm bên cạnh không gian bốn chiều còn có những đa chiều không gian khác nữa. Bị giới hạn trong bốn chiều không gian nên triết học chỉ biết có vật chất và ý thức, dẫn đến biện chứng pháp duy tâm hoặc duy vật, dẫn đến tầm nhìn duy lý hạn chế và sai lệch trong nhân sinh. Thành tựu của thuyết tương đối rộng và thuyết lượng tử cũng như những thành quả thực nghiệm về 12 hạt lepton, 6 hạt boson (3) làm thay đổi ý niệm về vật chất và tinh thần, cùng lúc những thành tựu về vật lý vĩ mô, về vũ trụ hướng tới khái niệm năng lượng vô hình của những vũ trụ đa chiều không gian, tạm gọi là năng lượng tâm linh. Phải chăng năng lượng tâm linh vừa tham gia vào cấu trúc vũ trụ bốn chiều, vừa kết nối các tương tác tự nhiên, vừa là kênh liên thông giữa các vũ trụ đa chiều?

2/ Vì vậy, nên bổ sung vào quan niệm của Descarte vấn đề cơ bản của triết học không chỉ liên quan đến hai ý niệm vật chất và tinh thần mà cần bỗ sung ý niệm tâm linh, cho nên con người cũng phải có ba thành tố: tâm linh – thân xác – ý thức.

3/ Chính năng lượng tâm linh dẫn đến nội dung mới hơn của biện chứng pháp, biện chứng pháp tâm linh (có thể gọi là biện chứng vô thường) sẽ giúp con người không xung đột vũ trang; không có kẻ thù giữa người và người.(4)

4/ Quan niệm về cái tôi hiện hữu nên nói: “tôi tương tác là tôi hiện hữu” để thay thế câu nói của Descarte: “Tôi tư duy là tôi hiện hữu” và câu nói của Albert Camus: “Tôi nổi dậy là tôi hiện hữu”.

Bốn điểm kết của bài viết này cũng là bốn vấn đề triết học thiết thực cần đào sâu nghiên cứu đến nơi đến chốn. (Tháng 3/2014)

III. Tôi Tương Tác là tôi hiện hữu

Nếu con người sống chỉ cần biết thỏa mãn những nhu cầu sinh lý chắc chắn không có triết học, thế mà triết học ra đời từ buổi bình minh của nhân loại? Vì con người khác những động vật khác là sớm tự hỏi: Tại sao tôi sống, tôi hiện hữu? Tại sao tôi chết? Sau khi chết tôi ở đâu hay hoàn toàn tan biến? Sống để làm gì mà vui thì ít còn đau khổ triền miên? Kiếm miếng ăn đầy lao nhọc, luôn bị ai đó đè đầu cưỡi cổ, ai đó lừa gạt, phản bội, xúi dại? Từ những tai ách vĩ mô như: bão lụt; hạn hán; núi lửa, tuyết lở, động đất đến vi mô như: vi khuẩn, siêu vi gây bệnh dịch, bệnh trầm kha, kể cả hóa chất vô cơ… Thao thức trước những khổ nạn ấy và tìm câu trả lời rốt ráo chính là triết học.

Từ Tây sang Đông trong hàng vạn năm qua con người tin rằng mình được sinh ra từ nhiều nguyên nhân hay do một nguyên nhân siêu nhiên nào đó, nguyên nhân ấy là các thần linh hay do một thương đế. Cuối cùng vài ngàn năm gần đây có vài học thuyết lý giải về con người, từ các tôn giáo đến các thuyết khoa học đương đại. Từ quan niệm nguồn gốc dẫn đến con người hiện hữu ra sao?

Tuy nhiên, hiện hữu là gì còn tùy thuộc vào quan niệm của cộng đồng và từng cá thể.
Các triết gia phương Tây thừa nhận hiện hữu của con người không tùy thuộc vào ý muốn con người. Theo thần quyền cho rằng con người do Thượng đế sinh ra, theo duy vật con người là vật thể khách quan. Tuy nhiên, khi Decarte nói tôi tư duy với hàm nghĩa tôi hoài nghi tất cả, chỉ khi nào tôi dùng lý trí chứng minh có thượng đế thì tôi mới tin. (nhằm phản bác tư tưởng cho rằng thượng đế là không thể chứng minh, vì ở ngoài phạm vi lý trí của con người). Decarte vận dụng duy lý để chứng minh bản thể là thượng đế, và vì vậy tôi chứng thực có tôi, (cogito ergo sum) viết theo nguyên bản tiếng Pháp là “je pense donc je suis”, (Cogito ergo sum – tôi tư duy là tôi hiện hữu), câu nói nổi tiếng này đề cao ba ý nghĩa:

1/ Lý trí là hàng đầu, đề cao chủ nghĩa duy lý

2/ Suy luận là phương pháp duy nhất đúng của hiểu biết

3/ Dẫn đến lãnh vực tinh thần quyết định tất cả.

Cho đến thời điểm ấy, Decarte là một bộ óc xuất sắc nhất, tạo ra bước ngoặt tự quyết của con người, không mù quáng trước thiên nhiên và thần thánh.

Cùng đi trên lộ trình tự khai phá đó, Albert Camus, trên nền tảng triết học duy vật biện chứng nói chung, nói riêng là triết học hiện sinh vô thần do Jean Paul Sartre khởi xướng, Albert Camus, nhà văn triết gia và nhà hành động đã nói: “Je me revolte donc je suis” (tôi nổi dậy là tôi hiện hữu) – Đây cũng là một phát hiện lừng danh, đúng cho chiều dài lịch sử của nhân loại tới tận ngày nay, một lịch sử người áp chế và bóc lột người. Từ thương cổ ai cũng biết: người là chó sói của con người (homo homini lupus).

Tuy nhiên, sự nổi dậy đó, kể cả từ Paris công xã đến cách mạng tháng 10, từ các nước thuộc địa đến các bộ tộc thiểu số của mỗi cộng đồng, nổi dậy đem lại vài thành tựu trước mắt song đâu cũng vào đấy, mạnh được yếu thua, giàu nô dịch nghèo, quyền lực chi phối tất cả, nước nhỏ thần phục nước lớn, Jean Paul Sartre trong tác phẩm Guồng máy (L’engrenage) đã cảnh báo nước nhỏ khó bề độc lập thật sự.

Như vậy phải chăng chỉ tư duy thôi và nổi dậy thôi (bao hàm làm cách mạng) cũng không thể hiện hữu được!

Phải chăng nên tương tác nhân sinh mới thật sự tồn tại? Nghĩa là tôi không chỉ tư duy, không chỉ hành động mà tôi còn tương tác đầy đủ tôi mới hiện hữu được.

Với những thành tựu mới của vật lý trên nền tảng của thuyết tương đối rộng của Albert Einstein và cơ học lượng tử của Marx Plant dẫn đến thay đổi nhận thức từ nguyên tử đến vũ trụ, từ hạ nguyên tử đến vũ trụ nhiều chiều không gian.

Từ bỏ chất liệu tư duy cũ, con người cần nhận thức đúng đắn hơn về không gian cong và thời gian cũng cong theo, nên phải hiểu lại diễn biến của lịch sử theo cách không chỉ là một đường thẳng tuyệt đối. Đồng thời cũng cảm nhận hết nỗi bơ vơ từ một con người đến một tinh cầu, kể cả một thiên hà vì tất cả đều nổi trôi trong khoảng không, chẳng có chất ê-te nào trong không gian đỡ đần cả, tệ hại như cá phải bơi mà mất tiêu môi trường nước vậy. Tại sao vật thể hiện hữu trong khoảng không trống rỗng ấy được? Bởi vì những viên gạch nguyên tử không phải là khối lượng nhỏ nhất tạo nên cấu trúc của vật thể, chính những hạt hạ nguyên tử với kích thước chỉ bằng một phần triệu của electron, nhỏ hơn nữa so với nguyên tử, ghê gớm hơn hạ nguyên tử chuyển hóa liên tục giữa hạt và sóng, nghĩa là có lúc là khối lượng và có lúc chỉ là năng lượng, nói theo cách người xưa là lúc có lúc không (sắc sắc không không), nên tự nó tồn tại không cần nền, dù ấy là nền của khí ete như những nhà bác học trước đây tin như vậy. Ngay nền nhà cứng chắc xét đến cùng cũng chỉ là những hạt ánh sáng (pho ton) mà thôi, do tương tác điện từ tạo ra. Trong nhân nguyên tử còn có lực tương tác mạnh (1) để cột chặt proton, neutron lại với nhau, giữ cho “viên gạch” nguyên tử bền vững cấu trúc thành phân tử, tế bào cho vạn vật tồn tại. Như vậy tương tác mạnh, hoàn toàn kềm chế tương tác điện từ trong nhân nguyên tử giúp nhân không dễ dàng phân rã trong tự nhiên.

Tương tự như thế, trong nhân sinh tương tác bản năng dần dần bị những tương tác quyền lực, tương tác tri thức và tương tác tâm linh chế ngự, chỉ giữ lại bản năng tốt, nên từ hoang dã tiến dần lên văn minh.
Trong nhân sinh, các tương tác luôn bên nhau để duy trì tồn tại của con người, có lúc nâng đỡ nhau, có lúc triệt giảm mặt tiêu cực của nhau để tổng thể hiện hữu, tức là con người sinh tồn. Có một thiền sư xuất thân là một nhà vật lý người châu Âu có cảm nhận “nhìn ra toàn bộ không gian chỉ là những hạt li ti di động dầy kín mà thôi!”. Nghĩa là con người, động thực vật, công trình xây dựng, đất, đá, núi, sông… xét cho cùng chỉ là những hạt hạ nguyên tử chuyển biến cùng khắp. Với góc độ tự nhiên, ấy là những hạt tương tác của năm loại tương tác vật thể: hấp dẫn; điện từ; mạnh; yếu và kích cỡ.(hạt Higs)

Tương tự như thế tương tác nhân sinh tạo nên sự hiện hữu của cá thể và cộng đồng người.

1/ Tương tác bản năng: Theo định nghĩa phổ thông bản năng là hành vi tự phát, vốn có của sinh vật trước một va chạm, kích thích trong môi trường sống, ý thức không chi phối những phản ứng của bản năng. Tuy nhiên xét theo chiều dài lịch sử thì bản năng cũng hàm chứa tập quán, quy ước cộng đồng vốn có, có thể xem là một loại ý thức hóa thạch.

Freude nhấn mạnh tương tác bản năng đến mức cường điệu, nó quyết định mọi hành vi của con người ta, nghĩa là con người không khác gì con vật, luôn hành động theo bản năng.

Theo tôi, phải chăng Freude không thấy hết vai trò những tương tác nhân sinh? Freude có nhiều trang lý luận sắc bén về bản năng, dù vậy ông không hề thấy rõ tầm quan trọng của nó. Bản năng quyết định sự tồn tại của nhân sinh giống y như tương tác mạnh của nhân nguyên tử, nếu nhân nguyên tử bi phân rã thì phân tử sụp đổ, cấu trúc tự nhiên bị đánh sập hoàn toàn, nghĩa là cộng đồng nhân sinh bị xóa sổ.
Dù tương tác bản năng có vị trí quan trọng như thế, nhưng nó không hề là tương tác độc tôn, không phải như Freude cho rằng: “Ý thức như cái con rối mà vô thức và bản năng là kẻ đứng sau giật dây, điều khiển mọi chuyện.” Bởi vì tương tác Mạnh có thể bị phá vỡ, thì bản năng cũng có thể bị chế ngự hoặc xóa bỏ chúng hoàn toàn. Hơn nữa, có ý thức là có tương tác tri thức, tích lũy kinh nghiệm và lưu giữ thành tựu khoa học, công nghệ.

Freude cũng như các triết gia trước đây đều nghĩ rằng nên tìm ra cái cốt tử là tìm ra chân lý. Đó là sai lầm tệ hại lớn nhất của các triết gia trước khi có thuyết tương đối rộng của Einstein và thuyết cơ học lượng tử của Marx Plant.

Như vậy trong năm lực cơ bản tạo thành mô hình chuẩn, không có lực nào kém quan trọng hơn lực nào, nên không có lực tương tác độc quyền trong tương tác nhân sinh. Trong cá thể của lãnh vực nhân sinh bên cạnh lực tương tác bản năng là tương tác tâm thức.

Tương tác tâm thức là lực chi phối con người từ dòng năng lượng tâm linh. Song song với nó là tương tác tri thức là lực chi phối con người từ sức mạnh của lý trí, sẽ trình bày ở phần sau.

2/ Tương tác tâm thức: Có thể nói ngay rằng tâm thức là cơ năng hiểu biết của con người mà không cần sử dụng bộ óc. Tương tác tâm thức tạo ra thiền định, tịnh tâm, trực cảm… là lực thúc đẩy con người ngộ ra chân-thiện-mỹ, hoặc dẫn đến sáng tạo, nói chung giúp con người có hành vi siêu phàm; tạo ra những tài năng kiệt xuất.

Tương tác tâm thức là hiên tượng phổ biến ở con người, tuy nhiên độ đậm đặc rất khác nhau. Với những vĩ nhân, thi hào, văn hào, triết gia, nghệ sĩ sáng tác bậc thầy luôn có nồng độ tương tác tâm linh rất cao. Tiếp theo là những nhà ngoại cảm, người dự báo và những người có linh tính…

Tương tác tâm linh tương ứng với lực tương tác yếu (dùng từ yếu để phân biệt với tương tác mạnh), không phải nó là lực kém nhất của các lực tự nhiên trong mô hình chuẩn của vật lý. Tương tác yếu không “yếu” chút nào hết khi nó có thể làm phân rã một số nhân nguyên tử, phát tán neutrino (1), tạo ra ánh sáng của các định tinh. Như vậy chính nó, tương tác yếu, tạo ra ánh sáng mặt trời, nuôi sống bao sinh vật trên trái đất. Trong nhân sinh, Tương tác tâm thức tạo ra ánh sáng của tinh thần, hình thành văn minh và văn hóa của nhân loại như luân lý, đạo đức, mỹ học (cái đẹp… như khái niệm nêu trên. Sau đêm dài Trung cổ ở châu Âu, người ta gọi ngay sau đó là thời kỳ Ánh Sáng, vì tri thức và tâm thức được cởi trói.

Dù có vai trò cốt tử như vậy, phần lớn tương tác tâm thức phải cùng song hành với tương tác tri thức để tạo ra cặp hợp lực tương tác nhân sinh hoàn hảo. Hơn thế nữa, hai tương tác nhân sinh có tính vi mô trên, chỉ có ý nghĩa khi con người đứng vững trên bề mặt hành tinh xanh, và cùng tồn tại trong một cộng đồng nhân sinh. Do vậy, cần lý giải hai tương tác có tính vĩ mô của nhân sinh: tương tác tri thức và tương tác quyền lực:

3/Tương tác tri thức: Tri thức là hiểu biết, biết và hiểu bằng trực quan sinh động hoặc bằng nghiên cứu học tập. Tri thức là biết toàn thể lãnh vực hình thành văn minh của nhân loại và hiểu toàn bộ kiến thức tích lũy của loài người từ thượng cổ đến ngày nay. Đặc điểm của tương tác tri thức là thuộc tính cộng đồng, toàn xã hội mới lưu giữ đầy đủ tri thức của nhân loại.

Tương tác tri thức hình thành nền khoa học, công nghệ và các ngành có thuộc tính của duy lý, của suy luận. Không có tương tác tri thức, loài người không có nền văn minh vật chất. Con người không hưởng thụ được tiện nghi, phương tiện trong sinh hoạt hằng ngày, trong giao thông vận tải, trong truyền thông… nếu không có tương tác tri thức. Kỳ tích hơn nữa là làm biến đổi gien; thám hiểm vũ trụ; sử dụng tế bào gốc cứu các bệnh nhân v.v…

Tuy nhiên, tương tác tri thức luôn luôn được tương tác tâm thức tiếp ứng năng lượng, kể cả năng lượng từ vật chất tối dẫn đến những thành quả vượt bậc kỳ diệu.

Tương tác hấp dẫn (trọng trường) trong tự nhiên tạo ra trật tự cho mọi vật thể, từ thái dương hệ cho tới trên một hành tinh, không bị xáo trộn để dẫn đến hủy hoại lẫn nhau. Động vật được giữ chặt trên bề mặt trái đất, quả táo của Newton không thể bỗng dưng rơi ngược vào bầu trời. Mặt trăng không biến mất vào khoảng không vũ trụ. Nếu thân cây nhờ gốc có vô số rễ cắm vào lòng đất nên nó không bị hất tung lên không trung thì con người cũng có hàng tỷ cái rễ vô hình (mắt thường không thấy được), mỗi rễ là một hàng chuỗi hạt hạt hạ nguyên tử nối từ thân người tới tâm của trái đất. Do vậy những nhà vật lý đặt tên Graviton là hạt boson của tương tác hấp dẫn. Cũng một mô hình lực hấp dẫn đó, tương tác tri thức vận hành trong cộng đồng nhân sinh như trên đã nói.

Thế giới nhân sinh còn một tương tác nữa để tồn tại: tương tác quyền lực.

4/ Tương tác quyền lực:

Con người cô độc như Robinson Crusoe thì không cần bàn về tương tác quyền lực, tương tác quyền lực chỉ triển khai sức mạnh trong cộng đồng. Từ nguyên thủy các bộ tôc đã tổ chức sơ khai, luôn có người chỉ huy trong một nhóm người, bên cạnh đó có phái viên của thần linh, phù thủy của thời kỳ đa thần. Thế quyền trương nở dần lên thành bộ máy nhà nước, thần quyền chuyển hóa rộng lên thành tôn giáo, đó là hai biểu hiện nổi bật của tương tác quyền lực. Tương tác quyền lực còn vận hành ở những cộng đồng nhỏ hơn, từ gia đình đến các hội, đoàn dân sự.

Trong tự nhiên đối ứng với tương tác quyền lực là tương tác điện từ (3). Từ nhỏ đến già, con người ai cũng cảm nhận được quyền lực như thấy biết dòng điện, điện soi sáng và còn biết bao việc hữu ích cho con người. Nhà vật lý, còn biết rõ Tương tác điện từ cùng với những tương tác trong mô hình chuẩn, là những nhân tố cốt tử tạo ra môi trường thiên nhiên, nghĩa là tạo ra sự sống kỳ diệu.

Từ thượng cổ đến hiện đại, loài người có tương tác quyền lực mới mở rộng cộng đồng, mới tạo thành sức mạnh chống đỡ thiên tai, địch họa và những thế lực rình rập hủy hoại nhân sinh. Tuy nhiên quyền lực bao giờ cũng là con dao hai lưỡi. Giáo chủ và lãnh tụ anh minh luôn biết tôn trọng tương tác vi mô: bản năng và tâm thức, đồng nghĩa với tôn trọng tự do và quyền làm người của mỗi công dân và giáo dân. Không thể xóa sạch bản năng con người để biến họ thành người máy, cũng không thể nhồi sọ tri thức để nô dịch tư tưởng con người, dù nhân danh bất kỳ một thiên đàng nào. Như vậy là không cho những tương tác vận hành cùng lúc, vừa cầm chắc thất bại vừa biến thành tội đồ thiên cổ của nhân loại.

5/ Tương tác quy mô: Cộng đồng nhân sinh phải có số đông nhất định nào đó mới giúp cho những tương tác trên đây có tác dụng đáng kể. Tương tác quy mô trong nhân sinh là phản ánh tương tác trương nở với hạt Higgs trong tự nhiên (thiên nhiên) (5). Những nhà vật lý đã nhận thấy có hạt hạ nguyên tử tương tác với hạt Higgs trương nở gấp 40 lần; còn hạt ánh sáng (photon) khi tương tác với Higgs từ chỗ không khối lượng trở thành có khối lượng, trong hiện tượng siêu dẫn. Vì có khối lượng nên photon chỉ có thể di chuyển trong một khoảng cách ngắn nhất định, khác với tính chất của sóng. Ví dụ trong tương tác tri thức, nếu số ít nhận thức đúng không làm cộng đồng hành động đúng được, ít ra phải hơn 50% số người của cộng đồng.

Đến đây có thể kết luận: Hiện hữu là tương tác đầy đủ. Phải chăng những học thuyết giản lược chỉ nhấn mạnh một tương tác hoặc hai, ba tương tác đều hủy hoại nhân loại? Cụ thể như sau:

1/ Chỉ tương tác bản năng dẫn đến vô chính phủ, loài người trở thành bầy thú hoang dã;

2/ Chỉ tương tác tâm thức dẫn tới con người sống trong hang động, ở rẻo sâu, núi cao dần dần lụi tàn như loài khủng long;

3/ Chỉ tương tác tri thức dẫn đến sùng bái khoa học, công nghệ; dẫn đến các tà thuyết như chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa bành trướng, chạy đua vũ trang chế tạo bom hạt nhân, bom vi trùng… cuối cùng tự hủy diệt sinh vật và trái đất; loài người tự sát;

4/ Chỉ tương tác quyền lực dẫn đến sùng bái lãnh tụ, giáo chủ, trương nở tham vọng vô hạn; trương nở chủ nghĩa khủng bố; châm dầu vào lò lửa chiến tranh… cuối cùng xã hội là những trại lính, con người là những nô lệ ở địa ngục trần gian.

Mỗi tương tác nhân sinh đều cộng hưởng với nhau, đều là nhân tố hình thành hiện hữu của nhân loại, những nhân tố đều có vai trò ngang nhau, vị trí quan trọng như nhau. Nếu vì lý do nào đó, một nhân tố tương tác bị xem thường, lập tức xã hội bị xáo trộn gây đại loạn, làm con người khốn khổ, ly tán. Đừng bao giờ dùng lý trí can thiệp vào cách vận hành ngẫu nhiên của những nhân tố tương tác. Lịch sử loài người đã minh chứng biết bao trí tuệ tư duy theo kiểu thủ lợi mà ngỡ rằng đó là chân lý, gây tang tóc, khổ đau toàn cầu, cuối cùng những tà thuyết ấy đương nhiên sụp đổ. Tôn trọng tương tác nhân sinh là thái độ nhân bản nhất.

Phải chăng nên nói: “Tôi tương tác là tôi hiện hữu !”.

IV. Tính nhân bản bắt nguồn từ tương tác

Tính nhân bản luôn được đề cao trong cộng đồng người từ nguyên thủy đến ngày nay. Tuy nhiên, thời đại nào cũng ngỡ rằng do thánh nhân, giao chủ (được mặc khải của thượng đế) nêu ra những tiêu chí của nhân bản, và giáo huấn động vật người để trở thành loài người văn minh. Do vậy, tính nhân bản càng ngày càng xa rời nguôn gốc đích thực, mà bị vo tròn bóp méo từng lúc từng nơi theo ý muốn của nhóm lợi ích nào đó đang chi phối cộng đồng. Họ giải thích tính nhân bản rất tùy tiện, thậm chí đổi trắng thay đen bằng lý luận duy lý, gieo rắc tang thương cho cộng động người, bạo lực tràn lan vì nhân danh những tiêu chí “đạo lý” nào đó.

Tính nhân bản bắt nguồn từ tương tác tự nhiên và hoàn thiện dần trong tương tác nhân sinh.

Tính nhân bản hàng đầu là tình đồng loại, tình yêu có tính dục, tình yêu cùng huyết thống và tình yêu môi trường sống (thiên nhiên & sinh vật). Tất cả tình nêu trên đều có lực của tương tác mạnh, lực duy trì hạt nhân nguyên tử, cũng chính là tương tác bản năng, lực duy trì tồn tại cõi nhân sinh .(1)

Do vậy nếu chủ trương đàn áp, tiêu diệt một công đồng nào vì khác biệt tôn giáo, giai cấp, thành phần, tập quán và tư duy… sẽ dẫn tới hủy diệt các bên đối đầu, nghĩa là loài người tiêu vong. Tương tự bắn phá vào nhân nguyên tử để tạo ra vụ nổ bom hạt nhân, hậu quả thế nào nhân sinh đã nếm trải.

Tính nhân bản số một phải chăng là tình yêu, là từ bi, là sức mạnh hàng đầu cho cõi nhân sinh hiện hữu?

Tính nhân bản còn là hiện thể của tương tác yếu, tương tác tạo ra bức xạ mặt trời, tạo ra ánh sáng sưởi ấm hành tinh (2), ấy là lòng bao dung, tính vị tha. Tính nhân bản bao dung, vị tha là đặc trưng của tương tác tâm thức, không chỉ bình phẩm, phán xét bằng lý trí, bằng tri thức mà còn nhìn sự việc bằng trái tim, bằng tâm thức. Bao dung vì biết rằng mình chưa biết đầy đủ, chưa biết hết vì hệ quả nào cũng từ vô số hạt hạ nguyên tử hình thành, không chỉ xuất phát từ vũ trụ có trái đất này, mà còn bắt nguồn từ những vũ trụ song song, không chỉ từ vật chất mà kể cả phản vật chất nữa. Tương tác tâm thức tự ẩn chứa bao dung vì tầm nhìn xuyên vũ trụ, tầm nhìn ít ra của hàng chục tỷ năm ánh sáng, tầm nhìn toàn thể không giới hạn như cái nhìn toàn diện. Chỉ có tính nhân bản bao dung mới thật sự tử tế, thật sự lương thiện.
Tính nhân bản còn biểu hiện qua phát minh. Phát minh là thuộc tính của tương tác tri thức. Cộng đồng người tồn tại từ nguyên thủy đến ngày nay là nhờ trí óc không ngừng tiến bộ, từ thực tiễn rút ra khái niệm, từ khái niệm khái quát thành phạm trù, rồi quy luật, từ phân tích dẫn đến phán đoán, nâng lên chủ nghĩa duy lý. Mặc dù chủ nghĩa duy lý gặp nhiều hạn chế trong vấn đề nhân sinh và lịch sử xã hội, vẫn đóng góp lớn trong nền văn minh cơ khí, phát triển tiện nghi vật chất và khoa học thực nghiệm.(3)

Nếu tương tác hấp dẫn (trọng trường) giữ vững cho thiên hà, hệ thái dương trường tồn, thì tương tác tri thức mà đặc trưng là phát minh,từ công cụ thô sơ đến máy móc hiện đại, giúp loài người làm chủ trái đất như ngày nay. Vậy phát minh là tính nhân bản có tầm quan trọng suốt chiều dài lịch sử.

Bao giờ sức mạnh của tương tác cũng đều theo xu hướng tích cực, tuy nhiên nếu lỡ bước một đoạn đường sẽ sai lầm có tính hủy hoại. Tương tác bản năng tình ái rất tuyệt vời, nếu yêu với tính sở hữu cực đoan sẽ dẫn đến ghen tuông thù hận, và hậu quả có thể giết người. Mặc dù có tương tác bao dung kề cận, đôi khi cũng không kềm chế được sân si, kể cả tính giáo dục trong tương tác tri thức cũng bất lực trước kẻ mù quáng. Vì vậy cần có tương tác quyền lực đủ sức khống chế những tương tác sai đường kia, giữ các tương tác cân bằng thể hiện trong cộng đồng là tính nhân bản công bằng.(4)

Công bằng cũng là một đặc tính của chủ nghĩa nhân bản.

Tính nhân bản là còn phải thúc đẩycộng đồng và cá thể luôn tiến bộ. Tiến bộ là hiện thể của tương tác phát triển (5). Tuy nhiên phát triển có tính tiến bộ không phải là bành trướng. Một cây con lớn dần nhờ lá quang hợp và rễ hút dưỡng chất trong đất là phát triển tiến bộ, một con rắn nuốt một con rắn khác là bành trướng. Một bộ óc mở rộng kiến thức bằng nghiên cứu, học tập và tu luyện mới tiến bộ thật sự, trái lại bộ óc chỉ sao chép, ăn cắp phát minh, sáng chế là bành trướng.

Tiến bộ là tính nhân bản thứ năm xuất phát từ tương tác tự nhiên và tương tác nhân sinh.

Bài viết ngắn trên đây chỉ mang tính đề cương của Tương Tác Luận, còn cần phải phân tích và chứng minh trong nhiều lãnh vực nữa. Tuy vậy, đây là tri thức căn bản và tâm thức sơ khởi của Tương Tác Luận.

Trên hành tinh xanh cũng đang diễn ra hai quá trình phát triển: tiến bộ & bành trướng. Nhiều quốc gia tự nguyện hình thành cộng đồng, có hiến chương chung, tầm nhìn và hành động chung là phát triển tiến bộ. Còn quốc gia nào muốn phát triển bằng bạo lực, bằng vũ khí là bành trướng, bành trướng là hành động chủ quan ngược lại với tương tác nhân sinh nghĩa là chống lại sức mạnh của tương tác tự nhiên, mà vật lý hiện đại đã chứng minh qua khoa học thực nghiệm, không còn là những lời mặc khải , tiên tri từ hàng ngàn năm qua nữa.

Tóm lại, Tương Tác Luận có năm tính nhân bản: Tình yêu – Bao dungv- Phát minh – Công bằng. Tiến bộ bắt nguồn từ năm tương tác tự nhiên của thế giới hạ nguyên tử: Mạnh – Yếu – Hấp dẫn – Điện từ – Trương nở (hạt boson Higgs). Tương tác luận là triết học có luận cứ khoa học không phải siêu hình học.

Cốc Đạ B’Lao, Tết Ất Mùi-2015


Chú thích:

(1) Nếu trong vật chất, tương tác mạnh (a)) diễn ra trong nhân nguyên tử, do những hạt sứ giả gluon trói chặt nhân nguyên tử (1), tương ứng diễn ra trong nhân sinh là tương tác bản năng, chính bản năng sinh tồn làm con người hiện hữu, bản năng là nhân tố chính của tập quán, truyền thống, bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng người.
(2) Tương ứng với tương tác yếu (b) là tương tác tâm thức, do năng lượng tâm linh vượt qua nhiều vũ trụ khác nhau nên thoạt nhìn không được mạnh như tương tác bản năng, song chúng quyết định tài năng, bản lĩnh, thành tựu của con người tương tự như hạt sứ giả W và Z có vai trò quan trọng trong cấu tạo vũ trụ.
(3) Tương tác tri thức làm xã hội loài người đứng vững và phát triển khoa học, cũng như tương tác hấp dẫn giữ vật thể trên trái đất không bay vào khoảng không vô định, rộng hơn giữ cho hệ mặt trời bền vững, giữ cho các thiên hà tồn tại trong vũ trụ đang giản nở.
(4) Trong tự nhiên đối ứng với tương tác quyền lực là tương tác điện từ (. Từ nhỏ đến già , con người ai củng cảm nhận được quyền lực như thấy biết dòng điện, điện soi sáng và còn biết bao việc hữu ích cho con người.Nhà vật lý, còn biết rõ Tương tác điện từ cùng với những tương tác trong mô hình chuẩn, là những nhân tố cốt tử tạo ra môi trường thiên nhiên, nghĩa là tạo ra sự sống kỳ diệu.
Từ thượng cổ đến hiện đại, loài người có tương tác quyền lực mới mở rộng cộng đồng, mới tạo thành sức mạnh chống đỡ thiên tai, địch họa và những thế lực rinh rập hủy hoại nhân sinh.
(5) Tương tác quy mô trong nhân sinh là phản ánh tương tác trương nở với hạt Higgs trong tự nhiên (thiên nhiên),(5)Những nhà vật lý đã nhận thấy có hạt hạ nguyên tử tương tác với hạt Higgs trương nở gấp 40 lần; Cỏn hạt ánh sáng( photon) khi tương tác với Higgs tử chỗ không khối lượng trở thành có khối lượng, trong hiện tượng siêu dẫn. Vì có khối lượng nên photon chỉ có thể di chuyển trong một khoảng cách ngắn nhất định, khác với tính chất của sóng. Ví dụ trong tương tác tri thức, nếu số ít nhận thức đúng không làm cộng đồng hành động đúng được, ít ra phải hơn 50% số người của cộng đồng.
(những chú thích trên trích từ bài: “ Từ tương tác tự nhiên đến Tương Tác nhân sinh” của Triệu Từ Truyền) .