100 năm kịch nói Việt Nam – Trước mắt còn không ít cam go…

414

Như chúng ta đã biết, nghệ thuật Kịch nói được xuất hiện từ năm 1921, tính đến nay vừa tròn một trăm năm (1921 – 2021).

Theo các nhà nghiên cứu, buổi đầu, khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, một số Ban Kịch được thành lập do các văn nghệ sĩ yêu mến sân khấu kịch nói gồm một số diễn viên tài tử, một số tác giả, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… hoạt động chủ yếu tại Thủ đô Hà Nội và một vài thành phố lớn trên ba miền Bắc, Trung, Nam.

Nhưng phải ghi nhận rằng, chỉ phát triển một cách mạnh mẽ từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trải qua cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại trên miền Bắc – với một cột mốc rất quan trọng là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam được thành lập năm 1957.


Một cảnh trong vở kịch kinh điển “Chén thuốc độc” của Nhà hát kịch Việt Nam.

Và trong những năm tháng hòa bình đầu tiên ấy, nghệ thuật sân khấu đã ra đời với các thể loại kịch nói, chèo, tuồng, ca múa nhạc, cải lương, dân ca, xiếc, múa rối… đã đóng một cột mốc, làm nên một dấu son vẻ vang, tiếp nối chặng đường hoạt động của nền sân khấu dân tộc truyền thống Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm cùng lịch sử dựng nước và giữ nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đơn vị nghệ thuật lần lượt được thành lập và hoạt động trong ngôi nhà chung của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – trong đó có các đoàn nghệ thuật kịch nói – đã trở thành nền Kịch nói Việt Nam cho đến hôm nay…

Suốt 100 năm tồn tại, phát triển với không ít những khó khăn, thách thức, nghệ thuật kịch nói Việt Nam đã tạo nên một phong cách độc đáo, có diện mạo, bản sắc, phong cách riêng: Đậm đà cốt cách dân tộc, trữ tình, đằm thắm, nhưng lại bắt kịp những nét tiên tiến, hiện đại của các nền sân khấu tiên tiến trên thế giới.

Qua hàng ngàn tác phẩm lớn, nhỏ, nổi tiếng; từ các đề tài lịch sử, dân gian, dã sử, huyền thoại, nước ngoài… và nhất là các vở diễn đề tài đương đại của cuộc sống; đã làm nên những tác phẩm lớn, với những thành công nhất định, để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng công chúng yêu nghệ thuật kịch nói trên cả nước…

Nếu lấy cột mốc từ  năm 1921 đến nay, sân khấu kịch nói Việt Nam đã có tuổi đời tròn một thế kỷ. Khoảng thời gian ấy chỉ là một chớp mắt so với lịch sử- nhưng với loại hình nghệ thuật sân khấu – đó cũng là một chặng đường mà chúng ta đã có thời gian nhìn lại mình một cách công tâm, bình tĩnh, khách quan, để hướng tới tương lai với bao nhiêu khát vọng sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ kịch nói trong vòng 100 năm ấy.

Có thể nói, dù khó tính và khắt khe đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng – suốt 100 năm qua – nghệ thuật kịch nói Việt Nam đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường lịch sử của nghệ thuật sân khấu Việt Nam…

Nhưng, quá khứ bao giờ cũng ở phía sau lưng, cho dù đó là một quá khứ huy hoàng và chói lọi, mà không khéo, cái gánh nặng quá khứ nhiều khi làm cho mình khó cất nổi bước chân hơn để đi lên phía trước. Bởi, hình như hôm nay, tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu kịch nói đã có vẻ chững lại, giảm sút.


Các nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu Kịch nói Việt Nam.

Những “ông hoàng”, “bà chúa” của “thánh đường” sân khấu đã có vẻ không còn hấp dẫn khán giả, nhất là lớp khán giả trẻ. Và cũng bởi, hình như sự thiếu vắng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của hàng ngàn năm lịch sử, cận đại đến hiện đại mà nghệ thuật kịch nói chưa khắc họa, trình bày, để lý giải được một cách rực rỡ và cuốn hút với công chúng yêu mến nghệ thuật kịch nói…

Trước hết là vấn đề kịch bản – bởi có bột mới gột nên hồ, có tích mới dịch nên trò. Đã trên nửa thế kỷ qua, nếu tính từ năm 1954 đến nay, đội ngũ các tác giả tài năng đã có nhiều sáng tạo với không ít vở kịch có chất lượng nghệ thuật làm xao xuyến và lay động lòng người… Tuy nhiên, khoảng trên dưới một thập kỷ cho đến thời gian gần đây, hình như đã bắt đầu chững lại, kịch bản không có gì mới mẻ, cả về nội dung và hình thức, chưa đặt ra những vấn đề bức xúc của cuốc sống đương đại đầy biến động và phức tạp, đa chiều, cả những mặt tốt và mặt xấu trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Và vì thế, hình ảnh con người bằng xương, bằng thịt với những suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt, tình yêu, danh lợi, ước mơ, khát vọng… nghĩa là những gì cao thượng hay thấp hèn của các tính cách nhân vật đều mờ nhạt, đơn điệu, không để lại những ấn tượng sâu đậm trong trí nhớ khán giả. Một số tác phẩm đề tài dã sử, dân gian, huyền thoại, lịch sử, còn ít những tìm tòi độc đáo, mới lạ và hấp dẫn nên chưa vượt ra khỏi những đường mòn cũ, khuôn sáo.

Các  vở diễn về anh hùng dân tộc còn trùng lặp, khô cứng với nhiều mô típ cũ kỹ, thậm chí không trung thực với sự thực lịch sử, điều mà các nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận sân khấu đã và đang có ý kiến đề cập đến. Về mặt đội ngũ đạo diễn, không thể nói là không đông đảo – bởi hàng năm chúng ta vẫn đào tạo được không phải là ít – nhưng những người thực sự có tài và những gương mặt đạo diễn mới xuất hiện còn ít ỏi.

Đếm đi đếm lại cũng chỉ có một số đạo diễn vẫn sung sức, xông xáo, nhưng cũng chính vì vậy mà đã có những người đã bắt đầu lặp lại chính mình, bởi một lúc dàn dựng quá nhiều vở diễn, không thể nói là họ có đủ thời gian để tập trung cho sự tìm tòi, sáng tạo hiệu quả nhất.

Nếu nói kịch bản là khâu mở đầu quan trọng nhất và đạo diễn là người tổng chỉ huy và quyết định lớn đến thành công, thất bại một vở diễn, thì khâu diễn viên – nghệ sĩ biểu diễn là trung tâm của nghệ thuật sân khấu, và suốt trên nửa thế kỷ qua, không biết bao nhiêu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thuộc nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn đã để lại nhiều vai diễn nổi tiếng, đóng những dấu ấn lớn trong nghệ thuật kịch nói đương đại.

Vậy mà hôm nay, mặc dù lượng nghệ sĩ kế cận tuy có rất nhiều cố gắng, các diễn viên trẻ được đào tạo hàng năm ra trường đều đặn cho nghệ thuật kịch nói, nhưng rõ ràng “tay nghề” của các nghệ sĩ trẻ hôm nay vẫn cần được nâng cao thêm rất nhiều.

Với mỹ thuật, âm nhạc, mặc dù đã có những họa sĩ, nhạc sĩ tài năng – nhưng nói chung nhiều vở diễn vẫn còn ở dạng minh họa cho kịch bản và ý đồ đạo diễn. Nhất là thiết kế mỹ thuật, trong một điều kiện kỹ thuật và chất liệu cho sân khấu thiếu thốn, cũ kỹ, lạc hậu cả âm thanh và ánh sáng, càng khó có thể phát huy được hết những hiệu quả của nghệ thuật tạo hình trong việc tìm tòi, sáng tạo trên sân khấu…

Phải ghi nhận rằng, trong thành công chung trên cả chặng đường sáng tạo nghệ thuật kịch nói Việt Nam 100 năm qua – từ các tác giả kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, múa… cho đến nghệ thuật diễn xuất của các nghệ sĩ – đã làm nên một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh, tạo nên thương hiệu của nghệ thuật kịch nói Việt Nam: Sang trọng nhưng nền nã; hoành tráng, rực rỡ mà không lòe loẹt; dung dị nhưng không giản đơn; đậm đà bản sắc dân tộc nhưng không bảo thủ; hiện đại nhưng không lai căng; dữ dội nhưng lại rất đằm thắm, trữ tình – kết hợp được các yếu tố cách điệu, ước lệ, tượng trưng, gợi tả của sân khấu truyền thống với những thủ pháp sân khấu hiện đại của thế giới… nên đã đạt hiệu quả nghệ thuật cao, cũng như đã đạt nhiều giải thưởng tại các Hội diễn, Liên hoan sân khấu trong nước và Quốc tế….

Từ ngày thành lập đến nay (1957/2021), tròn 64 năm qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã quan tâm đến hoạt động của các nghệ sĩ sân khấu một cách đầy đủ, sát sao, cả trước mắt và lâu dài, một cách hiệu quả, thiết thực. Vì thế, Hội đã trở thành một môi trường hoạt động nghệ thuật sân khấu thực sự tình nghĩa, trách nhiệm và cởi mở trong sự đầu tư giúp đỡ chất xám và cả kinh phí… để các nghệ sĩ nói chung – trong đó có các nghệ sĩ kịch nói – mạnh mẽ và tự tin hơn trong sáng tạo nghệ thuật.

Tuy nhiên, để ngọn lửa sáng tạo ấy của nghệ thuật kịch nói Việt Nam ngày cáng cháy sáng hơn nữa khi bước vào năm thứ 101 của thế kỷ XXI, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, quan tâm hơn nữa đến nghệ thuật kịch nói trong bối cảnh mới, để tạo nên những diện mạo mới, đào tạo hình thành một đội ngũ thế hệ mới các tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, các nhà lý luận, phê bình… các nhà quản lý có nghề, tâm huyết; và nhất là một thế hệ các nghệ sĩ biểu diễn trẻ, để bước tiếp trên con đường sáng tạo đầy  cam go, thách thức vẫn đang  đón chờ phía trước; nhằm lấy lại niềm tin yêu của công chúng với nghệ thuật kịch nói, cũng như góp phần làm cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam bắt kịp những nền sân khấu tiên tiến, hiện đại trên thế giới!

Theo NSND Lê Huy Quang/VNCA