Mộc Miên
(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm 2021, văn hóa nghệ thuật nước nhà gánh chịu những nỗi đau to lớn khi các cuộc giã từ của giới nghệ sĩ cứ đột ngột tiếp nối nhau. Đặc biệt, sân khấu cải lương đã mất đi những trụ cột mang tính biểu tượng.
Bạch Mai – “nhành mai trắng” của sân khấu tuồng cổ
Nghệ sĩ Bạch Mai.
Tháng 8, đồng nghiệp và giới mộ điệu đau xót trước thông tin nghệ sĩ Bạch Mai qua đời. Bà rời xa cõi tạm ở tuổi 73, sau một thời gian ngắn nhập viện và điều trị Covid-19. Trong làng sân khấu miền Nam, giới mộ điệu từng ví nghệ sĩ như một nhành mai trắng hương sắc thanh tao.
Nghệ sĩ Bạch Mai là con gái của ông bà Ngọc Huỳnh, chủ gánh hát Thanh Bình – Kim Mai, nên từ nhỏ đã được cha mẹ nuôi dạy, động viên nối nghiệp gia đình. Khi mới 13-14 tuổi, bà nhanh chóng có được những vai đào thứ. Bước ngoặt đến với Bạch Mai năm 15 tuổi. Khi ấy, nghệ sĩ Năm Thài – ngôi sao của gánh – nghỉ hát, đúng vào đêm diễn tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài, không ai dám thay thế. Bạch Mai bèn xin cha mẹ cho bà được đóng vai Mạnh Lệ Quân để cứu nguy cho đoàn. Bất ngờ, vai diễn thành công ngoài sức tưởng tượng. Từ đó, Bạch Mai chuyên đảm trách các vai chính cho gánh hát của gia đình.
Năm 20 tuổi, để đáp ứng nhu cầu tạo nguồn kịch bản cho đoàn, đồng thời cung ứng cho đồng ấu Thanh Bình – Kim Mai, bà chính thức viết kịch bản. Ban đầu là những chặp cải lương ngắn, rồi ca cảnh, sau đó dựa theo lối hát cương của các nghệ sĩ tiền bối mà viết kịch bản. Vở đầu tiên bà viết và sau này là vai diễn để đời là “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”.
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất lừng lẫy, Bạch Mai còn là người thầy, sư phụ hết lòng truyền nghề cho thế hệ các nghệ sĩ cải lương như Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Kim Tiểu Long, Vũ Linh, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm…
Nữ nghệ sĩ đã phát hiện khả năng của NSƯT Ngọc Huyền khi cô mới 8 tuổi. Và cô thừa nhận nhờ sự dìu dắt của sư phụ mới có một Ngọc Huyền tỏa sáng những năm 1990.
Vốn xuất thân từ cải lương xã hội, Kim Tiểu Long cho biết anh hát được Hồ Quảng là nhờ nghệ sĩ Bạch Mai.
Sau này, khi cải lương thoái trào, nghệ sĩ Bạch Mai vẫn đau đáu với nghệ thuật. Bà kiên trì truyền nghề và giữ lửa cho lớp nghệ sĩ trẻ của đoàn Huỳnh Long, trong đó có con gái Bình Tinh.
Khi con trai – nghệ sĩ Chinh Nhân đột ngột qua đời đầu năm 2016, bà tìm đến Phật pháp để nguôi ngoai nỗi đau. Niềm an ủi cuối đời của Bạch Mai là con gái út Bình Tinh đã đủ mạnh mẽ, cứng cáp để thay mẹ lèo lái đoàn hát của gia tộc. Bình Tinh cho biết, mỗi khi dựng vở, sửa kịch bản, chị đều nhờ mẹ góp ý. “Khi ấy, tôi thấy đôi mắt mẹ ánh lên niềm hạnh phúc. Có lẽ, bà nhận ra con gái đã làm được điều gì đó để bà tự hào”, Bình Tinh từng nói.
Cố nghệ sĩ Bạch Mai bên con gái Bình Tinh.
Tang thương liên tục ập đến đoàn cải lương Huỳnh Long
Chỉ trong vòng 1 tháng, nỗi đau mất người thân liên tục giáng xuống gia đình Bình Tinh và đoàn cải lương Huỳnh Long. Trước khi mất, nghệ sĩ Bạch Mai đau lòng khi hai người em ruột của bà lần lượt qua đời. Em gái bà, nghệ sĩ phục trang Kim Phượng trút hơi thở cuối cùng hôm 25/7 cũng vì Covid-19. Ngày 8/8, em trai bà là nhạc sĩ Thanh Châu mất vì suy hô hấp.
Hình ảnh nghệ sĩ Bình Tinh đại diện cả nhà đến nhận tro cốt của người dì quá cố mà cô luôn xem như mẹ ruột khiến công chúng quặn lòng.
Nghệ sĩ Kim Phượng đã ra đi đột ngột vào 25/7 sau quãng thời gian điều trị Covid-19 nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình không thể đến gặp mặt lần cuối. Thi hài của cố nghệ sĩ được hỏa táng sau đó mới trao về cho gia đình.
Sau khoảng 2 tuần nghệ sĩ Kim Phượng mất, nghệ sĩ Bình Tinh đến nhận tro cốt và không kìm nổi cảm xúc đau đớn, cô đã bật khóc nức nở. Hình ảnh nữ nghệ sĩ vừa khóc vừa ôm chặt hũ tro cốt của “mẹ 9” vào lòng khiến ai trông thấy cũng xót xa, xúc động.
Em gái nghệ sĩ Bạch Mai – nghệ sĩ Kim Phượng.
Nghệ sĩ Kim Phượng sinh năm 1955. Thuở nhỏ, bà học diễn xuất từ các nghệ sĩ Đinh Bằng Phi, Năm Đồ…, khởi nghiệp là một diễn viên múa với nghệ danh Ngọc Hoa. Sau đó, bà có nhiều vai diễn trên sân khấu tuồng cổ Huỳnh Long. Bà cùng các chị em – nghệ sĩ Bạch Mai, Phượng Nga, Bạch Lan – trở thành bốn cô đào tài năng, góp phần làm nên thương hiệu Huỳnh Long. Thành công của loạt tác phẩm vang bóng một thời ở đoàn, như: Anh hùng bán than, Tình sử A Nàng, Xuân về trên đỉnh Mã Phi, Xử án Phi Giao, Thập tứ nữ anh hào… đều có bóng dáng Kim Phượng.
Chỉ sau 3 tuần nghệ sĩ Kim Phượng ra đi, Bình Tinh cùng gia tộc Huỳnh Long lại đau xót tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Châu – người cậu thứ 10 của cô. Ông mất tại bệnh viên sau thời gian ngắn điều trị bệnh suy hô hấp cấp, hưởng thọ 66 tuổi. Khác với các anh chị trong nhà đều theo nghề diễn hoặc phục trang như NS Bạch Mai, NS Thanh Bạch, NS Bạch Lan, NS Kim Phượng… cố nhạc sĩ lại quyết định chuyên tâm sáng tác nhạc tuồng, đệm đàn cho đoàn hát của gia tộc.
Nghệ sĩ Thanh Châu (bên phải).
Ai cũng biết rằng sinh ly tử biệt là điều khó tránh khỏi nhưng khi đối diện với nó, ai cũng không thể ngăn được cảm xúc đau lòng. Nhưng với trường hợp của Bình Tinh cũng như đoàn cải lương Huỳnh Long thì đã vượt qua mọi giới hạn của đau thương. Khi đến tháng 9 cùng năm, họ lại từ biệt một người con trong gia tộc – nghệ sĩ Thanh Linh.
Theo thông tin từ người nhà, nghệ sĩ Thanh Linh mắc bệnh tim, tiểu đường, huyết áp hơn hai năm qua. Đến đầu tháng 9, ông có triệu chứng khó thở và được người thân đưa vào Bệnh viện đa khoa quận 7 cấp cứu. Bác sĩ chuyên khoa đã cảnh báo với gia đình về nguy cơ bị đột quỵ vì phát hiện có một cục máu đông trong tim.
Sự ra đi của các nghệ sĩ không chỉ là nỗi đau khôn nguôi của riêng gia tộc Huỳnh Long mà còn là mất mát với những người yêu nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Sân khấu từ đây vắng bóng những người nghệ sĩ tài hoa.
Nghệ sĩ Thanh Linh là cậu út của Bình Tinh.
Sự ra đi của người cậu út – nghệ sĩ Thanh Linh – tiếp tục là nỗi đau không thể bù đắp đối với gia tộc Huỳnh Long và Bình Tinh. “Sở dĩ đến hôm nay gia đình mới báo tin là vì dồn dập quá nhiều tin buồn. Gần đến ngày tổ chức Lễ cầu siêu và cúng thất 49 ngày của mẹ tôi – nghệ sĩ Bạch Mai, gia đình mới báo tin này đến tất cả khán giả và đồng nghiệp” – nghệ sĩ Bình Tinh thông báo tin buồn về cậu.
Nghệ sĩ Thanh Linh (sinh năm 1958), là con trai của ông bầu Huỳnh Long. Đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ cố nghệ sĩ chuyên đóng các vai phụ thuộc “dàn bao” trên sân khấu Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Nghệ sĩ Thanh Linh tham gia nhiều vở như Xử án Phi Giao, Mặt trời đêm thế kỷ…
Nghệ sĩ Thanh Linh trải qua gần 5 thập kỷ gắn bó với sân khấu cải lương tuồng cổ. Ông được đồng nghiệp nhận xét hiền lành, hòa nhã.
Ngoài nghề diễn viên, ông còn yểm trợ đoàn nhà công việc hậu đài, soát vé, chỉ huy đêm diễn hoặc đơn thuần chỉ làm bảo vệ trật tự trong hậu trường.
Nam nghệ sĩ kết hôn với nghệ sĩ Xuân Thu (em út của cố NSND Thanh Tòng). Khi về già, cuộc sống của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Linh vất vả. Bình Tinh – cháu của nghệ sĩ Thanh Linh – đã thuê nhà và chu cấp một phần chi phí thuốc men, ăn uống hàng tháng cho cậu.
Cũng chỉ một thời gian ngắn sau, Đoàn cải lương Huỳnh Long nhận tin dữ khi nghệ sĩ Mỹ Lợi – người gắn bó với đoàn hơn 20 năm qua đời sau cơn đau tim.
Mỹ Lợi gắn bó với Đoàn cải lương Huỳnh Long trong suốt hai thập kỷ.
Nghệ sĩ Mỹ Lợi tên thật Võ Thị Mỹ Lợi, sinh năm 1964, là em gái của cố NSƯT Bửu Truyện và nghệ sĩ Bửu Khánh. Bà gắn bó với Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long hơn 20 năm, chuyên đóng các vai đào võ, đào mụ.
Các vai diễn nổi tiếng của bà là Đào Tam Xuân, Phàn Lê Huê, Thần nữ… Bà được các nữ nghệ sĩ của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long truyền nghề nên trong ca diễn có nhiều sáng tạo độc đáo. Bà còn được cố NSƯT Bửu Truyện và nghệ sĩ Bửu Khánh chỉ dạy, truyền nghề, để có thể đóng những vai diễn khó.
“Mẹ anh Điệp” trong vở cải lương Lan và Điệp giã biệt cõi tạm
Những ai mê cải lương đều biết đến vở “Lan và Điệp” của Loan Thảo do Hãng dĩa Việt Nam sản xuất năm 1974, trong đó nhân vật mẹ của Điệp do nghệ sĩ Kim Thủy thể hiện được yêu mến bởi giọng ca ngọt ngào truyền cảm.
Nghệ sĩ Kim Thủy.
Sự ra đi của nghệ sĩ Kim Thủy đã để lại nhiều thương tiếc cho đồng nghiệp và khán thính giả yêu thích cải lương. Bà nhiễm Covid-19 vào khoảng giữa tháng 10, phải nhập viện điều trị. Khi bệnh tình chuyển nặng, nghệ sĩ cải lương được chuyển qua bệnh viện khác và trút hơi thở cuối cùng tại đây.
Nghệ sĩ Kim Thủy đến với nghề hát từ sự phát hiện của soạn giả Loan Thảo – người đã giới thiệu bà thu âm vai bà Cử, mẹ của Điệp, trong tác phẩm “Lan và Điệp” cùng với các nghệ sĩ: Hữu Phước, Hùng Minh, Mai Lan, Tú Trinh, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ, bé Thành Tâm (tức NSƯT Thanh Lộc)… Kể từ đó, bà đã được nhiều đoàn cải lương mời ký hợp đồng biểu diễn.
Nhờ có giọng ca ngọt ngào, đằm thắm, Kim Thủy được nhiều nghệ sĩ trong nghề dìu dắt, sớm trở thành một nữ nghệ sĩ được nhiều hãng dĩa săn đón. Sau khi cải lương thất thế, bà cũng rời các đoàn hát. Năm 2007, sau nhiều năm vắng bóng, bà góp mặt trong vở Lan và Điệp tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Khi chồng qua đời hơn 10 năm trước, bà mở quán bánh xèo trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8) nuôi hai con gái khôn lớn.
NSƯT Minh Sang – giọng ca cải lương nổi tiếng miền Tây – qua đời ở tuổi 75 vì xuất huyết não
Theo di nguyện, nghệ sĩ Minh Sang muốn đám tang mình được tổ chức tại hậu cứ đoàn cải lương Hương Tràm – Cà Mau – nơi ông gắn bó với hoạt động nghệ thuật mấy chục năm trời cho đến khi về hưu.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết, nghệ sĩ Minh Sang bị đau đầu, gia đình đưa lên Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), được chẩn đoán bị xuất huyết não và mất vài ngày sau khi về nhà ở Cà Mau.
Nghệ sĩ Minh Sang là giọng ca cải lương nổi tiếng miền Tây.
Thuở sinh thời, NSƯT Minh Sang đã có nhiều cống hiến cho phim ảnh, sân khấu cải lương. Ông từng đứng chung sân khấu với nhiều nghệ sĩ như Mỹ Châu, Phương Bình, Lệ Thủy…
Từ cải lương, Minh Sang cũng bén duyên với phim ảnh, ông tham gia khoảng 14, 15 bộ phim như: Giọt đắng, Đời, Mùa hè xanh, Người di trú… Trong đó, vai diễn khiến khán giả nhớ đến nhiều nhất có lẽ là vai ông Diệp trong bộ phim Miền đất phúc.
Thanh Kim Huệ – “nàng Lan” huyền thoại của cải lương về với cát bụi
Thông tin Thanh Kim Huệ qua đời làm chùng lòng nhiều khán giả trong những ngày cuối năm. Trên mạng xã hội, nhiều người đăng lại các bản tân cổ gắn liền tên tuổi bà để tưởng niệm giọng ca gạo cội của cải lương miền Nam.
Di ảnh nghệ sĩ cải lương huyền thoại Thanh Kim Huệ.
NSƯT Thanh Kim Huệ qua đời lúc 13h50 ngày 23/12. Bà ra đi sau 6 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư.
Trong thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương, Thanh Kim Huệ được biết đến là nghệ sĩ có giọng ca lảnh lót, cao vút, mở đầu trào lưu nghệ sĩ ca hơi dài.
Nhắc đến Thanh Kim Huệ, khán giả không thể quên hình ảnh cô Lan trong Lan và Điệp, Thị Hến trong Ngao sò ốc hến, những bài tân cổ gắn liền với giới mộ điệu như Rước tình về với quê hương, Chợ mới, Tiếng chày trên sóc bom bo, Dệt chặng đường xuân.
Trong sự nghiệp, ngoài tuồng cổ, bà được khán giả hâm mộ với những bản tân cổ giao duyên.
Về tài ca diễn vọng cổ của Thanh Kim Huệ, nghệ sĩ Bạch Tuyết nói: “Một chất giọng ngọt, mượt mà, là lạ. Nghe Thanh Kim Huệ ca vọng cổ rất đã, rất hay và không hề vướng vào sự bi lụy. Một bài ca buồn, một nhân vật có số phận bi ai nhưng qua giọng ca Thanh Kim Huệ, qua cách cô xây dựng nhân vật, nỗi buồn nhè nhẹ nhưng thẳm sâu như chính con người của Huệ”.
M.M