Các bạn miền Tây chắc sẽ không lạ gì tôi đâu. Vỗ ngực một cái, tôi là cá Linh. Cá Linh có nghĩa là con cá có linh tính. Bởi cứ sau ngày giỗ Tổ mùng Năm tháng Năm mỗi năm, thì tất cả những con cá linh non sẽ bắt đầu thực hiện cuộc di cư cầu thực1 về hạ lưu2 sông Cửu Long. Đây là vừa là cuộc phiêu lưu, vừa là cuộc đi học để lớn khôn. Và đến ngày mùng Mười tháng Mười, khi đã trưởng thành và tốt nghiệp trường học sông Cửu Long, bọn tôi sẽ được thiên nhiên mách bảo để kéo bầy kéo đàn từ giã đồng ruộng hạ lưu, ra sông để trở về quê hương Biển Hồ. Suốt hàng nghìn năm qua, bất kể thời tiết, dòng chảy có thay đổi, gia tộc chúng tôi vẫn đúng hẹn không sai chút nào.
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng
Tôi cũng là một thằng cá linh không ngoại lệ, được ba mẹ sinh ra cùng với gần năm chục ngàn người anh em khác, trong một dề lục bình trôi. Khi chúng tôi được năm ngày tuổi, ba mẹ sẽ dắt chúng tôi đi ăn giỗ Tổ. Đây cũng là dịp tất cả các con cá linh gặp nhau, nghe ông Linh Tía trưởng tộc dặn dò, ăn uống no say rồi lên đường đi học:
– Những đứa cá linh con năm nay sắp bước vào cuộc di cư theo dòng Mê Kông trôi xuôi. Mỗi đứa cá con hãy ngậm lấy một hạt phù sa, các con xuôi dòng chia nhau đến những nơi đồng bãi mà đắp hạt phù sa lại đó để cho đất đai màu mỡ. Đó là cách trả ơn của dòng họ Linh chúng ta.
Nói xong, mỗi đứa cá linh đớp ngay một hạt phù sa bé tẹo. Ngó qua ngó lại thì chỗ ổ ông Linh Tía đã hóa thành một lòng chảo. Ông nói, không sao, nay mai nước đẩy đất cát lấp đầy.
***
Đêm trăng tròn tháng năm trên cửa sông lớn mênh mông bất tận. Ông Linh Tía uốn mình lại rồi thổi ra một tràn kèn xuất phát. Chúng tôi đập đuôi cúi chào quê hương rồi lũ lượt theo con nước đổ, lên đường. Tôi yếu hơn các bạn, nên bơi theo con nước đục được một đoạn thì bị lạc mất, chỉ nhớ rằng ba mẹ dặn mình phải tìm đến Láng Sen để học. Nhưng lúc này không thấy đâu anh em đồng đội, tôi chỉ còn biết nương theo con nước đỏ ngầu, vừa bơi vừa nghĩ ngợi rất nhiều. Rồi tôi biết đi đâu bây giờ? Cứ mỗi lần đi ngang những ngã ba vàm kinh, tôi lại thấy hoang mang tột độ. Không khác gì bạn đi lạc trên những ngã đường, mà không biết lối nào phía trước là đến nhà. Chợt lúc ấy tôi nhớ đến lời ba, con đường ở trong miệng chúng ta. Khi lạc đường, con hãy mở miệng hỏi, thì con đường sẽ hiện ngay ra.
Tôi giật mình, nguẩy đuôi một cái tỉnh táo. Đúng rồi, tại sao mình lại không hỏi đường chứ? Tôi vui mừng bơi thật nhanh về phía trước. Không quá xa thì chợt thấy một bạn cá đang bơi ngược. Bạn ấy khoảng tuổi như tôi, thân mình bận một bộ đồ đen có những đốm tròn màu vàng sặc sỡ. Tôi cất lời chào hỏi:
– Bạn cá ơi? Cho tôi hỏi thăm, lối nào thì đến Láng Sen vậy bạn?
Bạn cá không trả lời ngay, cậu ấy bơi quanh tôi với một vẻ tò mò rất lạ. Ngửi ngửi đánh mùi, rồi nghĩ ngợi điều gì đó hồi lâu, bạn cá nói:
– À, vậy bạn theo tôi, tôi sẽ dắt bạn đi đến Láng Sen.
Tôi vui mừng khôn xiết: “Cảm ơn bạn nha! Bạn thật sự là một loài cá tốt bụng”.
– Đừng theo nó, Linh Ống! Nó là thằng cá Nóc Mít con đó. – Có một giọng nói từ phía ngọn dừa ngã xuống sông, vọng về phía tôi. Nghe gọi, tôi chợt dừng lại. Ngó về phía tiếng vọng, tôi thấy một cái gì đó như trái bóng, phập phồng theo con nước. Phía giữa trái bóng màu là mấy cái chân càng nho nhỏ, ngoe nguẩy không thôi. Bạn cá lại gần, lấy vây đẩy tôi mau nhanh trôi về phía trước.
Tôi phân vân một chút thì bạn cá quay mặt về phía trái bóng, giọng thay đổi hung hăng:
– Liên quan gì mày hả, con Tôm Bọc kia.
Thái độ bạn cá sừng sộ, đôi mắt đỏ ngầu, miệng lộ ra hai hàm răng sắt nhọn. Tôi biết mối nguy hiểm đang đến gần. Dùng hết sức có được, tôi tung một phát bơi mất tăm vào đáy sông, vùi mình sâu vào lớp phù sa, làm tung ra đục ngầu bùn đất.
Một chút lâu, khi thấy đã yên, tôi bơi lên thì không thấy Nóc Mít đâu nữa. Bơi lại phía trái bóng, lúc này tôi mới thấy rõ đó không phải trái bóng, mà là cái bọc ni lông. Một bạn Tôm bị dính vào đó. Bạn Tôm từ tốn nói:
– Thằng hồi nảy là đàn em trong băng Nóc Mít. Nó là giang hồ ở khu này. Bình thường nó teo lại y hệt như một con cá với bộ dạng hiền từ và áo quần sặc sỡ. Nhưng khi đụng chuyện, nó sẽ lộ ra là một quả bóng da tròn trịa với cái miệng có đôi hàm răng sắc nhọn hung hăng. Bọn nó không sợ trời không sợ đất, đến con người, bọn nó còn dám cắn cho đứt thịt.
Tôi chợt thấy lành lạnh sống lưng, xuýt nữa là mình đã thành mồi nhắm của tụi Nóc kia rồi. Tôi nhìn kỹ bạn Tôm, bạn bị một cái bọc bao vây, quấn chặt. Tôi hỏi nhỏ:
– Bạn Tôm, bạn sao thế này?
Tôm xoa xoa hai cái càng vào đôi mắt, giọng cậu ấy nghèn nghẹn:
– Hồi tôi mới được năm ngày tuổi, trong một lần đi kiếm ăn, tôi bị một cái bọc ni lông ai đó quăng dưới lòng sông, trôi lờ lững chụp tới. Sóng xô cái bọc trôi nhanh quá, tôi không kịp chạy nên cái bọc cuốn lấy tôi như người ta quăng chài lưới vậy. Tôi càng cố vùng vẫy thì lại càng vị dính sâu hơn vào cái bọc, cố lắm tôi mới làm thủng được một cái lỗ nhỏ để đưa đôi càng ra ngoài. Cái bọc trôi trong nước. Tôi quơ được gì thì ăn đó, đến một ngày bị mắc vào nhánh dừa. Không biết rồi tôi sẽ ra sao…
Bạn Tôm nói, bùi ngùi làm sao. Tôi cố cắn vào cái bọc, nhưng vẫn không cách nào làm thủng được. Bạn Tôm nói với tôi:
– Bạn đừng cố cắn, không làm gì được đâu. Bạn hãy nấp vào ngọn dừa, bọn thằng Nóc Mít thế nào cũng sẽ kéo bầy đến đây. Bạn hãy nấp nhanh đi.
Nói xong, Tôm lấy càng quơ quơ. Đúng lúc đó bọn Nóc Mít cũng đang lù lù tới. Tôi lẫn nhanh vào đọt cây dừa ngã. Những lá dừa chằng chịt như một khu rừng, tụi Nóc khó mà nhìn thấy. Từ kẽ lá, tôi thấy bọn nó đông đến hàng chục con, có những con to gấp mấy chục lần tôi. Miệng bọn Nóc Mít há to, lộ ra hàm răng bén nhọn vô cùng. Trong bầy Nóc, có con hiện nguyên hình là quả bóng tròn vo. Chúng nó hò hét nhau, lấy đuôi đập vào cái bọc. Có con còn lấy cả thân mình như quả bóng, từ xa dập vào chỗ của bạn Tôm. Không nghe Tôm lên tiếng, nhưng tôi biết bạn ấy đang nguy hiểm vô cùng.
Sau một hồi dập “con mồi” tả tơi, thằng cá Nóc to nhất bầy nói:
– Tụi bây coi tao đây!
Thằng Nóc Mít đầu đàng nhe hàm răng sắt nhọn như lưỡi cưa, rồi nhanh như chớp, xẹt qua xẹt lại những đòn đánh như múa gươm vào chỗ bạn Tôm. Phù sa bùn đất bốc lên nghi ngút. Bọn nó cười ha hả rồi bỏ đi, có đứa nói rằng: “Xong phim một em nhiều chuyện!”
Tôi thấy tim mình đập mạnh, run lên trong đám lá dừa. Cố trấn an mình cho tới khi nước lắng xuống, tôi thấy cái bọc tả tơi. Chầm chậm dò xét thấy đã yên, tôi mò ra phía chỗ bạn Tôm. Cái bọc rách nát xẹp lép, tôi bơi vào bên cạnh. Tôm vừa rên rỉ vừa nhìn tôi. Một cái càng của cậu ấy bị bọn Nóc cắn đứt lìa. Cậu đang cụp đôi mắt lại vì đau:
– Tôm, Tôm, bạn thấy trong người thế nào Tôm?
Tôm mở mắt, nhìn tôi rồi cậu ấy chợt cười:
– Không sao đâu Linh Ống ạ! Trong cái rủi có cái may. Trong lúc tôi tưởng mình sẽ chết trong cái bọc thì cũng nhờ bọn Nóc này mà tôi được tự do.
– Tôm vừa nói vừa nhăn mặt, sự đau đớn lộ rõ ở dấu hiệu đầu cậu teo tóp lại rồi lại phì nở ra, rồi teo tóp lại, liên tục.
– Nhưng tụi Nóc quá ác, tụi nó cắn đứt lìa cái càng của bạn.
Tôm lấy cái càng còn lại huơ huơ:
– Không sao, không sao. Không có sự tự do nào mà không có hy sinh. Không sao đâu. Linh thoát nạn, tôi được tự do, có phải là chúng ta đã “lời” hay không.
Những ngày tá túc ở đọt dừa ngã, tôi bơi đi tìm thức ăn về cho Tôm. Cậu ăn nhiều hết biết. Nhưng trong ánh mắt, tôi vẫn thấy sự ngượng ngùng của cậu:
– Không sao đâu Tôm ạ! Bạn cứ ăn để mau khỏe. Tôi có thể tìm thức ăn cho bạn mà.
Tôm nhìn tôi xúc động:
– Nhưng bạn không thể cứ mãi ở đây chăm lo cho tôi. Bạn còn phải tìm anh em mình, rồi còn phải vào đồng kiếm ăn để lớn nhanh trở về nữa mà Linh.
Vậy là một bữa đem thức ăn về đọt dừa, tôi không thấy Tôm Bọc đâu cả. Tìm mãi suốt mấy hôm, vẫn không nghe thấy tung tích gì về cậu ấy. Đến một buổi sáng sau khi thức dậy, thì tôi thấy mấy dòng thư được viết trên tấm lá dừa: “Linh, nếu cậu thực sự biết ơn cứu mạng của tôi, cậu hãy đi tìm anh em mình, rồi thực hiện sứ mệnh. Không có sự trả ơn nào tốt hơn là cậu phải sống trưởng thành và có ích”.
Tôi bần thần rất lâu, rồi khắc vào lá mấy chữ “Cảm ơn Tôm, hẹn gặp lại bạn ngày trở về!”. Bơi đi, ngoái nhìn lại mấy lần mà vẫn không thấy Tôm đâu. Đến khi bơi đi xa rồi, lòng vẫn khôn nguôi cảm giác Tôm Bọc vẫn còn đâu đó nơi đám lá dừa. Cậu ấy đang nhìn tôi và mỉm cười đầy hy vọng!
***
Theo con nước, tôi trôi. Dọc đường là lũ lượt những bầy cá linh đang di cư tìm nơi có nhiều thức ăn để sinh trưởng. Tôi đi theo một bầy cá linh đông có đến hàng triệu thành viên. Họ nói rằng, đời cá linh di cư nào cũng phải vượt qua những thử thách, cũng như trẻ con đi học, phải qua nhiều lớp thì mới trưởng thành. Một trong những thử thách khắc nghiệt nhất của chúng tôi là “bài kiểm tra” mang tên Vàm Nao8. Một bạn cá Linh Cám đi gần tôi nói, đứa cá nào vượt qua được đoạn ngã ba sông Vàm Nao dữ tợn này, thì kể như nó đã vượt qua được một phần hai của hành trình. Bởi đoạn sông này nước chảy xoáy theo vòng cung rất dữ. Cách đó cả chục cây số vẫn còn nghe tiếng nước rít bên tai. Đó là chưa kể Vàm Nao có nhiều loài cá to lớn vô cùng. Đó là chưa kể đến ông Năm Chèo?
Tôi thắc mắc:
– Ông Năm Chèo là ai á bạn?
– Đó là một ông cá Sấu có tới tận năm cái chân và chín cái lỗ mũi. Năm xưa ông quậy lẫy lừng, đến con người cũng còn phải sợ. Con người phải cầu cứu đến Đức Phật. Nghe tới Đức Phật, ông Sấu Năm Chèo hoảng sợ nên trốn dưới sông Vàm Nao, nằm im ru, không dám ho một tiếng nào. Năm này qua tháng nọ, nằm im lặng ăn năn, ông tự nhận ra chính mình và quyết chí tu hành. Nhờ công đức tu thân, mà ông Sấu không phải động đậy đi kiếm ăn, cứ nằm một chỗ há miệng đó. Những đứa cá nào hỗn láo, quậy phá thì khi đi ngang đoạn sông này tự khắc bị ông nuốt vào bụng. Ông Năm Chèo vì vậy là lớn nhanh, lớn đến mấy cây số.
Điều bạn cá Linh Cám nói, dấy lên trong tôi sự tò mò, muốn biết ông cá Sấu Năm Chèo ra sao, mà tôi cũng vừa muốn gặp ông để hỏi, “những thằng cá Nóc chuyên ăn hiếp cá và người, thì ông tính sổ tụi nó thế nào?”. Bạn Linh Cám có vẻ cảm động, suy nghĩ gì lâu lắm, nói nhỏ với tôi: “Bạn này, nếu bạn có thể xuống được tới nơi gặp ông Năm Chèo, đâu bạn hỏi thử coi khi nào thì cá linh nhà chúng ta sẽ không bị con người giăng lưới điện bắt nữa?”. Tôi thấy câu hỏi của bạn ấy thật là chí lý. Tôi gật đầu đồng ý, rồi thẳng tiến bơi nhanh. Một chút nữa thôi, tôi sẽ đến chỗ ông Năm Chèo.
***
Ngó thấy sự phập phồng của con nước, tôi biết ngay ông cá Sấu thần này đang thở những hơi đều đều, lòng mong sao ông đang… ngủ. Vẫy vây chia tay bạn Linh Cám, tôi hít đầy một hơi thở, bắt đầu lặn một hơi chầm chậm xuống đáy sông. Chỗ này thật lạ, hình như có một dãi hang động âm u, con nước cứ vào ra khôn xiếc. Thì ra con nước đẩy đã làm tôi lạc đến đây là mũi của ông Sấu. Bỗng dưng có tiếng gầm lớn, những mảnh phù sao rơi như thác đổ, dòng nước đục ngầu không thấy đâu là đâu:
– Nhóc con, tìm ta để làm gì?
Thì ra đó là giọng của ông Sấu Năm Chèo. Tôi cố đẩy những dòng nước đục để hy vọng nhìn ông rõ hơn. Hồi lâu, nước mới dần trong lại. Tôi cố giữ bình tĩnh bơi quanh tròng mắt ông Năm. Định thần hồi lâu tôi mới dám cất tiếng chào hỏi lễ phép:
– Cháu chào ông Năm ạ! – Nói xong rất lâu, tôi vẫn không nghe thấy tiếng ông Sấu trả lời, mặc dù đôi mắt ông vẫn mở nhìn tôi.
– Ông thần thông quảng đại10, xin cho cháu hỏi. Bao giờ thì cá linh tụi cháu không còn bị lưới điện con người giết chết nữa ạ?
Ông Sấu vẫn im lặng không nói lời nào, tôi phải lập lại ba bốn lần thì ông mới trả lời:
– Ta không thể trả lời được.
Tôi lại hỏi:
– Vì sao ông không trả lời được?
– Bởi vì ta đang tu, không nói nhiều điều.
– Vậy ông nói cho cháu nghe một điều ấy thôi ông. Một thì đâu có gọi là nhiều.
– Không được, cháu đi kiếm ăn tiếp đi, nước sắp đứng rồi đó.
– Nhưng ông là thần mà, sao ông không nói được.
– Ta nói cháu đi chỗ khác, để ta tu.
– Ông nói cho cháu nghe đi ông, xong rồi ông hả tu.
– Cháu lu bu quá.
– Cháu không có tu nên cháu lu bu, ông tu mà sao ông cũng lu bu với cháu làm gì.
Tôi đang sôi máu đôi co thì bỗng nghe một tiếng “ù” rất lớn. Khi hoàng hồn tỉnh táo thì thấy mình đang ở trong một cái hang. Phía lưng là miệng vực thẳm đỏ ngầu không thôi sôi lên những âm thanh kỳ quái, hai bên và phía trước là những lưỡi cưa dựng ngược to tướng và bén ngót, lạ kỳ.
***
Vẫn chưa khám phá được chỗ mới thì có một luồng gió đẩy tôi ra phía dòng sông khá xa. Ở nơi xa nhìn lại, tôi thấy một ông cá chép to ơi là to. Ông ấy mỉm cười nói với tôi, lộ ra cái miệng móm ngồ ngộ. Giọng của ông bị ngọng, cố gắng lắm mới nghe và hiểu rõ được lời ông nói:
– Ta là cá Hô, không phải cá Chép!
Ông Hô có một đôi mắt tròn xoe và hiền từ. Nhưng với dáng vẻ to quá khổ, ông làm tôi hơi sợ. Tôi bơi lùi một chút:
– Cháu thấy ta lạ chứ gì. Ta tên Hô, hồi xưa thì có hô thật, nhưng trong một lần bị câu trúng, ta đã cố gắng vùng vẫy thoát thân. Thế là bị đứt phăng cái môi trên, nên hóa ra ta móm. Ta không ăn thịt cháu đâu. Ban nảy cháu bị lão cá Sấu táp hụt, xíu nữa thì đã vô miệng lão ấy.
Tôi thấy những chiếc vảy trên mình rung lên bần bật. Quả thật lúc này khi nghĩ lại, tôi mới thấy mình bất kính với ông Sấu. Tôi thấy mình hối hận vô cùng. Hối hận vì nói chuyện ngang tàng với ông Sấu (nhưng không xấu). Hối hận hơn nữa, là mình lại không biết trời cao đất dày, biết đâu lỡ ông ấy xấu thật, thì có phải đi toi mạng hay không.
Ông cá Hô cứ nhìn tôi mãi, như lâu lắm rồi ông mới thấy được một đứa cá dễ thương như vầy. Ông nói:
– Lâu rồi ta không có bạn, nay gặp cháu, ta bỗng thấy như gặp người bạn từ lâu lắm rồi.
Tôi bỗng thấy tự hào về mình đến mức muốn nở bung cả mũi:
– Nhưng sao ông không bơi đi tìm bạn, cháu nghĩ bạn ở quanh đây sẽ nhiều mà.
– Ta không dám bơi đi xa, cũng không dám bơi lên cao. Con người họ thèm thuồng ta lắm. Có đến hơn chục chiếc ghe cào muốn nát khúc sông này chỉ để tìm bắt cho được đích danh ta. Ta mà nổi lên nơi nào, chắc chắn họ sẽ săn tìm quanh nơi đó hàng năm trời, quyết bắt cho bằng được. Lưới giăng đầy, ta không thể đi đâu được ngoài cái hang động sâu hút và bí mật bên hông của lão Sấu Năm Chèo.
Tôi thấy sự tự do của ông cá Hô cũng khác gì đang bị con người neo rộng10 đó. Có gì buồn hơn khi mình đang được tự do nhưng mình không dám tự do. Cũng có gì buồn hơn là già nua mà không có người thân bè bạn.
– Cháu sẽ ở lại đây làm bạn với ông.
– Không được đâu. Cháu còn mang sứ mệnh của mình. Cháu phải thực hiện cho được chuyến di cư này đó, biết hông. Ta sẽ phá lệ, đưa cháu qua khúc sông dữ này. Mùa này người ta giăng lưới cá linh nhiều lắm, chưa kể trước con nước quay này, cháu khó lòng mà qua được ải Vàm Nao.
Tôi ngoan ngoãn chui vào miệng ông cá Hô, thấy như chui vào một cái hang động bất khả chiến bại. Suy nghĩ mông lung bao điều, tôi đâu biết rằng với thân hình vạm vỡ, ông cá Hô đã đưa tôi vượt qua bao vòng nước xoáy, mà chắc gì một ngàn con cá Linh bơi, có được mấy đứa vượt qua nơi đó được.
Ông mở miệng ra ở một nơi nước lạ lẫm, rồi lùi ra xa xa để tôi và ông đều thấy nhau trọn vẹn. Ông nói, như vậy mới gọi là công bằng. Tôi hỏi ông, công bằng là sao ông? Ông cá Hô trả lời rằng, công bằng là khi kẻ lớn nhường cho kẻ bé, để họ được bằng nhau.
Ông cá Hô nhìn tôi rất lâu, một cái nhìn âu yếm. Tôi cũng nhìn ông để khắc ghi lại hình ảnh người bạn già yêu mến đã dạy mình nhiều bài học trên chuyến hành trình khó quên này. Ông nói: “Chuyến đi của cháu còn dài, cháu hãy cố gắng vượt qua những thử thách, để khi về ta sẽ lại gặp cháu nơi đây. Nhưng lúc ấy ta không cho cháu quá giang một đoạn đâu. Vì cháu đã lớn khôn, cháu sẽ bơi cùng ta!”.
Tôi lại phiêu lưu trên dòng sông khác của tôi, nơi ấy ông cá Hô to lớn đang bơi song song với một thằng cá Linh Ống trưởng thành. Cả hai cùng bơi cùng nhìn ngắm vạn vật sống công bằng với nhau. Và chắc chắn là chúng tôi không còn nỗi ám ảnh truyền kiếp về những mẻ lưới bất ngờ!
Lúc đó lòng tôi buồn lắm, nhưng tôi phải mạnh mẽ. Tôi không được phụ lòng cứu giúp của ông cá Hô. Ông là con cá lớn hiền từ nhất mà tôi biết. Tôi sẽ nhớ mãi về ông, và nhất định sẽ quay về thăm ông. Và khi ngẩng cao đầu từ giã ông bạn già của mình, tôi đi không ngoái lại, dẫu biết rằng khi tôi đã bơi rất xa, rất xa, ông vẫn còn ở đó nhìn theo. Hành trình phía trước tôi còn dài, còn dài… Tôi phải mạnh mẽ để đi tiếp và quay về kể tiếp cho bạn nghe nốt cuộc phiêu lưu đầy thú vị của mình!
LÊ QUANG TRẠNG/VANVN