Vụ bê bối bắt đầu ngày 13 tháng mười 2008, khi tạp chí Respekt, một ấn phẩm báo chí nghiêm chỉnh của Cộng hòa Séc, đăng ở trang đầu Bản ghi nhận ký ngày 14 tháng ba 1950, liên quan đến Milan Kundera, sinh năm 1929, nhà văn Pháp lừng danh gốc Tiệp.
Nhà văn Milan Kundera
Hai ngày tiếp theo, các cơ quan truyền thông chủ yếu của nước này tiếp tục công bố “Bản triệu tập Milan Kundera ra Tòa án Lịch sử”. Hệ thống báo chí truyền thông toàn cầu vào cuộc ngay.
Vụ việc được quốc tế hóa và chưa biết khi nào có hồi kết. Đáng ngạc nhiên, “Bản án tử hình công cộng một tác giả bậc thầy” được tung lên mạng từ 12 tháng mười, bởi chính Viện nghiên cứu các chế độ độc tài của CH Séc, chủ sở hữu những hồ sơ tương tự.
Hiện tại, nó chấn động không chỉ giới văn bút ở Séc, quê hương của Kundera, và Cộng hòa Pháp, Tổ quốc thứ hai của văn hào.
Công chúng văn chương và vô số dân thường tại nhiều quốc gia tập trung nghe ngóng và khám phá những bí mật của vụ việc gần 60 năm trước và cuộc đời và văn nghiệp của Mila Kundera, một nghịch lý văn chương kỳ lạ nhất thế kỷ.
Việc làm trắng đen rõ ràng Bản ghi nhận gây sốc, theo đó, Kundera lừng lẫy thực chất là một tên chỉ điểm tầm thường, sẽ giải mã tối ưu những bí ẩn của một con người cực kỳ kín đáo, của một cây bút bản lĩnh mà mỗi tác phẩm là một sự kiện văn học quy mô toàn cầu.
Milan Kundera, mà người ta đề cử cho Nobel nhiều lần, vẫn được truyền tụng là nhà văn đương đại số một của Cộng hòa Séc. Một đôi lớp trẻ hiện tại của Séc không biết mấy về ông.
Bây giờ, “Bản tố cáo ông tố giác bạn bè” đang “phanh phui” theo yêu cầu của hàng ngàn vạn thanh thiếu niên Séc quá khứ và hiện tại. Ông chào đời ở Brno, Mondavia, Tiệp khắc cũ, trong một gia đình mà nghệ thuật và văn hóa chiếm ưu thế.
Cha ông, một nhà nghiên cứu âm nhạc kiêm tay chơi dương cầm gạo cội, truyền thụ cho ông tình yêu nghệ thuật và nhiều kiến thức âm nhạc quan trọng. Nhờ vậy, ông chơi giỏi piano.
Về sau, khi ông bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản và bị hất ra đường, ngón đàn điêu luyện giúp ông không chết đói và lụn bại. Chính quyền công nông được thiết lập tại Tiệp Khắc cũ năm 1948.
Năm đó, ông bắt đầu học văn chương và mỹ thuật ở Đại học Nghệ thuật. Song ông bỏ dở và chuyển sang Đại học Điện ảnh Praha. Tốt nghiệp năm 1952, ông bị quy kết “chống đối” và bị hoạn nạn như nói trên.
Năm 1956, ông được Nhà trường thu hồi trở lại, nhưng đến 1970, thì bị gạt bỏ vĩnh viễn. Xin lưu ý, ông không chống Đảng cũng như chính quyền. Song phương pháp tư duy và sáng tác của ông bộc lộ trong văn chương bị coi là “cổ vũ lật đổ” và gây cho ông nhiều rắc rối.
Năm 1953, ông cho ra mắt tập thơ Con người, khu vườn mênh mông, không giấu giếm nỗi lo ngại về những ấu trĩ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Năm 1955, vở kịch Tháng năm cuối cùng của ông xúc động đông đảo khán giả vì nó ca ngợi thuyết phục Julius Fucik, anh hùng chống phát xít để lại câu nói bất hủ: “Hỡi nhân loại, tôi yêu tất cả mọi người. Hãy cảnh giác !”. Năm 1958, truyện ngắn giá trị đầu tiên của ông ra đời.
Đấu tranh cho tự do và độc lập của văn hóa, ông mất việc ở Đại học Điện ảnh Praha như đã đề cập. Từ đó, các tác phẩm của ông bị rút khỏi các hiệu sách và thư viện. Ông không được xuất bản gì nữa. Tuy nhiên uy tín một nghệ sỹ ngôn từ cự phách được quảng đại dân thường quý trọng đã giữ được an toàn cho ông.
Năm 1975, ông cùng vợ được phép rời Tiệp khắc, tới Pháp giảng dạy văn chương trong một số trường đại học. Năm 1979, quốc tịch Tiệp của ông bị tước bỏ.
Nhân đọc vài bản dịch tiếng Pháp các tác phẩm của mình, ông buồn nản về việc người dịch vô tình xuyên tạc và giết chết những đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau.
Năm 1981, ông được nhập quốc tịch Pháp. Vốn sành sỏi ngôn ngữ của Hugo, Balzac, Flaubert và Aragon, ông quyết định sáng tác bằng tiếng nói của các bậc tiền bối mà ông ngưỡng mộ.
Từ đầu những năm 1990 cho đến nay, ông chỉ viết bằng tiếng Pháp. Có điều, ông kỹ tính có lẽ còn hơn tác giả Bà Bovary, thai nghén, thể hiện, sửa chữa tác phẩm cẩn thận đến sốt ruột.
Ông thường xem lại bản thảo đã hoàn chỉnh vài năm rồi mới cho ấn hành. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông mới cống hiến cho bạn đọc muôn phương 10 cuốn tự sự, 3 vở kịch, 4 tập tiểu luận và 2 tập thơ. Song, hiếm cây bút như ông, sành điệu cả trong lý thuyết lẫn thực hành.
Với ông, “văn học tác động vô bờ đến cuộc sống”, “tiểu thuyết xé toạc tấm màn thần kỳ treo trước nhân loại”, “nhà tiểu thuyết không phải đầy tớ của các nhà lịch sử”, “vai trò của nhà tiểu thuyết là diễn giải, chất vấn, viết lại lịch sử, cho nó hiện ra chân thực và sâu sắc hơn nhiều”…
Những phát hiện nhân tình thế thái của ông mỗi độ một thời sự. Đấy ví như, do chỉ sống có một lần, người ta thích sống nhẹ nhõm, càng ít trách nhiệm càng hay, và coi mọi chuyện đều là phù phiếm, dễ chấp nhận và cho qua. Thế nhưng, một trò đùa vô tâm có thể làm điêu đứng không chỉ một thân phận.
Trong lời tựa của tiểu thuyết Đùa, 1967, ông viết thật chí lý: “Tất cả sẽ bị quên đi, nhưng không gì vãn hồi nổi”. Ông không xưng tụng sự tiêu vong của thế giới và chiến thắng của quyền con người, mà lại công kích văn minh phương Tây và bảo vệ các dân tộc nhược tiểu. Lập trường kiên định ấy của ông giờ đây đang buộc ông phải trả giá?
Không ít chuyên gia khẳng định Bản ghi nhận 1950 còn nhằm “đánh” ông ở một chuyện buồn. Thực tế, ông luôn nặng lòng với quê cha đất tổ. Văn chương của ông hiện nay vẫn thấm đẫm chất Séc muôn thuở. Song đồng bào của ông giờ đây rất ít được đọc sách của ông, ngoài một số tác phẩm ban đầu viết bằng tiếng mẹ đẻ.
Ông không muốn cho người khác dịch tác phẩm của ông ra tiếng Tiệp. Do vậy, mới đây, ông phiền lòng vì cuốn Căn cước, 1997, được dịch lậu sang ngôn ngữ quê hương và lưu truyền thoải mái trên mạng.
Công chúng Séc bắt đầu “giành lại” ông như vậy đó. Song đôi nhà nghiên cứu cho rằng chừng một trăm năm nữa, dân Séc mới được thưởng thức những áng văn hay nhất của ông.
Thực ra, ông hiểu chỉ ông mới chuyển ngữ thành công tác phẩm của mình, nhưng ông quá bận. Đầu năm nay, một đoàn kịch Séc muốn công diễn một vở kịch của ông thời sinh viên tưởng thất lạc mãi mãi.
Ông không chịu, rồi yêu cầu vở kịch phải đạo diễn do ông chỉ định dàn dựng. Vở kịch được phục vụ khán giả Séc từ cuối tháng 9.2008 như một kiệt tác kinh điển.
Chính giới Séc đánh giá cao những ý kiến của ông về nơi chôn nhau cắt rốn. Ông cũng băn khoăn về chuyện trở về. Song chuyện ấy xem ra vẫn xa vời vợi.
Người ta tức giận và tìm cách thóa mạ ông bằng vụ tung hê quá khứ chẳng sạch sẽ gì của ông? Theo Bản tố tội nói ở đầu bài, Milan Kundera có một bạn gái sinh viên tên là Iva Militka.
Militka tình cờ gặp lại bạn trai Miroslav Dvoracek. Qua câu chuyện, Miltka biết Dvoracek trốn đi tị nạn tại Đức từ lâu, giờ anh làm việc cho tình báo Mỹ và về Tiệp thu thập thông tin cho chủ. Militka hứa cho Dvoracek qua đêm trong phòng ký túc xá của cô để tránh nguy hiểm cho bạn.
Cô báo cho người yêu Miroslav Dlask, bạn của Kundera, đêm đó đừng tới như thường lệ. Dlask nói lại với Kundera và Kundera đi báo cảnh sát. Cảnh sát chờ sẵn và khi Dvoracek về phòng, Militka phải tra tay ngay vào còng.
Dvoracek bị kết tội phản quốc, suýt bị tử hình, may được giảm xuống 22 năm khổ sai. Thụ án 13 năm ở một mỏ quặng, Dvoracek được thả, đến định cư ở Thụy Điển.
Được hỏi về Biên bản chết người đang ầm ỹ, qua vợ ông, Dvoracek đã 80 tuổi cho hay dĩ nhiên ông bị tố giác, song ai làm việc ấy giờ không còn ý nghĩa gì. Cộng hòa Pháp, CH Séc và Milan Kundera đều bị sốc.
Nhà văn từ mấy chục năm “cạch hẳn” phỏng vấn, liền chủ động nói điện thoại với Hãng tin CTK của Séc, khẳng định ông không liên quan gì tới vụ Dvoracek và cho đó là một âm mưu “ám sát” ông về tinh thần.
Dư luận Séc và Pháp mỗi ngày một sôi nổi. Người bán tin bán nghi, kẻ thẳng thừng bác bỏ Bản ghi nhận kỳ quặc. Một nhà sử học Séc già cả đang nằm viện, khẳng định chính bạn tình Miroslav Dlask hiện là chồng của Militka đã tố cáo Dvoracek.
Một cuộc điều tra tính xác thực của văn bản lạ lùng đã mở. Nhiều câu hỏi đang được công luận đặt ra. Ví dụ, Milan Kundera không phải một người cuồng tín, vậy ông lập công chuộc tội để làm gì? Hay ông muốn giúp bạn Miroslav Dlask? Song nếu vì ghen, Miroslav Dlask tự đi báo cảnh sát mới hợp logic?…
Theo Từ Bình Tâm/ Báo Tiền Phong