Tọa đàm “Nhà thơ Lê Thị Kim: Sâu thẳm tình đầy”

325

Sáng ngày 19/10, tại trụ sở Liên hiệp Các Hội VH-NT TPHCM, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm về cuộc đời và tác phẩm của nữ nhà thơ Lê Thị Kim với chủ đề “Sâu thẳm tình đầy”.

Đến dự buổi tọa đàm có nhà văn Bích Ngân, Uỷ viên BTV Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhà thơ Phan Hoàng, Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Vanvn.vn, nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó chủ tịch Liên hiệp Các Hội VH-NT TPHCM, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội cùng các Uỷ viên Ban Chấp hành: Bùi Phan Thảo, Huệ Triệu, Phùng Hiệu. Về phía Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM có các nhà văn, nhà thơ: Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Lại Văn Long, Phan Trung Tín, Trần Mai Hường…  Buổi tọa đàm còn có sự có mặt tham dự của các nhà văn tỉnh bạn, gồm: Nhà thơ Trúc Linh Lan, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ – Chi hội trưởng chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP. Cần Thơ, cùng hai nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết và Vương Thị Nguyệt Quế; Nhà thơ Song Hảo, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Long cùng đông đảo các bạn bè đồng nghiệp và người yêu thơ đến tham dự.

Nhà thơ Huệ Triệu, Trưởng Ban Nhà văn nữ cùng các thành viên tặng hoa chúc mừng nhà thơ Lê Thị Kim

Buổi tọa đàm diễn ra trong không trí trang trọng, ấm áp và nghĩa tình. Đây cũng là dịp để Hội Nhà văn TPHCM tri ân một nhà thơ tài hoa đã có nhiều đóng góp với các hoạt động của hội trong những thập niên qua.

Nhà thơ, họa sĩ Lê Thị Kim tên thật là Lê Thị Ngà, sinh năm 1950, tại Thanh Hóa trong một gia đình gia giáo, coi trọng học hành. Tố chất nghệ sĩ của người cha đã ảnh hưởng rất nhiều đến chị trong những sáng tác thi ca lẫn hội hoạ. Chị là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn TPHCM từ năm 1980, Uỷ Viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM qua 3 nhiệm kỳ, là nhà thơ nữ duy nhất trong nhóm ca khúc của Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong quá trình sáng tác, đến nay chị đã xuất bản 4 tập thơ và hàng trăm tác phẩm hội họa. Nhà thơ Lê Thị Kim được xem như một gương mặt tiêu biểu của văn chương TP.HCM trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất. Chị có sức ảnh hưởng không nhỏ đến đồng nghiệp và công chúng, nhờ lối sống năng động, sáng tạo và đôn hậu của chị

Nhà văn Bích Ngân, Uỷ viên BTV Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại mở màn tọa đàm

“Lê Thị Kim, một nhà thơ mà sự hiện diện của chị đối với đồng nghiệp và người yêu thơ, trước hết là từ những bài thơ chông chênh da diết của chị, nhưng có lẽ không chỉ có thơ ca mà còn bởi chị có một trái tim dịu dàng của một người mẹ, một người tình… Nghĩa tình trong thơ, trong tranh và nghĩa tình nơi nhà thơ, họa sĩ Lê Thị Kim dành cho người thân, gia đình, bè bạn, cho cuộc đời, đặc biệt là những cảnh đời khó khăn cơ nhỡ… dường như mỗi ngày lại đầy thêm ngay cả trong hoàn cảnh gieo neo đau yếu mà chị đang chống chọi để vượt qua”, Nhà văn Bích Ngân chia sẻ.

Nhà thơ Trúc Linh Lan cùng các nhà văn Cần Thơ đến dự và chúc mừng tác giả

Nhận xét về tác giả, đánh giá về tác phẩm của nhà thơ Lê Thị Kim, nhà LL-PB Lê Thiếu Nhơn khẳng định: “Nữ sĩ Lê Thị Kim không đột phá kỹ thuật để thích ứng trào lưu cách tân, cũng không đưa ra thông điệp dữ dội để hòa nhịp ý thức nữ quyền. Nữ sĩ Lê Thị Kim vẫn tuân thủ vần điệu nhịp nhàng của thơ Việt truyền thống, lấy sự dịu dàng làm bệ phóng, lấy sự bao dung làm gia vị… Không dễ đánh giá trọn vẹn về những đóng góp nghệ thuật của nữ sĩ Lê Thị Kim. Bởi lẽ, khi nhìn nữ sĩ Lê Thị Kim phía thi ca lại thấy chị lấp lánh phía mỹ thuật, còn khi nhìn nữ sĩ Lê Thị Kim phía mỹ thuật lại thấy chị lung linh phía thi ca”.

Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ Lê Thị Kim.

 Nhà văn Lại Văn Long chia sẻ, không nhiều người biết rằng bên cạnh những thành công rực rỡ về nghệ thuật, khoa học hay kinh doanh, Lê Thị Kim là một số phận chịu nhiều thử thách. Người phụ nữ xinh xắn, nhỏ nhẹ, khiêm nhường… với những sáng tác thơ lẫn họa tưởng chừng mong manh ấy lại có ý chí vượt khó đáng khâm phục, một Lê Thị Kim sâu thẳm tình đầy.

Nhà thơ Lương Minh Cừ ủng hộ mua bức tranh với giá 500 USD

Còn theo nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, những bức tranh của Lê Thị Kim đã mở ra cánh cửa đưa người xem bước vào một cõi riêng của chị, nơi luôn hiện hữu những dáng hình, khuôn mặt thiếu nữ đã từ lúc nào gây nên ấn tượng và in dấu vào trí nhớ của mỗi người.

Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM cùng các thành viên Chi Hội nhà văn Việt Nam tại TPHCM chụp hình lưu niệm cùng tác giả

Đồng nghiệp và bạn đọc biết đến Lê Thị Kim không chỉ là một nhà thơ nữ tên tuổi với những bài thơ dịu dàng, da diết, đằm thắm, làm say đắm bao thế hệ bạn đọc, mà chị còn là một họa sĩ tài hoa. Đến nay gia tài tranh của chị có trên dưới 500 bức, với nhiều chất liệu và thể loại. Chị đã hai lần được mời tham gia cuộc triển lãm tranh ở Mỹ. Tại Việt Nam chị đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh, trong đó phải kể đến cuộc triển lãm tranh cùng với con trai Nguyễn Trọng Hiếu, với chủ đề “Âm thanh từ lồng ngực trái”. Trong cuộc triển lãm tranh đó, số tiền thu được từ bán tranh (khoảng 200 triệu), hai mẹ con chị đã dùng vào công việc từ thiện, như trao quỹ học bổng, giúp các bệnh nhân, các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Là nhà thơ, họa sĩ nhưng Lê Thị Kim luôn quan tâm đến công tác thiện nguyện, chị đã dành thời gian cho công việc này trong nhiều năm qua. Trái tim đa cảm của một người thơ  dễ khóc, dễ cười dễ cảm thông chia sẻ ấy luôn rung lên những nhịp gấp của một tấm lòng nhân văn, đôn hậu.

Tại buổi tọa đàm này, nhà thơ Lê Thị Kim đã thu về gần 60 triệu đồng từ việc bán tranh và sách do một số bạn bè đồng nghiệp mua ủng hộ bằng tấm lòng yêu mến và trân quý chị. Số tiền này được chị trích ra 20 triệu trao tặng nhà thơ Nguyễn Đông Thức và 10 triệu trao tặng Qũy các nhà văn nghèo bệnh tật.

Phùng Hiệu