90 năm trước, Hà Nội nơi đầu tiên ra mắt lối thơ mới với bài ‘Tình già’

336

Trong dư luận công chúng Việt Nam, việc nền thơ mới tiếng Việt hiện đại là kết quả vận động phát triển của phong trào thơ mới, 1932-1945, – là điều đã được thừa nhận.

Trong giới sáng tác và phê bình nghiên cứu Việt Nam, nói khác đi là trong làng văn người Việt, sự kiện được coi là đánh dấu điểm khởi phát phong trào thơ mới, – chính là việc tác gia Phan Khôi công bố bài báo Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, trong đó nêu quy tắc duy nhất của “lối thơ mới” là chỉ yêu cầu sự hiện diện của vần, ngoài ra không có bất cứ quy tắc nào về số từ trong mỗi câu thơ, số câu thơ trong mỗi bài thơ; và bài thơ Tình già của chính tác giả được đưa ra trong bài báo như ví dụ cho lối thơ mới.

Bài báo phát động thơ mới đó được đăng sớm nhất trên Tập văn mùa xuân Đông tây, một đặc san Tết của tuần báo Đông tây, khi ấy được coi là tờ báo của tuổi trẻ đất Bắc.

Theo mô tả của Thư viện quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội) thì ấn phẩm này in tại nhà in Tân Dân, dày 24 trang, khổ 32 cm. Các bài chính trong ấn phẩm là của Văn Tôi (tức Hoàng Tích Chu), Ngym (bút danh của một họa sĩ), Nhị Lang, Phan Khôi, Trúc Đỳnh, Vi Huyền Đắc, Vũ Bằng, Thượng Minh, Tương Huyền, Ngẫu Trì, Đặng Trọng Duyệt, Đại Thanh, thơ của Nam Hương, Đạm Quang. Bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi in ở hai trang 6 và 7; ngoài ra có lẽ ông còn có một bài nữa, ký tắt là K., viết về nỗ lực của nhà cầm quyền và ngành hàng không Pháp nhằm mở đường bay từ Marseille đến Hà Nội.

Đặc san Tập văn mùa xuân Đông tây được xuất bản vào ngày nào? Tiếc là trên bản in không có ngày tháng xác định. Bìa 1 in hai màu, có mấy dòng chữ Pháp viết tay trên bản nộp lưu chiểu của chủ nhiệm Hoàng Tích Chu chỉ ghi số bản in (Tirage: 2000 exemplaires) và ký tên. Ở chân trang bìa 1 có mấy chữ in: “Tập văn mùa xuân này xuất bản đầu năm Nhâm Thìn”; sắp chữ “năm Nhâm Thìn” rõ ràng là sai (tuy in sai nhưng không dám bỏ bìa in màu chăng?) nên ngay chân trang bìa 2 có khung nhỏ in lời cải chính: “Tập văn mùa xuân này xuất bản đầu năm Nhâm Thân 1932 chứ không phải đầu năm Nhâm Thìn như đã in lầm ở bìa vậy. Nay cải chính”!

Người ta biết, ngày mồng 1 tết Nhâm Thân là ngày 6/2/1932 (dương lịch); các loại báo tết, giai phẩm xuân thường phải được phát hành trước Tết chừng một tháng, ít ra cũng vài tuần. Vậy Tập văn mùa xuân của báo Đông tây chắc hẳn được phát hành trước tết một tuần; tạm coi như được phát hành từ 1/2/1932, nếu không phải là còn sớm hơn nữa.

Chính vì được đăng tải trước tết, nên ngay sau tuần nghỉ tết, trên báo chí Hà Nội đã thấy có phản xạ của dư luận đối với việc Phan Khôi phát động thơ mới. Tác giả Thượng Minh có bài Đôi lời về lối thơ mới của Phan Khôi (Đông tây, 17/2/1932). Và Phan Khôi cũng kịp gửi bài đáp lại: “Về lối thơ mới sau bài Tình già: Vừa mở ra đã có người lo cột lại” (Đông tây, 12/3/1932).

Ở phía Nam, bài báo Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi đăng tuần báo Phụ nữ tân văn số 122 (10/3/1932), muộn hơn một tháng so với thời điểm phát hành Tập văn mùa xuân của báo Đông tây ngoài Bắc. Ngoài ra, bản đăng Phụ nữ tân văn bài này lại bị kiểm duyệt cắt bỏ một vài đoạn, so với bản đăng Tập văn mùa xuân Đông tây.

Cho đến năm 1935, trên tờ Tân thiếu niên (s.3, ngày 16/2/1935) ở Hà Nội, hai tác giả Nguyễn Xuân Huy và T.K. còn ghi nhận: “Năm 1932, trong Tập văn mùa xuân của báo Đông tây, ông Phan Khôi có đem ‘trình chánh’ trong làng thơ một lối thơ phỏng theo lối ‘thơ tự do’ của văn học Pháp, không hạn chữ không hạn câu, mệnh danh là ‘thơ mới’. Ông Phan đưa ra một bài làm mẫu, bài ‘Tình già’…”.

Diện mạo vụ việc ở báo chí đương thời là như thế, và sẽ không có gì đáng để căn lại thật chính xác về thời gian nếu nó không đi vào văn học sử!

Bởi vì, khi nhà phê bình Hoài Thanh, hồi 1940-1941, sống ở Huế, đang làm một tuyển tập để vinh danh phong trào thơ mới (tuyển này sẽ được hai soạn giả Hoài Thanh, Hoài Chân đặt tên là Thi nhân Việt Nam 1932-1941), Hoài Thanh lại chỉ biết bài báo kể trên của Phan Khôi đăng Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, chứ không biết đến bản đăng Tập văn mùa xuân Đông tây! Ông coi phong trào thơ mới là “một cuộc cách mệnh về thi ca”, và coi bài báo Phan Khôi đem trình trước làng thơ Việt “một lối thơ mới” với ví dụ là bài Tình già như là điểm khởi đầu “nhóm lên” cuộc “cách mệnh thi ca” kia!

Một ý tưởng vinh danh rất đáng đồng tình. Có điều, khi tính thời gian xuất hiện bài báo, Hoài Thanh lại ghi ngày 10 Mars 1932, tức là thời gian xuất bản Phụ nữ tân văn số 122; trong khi lẽ ra phải tính từ thời điểm phát hành đặc san Tập văn mùa xuân Đông tây, tức là từ đầu tháng 2/1932.

Điều đáng tiếc là, các sách có tính cách văn học sử về sau, ví dụ Nhà văn hiện đại (1941-1943) của Vũ Ngọc Phan, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1965) của Phạm Thế Ngũ, Phê bình văn học thế hệ 1932 (1972) của Thanh Lãng, v.v… khi mô tả sự thành hình nền thơ mới tiếng Việt, đều lặp lại sự mô tả của Hoài Thanh, lấy bài báo đề xướng “một lối thơ mới” với ví dụ là bài thơ Tình già của Phan Khôi đăng Phụ nữ tân văn xuất bản tại Sài Gòn ngày 10 Mars 1932 làm dấu mốc!

Càng đáng tiếc hơn nữa là, tuy đặc san Tập văn mùa xuân Đông tây đã được tìm thấy từ 2006 (tôi và nhóm sinh viên của giảng viên Phạm Xuân Thạch/ khoa Văn học, ĐHXH-NVQG Hà Nội/ cùng tìm thấy tại ô phich Thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi, Hà Nội; tôi đã mượn và chụp ảnh toàn bộ đặc san này), đã có những bài báo đính chính sự việc. Song dường như dư luận phê bình nghiên cứu trong ngoài nước vẫn chưa tiếp nhận thông tin này, vẫn sử dụng thời điểm ngày 10/3/1932 cho bài báo Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ trong đó có bài thơ Tình già!

Thiết nghĩ, sự xuất hiện bài báo kể trên của Phan Khôi đã trở thành một sự kiện văn học sử; bởi vậy, các giới nhà văn, nhà báo, nhà phê bình và công chúng văn học nên được thông tin thật rõ về điểm khởi đầu thật sự của phong trào thơ mới, gắn với việc xuất hiện bài báo Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi.

Đã gần tròn thế kỷ tính từ khi xuất hiện cái phong trào đã làm thay đổi căn bản diện mạo nền thi ca tiếng Việt hiện đại, điểm khởi đầu của sự kiện càng cần được đánh dấu chính xác, bởi đây là một dấu mốc văn học sử!

Tháng Mười Hai năm 2021

______

Phụ Lục

Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ

Mới đây, tôi có được gặp ông Phạm Quỳnh ở Sài Gòn. Trong khi nói chuyện, ông nhắc đến mấy bài Trúc chi từ của tôi đã làm trên sông Hương khi gặp người bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc mới về; ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết, ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó thì hơn.

Lời khuyên của ông Phạm đó, dầu là lời nói dỡn đi nữa, với tôi, tôi cũng phải nhìn là có ý nghĩa. Nhưng sau khi nghe lời ấy, tôi chỉ có thể gật đầu mà làm thinh, không dám vội vàng tỏ ra mình đã vui lòng lãnh giáo. Vì con người ta mà muốn thay đổi cách sinh hoạt về tinh thần, lại còn khó hơn chánh phủ thay đổi cái chế độ giáo dục hay chế độ nấu rượu nữa, không phải việc chơi đâu mà hấp tấp.

Duy có vì nghe lời ông đó mà tôi nhớ sực lại sự làm thơ. Thật, cái động cơ viết bài này là chính ở mấy lời của ông.

Ông Phạm bảo tôi nên lấy lại cái thái độ ngâm thơ hồi trước, trong đó tỏ ra rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay là đã đổi cái thái độ ấy đi, nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Mà quả thế, gần mười năm nay tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.

Trước kia tôi dầu không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Trần Tuấn Khải, song ít ra trong một năm, tôi cũng có được dăm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng Nôm. Mà dăm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được. Vậy mà gần mười năm nay mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, kể cũng như là không có.

Xin thú thật với mấy ông thợ thơ. Không có, không phải tại tôi không muốn làm hay không thèm làm, nhưng tại tôi làm không được!

Vậy thì hiện nay, đừng nói tôi không chịu nhận lời khuyên của ông Phạm, dầu cho tôi nhận đi nữa, mà tôi không còn làm thơ được, thì ông mới xử trí cho tôi làm sao? Đó, chính cái vấn đề ở đó rồi.

Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân của tôi là lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức!

Duy tân đi! Cải lương đi! À, có rồi chứ có phải không đâu. Thí dụ như bài thơ:

Dân quạ đình công

…………………….. (1)

Bài ấy của tôi đã đăng trong Đông Pháp thời báo năm 1928, được nhiều người hoan nghênh, kể cũng đáng cho là một ngôi sao chổi giữa trời thơ! Cho đến ngày nay tôi đọc lại vẫn còn nhìn là được, nhưng thích thì tôi không thích.

Đại phàm thơ là để tả cảnh, tự tình, mà hoặc tình hoặc cảnh cũng phải quý cho chơn. Lối thơ cũ của ta, ngũ ngôn hay thất ngôn, tuyệt cú hay luật thể thì nó bị câu thúc quá. Mà dầu có phóng ra theo lối thất cổ, như bài Dân quạ đình công đây, cũng vẫn còn bị câu thúc. Hễ bị câu thúc thì nó mất cái chơn đi, không mất hết cũng mất già nửa phần.

Tôi nhìn thấy trong thơ ta có một điều đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nấy. Cứ rủ nhau khen hay thì nó là hay, chớ nếu lột tận xương ra mà xem, thì chẳng biết cái hay ở đâu. Như bài Dân quạ đình công đó, chỉ nhờ có đem việc đình công là một việc mới ra mà tả, việc ấy lại hiệp với … người đời nay thành thử người ta ưa, chớ coi kỹ thì nó cũ quá, thiệt tình chẳng phải hay gì.

Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là: Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như:

Tình già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,

 Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

− “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”

− “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi!

Đó là bài thơ tôi làm trước đây vài tháng, mà tôi kêu là một lối thơ mới đó. Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới; mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới đem ra mà trình chánh giữa làng thơ.

Chẳng phải tôi là người thứ nhứt làm ra việc nầy. Hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng đã có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại.

Tôi dại gì lại đi theo cái dấu xe đã úp? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một nơi đế đô mà cái vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa; nhưng tôi tin rằng sau này có người sẽ làm như tôi mà thành công.

Phan Khôi

Nguồn: Tập văn mùa xuân. Báo Đông tây xuất bản, Hà Nội, Tết Nhâm Thân 1932, tr. 6-7.

(1) Bài báo để chấm lửng chứ không in kèm bài thơ. Dưới đây là toàn văn bài thơ Dân quạ đình công của C.D. (Chương Dân tức Phan Khôi) đăng Phụ trương văn chương của Đông Pháp thời báo số 726 (2/6/1928):

Mồng bảy tháng Bảy năm Canh Thân,

Chiếu lệ bắc cầu sang sông Ngân.

Hằng hà sa số cu li quạ,

Bay bổng về trời dường trảy quân.

Hai bên bờ sông đậu lóc ngóc,

Con thì kêu đói, con kêu nhọc.

Đường sá xa xuôi việc nặng nề,

Phần lũ con thơ ở nhà khóc.

Bỗng nghe lệnh Trời truyền khởi công,

Nào con đầu cúi, con lưng cong,

Thêm thầy huyện Bẻo đứng coi việc,

Đụng đâu đánh đó như bao bông.

Ngán cho cái kiếp làm dân thiệt!

Làm có, ăn không, chết chó chết!

Cắn cỏ kêu Trời, Trời chẳng nghe,

Một con bay lên đứng diễn thuyết:

“Hỡi đồng bào, nghe tôi nói đây!

Dân quyền thạnh nhứt là đời nay,

Việc mà chẳng phải việc công ích,

Không ai có phép đem dân đày.

Trối kệ Hoàng Ngưu với Chức Nữ,

Qua được thì qua, không thì chớ;

Quốc dân Ô Thước tội tình gì,

Mà bắt xâu bơi làm khổ sở?

Anh em ta hè, về quách thôi! “

Luôn thể kéo nhau vào cửa trời,

Động trống đăng văn ầm đế tọa,

Ngai vàng bệ ngọc rung rinh, rơi.

Có tin dân quạ nổi cách mệnh:

Trời sai thiên lôi ra thám thính,

Đầu đen máu đỏ quyết hi sinh.

Ngừng búa, thiên lôi không dám đánh.

Tức thì chiếu Trời vạch mây ra,

Đánh chữ đại xá Trời ban tha;

Dân quạ ở đâu về ở đó.

Từ nay khỏi bắc cầu Ngân Hà.

Ờ té ra:

Mềm thì ai cũng nuốt,

Cứng thì Trời cũng nhả!

Hằng hà sa số cu li quạ,

Bay về hạ giới kêu “khá khá”.

(2) Bản đăng bài báo này trên Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn (s.122, ngày 10/3/1932) bị kiểm duyệt bỏ mất trên 100 từ, cụ thể là bỏ hết những đoạn nào từ nào nhắc tới bài Dân quạ đình công, ‒ bài thơ gợi nhớ tới phong trào kháng thuế xin xâu ở Trung Kỳ năm Mậu Thân 1908.

Theo Lại Nguyên Ân/Văn nghệ