Lâm Hà
(Vanchuongphuongnam.vn) – Á Nam Trần Tuấn Khải (04/11/1895 – 07/3/1983) người làng Quang Xán, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Mỹ Hà, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), xuất thân là nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước. Năm 1921, ông xuất bản tập thơ thứ nhất Duyên nợ phù sinh I, được giới văn chương đương thời chú ý. Đến khi ông cho xuất bản Bút quan hoài I, được nhiều người hoan nghênh, thì Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tập thơ đó (1927). Mấy lần, Trần Tuấn Khải định xuất dương mà không thành. Ông từ bị Pháp bắt vào tù vì tội “phá rối trị an, xúi dân nổi loạn”. Năm 1947, ông đem theo con tản cư đến Nho Quan. Năm 1954 vào Nam, làm việc tại Thư viện Quốc gia, Viện Khảo cổ, chuyên viên Hán học tại Nha văn hóa và các báo Đuốc Nhà Nam, Văn hóa nguyệt san, Tin văn…
Á Nam Trần Tuấn Khải.
Năm 1966, ông cùng một số trí thức tiến bộ ký tên yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hòa bình, nên bị buộc nghỉ việc. Sau đó, ông là chủ tịch danh dự Lực lượng bảo vệ Văn hoá dân tộc năm 1966 – 1967.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức cố vấn Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh từ 1975 cho đến khi mất vì bệnh già tại cư xá Trần Quốc Toản, hưởng thọ 88 tuổi.
Tác phẩm:
Thơ:
Duyên nợ phù sinh I (1921); Duyên nợ phù sinh II (1922); Bút quan hoài I (1924); Hồn tự lập I (1924); Bút quan hoài II (1927); Hồn tự lập II (1927); Với sơn hà I (1936); Với sơn hà II (1949); Hậu anh Khóa (1975)…
Tiểu thuyết:
Gương bể dâu I (1922); Hồn hoa (1925); Thiên thai lão hiệp (1935 – 1936)…
Kịch:
Mảnh gương đời (1925).
Dịch thuật:
Thủy hử (1925); Hồng lâu mộng (1934); Đông Chu liệt quốc
(1934)…
***
Nhà thơ Xuân Diệu viết rằng “Tôi đã đọc không dưới hai mươi lần các tác phẩm của Á Nam Trần Tuấn Khải. Đọc như vậy, chắt lọc như vậy, hiểu thêm được một thi sĩ Á Nam, tôi cảm nhận thấy như tôi thêm thông minh, thêm thấu tận những nhân tình”. Nội dung của “phần thông minh thêm ra” thì mỗi người đọc tác phẩm của cụ Á Nam sẽ tự mình cảm nhận dù có thể không viết ra.
Cụ Trần Tuấn Khải tạ thế khi tôi còn là một thiếu niên 15 tuổi. Tôi hầu như không biết gì về cụ dù vẫn đọc thấy tên cụ trên xuất xứ những tác phẩm văn học như Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, vẫn nghe thấy nhắc đến tên cụ trong các cuộc trò chuyện, hội thảo về các hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc thời chiến tranh thống nhất. Khi có điều kiện tiếp cận cùng cuộc sống và sự nghiệp của cụ, tôi thấy mình đang lạc giữa một đại dương những tác phẩm văn học nghệ thuật trong dòng chảy tranh đấu cho độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Ở mỗi góc nhìn tương ứng với vị trí của mình và hoàn cảnh tiếp cận với cụ Á Nam, các bậc cao niên trưởng thượng đã tôn vinh cụ như một tượng đài của lòng yêu nước với sự đa tài trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tôi là kẻ hậu sinh, chỉ biết lọc lấy cho mình từ những gì cụ Á Nam để lại. Vẫn biết giày để lại dấu nhưng dấu giày không phải là giày, chỉ để lại tầm vóc, hướng đi và hành trình đã qua trong tâm não người quan sát.
Xuyên suốt hành trình hoạt động của mình, cụ Á Nam đã giữ tròn vẹn khí tiết của một nhân sĩ, một trí thức, sống đúng với những gì tạo nên mình. Là hậu duệ đời thứ 28 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cụ lớn lên cùng Nho học, Hán học và nuôi mộng xuất dtfơng học tập cứu nước nhưng không lần nào thành công. Trớ trêu thay, cơ hội cuối cùng để ra nước ngoài nghiên cứu do chế độ cũ đề xuất lại bị chính cụ từ chối với lý do già yếu mà thực chất vì không muốn bị lợi dụng tên tuổi. Cụ đã đem tâm hồn mình hòa vào nhịp sống quê hương, nói lên bao nỗi vui buồn của một dân tộc đang khắc khoải từng ngày tranh đấu giành độc lập. Nhân dân chính là cái chỗ rộng rãi trong thiên hạ mà cụ chọn để đứng, sáng tác cho mục tiêu khai mở dân trí cho mục đích giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Và từ tâm trạng của Nguyễn Phi Khanh, của Trưng Trắc, Hưng Đạo Vương, của người đưa tiễn nhớ mong anh Khóa xuất dương… trong lời thơ, lời thoại, lời ca do cụ sáng tác mà hình thành lớp lớp chiến sĩ cộng sản, trí thức cách mạng như ghi nhận của nhà cách mạng Trần Văn Giàu “Tôi không biết nhiều về cụ, nhưng lại thuộc thơ cụ, thơ yêu nước thế kỷ XX. Thuộc vì đọc thuộc thơ, vì thầy giáo truyền lại cho học trò, cha anh truyền lại cho con cháu. Nhớ thuở chúng tôi còn là học trò, khi chưa có Đảng Cộng sản mạnh để tuyên truyền, khi chưa có đảng viên giác ngộ, chính thơ Á Nam làm sứ mạng tuyên truyền lòng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước, từ đó dần dần giác ngộ cách mạng”.
Khi nghe chất vấn về mục đích viết có phải là để hoạt động chính trị như các nhà văn, nhà báo của giai đoạn 1930 -1945 không thì cụ đã thẳng thắn “Nếu hiểu dùng cây bút để gợi tình yêu nước nghĩa hợp quần, nỗi thiệt thòi của người dân bị trị, kích động lòng người và cổ động một lối chống đối…tiêu cực, cũng là một cách làm chính trị thì tôi làm chính trị rồi đó. Còn hiểu làm chính trị là vào đảng này, mặt trận nọ, múa may ở nghị trường, thì quả là tôi không làm chính trị” (1) . Vì chọn lối đi đó, cụ Á Nam cũng đã từ chối lời mời gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng từ Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống và Nguyễn Thái Học năm 1929 rằng:
“Nước nhà gặp cơn nguy biến bị quân ngoại quốc đô hộ nay muốn khôi phục chủ quyền là một điều ai cũng mong muốn. Duy theo tôi thiển nghĩ muốn nổi lên cách mạng, tất trước phải rèn luyện tâm trí dân tâm cho được một dạ một lòng rồi mới phát động phong trào, nếu không thế mà vội vàng bạo động thì khó lòng làm được nên công mà không khéo lại cản ngăn mất con đường thi thố sau này. Bởi vậy theo tôi, tôi chưa dám vào Đảng, mà nên dùng thủ đoạn bất bạo động để ngấm ngầm thúc đẩy nhân tâm chờ ngày quật khởi, như thế có lẽ hay hơn. Tuy vậy nhưng nếu anh em nhiệt tâm thành lập, việc đó ai dám cản ngăn, và nếu khi có việc cần bàn hỏi, tôi quyết không dám chối từ”.
Cụ từ chối tham gia bạo động chứ không từ chối đấu tranh yêu nước. Bạo động của Việt Nam Quốc dân đảng thất bại, Á Nam lại viết sách Chơi Xuân Nhâm Thân thuật lại chi tiết những vụ Pháp bắt bớ, tàn sát và để phải bị bắt giam. Xác định con đường rèn luyện tâm trí dân tâm, cụ kiên trì vận động với thơ văn, ca trù, ca kịch sân khấu mà bộ ba bài hát về một Anh Khóa xuất dương đã trở thành mẫu mực của thơ ca dân gian yêu nước hiện đại Việt Nam (2) cũng như cảnh báo rằng việc dựa vào Nhật để đòi Pháp trả độc lập cho nước nhà như một số vị thức giả bấy giờ trông đợi chỉ là “đuổi hùm cửa trước rước sói cửa sau” (3). Cụ từ chối tham gia nghị trường của chính quyền thuộc địa Pháp, từ chối luôn chính phủ thân Nhật mà cũng từ chối nốt sự mời gọi tham gia chính trường của thành phần Việt Nam Quốc dân đảng năm 1945. Và khi bị Sở Liêm phóng Bắc Bộ của Việt Minh cáo buộc chính trị về hai nội dung:
1. Bán mình cho Pháp và Nhật trước Cách Mạng Tháng Tám 1945 (?)
2. Liên lạc mật thiết với Quốc dân đảng cho âm mưu ám sát Hồ Chủ Tịch (!)
Cụ đã cười mà đáp:
1. Bán thì phải có tiền và chức tước, nay vẫn nghèo thì có lẽ bán chịu hay sao?
2. Việc quen với Quốc dân đảng thì có, còn việc đảng ấy mưu gì thì đó đâu phải việc nhỏ mà họ tiết lộ chi tiết. Theo tôi biết thì Quốc dân đảng không có người nào đủ cơ mưu và can đảm để làm việc tầy trời như vậy.
Sống trung thực với bản thân, vẹn tròn tâm niệm “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ” (4) , cụ xem lợi ích quốc gia dân tộc qua việc khai tâm dân trí là mục tiêu tối thượng nên quyết không biến mình thành “cây đàn muôn điệu” tùy nơi tay gẩy của chính quyền, chọn phương thức đấu tranh bất bạo động nhưng cụ luôn hành động.
Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc chiến tranh chống can thiệp Mỹ và thống nhất Việt Nam (1954 -1975), cái tên Á Nam Trần Tuấn Khải xuất hiện thường xuyên trên diễn đàn công luận Sài Gòn ở vị trí Chủ tịch Danh dự của Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc. Chữ ký của cụ từng xuất hiện trong Bản kiến nghị yêu cầu hai miền Nam – Bắc ngừng bắn lập lại hòa bình cho đất nước năm 1964 lại xuất hiện trong văn bản yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa trực tiếp hiệp thương với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam nhằm vãn hồi hòa bình năm 1966, để rồi đồng thời cái tên Á Nam Trần Tuấn Khải lọt vào hồ sơ của Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn với nghi vấn về quan hệ với Việt Cộng. Tiếc thay, chứng cứ trực tiếp để đi đến kết luận ấy lại chỉ có thể là bài thơ Chó nhai xương chó do cụ sáng tác năm 1967. Ai đọc cũng thừa hiểu là chuyện tranh giành lợi ích giữa Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu với Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương Nguyễn Cao Kỳ nhưng thực chất thì… vẫn chỉ là chó (hiểu nghĩa đen hay nghĩa bóng gì cũng đúng cả). Có lẽ đòn bất ngờ choáng váng nhất với chính quyền Sài Gòn chính là ngày 10 tháng 6 năm 1969, tuyên bố Chương trình hành động 12 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, điều 8 đã nói về nhiệm vụ bài trừ văn hóa đồi trụy kiểu Mỹ, xây dựng văn hóa dân tộc, dân chủ với nội dung trùng khớp với cương lĩnh của Lực lượng Bảo vệ Văn hóa dân tộc khi cụ Á Nam làm chủ tịch. Chia sẻ về điều này, Nữ sĩ Lan Hinh nhũ danh Trần Thị Lan – con gái của cụ Á Nam vẫn cười khó hiểu: “Tôi không biết thầy tôi làm việc cho chính quyền này khi nào, nên rất ngỡ ngàng khi nghe tin thầy được đặt tên đường, được tôn vinh về giai đoạn hình thành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố…”
Có lẽ buộc lòng phải chia sẻ thêm rằng sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, cơ sở của Đảng ủy Văn hóa Văn nghệ Khu Sài Gòn – Gia Định đã bị vỡ, thì chính cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đã sử dụng nơi làm việc của mình là Phòng Dịch thuật của Thư viện Gia Long (Thư viện Quốc gia chế độ cũ) để làm nơi họp mặt và trao đổi thông tin hoạt động (5) cho các cán bộ hoạt động nội thành. Có ai ngờ nhà nho cao niên đã ngoài bảy mươi lăm tuổi ấy lại dấn thân đến thế… Phải chăng đã là một sự đổi thay?
Tiếc rằng chẳng có sự đổi thay nào ở cụ Á Nam trên con đường đã chọn. Chỉ có những bước dài hơn khi nhận ra đích đến dẫu khúc khuỷu quanh co nhưng thật chẳng còn xa, cũng như cuộc đấu tranh từ giành độc lập chuyển sang đòi thống nhất vẹn toàn lãnh thổ cũng vào hồi kết.
Năm 1914, anh Khóa của cụ xuống tàu và 8 năm sau lời Hỏi thăm anh Khóa như sự phân vân về quyền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc… Thì ở năm 1975, cả Việt Nam Mừng anh Khóa trở về khi chấm dứt cuộc chiến thống nhất nước nhà. Dân tộc Việt Nam đã thắng và hành trình làm chính trị bằng ngòi bút của cụ Á Nam đã tròn vẹn. Bài thơ Tám mươi tám tuổi tự vịnh của cụ chính là niềm vui – niềm hãnh diện của một người yêu nước cầm bút, với sự thanh thản lạc quan trao gửi nhiệm vụ cho lớp kế thừa:
Ta nghĩ mình ta cũng nực cười,
Sống trong thanh bạch vẫn yên vui
Lấy câu trung nghĩa khuyên con cháu,
Mượn tiếng văn chương gọi giống nòi.
Nghĩa cả giang sơn ghi đáy dạ,
Chuyện đời danh lợi gác ngoài tai
Tám mươi tám tuổi xuân còn mãi,
Còn vững lòng son chẳng đổi dời. (6)
Triết lý sống “Cư thiên hạ chi quảng cư, lập thiên hạ chi chánh vị, hành thiên hạ chi đại đạo. Đắc chí dữ dân do chi, bất đắc chí độc hành kỳ đạo. Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Thử chi vị đại trtfợng phu”.「居天下之廣居,立天下之正位,行天下之大道。得志與民由之,不得志獨行其道。富貴不能淫,貧賤不能移, 威武不能屈。此之謂大丈夫。」(7) đã được cụ thi hành trọn vẹn bằng cả cuộc đời sống và viết của mình. Và cụ đã khái quát:
“Đời không duyên nợ thà không sống
Văn có non sông mới có hồn”.
Tôi là hậu bối, vì cái gì mà viết?
Nếu ngày kia tôi bỏ viết thì tất cũng vì cái lý do khiến tôi phải cầm viết, bởi hồn văn của tôi nằm trong đó.
Nên xin cúi đầu trước hồn văn của cụ!
L.H
(Bài viết được thực hiện dưới sự giúp đỡ của Nữ sĩ Lan Hinh – Nhũ danh Trần Thị Lan, con gái của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải và Á Nam Lưu niệm đường tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh)
(1) Trích bài phỏng vấn cụ Á Nam của nhà báo Nguyễn Ngu Í (trang 446 quyển Kim Sinh Lụy – Á Nam Trần Tuấn Khải/ Tác phẩm & Tư liệu.
(2) Gồm 4 bài hát: Tiễn chân anh Khóa xuống tàu (1914), Mong anh Khóa (1915), Gửi thư cho anh Khóa (1922), Mừng anh Khóa về (1975).
(3) Bài thơ Chuyện năm châu (1938).
(4) Cùng thì tự tốt lấy ta, Đạt thì đem hạnh phúc cho thiên hạ.
(5) Hồi ức của Nhà báo Nguyễn Nguyên (được ghi lại trong trang 452 quyển Kim Sinh Lụy – Á Nam Trần Tuấn Khải / Tư liệu & Tác phẩm).
(6) Bài thơ cuối cùng trước khi tác giả từ trần.
(7) Ở cái chỗ rộng rãi trong thiên hạ (tức giữ lấy đức Nhân, vì đức đó dung nạp được thiên hạ), đứng ở chỗ chính đáng trong thiên hạ (tức giữ đức Lễ), đi theo con đường lớn trong thiên hạ (tức giữ đức Nghĩa). Lúc đắc chí thì cùng với dân hành đạo, lúc bất đắc chí thì riêng mình hành đạo. Cảnh phú quý không làm mình phóng túng, cảnh bần tiện không làm mình thay đổi tiết tháo, uy quyền võ lực không khuất phục được mình, như vậy là bậc Đại trượng