À ơi bên ấy trời đổ cơn mưa – Truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên

573

(Cho những đoàn người hồi hương) 

Đêm ấy, tôi đã mân mê rất lâu bàn tay có nốt bớt xanh hình chiếc lá. Nơi mà mỗi lần bên nhau, tôi thường nhẹ nhàng hôn vào đó, nghe lòng mình ngân lên những rung cảm ngọt ngào. Hiền khóc thút thít. Có lẽ lúc đó em nghĩ chúng tôi chỉ tạm xa nhau, rồi sẽ đến ngày em thuyết phục tôi vào bên em, như một cách xem tôi thể hiện tình yêu với em thế nào. Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi nghe tiếng khóc thút thít vừa như hối lỗi vừa như dỗi hờn. Tiếng khóc ấy thi thoảng vẫn ập òa gõ cửa những giấc mơ tôi.

“Đi về đâu hỡi em
Có nghe tình yêu lên tiếng”.

Ai đó đang nghe nhạc từ smartfon.

Tiếng nhạc rất khẽ, rón rén ngân lên giữa những thở dài, giữa trở mình và ọ ẹ của trẻ con. Tôi căng mắt nhìn hàng trăm phận người xơ xác, bã bượi, cạnh những chiếc xe máy bụi bám đỏ kè. May đêm nay không mưa. Lạy trời sẽ không có mưa, cho những số phận nổi nênh kia bớt chút cực nhọc.

Họ đến chốt trung chuyển này lúc hơn 5 giờ chiều. Ánh nắng đầu thu bắt đầu dịu, chênh chếch vệt úa vàng xuống đoàn người mỏi mệt tạo thành những chiếc bóng đổ dài, đan vào nhau bất tận trên quốc lộ hoang hoải.

Đoàn người lục tục xuống xe vào khai báo y tế. Nhiều phần cơm, nước suối… đã được chuẩn bị sẵn để đón đợi họ. Kể cả băng vệ sinh, hay bỉm sữa cho trẻ con. Đó là tấm lòng thảo thơm của người dân quê tôi, chẳng cần nói nhiều, chỉ nghe đến là lẳng lặng quyên góp chuẩn bị, rồi lặng lẽ đứng từ xa nhìn đồng bào nhận ân tình trong nỗi rưng rưng, nghẹn ngào. Chưa khi nào ngôn từ trở nên vô duyên như lúc này. Chỉ có ánh mắt âm thầm trao nhau là hiểu nhau tất cả. Lúc cam go, ai đỡ khốn cùng hơn thì chìa tay nâng đỡ người sa cơ. Mai kia, trong đoàn xe máy rồng rắn bất tận ấy, sẽ có nhiều người từng bước đứng dậy vững vàng, họ sẽ chìa tay với những thân phận khốn khó khác. Sự tử tế cho con người niềm tin, nó luôn luôn thế.

Một vết bớt hình chiếc lá trên mu bàn tay làm tôi chú ý. Hai đứa trẻ con một trai một gái sàn sàn tuổi nhau hí húi ăn, có lẽ dịch bệnh đã khiến những đứa trẻ biết thích nghi dần với mọi hoàn cảnh ngặt nghèo. Dáng vẻ cam chịu của chúng lại thúc vào lòng tôi những đợt sóng vừa thổn thức vừa giận dữ. Kế bên là một bà cụ gầy gò, được cả đôi bàn tay có vết bớt và người đàn ông đi cùng rất quan tâm. Đó sẽ là bức tranh gia đình ấm cúng nếu nó ở một địa điểm khác, một hoàn cảnh khác. Vậy là, trong hành trình dằng dặc mấy ngàn kilomet nhiều may rủi này, người đàn bà trẻ có vết bớt trên bàn tay ấy cũng phải cầm lái xe máy. Thân đàn bà mảnh mai, mà tất cả thành viên trong bức tranh buồn bã kia đều gầy guộc đến thắt lòng. Phải rồi, họ đã kẹt ở thành phố bị phong tỏa nhiều tháng.


Minh họa.

Ánh ngày chưa kịp tắt, bàn tay có nốt bớt xanh kéo chiếc khẩu trang dày cộm xuống để ăn cơm. Là Hiền, nhịp tim tôi chao đi. Cùng lúc ấy thì Hiền ngẩng lên nhìn tôi, tức khắc Hiền kéo khẩu trang lên, quay mặt sang hướng khác. Tôi chưng hửng kịp tĩnh trí. Hiền không muốn cho tôi thấy sự thảm hại của mình? Phải! Là ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ làm thế. Tôi quay đi.

Có tiếng thút thít đâu đó, tiếng khóc rất trẻ. Nó cứa vào tim tôi bằng cách đưa tôi về hồi ức cũ.

Năm ấy, tôi đã thuyết phục Hiền về quê. Vì ba mẹ tôi muốn thằng con trai duy nhất của họ về bên. Còn vì 4 năm đại học ở đó, tôi phần nào đã thấm cái giá phải trả cho những bon chen mệt nhoài của dân ngoại tỉnh. Bao người vô Nam tìm cơ hội, tôi ngược đường về quê. Hiền đã về cùng tôi, nhưng chưa đầy tháng em đã vội đi.

“Em không thể hít thở nếu thiếu mùi phố xá, tiếng ếch nhái làm em cồn cào nhớ âm thanh ồn ã thị thành. Anh để em đi, ổn định em sẽ tìm cơ hội cho anh”.

Tôi để Hiền đi, tình yêu sinh viên không đủ giữ chân Hiền ở lại. Tôi tin cảm giác em nói, nhiều đêm nỗi khát thèm được lang thang trên con phố còi xe ríu rít cồn lên trong tôi khắc khoải. Nhớ cái cảm giác ngồi bên Hiền cạnh bờ sông Sài Gòn lộng gió. Mùi tóc em, mùi sông nước quyện với mùi dầu máy từ những con tàu nườm nượp trên sông Sài Gòn quấn quýt vào nhau, tạo nên hỗn hợp mùi khó diễn tả. Mùi phố ám ảnh đau đớn.

Đêm ấy, tôi đã mân mê rất lâu bàn tay có nốt bớt xanh hình chiếc lá. Nơi mà mỗi lần bên nhau, tôi thường nhẹ nhàng hôn vào đó, nghe lòng mình ngân lên những rung cảm ngọt ngào. Hiền khóc thút thít. Có lẽ lúc đó em nghĩ chúng tôi chỉ tạm xa nhau, rồi sẽ đến ngày em thuyết phục tôi vào bên em, như một cách xem tôi thể hiện tình yêu với em thế nào. Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi nghe tiếng khóc thút thít vừa như hối lỗi vừa như dỗi hờn. Tiếng khóc ấy thi thoảng vẫn ập òa gõ cửa những giấc mơ tôi.

Bài hát ngừng một lúc thì tiếng thút thít cũng ngưng. Tôi ra đứng giữa đường lớn. Những hình người co ro nằm nối nhau trên những tấm nilon hay manh chiếu. Những tấm thân mỏi mệt.

 Đâu đó có tiếng ho rũ rượi, tiếng đập muỗi bem bép. Nhiều là tiếng ngáy vang như sấm sau một hành trình đày ải. Gió thu lành lạnh. Những thân hình càng co quắp nép sát vào nhau hơn mong trời mau sáng. Không ai dám chứa chấp họ dù thương thắt lòng. Dịch bệnh khiến con người dè chừng nhau cả từng đụng chạm, từng vật dụng trao nhau. Thì thôi, những trợ giúp nhỏ nhoi làm ấm lòng nhau chừng nào hay chừng nấy.

Tôi biết Hiền và gia đình Hiền nằm góc ấy. Hồi sẩm tối, tôi đã phải kéo người đồng nghiệp ra nhờ vả, thu xếp cho gia đình Hiền một góc tươm tất nhất dưới mái hiên trạm đón tiếp. Ở đó, tôi mong sương đêm không thấm lạnh vào tấm chăn mỏng, nó sẽ giúp người mẹ già, mẹ con em cùng người chồng gầy gò kia có một đêm ngon giấc sau chuỗi ngày dịch bệnh hãi hùng. Lúc ấy, em đã ngần ngại khi nhận tấm chăn từ bạn tôi, ngần ngại nhận chỗ mái hiên hiếm hoi được chỉ định, em đã đưa mắt nhìn về phía tôi. Không! Nốt đêm nay, em sẽ không phải chịu thêm nỗi giày vò từ tôi nữa. Vì vậy, mong em nhận chút tấm lòng khả dĩ nhất của tôi vào lúc này. Tôi không đáp trả cái nhìn của Hiền, bởi tôi sợ, Hiền sẽ từ chối chút thiên vị nhỏ nhoi này ngay lập tức.

Đêm chậm chạp trôi. Tôi trở vào lán dã chiến. Ngoài những người trong phiên trực thì ai cũng phải tranh thủ ngủ để lấy sức cho những ngày chống dịch chưa biết điểm dừng. Tôi không sao chợp mắt. Từ góc này nhìn sang chỗ Hiền nằm, 5 hình người đen thẫm nằm sát vào nhau. Bà cụ gầy gò – tôi đoán là mẹ chồng Hiền nằm trong cùng, đến Hiền rồi đến 2 đứa con, người chồng nằm ngoài cùng để ngăn con lăn xuống thềm sân. Hiền có hạnh phúc không? Trước khi dịch ập đến cuộc sống Hiền có sung túc? Bao nhiêu năm rồi, lúc xác định không còn của nhau nữa chúng tôi bặt luôn tin nhau. Như một cách giúp cho quá khứ ngủ yên. Giờ gặp nhau trong hoàn cảnh này, muốn thăm hỏi nhau cũng thật khó khăn.

Tôi ngồi bất động nhìn gia đình Hiền lịm trong giấc ngủ. Ngoài kia, mấy trăm con người khác cũng đang vạ vật. Trưa nay, địa phương cũng đã đón một đoàn mấy trăm xe máy trùng trùng cập chốt, họ chỉ có 30 phút vừa ăn, uống và đi vệ sinh rồi lại rùng rùng lao đi trên dặm dài bất trắc. Trẻ con. Chao ôi! Cơ man là đứa trẻ rũ rượi, phờ phạc trên tay mẹ chúng. Chúng tôi, kể cả gã đàn ông nào gan góc nhất cũng không khỏi bật khóc trước những đôi mắt thất thần ngây dại ấy. Mai này, lại mai này, đây sẽ là một phần ký ức hãi hùng nhất trong đoạn đời không ít chông gai của chúng. Trong những bữa cơm tương lai, những câu chuyện về chuyến đi này có lẽ sẽ luôn được nhắc tới, về một phần đời bị sự chết chóc bao vây.

Thời gian đầu xa nhau, Hiền và tôi ngày nào cũng gọi cho nhau qua điện thoại cố định. Thời ấy, điện thoại di động là một thứ cực kỳ xa xỉ. Tôi liên lạc với Hiền bằng số điện thoại của chủ nhà trọ, lúc gặp Hiền, lúc không. Và viết thư, thư cũng thưa dần, rồi kết thúc bằng lá thư Hiền báo tin lấy chồng. Tôi có buồn không ư? Nó như một sự tất yếu khi tôi để Hiền ra đi một mình. Tôi đã buồn nhớ suốt chừng ấy quãng thời gian xa nhau, chuyện Hiền lấy chồng giống lời tuyên bố em sẽ không về nữa. Như tôi, cự tuyệt chuyện cùng em xây dựng cuộc sống chốn quê người.

Thành phố. Nó luôn là bức tranh hào nhoáng với nhiều con phố dài có hàng cây cao vút. Có những cửa hiệu lấp lánh sang trọng như vẽ ra một thế giới giàu có. Như thể, chỉ cần ngày ngày đi qua ngắm, ta sẽ đủ đầy theo một nghĩa nào đó. Thành phố có những nơi sang trọng, sầm uất, chỉ cần tuần vài lần đến đó, ta sẽ có cảm giác mình đặt chân vào thế giới thượng lưu, đôi khi ảo giác như đó là nơi ta thuộc về. Tôi không trách Hiền, em rũ áo nhẹ tênh khi rời quê hương. Tôi quay quắt giữa nhớ nhung và bổn phận. Cuối cùng tôi đã để bổn phận thắng thế. Và tôi hài lòng. Quê hương cho tôi một công việc phù hợp với khả năng của mình. Làm nhà báo Công an. Và càng ngày tôi càng hài lòng, hạnh phúc với công việc đó. Giống như tôi hài lòng với mái ấm nhỏ xinh có người vợ khéo léo và hai đứa con khỏe mạnh. Ai mà chẳng có tình yêu đầu đời, đi đến tận cùng hay không lại là số mệnh.

4h sáng. Đoàn người đã lục tục trở dậy. Vì có nằm thêm nữa cũng không ngủ được giữa lổn nhổn đá sỏi và sương buông ướt sũng. Trên lưng chừng đèo, những rặng cây im phắc, vài tiếng hú của loài vượn trắng vang lên lảnh lót. Tiếng của chú chim nào đó bật lên hốt hoảng như bị con thú khác tấn công. Những đứa trẻ bị giở giấc ngồi khóc ề ề ai oán lẫn với tiếng dỗ dành, cả tiếng đe nẹt của ông bố nóng tính nào đó.

Bức tranh thảm đạm vẫn chưa kết thúc, tôi uất đến muốn vỡ tim. Mà tôi uất ai? Nếu COVID – 19 không ập đến, những con người này chắc chắn vẫn cần mẫn neo lại thành phố. Người nào biết dành dụm sẽ mua được miếng đất nhỏ ở vùng ven, cất lên thứ tài sản quan trọng nhất trong đời mình. Cặp đôi nào khó khăn hơn sẽ ở trọ cho đến già, hy vọng con cái thành tài đổi đời cho cha mẹ. Hoặc ai đó sẽ trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, vui với đất hương hỏa ông bà. Và rồi, dòng người nhập cư vào Nam với mong mỏi đổi đời sẽ ngày một đông thêm. Phương Nam, hay Sài Gòn sẽ tiếp tục giang tay ôm tất cả bọn họ. Những ngôi nhà tráng lệ, những dự án cao cấp sẽ che lấp đi những khu ổ chuột tồi tàn cùng những con hẻm ngoằn ngoèo bất tận.

Kể cả Hiền cũng thế, sự trở về này cũng nằm ngoài mục tiêu của em, bởi, cuộc sống thị thành không dễ gì khiến em từ bỏ.

Hiền trở dậy đầu tiên trong nhóm gia đình. Em ngồi bất động chừng vài phút, rồi đưa mắt ngó quanh. Lẽ nào em tìm xem tôi có còn ở đó? Rồi em bới tóc. Tôi nhớ dáng vẻ em chiều qua, mái tóc thề ngang vai đen nhánh ngày xưa giờ đã được nhuộm vàng, buộc một túm nhỏ sau gáy, vài sợi tóc mai sà xuống má loăn quăn như sợi mì tôm nghịch ngợm. Có lẽ cuộc sống em trước khi có dịch cũng ổn và em cũng biết cách chăm chút vẻ bề ngoài cho mình. Đến lượt cả nhà em cùng trở dậy, hai đứa trẻ có vẻ khá nghe lời và nền nếp khi được mẹ giục ra vòi nước rửa mặt. Tôi không muốn nhìn lâu vào gã chồng của Hiền, ở góc nào đó thật sâu thẳm, chút ghen tuông vẫn chực bùng lên để đẩy tôi vào trạng thái bực dọc.

Cuối cùng Hiền cũng nhìn thấy tôi. Dường như em hiểu khó có thể lẩn tránh nên đã quay lại nói nhỏ với chồng một câu gì đó rồi bước vội về phía tôi:

– Ủa! Anh ở lại cả đêm ư?

Tiếng Hiền rất nhỏ, giọng đã pha âm sắc miền Nam khá nhiều. Tôi gật:

– Biết có dừng lại thì nhắn người nhà ra nhìn chút vẫn hay quá Hiền ha?

Tôi hỏi, như cách biết quá rõ Hiền đi qua mà không thể thăm nhà, dù cha mẹ đang ở rất gần. Chỉ thế thôi mà Hiền mếu máo:

– Anh nghĩ sao mà kêu Hiền để ba mẹ chứng kiến con gái lâm vào cảnh này? Em bàn với chồng về đây cho gần thì ảnh không chịu vì còn cấn mẹ già theo… Mẹ em mà gặp đời nào cho em và hai đứa nhỏ đi tiếp hả anh? Thôi thì… để em ra đến quê nội của bọn nhỏ an toàn sẽ liên lạc với ba mẹ sau. Anh giúp Hiền đừng nói chi với họ nha.

Chỉ vậy thôi rồi Hiền quay lui. Vậy ra cuộc gặp này chỉ để Hiền chắc chắn tôi sẽ không làm cái điều mà Hiền lo lắng. Không hỏi han nhau một tiếng sao Hiền? Chút tự ái dâng lên khiến mặt tôi nóng bừng. Hay Hiền sợ chồng ghen? Hay trong Hiền giờ tôi không bằng một người bạn cũ?

Có tiếng gà con chiêm chiếp. Âm thanh ấy khiến cơn tự ái trong tôi vụt tan. Một chiếc bu nhỏ bằng cái lồng chim đựng 5 chú gà nhép vàng suộm như 5 nắm bông xinh xắn. Hai cô bé tóc tai rối bù đang bẻ những vụn bột mì rắc cho gà ăn. Âm thanh giữa im ắng tạm thời này gây cho tôi niềm tin sắt đá về sự sống luôn luôn bền bỉ. Trẻ con là đối tượng dễ tổn thương nhất nhưng lại là nơi cho ta nhiều hơi ấm nhất. Nó khiến người lớn dẫu muốn buông xuôi cũng phải gượng dậy để bảo bọc, lo cho chúng. Lúc này đây, bấy nhiêu gia đình là bấy nhiêu trẻ nhỏ kèm theo. Vì chúng mà những người làm cha làm mẹ kia chọn con đường quay về nơi chôn rau cắt rốn, dẫu nghèo nhưng vẫn là chốn nương náu cuối cùng họ thuộc về.

Đoàn người gần như đã sửa soạn xong. Gần chục chiếc xe bán tải từ từ trờ đến. Cháo, mì ổ, bánh chưng bốc khói hôi hổi từ những thùng xốp trắng tinh, nghiêm cẩn. Đoàn người nối đuôi nhau nhận từng suất ăn của mình cho bữa sáng. Những đứa trẻ được ba mẹ nhắc nhở nói lời cảm ơn. Những ngày này, hai từ cảm ơn thường trực trên môi đoàn người hồi hương. Mỗi lần phát đồ ăn chúng tôi đều ứa nước mắt. Các bạn tình nguyện viên nữ còn nức lên thành tiếng. Nhưng cũng chỉ đứng xa xa. Ước gì có thể trao nhau cái ôm hay siết tay thật chặt để những thân phận lênh đênh ấy được truyền thêm sức mạnh. Không! Chỉ có những bộ áo quần bảo hộ và găng tay kín mít trao đi những phần quà gói ghém thương yêu, chia sớt nhọc nhằn.

Nhà Hiền cũng tham gia vào vòng người ấy. Sự e dè của Hiền khiến tôi muốn giúp em và gia đình em nhiều hơn mà ngần ngại. Gần 15 năm không gặp, không tin tức, sự e dè của em, vẻ lầm lì của người chồng, bộ dạng gắng gỏi của người mẹ già và hai đứa bé con không cho phép tôi công khai giúp đỡ Hiền. Hiền lên xe và không nhìn tôi từ biệt. Em đèo bà mẹ, còn chồng em đèo hai đứa nhỏ. Em mảnh mai hơn ngày trẻ, bóng hình này rồi sẽ dày vò tôi mỗi đêm khi tất cả những cuộc trường chinh khổ ải này lắng xuống. Hồi ức về Hiền trong tôi sẽ có thêm những câu hỏi nhức nhối không đáp án. Hoàn cảnh sao nỡ sắp đặt cho chúng tôi gặp lại nhau lúc trớ trêu thế này?

Lại thêm những đợt vái lạy hàm ơn của đoàn người hồi hương dành cho những tấm lòng xa lạ. Lại thêm những cơn mưa nước mắt của người ở lại. Đoàn người rùng rùng nối nhau đi. Cảm giác bất lực, xót xa bóp nghẹt tim tất cả chúng tôi. Không hiểu sao tôi cứ để ý đến 5 chú gà nhỏ, nó được cột lắc lư sau chỗ đèo hàng, lẫn với móc áo, xô chậu cũ kỹ. Tiếng chiêm chiếp chìm nghỉm trong ầm ầm động cơ chói gắt.

***

Ba ngày sau, giữa những thắc thỏm của tôi, Hiền gửi lời kết bạn qua facebook. Hóa ra em đã theo dõi tôi từ những ngày tài khoản tôi được gắn tích xanh. Em đọc tôi hằng ngày trong lặng lẽ. Tài khoản của em không có ảnh đại diện, chỉ một nhánh cỏ mong manh chụp ngược sáng ánh hoàng hôn.

“Em xin lỗi anh vì hôm đó không thể nói gì nhiều hơn. Chồng em là một công nhân hiền lành, anh ấy không có gì ngoài lòng tốt và sự mặc cảm. Bọn em đã đưa mẹ vào Nam với bao nhiêu dự định nhưng dịch bệnh đã khiến bọn em đứng trước vô vàn nguy khốn. Anh ấy đang vô cùng tuyệt vọng. Nếu biết anh lừng lững đấy với cái danh nhà báo nổi tiếng là người yêu cũ của em, không biết anh ấy sẽ rơi vào trạng thái nào? Liệu có đủ tỉnh táo để cầm lái đưa gia đình về quê? Thôi thì, em đành lạnh lùng với quá khứ…”.

Cuộc chat vội vàng khiến khối trĩu nặng trong lòng tôi dịu bớt. Cả nhà em đã về đến quê nhà bình an mới là điều hệ trọng. Chút tự ái vặt vãnh có là gì so với những gian nan em đang tiếp tục phải đối mặt. “Rồi một ngày nào đó, khi mọi thứ trở về trật tự cũ, em sẽ nhất định trở vô Nam, nơi ấy đã trở thành máu thịt với em rồi”. Nhánh cỏ mong manh lại nhấp nháy trong messenger của tôi, tôi lại thấy nốt bớt hình chiếc lá xanh chấp chới.

Thêm những cơn mưa miền Trung như trút, trạm chúng tôi vừa đón và bàn giao xong một đoàn ướt lướt thướt. Chúng tôi chỉ nhìn nhau trong câm lặng. Lòng trào lên nỗi lo tê tái. Chẳng ai thốt được nên lời trước những đứa trẻ run cầm cập trong manh áo mưa ướt đẫm. Đôi mắt chúng mãi mãi tôi sẽ không bao giờ quên trên đỉnh đèo hun hút gió, những đôi mắt sợ hãi và đói ngủ. Những con chó đói lả, lấm lét nhìn chúng tôi kêu ư ử. Lại thêm một cặp gà tí hon trong chiếc lồng chim, tiếng chiếp thảng thốt như đòi ăn, đòi được hong khô sưởi ấm. Chúng có hiểu được sứ mệnh của mình là cùng chủ nhân tạo dựng cuộc sống mới? Chặng đường phía trước đầy mưa quăng gió quật, trong đoàn xe máy ấy sẽ có bao nhiêu người về đến đích? Những đứa trẻ ấy mất bao lâu để vực lại thể trạng sau một hành trình dằng dặc cơ cực? Những con vật nhỏ nhoi ấy có sống sót về nhà cùng chủ nhân? Chúng tôi chỉ biết hóng về phía xa, về những nơi họ sẽ đi qua, phấp phỏng với từng dòng tin để rồi đau đớn hay thở phào cho những run rủi hoặc may mắn của họ.

Trời vẫn mưa chao chát. Đâu đó vẳng lên những câu thơ xé ruột:

honda – honda – honda – cuốn dòng hối hả
chằng néo quê gần quê xa
yên xe nặng tiếng thở dài của cha
cồng kềnh quầng mắt đêm của mẹ
mưa tóe tung lưng tròng bé dại
nín đi con
mình sắp đến nhà bà

và đêm
khép mắt nghe thành phố trên cao
đồng vọng tiếng rao
lạc chiều rỗng ruột
ơ này, con cún con ngơ ngác
ngõ đâu, nhà đâu mà về?

thế giới ngổn ngang
con chẳng thể mang hết về nhà
mẹ ạ
trời xa và rộng quá…
ngủ đi con – sớm mai mẹ luộc rau non!(*)

Chúng tôi lặng đi trong tiếng mưa ồ ạt
Bạn tôi nhìn về phía cuối đường, hát như rên:
“À ơi bên ấy trời đổ mưa”.

——— 

(*) Trích “Những mảnh ghép lẹm mùa” – Hồ Minh Tâm.

Theo VNCA