Abdulrazak Gurnah và hành trình viết để vượt qua nỗi đắng cay của cuộc đời

428

Giải thưởng Nobel văn học năm 2021 đã được trao cho Abdulrazak Gurnah – nhà văn của những người dân châu Phi tị nạn, nghèo khổ. Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 ở Zanzibar – lãnh thổ quần đảo lớn ngoài bờ biển Đông Phi, trên Ấn Độ Dương, trong một gia đình thuộc tầng lớp tinh hoa của người Ả Rập. Vào tháng tư năm 1964, quần đảo này hợp nhất với lãnh thổ lục địa Tanganyika thành quốc gia Tanzania như ngày nay. Khi Zanzibar trải qua cuộc cách mạng vào năm 1964 lật đổ sự thống trị của tầng lớp Ả Rập tinh hoa, Abdulrazak Gurnah buộc phải chạy trốn, rời bỏ xứ sở lúc mới mười tám tuổi để đến Anh khi còn là sinh viên.

Ông theo học tại Đại học Christ Church College ở Canterbury, nơi hồi đó được Đại học London cấp bằng khi tốt nghiệp. Sau ông chuyển tới Đại học Kent, đạt được học vị tiến sĩ với luận án về phê bình văn học (văn chương Tây Phi). Abdulrazak Gurnah chỉ có thể về thăm Tanzania năm 1984, gặp lại cha mình một thời gian ngắn trước khi ông qua đời. Từ năm 1980 đến năm 1983, Abdulrazak Gurnah giảng dạy tại Bayero University Kano ở Nigeria. Sau đó, ông trở thành giáo sư giảng dạy về văn chương hậu thực dân ở Đại học Kent cho tới khi nghỉ hưu.

Abdulrazak Gurnah bắt đầu viết văn khi hai mươi mốt tuổi bằng tiếng Anh mặc dù tiếng Swahili là tiếng mẹ đẻ. Các truyện ngắn và tiểu thuyết của ông được giới phê bình đón nhận tích cực, đưa ông lên vị trí một trong những tác giả hàng đầu về văn học châu Phi. Alexandra Pringle – biên tập những tiểu thuyết của Abdulrazak Gurnah ở Nhà xuất bản Bloomsbury – cho rằng ông là một trong những nhà văn vĩ đại nhất còn sống của châu Phi, với một văn phong đặc biệt đẹp, nghiêm túc, nhưng cũng đầy hài hước, nhân ái và nhạy cảm, “một nhà văn phi thường viết về những điều thật sự quan trọng”. Mặc dù viết bằng tiếng Anh, chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa, giáo dục Anh, nhưng Abdulrazak Gurnah cho rằng các tác phẩm của mình mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa, giáo dục khác nhau. Ông đã từng nói: “Giáo dục phổ thông mà tôi nhận được ở Zanzibar là một nền giáo dục thuộc địa Anh… Nhưng tôi không chỉ học ở đấy. Tôi còn học ở đền thờ (Hồi giáo), ở trường giảng kinh Koran, học từ đường phố, học ở nhà qua việc đọc không hạn chế theo cách riêng của tôi.”

Mặc dù là một nhà văn hàng đầu về châu Phi, nhưng các sáng tác của Abdulrazak Gurnah lại không thành công về mặt thương mại. Sách ông bán chậm. Chỉ đến khi tên ông được xướng lên ở Stockholm năm 2021 này, các nhà xuất bản và nhà sách mới “hối hả” tái bản các tác phẩm của ông nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Kí ức về cuộc xuất hành (Memory of Departure, 1987) viết về thân phận lạc loài của những người dân di cư, đặt câu hỏi lớn về điều xảy đến cho “những người ở mọi phương diện là thuộc về một nơi chốn, nhưng họ không cảm thấy mình là một phần của một nơi chốn, cũng không được coi là một phần của một nơi chốn”. Hai tiểu thuyết tiếp theo, Con đường hành hương (Pilgrim’s Way, 1988) và Dottie (1990) tập trung miêu tả những biến chuyển chính trị và xã hội lớn cùng những dời chuyển nhân khẩu học khổng lồ ở cuối thế kỉ XX.

Cuốn tiểu thuyết thứ tư của Abdulrazak Gurnah, tiểu thuyết lịch sử Thiên đường (Paradise) lọt vào danh sách vòng cuối đề cử giải thưởng Booker năm 1994, lấy bối cảnh vùng Đông Phi trong thập niên trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Theo The Independent, tiểu thuyết Thiên đường có cốt truyện đa tuyến, “nhiều lớp, dữ dội, đẹp và kì lạ”. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học chuyên về văn học châu Phi nhận định, ở tiểu thuyết này Abdulrazak Gurnah đã đưa ra một thách thức, một sự tra xét các hình ảnh châu Phi và phiên bản kiểu châu Âu về lịch sử xứ sở này. Nói về tác phẩm Thiên đường, Abdulrazak Gurnah giải thích sự chuyển dịch điểm nhìn trên phương diện phong cách đó là sau một thời gian, những năm đầu 1980, khi ông quay về châu Phi, dạy học, thăm lại quê hương và đi đây đó: “Khi trở về sau cuộc du hành ấy, tôi viết Paradise. Tôi cho rằng từ thời điểm đó trở đi tôi đã quan tâm đến thân phận của người di cư theo một cách khác. Nếu trước đây nước Anh là cái nền – ít ra, trong Pilgrim’s Way và Dottie – thì ở những tác phẩm sau đó, cái nền ấy được thay thế. Nó trở nên là một quang cảnh nội tại, nơi mà chúng ta hiện diện không còn quá quan trọng với những cuộc thương thảo giằng co diễn ra bên trong ta. Thế giới bên ngoài không phải không liên đới, nhưng không hoàn toàn ở vị trí trung tâm.”

Ngưỡng mộ im lặng (Admiring Silence, 1996) và Bên biển (By the Sea, 2001) – hai tiểu thuyết tiếp theo – tập trung vào những nhân vật mang thế giới của mình ẩn sâu trong khung cảnh nội tâm. Các tiểu thuyết sau đó như Ruồng bỏ (Desertion, 2005), Món quà cuối cùng (The Last Gift, 2011), Trái tim cằn cỗi (Gravel Heart, 2017) được xây nên từ những câu chuyện, kí ức và những hồi ức tưởng tượng.

Tác phẩm mới nhất của Abdulrazak Gurnah, tiểu thuyết lịch sử Những cuộc đời bên kia (Afterlives, 2020), viết về những nỗ lực tìm kiếm sự bình yên, hạnh phúc bất thành của những người dân xứ Tanganyka và vùng Đông Phi khi sống dưới chế độ thực dân. Những con người đáng thương ấy đã bị chế độ thực dân bào mòn đến kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Tiểu thuyết này đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen của giới phê bình. Họ cho rằng Những cuộc đời bên kia có cái nhìn độc đáo về những mối quan hệ, những mâu thuẫn phức tạp của một xã hội thuộc địa, là “một bi kịch với sự thầm lặng đẹp đẽ” được viết bằng một thứ văn chương tinh tế, đẹp, tiết chế chuẩn mực, đầy tưởng tượng. Maaza Mengiste trên tờ The Guardian đưa ra nhận định, ở tiểu thuyết này, Abdulrazak Gurnah đã đặt ra nhiều câu hỏi về những hậu quả lâu dài của thời kì thực dân đối với người châu Phi và phục dựng góc nhìn, quan điểm của người châu Phi – điều mà chủ nghĩa thực dân đã cố tình loại trừ – trong những tiến trình lịch sử: “Afterlives là một tiểu thuyết đi vào lòng người, một tác phẩm đưa ta lại gần với tất cả những người đã bị cố tình lãng quên, và là những người đã chối bỏ việc tẩy xóa mình.”

Có thể nói, với Abdulrazak Gurnah, viết là một hành trình để vượt thoát, quên đi những cay đắng, những ám ảnh đến từ những chuyến di dân khổng lồ của dân tộc mình, quê hương mình.

Theo Nguyễn Chí Hoan/VNQĐ