Sương Nguyệt Minh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Có nhiều người tỏ ra không đồng tình với việc truyền thông và cộng đồng bàn luận về câu chuyện của gia đình “Vua caffe”. Họ cho rằng đó là chuyện riêng của Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo. Chuyện riêng thì hãy để cho họ đóng cửa bảo nhau. Bàn làm chi? Rách việc. Nhưng, họ có khép cửa đâu. Họ cầu viện đến truyền thông. Tổ chức họp báo. Tán phát thông tin về gia đình, về cuộc hôn nhân đổ vợ, về những tranh chấp quyền lực, về cả chuyện chia chác Trung Nguyên caffe nữa.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Người quá nổi tiếng, có danh phận xã hội cao, có “từ trường” mạnh mẽ ảnh hưởng, tác động đến nhiều người đặc biệt là lớp trẻ đang khao khát lập thân, lập nghiệp. Mỗi câu chuyện của họ xảy ra, sẽ không còn là của riêng nữa. Xét đến cùng, trong thế giới phẳng này, tất cả mọi người đều có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp, nên chuyện của người này cũng sẽ là thái độ, là quan niệm, hay bài học kinh nghiệm của người kia. Câu chuyện của Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo không còn là của riêng của họ, của Trung Nguyên caffe nữa, mà đã là của cộng đồng người quan tâm. Yêu nhau. Hôn nhân. Gây dựng cơ đồ. Tầm nhìn chiến lược. Mâu thuẫn. Xung đột. Tình yêu cắt lìa.. Hôn nhân tan vỡ. Doanh nghiệp chia xẻ. Anh đằng anh, em đi đằng em… Là câu chuyện riêng của họ. Hợp – tan và thái độ, phép ứng xử với hợp – tan, cùng với sự quan tâm về đế chế caffe Trung Nguyên là câu chuyện chung của cộng đồng.
***
Có nhiều người tỏ ra không đồng tình với việc truyền thông và cộng đồng bàn luận về câu chuyện của gia đình “Vua caffe”. Họ cho rằng đó là chuyện riêng của Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo. Chuyện riêng thì hãy để cho họ đóng cửa bảo nhau. Bàn làm chi? Rách việc. Nhưng, họ có khép cửa đâu. Họ cầu viện đến truyền thông. Tổ chức họp báo. Tán phát thông tin về gia đình, về cuộc hôn nhân đổ vợ, về những tranh chấp quyền lực, về cả chuyện chia chác Trung Nguyên caffe nữa. Vả lại, không quan tâm, không bàn sao được khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, chia chác thì số phận Trung Nguyên caffe sẽ ra sao? Phát triển hay giật lùi? Còn hay mất? Các đối thủ của Trung Nguyên có nhân cơ hội khủng hoảng của “Vua caffe” mà trỗi dậy, thanh toán, đè bẹp không? Đằng sau cuộc khủng hoảng này là hàng vạn người trồng caffe và ăn theo, rồi cán bộ công nhân viên dưới quyền Vũ – Thảo, các quán caffe ở khắp nước có bị ảnh hưởng?
***
Nguyên nhân dẫn đến hồi tan vỡ hôn nhân ngàn tỷ không có gì cữu vãn nổi? Tất cả chỉ là phỏng đoán. Ai mà biết được cơn cớ nào để họ quay lưng lại với nhau. Có Thánh mới biết trong lòng họ đối với nhau ra sao? Chán nản. Oán hận. Hay trong lòng vẫn còn chút yêu thương mà không vượt qua lòng kiêu hãnh của cá nhân. Nguyễn Du đã từng viết rằng: “Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”. Mỗi người một suy nghĩ, một thái độ về một hiện tượng xã hội.
***
Chỉ biết rằng: Một thời họ đã có tình yêu rất đẹp, đẹp như cổ tích và hôn nhân rất hạnh phúc. Vũ lập nghiệp được hai năm thì gặp Thảo, rồi yêu nhau, rồi nên vợ thành chồng. Thảo lui lại phía sau, Vũ lao lên phía trước. Thành đạt. Danh tiếng. Vinh quang… đều mang tên Đặng Lê Nguyên Vũ. Trung Nguyên caffe vượt cả ra ngoài biên giới, và còn là niềm tự hào của người Việt.
Vậy mà, cái kết dường như… không có hậu?
***
Chỉ biết rằng: Thảo bảo “trước thời điểm Vũ tổ chức đi thiền 49 ngày vào tháng 10.2013, Vũ là người có chí lớn, thông minh, rất giỏi và xuất chúng, trở thành người nổi tiếng, quan tâm các công việc xã hội, còn bản thân Thảo lặng lẽ quán xuyến tất cả các việc của Công ty”. 5 năm trời lên núi tu thiền không nhòm ngó, chăm sóc con cái. Bỏ bê doanh nghiệp, để người ngoài thao túng, rất có thể dẫn đến nguy cơ bị chiếm đoạt. Thảo cần phải đứng lên để giữ lại thành quả từ mồ hôi nước mắt cho các con. Thảo bảo chồng bị bệnh tâm thần cần phải đi nhà thương điên chữa trị. Thảo yêu cầu chồng trợ cấp nuôi con bằng 5% cổ phần của Vũ/người con, Vũ kiên quyết sẽ l chỉ dành toàn bộ cho các con khi trưởng thành chứ không chỉ 5% hay 7%. Thảo cho rằng “một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới”…vv.
***
Chỉ biết rằng: Vũ bảo Thảo: Đến năm 2006, Vũ mới ký quyết định cho Thảo tham gia điều hành Công ty và “đến ngày 13.4.2015 Thảo bị cách chức Phó Tổng Giám đốc, như vậy chỉ tham gia điều hành 9 năm/ 22 năm”. Mọi chuyện ở Trung Nguyên caffe bị xới tung lên khi Thảo rời “cái bếp đỏ lửa” tham gia điều hành doanh nghiệp. Vũ nói: “20 năm, Qua đã nhịn rồi, nói nhiều rồi. Qua bảo để cho Trung Nguyên nó phát triển, nó phải làm những việc cần thiết của nó, phải nghe chứ. Vợ ra vợ, nhà ra nhà, đạo làm người đâu có lộn xộn được”… “Ở ngoài không thấy được điều đó đâu, ghê gớm lắm! Để ý những gì “qua” nói. Không có người vợ nào để chồng mình vào tù. Không có người vợ nào đem mình vào nhà thương điên để lấy quyền hết”… Vũ nói “Thảo ngỗ ngược bất đạo, thường làm những việc trái với đạo lý, nói không đúng sự thật”… “Tôi chỉ khuyên cô ấy chịu khó lui về đi, tu tâm lại vì sẽ sinh ra nghiệp rất xấu. Tôi nói lên thì khó chịu nhưng phải dùng từ “sám hối” cô mới hết cái “tội” được”…vv.
***
Một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc, một đế chế Trung Nguyên caffe đã từng là khao khát, ước mơ của biết bao người trẻ cháy bỏng ước mơ lập thân lập nghiệp. Vậy mà, bỗng chốc trở thành “miếng mồi” của truyền thông, thành sự quan tâm đến lo lắng, và buộc cộng đồng phải bày tỏ thái độ. Người ủng hộ Vũ, kẻ bảo vệ Thảo. Đặc biệt, người ta nói nhiều đến sự chia chác. Vũ giữ 70%, để lại cho vợ 30%, trợ cấp 10 tỷ đồng/1 năm cho 4 đứa con, tài sản tiền bạc phần con cái chờ đến lúc trưởng thành. Thảo giữ phần nuôi con, muốn mình được 31%, cộng với mỗi đứa con 5% thành 51%. Đến lúc này, thì dư luận lại ầm lên một lần nữa.
***
Phe ủng hộ Vũ bảo Vũ khởi nghiệp từ ban đầu, Vũ là linh hồn của Trung Nguyên caffe. Vũ thông minh. Giàu ý tưởng. Tầm nhìn xa rộng. Trung Nguyên caffe chỉ có Vũ nắm giữ và điều hành thì mới mang tầm nhân loại.
Phía bảo vệ Thảo thì nói rằng: “Của chồng công vợ”. Thảo lui về giữ cái bếp “quanh năm đỏ lửa”, chăm sóc các con là quá vĩ đại, vĩ đại chẳng kém chồng. Vả lại, Thảo cũng góp vốn từ lúc khởi nghiệp, (tài liệu còn giữ đây). Từ lúc Thảo tham gia điều hành doanh nghiệp, thì Trung Nguyên caffe càng phát triển… Thảo không chỉ ngang bằng Vũ mà thậm chí còn giữ phần chính yếu…vv.
***
Thì “sư bảo sư phải, vãi nói vãi chẳng sai”. Như “một tấn trò đời” diễn ra trên sân khấu, mà nhiều người thao thức xem. Đến hồi, hài kịch thì:
Người bảo: Vũ đại trượng phu đi. Bỏ hết. Buông hết. Hoặc là lên núi tiếp tục tu thiền. Hoặc là làm lại từ đầu, từ con số 0 như đại gia Cao Siêu Lực với cuộc li hôn cao thượng, ra đi bằng hai bàn tay trắng mà lập nghiệp làm nên thương hiệu ABC danh tiếng.
Kẻ lại nói: Thảo nên quay về coi cái bếp đỏ lửa quanh năm để cứu vãn hôn nhân. Hoặc là chị nên chấp nhận 30% thôi, cũng đã là quá nhiều. Lên núi mở trang trại, an hưởng tuổi già, quanh đàn con cháu sum vầy ríu rít chứ tội gì mà “đấu tố” tranh giành từng % cho cho nhan sắc tàn phai.
Có bạn bình luận hài hước rằng: “Chia đều cho các con, chừa lại 1 ký caffe, Vũ – Thảo dắt nhau lên núi. Vũ tiếp tục tu hành, và chống lưng dẫn dắt điều hành giúp các con từ xa. Thảo không tu được thì cuốc rẫy, gieo hạt trồng caffe”.
***
Tất cả đều là ý chí và tình cảm cá nhân. Người quý Vũ thì sáp vô ủng hộ Vũ. Người thương Thảo thì bảo vệ Thảo xác lập nữ quyền ở doanh nghiệp và cả trong gia đình.
Điềm tĩnh mà nghĩ ngợi, xem xét lại “lịch sử vấn đề” thì một thời – cụ thể là thời kỳ đầu Vũ – Thảo sống rất êm đềm, đẹp và hạnh phúc. Có phải dường như, sóng gió bắt đầu từ khi người vợ không ẩn mình lui về phía sau nữa, mà cùng chồng bước lên phía trước cùng gánh vác, điều hành doanh nghiệp, và có chuyện? Tôi cho rằng: Hai người không có lỗi khi chọn cho mình một đường đi. Chỉ có điều, hai con đường ấy như đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau.
***
Vũ chí lớn. Phàm những người có chí lớn thì coi sự nghiệp mới là hàng đầu, thậm chí vợ con cũng chẳng là “cái” đinh! Nguyễn Ánh đã từng giam người phi vào hang đá, và vứt con thơ xuống biển, quyết chí “nam nhi ra đi không vương thê nhi”, để mưu sâu phục dựng vương triều. Vũ làm việc lớn, Vũ nói: “những ai có lòng trắc ẩn, lớn lao sẽ thấy chuyện nhà chuyện nước không bao giờ song toàn, không thể lo được cả chuyện nhà lẫn chuyện nước. Lo chuyện lớn, thì sẽ không thể nào có thời gian lễ lạt, kỉ niệm, thời gian để ôm ấp con cái”. Vũ chủ trương để lại cho con giá trị không đo đếm bằng tiền: “Thứ nhất, ba tạo bệ phóng cho các con chứ không phải như ba, khởi nghiệp làm trụi cả đầu. Thứ hai ba dạy cho các con phải có chí hướng lớn vượt người thường. Cái điều đó các con phải có và phải thấy. Thứ ba, điểm quan trọng nhất, ba sẽ là niềm tự hào của các con sau này.”
***
Khát vọng chinh phục nhân loại bằng những triết thuyết, và tư tưởng caffe đạo của Vũ cũng chẳng có gì gọi là hoang tưởng. Doanh nhân, tỷ phú, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump nói về bí quyết của thành công: “Đằng nào thì bạn cũng phải nghĩ. Vì sao không nghĩ lớn luôn?”. Vũ là người nghĩ lớn, và hành động để thực hiện những khao khát, ý tưởng lớn của mình. Vũ gạt bỏ người vợ đã từng đầu gối tay ấp ra khỏi guồng máy lãnh đạo. Khẳng định mình là linh hồn Trung Nguyên caffe, và tập đoàn phải đi đúng hướng tầm nhìn Vũ đã vạch ra. Vũ hiện nguyên hình một doanh nhân “hoàng đế caffe” đầy bản lĩnh, tàn khốc.
***
Thảo là người phụ nữ thông minh, quyết liệt. Vũ quả thật “chọn mặt gửi vàng” chọn vợ quả chẳng sai. Một người có khả năng lúc vắng chồng, điều hành được cả doanh nghiệp, lại thành lập được công ty mới là chẳng vừa. “Đôi lứa xứng đôi”, Vũ một cân thì Thảo cũng chín lạng. Thảo có năng lực quản trị điều hành thực sự, điều này từ năng khiếu bẩm sinh gia đình, và cũng học được từ chồng. Thảo không chịu được khi doanh nghiệp đẫm mồ hôi nước mắt của mình lại thuộc về quyền lãnh đạo, quản lý của người ngoài lúc chồng lên núi tu thiền. Thảo xắn tay vào cuộc. Thảo giành quyền làm việc chính đáng và bảo toàn doanh nghiệp cho con. Thảo đầy khát vọng là doanh nhân đứng đầu trị vì đế chế Trung Nguyên caffe cũng chẳng đáng trách, khi Thảo nghĩ chồng tu thiền ở núi. Tôi nghĩ: Thảo cũng không sai.
***
Chuyện đời chuyện nhà đâu chỉ đến thế là thôi. Người ta có thể bỏ vài tỉ, vài chục tỷ chứ bỏ sao được hàng ngàn tỷ? Đàn bà không có quyền lực thì quanh năm giữ bếp đỏ lửa, có quyền lực thì mọi thứ chỉ hàng thứ yếu trở đi. Quyền lực nó ma mị lắm, chẳng khác con ngựa hoang. Nhốt vào lồng có mà nó phá toang toàng. Chắc thế gian này chỉ có đức vua Trần Thái Tông “vứt ngôi vua như vứt cái giầy rách”? Vả lại: Một nhà không thể hai chủ. Một nước không thể hai vua. Một doanh nghiệp chỉ một người đứng đầu lãnh đạo. Đã đến thời quan điểm phát triển về hôn nhân, gia đình, về doanh nghiệp và tầm nhìn chiến lược Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo quá khác nhau. Một rừng không thể có hai chúa sơn lâm. Một Trung Nguyên caffe không thể có hai hoàng đế. Số phận của Trung Nguyên Caffe sẽ ra sao khi tan đàn sẻ nghé?
Cũng chẳng tiếc khi tình yêu đã chết, khi hôn nhân… cạn duyên!
Chỉ buồn khi hạnh phúc thất bại trước… quyền lực và tiền bạc!
Vũ hãy nhớ Thảo đang là mẹ của các con mình, và tất nhiên Thảo cũng nên nghĩ Vũ đang là cha của các con mình… thì không khí trong toà sẽ dịu đi.
Tiền bạc và quyền lực chỉ làm cho người ta sung sướng, chứ không đánh đổi được hạnh phúc. Người giàu cũng khóc là vậy!
SNM