Ai đã cho Huy Cận tài năng?

755
Nguyễn Ngọc Chu
 
(Vanchuongphuongnam.vn) – Cũng là cơ duyên khi được tham dự Hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Huy Cận: “Nhà thơ, Nhà văn hóa Huy Cận – Những điều còn mãi”. Bởi thế mà được thăm quê Huy Cận và ngắm lại sông Ngàn Sâu sau nhiều năm xa cách.Được uống bát nước chè xanh đậm đặc tình người của chù nhà, được nâng chén rượu đầy vơi phiêu diêu trên sông Ngàn Sâu, không có lẽ không nói điều chi. Đành liều lĩnh lấy sự nông cạn vụng về của kẻ ngoại đạo mà khua chiêng trước trận. Như đụn cát sánh với non cao. Như ao tù đo với biển sâu. Như kiếm gỗ đọ với thiết giáp.
Nhà thơ Huy Cận
Với thi ca, để lại dấu vết sau ngàn năm – hậu thế có người tìm đọc ngợi ca – đã là hàng thi nhân quý hiếm. Như Thôi Hiệu với Hoàng Hạc Lâu. Như Lý Bạch với Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. Như Bạch Cư Dị với Tỳ Bà Hành. Và rồi sẽ như Huy Cận với Tràng Giang.
Tràng Giang là bài thơ xuất sắc nhất của Huy Cận. Tràng Giang sẽ là bài thơ được người đời lưu truyền dài lâu nhất trong phong trào thơ mới. Đó là điều không ngoa. Bởi Tràng Giang – như đã nói ở trên – khi đọc lên là gợi nhớ đến những kiệt tác Đường Thi mênh mang sông nước, trong đó có Hoàng Hạc Lâu, có bến Tầm Dương. Cho nên câu hỏi “Ai đã cho Huy Cận tài năng”? – được đưa đến câu hỏi giản đơn “Ai đã cho Huy Cận Tràng Giang”?
Ngàn Sâu và Hồng Hà
Viết về Tràng Giang đã có nhiều triệu người viết. Viết từ đời trước, đến đời nay, mãi ngàn sau vẫn còn người viết. Viết đủ khía cạnh. Từ mọi bình diện. Nhưng không bao giờ lột tả được tận cùng cái hay và đo hết giá trị đích thực của Tràng Giang. Bởi vì cảm thụ một bài thơ phụ thuộc vào tâm hồn của mỗi con người, phụ thuộc vào hoàn cảnh đọc thơ, và phụ thuộc vào thời cuộc người đọc thơ. Cả ba điều vừa nói: là vô cùng về số lượng, là không cùng về hoàn cảnh, là không ngừng về thời gian. Sức sống vĩnh cửu của Tràng Giang được nuôi dưỡng bởi những nhân tố đó. Cho nên, bình về Tràng Giang không phải là mục đích của tác giả bài viết này – một người làm toán, ngoại đạo về thơ văn.
Người đời truyền nhau, rằng Huy Cận đã viết bài thơ Tràng Giang trong một buổi chiều năm 1939 ở Chèm (Hà Nội) bên bờ sông Hồng. Với tôi, sự thẩm định tính chính xác lịch sử sáng tác bài thơ không quan trọng. Quan trọng hơn là vì sao có Tràng Giang. Hiển nhiên rồi, chiều Hồng Hà là cảm xúc đột phá sinh ra Tràng Giang. Nhưng hồn cốt của Tràng Giang lại là Ngàn Sâu. Không có Ngàn Sâu không có một Tràng Giang hay đến như vậy.
Người sống ở bên sông đọc Tràng Giang khác với người không sống bên sông. Người sống bên sông Ngàn Sâu đọc Tràng Giang khác với những người còn lại. Huy Cận đã chắt lọc Ngàn Sâu mà sinh ra Tràng Giang trong áo khoác Hồng Hà.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. “Sóng gợn tràng giang” thì dễ hiểu. Nhưng “buồn điệp điệp” chỉ có thể là những người mắt đã “uống sóng” nhiều năm. Không sống bên bờ Ngàn Sâu từ tấm bé, Huy Cận đã không có câu mở đầu cái thế đến như vậy trong Tràng Giang. Nếu câu thơ đầu mở ra trước mắt chúng ta một khung cảnh mênh mang sông nước, thì ba câu thơ tiếp theo cho chúng ta một trạng thái thiên về nội tâm: Con thuyền xuôi mái nước song song/Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả/Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Những ai đã sống bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, và dọc chiều sông Ngàn Sâu, sẽ hiểu rất rõ sự khác biệt của cảm xúc này. Sông Hồng về mùa mưa nước cuồn cuộn đến “hoa lau cũng phải chìm”. Còn mùa khô thì nước cạn xa bờ. Nên rất khó có một “cành khô” từ núi rừng Tây Bắc theo sông Đà, hay từ Lào Cai theo sông Thao, hoặc giả từ Tuyên Quang theo sông Lô về được đến Chèm cho Huy Cận mục kích. Không phải không có nhưng xác suất rất nhỏ. Bởi vậy “Củi một cành khô lạc mấy dòng” trong tâm hồn Huy Cận – phải được nuôi dưỡng từ cảm xúc dồn nén bao tháng năm từ sông Ngàn Sâu, nơi rừng núi nhấp nhô bao bọc một dòng sông uốn lượn giữa đại ngàn.
Ngược lại, “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu” lại rất Hồng Hà. Những cồn bãi sông Hồng rất khác xa với Ngàn Sâu, nơi trùng điệp non cao với những làng xóm lãng đãng khói chiều. Cũng bởi thế, “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” lại là đứa con của Ngàn Sâu hơn là mẹ Hồng Hà. Sáu câu thơ tiếp theo, sông mẹ Hồng Hà lại giữ vai trò giai điệu “Đô trưởng”: Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/Sông dài, trời rộng, bến cô liêu/Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng/Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật/Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”.
Người viết bài này, không chỉ một lần đã theo suốt Ngàn Sâu từ bến Tam Soa đến cầu La Ngà, và rất nhiều lần đi dọc Sông Hồng từ Long Biên qua bến phà Chèm vào thời Hà Nội chưa có nhà cao tầng, nên rất thấm thía cảm xúc của Tràng Giang. Ngàn Sâu không sánh được với Hồng Hà về độ mênh mang, lại bị giới hạn giữa non xanh trùng điệp nên càng thu hẹp. Khác với Hồng Hà tít mắt không núi, không nhà chót vót, chỉ tít tắp “bờ xanh tiếp bãi vàng”. Cho nên “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”, “Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” thật sự rất Chèm, rất Hồng Hà từ bến Chèm mà nên thơ.
Đừng quy kết đây là tư duy vật lý hiện thực. Chính cái vật lý hiện thực này theo tháng năm mà ngấm vào da thịt, vào máu, rồi hóa thành tư duy, ý nghĩ. Biện minh cho điều này là một hiện tượng kỳ diệu của tạo hóa sau đây.
Con người sinh ra lớn lên chịu hai dòng di truyền cơ bản. Nội di truyền và Ngoại di truyền. Nội di truyền là theo dòng máu của mẹ cha mà có. Ngoại di truyền là do ngoại cảnh đời sống tạo thành. Nội di truyền là điều dễ hiểu. Còn Ngoại di truyền thì sao?
Người ta sinh ra lớn lên ở vùng nào thì chịu ảnh hưởng của vùng đó. Theo tháng năm trong máu thịt và tư duy thấm đẫm mùi vị quê hương. Ăn gì mùi đó, thói quên đó. Sống nơi nào thời tiết đó. Nên ngũ cốc, thực phẩm, hoa quả, cỏ cây, thời tiết, không khí… làm nên da thịt, làm nên mồ hôi, làm nên tính cách – tất cả thấm đậm vùng miền. Ấy chính là Ngoại di truyền vậy.
Ngoại di truyền còn kỳ lạ hơn nữa. Kỳ lạ vì Ngoại di truyền biến thành Nội di truyền từ lúc nào mà bản thân con người không biết. Thêm bằng chứng sau đây.
Những người ruột thịt khi đi xa có “thần giao cách cảm với nhau”. Nếu ai đó có vấn đề, rơi vào hoàn cảnh không bình thường gì đó, thì sẽ làm cho người nhà bồn chồn nóng ruột. Điều này được xác nhận bằng thực tế cuộc sống ngàn đời. Đấy là Nội di truyền từ máu thịt.
Điều kỳ diệu Ngoại di truyền biến thành Nội di truyền nằm trong tình nghĩa vợ chồng.
Rõ ràng vợ và chồng không di truyền máu thịt. Nhưng bao năm tháng cùng chung sống dưới một mái nhà, ăn cùng thức ăn, uống cùng dòng nước, thở cùng không khí, lại dành cho nhau trọn tâm trí sức lực, nên cả hai đã hòa quyện vào nhau, chung một nhịp thở, chung một suy nghĩ mà hình thành nên một trường sinh học chung. Chính trường sinh học chung này đã báo cho người vợ biết sự bất an của người chồng dù cách xa muôn trùng sông núi. Từ Ngoại di truyền, vợ và chồng đã có chung Nội di truyền. Đó là sự thần bí của tạo hóa.
Viết những điều trên không phải lạc đề, không phải dài dòng. Những điều trên có thể có những góc nhìn khác nhau đầy tranh luận. Nhưng hãy chắt lọc hiện tượng tồn tại của tạo hóa thần bí, để cảm nhận được Hồng Hà, cảm nhận được Ngàn Sâu trong Tràng Giang. Từ đó thẩm thấu được hồn quê hương đã làm nên một Tràng Giang tuyệt diệu. Chứ không phải võ đoán. Và cũng không phải giáo điều phán xét.
Cho nên, cũng từ Ngoại di truyền, rằng những năm tháng chăn trâu bên sông Ngàn Sâu giữa rừng núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, ngó lên núi cao, nhìn lên mây trắng, từ Ngoại di truyền đã cho Huy Cận một ý thơ tuyệt đẹp – “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”- mà những người chưa bao giờ được mục kích núi non không thể viết ra.
Càng đúng hơn nữa lại là: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Đây là một câu kết tuyệt vời – vô tiền khoáng hậu.
Khói hoàng hôn đã đi cùng Huy Cận suốt tháng năm tuổi thơ. Khói hoàng hôn của Huy Cận cũng rất khác. Khác bởi vì khói hoàng hôn của bản làng ven núi không giống như khói hoàng hôn của làng xóm ven biển hay đồng bằng. Sự bãng lãng la đà quấn quýt được sinh ra do không khí và địa hình núi rừng, điều mà không gian đồng bằng hay ven biển không có được. Chính sự bãng lãng la đà quấn quýt này đã quấn quýt khói hoàng hồn trong trí não Huy Cận dài theo năm tháng. Cho nên dẫu trong khung cảnh bến Chèm sông Hồng chưa có khói hoàng hôn, mà trong tâm trí Huy Cận đã bãng lãng khói hoàng hôn. Từ đó, Huy Cận đã truyền cho người đọc – không nói đến khói hoàng hôn, mà phải nghĩ về khói hoàng hôn – rồi sinh ra câu thơ tuyệt diệu “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Không chỉ có thế, điều độc đáo góp thêm sức sống cho Tràng Giang còn nằm ở điểm khác nữa. Những ai đã đọc “Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” của Lý Bạch hẳn chắc còn nhớ trọn bài: Bạn từ lầu Hạc lên đường/Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng/Cánh buồm đã khuất bầu không/Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời (bản dịch của Ngô Tất Tố). Câu thơ đầu bình thường – chỉ hiện lên địa điểm và hướng đi (trong nguyên bản: Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu). Cái hay của bài thơ nằm trọn trong ba câu sau, mà thang bậc hay tăng dần cho đến câu kết. Bắt đầu từ câu “Giữa mùa hoa khói Châu Dương xuôi dòng” đã hiện lên thời gian, mở ra khung cảnh dòng sông cùng con thuyền đi về phía Dương Châu. (Trong nguyên bản “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”: tam nguyệt – tháng ba – được Ngô Tất tố chuyển dịch thành “giữa mùa” và há – xuống – được dịch thành “xuôi dòng”). Tiếp theo, câu thơ “Cánh buồm đã khuất bầu không” thật đẹp – thuyền đã đi rất xa, buồm đã nhòa trong khung trời (nguyên bản: Cô phàm viễn ảnh bích không tận). Nhưng tuyệt kỹ của bài thơ nằm ở câu cuối: “Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời”.
Trong nguyên bản câu cuối là “Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu” có thể hiểu là chỉ thấy Trường Giang chảy “lên” ngang trời – thì mới thấy được sự kỳ vỹ của con sông và khung cảnh. Nhưng đẹp hơn chính là Lý Bạch. Tác giả đã đứng tiễn bạn từ lúc hoa khói trên sông, cho đến khi cánh buồm mất hút trong không trung, nhưng ông vẫn còn tiếp tục tiễn bạn, tiễn theo dòng Trường Giang cho mãi tận lên ngang trời. Cái hay cái đẹp của khung cảnh là bề ngoài. Cái tình tiễn bạn mới là vĩ đại.
Tôi không có chủ ý bình bài thơ “Hoàng Hạc Lâu tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” của Lý Bạch ở đây. Mà chỉ vạc ra ý chủ đạo của bài thơ Lý Bạch để nói về Tràng Giang. Nếu bài thơ nêu trên của Lý Bạch với 4 câu đã vẽ ra một khung cảnh tuyệt vời cùng với tâm trạng của tác giả thì ở Tràng Giang cả 4 khổ thơ của Huy Cận là 4 khung cảnh và 4 tâm trạng mà cả bốn đều tuyệt vời không kém. Hãy cảm nhận trọn vẹn lại bốn khổ thơ này.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu muôn ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, – bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa.
Lòng quê dờn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Vẫn chưa phải là tận cùng. Điều độc nhất vô nhị trong lịch sử thi ca, góp phần tôn vinh Tràng Giang lên hàng tuyệt thi chính là câu thơ: “Không cầu gợi chút niềm thân mật”. Chưa ai trong lịch sử thi ca nhân loại viết lên ý này.
Cộng hưởng cả hai câu “Mênh mông không một chuyến đò ngang/Không cầu gợi chút niềm thân mật” đã cho người đọc một khung cảnh và một tâm trạng lạ thường – duy nhất của Tràng Giang.
Còn một điều khác nữa của Tràng Giang. Như phần mở đầu có lưu ý, cái hay của Tràng Giang là làm người đọc gợi nhớ đến các kiệt tác Đường Thi trong đó có Hoàng Hạc Lâu. Hãy xem 4 câu cuối của Thôi Hiệu:
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, 
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
Dịch nghĩa:
Mặt sông trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh.
Trời về chiều tối, tự hỏi đâu là quê nhà,
Khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn.
Thi sĩ Tản Đà đã dịch thoát qua thể lục bát với những vần thơ tuyệt đẹp:
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”
Tứ thơ này, một cách nào đó, làm chúng ta nhớ đến các câu thơ của Tràng Giang:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”, “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”, “Lòng quê dờn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Thật là kỳ diệu. Không giống nhau. Không sao chép. Không cắp ý tưởng. Không nhái ngôn từ. Khung cảnh khác nhau. Vậy mà cho người đọc một cảm xúc gần gũi mơ hồ. Âu cũng là bởi tình người giống nhau. Âu cũng là bởi tâm tư đồng điệu. Âu cũng là bởi tài năng tương cấp.
Còn một điều khác nữa. Đó là cảm giác âm thanh trong Tràng Giang của Huy Cận. Hãy đọc lại khổ thơ đầu tiên.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu muôn ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Không nói về âm thanh mà như nghe thấy âm thanh. Như nghe thấy sóng vỗ “buồn điệp điệp”. Như nghe tiếng mái chéo khua “nước song song”. Như nghe nỗi sầu dâng tỏa ra muôn ngả. Như nghe thấy tiếng rên bi ai của nhành củi khô bị xoáy “lạc mấy dòng”.
Thật lạ lùng, cái buồn “điệp điệp”, cái “khua nước song song”, cái “sầu muôn ngả”, cái rên khóc “lạc mấy dòng” tự nhiên cho tôi một liên tưởng đến bến Tầm Dương. Một khung cảnh ban chiều. Một khung cảnh ban đêm. Một nỗi buồn ban chiều. Một nỗi buồn ban đêm. Thế mà lại chợt nhớ đến. Đó không chỉ là do khung cảnh vừa tương phản vừa gần gũi chiều và đêm. Đó còn là do âm thanh – cái âm thanh buồn ở Tràng Giang, bên ngoài thì không tiếng, mà bên trong thì réo rắt như tiếng đàn tỳ bà của người kỹ nữ trên bến Tầm Dương.
Có thể đây là cảm nhận rất riêng của cá nhân tôi, không phải của các bạn đọc. Và tôi không áp đặt suy nghĩ này cho bạn đọc. Cũng đừng nghĩ là tôi “ngoa ngắt”. Vì thực sự tôi nghe được âm thanh trong Tràng Giang. Tôi không quả quyết, nhưng tôi đồ rằng Huy Cận đã nghe thấy âm thanh trước khi viết các câu thơ. Vì nghe được âm thanh nên ông mới viết được những dòng thơ tuyệt kỹ vang lên âm thanh như vậy.
Quay trở lại với bến Tầm Dương của Bạch Cư Dị. Chỉ ở một tâm trạng buồn mênh mông tích lũy nhiều tháng năm bị lưu đày, lại được đẩy lên diễn biến cao trào của tình cảm tiễn khách trên bến Tầm Dương khuya khoắt “lau lách đìu hiu”, thì Bạch Cư Dị mới nghe được nỗi buồn réo rắt trong tiếng đàn tỳ bà của người kỹ nữ vang lên trên mặt sông khuya tĩnh lặng. Réo rắt đến mức chỉ ông mới đồng điệu được mà thốt lên “tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây”. Dừng đàn bằng phép gẩy cả 4 dây – tiếng như xé tấm lụa thì biết được tâm trạng ngưởi đánh đàn và người nghe đàn ở mức độ nào. Tiếng đàn của người kỹ nữ vang lên ở cung bậc nào – là do Tư Mã Giang Châu Bạch Cư Dị cảm nhận. Trên thực tế là lệ rơi đầm vạt áo bào xanh. Thế mới là “Tri âm nhân thức tri âm nhân” – như Tử Kỳ nghe được tiếng đàn của Bá Nha. Cũng như vậy, là Huy Cận viết nên được âm thanh của Tràng Giàng.
Cái vĩ đại của Tràng Giang là người đọc tìm thấy bóng dáng một Hoàng Hạc Lâu nhớ quê, một Hoàng Hạc Lâu tiễn đưa, và một bến Tầm Dương buồn réo rắt.
Trở về với tư tưởng chủ đạo ban đầu. Đô trưởng – La thứ, La thứ – Đô trưởng: Ngàn Sâu và Hồng Hà đan xen trong suốt Tràng Giang. Qua Hồng Hà, qua Ngàn Sâu, là thần cốt của những dòng sông khác – những mái nhà chở che cho Tràng Giang thao thức trong lòng người đọc – dù đó là ai, ở đâu và thời nào. Sức sống của Tràng Giang vì thế mà vĩnh cửu.
Nhưng Ngàn Sâu không chỉ là thần cốt của Tràng Giang. Ngàn Sâu còn đi suốt trong thơ ca Huy Cận. Ở đâu ông viết về sông nước, là ở đó có Ngàn Sâu. Ngàn Sâu thấm đẫm trong Huy Cận một hồn quê hương chảy mãi không ngừng.
Hồn quê hương và hồn dân tộc
Tháng Tám năm 1945, Huy Cận cùng Nguyễn Lương Bằng và Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ Lâm thời vào Huế tiếp nhận ấn kiếm và chiếu thoái vị của vua Bảo Đại – đánh dấu chính thức sự xuất hiện một Huy Cận ngoài thi sĩ. Cuộc đời tiếp theo của Huy Cận là chuỗi ngày hoạt động cách mạng (nói theo cách phổ dụng trong mấy chục năm qua). Trong các vai: Bộ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Văn Hóa… Kể từ khi gắn đời mình với hoạt động cách mạng, cũng là lúc hồn dân tộc ngự trị bao trùm trong mọi hành động và suy nghĩ của Huy Cận. Một Huy Cận cách mạng mỗi ngày một đồ sộ án ngự một Huy Cận thơ ca hùng vĩ thầm lặng ẩn náu.
Nhưng mạch nước Tràng Giang vẫn không ngừng chảy. Hồn thơ không nguôi ngoai vun đắp chất chứa. Và đến năm 1958 Huy Cận trở lại thi đàn với “Trời mỗi ngày lại sáng”. Sau đó là các tập thơ: Đất nở hoa (1960); Bài thơ của đời (1963); Hai bàn tay em (1967); Phù Đổng Thiên Vương (1968); Những năm 60 (1968); Cô gái Mèo (1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (1973); Chiến trường gần chiến trường xa (1973); Những người mẹ, những người vợ (1974); Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975); Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (1976); Ngôi nhà giữa nắng (1978); Hạt lại gieo (1984) – tất cả đều gắn liền với thực tế phát triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 1954-1984.
Nhưng như đã lưu ý ở trên, mục đích bài viết này không nói về các tác phẩm của Huy Cận. Mà trở lại câu hỏi xuất phát ban đầu: “Ai đã cho Huy Cận tài năng”?
Thực ra, không phải từ tháng 8 năm 1945, mà từ khi xuất hiện “Lửa thiêng” (1941) và “Vũ trụ” (1942) đã định hình một Huy Cận ngoài thi sĩ. Bởi lẽ “Lửa thiêng” và “Vũ trụ” mang hơi thở của phong trào giải phóng Việt Nam khỏi sự đô hộ của người Pháp, trong đó có thơ ca. Có được tinh thần mới trong “Lửa thiêng” và trong “Vũ trụ” là nhờ phong trào Cần Vương, nhờ linh khí của khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, là khí tiết của các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, nhờ tinh thần của Xô viết Nghệ Tĩnh… mà từ đó Huy Cận đã tham gia phong trào cách mạng, rồi trở thành đại biểu Đại hội Quốc dân ở Tân Trào.
Hồn quê hương đã sinh ra một Tràng Giang – làm nên một thi sĩ Huy Cận. Hồn dân tộc đã tôi luyện Huy Cận từ một thi sĩ phong trào thơ mới, tiến xa hơn, thành một thi sĩ hành động cách mạng. Hồn quê hương và hồn dân tộc là hai dòng chảy – như Ngàn Sâu và Hồng Hà – đã tạo nên tài năng thi ca của Huy Cận. Không phải 100 năm, mà ngàn năm sau người đời còn mãi nhắc đến Huy Cận. Ở nơi đâu có dòng sông, ở nơi đó có Tràng Giang.
Nguồn: Văn Hóa Nghệ An