“Ai đã pha thêm sắc vàng” – Tập bút ký giàu chất trí tuệ, đậm chất thơ của Nguyệt Quế

650

Phạm Bội Anh Thuyên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập bút ký văn học “Ai đã pha thêm sắc vàng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2019) của nhà văn – nhà báo Nguyệt Quế đã “kích hoạt” niềm cảm xúc trong tôi đến không ngờ, bởi hàm lượng văn học. Tôi thầm thốt lên: Bến Tre có người “bản lĩnh bút ký” khi giao hòa “đã” đến như vậy sao?! Và, tôi ngộ ra một điều, hẳn là chị chuẩn bị cho công việc “trời đày” này thật công phu, kỹ tính của một phụ nữ chu đáo, cầu toàn. Đó là sự cất công tìm hiểu về sinh hoạt, tính cách con người, văn hóa, lịch sử, địa lý ở từng vùng đất thật cạn kẽ. Thậm chí cả các chi tiết, sinh hoạt của trẻ em, vật nuôi, côn trùng hay thổ nhưỡng vùng miền… chị cũng không bỏ qua. Thảo nào cuối năm 2019, chị đoạt giải A Cuộc thi viết về “Bến Tre đất và người hôm nay” do Báo Đồng Khởi (Bến Tre) tổ chức, với tác phẩm ký báo chí Phù sa mặn mà nhà văn – nhà báo Phong Hân, Trưởng ban tổ chức cuộc thi đó hết lời khen ngợi. Không dừng lại ở đó, năm vừa rồi chị ẵm luôn Giải C “Cuộc thi Bút ký văn học đất và người Bến Tre” do Hội Văn học – Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tổ chức. Đồng thời trước đây chị từng nhận nhiều giải thưởng báo chí khác.


Tập bút ký “Ai đã pha thêm sắc vàng” của Nguyệt Quế.

Tập bút ký Ai đã pha thêm sắc vàng có mười tác phẩm được tác giả cân nhắc tuyển chọn, trong đó có hai bài phỏng vấn. Tác giả đã gửi đến cho bạn đọc nhiều thông điệp phong phú, quí báu, thú vị. Phỏng vấn cũng là sở trường của Nguyệt Quế. Những câu hỏi sâu sắc, tinh tế, hiểu rất rõ nghề nghiệp, tâm tư nhân vật mà mình phỏng vấn. Trao cho họ cơ hội nhằm “bật ra” những gì sâu kín, trăn trở, ưu tư nhất về nghiệp cầm bút. Qua đó người đọc khái quát được thái độ nghề nghiệp, “độ sâu” của người được phỏng vấn. Điển hình qua bài phỏng vấn nhà thơ Kim Ba: Thơ – đồng cảm và chia sẻ và bài trò chuyện với người đi qua cuộc chiến – phỏng vấn nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên. Tất cả đều để lại dấu ấn cá nhân của một người làm nghề báo có cái tâm sâu sắc và rất nghề. Như thể chị quyết đoán châm lửa vào ngòi nổ đã thành công vậy. Có một đồng nghiệp thích thú cho rằng hai bài phỏng vấn của Nguyệt Quế, tiếp cận ở góc độ nào đó ta thấy có bóng dáng của tác phẩm văn học. Tất nhiên đó chỉ là tư kiến, cảm nhận cá nhân. Xin trích một đoạn nhằm đơn cử trả lời phỏng vấn của nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên: “… Ở đó, sự hằn thù giai cấp, sự căm ghét ngoại xâm đi cùng với lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc, gặp nhau, thành tổ hợp của chiến tranh. Trên tổ hợp đó người Việt bắn vào ngoại bang xâm lược (…). Thắng thì đã thấy. Đất nước được vẹn toàn. Và, mất mát!…”.

Có nhà phê bình văn học, phán: Thơ phải có ba yếu tố: Tứ, tư, từ. Tức là thơ phải có tứ có tư tưởng và ngôn từ. Trộm nghĩ, bút ký văn học, bút ký báo chí cũng không khác. Bút ký của Nguyệt Quế hội đủ ba điều đó, như thể nguyên liệu góp phần làm nên sản phẩm của anh đầu bếp lành nghề.

“… Để củng cố biên cương của Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã dốc sức xây dựng phên giậu cho vùng đất mới này. Dựa vào hình thế uy nghiêm của núi Đá Bia ở độ cao 700m – như tiến sĩ Phan Thanh Giản đã cảm kích: “Nhất phiến sơn đầu thạch. Cao quyền xuất bích câu. (Mảnh đất đầu non dựng. Tầng cao ngất một phương). Vua Lê đã chọn núi Đá Bia (còn gọi là Thạch Bi Sơn) làm biên giới giữa lãnh thổ Đại Việt và Chămpa…” (Ai đã pha thêm sắc vàng).

Tuy mới cho ra mắt tập bút ký đầu tay, song giọng văn của Nguyệt Quế lịch lãm, đĩnh đạc và sang trọng. Tất thảy đều hiển lộ tính học thuật và sự tài hoa về bút pháp mà tôi phát ghen lên được. Vì sao có điều đó? Xin thưa, chị là “dân khoa bảng”, từng tốt nghiệp Khoa văn, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh. Sau đó về làm phóng viên, rồi biên tập viên, P. Tổng biên tập mục văn hóa, văn nghệ của Phòng thời sự Đài Phát thanh – Truyền hình Bến Tre đến khi về hưu. Yếu tố làm nên một Nguyệt Quế nữa là, chị luôn ngưỡng mộ văn hào Dostoevsky, Hemingguay, Kawabata, Lỗ Tấn, Goetthe, Seaiint Exupery… Tất nhiên chị đã từng đọc họ một cách nghiềm ngẫm, suy tư nhằm làm giàu có vốn tri thức nghề nghiệp cho mình. Cũng từ đó nên giọng văn đầy tố chất bút ký của chị phảng phất văn phong hiện đại phương Tây. Bút ký mặc nhiên luôn đồng hành với các thể loại văn học khác. Nghĩa là chuyển mình, thay đổi cấu trúc truyền thống, thay đổi giọng điệu. Thông qua lăng kính tư duy, Nguyệt Quế đã trừu tượng hóa hiện thực vạn vật, cuộc sống trong tác phẩm của mình. Tạo ranh giới rạch ròi giữa thông tấn, ghi chép với bút ký một cách chuẩn mực. Chẳng biết có khập khễnh không, khi đọc những tác phẩm của chị, tôi luôn nhớ đến hai nhà văn tài năng viết bút ký ở Huế với bút pháp hiện đại: Đó là Văn Cầm Hải và Lê Vũ Trường Giang. Chỉ riêng tác phẩm Bầu trời mãi mãi 6 giờ – những hảo vọng và ảo vọng cho bạn đọc thấy tầng mỹ cảm, vị trí “văn hóa bút ký” của chị rồi. Công trình kiến trúc kỳ vĩ đền Angkor của người Khơ-me cổ xưa không ít nhà văn đã viết. Nhưng qua bàn tay nhào nặn của chị cho tôi một cảm xúc mới, một điều thú vị khác. Khả năng chính luận của chị tưởng chừng dựng đứng diện mạo mọi vần đề mà mình muốn biểu đạt. Trong tập sách này, tác phẩm Chưng cất rừng ít nhiều đã góp phần “thưa trình” điều đó. Chị đau nỗi đau mất rừng Tây Nguyên như thể mất của nhà mình. Mặt khác, tôi còn nhận ra tựa tác phẩm của chị rất giàu chất thơ. Đây đích thị đã tạo sức cảm, sức gợi, đồng thời gián tiếp nhắn nhe bạn đọc: Hãy đọc chậm!

Ngoài ra, bút ký của Nguyệt Quế luôn làm đúng “thiên chức”, nhiệm vụ của thể loại này. Đó là dòng cảm xúc ngoại đề, “suối nguồn” mát lành từ tác giả, luôn tuôn chảy vào “cánh đồng tâm hồn” khao khát của bạn đọc. Muốn làm điều đó phải có tư tưởng, có lý luận, bình luận, ngôn từ sắc sảo, thậm chí có cả triết lý: “Nhát kiếm của An Dương Vương không phải là để trút nỗi căm hờn vì bị thúc thủ lên con gái mình, mà để chém phăng đi cái thói yếu mềm – nhẹ dạ – cả tin, đặt tình riêng lên lợi ích quốc gia của nàng Mỵ Châu; và qua cái chết bi tráng đó lịch sử đã gửi thông điệp lại cho hậu thế bài học nghiêm cẩn về bảo vệ Tổ quốc…”. (Ai đã pha thêm sắc vàng). Nhịp văn chị khoan thai, trãi đời, luôn ví von, so sánh, liên tưởng nên dễ “dẫn dụ” người đọc đi theo mình một cách thú vị. Bút ký của Nguyệt Quế tin chắc hư cấu là điều không thể thiếu. Nhưng tuyệt nhiên tôi không tìm thấy tỳ vết. Tôi lấy làm tiếc, vì sao tác phẩm của chị chưa được phổ biến rộng rãi?!

Ký báo chí và bút ký văn học, Nguyệt Quế đều hiển lộ sự phân định rõ nét về ranh giới. Chị đã nhọc nhằn, khéo léo gạn lọc, tích hợp từ trong bộn bề cuộc sống để tạo tác hình hài tác phẩm. Điều này thật ra không phải nhà văn nào cũng làm được một cách dễ dàng. Từ đó khiến cho trang văn lung linh, sinh động, hớp hồn người đọc. Rất đẹp về nội dung và cả hình thức biểu cảm. Lên Tây Nguyên, tới hải đảo, qua Nhật Bản hay sang Campuchia, bút ký của Nguyệt Quế viết đều chất chứa ngồn ngộn chất liệu cuộc sống và rung cảm chân thực như thể nơi mình đang trú quán vậy. Luôn tồn tại sự run rẩy, nhạy cảm và trái tim nồng nàn trong lao động chữ nghĩa nghiêm túc. Thứ mà nhà văn đích thực, chân chính cần phải có. Tôi cho rằng, bút ký của chị có đời sống rất riêng và có linh hồn, không trộn lẫn bất kỳ ai. Đọc Nguyệt Quế, tôi chợt liên tưởng đến nhà phê bình văn học Cao Ngọc Thắng khi viết về “nhà bút ký” đại tài Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Con người và thiên nhiên trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường quấn quýt và nâng đỡ nhau như hình với bóng… Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường đẹp từ trong tư duy và vì thế đẹp cả trong cách thể hiện với sự chặt chẽ của cấu trúc và sự trong sáng của ngôn ngữ. Đọc các tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta học được nhiều điều bổ ích, bởi ông là người đã “thổi hồn” vào thể ký”.

Có người phiền rằng, “Bút ký của Nguyệt Quế viết dài quá!”. Quả tình đây đó có hơi dàn trải và có một đôi câu phỏng vấn có dài thật. (Có lẽ khi cảm xúc thăng hoa, phiêu linh nên chị mất kiểm soát trong quá trình sáng tác chăng?) Tôi nhận thấy văn chị thi thoảng có cả sự “lười” chấm câu. Tuy nhiên, những điều vừa nêu không phải là điều lớn lao, nhưng không phải ai cũng khắc phục được. Bởi nó “có nguồn gốc” từ tư duy khi hoài thai đến khi… hạ sinh tác phẩm.. Thôi thì tạm bỏ qua. Vấn đề là tác phẩm có đáng để đọc hay nhạt thếch, chán phèo ngay trang đầu mới là câu chuyện để bàn. Trích một đoạn trong Đêm phố núi nghe nhạc Trịnh nhằm “bênh vực” cho chị xem sao: “Âm nhạc của Trịnh Công Sơn kết hợp với Khánh Ly đã đi vào đời sống tâm linh của con người những ý niệm về cõi tạm, về sự hư vô. Tiếng hát khàn đục của Khánh Ly như có chất rượu và thuốc lá của từng đêm khuya không ngủ. Tiếng hát ấy như tiếng ngất vướng nghẹn trong lòng ngực để nói lên niềm vui chưa trọn vẹn…”.

Có người trầm trồ, chẳng phải “đi một ngày đàng”, chỉ ngồi đọc Nguyệt Quế thôi, đã bưng “một sàng khôn” kiến thức xã hội, “một sàng khôn” về nghề viết văn. Chẳng biết nhiều đồng nghiệp khác của chị có chung niềm đồng cảm, thừa nhận như vậy chăng?

P.B.A.T