Ái Duy – Mười bảy năm và mười bảy ngày

614

18.3.2018-18:00

 Nhà văn Ái Duy

 

>> Bồng bềnh mây trắng

 

Mười bảy năm và mười bảy ngày

 

TRUYỆN NGẮN CỦA ÁI DUY

 

NVTPHCM- Mười bảy năm trước, một chiều giông bão mịt mùng điên đảo, có hai người bạn đồng hành đã dạt vào nép dưới một cái lán tranh cô độc bên đường để tránh cơn thịnh nộ của đất trời. Có lẽ là một cái quán bỏ hoang, bốn bề không phên vách, thấp lè tè với mấy cây cột xiêu vẹo run rẩy. Con đường trải dài thẳng tắp trước mắt, bùn đất lầy lội, hai bên là đồng ruộng mênh mông lấp xấp nước; xa xa chỉ thấy mờ mờ bóng núi vây bọc, tuyệt không một bóng người. Cơn giông tháng sáu ập tới tung hoành y như một người đàn bà quyền uy và ngạo mạn.

 

Ðây là đâu anh?” “Ðại Ðiền.” “Ði đường vòng xa quá, hơn cả chục cây số chớ ít gì, mình không lỡ chuyến đò ngang Phú Cốc là đã về Nha Trang từ tám kiếp.” “À, có vậy em mới biết thêm những con đường và những vùng đất mới.” “Thôi đi anh, nếu phải đi thám hiểm thì cũng không bằng hai chiếc xe đạp cót két này đâu. Ô, anh có nhìn thấy cái vệt gì đỏ rực ở ngay trên sườn núi đằng kia không? Hình như là một cái mái ngói mới thì phải!” “Cô giáo cận thị à, là một hàng phượng đỏ đó.” “Vô lý, em chưa thấy phượng mọc tự nhiên trên núi!” “Tức là em cũng chưa đến đó phải không, nơi sườn núi chỗ có tán phượng đỏ ấy?” “Hừm, em chưa phải lên núi làm rẫy, đốt than đâu anh.” Mưa đã ngừng đột ngột, người đàn ông nhìn trời, nhìn đồng hồ trầm ngâm, “Có thể được đấy, bây giờ em có đi đến đó cùng anh không?” “Ði đâu?” “Không phải em vẫn ước được viếng Am Chúa trên núi Ðại An sao?”

 

Ðường lên Am Chúa khá quang đãng, nằm trên sườn núi tách biệt khỏi khu dân cư. Họ tìm được nơi gửi xe, vượt qua mấy chục bậc tam cấp bằng đá mới đến cổng. Cơn mưa vừa tạm là nắng bắt đầu hửng lên óng ả. Ngay trước khuôn viên, mấy gốc phượng già đang vươn tán bung nở chói chang giữa ngàn xanh, thấp thoáng trên cao ngôi chánh điện khiêm tốn.

 

Cô thầm thì: “Ngại quá, em chưa đi lễ chùa bao giờ.” Cửa đền rộng mở, chiều mưa và có lẽ không nhằm ngày lễ, nên không thấy bóng dáng khách thập phương. Hai người đi vòng vòng chung quanh, đọc kỳ hết văn bia tưởng niệm được dựng lên ở các miếu thờ phía ngoài. “Em đã thấy những ruộng dưa trên đường mình lên núi, lẽ ra người ta phải cắm biển giới thiệu từ ngoài đó anh há, rằng thời thiếu nữ của Nữ thần Thiên Y A Na đã từng chịu nắng mưa ở đất này, và cũng là nơi Bà đã giáng trần… Dòng sông này đã đưa khúc trầm hóa thân của Bà ra biển lớn phải không anh?” “Ừ, rồi từ biển lớn, Bà đã tìm về lại dòng sông quê mình. Bao đời nay Tháp Bà Pô Na Ga bên sông Cái nhìn ra cửa biển, trấn giữ thái bình…” Họ xin được vào lễ Bà. Người đàn ông trị sự trang nghiêm, “Cô chú mỗi người thắp tám cây nhang tới tám bàn.” Cô lúng túng đi theo anh tới từng bàn thắp nhang rồi quay về đứng trước chánh điện, cảm thấy sờ sợ khi ngước nhìn ba pho tượng Tam Cung Thánh Mẫu đặt ở trên bệ cao sau làn khói hương hư ảo. Anh đứng bên cô đang chắp tay trước ngực thành khẩn, miệng lâm râm khấn vái. Mình cũng phải cầu xin điều gì chứ, cô thầm nghĩ.

 

Một phút trôi qua. Cô cũng làm y hệt anh, tức là sau khi khấn xong cũng sụp lạy khấu đầu sát đất đủ ba cái. Qua lúc e ngại, cô chỉ thấy mắc cỡ và buồn cười, suýt nữa là buột miệng “Nhất bái thiên địa…” để trêu anh. Cô không hề biết rằng, đây là lần đầu tiên người đàn ông đứng bên cạnh cô quỳ trước đấng thiêng liêng để cầu xin vào một phép lạ siêu nhiên vượt qua ngoài khả năng của con người.

 

*

*      *

 

Tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm, Tâm nhận quyết định về một ngôi trường nhỏ ven sông thuộc huyện Diên Khánh, cách Nha Trang 18 cây số và phải đi qua một bến đò ngang. Ðiều kiện gia đình không cho phép cô ở lại. Thế là hằng ngày, từ 5 giờ sáng Tâm phải trở dậy đạp xe đi, mưa nắng bão bùng gì cũng phải chịu. Mùa đông năm đầu tiên rét mướt giá lạnh, đến được bến sông tay chân mặt mũi đã đông cứng lại, mở miệng nói năng cũng khó đừng nói gì phải xắn quần vác bổng cái xe đạp lên mà đi xuống đò qua sông. Con đò ngang ở khúc sông mùa nước cạn chỉ chống bằng sào, thưa thớt người qua lại nên khi nào hai bờ đủ khách nó mới uể oải trườn đi. Mùa nước lớn chủ đò cho chạy máy nổ, có khi giật mấy chục cái khói xịt đen sì không thấy mặt nhau nó mới chịu nổ lịch bịch. Không may ra giữa dòng bị chết máy, mặc ai kêu la đò vẫn lang thang trôi dạt về xuôi theo con nước xiết. Có sao đâu, cũng về biển thôi mà. Cũng ở cái bến sông này mà Tâm nhiều lần ứa nước mắt thấm thía tinh thần “qua sông thì phải lụy đò”, và quá hiểu thế nào là “trễ đò” dù chỉ trong chốc lát, và ở bất kỳ tình huống nào! Ðến giờ vào lớp, học trò không thấy cô giáo bèn tuôn ra bến đò đứng ngồi lổn ngổn chờ; thấy Tâm ngơ ngẩn bên kia sông chúng lại réo gọi ầm ĩ.

 

Mỗi tuần Tâm có ba buổi phải về sau 5 giờ chiều. Trời mùa đông chớp mắt đã sụp tối. Ðường dài thăm thẳm tối đen không trăng sao không ánh điện, hết liên xã ra tỉnh lộ lên quốc lộ. Hôm nào may mắn không phải trễ đò thì ra tới quốc lộ trời hãy còn sáng, còn chút tự do nhẩn nha ngắm cảnh mộng mơ để quên đường dài.

 

Có một lần Tâm về trễ, gặp đêm tối trời gió lành lạnh. Cô cắm cúi đạp xe, không nghĩ được điều gì khác ngoài việc mau mau về tới nhà. Có vài thằng choai choai rú ga xe máy vọt lên ép sát một bên làm Tâm mấy lần suýt trật bánh xe xuống ruộng. Linh tính báo cho cô biết, dường như cô đang bị một tay đi xe đạp kèm sát mình với cự ly không đổi từ lúc rời khỏi bến đò lên đường cái quan. Ban đầu cô không để ý, vì vào giờ khắc này trên đường vẫn còn nhiều người xe qua lại. Song những thanh âm kẽo kẹt lốp rốp vui nhộn phát ra đều đặn từ cái xe đạp ấy theo cô suốt cả chặng đường về khiến cô không nén được tò mò quay lại nhìn. Ðó là một chiếc xe đạp đòn giông không vè chắn, gồng gánh trên thân nó cơ man là thứ, nào cuốc rựa thúng mủng bao tải. Chủ nhân của nó là một người đàn ông trẻ, ăn mặc theo kiểu dân làm rẫy không chuyên, lam lũ nhưng sạch sẽ, đôi mắt sáng nhìn thẳng vào cô mỉm cười thân thiện. Tâm ngơ ngác, dường như cô đã gặp anh ở đâu đó, bất giác cô cũng nhoẻn miệng cười lại. Tay lái xe cô bỗng chao đi vì một cái ổ gà trên đường.

 

“Trời tối, cô giáo đi một mình phải cẩn thận đó nghe.” “Ủa, nhưng mà anh là ai vậy?” Người đàn ông cười nhẹ, “tôi làm bảo vệ cho cô lâu nay mà, cô không biết sao?” Tâm lại kêu lên đầy ngạc nhiên.

 

Sau này nhắc lại, Phục nói, “lúc đó anh cũng không có ý định làm quen với em vì mặc cảm thân phận của mình, nhưng vì ánh mắt và nụ cười của em trong trẻo quá, vô tư quá, cho dù bao phủ quanh em là sự cô đơn và nỗi buồn”. Luôn luôn, ấn tượng ban đầu ấy không phai trong anh, cho dù Tâm có ra sức biến đổi con người mình đến đâu chăng nữa.

 

Họ làm quen với nhau giản dị như thế. Phục làm rẫy ở khu kinh tế mới Ðất Sét, cách trường Tâm dạy hơn 5 cây số. Gia đình vợ con anh cũng ở Nha Trang, một tuần chỉ về nhà được đôi ba lần; thường là thồ hàng hóa nông sản về và chở lương thực nhu yếu phẩm lên lại, nên xe đạp của anh lúc nào cũng gồ lên như một con lạc đà. Trước đó anh hay gặp cô ở bến đò ngang, nhiều lần kín đáo quan sát cô. Phục lăn vào đám dân cày thợ thuyền địa phương còn Tâm thì sáng láng tinh khôi không dấu vào đâu được. Mỗi lần Phục nói vậy là Tâm cãi, “nhìn anh là em biết ngay không phải dân làm rẫy chuyên nghiệp, kính cận dày cui, lên rừng mà sổ tay, viết lúc nào cũng giắt túi!”

 

Thuở đó là những năm đầu mới giải phóng, lòng người hãy còn ngổn ngang ly tán, xã hội vẫn lắm nỗi nhiễu nhương; không thiếu những anh hùng lỡ vận về quê chăn vịt lên núi đốt than. Phục cũng không nằm ngoài số đó. Anh là luật sư của chế độ cũ, chưa hết thời gian tập sự đã chịu cảnh thất nghiệp. Vợ anh là cô nuôi dạy trẻ, đứa con gái đầu lòng chỉ mới lên hai. Phục lấy vợ sớm vì có lý do bất khả kháng, nhưng tổ ấm gia đình anh thật sự là một thiên đường thu nhỏ mà ai ai cũng đều mơ ước.

 

Từ đó mỗi buổi chiều về nhà Tâm thường có Phục chờ sẵn dưới bến đò. Anh là một người bạn đường ân cần, tốt bụng và vui tính. Ði bên anh cô cảm thấy lòng ấm áp đầy tin cậy, và có thể líu lo đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với anh. Phục chỉ thường lắng nghe, cười hì hì trước ngôn ngữ cắc cớ và sáng tạo của cô, hai anh em cùng sống lại với những hoài niệm tuổi thơ của nhau. Phục cũng thường kể chuyện về những giai đoạn gian truân vất vả trong đời mình, và về vợ con anh. Chị là tiểu thư con nhà giàu đem lòng yêu chàng gia sư mồ côi học giỏi đầy nghị lực. Họ lấy nhau bằng hai bàn tay trắng, người nọ đi làm nuôi người kia đi học. Bé Nâu bé bỏng của họ là kết tinh của một tình yêu chân thành, thủy chung và nhân hậu. Phục nói, “Từ nhỏ anh đã sống thui thủi một mình, thành ra khi anh lấy chị và có con, anh thấy trên đời này không có gì quý báu hơn cái gia đình mình nữa.”

 

Phục đúng là mẫu người đàn ông lý tưởng của gia đình. Những chiều về thành phố anh còn tranh thủ đi rừng chặt củi, hì hục trở về. Có lần nhìn thấy anh mang cả một bó lá dài dài dẹp dẹp cột sau yên xe, Tâm tò mò hỏi. Phục cười, “Là lá mặt cật, để chằm nón lá”. Cao hứng, Phục giảng cho cô một bài về nghề làm nón lá truyền thống quê anh. Hóa ra, vợ chồng anh còn tranh thủ giờ rảnh chằm nón lá bỏ chợ. Phục nói thêm, “Anh biết chằm nón để mưu sinh từ hồi tám tuổi, và là thợ khéo tay nhất trong xóm. À, khi nào tìm được đủ lá đẹp anh sẽ làm riêng để tặng em một cái nghe.” “Lá đẹp là lá gì, Tâm không hiểu.” Phục săm soi trong bó lá rồi rút một phiến lá non mỏng tang trắng muốt trong đó ra đưa cho Tâm. “Em coi nè, mỗi một khóm lá chỉ có duy nhất một chiếc lá non còn khép tán nằm ẩn trong cùng, còn gọi là lá đẹp. Em xòe tán lá ra thử xem, những cái gân lá của nó mảnh mai yểu điệu và xếp rất khít nhau nên khi chằm thành nón thì nó trang nhã và có mầu sáng đẹp hơn những cái nón thường nhiều.” “Vậy à?” Tâm háo hức, “Nhớ để dành cho em một cái nhé!”

 

Thỉnh thoảng Tâm cũng ghé nhà Phục ăn với gia đình anh bữa cơm, dắt con bé Nâu đi chơi hay rủ nhau ra mấy quán cà-phê quốc doanh ngồi ngắm biển. Chị Trinh vợ anh là một người phụ nữ nhiệt tình và thật thà, chu đáo; coi Tâm như một đứa em gái nhỏ cần chăm sóc, thậm chí sự quan tâm chăm sóc ấy của chị còn được gửi gắm thông qua cả Phục. Tâm nghĩ, họ hạnh phúc biết chừng nào. Ðôi khi, cô thấy mình có lỗi, và mơ hồ nhận ra mình đang phạm phải một sai lầm nào đó. Nhưng cô là một người tự tin, cô tin vào bản chất hướng thiện trong con người mình cho dù có những lãnh vực cô cho phép mình đi ra ngoài khuôn khổ.

 

Trong con mắt của Phục cô hãy còn trẻ con lắm, ngơ ngác lắm. Phục vẫn tự nghĩ, mình không phải là con người lãng mạn. Anh thù ghét sự phản trắc, chung chạ và chưa bao giờ dành sự quan tâm của mình đến một người phụ nữ nào khác ngoài vợ con; cái đẹp thể xác đối với anh hoàn toàn phù phiếm và giả tạo. Thế cho nên Phục không thể nào hiểu nổi, vì sao cái hình ảnh đầu tiên của Tâm khi anh vừa thoáng gặp đã gieo vào anh một sự rung động mãnh liệt đến vậy. Mãi mãi, Phục vẫn không quên giây phút đó, khi anh bắt gặp Tâm lẻ loi ngồi chờ đò trên bến sông vắng giữa bóng chiều buông. Cô như tách khỏi thực tại, không ăn nhập gì với thế gian, mông lung đắm chìm vào cõi riêng tư của mình. Sự mỏng manh của cô gái trước dòng sông mầu rêu thẫm cuồn cuộn chảy xiết và những bụi tre um tùm gai góc cũ kỹ cứa vào lòng anh một nỗi xót xa kỳ lạ.

 

Hai năm sau đó Phục nhận được lời mời về làm việc tại một cơ quan lớn ở TP Hồ Chí Minh, công việc phù hợp với chuyên môn và khả năng thăng tiến rất cao. Cả gia đình nhỏ của anh sẽ cùng đi theo. Tâm đến giúp vợ chồng anh thu dọn nhà cửa, từ lâu mọi người vẫn xem cô như một thành viên trong gia đình.

 

“Hẹn gặp lại!”, bé Nâu òa khóc trong tay Tâm, “Cô Tâm, cô Tâm đi với Nâu!”

 

Chỉ có những người lớn là tươi cười rạng rỡ, chúc nhau may mắn thành đạt. Tâm biết làm gì hơn. Họ đã đi rồi. Ánh mắt của Phục vẫn bỏng rát thiết tha, nó nhấn chìm cô trong đau đớn và quấn quýt theo cô mải miết.

 

Sợi dây ràng buộc ngày xưa đã đứt. Phục ghì chặt cô trong vòng tay. “Em có biết, ngày ấy, cái ngày cách đây 17 năm, khi cùng em vào làm lễ ở Am Chúa, anh đã cầu xin điều gì không?” Tâm mở to mắt nhìn thẳng vào mắt Phục chờ đợi. “Anh khấn là, nếu Bà linh thiêng thì cho con được đời đời kiếp kiếp ở bên cạnh người con gái này. Nếu kiếp này không được thì kiếp sau xin cho cô ấy đầu thai làm vợ con”. Tâm lau nước mắt, phì cười, “Còn em thì ngược lại.” “Em nói gì?” “Em nói là, Bà ơi con là người lớn lên trong am điện nhưng sao con chẳng có đức tin gì cả, có gì xin Bà chỉ bảo chớ đừng quở phạt con.” Phục cũng cười hì hì, vẫn cái nét hiền lành nhẫn nhịn tuy anh không còn là người đàn ông bất đắc chí lỡ vận mang trong mình tự ti mặc cảm của ngày nào. “Em yêu, anh yêu em lắm, em là của anh!”, Phục nhắc đi nhắc lại một cách say mê và đầy dứt khoát.

 

Phục quanh quẩn bên cô hết thời gian cho phép, anh phải trở về với công việc và hoàn cảnh hiện tại của mình. Tâm biết, sẽ không có gì cản trở được anh vẫn tiếp tục tìm đến với cô như thế này, chỉ như thế này mà thôi. Họ đã từng có với nhau những ngày xa xưa rất đẹp, và cả mười bảy năm không ngừng mộng tưởng. Mười bảy năm không là của nhau ấy cũng rất đẹp và có một giá trị nhất định.

 

Rồi Tâm sực nhớ đến kỷ vật ngày xưa đang bị bỏ quên trên gác xép hàng bao nhiêu năm trời nay. Cô bới tung hằng hà sa số những thứ không tên và khuấy động lớp lớp bụi bặm thời gian lưu cữu để lôi nó ra ánh sáng cho bằng được. Quả là Tâm không nhầm, nó vẫn còn nguyên vẹn trong một góc tối, âm thầm chờ tới ngày được bàn tay cô vuốt ve. Tâm thận trọng nhấc nó lên tay, nhẹ bỗng mà sao cô cảm thấy như mình đang phải gánh gồng nặng nợ. Mắt Tâm mờ đi, ngày ấy, khi trao cho cô cái nón lá được chắt lọc bằng những cái nõn lá tinh khiết thanh sạch chưa hề nhuốm bụi trần, Phục còn đùa “Tình thư một bức phong còn kín”… Tâm cũng trả treo lại, “Kín mà hở, nhưng em không thèm mở ra đọc đâu.”

 

Nhưng Tâm không “đọc” vì có lý do riêng của mình, cô mang cái nón lá về nhà, thẫn thờ ngắm nó đến chán chê rồi lấy mấy lớp giấy báo gói lại thật kỹ. Khi Phục đã đi xa, cô cất hẳn nó lên gác xép và từ đó không bao giờ nhìn lại nó nữa.

 

Những lớp giấy báo ố vàng và dòn rụm rơi lả tả xuống đất mỗi khi tay cô vừa chạm tới, chưa kịp bóc đi. Tim Tâm thót lên một cái nhẹ, cô lại phạm thêm một sai lầm nữa mất rồi, lẽ ra cô không nên bới nó ra. Thật vậy, cái nón lá không còn giữ nguyên hình dạng như ngày xưa nữa, nó cũng thản nhiên nát vụn ra một cách nham nhở trong tay cô.

 

Sau đó Phục vẫn tiếp tục tìm cách liên lạc với cô, nhưng Tâm không còn quan tâm đến điều đó nữa. Ngẫu nhiên mà họ chỉ có đúng mười bảy ngày để giãi bày những gì đã từng chôn kín trong mười bảy năm, rồi lại tiếp tục chia xa. Chỉ có khác một điều, đó là sự chia xa chủ động và tự nguyện.

 

Mười bảy năm trước, có lẽ Tâm cũng khác bây giờ, Phục cũng vậy.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Bẫy tình – Hoàng My

>> Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

>> Thằng Đúa – Lê Mỹ Ý

>> Cách một trời mưa – Hồ Anh Thái

>> Người tử tế – Y Mùi

>> Con dê bốn mắt – Đỗ Bích Thuý

>> Bộ móng tay màu đỏ – Phát Dương

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…