Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy – Phan Ngọc Anh

127

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ra đời năm 1948, đến nay đã gần một thế kỷ đi qua, bài thơ “Tây Tiến” của thi sĩ Quang Dũng vẫn được rất nhiều người đọc yêu thích. Có thể nói, bài thơ đã góp phần không nhỏ để làm nên tên tuổi của nhà thơ xứ Đoài trên thi đàn Việt Nam. Cũng phải thừa nhận rằng, với bài thơ này, Quang Dũng cũng đã làm cho nhiều người biết đến một vùng núi rừng Tây Bắc vừa thơ mộng, trữ tình vừa dữ dằn, hiểm trở cho dù chưa từng một lần được đặt chân đến.

Tác giả trong nhà lưu niệm trung đoàn Tây Tiến ở Mộc Châu, bên tượng nhà thơ Quang Dũng

Rồi hẳn đã có không ít người vì yêu mến bài thơ mà không tiếc sức tìm về cái miền rừng núi hoang vu một thuở để mong có dịp được trải nghiệm và hòa mình vào với thiên nhiên nơi non cao vực sâu cùng rừng thẳm sông dài với những “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”, “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, “sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Và kẻ viết bài này cũng vậy, đã từng ấp ủ trong mình cái ước vọng được lần theo dấu chân của đoàn quân Tây Tiến để được thử nếm trải cái cảm giác “hun hút cồn mây súng ngửi trời”, để được lắng nghe tiếng “thác gầm thét” trong những buồi chiều thương nhớ, để mường tượng cái cảnh “cọp trêu người” và nhất là được hít hà thưởng thức hương vị của “thơm nếp xôi” hay ngắm nhìn một ngọn lau phất phơ bên dọc đôi bờ sông Mã…

  1. Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

          Nhớ lại, sau đợt đại dịch Covid-19, ăn tết xong tôi rủ mấy người bạn lên Tây Bắc để thưởng thức mùa sương mây trên cao nguyên Châu Mộc cho thỏa cái ước nguyện được sống trong cảm giác “người đi Châu Mộc chiều sương ấy”. Hôm đó tiết trời khá lạnh, thỉnh thoảng lất phất vài hạt mưa bụi của mùa xuân. Mới đầu mọi người còn sợ rét chưa muốn đi vội nhưng e lại bị lỗi hẹn với mùa hoa mận và cũng thích được “xeo phì” với vát với vài nụ đào nở muộn còn xót lại trên cao nguyên xanh kia nên ai nấy đồng ý đi ngay. Vậy là chúng tôi lên đường theo hướng quốc lộ 6 thẳng tiến. Khi xe đi qua thành phố Hòa Bình, cảm giác “chiều sương ấy” là một ấn tượng khó quên khi vượt đèo Thung Khe, Thung Nhuối, nơi từng được xem là cửa ngõ của miền Tây Bắc xa xôi. Chao ôi, sao Tây Bắc nhiều sương đến vậy? Thi thoảng mỗi lần xe qua đây những hôm đẹp trời tôi vẫn thường thích thú với những đoạn đường hùng vĩ bởi núi cao sừng sững và được “tuyết phủ” trắng xóa khiến người qua không thể không bị hút hồn và mãn nhãn bởi cảnh vật Việt Nam mà cứ ngỡ như đang ở giữa trời Âu hay từ đỉnh đèo Đá Trắng ai nấy đều có thể buông mắt nhìn thấy toàn bộ thung lũng dưới chân núi đang tràn trề nhựa sống bởi một màu xanh mướt trong hơi thở của mùa xuân. Chiều sương nơi cửa ngõ Tây Bắc hôm đó đặc quánh khiến cho đất trời, núi non trở nên huyền ảo. Cũng chẳng rõ là mây hay mù nhưng trước mắt chúng tôi là một màn sương bồng bềnh hư ảo che hết tầm nhìn khiến cho ai đi qua xe có bao nhiêu đèn đều phải bật lên hết để cảnh báo, phá sương, dò đường. Rõ là ai lần đầy qua đây gặp phải cảnh này chắc hẳn sẽ hú hồn mà nhớ mãi, nhất là mỗi khi giật mình quay ngang nhìn thấy ngay rất gần mình một chiếc xe tải nào đó đang rì rì nổ máy và kềnh cà kềnh càng nhích đi từng bước một chậm chà chậm chạp như một chú rùa khổng lồ nặng nhọc lê từng bước chân. Nhưng người đã từng qua lại thì thấy thành quen và rồi thấy thích thú từ khi nào chẳng biết. Giờ đây đèo Thung Khe đã trở thành nổi tiếng và trở thành một thứ đặc sản của du lịch qua cửa ngõ Tây Bắc trên đất Hòa Bình mà không chỉ có dân phượt yêu thích mà bất kỳ đoàn khách du lịch nào đi qua đều phải dừng chân để ngắm cảnh và “check-in” một vài tấm hình.

          Tôi nhớ Châu Mộc hôm đó trời cũng khá lạnh. Ngoài đường vơi hẳn người đi nhưng lạ thay cảnh vật của phố núi Tây Bắc hiện lên trong lớp sương mù dạy đặc lại có một sức hấp dẫn đến lạ lùng. Bên cạnh những cây đào đang bắt đầu kết trái cùng những búp lộc non tơ nảy ra tua tủa thì vẫn còn đâu đó bên bờ rào trên đường đi hay trông thấy thấp thoáng trên các sườn đồi những cây đào đang khai hoa nở muộn. Những cánh đào phai bung nở dường như không còn kiêu sa rực rỡ khoe sắc tưng bừng mà cũng bàng bạc hơi sương run rẩy trong gió. Thay vào vẻ đẹp lung linh của những vườn đào từng làm mê mẩn bao người khi trước tết trên vùng đất bazan là những vườn mận và nhất là những ruộng cải hoa vàng. Thung lũng Nà Ka và Mu Náu hoa mận nở trắng trời. Sắc trắng của hoa mận hòa trong hơi sương làm người ta cứ ngỡ ngàng tưởng như bông tuyết khai sắc trên những cành mận rêu mốc khẳng khiu. Đi lạc vào hai thung lũng mận người ta thấy mùa hoa nơi đây chỗ nào cũng đẹp một cách uy tín. Cả rừng mận khai hoa phủ trắng khắp cả thung lũng. Những cây mận cổ thụ trổ trắng hoa bên các sườn đồi, dốc núi như thể đang thả tuyết trên các vách đá rêu phong mà làm thành những khung hình vô cùng lãng mạng. Cứ thế, ngắm nhìn hàng trăm cô gái tươi xinh đang rộn ràng khoe sắc với những bộ trang phục thổ cẩm lấp lánh dưới muôn cánh hoa tôi cứ nghĩ mình đang đi lạc vào xứ sở thần tiên ở một chốn thiên đường nào đó giữa lưng chừng mây tuyệt đẹp.

          Ngẫm về sắc màu Tây Bắc trong mùa sương vương vấn, tôi cứ tự nghĩ, nếu sắc trắng của những cánh mận ở Châu Mộc có một sức quyến rũ, hút hồn người xem đến lạ kỳ thì những ruộng vàng hoa cải lại như biết bỏ bùa mê và bắt hồn người qua. Người ở Châu Mộc hình như không thích gieo cải lẻ tẻ trên những đám đất nhỏ bên đường, hay bên nhà mà ưa lối trồng trên những cánh đồng lớn hay trên cả vạt đồi rộng mênh mông. Sơn nữ Châu Mộc gieo cả cải trắng lẫn cải vàng nhưng trong hơi sương mờ mịt tôi thấy người đến Tây Bắc có vẻ lại mặn mà hơn với sắc hoa vàng. Vào mùa hoa cải nếu ai đó vô tình đi lạc vào thung lũng Mường Sang, thung lũng Nà Sản, thung lũng Tân Lập, thung lũng Hua Tát, thung lũng Phiêng Luông, thung lũng Áng thì chắc hẳn sẽ bị choáng ngợi bởi sắc màu của hoa cải. Nhớ lại, lần ấy, chúng tôi đến Châu Mộc khi mùa hoa đã đi qua. Giữa màn sương giăng mắc chúng tôi chỉ còn bắt gặp một vài thửa ruộng nở muộn còn xót lại. Ấy vậy mà ruộng cải vẫn lung linh. Hình như giữa gió rét sương buông ruộng cải trổ hoa là một thứ sắc màu duy nhất có thể sưởi ấm được cao nguyên mênh mông. Trộm nghĩ, phải chăng hoa cải là một món quà bất ngờ của tạo hóa ban cho Tây Bắc. Khi trời đông giá rét mọi thứ cây lá trên mặt đất nơi này dường như phải chịu chung số phận thân cành khẳng khiu, chấp nhận rụng lá nuôi thân để duy trì sự sống chờ đón nàng xuân tươi ấm trở về để hồi sinh thì chỉ riêng mình cải là vẫn cứ hồn nhiên tươi màu xanh lá trổ sắc hoa vàng long lanh trong những giọt sương, ngạo nghễ rung rinh trong gió để làm say đắm lòng người, níu bước chân qua. Chẳng thế sức hút “chêck-in” của những ruộng cải vẫn cứ nổi hình tưng bừng trên face-book, zalo đâu có kém cạnh gì mùa hoa mận đương nồng.

          Chúng tôi vi vu trên cao nguyên Châu Mộc để được tận hưởng và trải nghiệm cùng mùa sương Tây Bắc. Giữa mênh mông bàng bạc hơi sương chỉ có những sắc hoa đong đưa trong gió mà chẳng thấy hồn lau hay những dáng người trôi trên độc mộc theo dòng nước lũ. Châu Mộc bây giờ đã khác xa thủa xưa của cái thời “Tây Tiến” rất nhiều. Khu du lịch phố núi của một miền Tây Bắc đang ngày càng trổ mã với không ít cảnh quan “hoa chăm cỏ xén”. Bâng khuâng giữa phố núi nhắc lại với nhau về một thời “Tây Tiến” ở nơi đây, bất chợt anh bạn người bản địa bảo dẫn chúng tôi đến viếng thăm khu di tích một thời để nhớ của trung đoàn 52 – Tây Tiến, trên đồi Nà Bó. “Thích là lại nhích”, từ những thung lũng hoa chúng tôi trở về với một không gian trầm mặc, linh thiêng đầy xúc động trong phố núi. Vậy là thế giới của “Tây Tiến” hiện lên cùng với những câu thơ bi tráng nhưng đầy chất lãng mạn, tài hoa của những chàng trai “quân xanh màu lá dữ oai hùm”, trong số đó có không ít người là những thanh niên trí thức của Hà thành hoa lệ.

Không gian ngôi nhà sàn lưu niệm không rộng nhưng cũng đủ để tái hiện và làm cho người xem xúc động, bồi hồi về những năm tháng gian lao, oanh liệt của trung đoàn Tây Tiến trên miền Tây Bắc. Những hình ảnh, kỷ vật của những con người làm nên lịch sử ở nơi đây tựa như những viên châu ngọc được khắc chạm vào đất trời dày đặc sương giăng Châu Mộc. Giống như một thước phim tư liệu, nó gợi nhớ trong tôi hình ảnh một thời và mãi mãi của những con người Tây Tiến: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu, anh về đất.”; “Tây Tiến người đi không hẹn ước/ Đường lên thăm thẳm một chia phôi/ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Giữa thoang thoảng trầm hương tỏa vào màn sương mờ mịt của đất trời Châu Mộc tôi đã nhìn thấy ở phía trước đài tưởng niệm các chiến sĩ trung đoàn Tây Tiến là một Thạt Luông được tạc bằng đá (người hướng dẫn viên thuyết minh là quà tặng của các bộ tộc Lào để tri ân và ghi nhớ tình đoàn kết chiến đấu của hai nước Việt – Lào) và mấy chòm lau với những cành hoa uốn câu phất phơ lay động theo gió trong màn sương mờ huyền ảo mù trời. Bất giác tôi đã nhận ra, hồn của Châu Mộc của Tây Tiến là đây chứ còn đâu nữa!

Tác giả trên cánh đồng Mường Hịch

  1. Đêm đêm Mường Hịch cọp trên người

Lần này trở lại Tây Bắc chúng tôi đến với một không gian dường như không còn thơ mộng như đất trời Châu Mộc mà là một vùng đất từng có một thời rất bí hiểm và dữ dằn trên đất Châu Mai: Mường Hịch. Mường Hịch bây giờ đã có nhiều thứ đã khác xa cái thời Tây Tiến nhưng núi rừng vẫn vậy, bên cạnh cái dáng vẻ trong lành, thơ mộng đáng yêu thì dường như người ta vẫn toát lên cái những đường nét hùng vĩ, thâm u, ghê rợn của một nơi non xanh vực thẳm. Tiến về Mường Hịch, chúng tôi như thể đang lần theo bước chân của người xưa trên những cung đường Tây Tiến quanh co, khúc khủy huyền thoại. Đi tìm lại dấu xưa chúng tôi chợt nhận ra rằng Tây Tiến đã rất nhiều phôi phai, phần lớn chỉ còn lại trong tư liệu và ký ức từ những câu chuyện kể. Thậm chí cái tên Mường Hịch cũng đã bị mai một, chỉ còn một nửa. Địa danh Mường Hịch không còn xuất hiện trên các văn bản chính thống. Bây giờ Mường Hịch chỉ còn lại một tiếng Hịch trong tên gọi mới là Mai Hịch, một xã của huyện Mai Châu. Nhưng may thay khi trò chuyện và thăm hỏi về Mường Hịch người ta vẫn nhớ. Và dường như hai chữ Mường Hịch người bản địa cũng không muốn lãng quên nên giữa đồng lúa của thung lũng trung tâm xã Mai Hịch tôi đã nhìn thấy một tấm biển ghi danh như để nhắc nhở mọi người ghi nhớ về cái tên gọi thân yêu, quen thuộc của một thời Tây Tiến: Mường Hịch: địa danh lịch sử – điểm đến thú vị.

Bây giờ về Mường Hịch chúng ta sẽ không còn thấy “cọp trêu người” nữa, mà cũng chẳng thấy thác nước nào gầm thét cả. Nhớ lại khi xưa từng được nghe kể: Mường Hịch chỉ có vài chục nóc nhà, bốn bề là rừng rậm bao phủ, cọp beo nhiều vô kể. Mỗi khi chiều buông, màn đêm che kín núi rừng là cọp beo dẫn nhau vào bản bắt vật nuôi. Bởi vậy ngày đó dân Mường Hịch phải làm nhà thật cao, quanh nhà đào hào, cắm chông để giữa an toàn cho người và vật. Tôi nhớ có lần đọc được một tư liệu của nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình kể về người con trai cả (tên là Bùi Quang Vĩnh) của Quang Dung từng bảo cha sửa lại câu thơ “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” vì nghe thấy “nặng nề” và cứ “chối chối” thế nào ấy. Nhưng rút cục nhà thơ vẫn giữ nguyên và lại mỉn cười bảo cậu con trai mình: “thế thì không ổn con trai ạ”. Khi ấy con trai nhà thơ mới học lớp bảy. Người con ấy đâu có biết được những trải nghiệm ở Mường Hịch của người cha thân yêu của mình trong câu thơ ấy. Đó là một câu chuyện khá thú vị. Chuyện rằng, ngày đó, trong một lần hành quân, đoàn quân Tây Tiến dừng chân ở Mường Hịch, gần sông Mã. Quang Dũng được người dân nơi đây kể cho nghe về một con cọp chuyên bắt người ăn thịt. Đã có rất nhiều người dân đi rừng đã phải bỏ mạng, mất xác vì con cọp này. Vốn là người có máu “mã thượng” Quang Dũng đã không ngần ngại; liền nghĩ cách diệt hổ giúp dân. Nhà thơ đã cùng một số đồng đội lấy một con lợn trói vào một gốc cây để làm mồi bẫy. Sau đó cùng với mọi người thay nhau ẩn nấp, chờ hổ đến để tiêu diệt. Theo thói quen, nửa đêm, hổ mò về bắt lợn. Dân làng đang ngủ bỗng nghe thấy mấy tiếng súng vọng lại từ bên rừng, rồi tiếp đến là tiếng hổ gầm điên loạn. Đến khi gần sáng mọi người nhìn thấy nhà thơ Quang Dũng dẫn đầu một tốp bộ đội hớn hở vác theo con hổ về bản. Vậy là, câu chuyện “đêm đêm Mường hịch cọp trêu người” là một trải nghiệm rất thực chứ không hề hư cấu. Chính cái trải nghiệm thực tế ấy đã cho thấy sự hiểm nguy mà người Tây Tiến phải trải qua. Sự nguy hiểm đôi khi không chỉ do kẻ thù chung của cả dân tộc (thực dân Pháp) hay non cao rừng thẳm mà còn cả do thú dữ trên chính địa mà đoàn quân bàn sinh sống, đi qua.

Vùng đất Mường Hịch chính là một trong những địa bàn hoạt động chủ yếu của trung đoàn 52 – Tây Tiến; đây chính là nơi đặt trụ sở chỉ huy mặt trận Tây Tiến. Xóm Cháy (xóm Hịch 1) từng là nơi đóng quân và củng cố lực lượng của trung đoàn Tây Tiến. Trong kháng chiến chống Pháp đồng bào Mường Hịch đã che chở, nuôi dưỡng rất nhiều bộ đội. Do địa thế và vị trí chiến lược quan trọng của tuyến đường 15 nối liên khu III với Việt Bắc nên trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất “cọp trêu người” từng được lựa chọn là nơi hậu cứ, trú ẩn của trung đoàn Tây Tiến. Chỉ thế thôi, địa danh này đã quá nổi tiếng và xứng đáng là một địa chỉ đỏ trên miền Tây Bắc.

Bây giờ Mường Hịch không còn hoang vu, hiểm trở như xưa nữa những non xanh nước biếc cùng vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ vẫn còn nguyên đó. Những thung lúa óng ả, lung linh trên những thửa ruộng bậc thang xen lẫn núi đồi trập trùng, nhấp nhô của Mường Hịch làm mê mẩn lòng người khiến ai đã đến một lần sẽ không thể không muốn được trở lại. Giờ đây trên đất Mường Hịch, trong những bản Thái không chỉ có thấp thoáng những mái nhà sàn thâm nâu mái rạ mà còn có khá nhiều các homstay mọc lên để phát triển du lịch. Nhưng chỉ vậy thôi là đủ. Mường Hịch đừng mọc tràn lan các quầy hàng như Bản Lác. Mường Hịch hãy giữ lấy màu xanh của núi rừng. Hãy để cho ngọn khói lam chiều bảng lảng trên những mái dạ và lẫn vào sương núi. Hãy giữ cho dòng suối Xia trong xanh để đêm ngày róc rách đưa nước về sông Mã. Và tôi cũng thấy hình như Mường Hịch còn nợ lịch sử một cái gì đó còn chưa thể gọi thành tên. Một tượng đài lưu dấu ghi danh Tây Tiến hay là một khu lưu niệm của trung đoàn 52 để mỗi lần du khách đến đây là một lần trở về nguồn; để không chỉ được trải nghiệm với núi rừng thanh tĩnh mơ mộng mà còn được trải nghiệm cùng cả với những trang sử hào hùng của dân tộc về một thời đã qua.

Chia tay Mường Hịch, tạm biệt những cung đường Tây Tiến trên miền Tây Bắc và tôi lại ước mơ, hò hẹn những địa danh khác theo bước chân của những con người Tây Tiến. Đi để trải nghiệm đi để hiểu về một thời “quân xanh màu lá dữ oai hùm”, để thấy được cái hào khí có phần bi tráng của những con người sẵn sàng “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Rồi lại chợt nghĩ nếu trên đất Mường Hịch có một trường học nào đó mang tên Tây Tiến hay Quang Dũng thì cũng thấy hay hay! Nghĩ vậy!…

                     Mộc Châu, tháng 02/2023 – Hòa Bình tháng 02/06/2024

Phan Ngọc Anh