“Ai về nước Nam cho tôi về với”

1140

Tiểu thuyết “Cống nhân” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Văn Lê do NXB Văn hóa văn nghệ ấn hành năm 2020. Toàn bộ câu chuyện được xây dựng xung quanh nhân vật trung tâm là Đại sư Tuệ Quang. Người vợ yêu mất sớm, ông xuất gia, hiến trọn cuộc đời cho y thuật. Ở tuổi 55 (1385), giữa khi công cuộc trị bệnh cứu người đang thành tựu, ông bị bắt làm cống nhân, lưu lạc mất cả chục năm, sau được người phi yêu của Minh Thái tổ là Tống Vương phi xin cho hồi hương.


Nhà văn Văn Lê

Trên đường trở về cố quốc, qua thôn Hoàng Mai thuộc đất Giang Nam, gặp lúc dịch sởi hoành hành ông đã cứu chữa cho mọi người và mất ở đấy vì cảm hàn. Ở quê hương, con gái ông là Nguyễn Thị Duyên tiếp tục nghề thuốc của cha. Cô gặp và yêu La Phúc. Mối tình của họ cập bến tới nơi thì Nguyễn Thị Duyên bị bắt đưa đi. Minh triều chẳng buông tha ai. “Bị bắt làm cống nhân có nghĩa là cô sẽ không bao giờ được gặp anh nữa, không bao giờ cô được về lại chùa Cẩm và đất Thượng Hồng, quê hương của cô nữa” (Tr.305). Để có thể nhào nặn, biến một việc (ở đây là sự kiện cống nạp tăng nhân cho nhà Minh) mấy trăm năm trước vào lúc nhà Trần suy vi trở thành tác phẩm văn học thời hiện đại, quả thật chẳng dễ dàng chút nào. Thật may Văn Lê có kiến văn rộng và sâu sắc về lịch sử và xã hội. Đọc Cống nhân, có lúc thậm chí có người nghĩ có khi Văn Lê còn là thầy thuốc bởi sự am tường của ông về nam dược, về các bài thuốc.

Là người đầu tiên của văn đàn khai phá sự kiện cống nhân dưới hình thức văn học, đã nhập hồn vào cuốn sách. Chỉ vài nét chấm phá, Văn Lê đã đặc tả gần như trọn vẹn tính cách nhân vật của mình. Đó là bọn hoạn nô Nguyễn Tông Đạo, bị bắt làm cống nhân trước Hoàng giáp Đại sư chừng 5 năm, ra luồn vào cúi được Minh Thái tổ cất nhắc làm Phó Trưởng ấn Thái giám “là một người tầm thước, béo tốt, đi đứng ục ịch, ngón tay ngắn mũm mĩm, mặt vênh lên nhưng không phải do bệnh tật” (Tr.247); đó là bọn Nhâm Hanh Thái sứ bộ với cặp mắt “sụp xuống, gần như không mở to được. Nó như hai nét gạch ngang nhỏ xíu dưới chân mày” (Tr.268). Lột tả tính cách nhân vật bằng lối ngoạc ra vài nét dị hình, chẳng cần nhiều lời thì người đọc cũng nhận ra nhà văn đang nói về hạng nào. Người xưa có câu “nhìn mặt bắt hình dong”, chính là liệu pháp này.

Nhưng rốt lại thì thông điệp của Cống nhân là gì? Chúng ta đều biết lịch sử ghi nhận sự kiện năm 1385, Danh y Tuệ Tĩnh ở Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương) bị đưa đi cống cho nhà Minh. Lúc này ông 55 tuổi. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Ông mất tại Giang Nam. Cho tới ngày nay, trên mộ phần của ông vẫn còn dòng chữ “Ai về nước Nam cho tôi về với. Năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ đã sao chép bia mộ và khắc bia đá mang về quê hương. Tác phẩm Cống nhân của Văn Lê căn bản bám theo các sự kiện gắn với cuộc đời Danh y Tuệ Tĩnh. Tôn trọng tính khách quan là một trong những ưu tiên của Văn Lê, nhưng ông không dừng ở đấy. Dưới hình thức tiểu thuyết văn học, nhà văn đã mở rộng biên độ biểu đạt, đưa ra một lối nhìn về con người. Thông qua suy nghĩ, hành vi của các nhân vật: Hoàng giáp Đại sư sứ Tuệ Quang, con gái Nguyễn Thị Duyên, nữ y tá Cốc Hạ, Thiền sư Quảng Nguyên, bản chất người Việt vụt chói lòa: Bất luận trong hoàn cảnh nào, làm việc luôn cháy hết mình cho dù thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh. Trong Cống nhân, Đại sư Tuệ Quang là một cốt cách như vậy. Ông đã đem tài năng kiệt xuất cứu chữa cho người, trong đó có Tống Vương phi của Minh Thái tổ, giành giật họ ra khỏi thần chết. Cảm kích trước tài đức của ông, Tống Vương phi đã xin cho Đại sư được hồi hương. Lẽ ra ông đã có thể về đến cố quốc, nhưng trên đường thiên lý, dịch sởi ở Hoàng Mai thôn thuộc đất Giang Nam đã níu lại. Họ cầu cứu ông. Y đức không cho ông bỏ mặc người bệnh. Dịch sởi bị dẹp tan, nhưng ông đã nằm lại đấy, mãi mãi!

Thông qua suy nghĩ, hành vi của các nhân vật: Hoàng giáp Đại sư sứ Tuệ Quang, con gái Nguyễn Thị Duyên, nữ y tá Cốc Hạ, Thiền sư Quảng Nguyên, bản chất người Việt vụt chói lòa: Bất luận trong hoàn cảnh nào, làm việc luôn cháy hết mình cho dù thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh. Trong Cống nhân, Đại sư Tuệ Quang là một cốt cách như vậy. Ông đã đem tài năng kiệt xuất cứu chữa cho người, trong đó có Tống Vương phi của Minh Thái tổ, giành giật họ ra khỏi thần chết. Cảm kích trước tài đức của ông, Tống Vương phi đã xin cho Đại sư được hồi hương. Lẽ ra ông đã có thể về đến cố quốc, nhưng trên đường thiên lý, dịch sởi ở Hoàng Mai thôn thuộc đất Giang Nam đã níu lại. Họ cầu cứu ông. Y đức không cho ông bỏ mặc người bệnh. Dịch sởi bị dẹp tan, nhưng ông đã nằm lại đấy, mãi mãi!

Tình yêu quê hương của người Việt đã có lúc phải trả bằng máu nên thiêng liêng vô cùng. Có khi, như trường hợp nữ y tá Cốc Hạ, thì cái tên của cô thôi đã hàm chứa cả quê hương. Cha Cốc Hạ là cống nhân từ thời Nguyên, đã lấy tên làng quê của ông thuộc đất Trường Yên bên An Nam đặt làm tên cho con gái. “Hóa ra thân phận cống nhân là như thế. Từ đời cha đến đời con, không bao giờ về được cố quốc của mình nữa. Nếu có điều gì còn giữ lại được thì chỉ là cái tên của quê hương mà thôi” (Tr.173). Di nguyện tạc bia “Ai về nước Nam cho tôi về với” của Tuệ Tĩnh Thiền sư trong dòng lịch sử, và di nguyện tương tự của nhân vật Đại sư sứ Tuệ Quang trong tiểu thuyết “Nếu có ai về Đại Việt, cho tôi theo về với” lay động tâm can người đọc. Chết, dù chỉ còn là nắm xương, vẫn muốn về cố hương, không phải gửi thân đất khách. Phần kết của Cống nhân Văn Lê cho nhân vật Nguyễn Thị Duyên sau khi đốt nhang cho cha đã không về lại quán trạm mà lao ra giữa dòng Trường Giang, vẫy vùng như thể đã tìm lại được tuổi thơ trong sáng của mình. Ngư nữ có qua được Trường Giang hay phải bỏ mình trôi ra biển, để sóng và gió bấc đưa về cố hương, chẳng ai nói chắc được. Với Đại sư Tuệ Quang, thiết nghĩ thông điệp của Cống nhân đã rõ ràng. “Cứ để nguyên hài cốt ông nằm đó cho người muôn đời sau nhìn thấy mà chiêm nghiệm. Người Đại Việt hậu thế đi qua đây sẽ tìm thấy trên tấm bia lời nhắn gửi của Đại sư về thân phận của người dân bị mất nước, bị lệ thuộc. Qua tấm bia, người Hoa Hạ cũng hiểu được sức mạnh tiềm ẩn và tình yêu quê hương cháy bỏng đến tận cùng của người Đại Việt” (Tr.334).

Trong văn nghiệp của mình, chỉ riêng hai cuốn tiểu thuyết Cống nhân và trước đó là Thần thuyết của người Chim, Văn Lê đã để lại cho người đọc một cảm nhận đầy đủ hơn về người Việt và về nước Việt yêu dấu…

Theo Vanvn