Ai yêu con trẻ hơn ông, ai yêu học trò hơn ông…

883

Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghe chuyện NSND Trần Hiếu kể, ông thì cười rất tươi, còn tôi thì… khóc, nước mắt cứ chảy ra thành vệt trên má từ lúc nào…

NSND Trần Hiếu

Ai dá da ai ai dà dà…

Ngày nhỏ ở trong đoàn ca múa nhân dân TW với mẹ tôi, có hai ca sĩ của đoàn (ngày ấy gọi là diễn viên) tôi rất thích, là chú Kiều Hưng và chú Trần Hiếu. Giọng chú Kiều Hưng thì cao vun vút như cánh chim bay, còn giọng chú Trần Hiếu thì ngược hẳn lại, trầm sâu như đáy giếng. Chú Kiều Hưng thư sinh, hơi ẻo lả một chút, nhưng có một bài hát chú hát rất hay, là ”Này con ếch kia, đi từ đâu tới đây” khiến lũ trẻ con chúng tôi mê mẩn, nhất là khi chú trêu chúng tôi, giả làm con ếch như sắp vồ chúng tôi, và hát. Còn chú Trần Hiếu thì vạm vỡ như lực điền, cũng rất yêu trẻ con. Chú thường đạp xe vào đoàn, cứ thấy chúng tôi, nghĩa là tôi và thằng Nhật em chị Nguyệt Ánh múa, là phanh kít xe lại bằng chân, nheo nheo mắt chỉ tôi, và hát (như để bắt vị, trêu đùa tôi) ”Lì, lầm lì nhưng, nhưng xem ra rất khôn/ Lì, lầm lì giấu, giấu que trong vòng tròn/ Ngầm sâu dưới đất, đất đào lên, nào thấy que/ Bè bạn chịu thua, khen giấu sao tài ghê” (Chắc chú nghĩ tôi lầm lỳ, nghịch ngầm) Rồi chú chỉ sang thằng Nhật (thằng này thì sôi nổi ồn ào lắm, đại bàng của lũ trẻ chúng tôi): ”Thằng cu Sáo thích thổi kèn/ Thằng cu Sáo thích thổi kèn/ Bằng cái lá đã khô nghe như thấy người hen/ Thằng cu Sáo thích thổi còi/ Hết cả ngày không biết chán/ Thét vang đầu những người cùng làng”… Không chỉ tôi và thằng Nhật, mà cả lũ trẻ con trong khu ca múa thấy chú hát và làm trò đều thích, thằng nào cũng há hốc mồm như đang được chú khám amiđan…

Cũng nói thêm rằng, khu văn công Cầu Giấy ngày ấy là chốn nhà quê, bao gồm những dãy nhà lá tường gianh vách đất, nằm giữa những cánh đồng lúa mà khi mưa xuống là ếch nhái bốn bề thi nhau kêu ộp oạp! Diễn viên thì phần lớn còn rất trẻ, ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân, là những tấm phản gỗ kê san sát bên nhau. Lũ trẻ theo gia đình như thằng Nhật em chị Nguyệt Ánh cũng được nằm riêng một giường, sát với chú Mạnh Hùng – Hùng B, về sau lấy vợ là bố cái Giáng My Hoa hậu đền Hùng, chú Phó Anh Nghiêm, và chú Tồn (ông này hay mặc áo chim cò rất điệu, nhưng không hiểu thế nào sau này giải nghệ lại đi chạy xe ôm). Do mẹ tôi có gia đình, nên được cấp một gian nhà nhỏ, đủ kê một chiếc giường đôi. Hôm nào bố tôi về, mẹ tôi lại vẫy vẫy một chú nào đó, như chú Nguyễn Chín hay chú Trần Hiếu, nói rằng tối nay em cho thằng Hoài ngủ với nhé. Chú Trần Hiếu thì không biết vì yêu trẻ con, hay bản tính cởi mở rộng rãi, gật đầu ngay, và bảo chị cứ để nó ngủ với em. Rồi tối đến, từ sớm chú đã gọi “Hoài ơi sang đây”, và đã định buông màn cho tôi đi ngủ. Tôi gãi đầu bảo với chú còn sớm quá, chú cho cháu đi chơi với thằng Nhật một lát. Chú gật đầu đồng ý và dặn “Nhưng nhớ về ngủ sớm cháu nhé” Thế là dù tôi đi chơi muộn đến lúc nào, chú cũng ngồi chờ. Cho đến lúc tôi về, leo lên giường, chú bỏ màn dém chăn cho tôi xong rồi mới ngả lưng nằm bên cạnh, một lúc thì ngủ, mặc tôi nghiến răng ken két…

Nhưng khổ hơn chịu đựng tiếng nghiến răng, là tôi đái đầm (hồi nhỏ tôi lại mắc bệnh đái dầm, không đêm nào không đái dầm). Nhớ đêm đầu ngủ với chú, chẳng hiểu mơ màng thế nào, tôi tương một bãi ướt hết chăn màn, quần áo của chú. Khai mù. Sáng dậy, chỉ thấy chú hề hề cười, hỏi tôi: ”Sao thế”, tôi ngượng quá gãi đầu: “Đêm qua rõ ràng cháu thấy mình đứng bên hố giải mới tè, thế mà không hiểu sao…”. Chú lại cười hề hề: ”Thôi về nhà thay quần áo đi. Chú không mách mẹ đâu” rồi ôm chiếu và chăn màn ra bể giặt… Rồi chiều xuống, đã tưởng chú tởn mình đến già, nhưng ai ngờ (vì chắc nể mẹ tôi), lại thấy chú gọi : ”Hoài ơi sang đây ngủ với chú”. Đêm ấy thật khốn khổ, tôi lại tè ướt hết quần áo chú. Nói thật sáng dậy tôi rất sợ, nghĩ không bị chú đá cho một phát thì cũng ăn mắng no nê, nhưng lại chỉ thấy chú cười hề hề: ”Vì mày chú hết cả quần áo thay rồi. Nhưng thây kệ, không sao…”. Rồi chú nói an ủi tôi: ”Hồi nhỏ chú cũng đái dầm khiếp lắm, trôi cửa trôi nhà…”.

*

Hàng chục năm sau, tôi đã trưởng thành. Đi bộ đội. Về học đại học, rồi đi viết văn viết báo và cũng có những hoạt động văn hóa – văn nghệ. Cách đây ít năm, tôi cùng nhà văn Đỗ Kim Cuông – Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT VN tổ chức đêm thơ nhạc: “Tố Hữu với Việt Bắc “ ở Thành phố Thái Nguyên. Đội hình biểu diễn đẹp, bao gồm nhiều nghệ sĩ ruột và thân thiết với tôi như: Dương Minh Đức – Quang Huy – Quang Thọ – Hồng Hạnh… Nhưng một lãnh đạo của Thái Nguyên cũng thân thiết với tôi lại yêu cầu: “Gắng có Trọng Tấn anh nhé, nhân dân ở đây yêu thích tiếng hát Trọng Tấn lắm”. Thế là nửa đêm tôi mò bằng được số điện thoại của Trọng Tấn, năm câu ba chuyện mời cậu ấy tham gia đêm diễn. “OK, em sẽ giúp anh”. Tấn trả lời và đêm sau tự lái xe từ Hòn Gai về Thái Nguyên kịp giờ biểu diễn.

Phải nói có tiếng hát Trọng Tấn, đêm diễn lung linh hẳn lên, có thêm nhiều màu sắc, người xem cũng hoan nghênh nhiều hơn. Nhiều người ghi nhận với tôi “Trọng Tấn chính là Hoàng tử nhạc đỏ hiện nay đấy…”.

Lại nhớ một lần gặp anh Trần Hiếu (Lúc này chú cho phép tôi gọi là anh cho trẻ trung!). Anh khoe: ”Này thằng Trọng Tấn là học trò của anh đấy!”. Lại lần khác anh kể tôi nghe về những năm tháng dạy học của anh, tình yêu với học sinh như thế nào, nỗi lận đận trong đời riêng ra sao, nhưng anh vươt lên tất cả khổ đau ấy chính bằng một tình yêu khôn nguôi với học trò. Và anh kể tôi nghe về cậu học trò anh rất yêu là Trọng Tấn…

“Hoài biết không, tiền dạy học anh lấy là thấp nhất thành phố này, mà cô cậu nào nghèo quá thì mình cho luôn, ở trong này gọi là dạy chùa, như cái hồi Trọng Tấn thi vào Nhạc viện Hà Nội cũng là anh cho đấy, dạy chùa liền 20 buổi cho cậu ấy Hoài ạ…”

Chuyện thế này:

“Ngày ấy không hiểu sao một buổi loanh quanh sân trường, mình thấy có một thằng bé đứng khóc. Mới ra hỏi vì sao cháu khóc, thì thằng bé nói: “Cháu thấy người ta bảo lên đây phải tìm thầy mà học, phải tập hát bài nọ bài kia thì mới thi đậu vào trường được. Cháu đi hỏi, thầy nào cũng bảo 50.000đ/giờ. Mẹ cháu cho cháu có 200.000đ, cháu đi xe từ Thanh Hóa lên đây đã gần hết, tiền ăn còn chẳng có, chẳng biết lấy đâu ra tiền học nữa”. Rồi nó lấy tay áo chùi nước mắt đỏ hoe. Mình thương quá, mới bảo nó lau nước mắt đi, em vào đây thầy dạy cho, có tiền hay không có tiền không quan trọng, mà phải gắng học đã để mà cố thi cho đổ”. Thế là mình dạy liền cho nó 20 buổi, không lấy một đồng xu nào… Hoài biết không, ngay năm đầu thi, nó đỗ luôn thủ khoa!

Vào được trường, dù là thủ khoa rồi, mà cũng chẳng thầy nào nhận dạy nó cả, bởi nói thật nhìn nó lúc ấy khiêm tốn lắm, không được bắt mắt bằng người này người kia, chứ lấy đâu ra sáng sủa như bây giờ. Các thầy thầm thì kháo nhau: “Thằng này nó hát hay đấy, nhưng khó mà làm ca sĩ được, chứ mong gì mà có thể nổi tiếng”. Không ai nhận thì mình lại nhận, mình dạy nó tổng cộng tất cả 6 năm. Ngay năm đầu trung cấp, cậu ta đi thi được giải nhất “Giọng hát hay Hà Nội”. Được hai triệu tiền thưởng, cậu ta mừng quá cầm tiền tung tăng đi tìm thầy để trả nợ cho thầy, mình gạt tay đi, bảo: “Tôi không lấy đâu, bây giờ cái cần nhất là cậu phải có một bộ quần áo mặc cho tử tế. Giờ người ta mời đi hát, mà không có nổi một bộ quần áo thì hát bằng cái gì?”. Vậy là cu cậu nghe lời thầy, đi mua ngay một bộ chỉn chu cùng một đôi giày để mặc đi biểu diễn. Lúc ấy thắng quần áo mới vào, nhìn anh chàng bắt đầu đã ra dáng!

Chưa hết chuyện. Năm thứ 4 đi thi, Trọng Tấn lại được nhất miền Bắc, được thưởng hơn 10 triệu. Ngày ấy 10 triệu là to lắm! Cậu ta lại đòi trả nợ cho thầy. Mình lại gạt tay đi, bảo “Không, bây giờ cậu phải có một cái xe máy. Giải nhất thế này mà xe đạp còn không có, mỗi lần đi diễn là nhờ bạn đèo hay phải đi mượn xe đạp à?”. Thế là nó nghe lời, đi mua một chiếc xe máy. Sau đó, lại đi thi, lại được giải nhất toàn quốc. Ông tướng lại đến: “Thôi thầy nhé, bây giờ con có xe máy rồi, thầy phải cho con trả nợ cho thầy nhé!”. Mình vẫn lắc đầu bảo: “Chưa, người cậu nợ chưa phải là tôi, mà là mẹ cậu ấy! Phải mua tặng mẹ một bộ ti-vi tử tế, gửi về cho mẹ. Rồi cậu phải thay cái xe máy cà tàng này đi và may thêm một bộ comple nữa”. Thế là nó lại nợ! Cho đến khi vào đại học năm thứ 2, nó thi hát được giải nhì cổ điển toàn quốc, lúc bấy giờ mình mới chịu cho nó trả nợ cho mình…

Cho đến bây giờ, nó vẫn gọi mình là bố, coi thầy như bố, có nhẽ một phần là do thế…

*

Nghe chuyện NSND Trần Hiếu kể, ông thì cười rất tươi, còn tôi thì… khóc, nước mắt cứ chảy ra thành vệt trên má từ lúc nào…

Ai yêu con  trẻ hơn ông, ai yêu học trò hơn ông, ai có thể nhân ái với tuổi thơ hơn ông? Tôi càng thấu hiểu vì sao ông hát Lỳ và Sáo, Xe chú vô đúng ngày các cháu tựu trường, Chú voi con ở Bản Đôn… hay đến thế!

C.V.L