Ấn kiếm long đong – Truyện ngắn của Vũ Tuấn Hoàng

840

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông bước ngang qua chiếc xe hơi sang trọng đỗ trước sân của Bảo Long và rảo bước nhanh về phía bến tàu điện. Đi được mấy bước, ông dừng lại và quay người về phía Bảo Long đang mở cửa xe, nói rất to: Anh đừng quên, thanh kiếm đó đã từng bị gãy rồi, người ta hàn lại đó!

Ảnh minh họa

I

– Ông đâm đơn kiện chính con trai mình?

Đôi mắt xanh nghiêm khắc và lạnh của bà thẩm phán sau cặp kính trắng hơi chút nghi ngại dán lên khuôn mặt của ông già ngồi đằng sau chiếc bàn đối diện, trong gian tiếp tân của tòa án quận 16,  phố Henri –Martin, Paris.

– Chẳng lẽ tôi trình bày không rõ hay sao? Ông già hỏi lại, hai tay vân vê chiếc mũ lông đã bạc màu.

–  Ông trình bày rất rõ, thậm chí tôi lấy làm ngạc nhiên về trình độ tiếng Pháp của ông. Không có một lỗi chính tả, dù nhỏ. Nhưng cho phép tôi được hỏi một câu: Liệu, hai cha con ông có thể tự thu xếp việc này được không? Tất nhiên, đây là những cổ vật quý hiếm, có giá trị lịch sử, nhưng dẫu sao cũng là chuyện bếp núc trong gia đình. Ông cũng biết là báo chí ở đất Paris rất nhạy với những tin tức giật gân kiểu như thế này. Hơn nữa, chắc ông cũng biết, tại đây đang diễn ra cuộc đàm phán về đình  chiến  ở Việt Nam…

– Xin lỗi bà vì tôi phải ngắt lời… có lẽ bà đã đi hơi quá xa trách nhiệm của mình. Tôi đến đây không phải để nghe giảng giải về tình hình chính trị ở Việt Nam, ở quê hương của tôi mà bà cũng biết tôi là ai? Tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ nơi sinh sống đã được ghi đầy đủ trong tờ giấy bà đang cầm trong tay. Nếu chúng tôi tự thu xếp được thì tôi đến đây để làm gì? Tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề  mâu thuẫn của hai cá nhân, của cha và con, mà  còn liên quan tới vấn đề quốc thể của một dân tộc đã có thời là đồng minh của nước Pháp.

Bà thẩm phán hơi mỉm cười, một nụ cười mà ông già người Việt này không lạ gì. Đó cũng chính là nụ cười của ngài Bộ trưởng Thuộc địa Albert Sarraut hơn nửa thế kỷ trước khi tiễn ông xuống tàu trở về Việt Nam chấp chính lúc mới 19 tuổi, của thống chế De Gaulle mà ông đã từng tiếp kiến riêng tại điện Elysee, của rất nhiều, rất nhiều quan chức Pháp mà ông phải tiếp xúc, làm việc trong suốt cuộc đời thăng trầm chìm nổi của mình, ngay từ khi mới lên 9 tuổi.

– Vậy thì, Thưa Hoàng đế của quốc vương An Nam – Bà thẩm phán đứng lên, cất giọng trịnh trọng nhưng cũng không giấu được vẻ châm biếm, hài hước kiểu Goloa – Xin quý ngài chớ sốt ruột, cứ về nhà nghỉ ngơi dưỡng sức và chờ giấy gọi của tòa án sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ. Tất nhiên, chúng tôi sẽ cho gọi cả con trai trưởng của ngài, một cựu sĩ quan nổi tiếng của quân đội Pháp.

Viên cảnh sát cao lớn, hơi cúi đầu trịnh trọng trước khi mở cánh cửa gỗ nặng trịch, để lọt vào luồng gió lạnh buốt của buổi sáng Paris ảm đạm, tuyết lất phất bay. Anh ta cứ giữ cánh cửa một lúc, để nhìn theo hút cái dáng đi của ông già châu Á, một dáng điệu quý phái, vẫn còn oai vệ mặc dù tuổi tác, lại có gì đó duyên dáng, phong lưu.

Chờ cho ông già đi khuất hẳn, anh ta mới đút tờ giấy bạc 20 frank của vị khách lịch lãm dúi cho vào túi áo và khe khẽ huýt sáo một điệu rumba ưa thích.

Ông già cứ đi đầu trần trên hè phố, như muốn dùng  không khí lạnh của thiên nhiên làm dịu đi bao suy nghĩ bức bối trong đầu. Bước đến gần một quầy bán báo gần bến tàu điện ngầm, ông mới đội mũ lông lên đầu.

Ông có một thói quen, một phong cách bất di bất dịch: Gặp ai ông cũng làm cho người đó hài lòng, mến phục, bất kể địa vị xã hội như thế nào, dù là hoàng thân công chúa, một người lái xe taxi hay anh gác cổng tòa án bình thường. Ai tiếp xúc với ông cũng đều cảm nhận ông là một con người lịch sự và thông minh. Ông kết bạn với cả tay hồ sòng bạc, mời anh ta đến ăn cơm tại lâu đài Thorenc tráng lệ của mình ở thành phố Cannes…

Nhưng than ôi, đấy đã là quá khứ xa xôi rồi !

Ông loay hoay móc ví lấy tiền mua tờ báo Le Temps còn thơm mùi mực in, rồi rảo bước, những bước đi ngắn của người già, về phía ga tàu điện ngầm Pompe. Đi gần đến nơi, ông vội hấp tấp quay lại quầy báo vì quên chưa lấy tiền thừa. Để cẩn thận những đồng xu lẻ do người bán báo thối lại vào ngăn ví, ông giật mình và thấy tiếc vì đã đưa hơi quá tay tiền boa cho viên cảnh sát ở tòa án.

“Cái thói tiêu xài xa hoa vẫn không thể bỏ được” – Ông lẩm bẩm tự trách mình, rồi thận trọng, chậm rãi đi từng bậc thang dẫn xuống ga tàu. Một đám thanh niên sinh viên ồn ào cười nói, tranh nhau chạy xuống đâm sầm cả vào ông già. Một đứa quay lại xin lỗi và nhặt tờ báo rơi dưới đất lên đưa lại cho ông. Chúng làm sao biết được, chúng đã xô đẩy vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, một người mà hàng triệu người dân Việt Nam đã có thời phải quỳ rạp xuống như những ngọn cỏ bị gió thổi rạt trên cánh đồng, mỗi khi ông xuất hiện.

Trong lúc ngồi chờ tàu, ông mở rộng tờ  báo với bức ảnh chụp toàn cảnh hội nghị Paris về đình chiến tại Việt nam, chiếm gần nửa trang ba. “Liệu, đây có phải là cơ hội cuối cùng cho con rồng già nua này bay lên, hay không?” – Ông tự hỏi và chỉ chực òa khóc. Phải cố gắng lắm, ông mới ghìm giữ được tình cảm của mình. Không biết nên vui hay nên buồn? Thật chẳng khác tâm trạng của một anh chồng nghe tin người vợ đã ly dị của mình làm lễ cưới. Ông chăm chú đọc bài báo tường thuật diễn biến của hội nghị mà không cần phải đeo kính, dưới ánh sáng đùng đục của những bóng đèn tuýp  gắn trên trần nhà ga. Mấy hành khách chờ tàu đi đến ngồi xuống ghế bên cạnh và cũng chẳng để ý tới ông già đang chúi mũi vào tờ báo. Người phụ nữ Pháp to béo ngồi bên tay trái, mái tóc nhuộm bạch kim bồng bềnh, đang bận nhẩm tính lại số tiền mua thức ăn trong chiếc làn đầy ắp để trên đùi. Bà ta đâu biết được ông già ngồi ngay sát, cùi tay chạm cả vào mạng sườn nung núc mỡ của bà, cũng đang nhẩm tính và thở dài não nuột vì bị gạt ra khỏi canh bạc lớn, một canh bạc đế vương. Để rồi, gần hai chục năm đã trôi qua, vẫn còn găm một mối cừu hận trong lòng, thỉnh thoảng lại trồi lên khiến ông chỉ còn biết lang thang giải sầu trong các khu ăn chơi nổi tiếng về  buôn lậu và tệ nạn xã hội của Paris tráng lệ. Ông bỗng chợt nhớ tới bức ảnh nhục nhã mà các báo lớn trong và ngoài nước đã đăng tải rầm rộ hai mươi năm trước đây – Bức chân dung của ông treo ở tòa Đô chính Sài Gòn bị giựt xuống và người ta giẫm đạp lên. Đấy là thời điểm Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc trưng cầu ý dân giả hiệu để phế truất ông, tịch thu tài sản của gia đình ông, nhục mạ chửi rủa ông, xúi giục Hội đồng hoàng tộc hủy bỏ mọi tước hiệu của ông. Đòn đánh này còn tệ hại hơn cả bản án tử hình mà chính phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh đã tuyên án ông vắng mặt năm năm trước đó.

Nhưng đến bây giờ, ông lại cảm thấy mình là người thắng cuộc vì vẫn đang còn sống, khỏe mạnh. Sống còn hơn là anh hùng hay vĩ nhân đã chết. Ông vẫn còn được ngồi trong lòng của thành phố Paris tráng lệ,  mặc dù trong túi chỉ còn đủ tiền cho bữa trưa với xúc xích giá 10 frank mà bà vợ đầm hết sức căn cơ tằn tiện đã chi cho để ăn trong quán bình dân ở khu phố Huclette. Các đối thủ chính trị của ông đều đã thành người thiên cổ, cả bà vợ chính thức của ông, Nam Phương Hoàng hậu. Bà cũng bị say bả đế vương, cấu kết với kẻ phản bội ông, định mưu toan quay lại Việt Nam làm Phụ chánh, làm mẹ thiên hạ và mở đường cho Đạo cơ đốc giáo trở thành quốc đạo ở Việt Nam.

Ông gấp trang báo lại định cho vào túi áo thì ông già ngồi bên cạnh, trông có dáng vẻ một đại diện của giai cấp công nhân, chìa bàn tay to thô với những ngón sần sùi ra hỏi mượn tờ báo để tranh thủ đọc lướt qua, cũng có thể, chỉ là cái cớ để được nói dăm ba câu thăm hỏi xã giao như các cụ già hưu trí vẫn thường làm.

– Ông cứ cầm về mà đọc, tôi đọc xong rồi – Ông vui vẻ chìa tờ báo ra

– Cảm ơn ông, ông xuống ga nào? Ông là khách du lịch tới Paris phải không?

– Ồ không, tôi là dân Paris. Tôi về hưu rồi nên đi dạo phố cho đỡ buồn.

– Ông nói tiếng Pháp rất trôi chảy, song vẫn có âm sắc của người nước ngoài. Thời tiết này, với những người hưu trí như chúng ta, tốt nhất là ngồi trong nhà, bên cạnh lò sưởi nhâm nhi chén trà nóng, đọc báo xem vô tuyến và… chờ đợi cái kết cục cuối cùng. Tôi sinh ra ở Paris và cũng muốn chết ở Paris. Đó là ước vọng và hạnh phúc cuối cùng của tôi.

Câu nói này tự nhiên khiến ông chạnh lòng, ngồi thừ ra. Ánh mắt ông vội lảng đi như lẩn trốn ánh mắt của người tiếp chuyện. Ông nói mình là người Paris, nhưng ông không có được cái ước vọng như ông bạn già ngồi bên cạnh đây.  Trái lại, ông muốn được trở về Huế hoặc Đà Lạt sống nốt phần đời còn lại, dù ngắn dù dài, dù giàu dù nghèo và được chết trên mảnh đất mà các bậc tiền nhân của ông đã gây dựng nên vương nghiệp hàng trăm năm. Ước vọng cũng chẳng có gì là cao siêu, ấy vậy mà bây giờ cũng không thực hiện được. Mà hình như, ông chưa bao giờ thực hiện được những ý muốn của chính mình kể từ khi bắt đầu nhận thức được vai trò của bản thân. Sang Pháp từ lúc mới 9 tuổi, ông được dạy dỗ ở thủ đô, đi dạo chơi trên các đường phố của thủ đô, nếm trải đủ mọi thú vui của thủ đô. Nói tóm lại, ông đã mang cốt cách của người dân Paris, từ kiểu chải tóc cho đến cách suy nghĩ. Cuộc sống của ông ở Pháp dễ dãi, huy hoàng, có thể nói là phù phiếm. Ông biết thế nhưng sẵn sàng thích nghi với nó. Trời đã phú cho ông cái tính ham thích những thú vui chốc lát. Ông thích cuộc sống thật của ông: tốc độ, đàn bà và đàn đúm bạn bè. Ông được đưa sang Pháp để đào tạo nghề làm Vua, nhưng thật trớ trêu, chính bản thân ông lại không thích làm vua. Ông không ham muốn quyền lực. Ông chỉ muốn hưởng thụ một cuộc sống xa xỉ, tiêu sài phóng túng như vua nhưng không phải chịu trách nhiệm gì trước quốc dân. Bởi vì, không một ai hiểu hơn ông rằng, chiếc ngai vàng ở Việt Nam trong suốt thế kỷ XX đầy biến động này, dù được gọi dưới nhiều tên hiệu khác nhau, đều chịu sự điều khiển chi phối không trực tiếp thì gián tiếp của các thế lực ngoại bang. Đó là những thế lực đang xâu xé và tranh giành thị trường và nguồn cung cấp nguyên liệu trên phạm vi toàn thế giới.

Chính ông đã trở thành đối tượng kinh doanh, đầu cơ của những kẻ “buôn vua”, thành miếng mồi của các thế lực chính trị mưu đồ  bá vương. Và, ông cũng đủ trí thông minh và độ trơ trẽn để lợi dụng vị trí của mình làm giàu cho bản thân, để có được cuộc sống xa xỉ, để thỏa mãn cái bản tính ham chơi của mình. Với một thể lực cường tráng, ông ham hoạt động, mê gái, ham thích nhảy đầm, chuộng thể thao: Nào quần vợt, đánh gôn, cưỡi ngựa, câu cá, săn bắn, thích phóng ôtô thể thao tốc độ cao và lái cả máy bay nhào lộn, ham mê âm nhạc đàn hát… cuối cùng là giỏi bài bạc. Những sở thích này đâu phải chỉ riêng ông mới có. Các vị đế vương trên thế giới xưa nay cũng không ít người như ông. Ông không tham quyền cố vị và cũng biết kết thúc một cách khôn ngoan và êm đẹp chế độ phong kiến bị nhân dân căm ghét tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử Việt Nam. Ông không bao giờ quên được buổi lễ thoái vị của mình trước cửa Ngọ Môn. Ông là người mê tín và tin rằng con số 13 đen đủi ứng với ông là  vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn. Điều ông khó quên nhất, giống như một vết thương lòng, đẩy ông xa rời thần dân của mình là thái độ của dân chúng tập trung trước cửa Ngọ Môn và ánh mắt đầy vẻ đắc thắng, hả hê của những người tiếp nhận lễ thoái vị. Họ đã gào thét, nhảy cẫng lên vì sung sướng khi người đại diện của chính quyền Cách mạng, một người đàn ông gầy gò bé nhỏ, phải chật vật lắm mới nâng được chiếc ấn nặng gần 13kg vàng ròng lên cho mọi người trông thấy. Rồi, thanh kiếm báu có chuôi nạm ngọc của Gia Long, thanh kiếm đã từng cứu Tiên Đế trong những giờ phút nguy khốn tưởng chừng cái chết đã cận kề ở đảo Phú Quốc, thanh kiếm đã thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối sau bao năm binh lửa tương tàn, cũng đã được ông trao lại để đổi lấy tính mạng của mình và gia đình. Ông hiểu và cảm thông được tâm lý đám đông lúc đó, một đám đông bị đè nén và áp bức, nộp tô đóng thuế oằn cả lưng. Cả một biển người phấn khích, tích tụ như một thùng thuốc nổ, thậm chí chỉ cần một hiệu lệnh được ban ra, họ sẵn sàng lao tới băm vằm ông ra thành trăm mảnh. Mặc dù trước đó không lâu, cũng những con người kia, kính cẩn quỳ rạp xuống hai bên đường khi xe ông đi qua, thậm chí không dám ngước mắt lên nhìn. Ông thấy tội của mình thì nhỏ, tội ở cái ngai vàng thì lớn. Nó đã làm cho đất nước ông chìm đắm triền miên trong cảnh binh đao, làm cho chính vợ chồng ông chia lìa, ly tán và thù hận.

Luồng gió thổi lộng lên mát lạnh trong lòng ga tàu điện ngầm kéo ông quay trở lại thực tại. Ông đưa tay ra bắt chào tạm biệt ông già ngồi bên cạnh khi đoàn tàu chật cứng hành khách ầm ầm chạy tới.

– Ông cứ đi trước đi, tôi đi chuyến sau cho vắng hơn. Tôi cũng chẳng vội vàng gì.

Qua cửa kính tàu, ông bạn già giơ tờ báo lên vẫy. Ông cũng đưa tay lên đáp trả lại. Một cảm giác ấm áp thoáng qua trong tâm hồn, dù chỉ là rất mong manh như đốm đèn hiệu ở toa cuối cùng của đoàn tàu đang tan biến vào trong đường ngầm tối hun hút.  Ông đã sống ở Pháp phần lớn cuộc đời của mình, song những người Pháp xung quanh vẫn xem ông như một du khách nước ngoài. Và, chỉ cần trong lúc chen lấn trong toa tàu chật chội, chẳng may ông giẫm lên chân ai đó hoặc ngồi ghế trong khi xung quanh có mấy bà già phải đứng thì lập tức ông sẽ nhận được những ánh mắt khó chịu, lườm nguýt, thậm chí còn tỏ ra khinh bỉ. Những lời nói bóng gió bay ngay đến tai: “Hình như, Paris của chúng ta đã biến thành cái quán trọ của dân lưu vong tứ xứ rồi thì phải”. Trước những câu nói đó, ông chỉ im lặng, giả bộ câm điếc hoặc như không hiểu tiếng Pháp vậy. Chỉ những giây phút đó, ông mới thấu hiểu thân phận của một người phải rời bỏ tổ quốc của mình. Đối với ông, cái cảm giác bị sỉ nhục đó còn tăng lên gấp bội vì ông đã từng là Vua, là Thiên tử, tức là một sinh vật nửa người nửa  “thần thánh”. Từ khi mới lên ngôi, ông xem việc mình làm vua là một lẽ tự nhiên vì đất nước này là của tổ tiên ông bà để lại, như chiếc áo đang mặc trên người hay chiếc xe ôtô ông sở hữu vậy. Nhưng rồi, chính những người thầy Pháp đã làm cho ông sáng mắt ra và hiểu rằng ông chỉ là một thứ bù nhìn. Ông không có một chút quyền hành gì hết. Ông phải xin phép người Pháp dù chỉ là để làm một cuốn Album cho gia đình hay mua một cái măng sét tay áo. Nhất cử nhất động của ông, đi đâu làm gì cũng phải xin phép. Lúc đầu, ông thấy khó chịu và tỏ thái độ phản kháng, những tấm gương chống lại Pháp của các vị vua trước bị đày biệt xứ vẫn còn sờ sờ ra đó,  khiến ông phải suy nghĩ và tìm cách khác. Ông đã khôn ngoan tìm ra. Đó là bờ vai của các thiếu nữ đủ các hạng, từ con dòng cháu giống đến gái làm tiền, vũ nữ tại các quán bar… Đó là những ngày dài trên lưng voi len lỏi trong rừng sâu Tây Nguyên, Quảng trị hay Alsace để lần theo dấu vết của những con thú hoang trong những cuộc săn bắn bất tận. Đó là thú vui đỏ đen tại sòng bạc Palm Beach ở Cannes và nhiều nơi khác trên thế giới. Ông chỉ để tâm vào việc chia lợi nhuận kinh doanh trung tâm du hý Đại Thế giới ở Chợ Lớn – Sài Gòn, tiến hành các phi vụ chuyển tiền Đông Dương sang Pháp ăn lãi suất cao, mua ôtô  đời mới, tậu biệt thự sang trọng, còn mọi việc quốc gia đại sự chỉ là ký các đạo dụ, sắc lệnh hay đọc các bài diễn văn có người khác làm sẵn. Ông bỏ mặc lũ cận thần đục nước béo cò, mua quan bán tước, thanh toán lẫn nhau. Tên tuổi ông gắn liền với thất bại ê chề của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Hai báu vật Ấn và Kiếm của Triều Nguyễn tưởng đã mất trong khói lửa chiến tranh loạn lạc, ai ngờ lại thu hồi lại được. Phải chăng đây là điềm báo sự phục hưng của dòng họ Nguyễn Phúc? Hay chỉ là khởi đầu của mối bất hòa phải đưa ra tòa án phân xử giữa hai cha con ông? Chỉ vì Hoàng tử Bảo Long cương quyết không cho ông mượn chiếc ấn Hoàng Đế chi Bảo để đóng vào sau mỗi chương trong cuốn hồi ký mà ông đang viết dở. Ông phải viết để giãi bày tâm sự với các thần dân, biện hộ cho các hành động và việc làm trong những năm nắm quyền bính của mình như hầu hết các chính trị gia vẫn thường làm sau khi về vườn.

Ông muốn hậu thế hiểu ông và được ghi tên vào lịch sử.

Khi tuổi già gõ cửa, con người ta thường hướng suy nghĩ về những năm tháng đã sống qua. Ông, dù là “con Trời”,  cũng không thoát được quy luật đó. Ông không có tài văn chương, chứ cái vốn sống của đời ông có thừa đủ tư liệu cho nhiều cuốn tiểu thuyết hấp dẫn đủ các mùi vị lâm ly của cuộc sống trần gian. Thế kỷ XX quá nhiều biến động đã phản ánh đầy đủ trong cuộc sống thăng trầm của ông với ba lần thay đổi chủ, bấy nhiêu lần phản thầy và bị công kích ngay tại chính giới Pháp, nơi nuôi dưỡng ông, ủng hộ ông và cũng lạnh nhạt bỏ rơi ông. Đến ngay cả vợ, con và bao người tình, bao người chịu ân sủng của ông,  giờ cũng xa lánh ông. Đó là nỗi đau và cay đắng nhất của đời ông. Ông tìm ra nguyên nhân ở trong sự thất sủng và nghèo túng, hay nói đúng hơn là không còn giàu có nữa của mình. Tài sản của ông, các tài sản đồ sộ, đã nằm lại trên các bàn đỏ đen, trong các câu lạc bộ và các sòng bạc nổi tiếng thế giới, tan tác trong các dự án đầu tư cho các công ty hàng không làm ăn thua lỗ. Một phần tài sản nữa cũng không kém màu mỡ, mắc lại trong tay những người đàn bà cả Ta và Tây đã đẩy ông vào cảnh túng bấn. Có một bí mật cay đắng như ngậm bồ hòn làm ngọt mà chỉ riêng ông cảm nhận được, nói ra có vẻ như vô lý đối với một ông vua – Đó là chưa hề có một người đàn bà nào yêu ông một cách chân thành, vô tư, cho đến tận ngày hôm nay. Họ không yêu ông mà yêu cái ngai vàng. Họ làm tình và sinh con với ông cũng vì cái ngai vàng. Nhiều lần, ông mỉa mai chua chát nói với mấy người tâm phúc: “giá thử, đặt một con chó lên ngai vàng thì các bà các cô cũng xúm xít, cãi chửi nhau, xô tới phục dịch chẳng kém gì”.

 

II

Bước xuống tàu điện, chân ông đã mỏi nhừ và hình như cái đế giầy сũ cũng có vẻ sắp muốn bong ra. Lại một ngày rong chơi quên thời gian, lúc thì ngồi tán gẫu với mấy ông già Pháp đã từng đăng lính lê dương ở Việt Nam trong câu lạc bộ cựu sĩ quan, lúc lại ngồi đánh bài tổ tôm, mạt chược với đám cận thần quan lại cũ của ông, đã khép lại. Paris bừng lên trong ánh sáng của các loại đèn biển hiệu quảng cáo, nhà hàng, khách sạn. Xe hơi nườm nượp chiếu đèn pha loang loáng trên đường. Bóng tối ập xuống bao trùm thành phố, cũng là lúc một cuộc sống khác, sôi động hơn, bí ẩn và đầy ma lực hấp dẫn hơn của Paris được mở ra. Chính lúc này đây, những bản năng giấu kín của con người được thả lỏng, những điều ao ước mặc sức hoành hành.  Có lẽ, ông thích cuộc sống thứ hai này của Paris, ngay từ khi còn là một chàng thanh niên hào hoa vương giả. Ông cảm thấy mình như trẻ lại dưới ánh đèn mờ ảo hắt ra hè phố. Ánh mắt ông bị hút bởi những bóng phụ nữ đang nhún nhảy, lúc mờ lúc tỏ, in lên những ô cửa kính sáng ánh đèn màu nhấp nháy, trong tiếng nhạc xập xình của các quán Bar bên đường. Ông bước lướt qua và hít thật mạnh mùi nước hoa quyến rũ tỏa ra từ người những cô gái mặc váy ngắn đứng rải rác hút thuốc hay đang hôn nhau trên hè phố. Ông thật chưa muốn về nhà, những tin tức của hội nghị Paris hôm nay khiến tâm trí ông bị xáo động. Ký ức của quá khứ tưởng đã được đóng đinh chôn sâu dưới đáy lòng, nay lại trỗi dậy.

Ông giật mình dừng bước và ngơ ngác không tin ở tai mình: Từ đâu đó vẳng tới những âm thanh của một bài dân ca Huế. Hình như, cái âm thanh thân thuộc đó phát ra từ một quán Bar ở phía cuối con phố bên kia đường. Ông chợt hiểu ra rằng, đôi chân của mình dường như đã tự động đi theo tiếng lòng để tới khu phố châu Á của quận 13. Ông rất hiếm khi đến đây vì ngại chạm trán với người quen và không muốn để các thần dân cũ nhận ra mình. Nhưng màn đêm đã che giấu cho ông sự ngại ngùng này. Không gian và con người ở đây cho ông một cảm giác như đang ở Sài Gòn hay Hà Nội vậy. Ông bất giác cất giọng hát khe khẽ theo âm điệu của lời ca. Và thật lạ lùng, càng hát ông càng cảm thấy hưng phấn và bao nỗi buồn phiền bực dọc bỗng tan biến. Khi đến đứng trước cửa quán, thì ông hiểu rằng mình không thể cưỡng lại được những âm thanh, điệu phách của làn điệu dân ca sâu lắng, thấm đẫm linh hồn xứ sở nơi ông sinh ra. Ông nhớ tới nhạc sư Năm Ngũ, người thầy dạy nhạc tài danh bậc nhất kinh thành Huế của mình thủa xưa và đứng lặng đi một lúc lâu. Ông rút bao thuốc trong túi ra châm hút và làm ra vẻ như đang đứng chờ ai đó, nhưng kỳ thực là chỉ để nghe cho hết giai điệu khiến lòng ông thổn thức. Bỗng cánh cửa quán bật mở, một người đàn ông tóc bạc trắng, ăn mặc sang trọng, lịch sự, chắc là chủ quán xăm xăm bước tới chỗ ông đứng. Còn cách khoảng dăm bước nữa, ông ta dừng lại đưa hai tay lên chắp trước ngực và cúi đầu nói dõng dạc:

-Bẩm Hoàng thượng, xin mời ngài vào dùng trà ạ!

Ông  hiểu, đã có người nhận ra mình nên hơi có phần luống cuống, ngượng ngùng.

– Ấy chết, ông đừng xưng hô như thế ở đây, lỡ ai nghe thấy thật bất tiện. Ông cứ gọi tôi là… ông Vĩnh Thụy cho đơn giản, như thế tôi cũng thấy thoải mái.

Vẻ chân thành của ông chủ quán khiến vị vua cuối cùng của triều Nguyễn không nỡ từ chối, vả lại ông cũng đang rất muốn  được nghe nhạc và nói dăm ba câu chuyện phiếm cho khuây  khỏa nỗi lòng.  Ông không hút hết điếu thuốc mà ném nó vào chiếc thùng đựng rác để bên cạnh cửa, rồi im lặng bước theo chân chủ quán vào bên trong.

Các bàn trong gian chính đã kín người ngồi, đủ các sắc tộc. Góc này người ta nói tiếng Hoa, góc kia nói tiếng Nga, rồi cả tiếng Ấn, tiếng Việt, tiếng Anh. Chủ quán dẫn ông tới một chiếc bàn nhỏ ở cách không xa sân khấu, nơi một ban nhạc đang chơi những bài dân ca Huế, cả nhã nhạc cung đình.

– Bẩm… thưa ông Vĩnh Thụy, ông có dùng món ăn gì không? Một bát bún bò Huế chẳng hạn. – Ông chủ quán vẫn kính cẩn cúi đầu, hỏi

– Tôi không dám làm phiền anh, tôi ngồi uống chén trà và nghe nhạc là đủ rồi

– Hay ông dùng món xôi gà mình ưa thích?

Ông già hơi giật mình, đưa mắt nhìn chăm chú vào mặt chủ quán.

– Sao ông biết tôi thích món xôi gà?

Chủ quán không nói gì, chỉ giơ tay ra hiệu cho cô gái phục vụ bàn người Pháp bước tới và nói:

– Một suất xôi gà đặc biệt cho quý ông đây, khẩn trương!

Ông thấy sống mũi cay cay và ân hận là cả cuộc đời làm vua của mình, ông nghĩ quá ít tới người dân và hầu như chẳng làm được gì để đất nước thoát khỏi cảnh bần hàn. Ông thấy mình chỉ ích kỷ lo giành giữ chiếc ngai vàng, chỉ tìm đủ mọi cách để làm giàu ngay cả khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt tại quê hương. Vì hơn ai hết,  ông hiểu lúc loạn lạc là thời cơ có một không hai để người ta kiếm được những khoản tiền vô cùng lớn, nằm mơ cũng không dám. Nhưng rồi, tiền bạc đến dễ dàng thì bay đi cũng dễ dàng cùng với chiến hữu, bạn bè, người thân, người tình. Thế mà một thần dân vô danh tiểu tốt cùng chia sẻ kiếp lưu vong nơi xứ người, lại còn nhớ cả một món khoái khẩu rất nhỏ của ông. Ông xấu hổ và cảm thấy mình thật không xứng đáng để được nhận một tình cảm ưu ái như vậy. Về già, ông trở nên dễ xúc động hơn, trước những sự việc tưởng như vặt vãnh đời thường. Chẳng thế mà tờ Le Figaro nổi tiếng ở Paris cách đây không lâu đã đăng bài báo với dòng tít in đậm, rất gây ấn tượng “Hoàng Đế và những con mèo” để ca ngợi những hành động nhân đạo bảo vệ một gia đình mèo hoang của ông trong công viên Trocadero.

Đúng lúc đó, ban nhạc tạm ngừng chơi.

Ăn xong đĩa xôi gà, ông thấy người phấn chấn, khỏe hẳn ra. Có lẽ, đây là đĩa xôi ngon nhất của đời ông, ngon hơn bất cứ thứ sơn hào hải vị nào mà ông đã từng ăn trong các yến tiệc trước đây. Một đĩa xôi chan với nước mắt. Những giọt nước mắt vừa tủi thân, vừa cảm động, biết ơn. Một ý nghĩ bỗng vụt đến khiến ông thấy mạch máu trong người chảy mạnh hơn. Ông đứng dậy và nhanh nhẹn đi đến bên cạnh người chủ quán đang nói chuyện gì đó với anh hầu bàn người da đen.

–  Tôi có một lời đề nghị – Từ phía sau, ông vỗ nhẹ vào lưng ông chủ

– Tôi rất hân hạnh được làm vừa lòng Ngài – Ông chủ quay người lại nói, nghiêng mình một cách lễ độ.

– Tôi có thể… biểu diễn một bài guitar được không?

– Hoàng thượng cũng… biết chơi ghi ta ạ?

– Thế anh nghĩ tôi chỉ biết chơi cờ bạc thôi à?

– Dạ bẩm, tôi đâu có dám nghĩ thế. Vâng, để tôi nói tay nhạc công lấy cây đàn cho Ngài

Mọi người vỗ tay rào rào, sau lời giới thiệu của chủ quán, tất nhiên ông không nói đây là vị hoàng đế cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn ở Việt Nam.

– Quý Ông đây muốn dùng cây đàn của mình làm bớt đi cái lạnh lẽo của mùa đông Paris ở bên ngoài kia, làm tan băng giá trong lòng của những người Việt, người Nga, người Châu Phi đang  sống tha hương…

Thật không ngờ, chỉ sau vài khúc dạo đầu, cả gian phòng trở nên im phăng phắc như bị những âm thanh từ cây đàn trong tay ông già người Việt hút hồn. Ông chủ cửa hàng đứng phía sau, cũng há hốc mồm ra kinh ngạc vì bất ngờ. Một số người đang ăn, quên cả nhai, vội khẽ khàng đặt dao nĩa xuống bàn cố tránh không gây ra tiếng động, ngả người vào lưng ghế, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà để tập trung lắng tai thưởng thức. Mấy cô gái châu Âu ngồi ở góc trong cùng khá xa đã chẳng khách khí gì chuyển cả ghế lên sát bục biểu diễn. Đám đầu bếp với những chiếc mũ trắng cao ngất nghêu từ phía trong kéo cả ra ngoài để nghe cho rõ hơn, tay vẫn còn cầm theo các dụng cụ nấu ăn. Bản Vũ khúc Tây Ban Nha đầu tiên vừa ngừng lại thì tất cả những người trong phòng đều đứng bật cả dậy, vỗ tay và đồng thanh kêu lên “Bravo! Bravo! Encore une fois!” *

Ông già Vĩnh Thụy xúc động và đứng lên, hai tay ôm cây đàn ghi ta. Ánh mắt vẫn còn rất trẻ trung của ông nhìn khắp gian phòng một lượt. Ông cất giọng  trầm và ấm của mình

– Bản nhạc tiếp theo, tôi xin được dành tặng cho đồng bào của tôi có mặt trong gian phòng này, những giai điệu của xứ Huế quê tôi…

Hỏi em có nhớ hay không

Anh thương em từ thuở mẹ bồng trên tay

Hỏi anh có nhớ hay quên

Thương anh từ thuở vịn phên đi lần.

Em thương anh vô giá quá chừng

Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.

Anh thương em tự nón đến quai

Thương trong lớp lá, thương ngoài đường may

Hai ta ơn trượng nghĩa dày

Dù xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa…

“Những ngón đàn và giọng ca hết sức điêu luyện, Hoàng thượng đúng là một nghệ sĩ thực thụ! – Ông chủ quán lẩm bẩm, mặt mày rạng rỡ vì sự kiện bất ngờ xảy ra đêm nay trong quán của mình  –  Hoàng thượng chọn nhầm nghề rồi, đáng ra phải là một nghệ sĩ tài ba danh tiếng chứ không phải là một ông vua long đong lận đận”.

Khi ông quay trở lại bàn của  mình ngồi với một cốc trà nóng trong tay do đích thân chủ quán kính cẩn bâng trên khay đưa tới, đã xảy ra một sự việc mà chỉ mấy người ngồi gần đó tinh mắt mới để ý thấy. Một thiếu phụ người Âu xinh đẹp khoảng tầm ba mươi tuổi, không rõ nguồn gốc nước nào vì tiếng Pháp nói vẫn còn ngọng nghịu, đã đến ngồi vào chiếc ghế bên cạnh ông và lên tiếng làm quen. Ánh mắt của chị ta lúng liếng, hàm răng trắng bong sáng lên trong cái góc  tối nhờ nhờ vì khuất ánh đèn.

– Tôi rất cảm tiếng đàn và giọng ca ấm áp của ông, chắc ông là một nghệ sĩ ?

– Ồ không, tôi chỉ chơi nghiệp dư thôi, buồn thì đàn hát cho vui, thế thôi.

– Liệu… tôi muốn được nghe… riêng ông chơi đàn, có  được không?

Ông già nhìn thẳng vào đôi mắt của người thiếu phụ và hiểu ngay ra ẩn ý của câu hỏi đó. Chẳng cần từng trải lắm cũng biết, người phụ nữ đang ngồi bên cạnh là ai và làm nghề  gì. Mùi  nước hoa đặc trưng thoang thoảng xộc vào mũi. Ông chủ quán nghe thấy hết và bước tới ghé tai nói nhỏ bằng tiếng Việt: “Hoàng thượng hãy cẩn trọng, ả ta là gái điếm đấy!”.

Ông phá ra cười rất to khiến mấy người ngồi gần đó phải quay lại nhìn, rồi ngoắc tay, che miệng nói nhỏ lại vào tai ông chủ quán – Có sao đâu, đấy cũng là một nghề như bao nghề khác chứ? – Rồi, ông lại chỉ tay vào ngực mình – Tôi đây mới là một con điếm chính cống nè!

Nói xong, ông quay sang người thiếu phụ, đặt bàn tay nóng ấm và dày của mình lên bàn tay nhỏ nhắn để trên bàn của cô ta

– Xin lỗi cô, chúng tôi có câu chuyện riêng tư. Nhưng thú thật với cô, hôm nay tôi không thể chiều theo ý muốn của cô được

– Vì sao vậy ?

– Tôi đang… túng bấn

– Ồ không, ông hiểu nhầm em rồi… Em đâu có cần tiền của ông… em muốn nghe ông đàn, muốn được… ở gần bên ông.

Người đàn bà khe khẽ rút bàn tay của mình ra và xoa nhè nhẹ lên mu bàn tay với những ngón dài, mập mạp rất nghệ sĩ của ông.

Les gens oublient ans et se souvient des moments * – Ánh mắt cô như vuốt ve khuôn mặt có cái vẻ hơi phớt đời của ông –  Chúng ta rời khỏi đây chứ?

– Cô đáng lẽ phải là một triết gia. Cuộc đời đúng chỉ là phép cộng của những khoảnh khắc đáng nhớ. Nào chúng ta đi!  – Vừa nói, ông vừa nắm chặt bàn tay mềm mại, hơi ướt của người phụ nữ mới quen. Hai người  lặng lẽ  rời khỏi bàn.

Khi cánh cửa quán khép lại phía sau lưng, ông đội mũ lên và hỏi nhỏ:

– Cô muốn đi đâu nào?

– Ông muốn đưa em đi đâu cũng được. Paris đêm nay là của chúng ta…

Trong gian bếp của nhà hàng, giữa các nhân viên đủ các chủng tộc, ông chủ quán cao giọng vẻ đầy tự hào, xổ ra một tràng bằng tiếng Pháp sai ngữ pháp be bét:

–  Bao nhiêu năm rồi mà Hoàng Thượng vẫn nhận ra mình, lại còn phát một cái rõ đau vào lưng mới quý chứ!

 

III

Trong phòng xử, hai cha con ngồi chỉ cách một dãy ghế, nhưng diện mạo bên ngoài và suy nghĩ của họ lại rất khác xa nhau. Bảo Đại to cao, tuy đã nhiều tuổi nhưng các đường nét trên mặt vẫn đầy đặn, hơi thô và đạo mạo. Chiếc áo vest dạ màu đen tuy đã lỗi mốt nhưng lại hợp với khổ người của ông, tôn thêm cho vẻ mặt nét trang nghiêm và phảng phất u buồn. Bảo Long thấp bé, cử chỉ thanh lịch, ăn mặc chải chuốt phá chút phóng túng kiểu nghệ sĩ hơn là một nhà tài chính giàu có đang ăn nên làm ra. Hoàng tử giống mẹ, biết cách làm cho tài sản được thừa kế sinh lãi, biết che giấu tham vọng đế vương của mình bằng một lối sống ẩn dật, không gây ồn ào tai tiếng. Có lẽ, vụ kiện tụng này đều làm cho cả hai cha con đau lòng và khổ sở. Nhưng nguồn gốc sâu xa vẫn là sự bất hòa dẫn đến ly thân giữa Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu sau khi ông bị thất sủng lần thứ hai. Bà Nam Phương vẫn nuôi tham vọng đưa Hoàng tử Bảo Long lên ngôi Hoàng đế nên đã qua mặt chồng liên hệ với các thế lực nhà thờ ở Mỹ và Vatican, đặc biệt là với Ngô Đình Diệm, để xúc tiến việc quay trở lại chính trường của mình và con trai. Điều này khiến Bảo Đại vô cùng tức giận, thậm chí khi vợ đột ngột qua đời tại ngôi làng Chabrignac xa xôi ở tận miền tây nam nước Pháp,  ông cũng không tới thăm viếng. Và, ông cũng chưa hề một lần  tới nghiêng mình trước nấm mộ của vợ vì biết rằng ngay gần đó, có một ngôi mộ của người quản gia, mà quan hệ giữa người đàn ông Pháp này với Nam Phương Hoàng Hậu còn trên cả mức bình thường. Các con oán trách ông, xa lánh ông và quan hệ cha con trở nên vô cùng căng thẳng khi ông quyết định đi bước nữa, chính thức lấy một người phụ nữ Pháp trẻ trung, dân tỉnh lẻ nhưng cũng có chút nhan sắc. Và, cái quan trọng là đồng lương của tùy viên báo chí khá cao, có vai vế trong xã hội. Bảo Long vẫn đinh ninh rằng người xúi bẩy cha ông đâm đơn kiện cáo chẳng phải ai khác, ngoài bà mẹ kế còn kém cả tuổi ông và rất sính những cái bóng bẩy, hào nhoáng liên quan tới hai chữ “Hoàng gia”.

Trong suốt cả phiên tòa ngắn ngủi, hầu như hai cha con không đưa mắt nhìn về phía nhau, nhưng cả hai đều trông thấy nhau rất rõ. Bảo Long nhận ngay ra hai quầng mắt thâm thâm của cha, còn Bảo Đại biết rõ chiếc áo vét đang mặc trên người con trai được mua tại một cửa hiệu  thuộc loại đắt nhất Paris.

– Xin mời hai đương sự đứng lên để nghe tòa đọc quyết định!

Có lẽ, đây là một phiên tòa vắng nhất và cũng nhanh nhất  trong tất cả các phiên tòa đã từng diễn ra tại gian phòng này.Quyết định của tòa đều làm cho cả hai thỏa mãn hay ít ra cũng có cảm giác như vậy. Ấn Hoàng Đế chi Bảo thuộc về cựu hoàng Bảo Đại và thanh kiếm có chuôi nạm ngọc thuộc về hoàng tử Bảo Long. Phiên tòa kết thúc cũng lặng lẽ như khi nó khai mạc. Bà nữ thẩm phán hấp tấp thu dọn giấy tờ trên chiếc bàn của mình và vội vã đi ra cửa vì sợ nhỡ giờ xem khai mạc buổi trình diễn mốt thời trang mùa đông.

Hai cha con đứng lên, nhưng hình như ai cũng muốn nán lại để nhường đường cho người kia ra trước. Cả hai đều ngại và sợ trở thành người đầu tiên lên tiếng. Họ như hai người dưng chỉ vì những báu vật của tổ tiên để lại, những khối kim loại vô tri vô giác tượng trưng cho một triều đại đã bị trôi vào quên lãng, cũng như chính bản thân họ bị thần dân ở trong nước lãng quên. Họ đã trở thành lịch sử, thành di tích ngay cả khi đang còn sống.

– Con có thể đưa cha về nhà – Bảo Long lên tiếng khi cả hai bước ra ngoài thềm.

– Cảm ơn anh,  tôi  tự đi tàu điện ngầm về được.

– Sự chia lìa của hai báu vật này, có phải là điềm báo dòng họ Nguyễn Phúc của chúng ta vĩnh viễn bị loại ra khỏi chính trường Việt Nam không, thưa cha?

– Có lẽ như thế lại là điềm phúc cho con cháu.

– Cha nghĩ thế sao?

– Tôi không chỉ nghĩ thế mà gia cảnh của chúng ta không đủ cho anh nhận thấy điều đó sao?

– Nhưng con còn trẻ, còn có cơ hội. Tình hình đất nước sẽ có nhiều biến động. Lẽ nào chúng ta lại khoanh tay ngồi nhìn? Hơn nữa, thanh kiếm gia truyền của dòng họ đang ở trong tay con…

– Anh  tự quyết định lấy cuộc đời của anh, tôi chỉ có một lời khuyên: Hãy sống và tận hưởng cuộc sống thực của mình!

Bảo Đại định đưa tay ra bắt tay con trai nhưng không biết nghĩ sao, lại thôi.

Ông bước ngang qua chiếc xe hơi sang trọng đỗ trước sân của Bảo Long và rảo bước nhanh về phía bến tàu điện. Đi được mấy bước, ông dừng lại và quay người về phía Bảo Long đang mở cửa xe, nói rất to:

– Anh  đừng quên, thanh kiếm đó đã từng bị gãy rồi, người ta hàn lại đó!

 

IV

Kinh thành Huế cháy đỏ rực cả bầu trời. Ánh lửa hắt bóng xuống sông Hương, biến dòng nước xanh trong vắt trở thành màu máu. Không gian dậy lên tiếng súng, tiếng nổ ầm ầm và cả những tiếng reo hò, gào thét, tiếng than khóc rền rĩ lúc xa lúc gần. Từng đoàn người dân, áo quần rách nát tả tơi, tay cầm đuốc xông vào điện Thái Hòa. Bảo Đại bị trói và giải đi giữa hai hàng người cầm gươm và mã tấu. Một giọng âm vang không biết từ đâu vọng tới:

“Tòa án Tối cao đang chờ  bên bờ hồ Tĩnh Tâm trong vườn ngự uyển, mau mau giải hắn tới!”.

Bảo Đại cảm thấy chiếc dây thừng siết đau nhói cả bờ vai và cánh tay. Ông kêu lên nhưng chẳng một ai thèm để ý. Ông cảm thấy chân như muốn khụyu xuống vì nghĩ rằng chắc chắn người ta sẽ xử tử ông.

Ông gào lên: “Tôi đã trao ấn và kiếm cho các người rồi cơ mà!”.

Chẳng một ai nghe thấy tiếng ông. Hơi nóng từ đám cháy trong hoàng cung và bụi tro, tàn lửa bay tận ra sát bờ hồ. Bảo Đại đã nhìn thấy một hàng lính ăn mặc theo kiểu ngự tiền, xếp hàng ngang, súng kê trên vai. Bên cạnh đó là một chiếc bàn dài phủ khăn đỏ và có bốn người đang ngồi. Ánh lửa nhập nhoạng nên  không trông rõ ai, nhưng ông đoán đó là các vị trong tòa án Tối Cao.

Bảo Đại biết chẳng còn đường nào chạy thoát nên lấy lại tư thế cho thật đĩnh đạc, thẳng bước đi tới trước mặt các vị quan tòa. Khi bước đến sát gần, ông sửng sốt kêu lên vì nhận ra bốn vị đó dưới ánh lửa chập chờn của những bó đuốc. Ngồi chính giữa là  Gia Long, bên cạnh là Hồ Chí Minh. Giữa hai người có điểm  gì đó giống nhau mà ông vẫn chưa xác định được cụ thể là cái gì.  Ngồi ở  hai đầu bàn ngoài cùng là Ngô Đình Diệm và Hoàng hậu Nam Phương.

Gia Long (trong bộ giáp phục) lên tiếng đầu tiên: Ta đã để lại một giang sơn thống nhất cho nhà ngươi, từ ải Nam Quan cho đến mũi Cà Mau. Một nước Việt Nam lần đầu tiên thống nhất.  Thế nhưng ngươi chỉ tỏ ra có năng lực trong những chuyện  ăn chơi, hưởng thụ hơn là tâm huyết và khả năng cai trị đất nước của một đấng quân vương.

 Hồ Chí Minh: Tôi luôn dang tay mời ông Cố vấn hợp tác trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc vì nền độc lập của đất nước chúng ta. Bằng kinh nghiệm xương máu của mình, tôi chỉ có một  khát vọng duy nhất là độc lập cho Việt nam. Không có gì quý hơn độc lập tự do!

Ngô Đình Diệm: Ông đã cách chức tôi một lần năm 1933, buộc tôi phải kiếm sống bằng nghề dạy học. Hai mươi năm sau, ông lại buộc tôi thôi việc lần thứ hai. Nhưng thời thế đã thay đổi rồi. Quả thực là tôi vô cùng căm thù ông nhưng tôi là một người yêu nước, tôi đủ bản lĩnh và sáng suốt gạt bỏ thù riêng vì lợi ích chung của dân tộc. Tôi bị người Mỹ giết cũng chỉ vì muốn hòa hoãn và thương lượng với Cụ Hồ để tìm một giải pháp cứu Việt Nam khỏi trở thành bãi chiến trường trong một cuộc  tử chiến  giữa hai hệ thống, hai ý thức hệ.

Riêng Hoàng Hậu Nam Phương không nói gì, chỉ ôm mặt khóc lóc thảm thiết.

Bảo Đại kéo lỏng chiếc dây thừng ở nơi cổ ra để cho dễ thở hơn và kêu lên: “Nếu chúng ta ngồi lại được với nhau, lắng nghe ý kiến của nhau như thế này thì làm gì còn cảnh đầu rơi máu chảy. Bản tuyên bố của tôi hai chục năm trước đây, đã không được ai lắng tai nghe. Tôi là một vị vua bất lực, kém tài, nhưng tôi đã tiên đoán đúng những tai họa đã xảy ra trên mảnh đất Việt Nam. Tôi sẵn sàng chịu hình phạt cao nhất!

Tiếng lách cách của quy lát vang lên nghe rợn tóc gáy. Mười ba khẩu súng trường nhất loạt nhả đạn. Ánh lửa phụt ra trên đầu nòng.

Bảo Đại giật mình, choàng tỉnh, người vã mồ hôi. Thì ra đấy chỉ là một giấc mơ. Trong lúc ngồi viết hồi ký, mệt quá ông đã thiếp đi ngay trên bàn làm việc.

V.T.H