Ăn Tết với “oxy” – Truyện ngắn Chinh Văn

144

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời đã sang xuân, sáng thì chớm lạnh bởi những cơn gió bấc, suốt ngày lồng lộng gió chướng thổi về. Cây cối quanh vườn cũng theo đó mà kết trái, đơm hoa. Màu tím của hoa đậu rồng được kết thành những trái xanh rờn. Hàng so đũa cũng đã trổ trắng bông. Ngoài vườn rực lên sắc vàng của hoa mai, hoa vạn thọ. Quê tôi bắt đầu ăn tết. Xóm làng tưng bừng quá, vui vẻ quá, thế nhưng nhà ông bảy Vọng vẫn cứ im lìm. Sao năm nay nhà ông không ăn tết?

      Ảnh minh họa  

        Có lý do của nó. Gọi đó là niềm đau thì e là chưa chính xác. Đây còn là nỗi xấu hổ, cảm giác nuối tiếc và tâm trạng bực bội nữa kia. Cứ mỗi bận gió chướng thổi về là y như thổi bùng lên một sự thật xót xa trong lòng ông bảy Vọng mà chỉ riêng mình ông biết. Đã bao lần ông cố quên nhưng khổ nỗi, đời mỗi năm mỗi tết và trời cứ có mùa xuân. Và rồi, cố quên thì ông càng thêm nhớ.

          Chuyện xảy ra đã mấy năm nhưng ông vẫn còn nhớ rất rõ ràng…

          Ngày gả con gái thứ ba ông mới nhận ra. Không ngờ người Tây chẳng những cưới vợ Việt để ăn Tết Nguyên đán mà còn hiểu tâm lý “thích xài âm lịch” nhưng sùng hàng ngoại của ông cha vợ. Có rể tây, nhà ông ăn tết lớn. Trên bàn thờ, cạnh mâm ngũ quả còn có thêm cặp rượu Hennessy. Cúng ông bà không đốt giấy tiền hàng mã như mọi năm mà toàn đốt dollar địa phủ. Có chút gì hơi trái ngược ở đây. Để ý chút thì sẽ dễ dàng nhận thấy: Đó là chàng rể cao to đứng nhai kẹo cao su, vận bộ veston bên cạnh ông già nhỏ bé miệng lâm râm khấn và xúng xính trong chiếc áo dài in hình chữ “thọ”. Đó còn là cuộc trò chuyện “bằng tay” và thỉnh thoảng nghe ông bảy xen vào tiếng “dạ”.

          Xóm giềng chẳng biết gì hơn ngoài việc ông bảy có chàng rể “mắt sâu râu rậm”. Dễ thấy nhất là ông bảy giàu lên trông thấy. Người đời thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”. Ông bảy trở nên tốt bụng đến lạ kỳ. Ông không cò dè xẻn, không còn lam lũ mà rộng rãi và cởi mở với mọi người hơn.

          Để tỏ ra là người hào phóng kiểu Tây, năm ấy ông “dám” cứu trợ đồng bào lũ lụt đến một trăm ngàn đồng. Có lẽ đây là số tiền lớn nhất mà ông chỉ một lần trong đời trao từ tay mình cho người khác. Coi đây là sự hy sinh quá lớn nên đích thân ông phải đến ủy ban xã yêu cầu “anh thông tin” đọc rõ tên mình trong những buổi phát thanh. Xót lắm chứ, nhưng không sao, ông sẽ nổi tiếng. Ông đinh ninh rồi con rể ông sẽ gởi tiếp tiền về. Nghĩ thế nên ông không chút suy tư.

          Không biết từ đâu và vì sao mà bọn trai trẻ trong làng gọi ông là “ông bảy Oxy”? Đem thắc mắc nầy đi hỏi mấy ông bạn già thì được giải thích đó là tên Tây nên ông bảy lấy làm đắc ý. Mãi đến một hôm, dấu hiệu tức tối hiện ra khi mọi người nghe ông chửi đổng:

– Mẹ cha nó! tao thở bằng “bình oxy” có can lụy đến ai? Tao thở bằng “bình hơi” của rể tao. Rể tao có tiền thì nó cho tao xài. Dân xóm này đúng là “trâu cột ghét trâu ăn”. Nghe ông chửi liền một tràng như vậy những người xung quanh mới hiểu. Ra thế, cái tên “bảy Oxy” là do ai đó cho rằng ông sống nhờ vào “bình tiếp hơi” của rể. Từ dạo ấy, ông bảy ngày càng trở nên bẳng tính. Ông hậm hực ra mặt với mọi người và định bụng tết này rể gởi tiền về thì ăn chơi cho thiên hạ biết “oxy” của ông có giá trị thế nào.

          Càng tức giận mọi người, ông càng trông ngóng tiền của rể. Chẳng hiểu sao gần tết rồi mà vợ chồng nó vẫn bặt vô âm tín.

– Tết năm nay không sắm sửa nấu nướng gì cả, chờ vợ chồng thằng tây về tao xin tiền tụi nó mua toàn đồ tây ăn tết. Thử xem dân ở đây gọi tao là gì? Gọi tao bằng ông bảy Tây thì càng tốt – Có lần ông nói vậy.

Càng chờ mong ông càng sốt ruột. Dù vậy, ông vẫn vẽ ra trong đầu biết bao điều. Thiên hạ rồi đây sẽ trắng mắt ra nhìn “Bảy Oxy” này mà ghen tức. Nghĩ vậy nên cái nôn nóng trong lòng ông đã được thay bằng tâm trạng đắc ý. Ra đường, mọi người nhìn ông bằng ánh mắt khinh thường bao nhiêu thì ông càng lấy làm thỏa mãn bấy nhiêu: Hãy đợi đấy!

   Chính ông mới là người đợi rể. Lỡ nó không về thì… ông không dám nghĩ thêm. Và rồi nó không về thật. Trên bàn thờ, tổ tiên thì đủ cả nhưng chỉ thiếu nhang, đèn, bánh, rượu. Mọi người cũng sẵn sàng tâm lý ăn tết nhưng chỉ thiếu vợ chồng thằng tây. Hay nói như bọn trẻ: Tất cả đã sẵn sàng, chỉ thiếu Oxy!

Sáng mồng một tết,  con gái ông về đến. Với vẻ mặt thểu não, cô nói như rên rỉ:

– Nó đã bỏ con hơn sáu tháng nay rồi!

Ông bảy Vọng lập cập:

– Thế còn Oxy của tao… – Ông không nói hết lời.

– Oxy gì? Oxy trong không khí ấy à? Ba cần nó để làm gì?

Người ta cần oxy để thở, còn riêng ông Bảy Vọng thì cần oxy để ăn tết. Thì ra “oxy” mà bấy lâu nay người ta đặt tên cho ông chính là tiền của rể tây tiếp tế cho. Ông Bảy Vọng cần tiền của chàng rể tây để sống giống như sinh vật cần oxy để thở. Tết này không tiền, lấy gì ông ăn tết?

          Đã đến nông nỗi nầy thì ông đành mở hầu bao của mình mà vội vàng đi sắm tết. Nhưng chợ quê mồng một tết có ai buôn bán gì mà mua sắm? May mắn là nhà ông còn vài con gà và con heo mới được chừng ba mươi ký. Nếu không thì chắc tết nầy nhà ông Bảy Vọng đành ăn tết với oxy của khí trời và nước lã. Ôxy với người đời là dưỡng khí, với ông Bảy Vọng là tiền mà chàng rể tây cho ông sinh sống.

***

          Là một trung nông của miền tây, thu nhập từ ruộng vườn của ông bảy Vọng nhiều lắm. Hẳn sau cái tết đáng nhớ nầy, hy vọng vì tự trọng, ông không cần đến tiền thằng rể hờ. Ông vẫn sống nhàn nhã tuổi già./.

C.V