Phú Ngọc – Xuân Trường
(Vanchuongphuongnam.vn) – Diễn ra từ ngày 17/6 đến hết ngày 23/6/2022, “Ngày hội Áo dài Huế năm 2022” được tổ chức sẽ là chuỗi các hoạt động sôi nổi cho cộng đồng liên quan đến áo dài, hứa hẹn để lại cho người dân và du khách nhiều ấn tượng cùng kỷ niệm đẹp.
Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ phát động tuần lễ “Ngày hội Áo dài cộng đồng Huế năm 2022”. Ngày hội được tổ chức với mục đích nhằm khai thác thế mạnh, thương hiệu và giá trị độc đáo của áo dài Huế, kích cầu du lịch phát triển, đồng thời tôn vinh áo dài Huế, áo dài Việt Nam, khẳng định thương hiệu áo dài Huế. Bên cạnh đó, góp phần tuyên truyền quảng bá văn hóa Huế gắn với quảng bá, xúc tiến về du lịch; hướng tới tổ chức Ngày hội Áo dài định kỳ hằng năm.
Một số hình ảnh thiếu nữ Huế áo dài tham gia các hoạt động áo dài đường phố và đạp xe đạp.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, Cố đô Huế đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng văn hóa, di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Sở VHTT chủ trì, phối hợp cùng các ban ngành, các tổ chức xã hội nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án Huế kinh đô áo dài Việt Nam.
“Trong gần 2 năm qua, phong trào khôi phục, chấn hưng và phát triển áo dài truyền thống Huế, đặc biệt là các loại cổ phục như áo ngũ thân tay chẽn, ngũ thân tay rộng, áo nhật bình… đã có sự phát triển và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nhân dân và cả trong khối cơ quan nhà nước, trường học… Đó là tín hiệu rất đáng mừng, không chỉ với Huế”, ông Phan Thanh Hải cho hay.
Theo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, “Ngày hội Áo dài Huế năm 2022” được tổ chức sẽ là một chuỗi các hoạt động sôi nổi cho cộng đồng như tri ân, quảng diễn, trình diễn áo dài Huế, biểu diễn nghệ thuật, kết hợp với các hình thức tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh hình ảnh áo dài.
Với sự hưởng ứng rất kịp thời của các ban ngành, tổ chức liên quan, đặc biệt năm nay còn có hơn 60 thành viên của Câu lạc bộ Đình Làng Việt đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, ngày hội hứa hẹn sẽ để lại cho người dân và du khách nhiều ấn tượng cùng kỷ niệm đẹp.
Trước lễ phát động, ngày hội đã được mở màn với hoạt động “Diễu hành áo dài truyền thống Huế” bằng xích lô qua nhiều tuyến đường của thành phố Huế. Trong sáng nay (18/6), Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức lễ dâng hương chúa Nguyễn Phúc Khoát – người có công định chế áo dài Việt Nam.
Được biết, trong một tuần tới, ngày hội sẽ tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng với các chủ đề như: “Áo dài và xe đạp”, “Áo dài xưa”, “Áo dài và cuộc sống”, “Trải nghiệm Áo dài truyền thống”, “Áo dài đường phố”, “Áo dài và nữ sinh”, “Áo dài và Âm nhạc”.
Các hoạt động tiêu biểu như: Diễu hành Áo dài truyền thống Huế bằng phương tiện xích lô, xe đạp trên các cung đường Lê Huân – Quảng trường Đại Nội – Đường 23/8 – Đinh Tiên Hoàng – Cửa Thượng Tứ – Trần Hưng Đạo – Lê Duẩn – Cầu Dã Viên – Bùi Thị Xuân – Lê Lợi – Hà Nội – Bến Nghé – Đội Cung – Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu do Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Áo dài Huế, Hội May thêu thời trang, Câu lạc bộ Đình làng Việt tổ chức.
Lễ phát động Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2022; Lễ dâng hương Chúa Nguyễn Phúc Khoát tại Lăng Trường Thái, đoàn rước tại khu vực Đại Nội và lễ tri ân tại Triệu Tổ Miếu; Hoạt động cộng đồng với chủ đề “Áo dài và xe đạp” để các câu lạc bộ, người yêu xe đạp mặc áo dài đạp xe trên một số tuyến đường tại thành phố Huế; Hoạt động cộng đồng với chủ đề “Áo dài xưa” với nhóm gồm các lứa tuổi tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm tại một số di tích tại trung tâm thành phố Huế, mỗi nhóm 30 người với trang phục áo ngũ thân truyền thống tại Đại Nội, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, chùa Linh Mụ, Trường Quốc Học và một số công viên; Hoạt động cộng đồng với chủ đề “Áo dài và cuộc sống” gồm nhóm quảng diễn nhằm giới thiệu vẻ đẹp của áo dài hiện nay qua sự tiếp nối, thiết kế tài hoa của một số nhà thiết kế Huế tại Cầu bán nguyệt; Hoạt động cộng đồng với chủ đề “Áo dài đương đại” gồm một đến hai nhóm quảng diễn với sự tham gia của các người mẫu chuyên và không chuyên tại Huế tham gia trình diễn, nhằm giới thiệu một số bộ sưu tập của một số nhà thiết kế ở Huế và một số hoạt động trải nghiệm tại Cầu gỗ lim.
Hoạt động cộng đồng với chủ đề “Áo dài đường phố” với khoảng 50 đến 70 người cả nam và nữ tham gia nhảy flashmob tạo không khí tươi vui, phấn khởi, sôi động với tà Áo dài; Hoạt động cộng đồng với chủ đề “Áo dài và nữ sinh” là hoạt động ngoại khóa truyền thông về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển Áo dài Huế, với sự tham gia của các em học sinh một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Huế; Hoạt động cộng đồng “Áo dài và Âm nhạc” với sự tham gia của các nghệ nhân hát văn, ca trù, ca Huế; tặng tranh dân gian và áo dài truyền thống cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế trong hoạt động giao lưu Áo dài Huế và Âm nhạc;
Hoạt động hưởng ứng cộng đồng do các cơ quan, ban ngành, địa phương, Hội Áo dài Huế phát động và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, tiểu thương và cộng đồng mặc áo dài trong tuần lễ Festival Huế thông qua các hoạt động đi tham quan, trải nghiệm, các cuộc thi ảnh, tham gia các sự kiện…
Ngoài ra, trong tuần lễ Festival Huế, các cơ quan, ban ngành, địa phương cũng phát động và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, tiểu thương và cộng đồng mặc áo dài thông qua các hoạt động đi tham quan, trải nghiệm, các cuộc thi ảnh, tham gia các sự kiện.
P.N-X.T