Ấn tượng Xuân-Cội nguồn & Sáng tạo – Kỳ 2

983

05.3.2018-23:00

NVTPHCM- Nhiều nhà thơ, nhà văn từng tham gia sự kiện Mậu Thân 1968 đã có mặt tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức với chủ đề “Xuân – Cội nguồn & Sáng tạo”. Trong đó có nhà thơ lão thành Hoài Vũ, tác giả nhiều bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như Vàm Cỏ Đông, Chia tay hoàng hôn, Anh ở đầu sông em cuối sông…

 

Sáng sớm rằm tháng giêng, nhà thơ Hoài Vũ đã cùng các nhà thơ Văn Lê, Lương Minh Cừ và ban tổ chức đi dâng hương ở tượng đài tưởng nhớ những người ngã xuống trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ông là một trong những chứng nhân hiếm hoi còn lại từ sự kiện lịch sử oanh liệt và bi thương này.

Nhà thơ Hoài Vũ trả lời phỏng vấn của MC Phương Huyền

 

Dù nhà thơ Hoài Vũ không muốn xuất hiện trên sân khấu nhưng ngày thơ đặc biệt năm nay không thể vắng mặt ông, một thi sĩ – chiến sĩ tiêu biểu của Sài Gòn và Nam bộ. Và ông đã tâm sự đầy xúc động về ký ức Mậu Thân bi hùng cũng như sự ra đời của bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ viết vào thời điểm lịch sử này về sau được nhạc sĩ Thuận Yến phổ thành ca khúc Chia tay hoàng hôn.

 

Từng là lính văn nghệ dưới quyền nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Văn Lê là một trong những người có mặt rất sớm ở chiến trường Nam Bộ. Trải nghiệm từ khói lửa khốc liệt của chiến tranh đã luôn ám ảm và mang lại cho ông cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm thơ lẫn văn xuôi, nhất là những bộ tiểu thuyết đồ sộ gần đây mà tiêu biểu nhất là Mùa hè giá buốt viết về Mậu Thân 1968.

Nhà thơ Văn Lê đọc thơ trong nỗi xúc động nghẹn ngào

 

Trên sân khấu ngày thơ, nhà thơ Văn Lê đã nói về những ám ảnh nhói lòng của chiến tranh và ông đã đọc 2 bài thơ rất hay viết về nỗi đau cách chia của vợ chồng, cha con trong những ngày còn khói lửa…

 

Dịu dàng, thì thầm, sâu thẳm, tập thơ “Dưới mái nhà xanh” của Tôn Nữ Thu Thủy được trao tặng thưởng thơ của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2017. Trong chương trình thơ “Xuân – Cội nguồn & Sáng tạo”, nữ nhà thơ thể hiện bài thơ Anh tôi, niềm hy vọng giàu xúc cảm về những người lính viết tiếp khúc bi tráng Mậu Thân ngay sau ngày hòa bình, lại cầm súng nơi chiến trường Tây Nam…

Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy trình bày bài thơ của mình

 

Anh tôi, niềm hy vọng

 

Anh là niềm hy vọng giữa tháng năm trôi

Là cây xanh, là ngọn gió, là mưa thuận nắng hòa trong đời của mẹ

Là hạt lúa giữa mảnh đất miền Trung mảnh dẻ

Một chấm nhỏ trong muôn ngàn nhưng không có gì thay thế cho anh.

 

Anh mang theo tim tuổi thơ trong xanh

Động bóng thuyền qua khúc sông Con nhỏ bé

Trò chơi từng biến anh thành chàng dũng sĩ

Đấu kiếm trong vườn hương cau tràn trề.

 

Vẫn hằn mãi trong anh ngưỡng cửa gió lùa

Cô giáo bên thành xưa dạy anh yêu những điều chân thật

Khi tồn tại như một người yêu nước

Anh trở thành người lính đi về phía trái tim mình.

 

Cuộc hành quân là trục lớn xoay vần

Khẩu súng rung lên lời nhắc nhở

Những bước chân dẫm qua ghềnh đá

Qua rừng cây, qua gió dữ, qua sống chết rạng ngời

Rừng cỏ tranh mùa khô nói bằng lưỡi lá sắc

Mùa thu mưa trắng oằn lưng đồi

Anh là anh của con đường phía trước

Lòng bỏ lại cỏ sắc và không có mưa rơi.

Anh đi qua đêm Campuchia để nhen lên bếp lửa tâm hồn

Của người mẹ, người chị, người em hướng về câu hát

Từng ánh mắt đã sáng lại màu trời đất

Anh ghi lại nơi đây sớm mai những vỏ nước sóng đầy

 

Krachê, thời của tổ chức và của dựng xây

Cách mạng là cánh tay xây lại ngôi nhà nát

Đặt dấu chấm tròn sau ngày đêm lửa tắt

Cả đường căng tâm trí chưa ngưng nghỉ bao giờ

Mùa xuân ơi mùa xuân, khi cái đích còn ở đầu kia

Anh lại đi truy quét tàn binh địch

 

Ở Krachê có nhiều người chưa biết tên anh

Nhưng anh là niềm hy vọng giữa năm tháng đấu tranh.

 

                                       Tôn Nữ Thu Thủy

 

Nhà thơ, nhà giáo Lương Minh Cừ hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Cửu Long ở Vĩnh Long, đơn vị kết nghĩa với Hội Nhà văn TP.HCM. Ông cũng là nhà thơ bước ra từ cuộc kháng chiến cứu nước và đến nay vị giáo sư triết học này vẫn tràn đầy cảm hứng sáng tạo thi ca. Từ sáng sớm nhà thơ Lương Minh Cừ đã tề chỉnh trong bộ veston cùng ban tổ chức đi dâng hương chiến sĩ, đồng bào ngã xuống trong năm Mậu Thân…

Nhà thơ Lương Minh Cừ lên trình bày thơ xuân

 

Sinh ra và lớn lên khi trong không khí hoà bình, các nhà thơ trẻ cũng thể hiện tình yêu nước, yêu thành phố mình đang sống bằng ngôn ngữ riêng, tự do và phóng khoáng, quyến rũ và da diết. Tiết mục hoà điệu thơ về Sài Gòn, Tổ quốc, mùa xuân của ba nhà thơ trẻ Đặng Tường Vy, Phạm Phương Lan, Doãn Thuỵ Như đã làm “rung rinh” sôi động không khí thơ. Trong đó, bài thơ Xuân về trên đất Sài Gòn của Đặng Tường Vy như câu chuyện thú vị về thành phố mà chị sinh trưởng.

Từ trái sang: Đặng Tường Vy, Phạm Phương Lan, Doãn Thuỵ Như hoà điệu thơ

 

Xuân về trên đất Sài Gòn 

 

Tàn đông, những “đàn chim di trú” bay về đất tổ

Tìm sự ấm áp từ hương khói, hương đồng, hương quyến thuộc 

Tìm sự an bình nơi chôn nhau cắt rốn

Tìm chiếc lá cội nguồn hương quê nhà 

 

Phía trời nam cánh én liệng chao báo hiệu một mùa xuân mới 

Mai vàng nẩy lộc chồi biêng biếc 

Sài Gòn chợt vắng

Sài Gòn chợt thưa

Sài Gòn của thuở xa xưa… trở về! 

 

Sài Gòn là nơi đất lành chim đậu 

Xuân lồng trong xuân 

Phố rộn ràng phố 

Người yêu thương người

 

Cung đường Nguyễn Huệ nắng rót nghiêng lòng phố, lung linh thảm hoa trong dãy lụa vàng 

Người nối bước người 

Tay choàng lấy tay 

Từng lọn gió sông Bạch Đằng nối đuôi nhau cười cợt   

Phố say tình phố

Người say tình người 

Xuân dìu bước xuân 

Ta dìu bước ta 

 

Sài Gòn rộn tiếng chim ca, đất lành đón bước chân xa trở về 

Sài Gòn bừng khí thiêng 

Sài Gòn bừng sắc xuân biêng biếc chồi 

Sài Gòn phồn hoa

Sài Gòn mảnh đất thịt da… ngọt, lành! 

 

                          Đặng Tường Vy

 

ẢNH: NGUYỄN HOÀNG

(Còn tiếp)

 

>> Ấn tượng Xuân-Cội nguồn & Sáng tạo – Kỳ 1

 

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…