Áng mây mùa hạ – Tản văn Lê Hoàng Kha

1593

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có áng mây lang thang trôi vô định giữa trời mùa hạ, mây có mang nỗi nhớ cố nhân, mây làm trời cảm thương đổ cơn mưa sa. Dưới mái hiên nhỏ, có tiếng nhạc du dương vang lên làm người phải miên man, nhớ đến Quỳnh Hoa đem lòng cảm thương Mạc Thi.

Tác giả Lê Hoàng Kha

Nhưng cô gái muốn đi khám phá thế giới rộng lớn, bỏ anh một mình bên vườn hoa Tử Đằng còn vương nắng chiều, họ hẹn khi hoa Tử Đằng nở sẽ gặp lại nhau. Và cái ôm chào nhau ngày hôm nào là lần cuối cùng Quỳnh Hoa cả đời phải mang tiếc nuối, không còn gặp lại Mạc Thi nữa. Trong cuốn nhật ký của Mạc Thi để lại có đoạn: “ Hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc, khoảnh khắc được yêu thương, dù tình yêu là nhỏ bé hay lớn lao. Chỉ có thể là kì hạn trăm năm hay như vệt nắng ngang trời dần dần tan biến, nhưng lại ngự trị trong đôi mắt của kẻ si tình.” Quỳnh Hoa đã bật khóc nức nở tại căn phòng cũ kĩ của cố nhân Mạc Thi, nơi mà anh chìm sâu vào giấc ngủ mùa hạ năm ấy. Anh đi trong một đêm không mưa mùa hạ, trên tay vẫn nắm chặt nhành hoa Tử Đằng. Quỳnh Hoa giữ cuốn nhật ký kỉ niệm của anh, cô muốn đi những nơi anh đã đến, gặp những người anh từng gặp. Mỗi lần đọc nhật ký của anh, cô đều khóc ướt nhoè trang giấy, cô ước mùa hạ năm đó cô không đi khám phá thế giới mà ở lại cùng anh thêm một đoạn chân tình. Cuộc đời như một cuốn phim, làm người buồn thì bật cười rơi lệ, người hạnh phúc phải khóc vỡ oà như đứa trẻ. Hoa Tử Đằng mang vẻ đẹp tình yêu thuỷ chung, đôi khi là sự thấu hiểu, đồng cảm mà sẻ chia, như Mạc Thi khát khao đến cuối đời muốn gặp lại Quỳnh Hoa.

Thời còn trẻ, Mạc Thi đã đi qua biết bao thăng trầm giông bão cuộc đời, anh viết: “ Mỗi sáng thức dậy, biết mình còn thở là thầm cảm ơn cuộc đời vẫn cho ta được sống thêm phút thiêng liêng. Ta được sống mấy lần mười năm để cho đi hương thơm bay trong gió, để ngắm những người mình yêu thương, được cảm nhận nhịp đập của trái tim hoang sơ. Nếu có kiếp sau, ta vẫn nguyện đến với thế gian này thêm lần nữa”. Mạc Thi thương cho ông già chèo đò trên bến vắng, chơi vơi giữa dòng nước xoáy mỏi mòn tìm đứa con gái bị thất lạc hơn bốn mươi năm. Mỗi đêm ông ngồi ngóng trông, mong một lần được gọi tiếng “Ba ơi”. Vậy mà một đêm mưa gió tơi bời, như chẳng thể gặp lại con. Lỡ đàn buông tiếng trầm rồi dứt dây, ông đành trút hơi thở tiếc nuối ra đi. Mạc Thi mang tro cốt ông già gửi nơi cửa chùa, anh giữ trọn lời hứa tìm con cho ông, anh đi khắp nơi để tìm đứa trẻ trong tấm ảnh lúc năm tuổi đi lạc. Cuối cùng trời cao cũng an bài, anh đã tìm được con ông, giờ cô cũng đã qui y. Cuộc đoàn tụ tại ngôi chùa nhỏ, Mạc Thi trao hũ tro cốt lại cho con ông, cô nghẹn ngào gọi tiếng: Ba ơi! Mang nỗi buồn thật miên man, gió chiều thật lạnh nhưng lại ấm chốn tình thân.

Vào một ngày đầy nắng, Mạc Thi đi thăm những đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện. Cậu và những người bạn dành số tiền mình kiếm được, mua ít quà cho các bé đáng thương bị người ta bỏ rơi. Mạc Thi ngồi trò chuyện với các bé, trong lúc các bé đang vui đùa. Thì trong góc nhỏ, có một cậu bé ngồi co rút vào trong, cậu bé càng sợ khi thấy người lạ. Mạc Thi từ tốn tiến lại gần hỏi nhỏ cậu bé.

– Sao cháu không ra chơi cùng các bạn?

Cậu bé quay người lại, giọng nghẹn ngào:

– Dạ thưa! Con bị mù, con không thấy gì cả ạ!

Mạc Thi và những người bạn phải bật khóc, họ không thể cất lời mà nghẹn đắng ôm cậu bé vào lòng. Cậu bé ước mơ được nhìn thấy bình minh rực rỡ, chiều ngắm hoàng hôn mùa hạ. Tất cả chỉ muốn một lần trong đời, điều ước đó thật nhỏ bé với biết bao người, nhưng đó là ước mơ to lớn của đời cậu bé. Tiếc thay không ai giúp được cậu, Mạc Thi chỉ biết ôm cậu bé vào lòng rồi an ủi. Đoạn nhật ký có viết: “Ước mơ của người là ngắm cái cao sang và quyền uy lộng lẫy, còn ước mơ của người mù là được nhìn thấy bình minh và hoàng hôn. Ước mơ tưởng chừng nhỏ bé, nhưng cả đời vốn dĩ mãi không thực hiện được. Đôi khi chỉ đơn giản là ước mơ, thực hiện được hay không thì chẳng còn quan trọng, quan trọng là biết không thể nhưng vẫn ước mơ để giữ niềm tin hy vọng sống tiếp trong thế gian một lần ta chọn đến.”

Khi bóng trăng lên cao, có một Quỳnh Hoa lẻ đôi ngồi đọc từng trang nhật ký của Mạc Thi, cô không thể ngờ tuổi thơ của Mạc Thi là nỗi buồn đầy nước mắt. Mạc Thi lớn lên bên dòng sông chiều nơi ba má mất trong một đêm mưa bão, năm mười bảy tuổi Mạc Thi từ giã mái tranh quê lang bạt trên thị thành, Mạc Thi làm đủ nghề để mưu sinh. Có một cô bé đem lòng yêu những áng văn của Mạc Thi, rồi chuyện tình không thành đôi. Mạc Thi chọn cách để kỉ niệm xưa ngủ trong tim, đêm đó Mạc Thi ôm nỗi đau nén chặt trong đáy lòng, anh gạt nước mắt mà rời đi khỏi thành phố, anh lang bạt qua các vùng ven. Anh viết: “ Tôi đã yêu em như trăng tròn mười lăm, nồng nàn và ngây dại. Ngày em mặc áo cưới hạnh phúc cùng người, là ngày anh như áng mây nhỏ trội ngang trời dần dần biến tan.”

Đêm đã về khuya, bên ngọn đèn Mạc Thi suy tư về nỗi niềm như bóng mây còn vướn chân đồi. Nhớ những người thân thương sau này không còn gặp nhau nữa, có phải là đánh mất nhau trên đoạn đường nhân sinh. Trong đám tang nội của Quỳnh Hoa hôm ấy ai nấy đều tất bật chuẩn bị, riêng ba của Quỳnh Hoa lại lặng lẽ chui vào một góc trong căn phòng nhỏ khóc như đứa trẻ. Quỳnh Hoa đứng nếp vào bên cửa nhìn ba mà khóc thút thít, má cô ôm ba xoa đầu như đứa trẻ mới vừa bị bà đánh đòn. Đàn ông dù bên ngoài có mạnh mẽ đến đâu, thì trong tâm hồn lại chất chứa cả trời đau thương khi họ phải chứng kiến những biến cố của cuộc đời. Mạc Thi viết đoạn: “ Vẻ ngoài cứng cỏi bao nhiêu, chỉ cần chạm nhẹ vào vết thương tâm hồn. Đủ để người ta phải rơi lệ, chẳng phải là sự yếu đuối, mà vì họ đã cố gắng mạnh mẽ quá lâu rồi.”

Năm đó, Mạc Thi say mê ánh mắt của Quỳnh Hoa. Nhưng anh chấp nhận để Quỳnh Hoa một cô gái thông minh, đầy tài năng có thể thực hiện được hoài bão rộng lớn rời xa anh. Còn Mạc Thi là người của quá khứ, anh chỉ đến quán trọ nhân gian một đoạn để lại những áng văn không tên: “Áng mây nhẹ nhàng trôi, núi vẫn cao vời vợi, từ mạn bắc gió thổi miên man. Mọi thứ đều là cảnh mùa hạ năm cũ, nhưng người thì chẳng còn là người xưa, hay ta gọi thân thương nhau bằng hai từ cố nhân.”

Vào một buổi sáng thật dịu dàng, Quỳnh Hoa đọc những áng văn bình yên trong tâm hồn. Cũng là giây phút cảm ơn cuộc đời, Mạc Thi đã giúp Quỳnh Hoa chọn cách sống trầm lặng mà an yên, giữa đời thăng trầm. Mạc Thi viết đoạn: “ Đến cây cỏ dại cũng còn muốn sống, muốn được hiên ngang nở hoa giữa đất trời. Để một ngày lụi tàn, chẳng còn phải tiếc nuối một đời cỏ dại là ta. Đời người lúc thăng lúc trầm, lúc thì tiền tài danh vọng, lúc thì trắng tay thân sơ thất sở. Có người kêu ca than vãn, có người thì lầm lũi im lặng mà vượt qua. Sang giàu hay nghèo khó, cũng chỉ gói gọn một kiếp đời quán trọ nhân gian. Tự nuôi dưỡng khí chất của bản thân, một ngày là thân cây ngô đồng phượng hoàng mới đậu, là biển cả thì trăm sông mới đổ về. Khi đủ tâm – đủ tầm rèn luyện chí thành nhân, như cây bách – cây tùng mà sống hiên ngang, bình bình – an an giữa đất trời qua xuân – hạ – thu – đông.”

Ngày hạ về, Quỳnh Hoa mãi đem cuốn nhật ký của Mạc Thi bên mình. Mạc Thi dù có ra đi, nhưng vẫn là một chàng trai tín ngưỡng đẹp trong lòng Quỳnh Hoa. Mạc Thi không để lại tài sản gì quý giá, anh chỉ để lại vỏn vẹn miền tàng thức của sự yêu thương giản dị mà chân thành.

Mùa hạ năm ấy, có người mang tâm hồn mộng mơ trôi giữa cuộc đời chênh vênh, Quỳnh Hoa nhẹ nhàng đề tựa nhật ký thay cố nhân: “Áng mây ngày hạ”.