Anh có điều muốn hỏi – Tập thơ như những bộc bạch, trăn trở

935

Trần Hoàng Vy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trần Tâm, một trong những cây viết trẻ quen thuộc của xứ Long Xuyên, vừa ra mắt Văn đàn miền Nam với tập thơ đầu tay, mang tựa đề Anh có điều muốn hỏi với 44 bài thơ, hầu hết là thể thơ tự do với những bộc bạch, tự sự của thế hệ 8x trong cái nhìn và sự cảm nhận tinh tế, giàu chất thơ và những kỳ công của người làm… “phu chữ”!

Bìa tập thơ Anh có điều muốn hỏi 

Nhiều người thường nói: “Hỏi tức trả lời” song với người làm thơ hỏi như sự linh cảm mà bằng những cảm nhận từ trái tim rung cảm, người thi sĩ đã bộc bạch: “Anh không muốn thấy mình là ngày của hôm qua/ của bao lo toan, buồn phiền sáo rỗng/ là ý nghĩ như một lập trình có sẵn/ là hạt mưa rào mất hút khi thả vào sông/ anh sợ... (Anh sợ). Vâng, một nỗi sợ chung chiêng mà thơ mộng, cùng bao nỗi suy tư rất đời, vừa bằng lý trí và cũng vừa bằng… thơ!

Cũng vẫn là tình yêu chưa kịp nói, Trần Tâm diễn tả: “Chưa có cảm giác nào hành hạ lòng bằng nỗi nhớ mông lung/ trời tháng năm mưa phùn giăng kín lối/ chỉ tại ngày xưa lỡ yêu rồi mà chưa chịu nói/ để tháng năm mòn…/ nhung nhớ mãi một màu hoa” ( Màu tim tím nhớ), để rồi “Cần một lý do”: “Ai cũng có một lý do đến với thế giới này/ và ai cũng có lý do để sống cho cuộc đời của họ?”, cái lý do đó cũng không ngoài tình yêu? Khi nhà thơ muốn “Trông vào mắt em, thèm được là biển cả, và nụ hôn dành cho em… không lụi tàn!”

Với Long Xuyên, nơi chôn nhau cắt rốn cùng những cái tên Búng Bình thiên, phà Năng Gù, An Phú, Châu Phú, Chợ Mới… những vùng phù sa, sông nước đã đi vào thơ ca, nhạc họa, mà trong cái mơ màng của cõi thơ, Trần Tâm đã viết: “Ai nói Long Xuyên chỉ bằng dang tay/ mà nỗi nhớ lạc nhau tìm hoài không gặp?” và: “Câu vọng cổ ai ca vướng vào chiều / bên khói bếp thơm nức mùi cá rô kho/ điên điển vài bông đủ vàng ký ức/ cơn mưa ngang qua hừng hực đất phù sa” (Chiều qua phà Năng Gù), cả một bức tranh quê lung linh hoài trong cõi nhớ: “trái ổi chín nằm êm đềm sau vòm lá/ chú gà nhà ai vừa cất cao tiếng gáy/ đôi cá lìm kìm vờn nước vẫy đuôi tình ái/ thiếu nữ buông tóc dài khuất cả hoàng hôn/ lòng bồn chồn thèm cái ôm mỗi khi về… mẹ ra đón/ đơn giản vậy thôi… giờ xa xỉ quá chừng!”. Những câu thơ mộc mạc, giản dị mà rung động lòng người!

Tốt nghiệp ngành Sư phạm, khoa Ngữ Văn, Trần Tâm lại gắn cuộc đời mình với Liên Hiệp các Hội VHNT An Giang, làm báo văn nghệ. Nên bộc bạch của Tâm luôn hướng đến sự viên mãn: “Anh không muốn ngày chỉ hai mươi bốn giờ/ bao yêu thương nhớ nhung chưa thỏa trên đôi môi cuộc sống/ em đừng hờ hững và hãy siết tay anh thật chặt/ nắng lên rồi sẽ chín trái đam mê” (Nhớ thương mùa đã cũ), và rồi có khi lại mông lung, hư ảo: “Anh cũng có một điều muốn hỏi/ yêu em hết kiếp này rồi/ còn yêu thêm được những kiếp sau?/ anh sợ lắm/ dang dở trong cuộc tình/ còn đau hơn gấp vạn lần cái chết!” (Anh có điều muốn hỏi). Cái điều muốn hỏi ấy, phải chăng là sự… yếu mềm của nhà thơ mà có đôi khi phải cảm nhận bằng cả trái tim chân thành, si mê: “Cuộc đời này / có ai biết mình sống bao lâu để hưởng thụ/ sao lại để giận hờn chiếm hết thời gian vui/ hãy yêu đi để không khỏi ngậm ngùi/ lúc về với đất là trả thương yêu cho cát bụi/ ta còn lại gì/ để mang theo” (Hãy yêu nhau đi).

Đến những câu hỏi vừa đau đáu lại rất… dễ thương như “Có phép mầu nào làm mới lại lòng không”, rồi “Vì sao có những giọt nước mắt” và “Biết có còn nhắc nhớ”, tôi bỗng muốn chia sẻ cùng các độc giả yêu thơ hãy thử tưởng tượng và cùng Tâm trả lời xem có gì khác biệt?

Khép tập thơ, Tôi vẫn thích sự chân tình và mộc mạc của Tâm “Này là chiếc khăn tím lục bình/ đầy ắp nước mắt của dòng sông” (Rỗng…), và: “Giá như…/ tất cả con người sống dưới một vòm trời/ thấu hiểu hết nỗi buồn đau của nhau/ người ta sẽ để lại cho thế hệ mai sau /chỉ toàn hạnh phúc”. Vâng, có lẽ câu trả lời cuối cùng cũng như mơ ước của thơ là… Hạnh Phúc?