Anh lính Vệ quốc lấy vợ bằng thơ, nuôi vợ bằng văn

360

Câu thơ của ông đã nói đúng một điều thật tuyệt vời: “Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại”. Hậu phương ngày ấy của chúng ta thật vĩ đại. Những người vợ có chồng ra trận ngày ấy cũng thật vĩ đại. Và bà chính là một trong những người vợ vĩ đại ấy.

Quê hương nhà văn Xuân Thiều ở thôn Hói Đẻo, xã Bùi Xá, Huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1930, mới 17 tuổi đã tòng quân nhập ngũ, làm một người lính Vệ quốc quân chiến đấu bảo vệ quê hương. Anh trai làng Xuân Thiều xa làng quê yêu dấu lên đường, lòng bừng sáng lí tưởng và tình yêu thơ ca, nên sau mỗi trận đánh thường thổn thức nhớ về quê hương, nhớ về con sông La nước xanh hiền hòa chảy trước cửa nhà, nhớ về phiên chợ quê có cô gái bán hàng xén xinh xắn tuổi 16 tên San khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Sẵn tình yêu thơ ca, ông thường hay làm thơ để bày tỏ tình yêu tha thiết với cô. Có lẽ những vần thơ đầu đời của nhà văn Xuân Thiều chính là từ đây. Ông viết thơ để bày tỏ tình yêu của mình với cô gái ở thôn bên nơi hậu phương, và khi có điều kiện không ngại ngần gửi về cho cô với bao thương nhớ, thao thức và hi vọng…

Ngày ấy cô hàng xén xinh đẹp có không ít chàng trai tơ tưởng. “Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười” nhưng rồi “chung kết” lại là hai chàng trai, họ như Sơn Tinh, Thủy Tinh cùng lúc đến hỏi. Cả hai đều là người cùng làng, một anh cao to nhà rất giàu, làm nghề buôn bè. Một anh là bộ đội, đấy chính là chàng Vệ quốc quân Xuân Thiều, người đang mải miết chiến đấu ở nơi xa, năm thì mười họa mới có dịp về làng gặp gỡ. Chàng Vệ quốc không giàu nhưng lại có những vần thơ từ chiến trận gửi về làm trái tim San xao xuyến. Chọn lấy ai quả thật là không dễ dàng. Những cô gái trong làng hiểu nỗi phân vân trong lòng San, thường làm thơ ghẹo khiến những lúc ấy mặt cô lại ửng đỏ:

Một bên chữ nghĩa văn chương

Một bên bè nứa em thương bên nào?

Những ngày ấy, khi bị trêu ghẹo bà San chỉ tủm tỉm cười. Và rồi cuối cùng, đã bà chọn anh bộ đội làm thơ, biết là có thể khổ nghèo phân li, nhưng bà đã quyết. Anh Vệ quốc quân Xuân Thiều khi ấy mới là tiểu đội trưởng ở một đơn vị chiến đấu ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh… Thế rồi có một ngày, đám cưới của ông bà diễn ra như câu thơ của nhà thơ Hữu Loan viết về những lứa đôi thời chiến bấy giờ và tình cảnh những chàng Vệ quốc quân như Hữu Loan, như Xuân Thiều như bao người lính khác lấy vợ:

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân

Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi..”

Đúng là cưới nhau xong là đi, ông Xuân Thiều trở về đơn vị, làm một người lính đi chiến đấu một mạch cho tới ngày hiệp đình Genève kí kết vẫn tiếp tục làm một người lính thuộc Lữ đoàn Vĩnh Linh bên này giới tuyến 17.


Nhà văn Xuân Thiều cùng vợ và con trai Nguyễn Thiều Quang năm 1961. 

Sau này nhớ lại sự lựa chọn của mình ngày ấy bà San cũng tự thấy lạ, vì sao mình không ham tiền để chọn người buôn bè mà chọn anh bộ đội làm thơ. Khi quyết định lấy ông là bà đã xác định “Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Mà đói no thật, lạnh lùng thật chứ không đùa. Năm lấy nhau, khi ấy còn là thời kháng chiến chống Pháp, ông là bộ đội xa nhà đi chiến đấu biền biệt, đến hòa bình lại vẫn phải đi, bà vò võ một mình nơi làng Hói Đẻo ở quê Hà Tĩnh. Cũng bởi vậy mà đến 9 năm sau ngày cưới, ông bà mới có đứa con đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thiều Quang.

Rồi ông lại được điều ra Hà Nội, bà bế con theo ông.

Tại Hà Nội, cả gia đình ở trong một căn nhà nhỏ nơi bãi Phúc Xá, không năm nào không phải bế bồng nhau chạy lũ lụt. Thương nhất là lũ con còn nhỏ, ông dắt thằng con trai, bà bế hai đứa con gái chạy lũ sông Hồng. Chiều đến ông sốt ruột lại bơi ra tìm lô bản thảo, dù đã được treo lên trần nhà nhưng mưa bão vẫn làm nước thấm nhòe hết nét mực. Ở căn nhà ấy, ngày ngày bà đi làm một nhân viên cần mẫn của cửa hàng bách hóa tổng hợp, tan giờ làm lại tất bật về chợ búa, bếp núc, giặt giũ “hầu” chồng viết văn và “hầu” bốn đứa con thơ. Gần như cả một đời bà chịu đựng kham khổ, tiết kiệm chi tiêu lo cho chồng an tâm viết lách, đãi đằng bạn bè, lo cho con cái học hành nên người…

Sự hi sinh vất vả của bà luôn làm ông xúc động. Năm 1969, giữa chiến trường ác liệt, ông gửi về bà những vần thơ thấm đẫm yêu thương:

Thương em lắm, hậu phương bề bộn

Dắt mẹ cõng con sơ tán đường trơn

Phiếu gạo, phiếu dầu chong đèn tính toán

Báo động nghiêng đêm giấc ngủ chập chờn.

Thư em viết liêu xiêu nét chữ

Chỉ báo tin vui và chuyện tốt lành

Em giấu kín những điều thắc thỏm

Để yên lòng người đối mặt chiến tranh.

Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại

Vẫn vững niềm tin, gánh nặng vai mòn

Và ta biết em cắn răng chờ đợi

Ngày sum vầy trọn vẹn nước non.

Câu thơ của ông đã nói đúng một điều thật tuyệt vời: “Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại”. Hậu phương ngày ấy của chúng ta thật vĩ đại. Những người vợ có chồng ra trận ngày ấy cũng thật vĩ đại. Và bà chính là một trong những người vợ vĩ đại ấy.

Chồng bà, ông Xuân Thiều, đã từng cầm súng chiến đấu và sau đó là cầm bút làm thơ, viết văn. Là nhà văn Quân đội nên phần lớn cuộc đời ông ở chiến trường. Những trang văn của ông rực rỡ nhất khi sáng tác trong khoảng thời gian ấy. Ông viết nhiều và đã từng được trao Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng, Giải thưởng văn học Nhà nước 2001 và gần đây nhất là giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước – Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bà đã có vinh dự thay chồng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Có lẽ, đó cũng là phần thưởng cho chính bà, người vợ hiền, người đã thầm lặng gánh vác mọi việc nhà, việc con cái, đối mặt với mọi bão giông của cuộc đời, nuôi các con nên người và thành đạt, để cho ông yên tâm công tác và hoàn thành những sứ mệnh văn chương.


Bà Nguyễn Thị San qua nét vẽ của con gái Nguyễn Thiều Quyên.

Em vĩ đại như hậu phương vĩ đại

Vẫn vững niềm tin, gánh nặng vai mòn…

Câu thơ ấy của ông tặng bà đã luôn đúng với bà qua mọi thời gian. Vâng, bà là Nguyễn Thị San, người vợ yêu quý của nhà văn Quân đội Xuân Thiều, cũng là người chị thân thiết của rất nhiều nhà văn Quân đội cùng công tác với ông Xuân Thiều: Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Vương Trọng, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bảo, Phùng Khắc Bắc, Trần Đăng Khoa……

Cách đây tròn một năm, bà đã hóa mây trắng bay về với ông trên bầu trời xanh Ba Vì, nơi “Đồi cao lộng gió nắng đầy tiếng chim”, nơi “Ba Vì đất lạ thành quen/ Bên cha chú bác và em sum vầy”, nơi có người chồng thân yêu của bà, cũng là một nhà văn lớn của đất nước “Một đời sâu nặng văn chương/ Một đời trọn vẹn con đường chúng sinh/ Nước non gửi một chữ tình/ Gia tài để lại: bóng hình thanh cao”

Và giờ đây bên ông là bà, mãi mãi là bà, cô hàng xén xinh đẹp chợ làng năm xưa, đã trọn vẹn cùng ông và con cháu trên đường đời vất vả gập ghềnh, nhưng những hạnh phúc cũng vô cùng lớn lao, không mấy ai có được.

Theo Châu La Việt/VNQĐ