Anh mù trong đoàn xiếc – Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên

801

(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh phải xem mà giải quyết thế nào đi chứ, cứ tình trạng này thì đoàn ta đến phải giải thể…

Mặc cô diễn viên uốn dẻo kỳ cựu của đoàn thao thao bất tuyệt, trưởng đoàn xiếc X vẫn ngồi im lặng hút thuốc. Khói thuốc quyện lấy nhau rồi tan loãng vào một bầu không khí đầy những căng thẳng. Khanh – người dẫn dắt đoàn xiếc ở hiện tại, đã từng là diễn viên ảo thuật có tiếng của đoàn trong thời kỳ đoàn xiếc hưng thịnh. Khanh nhớ những ngày mình mới gia nhập vào đoàn xiếc, ngày ấy rạp dựng cũng quây bạt thô sơ nhưng có một đội chuyên dựng rạp; chạy xe quảng cáo, treo băng rôn cũng có đội chuyên biệt chứ không như bây giờ, anh em diễn viên cũng phải chia nhau làm để tiết kiệm chi phí.

Ảnh minh họa

Những ngày ấy, trẻ con, người lớn và nhất là ở trên những vùng cao, vùng sâu vùng xa, nơi người dân ít được tiếp cận với thông tin giải trí, người đi xem rầm rập như đi hội, đoàn thường xuyên trong tình trạng cháy vé, diễn viên trong đoàn cũng có động lực lớn lao để hăng say với nghề. Ngày ấy, trong sự trầm trồ, thán phục của khán giả, sân khấu dù thô sơ cách mấy cũng trở nên diễm lệ, long lanh đến thế. Dù trời có sương đêm lạnh giá hay mưa bụi giăng giăng cũng không cản được khán giả tới ủng hộ đoàn xiếc, anh em diễn viên càng hứng thú trổ tài những tiết mục khó trong tiếng vỗ tay ào ào của khán giả. Ôi, cái ngày huy hoàng ấy, ánh sáng diễm lệ của sân khấu xiếc khi ấy bao giờ mới trở lại.

Trong cuộc đời diễn viên của mình chưa bao giờ Khanh thấy mình và những đoàn xiếc khác đối mặt với nhiều khó khăn như bây giờ. Cùng với sự phát triển của công nghệ số, lượng xem đã giảm, vé bán ra nhiều khi lỗ vốn không đủ trả lương cho diễn viên, nhiều đoàn đã đi đến kết cuộc giải thể. Khanh đã tìm đủ mọi cách để cắt giảm chi tiêu, thậm chí anh vừa diễn chính vừa kiêm cả dẫn chương trình, các anh em diễn viên chia nhau người bán vé, người bán đồ chơi, đồ ăn trong khuôn viên rạp rồi lại tranh thủ đi lên diễn. Sương gió bụi đường, nhiều khi quần áo vừa giặt chưa kịp khô đã lại phải đi…

Một lần đi lưu diễn ở Tây Bắc, Khanh gặp thằng bé khiếm thị tên là Sợi. Nghe có đoàn xiếc về nó háo hức lắm, hai mẹ con đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Hôm ấy Khanh ra ngoài kiểm vé thì gặp mẹ con Sợi, mẹ nó mặc chiếc váy lanh đã bạc màu, còn Sợi mặc trên mình một bộ quần áo thu đông đã cũ, rách thủng lung tung cả. Gương mặt thằng bé xinh đẹp và thánh thiện. Khanh ngạc nhiên vì thằng bé có nhìn thấy gì đâu.

Mẹ Sợi bảo lần nào có đoàn xiếc về thị trấn diễn, nó cũng đòi mẹ nó đưa đi cho bằng được, hai mẹ con chỉ đứng ngoài hàng rào nghe tiếng nhạc thôi mà nó vui đến cả tuần sau đó. Khanh chợt thấy nhói lòng xót thương thằng bé như thể con đẻ của mình vậy. Ngay ngày hôm sau, Khanh để cả đoàn đi trước, một mình anh đi tới nhà Sợi. Đường dốc và cao như đường lên trời, lại toàn đất đá, Khanh phải bỏ xe máy đi bộ.

Vượt qua đoạn dốc Khanh thở hồng hộc vì chẳng mấy khi anh phải leo đồi núi như thế này. Nhà Sợi mới nhìn Khanh tưởng cái lán trông nương của nhà ai bỏ lại, ọp ẹp, kẽ gỗ ván quây quanh nhà hở toang toác, trời đông lạnh giá thì gió lùa rét thấu như đang ở ngoài trời. Mái nhà là những lớp cỏ gianh cũ đã đổi sang màu xám xịt lợp chồng lên nhau, trời mưa thì hẳn sẽ dột to.

Sợi nói với Khanh như van vỉ, muốn đi theo đoàn xiếc phụ việc, làm gì cũng được để kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi các em. Khanh chần chừ. Nếu có thêm Sợi vào đoàn, khó khăn sẽ chồng chất thêm khó khăn. Nhưng lòng thương người không để cho Khanh do dự được lâu. Khanh đồng ý, nhìn gương mặt rạng rỡ của thằng bé và những giọt nước mắt rơi lã chã của mẹ nó, Khanh không đành lòng.

Và đó cũng chính là nguồn cơn mâu thuẫn giữa anh và những diễn viên trong đoàn xiếc với nhau. Mọi người nói nhau cũng vì thương anh, thương nghề cả thôi, anh hiểu nhưng anh không thể bỏ mặc thằng bé và dập tắt mọi hi vọng của nó. Thú thật, anh cũng ước gì nó không bị mù, anh sẽ nhận nó làm đồ đệ và truyền dạy nghề cho nó. Bọn trẻ bây giờ có thừa sự lọc lõi, tinh ranh nhưng mấy đứa được kiên trì, thật thà và ngoan ngoãn như Sợi.

Sợi đã theo đoàn xiếc đi lưu diễn được gần nửa năm, trong đoàn ai cũng thương Sợi cả, nhưng thu nhập đã kém lại gánh thêm Sợi dần dần đã có người bất mãn, thường xuyên nói ẩn ý với Khanh về việc trả Sợi về nhà. Khanh bị dồn vào thế bí, nhiều đêm trằn trọc. Sợi là một đứa trẻ biết thân biết phận, Khanh biết, tới bữa nó không dám ăn nhiều, khi không giúp được việc gì nó thường ngồi một góc khuất cạnh cái lồng Khanh nhốt con khỉ – một diễn viên xiếc thú để tránh làm vướng chân mọi người.

Chưa bao giờ Khanh ở trong một tình huống “tiến thoái lưỡng nan” như thế này, vì sự tồn tại của đoàn diễn mà phải thất hứa, phải “hi sinh” tình thương ư? Một nỗi muộn phiền vì bất lực khiến mặt Khanh lúc nào cũng đăm đăm, anh cười không nổi. Còn ai đáng thương và đáng buồn hơn anh. Có lần, Sợi lại gần Khanh thẽ thọt. Hay thầy cho con về nhà với mẹ con cũng được, có thêm con chỉ gây thêm khó khăn cho thầy và mọi người. Câu nói của Sợi càng làm Khanh thêm bực, nó như gáo nước lạnh giội thẳng vào lòng tự trọng vốn cao ngạo của người nghệ sỹ.

Suy nghĩ lung lắm Khanh mới quyết định bán một chiếc xe chuyên chở diễn viên đi, chỉ để lại chiếc xe bán tải để loa quảng cáo, cây que, phông bạt dựng rạp và dụng cụ diễn. Như vậy, toàn bộ diễn viên sẽ phải đi xe máy chở theo hành lý cá nhân cũng như trang phục diễn. Khanh cũng dậy hát cho Sợi, Sợi sẽ tự diễn tiết mục của mình giống như một thành viên chính thức của đoàn. Sắp xếp ổn thỏa đâu vào đấy, Khanh bắt tay vào thực hiện, mặc những tiếng nhỏ to của vài thành viên bất mãn trong đoàn, Khanh biết mình làm đúng, rồi mọi người sẽ thông cảm và hiểu cho anh thôi.

Nhà văn trẻ Đặng Thùy Tiên

Đoàn xiếc X đến một thị trấn nhỏ của huyện vùng cao nọ vào một ngày cuối thu. Cả một ngày nắng, xe quảng cáo chạy khắp các ngõ nghách thông báo thời gian và địa điểm diễn của đoàn. Rạp được dựng lên nhanh chóng, băng rôn cũng được chăng lên xung quanh cổng rạp, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng thì chập tối trời nổi giông bão. Gió thổi mọi thứ mù mịt, cuốn bay phông bạt. Mấy anh chàng thanh niên khỏe mạnh trong đoàn chưa kịp thu dọn thì trời đổ một cơn mưa to, rát rạt, lạnh giá. Khanh đứng trong một mái nhà tạm cạnh đó nhìn ra sân diễn mà đổ nước mắt theo mưa.

Ngay ngày hôm sau, trời quang mây tạnh, nhìn đống đổ nát mà ngao ngán, Khanh cùng mọi người bắt tay vào dọn dẹp, sửa chữa lại. Càng khó càng phải cố gắng thôi. Khanh động viên mọi người tuy lòng mình cũng đầy hoang mang lo lắng. Trong một tập thể, điều quan trọng tiên quyết là người đứng đầu phải có lập trường kiên định trong mọi hoàn cảnh thì mới dẫn dắt mọi người đi lên được. Sợi dường như cũng hiểu được tâm sự của Khanh, dù biết nhưng không giúp được gì khiến mặt Sợi ủ rũ buồn so.

Những lúc trong lòng có tâm sự, Sợi thường ngồi lẩm nhẩm hát theo những câu hát thầy Khanh dậy mình. Xung quanh Sợi dày đặc một màu đen, cuộc đời Sợi cũng phủ một màu tối bao trùm, thế nhưng chưa bao giờ Sợi thôi hi vọng vào những điều tốt đẹp. Mọi người trong đoàn không hiểu việc được đi theo đoàn xiếc lưu diễn có ý nghĩa đặc biệt như thế nào với Sợi, nó cho Sợi thấy cuộc sống của mình còn có ý nghĩa. Sợi như tìm thấy một sự cứu rỗi bản thân Sợi ra khỏi những đau buồn u uất vì trở thành gánh nặng cho mẹ.

Những lời nói vô tình hay cố ý của mọi người trong đoàn Sợi đều nghe thấy và hiểu hết chứ, dù cho họ nói thì thầm Sợi cũng vẫn nghe được, trời lấy mất đôi mắt của Sợi nhưng bù lại cho Sợi đôi tai nhạy bén với âm thanh. Sợi thương thầy Khanh lắm, thầy là người tốt với Sợi sau mẹ, Sợi mang ơn thầy. Buổi biểu diễn đêm nay với mọi người là buổi biểu diễn bình thường như mọi lần vẫn thế, nhưng với Sợi nó đặc biệt ý nghĩa.

Sợi đã trưởng thành, đã thỏa mãn với đam mê được biểu diễn trên sân khấu với âm nhạc diệu kỳ với sân khấu rực rỡ ánh đèn mà dù có tưởng tượng hết mức Sợi cũng không biết được sự hoành tráng của nó như thế nào. Sợi chỉ cảm nhận được bầu không khí náo nhiệt, sự sôi nổi tuyệt vời qua những lời khen, qua những tiếng vỗ tay hân hoan của khán giả, tất cả khiến Sợi yêu đời yêu nghề thật nhiều, cầu mong cho đoàn xiếc sẽ phát triển bền vững cùng với thời gian, thầy Khanh sẽ không phải phiền muộn vì điều gì nữa cả…

– “Mẹ sinh con ra cũng muốn như bao người, mà con sinh ra không nhìn thấy ai trên đời, tình thương cho con cao quý như sông dài. Mắt con bây giờ, không thể nhìn được mẹ cha, còn ai thương con như cha mẹ ở trên đời này…”*

Tối nay, thật may trời tạnh ráo, trời đêm trong veo nhìn rõ cả những ngôi sao nhấp nháy như đang nhìn cả về phía sân khấu mới dựng lại sau trận bão đêm qua. Đứng trên đó là một anh mù đang say sưa cất một giọng hát trong trẻo, nồng ấm nhẹ nhàng đi vào lòng người với bao nhiêu tâm sự. Bên dưới, khán giả lớn nhỏ đứng ngồi lộn xộn nhưng tất cả đều cùng im lặng lắng nghe, đây đó vài người đã gạt đi nước mắt. Đến giữa bài hát, một cô bé đứng dậy cầm tiền và hoa lên sân khấu đưa tặng anh mù, dần dần mọi người đều tặng anh, người thì một cái ôm đồng cảm, người thì một vài đồng động viên. Khanh đứng cạnh cánh gà nhìn lên, nước mắt lại rơi, nhưng vì hạnh phúc.

*Bài hát Lời người khiếm thị, sáng tác nhạc sĩ Đức Mạnh.

Đ.T.T