Ánh sáng của quá nhiều bóng đêm

638

Mai Văn Phấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dù đời sống này, thế giới này còn đầy ắp bóng tối nhưng thơ của Víctor Rodríguez Núñez cho chúng ta hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi bài thơ trong “Nghịch đảo” mở ra trước mắt bạn đọc tựa bàn tay ấm áp, ân cần.

Nhà thơ Víctor Rodríguez Núñez

 

(Đọc tập thơ “nghịch đảo” của Víctor Rodríguez Núñez, do Vũ Việt Hùng dịch, NXB Hội Nhà văn VN, 2020)  

“Những con thuyền trỗi dậy

Từ đáy đại dương

Những con thuyền

Cập những bến cảng thiên đường”

Víctor Rodríguez Núñez

Dù được báo trước bằng tiêu đề sách khá lạ lẫm và có phần khiêu khích “nghịch đảo”, nhưng tôi vẫn không tránh khỏi ngạc nhiên, hoang mang khi đọc tập thơ của nhà thơ Cu-Ba Víctor Rodríguez Núñez. Thơ ông bày đặt trước mắt tôi một thế giới hỗn mang, đổ vỡ, đảo lộn. Từ nơi tro tàn tăm tối ấy, tôi được nhìn thấy ánh sáng, hay đúng hơn, thấy ánh xạ của những tương phản: khổ đau và hy vọng, hòa nhập và vong thân, nụ cười và những giọt nước mắt, Tổ quốc và thân phận lưu vong, bạo lực và nhân tính…

“Và không có ánh sáng nào chạm tới bóng tối

Ánh sáng của quá nhiều bóng đen”

Câu thơ ấy trong bài “Những phút nửa đêm/ Mười một” trong tập thơ “Nghịch đảo” đã biểu đạt trọn vẹn căn cốt, tinh thần thơ Víctor Rodríguez Núñez. Bóng tối và ánh sáng ở đây dường như không có biên giới, vừa vô hình vừa hữu hình, nhào trộn, xung đột, xâm lấn nhau. Đó là bức tranh tổng thể của đời sống đương thời, một cuộc chiến, cả quá khứ vừa khép lại; không, một tương lai thế giới viễn vọng. Câu thơ trên cho thấy, bóng tối và ánh sáng là hiện thân của Thiện và Ác, Thiên đàng và Địa ngục. Đặc tả của nhà thơ cho ta cảm nhận, chúng không phải vật thể rắn, mà tan loãng như không khí, chuyển động như gió, lỏng như những chất dung dịch, sẵn sàng pha trộn, nhuộm đen hoặc làm phai màu; tựa mưu mô và giảo hoạt, tinh ranh và tàn bạo trong cõi con người.

Thơ Víctor Rodríguez Núñez cho thấy, bản thân những hình tướng, hạt nhân của vạn vật không bị đập vỡ hoặc bóp méo, mà chúng vẫn được giữ nguyên, sắp đặt theo quy luật của riêng ông, phi lý nhưng đầy bất ngờ. Dưới con mắt của Víctor, những đường chân trời trở nên khô giòn và nứt vỡ, dòng nước hóa thành vật liệu cứng bị mài mòn đi, “Trà Digan đun sôi/ Trên đống lửa đôi mắt của chú chim hồng tước/ Làm tổ trong chiếc bàn” (Sự trở lại hay chú nhện cầm giữ một thắc mắc). Hay, chúng ta hãy lắng nghe một ý thức tự kỷ ám thị của ông trong bài thơ “Những phút nửa đêm/ Mười ba”: “Chúng ta đều được làm từ duy nhất một ngôi sao!”.

Nối thông các sự vật, hiện tượng trong thơ Víctor Rodríguez Núñez là tầng khí hậu khác lạ luôn phủ ngập, xâm chiếm trọn vẹn không gian. Sự “xâm chiếm” ấy đã cho bạn đọc cảm nhận như có kẻ tàng hình tài ba đi xuyên qua bề mặt, lớp vỏ các vật thể và phi vật thể trong đời sống này. Trong bài thơ “Những phút nửa đêm/ Mười ba”, nhân vật “đêm tối” đã hóa thân thành chính bản thể nhà thơ, cho ông được gọi đích danh chúng, được tự do bóc tách, soi chiếu chúng trước mắt bạn đọc: “Bóng đêm thuận tay trái/ Không có giá trị trao đổi”, hay “Màn đêm là tế bào tôi, hạt nhân của tôi”.

Bìa tập thơ Nghịch đảo của Víctor Rodríguez Núñez

 

Trong tập thơ “Nghịch đảo”, tác giả gọi tên “bóng tối” nhiều hơn “ánh sáng”. Phải chăng cũng là gam màu tối chủ đạo của bức tranh thế giới đương thời. Trong văn bản tiếng Việt của tập thơ có 128 lần nhà thơ nhắc tới bóng đêm; tiếng Anh có 169 từ “đêm”, “bóng đêm”, hoặc mang hàm nghĩa bóng tối. Tổng hợp này chỉ mang tính tương đối, vì tập thơ được dịch giả tài ba Katherine M. Hedeen dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh.

Bóng đêm của Víctor Rodríguez Núñez không chỉ mang tính tư tưởng, mà còn biểu lộ chính kiến, quan niệm thẩm mĩ. Ông bày tỏ thẳng thắn và bộc trực bằng những câu thơ mang hàm nghĩa như: bóng đêm miễn phí, bóng đêm không biên giới, không rời đi, bóng đêm không ở lại, không bị kiểm duyệt. “Màn đêm không phải nô lệ/ Trượt dài trong những buổi gặp mặt/ Màn đêm không giả nhân giả nghĩa” (Những phút nửa đêm/ Mười ba). Bóng đêm của ông mang tính dân chủ, được tự do báo chí, tự do ngôn luận… Bóng đêm không chịu phục tùng, bóng đêm nổi loạn, bóng đêm bất đồng chính kiến v.v. Và ông khẳng định “Không ai có thể phá vỡ bóng đêm”.

Ông có bốn bài thơ viết về thời khắc đặc biệt của đêm, đó là “Những phút nửa đêm”, được ghi theo thứ tự: Một, Bốn, Mười một và Mười ba. Trong bài thơ “Những phút nửa đêm/ Mười một”, ông vận dụng thủ pháp tượng trưng và siêu thực kết hợp với ngôn ngữ hiện đại để khám phá tận cùng bản chất sự vật. Vẫn cái nhìn vũ trụ là nhất thể, thiêng liêng, sâu thẳm và vô tận, nhưng với cách sắp xếp hình ảnh cho thấy, thế giới thơ của Víctor đã được nhào trộn, hoán chuyển và luôn bình đẳng. Ở đây ta gặp lại con người “tàng hình”, như đã nói ở trên, giúp bạn đọc nhìn thấu suốt vạn vật, tự do trò chuyện với những linh hồn của sự vật. “Thứ gì đó vỡ ra thành bài hát/ Trong khu vực đánh mất bởi bóng đêm” (Những phút nửa đêm/ Mười một). Hoặc “Tôi là lớp sáng/ Của không có gì được cháy”. Những câu thơ tuyệt đẹp, kỳ lạ cho thấy Víctor Rodríguez Núñez đã thấu thị cả những cảm giác mơ hồ, hư vô, thậm chí thoảng qua. Trong những tình huống này, nhà thơ đã xuất hiện tựa một vị chúa tể trong vương quốc của ông: “Tôi ở khắp nơi/ Cơn lốc của ánh sáng”.

Trong cả bốn bài thơ viết về “Những phút nửa đêm”, Víctor như đã chọn những vị trí khác nhau trong không gian thơ của để khoan xuống tìm mạch nước ngầm. Trong một thế giới đa cực, khó phân định, người đọc cảm nhận được nguồn nước mát lành từ lòng đất sâu phun lên làm ấm mềm mặt đất khô cằn. Dòng nước ấy xóa đi nhiều bất trắc, kết nối con người với nhau, con người với vạn vật, vũ trụ. “Màn đêm và bạn không thể tràn ra được/ Bị róc trần trong ánh sáng” (Những phút nửa đêm/ Bốn).

“Bóng tối đun sôi

Có những vết bùn

Của bạn ở khắp nơi

Màn khói dày này trong cơn khát

Sự sáng chói ẩm thấp

                           Ngọn lửa để đến

Hầu hết các mùi hương này

Của ánh bình minh oi ả”

(Những phút nửa đêm/ Một) 

Ngoài những “mũi khoan” sâu lúc nửa đêm như vừa nói, nhà thơ còn vẽ ra rất nhiều bóng tối/ đen/ đêm với muôn hình dạng. “Ngay cả bóng tối của một giọt nước mắt” (Người đội trưởng). Bóng tối luôn lẩn khuất, xâm lấn mọi ngóc ngách tinh thần và đời sống con người, hủy diệt nhân cách và nhân tính:

“Sau tất cả tôi là

Một bóng ma trong hiệu cắt tóc

Những tấm gương bị bóng tối ăn mòn”

(Khởi nguyên)

 

“Tại sao bỏ lại đằng sau bóng tối này

Vô số quần chúng vã mồ hôi

Với những giấc mơ bị bủa vây bởi đàn muỗi?”

(Bảo vệ)

Bóng tối trong thơ Víctor Rodríguez Núñez thường bị nén chặt, dồn tụ, tựa ngọn lửa thiêu đốt nơi Địa ngục. Chúng cũng giống như một cây cung đang kéo căng đợi thời khắc buông dây cho mũi tên lao đi. Nhà thơ sử dụng ánh sáng như một cứu cánh, một giải pháp, chìa khóa vạn năng để mở cửa những ngôi nhà kín bưng, là mục đích đi tới. “Giờ xuất hiện đường chân trời/ Tôi có thể nghe thấy ánh sáng của nó” (Thung lũng sông Ohio); “Và bạn sẽ đến được kịp cho một ngày/ Trong ánh sáng mờ của thư viện”; “Và ánh sáng chồng chất sự kinh hoàng” (Đôi mắt bị đánh cắp từ bầu trời).

Có lẽ ở bất kỳ quốc gia nào, hành trình con người hướng tới tự do, dân chủ và bình đẳng luôn là con đường gian nan, thử thách khắc nghiệt nhất; và có thể, những người tiên phong muốn đạt được mục đích ấy phải đi qua những chiếc cổng lửa, trả bằng máu và nước mắt. Đó là cái giá mà những người yêu chuộng hòa bình phải trả để đổi lấy cuộc sống công bằng, hạnh phúc.

Cuộc sống là những điều bình dị như mái ấm gia đình, một bông hoa chớm nở, một tách trà nóng vừa pha… Tất cả như đang thắp lên những ngọn lửa ấm áp trong thơ Víctor Rodríguez Núñez. Chúng tỏa sáng chậm chạp, e dè, nhưng nhiệt lượng và trữ lượng của nó thật lớn lao, mạnh mẽ:

Tôi đổ ra hơi ấm áp vàng rực

Thấy vị trí của những gì còn ở bên trong

Dưới ánh trăng êm đềm vắng lặng

Những bông tu-lip ẩn trong khói mờ

Nở rộ trong màn tuyết chới với

Sẽ không hề có quãng nghỉ ngơi

                                                   Bình minh bén rễ

 

Ngọn lửa hướng dương cam chịu

Từ bùng cháy của mùa thu

                                          Ngọn lửa đượm hồng

Trong ánh bình minh non nớt

(Sự minh mẫn hay bạn là giông tố trong ấm trà)

Những ngọn lửa mà Víctor Rodríguez Núñez thắp lên tỏa sáng cho mọi quốc gia, mọi dân tộc, nhưng ngọn lửa chói sáng nhất luôn hướng về Tổ quốc Cu-Ba thân yêu của ông. “Tất cả hướng về Cu-Ba khi bóng đêm đổ xuống” (Những phút nửa đêm/ Mười ba). Trong “Nghịch đảo”, nhà thơ đã nhiều lần xướng danh đất nước Cu-Ba. Những hình ảnh thân thương, gần gũi thường xuyên xuất hiện trong cảm xúc của ông. Đó là những con phố, dòng sông, tên một loại nhạc cụ, một thể loại thơ, một loại rượu ngon đặc trưng quê hương ông. Vang động hơn nữa là những giai điệu, điệu nhảy truyền thống sôi động với trang phục màu sắc rực rỡ…

Điều đặc biệt làm tôi cảm động, Víctor đã dành những bài thơ chứa chan cảm xúc viết về mẹ hiền, người chịu khổ đau gánh vác trên vai sức nặng và lỗi lầm của lịch sử. Mẹ trong thơ ông là hình tượng chở che, bao dung và độ lượng, là hình tượng của đức hy sinh, cam chịu, giản dị mà vĩ đại. Hình ảnh mẹ là biểu tượng thiêng liêng, làm nảy sinh tình yêu thương lớn lao trong đời sống này, như tình yêu quê hương, xứ sở, tình yêu con người, đồng bào, Tổ quốc v.v.

“Thấy mẹ nhìn chăm chú qua cánh cửa chớp

Không bị xối mòn bởi cơn mưa

Mà bởi tiếng ho của mẹ

Và những giọt nước mắt xa xăm”

(Một lần và một lần nữa)

 

“Tối nay mẹ tôi

                           Bật khóc trên giường

 

Tiếng khóc của mẹ biến giấc mơ tôi thành than đá

Giấc mơ thật thà”

(Khu phức hợp của tội lỗi)

 Cũng trong bài thơ “Khu phức hợp của tội lỗi”, Víctor Rodríguez Núñez đã tra vấn những kẻ đã mang lại khổ đau cho người mẹ, cho quê hương ông “Ai trong thế giới này ra lệnh/ Mẹ tôi khóc?”.

 

“Kể cả khi chú chim kia quay lại

Tái sinh từ khói và bụi tro

Để chết thêm lần nữa

                                 Như một cái tổ

Trên cành cây buổi tối cô đơn”

(Câu chuyện ngụ ngôn)

Tổ quốc Cu-Ba yêu dấu luôn là hơi thở, dòng máu nóng chảy trong huyết quản nhà thơ. Nó nuôi sống từng tế bào ông, nâng tầm vóc ông ngày càng cao lớn, vững chãi. Víctor có nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ với trữ lượng khổng lồ, nhưng người đọc cảm nhận ông luôn đi những bước khoan thai, trầm tĩnh. Trong bài thơ “Những bức chân dung tự họa” ông đã bày tỏ quan niệm sáng tạo của mình: “Mọi thứ thanh bình ngăn nắp theo thứ tự/ Tại điểm nổ tung”.

Dù đời sống này, thế giới này còn đầy ắp bóng tối, nhưng thơ của Víctor Rodríguez Núñez cho chúng ta hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi bài thơ trong “Nghịch đảo” mở ra trước mắt bạn đọc tựa bàn tay ấm áp, ân cần. Bàn tay ấy như ngọn lửa, hạt giống, như mầm cây tái tạo thế giới hỗn mang, đổ vỡ. Tôi mượn câu thơ trong bài “Tan” của ông để thay lời kết bài viết nhỏ này: “Nhưng vẻ đẹp tái tạo toàn thể/ Đang dần hiện ra”.

Hải Phòng, 2/2020

M.V.P