‘Ánh sáng và Bóng tối trên châu Âu’: Giải mã nỗi thất vọng của một nhà nhân văn

682

Liên tục trong những năm gần đây, tên tuổi Stefan Zweig được giới thiệu nhộn nhịp trở lại với khán giả đại chúng. Năm 2020, phim điện ảnh về cuộc đời ông mang tên Trước bình minh được Liên hoan phim châu Âu trình chiếu tại Việt Nam; liền một năm sau đó, truyện vừa Bí mật thiêu đốt tâm can, tác phẩm chân dung – nhân vật Những khoảnh khắc sao sáng của nhân loại được tiếp tục giới thiệu. Gần đây cuốn hồi kí cuối đời của ông, Ánh sáng và Bóng tối trên châu Âu, không chỉ xuất hiện một lần, mà đến hai lần thông qua hai bản dịch khác nhau. Từ đó cho thấy sự ảnh hưởng của Zweig là rất lớn và kéo dài tận đến ngày nay.

Ánh sáng

Trong lời mở đầu cuốn hồi kí này, Zweig đã nói rất rõ về vị trí và vai trò của mình. Theo đó, cuốn sách này không chỉ xoay quanh bản thân ông; mà rộng ra thêm, nó hướng về một lớp người cùng chia sẻ chung một bối cảnh. Họ, những con rối bị động, nạn nhân của chiến tranh và những con người lưu vong. Zweig viết rằng “tôi hoàn toàn không có ý đưa bản thân ra, ngoại trừ dưới vai trò là người giải thích một bài thuyết trình chỉ có hình ảnh; thời đại đưa ra hình ảnh, tôi chỉ thêm từ ngữ vào, và cái tôi thuật lại không thực sự là số phận của riêng tôi, mà là số phận của cả một thế hệ – thế hệ độc nhất của chúng tôi, bị đè nặng bởi định mệnh, trong diễn tiến lịch sử”.


Hồi kí “Ánh sáng và Bóng tối trên châu Âu” của Stefan Zweig do Nxb Tri thức ấn hành.

Theo đó, cuốn hồi kí này có thể chia ra làm hai phần và ba thời kì. Phần đầu đẹp nhất và cũng hùng vĩ nhất – sự vàng son của Thủ phủ Wien, Đế quốc Áo Hung đến trước Đệ nhất Thế chiến 1914. Phần 2 và 3, đen tối với mây đen bao bọc, với mốc thời nằm giữa hai cuộc đại chiến; và khi bóng ma Hitler bắt đầu trỗi dậy. Có thể nói, cuốn sách này lớn lao và rộng mở, khi đó không chỉ là một nhánh sông chảy riêng song song, mà đó là những đường nhánh hợp lưu thành con sông thống nhất, hùng vĩ, lớn mạnh và đầy gầm thét.

Zweig, như đã nói trên, từ bỏ vai trò trung tâm để đến đứng dưới ngọn cờ khái quát một cách chung nhất thế hệ mình, dòng máu mình và chủng tộc mình. Wien thời ông sinh ra và lớn lên là một thủ phủ của nghệ thuật, nơi mà mỗi sáng mục tin dân chúng tìm kiếm là sân khấu hôm nay diễn vở kịch gì, chứ không phải là tin thời sự nóng hổi. Người Wien thờ ơ chính trị, đam mê nghệ thuật. Và cũng do đó, những nghệ sĩ phải chịu một áp lực không tưởng, bởi sự khó khăn và khắc nghiệt mà dân chúng dành cho họ. Và đôi khi cũng là lí do mà bất cứ cuốn sách nào của Zweig cũng làm người ta dằn vặt.

Được cai trị dưới chế độ quân chủ và vị Hoàng đế già, Zweig cho thấy sự già lão của vùng đất này – nơi những giá trị mới không được coi trọng, người trẻ thì bị bỏ qua còn nền giáo dục thì thiếu thấu hiểu. Ở đó những người trẻ như Zweig học hỏi lẫn nhau trong những quán cà phê. Họ khát khao một sự tự do, họ muốn tỉnh táo trong nghệ thuật và ham tìm ra những niềm khoái lạc. Giai cấp nghèo khó ở đây là người bảo trợ nghệ thuật, do đó đế chế này luôn tồn tại vững bền tưởng chừng bất di bất dịch.

Bản chất của người Do Thái cũng được Zweig gọi ra, với sự ham thích vùi mình vào trong trí thức. Trong vương quốc ấy, các dân tộc và các số mệnh vận xoắn vào nhau, mà những bất hòa đã được thấy trước. Ở đây là những người Do Thái sùng đạo, kia là những người tư tưởng tự do, ở đây là người Do Thái xã hội chủ nghĩa, kia những người Do Thái tư bản chủ nghĩa… họ nối đuôi nhau và tất cả đều không muốn đứng chung dưới một viên chỉ huy. Có lẽ khác biệt vẫn luôn ngấm ngầm, chỉ là ta có thấy được điều đó hay không. Zweig là một thành phần, ở giữa trung tâm, và rất có thể do đó mà ông nhìn rõ những gì thật sự.

Trong phần đầu tiên này, chương viết về Tình dục có thể nói là đặc sắc và cuốn hút nhất, vì rất hiếm có ai bóc trần vùng đất mình yêu thực tế và đầy sinh động như ông. Zweig không khoan nhượng đã khui lên được những điều rất lạ mà “thành phố che đậy” như “chính cống rãnh nó nằm bên dưới”. Ở đó, những chuyện mại dâm vào tay của các văn hào sẽ được hô biến thành “trà hoa nữ”. Trong khi những chuyện động chạm thì không ai nói, từ bạn bè, cộng đồng, gia đình cho đến trường học. Thời đó thói giấu diếm ấy đầy đạo đức giả và phi tâm lí. Điều này thể hiện thông qua trang phục mà họ mặc, khi phụ nữ với corset siết chặt và váy phồng nặng nề không lộ thứ gì. Những cô phường vẫy thì đứng đầy đường như là họp chợ. Một Wien giả hiệu và đầy bề ngoài đã được khắc họa vô cùng sinh động.

Ở đó, một châu Âu hào hoa, một Áo già cỗi, một Wien nghệ thuật… đã được Zweig khắc họa rất sâu sắc mà cũng đặc biệt. Ông như người dẫn tàu hướng khán giả đến cuộc hành trình, đầy nuối tiếc nhưng cũng dịu dàng và thanh lịch. Thế nhưng, mọi thứ chỉ kết thúc khi vào một ngày đẹp trời ở Áo, chỉ một khoảnh khắc trước khi tiếng súng đầu tiên vang lên; và mọi thứ đã thay đổi đến độ chóng mặt ngay sau đó.

Bóng tối 

Sự kiện Zweig cùng vợ tự hủy hoại mình ở Brazil khi Đệ nhị thế chiến đến gần chắc hẳn sẽ khiến nhiều người giật mình vì động cơ của hành động ấy. Bởi nhẽ vì sao ông phải tự sát, khi đương lúc đó đang ở rất xa trung tâm cuộc chiến, cũng như khi đó châu Mĩ còn chưa trở thành sân sau hay thuộc địa kiểu mới của Mĩ. Thế thì điều gì đã áp bức ông, khiến hành động bất lực cuộn trào thành cơn bĩ cực? Cuốn hồi kí này chính xác là lời đáp cho những suy tư đó, bởi nhẽ không chỉ là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu luận… Zweig còn là nhà nhân văn mơ sự đoàn kết và thống nhất châu Âu.

Bước từ thời kì vàng son của Đế quốc Áo – Hung và thành Wien nghệ thuật ở phần đầu, Bóng tối trong cuốn hồi kí của Zweig trải dài từ những ngày cận Đệ nhất Thế chiến 1914, thời kì bị kềm kẹp trong cơn sốt hầm hập của mầm mống ngày càng dâng cao, và khép lại khi bối cảnh lịch sử không cho phép chọn khác là sự cầm quyền của Hitler, một nhóm đã từng có số lượng khá khiêm tốn mà Zweig nhìn thấy ở công viên trung tâm, và ngay cả ông khi đó cũng chưa bao giờ ngờ tới có ngày nó sẽ lớn mạnh và khuấy đảo thế giới.

Nước Áo hồi trước thời khắc 1914 và tiếng súng đầu tiên vẫn trong xanh và đẹp đẽ một cách không ngờ. Thế nhưng chỉ sau một trận chiến, khi liên minh thua trận, đời sống con người đã đổi khác, mà dường như cơn cuồn nộ này đã được Zweig khắc họa trong cảnh khốn cùng của Khát vọng đổi đời. Ở thời điểm đó, “Bánh mì vỡ vụn màu đen và có vị hắc ín và keo dán, cà phê được chiết xuất từ lúa mạch cháy đen, bia là một thứ nước vàng vàng, socola là cát nhuộm màu, khoai tây đông cứng; phần lớn đều nuôi thỏ, để không quên hoàn toàn mùi vị của thịt, một gã trai trẻ đã bắn một con sóc trong vườn chúng tôi để cải thiện bữa ăn ngày chủ nhật, và những con chó hay mèo được nuôi dưỡng tốt hiếm khi trở về sau những chuyến đi dạo xa.” Và chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ trong cuốn tiểu thuyết đó, Zweig viết một câu vô cùng ấn tượng về thời khắc này, rằng “Trong khi anh đang ngủ thì đồng tiền lại mất giá, trong khi anh đang thay đôi giày há mõm bằng đôi guốc gỗ để chạy vội ra cửa hàng thì nắm giấy bạc đã chẳng còn giá trị gì nữa, lúc nào cũng thấy người ta chạy ngược chạy xuôi, nhưng hình như chẳng kịp làm một việc gì”. Lạm phát lên đến đỉnh điểm, thiếu ăn, nghèo đói; trong khi ngân khố quốc gia càng thêm oằn gánh vì khoản nợ chiến tranh, từ đó “từ thành phố lớn, đến thành phố nhỏ và cuối cùng thì làng nào cũng tự in “tiền khẩn cấp”, đồng tiền mà đi ngay sang làng bên cũng đã bị từ chối và rốt cuộc, bị vứt bỏ, khi người ta nhận ra nó vô giá trị.”

Viết những dòng này chắc hẳn Zweig đã khá đau đớn trước hiện thực cuộc sống. Ông có thể đã sống vô cùng yên ổn ở Thụy Sỹ mà không cần phải bước chân sang đường biên giới để thấy được đất nước đã thành ra sao, thế nhưng tiếng gọi bi thiết của dòng tộc, của thế hệ và cả mẹ mình đã mang ông về, để ngày càng sáng rõ vũng bùn xám xịt của sự khốn cùng, trong cái xa xỉ của kẻ hưởng lợi từ chiến tranh lơ lửng phát sáng lân quang như ma trơi.

Zweig cũng cho thấy khi Đệ nhị thế chiến đến gần, tầng lớp thanh niên ở Wien thời đấy chẳng còn ao ước một cuộc chiến nhanh chóng như năm 1914 họ đã tham gia. Bởi lẽ “thế hệ năm 1939 thì đã biết đến chiến tranh. Họ không còn nhầm lẫn. Họ biết nó không lãng mạn, mà là dã man. Họ biết rằng nó có thể sẽ kéo dài nhiều năm, những khoảng thời gian không thể bù đắp lại được của cuộc đời. Họ biết rằng người ta không lao đến kẻ địch với lá sồi và những dải băng nhiều màu sắc, mà lay lắt đầy chấy rận và chết vì khát trong các chiến hào hay nơi đóng quân, rằng người ta đã bị dập nát hay trở thành tàn phế trước khi kịp nhìn thấy kẻ địch một lần.”


Nhà văn Zwig. 

Thế nhưng thời ấy văn chương vẫn còn giá trị; những tờ báo có ý kiến đảo chiều vẫn được công nhận và được các nhà cầm quyền dè chừng. Zweig vẫn có tiếng nói và là tượng đài với Mussolini, bởi sự ham thích say mê văn học. Và cùng những tiếng nói nhân văn khác như Romain Rolland, như Rilke và rất nhiều những nhân vật khác; họ phối hợp cùng nhau để hướng sự chú ý đến những cuốn sách, bài viết, tập luận; để từ đó kết thành những ý tưởng nhất định, giành lại nhân văn và những gì là con người nhất.

Nhưng đó chỉ là khởi đầu, cho đến khi các tác phẩm của ông bị đốt và bị cắm đinh. Những người bạn khác hoặc quá yếm thế, hoặc lui về hậu trường, hoặc ủng hộ nhưng không công khai như Rilke và Rolland; cùng sự lớn mạnh của “người hàng xóm” bên ngôi nhà trên núi, tất cả đã khiến Zweig ngày càng chìm vào sầu khổ và tuyệt vọng. Khép lại cuốn sách, khi Hitler ngày càng nổi lên, thì lai lịch của một “enemy alien” hay “người ngoại quốc thù địch”, là những gì sau cùng mà Zweig sở hữu.

Như đã nói ở phần đầu, với cuốn hồi kí này Zweig là trung tâm kể chuyện, nhưng nó không xoay quanh ông, mà là những người không quê hương cùng thế hệ, cùng cảnh huống và cảnh lầm than. Zweig rất ít bộc lộ mình, mà chỉ kể về những người cùng thời, những người Do Thái hay bè bạn mình; nhưng trong những dòng văn tưởng như bất tận, người đọc vẫn có thể thấy được một nhà văn với lối viết “vứt khỏi thuyền những thứ không cần thiết”. Zweig có thể viết cuốn sách tám, chín trăm trang; nhưng quá trình chắt lọc và làm rõ cấu trúc sẽ ngày càng vứt những thứ không phù hợp ra, để cuối cùng, tham vọng của một nhà văn mong muốn biết nhiều hơn là có thể nhìn thấy được hiển hiện bên ngoài.

Trong cuốn sách này, một Zweig thích đi và thám hiểm các nền văn hóa từ Á sang Âu cũng được lột tả, để rồi sau này Những khoảnh khắc sao sáng của nhân loại cũng là một dấu mốc chói lọi của ông. Bên cạnh đó, một nhà văn ham thích sưu tập chữ kí, những di vật độc bản, đầu tiên và đẹp đẽ cũng hiện ra; bên cạnh kỉ niệm và các câu chuyện về Maxim Gorky, về Augustine Rodin nhà điều khắc, về Romain Rolland hay ngay cả Rilke. Hồi kí của Zweig không mang tính chất cá nhân, mà nó phổ quát và rộng lớn hơn, trở thành “một bức chân dung tuyệt đẹp về một thời đại nhảy múa mê hoặc bên rìa diệt vong”.

***

Ánh sáng và Bóng tối trên châu Âu có thể nói có giá trị vô cùng lớn lao, không chỉ bởi đã ghi lại những cảm xúc trước quyết định tự hủy mình, mà nó còn là một khảo cứu, một chứng nhân, một bằng chứng cho những gì cuồng loạn và man rợ nhất từng quét qua, để cõi lòng của nhà nhân văn xúc động mạnh mẽ. Vẫn là một Zweig đầy nhạy cảm và đẹp đẽ, cuốn hồi kí này thật quan trọng và sẽ còn sống mãi.

Theo Ngô Thuận Phát/Vanvn