Ánh trăng trước sân nhà – Truyện ngắn của Thúy Dung

701

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Thúy Dung tên thật là Nguyễn Thúy Dung sinh năm 1973 tại huyện Vĩnh Bảo, Tp Hải Phòng, Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ năm 2006. Từ năm 1995 đến năm 2017 chị công tác tại Công an thành phố Cần Thơ, cấp hàm Trung tá. Chị từng có tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí văn nghệ trong nước. Năm 2023 chị xuất bản tập tản văn và truyện ngắn “Có những ngày như thế” được bạn bè và đồng nghiệp đón nhận. Văn chương phương Nam trân trọng giới thiệu truyện ngắn Ánh trăng trước sân nhà đến với bạn đọc. 

Ảnh minh họa

Nhà khá giả, người ta dùng đèn dầu có bầu đựng bằng thủy tinh hoặc gốm còn nhà ba của ông Hiệp dùng loại có bầu bằng kim loại, ngọn lửa đèn không được bảo vệ bằng thủy tinh cho nên khói cứ bay ra một màu đen làm ông nhớ lại thuở còn nhỏ, khi chưa thoát ly gia đình. Nhìn ra bờ sông, một màn tối bao trùm, bên sông thấy nhà người ta cũng leo lét thứ ánh sáng từ cây đèn dầu quan thuộc. Dưới dòng kinh Xáng, thỉnh thoảng có chiếc xuồng ai đó rẽ nước rào rào, tiếng cọt kẹt phát ra từ chiếc dây buộc quai chèo nghe buồn rười rượi.

Mặt sông ánh lên thứ ánh sáng mờ ảo khi trăng lưỡi liềm vắt vẻo xeo xéo trên bầu trời lát đát vì sao. Ngôi nhà lá của ông Bảy (ba ông Hiệp) không lát gạch Tàu như nhà chị dâu của ông ở gần bên mà chỉ là nền đất gồ ghề. Một chiếc giường một mét tư đề sát vách lá. Cạnh giường là cái bàn nhỏ để tiếp khách, lúc nào cũng có ấm trà. Đi vài bước cách giường và bàn uống nước là bồ đựng lúa đã vơi nhiều. Bên trái nhà là căn bếp nhỏ xíu, treo vài chiếc nồi. Buổi tối, trước khi ngủ, ông Bảy chỉ dựng miếng vách chắn ngay cửa để che gió, vậy là xong. Còn ban ngày ngôi nhà luôn mở cửa dù trong nhà không có ai.

          Ngoài sân, ánh trăng chiếu xuống đám cỏ chỗ sáng chỗ tối, bởi ánh sáng vướng vào bóng mấy tàu dừa, mấy cây vú sữa. Nơi đây, ông đã trãi qua nhiều kỷ niệm khó quên, bao nhiêu ký ức chợt ùa về.

Ông Hiệp còn nhớ như in thuở mười ba tuổi, ông đi làm liên lại cho Cơ quan Nông dân tỉnh Cần Thơ. Lần công tác tại Thị trấn Cây Dương, ông  được về phép 3 ngày để thăm gia đình. Con đường về nhà dẫu qua bao nhiêu cầu khỉ, nhưng cậu bé Hiệp cứ như bước chân sáo, vì niềm vui được gặp lại ba má sau hai năm bỏ nhà theo đoàn Thiếu sinh quân. Ông bà Bảy nhìn thằng con trai vui mừng khôn xiết. Bà Bảy lúi cúi nấu cơm dưới bếp. Ông Bảy nói chuyện với người đàn độ 30 tuổi, da trắng, mái tóc đen hơi quăn dợn sóng.

– Chào anh Ba đi con! Ông Bảy quay lại người khách: Đây là thằng Hiệp, con trai út của chú. Bà con chú bác ruột mà 2 đứa chưa biết mặt nhau.

Người khách đó tên là Ba Đời, chỉ kém ông Bảy vài tuổi nhưng gọi ông Bảy là chú ruột, bước đến bên Hiệp và khen:

– Sau này em đẹp trai không kém anh đâu.

Hiệp cười nói: cám ơn anh quá khen!.

Ông Bảy thuật lại cho cậu bé Hiệp về chuyện của người anh con chú con bác với Hiệp. Hiệp nhìn ông anh tỏ vẻ ngưỡng mộ vô cùng. Hồi đó, khoảng năm 1930, ông Ba Đời bị một số người “dụ” lên Sài Gòn chơi. Họ nói Sài Gòn đẹp lắm, đi vài bữa thì về. Họ bắt xe đò từ Rạch Giá lên Sài Gòn, đến Xa Cảng miền Tây thì trời vừa tối.  Số người lớn tuổi dắt ông Ba ra cửa bến xe thì gặp và giao ông cho ba tên Chà và (Ấn Độ).  Chúng dẫn ông Ba đi qua cầu chữ Y rồi đến bến cảng Sài Gòn, áp giải xuống tàu buôn của Ấn Độ. Sau gần một tuần, tàu đến cảng Paradip thuộc bang Orisa miền Đông Ấn Độ. Chúng dắt ông Ba lên bến rồi đẩy ông đi xe đò. Khi kết thúc chuyến xe, ông gặp những người Ấn da đen, tóc xoăn, môi của họ đỏ như son, khi họ cười lộ hàm răng trắng xóa. Họ nói chuyện với nhau như tiếng chim kêu. Nhóm người này thường xuyên lên các miền rừng sâu núi cao tìm những thung lũng lớn, hồ nước, hang động để bắt các động vật hoang dã như: rùa, rắn, cá…Những vùng đông bắc của Ấn Độ giáp biên giới Trung Quốc trùng điệp núi rừng và thung lũng. “Bọn môi đỏ” bắt nô lệ lội xuống ao hồ, dùng lưới nilon bắt động vật. Nô lệ chủ yếu là dân nghèo thuộc các nước Đông Nam Á. Do bất đồng ngôn ngữ nên “bọn môi đỏ” điều khiển họ bằng cách dùng tay ra dấu công việc phải làm. Trong khi làm việc, nô lệ bị rắn độc cắn, “bọn môi đỏ” đem người bị nạn lên bờ, đặt lên tấm vải bạt nhưng không thấy chữa trị gì cả. Tên thủ lĩnh chọn những con cá lóc to nhất, sai nô lệ nấu cháo, yêu cầu phải chừa cho nô lệ bị rắn cắn một tô. Sau khi ăn cháo xong, một tên môi đỏ chữa trị như sau: hắn cầm nhang quơ qua quơ lại, miệng nói lâm râm… rồi thổi, sau đó kê miệng hút máu chỗ rắn cắn, tên nô lệ sống lại. Tên môi đỏ nói với người bị nạn: Mày ăn cháo cá là hết liền bịnh cảm cúm. Lần đầu tiên ông Ba thấy cách chữa bệnh thật kỳ lạ. Một thời gian sau, nhờ cần cù làm việc, ông Ba có uy tín với “bọn môi đỏ”, ông cũng nói được tiếng Ấn thông thạo. Bọn chúng tin chắc anh không thể biết đường về Việt Nam.

Nhà văn Thúy Dung

Một thời gian thì ông Ba xin được học bùa la bang. “Bọn môi đỏ” nhìn nhau một lúc thì gật đầu đồng ý (vì bùa la bang chỉ truyền trong thân tộc, không truyền cho người ngoài). Chúng cử một tên truyền nghề cho ông Ba.  Khi ông Ba cứu chữa thành công cho một người, chúng khen “Mày đã thạo nghề rồi đó” “Mày khá lắm, dần dà mày sẽ thay tụi tao chữa trị cho bọn nô lệ”. Theo thời gian, ông Ba đã chữa trị thành công cho vài nô lệ bị rắn độc cắn, lúc này bọn chúng càng tín nhiệm ông. Sau mười bốn năm lưu lạc tại Ấn Độ, ông Ba đã tìm được cách trốn về Việt Nam. Khi lên bờ, ông Ba bị cảnh sát “Việt Nam cộng hòa” nghi Việt cộng nên bắt giam. Ở trong tù, chính nhờ tài thu phục rắn trong phòng giam mà ông Ba đã được thả ra, sau đó tìm về quê hương hành nghề trị bệnh rắn cắn cho bà con. May mắn cho cậu bé Hiệp về phép ngay dịp ông Ba Đời đang ở nhờ nhà ông Bảy nên bà con hàng xóm đến chơi rất đông.

 – Chú Bảy ơi, anh ba Đời có ở nhà không, cho mấy cháu vô nhà để nghe anh Ba kể chuyện.

 Mặt trời đã ngã về hướng tây. Ông Bảy, ba của cậu bé Hiệp, người nhỏ nhắn, tóc hoa râm, tham gia kháng chiến chống Pháp, từng giữ chức Chủ tịch xã, bước ra sân nói:

– Bà con đến chơi quá đông, trong nhà không chứa hết, vậy tụi bây quét sân, trãi đệm, uống trà nói chuyện cho vui!

Mọi người đều vỗ tay và thực hiện theo ý ông Bảy. Tất cả hơn hai chục đàn ông, thanh niên trai tráng, con nít ngồi thành vòng tròn, ai cũng nhìn mặt ông Ba Đời tỏ vẻ khâm phục.

Ông Ba Đời lên tiếng:

– Học nghề này rất là khó, không phải ai học là thành nghề được. Thông thường chỉ học để tự vệ bản thân, chờ người khác chữa trị bởi chữ bùa LaBang rất khó nhớ và khó viết, các câu thần chú vô cùng phức tạp. Các bạn tha thiết đề nghị, tôi không nỡ từ chối.

Trời chập tối, bà con ở dọc kinh Xáng kéo đến nhà ông Bảy rất đông. Ông Bảy mượn ba cây đèn “măngsong” để có ánh sáng cho bà con nhìn rõ mặt ông Ba Đời. Mọi người tổ chức đờn ca tài tử. Ông Ba Hữu, hàng xóm với ông Bảy, ca 20 câu vọng cổ bài “Sầu dương biên ải”. Một tràng pháo tay vang lên tán thưởng. Đêm càng khuya, không gian trầm lắng. Tiếng đờn lời ca hòa quyện, truyền cảm, làm người nghe say đắm. Vào những năm thập niên 50, bài ca này được người dân Nam bộ rất ưa chuộng. Nội dung nói về người chồng ở ngoài biên ải xa xôi, người vợ ở nhà cô đơn hiu quạnh, mong hết chiến tranh để gia đình được sum họp. “Chăn đơn, gối lẽ chốn loan phòng, thâu canh đỗ lệ tình dằm chan khăn áo. Nét liễu phai tàn, môi thắm lợt màu son” …Tiếng hoan hô giòn dã, cũng là tiếng pháo tay cuối cùng. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc chia tay. Gần 12 giờ đêm, bà con tự động ra về, ghe xuồng dưới sông cũng lần lượt ngược xuôi theo dòng nước chảy. Hai bên bờ sông trống vắng và tĩnh lặng. Ông Ba Đời gọi ông Hai Đa và ông Ba Dẫu ở lại, giao nhiệm vụ cụ thể:

– Sáng mai các em bắt cho tôi một con rắn còn sống, cho vào bao đem về đây, tôi sẽ điều khiển rắn di chuyển tại sân này.

Ngày hôm sau, ông Ba Đời ngồi bệt xuống đất, quay mặt ra bờ sông, kêu ông Hai Đa mở bao. Con rắn từ từ bò ra khỏi bao, nó dừng lại khoảng 30 giây như để xác định phương hướng. Mọi người nhìn ông Ba và con rắn. Bàn tay ông Ba ngữa lên, ngoắt ngoắt con rắn, nó từ từ bò, rồi quấn tròn trên cánh tay. Ông Ba đọc câu thần chú … tay trái ông ba chỉ ra bờ sông, tay phải hạ xuống đất. Con rắn nhẹ nhàng rời khỏi bàn tay, bò đến bờ sông, từ từ lội xuống nước. Đầu con rắn nhô cao, thân nó lượn uốn khúc, không mấy chốc con rắn đã qua bờ sông bên kia, leo lên bờ và bò vào các lùm cây rậm rạp. Một tràng pháo tay vang lên giòn giã. Một người dân nói: Màn trình diễn thật tuyệt vời, chuyện lạ như “hoang tưởng” mà có thật.

Tiếng ông Bảy gọi con trai làm ông Hiệp giật mình, trở lại hiện thực.

– Ngủ đi con, mai dậy sớm lo đám giỗ má con.

Mới đó mà đã 40 năm trôi qua. Ông Bảy, ông Ba Đời, ông ba Hữu, ông Hai Đa… đã là người thiên cổ.

 Ở tuổi tám mươi ba, ông Hiệp vẫn thích ca cổ khi có dịp giao lưu với các Câu lạc bộ trong và ngoài thành phố nơi ông sinh sống. Nụ cười của ông được các bà khen đẹp nhưng thật sự nhờ vào hai hàm răng giả. Khi tháo bộ răng, nhìn ông không khác ông Bảy của ngày xưa, móm mém nhưng hiền lành chân chất. Tuổi càng cao, ông lại càng nhắc chuyện ngày xa xưa với vợ và con cháu. Ông còn ghi lại hồi kí, từ lúc nhỏ đến khi tập kết ra Bắc, vào Nam cho đến lúc về hưu Mỗi khi đêm xuống, ông ngồi trong phòng xem tivi, uống thuốc theo toa bác sĩ, tự xoa bóp tay chân đã nhăn nheo theo tuổi tác. Từng kỷ niệm lúc nhớ lúc quên nhưng ánh trăng trước khoảng sân và ngôi nhà lá thân thương với mấy cây đèn dầu tỏa khói ngày xưa luôn mãi trong tim ông./.

T.D