Ảo ảnh trắng – Truyện ngắn của Nguyễn Bá Hòa

951

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phòng số 1 khoa nội bệnh viện huyện đón thêm một cụ bà. Mười chiếc giường kín chỗ. Giữa trưa, người nuôi đông hơn người bệnh. Tiếng quạt máy rè rè, ho, khạc, âm thanh tạp nhạp khó chịu.

– Ông Bô có ăn cháo không? Cháu mua cho!

Ông lão chừng hơn 70 tuổi nằm trên giường số 2 ậm ừ:

– Cái con hỏi lạ, ăn chớ răng không ăn. Mà ăn cháo hoài ngán quá, mua giùm ông hộp cơm, biểu họ bỏ dưa cải không cần thịt cá chi hết.

Giọng con Phượng the thé:

– Có mười nghìn làm chi đòi thịt với cá!

Ông Bô khó nhọc đứng dậy nhưng cũng đùa lại:

– Ở quê tui mười nghìn ăn một bữa sang lắm!

Ai đó chen vào chọc ông:

– Bữa mô xuất viện ông Bô dẫn tôi về quê ông chơi nghe!

Ông Bô cười. Con Phượng, người nuôi mẹ ở giường số 3, tặng ông biệt danh “ông già cô đơn”. Ông Bô bị bệnh tim, đôi chân phù to đi lại khó khăn, có lúc phải chống nạng. Cao lêu khêu đi lê lết thật tội, nhất là những lúc đi vệ sinh. Nhưng ông không thấy thế. Ở bệnh viện có người để ông tán gẫu. Con Phượng giọng nói khó nghe nhưng tốt bụng. Bà Năm, ông Đạt, lão Tám đau yếu không lo cho mình lại lo cho ông. Ông thực sự vui vẻ ở cái chốn ốm đau này! Ăn uống có người mua giúp, áo quần dơ con Phượng giặt giùm, đau có y tá bác sĩ, ở nhà làm sao bằng được.

Ngày mới nhập viện ông đã tự giới thiệu với mọi người quê quán hoàn cảnh gia đình để ai thương thì nhờ. Ông sống một mình. Hồi còn trẻ cũng có vợ có con nhưng bà ấy bỏ ông bồng con đi mất. Vì sao vợ ông bỏ đi thì ông không kể làm ai cũng đoán già đoán non. Ông nói vui với mọi người đã cô độc gần nửa thế kỷ rồi, còn sống được bao lâu nữa mà lo mà nghĩ cho mệt. Thương ông, người cho sữa, người cho nước, người cho trái cây. Ông thật thà nhận tất cả, ăn không hết để dành san sẻ cho người khác. Lúc hứng ông cũng cao giọng:

– Ông bà nào có chuyển viện lên tuyến tỉnh để tui lo cho, tui có thằng con trai là bác sĩ giỏi trên nớ đó!

– Đừng có trù ẻo người ta ông ơi! Nằm cả tháng chẳng ai đến thăm mà nói dốc dữ!

– Nói rứa là trù ẻo thì xin lỗi mọi người!

Thực ra, ông không bốc phét. Vợ ông đã nuôi dạy thằng con trai nên dáng nên người.

Ông biết điều đó mà!

Giường bà già mới nhập viện có tiếng cãi vả làm mọi người chú ý. Anh em chửi nhau, cha con chửi nhau vì nạnh họe chuyện tối nay ai ngủ lại bệnh viện.

Không chịu được cái cảnh lạ đời chướng tai gai mắt này, ông Bô lên tiếng trước:

– Úi chà! Mới nghe tui tưởng… thì ra là gia đình không đến nỗi nào răng lại ăn nói với nhau như thế!

Ông quay sang thằng con còn đang hậm hực nói như hắt nước vào mặt:

– Anh kia răng ăn nói với cha với mẹ như rứa, không sợ trời đất chi hết!

Như có chỗ để xả cơn giận dữ, thằng con xấn tới ông Bô:

– Lão già có im mồm không, tau xáng bạt tai chừ!

Ông Bô cũng chẳng vừa:

– Bà con thấy đó, nó chẳng chừa ai. Mày có giỏi đánh thằng già này đi!

Con Phượng chạy lại chưa kịp ngăn ông Bô thì ông đã té quỵ xuống.

– Kêu bác sĩ gấp! Ông Bô đột quỵ rồi!

Trong phòng nhốn nháo cả lên. Thằng kia thấy vậy chuồn mất. Chẳng mấy chốc y tá bác sĩ đầy đủ cả. Bác sĩ chưa kịp đỡ ông lên giường, máy đo huyết áp còn cầm trên tay, ông đã lồm cồm ngồi dậy. Mọi người chưa hết sửng sốt, ông đã lên tiếng:

– Thằng già này dễ chi đột quỵ, tui vấp đôi dép nên té xuống thôi, bà con đừng lo cho tui, cảm ơn các bác sĩ.

– Trời ơi là trời, ông già làm hết hồn.

Họ dìu ông lại giường, đặt ông nằm xuống rồi dặn dò:

– Ông nằm nghỉ cho khỏe để con Phượng đi mua cơm về ăn.

Ông không nói gì, nhắm mắt như ngủ. Giận thằng kia thì ít mà giận mình thì nhiều. Hơn chi nhà đó đâu mà lên giọng lớn tiếng! Giá như ngày xưa mình không ăn ở bội bạc thì bây giờ đã có con có cháu chăm sóc lúc đau lúc ốm. Bà già có thằng con mất dạy kia còn sướng hơn mình rất nhiều. Tự nhiên nước mắt ứa ra, ông quay mặt qua một bên cố giấu không cho mọi người nhìn thấy. Trong màn nước mỏng manh chập chờn hình ảnh một bà mẹ trẻ bồng đứa con chưa đầy một tuổi lang thang trong mưa gió. Vợ ông đó, con ông đó. Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong ông chỉ có vậy mà dằn dội dày vò.

Chuyện xảy ra cách đây hơn bốn mươi năm mà ông Bô vẫn còn nhớ như mới hôm qua.
Hồi ấy ông là một thanh niên điển trai, con nhà lắm ruộng nhiều đất, gái quê sắp hàng dài chờ ông để mắt đến. Những năm học trên tỉnh ông đã quen, đã yêu một cô gái thành phố. Ông yêu cái dạn dĩ cái thẳng thắn của con gái tân thời, nó hợp tính cách của ông hơn. Đã đôi lần ông đưa bạn gái về quê chơi. Cha mẹ ông vui lắm. Ông là con một, còn phải có người nối dõi tông đường nữa chứ. Chẳng được bao lâu, chiến tranh xảy ra. Theo đoàn người chạy bom chạy đạn, gia đình ông bỏ quê lên tỉnh, bỏ tỉnh chạy vô miền Nam, rồi lạc nhau từ đó. Khi hết chiến tranh, ông một mình quay trở về. Thời gian sau có tin cha mẹ ông đã chết trên một chiếc tàu đang trên đường vượt biển ra nước ngoài. Đúng lúc đau buồn nhất cô gái lại xuất hiện. Cô tìm về quê ông một buổi chiều mùa thu se lạnh.

Ngạc nhiên, nhưng chẳng sao cả! Tình yêu tưởng đã bay theo khói lửa chiến tranh bỗng trở về bất ngờ nhưng đúng lúc. Thì ra hoàn cảnh cô ấy có phần giống hoàn cảnh của ông. Cả nhà cô ấy nghe đâu đã chạy ra nước ngoài, chẳng biết sống chết ra sao! Ăn ở với nhau như vợ chồng, kham khổ thiếu thốn sinh được thằng cu thiếu tháng. Ông đặt tên là Nhị Kỳ, có lẽ là kỳ diệu và kỳ lạ! Cha mẹ vất vưởng dưới biển sâu chắc sẽ vui lắm, đã có cháu đích tôn nối dõi tông đường rồi. Niềm vui chưa được bao lâu thì biến cố dồn dập đổ lên đầu ông. Cái danh địa chủ, cái chết đầy bí ẩn của cha mẹ khiến ông chới với. Ruộng đất thành tài sản chung của hợp tác xã. Ông chẳng còn gì ngoài một thân xác rã rời tuyệt vọng. Tiếc của, tiếc danh, ông trở thành một người lì lợm và hung hãn. Chỉ còn vợ con là chỗ để ông xả tất cả những dồn nén tức giận trong lòng. Sau một lần cãi vả cũng không căng thẳng lắm nhưng cô ấy lại bồng con đi mất. Ông không can ngăn, mặc, lấy gì nuôi nó mà níu kéo. Nếu cô ấy không quay trở về, khi có điều kiện ông sẽ đi tìm thằng Nhị Kỳ, chẳng muộn màng gì!

Không phải bây giờ ông mới nhận ra sai lầm, gần nửa thế kỷ rồi, cái giá phải trả thật lớn. Ông sống một mình chờ đợi và sẽ chờ đợi cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Ngày ấy cũng đã gần đến rồi. Ông nấc lên, nghèn nghẹn trong ngực, thở gấp gáp, ú ớ, tái nhợt. Con Phượng mua cơm về:

– Cơm đây ông ơi! Ngủ hả!

Nó đến giường, giật nảy mình:

– Trời! Ông bị chi rứa? Lần này thì đột quỵ thật rồi ! Gọi giúp bác sĩ đi bà con ơi!

Ở phòng bệnh này chữ đột quỵ luôn trên cửa miệng mọi người. Loay hoay một hồi bác sĩ cho chuyển ông qua phòng bệnh nặng để chăm sóc. Một vài người nuôi cùng với con Phượng và anh điều dưỡng đẩy xe giường đưa ông đi. Nhìn anh điều dưỡng mặc chiếc blouse trắng, chợt một suy nghĩ thoáng qua thật nhanh. Ước gì họ chuyển ông lên tuyến tỉnh, ở đó thằng Nhị Kỳ sẽ chăm sóc ông.

Cơn đau lại ứ nghẹn rồi trào dâng. Ông lả người. Một lát sau ông mở mắt, trước mặt là năm bảy chiếc áo trắng.

– Thưa bác sĩ có lẽ phải chuyển viện thôi, ông già suy tim nặng quá!

– Anh làm hồ sơ chuyển ông lên đa khoa tỉnh!

Ông Bô nghe loáng thoáng giật mình nói như van như lạy:

– Bác sĩ ơi! Tôi đơn chiếc, ở đây gần nhà, không lên bệnh viện tỉnh đâu, làm ơn nghe tôi bác sĩ ơi! Đừng chuyển tôi đi!

Mọi người thấy nước mắt ông giàn giụa nhìn nhau thở dài. Bác sĩ bảo anh điều dưỡng:

– Tạm thời nằm phòng bệnh nặng, sẽ tính sau!

– Dạ!

Như vừa được uống thuốc trợ tim, ông thốt lên:

– Cảm ơn bác sĩ, tôi khỏe rồi, cho tôi về phòng cũ của tôi!

Ông không muốn đối diện sự thật, sự thật mà ông hằng ao ước. Ông muốn trở về sống với ký ức dằn vặt để trả nợ đã vay thời trai trẻ, ông muốn sống trong mong manh chờ đợi và hy vọng. Nhưng chờ đợi cái gì? Hy vọng cái gì? Đã nhiều lần ông tự hỏi mình như thế!

Đã quen mùi bệnh viện này, tiếng con Phượng the thé và những âm thanh tạp nhạp ở đây. Cũng đã quen sự cô độc đằm đẵm tháng năm. Còn bao ngày nữa mà đổi với thay!
Phòng bệnh nặng ngột ngạt quá, bệnh sẽ nặng thêm, nghĩ thế ông một mực kêu đòi về phòng cũ. Không bác sĩ nào trả lời.

– Ô! Chú Bô! Chú cũng nằm ở đây hả?

Nhận ra thằng Chung, con bà Sáu Tỵ, người cùng quê, ông dáo dác nhìn quanh rồi hỏi:

– Mẹ mày đau hả, nằm đâu?

Thằng Chung chỉ chiếc giường trong góc:

– Dạ, mới nhập viện khi tối, đang thở oxy đó!

– Trời đất! Khổ mấy cái thân già này quá! Rứa mày ăn uống chi chưa?

– Lo chi chuyện đó chú!

– Khi nào về quê nhắn thằng Chinh xuống chú có chuyện muốn nhờ hắn.

– Dạ! Mà chú cần gấp không, cháu gọi cho nó ngay.

Thằng Chinh là đứa cháu gọi ông bằng cậu, cậu họ thôi không phải cậu ruột. Nói là “thằng Chinh” nhưng cũng sắp qua tuổi sáu mươi rồi. Bà con chỉ còn có hắn là hay lui hay tới… Lại một bệnh nhân nặng nhập viện. Hết chỗ nằm, bác sĩ trả ông về phòng cũ. Trước khi đi ông còn dặn thằng Chung:

– Chú nằm phòng số 1, khi nào thư thả ghé qua chơi. Nhớ gọi cho thằng Chinh nghe.

Gởi lời thăm mẹ mày.

Thằng Chung phụ giúp đưa ông về phòng số 1. Con Phượng lắm miệng:

– Khỏe rồi hả ông?

– Ừ! Khỏe re! Đây là anh Chung, người cùng quê tui đó, đi nuôi mẹ ở phòng bên kia.

Chung chào mọi người, rồi gởi gắm:

– Chú Bô đơn chiếc, mong bà con giúp đỡ!

– Anh lo xa quá, lâu nay mọi người ở đây quan tâm nhau như một nhà!

Chung nói thêm:

– Chiều nay có anh Chinh, cháu kêu chú Bô đây bằng cậu sẽ đến thăm chú!

– Rứa thì tốt quá!

Cái tính tò mò tọc mạch của con Phượng nổi lên. Phải khai thác tin tức từ người tên Chinh này mới được! Và con Phượng đã thành công ngoài mong đợi.

Từ ngày vợ bỏ, ông càng lầm lì hơn. Người ta giao cho ông làm đội trưởng một đội sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp. Công việc không nặng nhọc mà căng thẳng vô cùng vì bà con có chịu sản xuất thật lòng đâu. Nghe tiếng kẻng ra đồng, nghe tiếng kẻng về nhà. Ngoài đồng làm được gì thì làm miễn sao có mặt và có mặt đúng giờ để ghi công tính điểm để còn chia ít lúa vào cuối mùa. Xã viên gọi đó là lúa điểm. Lúa được chia nhiều hay ít là do điểm nhiều hay ít. Mà nhiều hay ít cũng chẳng đủ ăn nên có người nói rằng lúa điểm là… liếm đũa. Ông thì hò hét, nổi tam bành với mọi người nhưng đều vô ích, đúng là cha chung không ai khóc! Một năm mưa thuận gió hòa, cũng gọi là được mùa nhưng chia chác lại không bằng mấy năm trước.

Thì ra ban chủ nhiệm đã ăn bớt… Ông Bô hô hào mọi người đấu tranh đòi quyền lợi. Ông bị quy chụp tội chống đối nổi loạn. Cái tội phải đi học tập cải tạo tư tưởng. Sau khi hoàn thành “khóa học” ba năm, “ra trường” ông bỏ quê đi biệt. Theo đám người tự phát đi kinh tế mới, ông vào Tây Nguyên khai phá đất đai trồng cây công nghiệp. Gần hai mươi năm lao động cật lực ông gom góp trở lại quê. Với kinh nghiệm sản xuất, với vốn liếng không nhỏ, được địa phương hỗ trợ, ông xây dựng trang trại mô hình vườn ao chuồng khá bài bản. Hiệu quả kinh tế rõ ràng, làm giàu cho bản thân, cho bà con chòm xóm.

Con Phượng biết chuyện phục ông Bô sát đất. Nhưng vẫn còn nhiều điều không hiểu nổi nên cứ vặn vẹo anh Chinh.

– Nông trại của ông ấy đâu rồi?

– Bán cho người khác lâu rồi.

-Chắc ông Bô giàu lắm?

– Ừ! Giàu lắm!

– Sao giả đò nghèo khổ chi vậy?

– Không giả đò, ông khổ thật, chỉ khác là không phải nghèo khổ mà giàu khổ thôi.
Càng nghe con Phượng càng mù mờ. Lần đầu tiên trong đời nó nghe cái từ giàu – khổ.

Mọi người bàn tán xôn xao việc bệnh viện huyện vừa có giám đốc mới. Nghe đâu bác sĩ này giỏi lắm, thương bệnh nhân như người nhà. Tiếng lành đồn xa, nhất là qua cửa miệng của những người thích “tám” như con Phượng.

– Có tin mới đây bà con ơi!

Chẳng đợi người khác nghe hay không, con Phượng toe toét kể:

– Một ông bác sĩ tim mạch ở đa khoa tỉnh về đây làm giám đốc thay bác sĩ Dung nghỉ hưu.

Ông Bô hơi giật mình một chút nhưng cũng chen vào:

– Liên quan chi đến mình chứ?

– Bác sĩ giỏi, lại chuyên khoa tim mạch sao không liên quan đến mình. Nghe đâu chiều nay ông ấy sẽ đến từng khoa thăm bệnh nhân nữa đó.

Ông Bô lặng im. Hồi hộp quá, không khéo tim đập loạn xạ thì chết. Mắc mớ chi mà hồi hộp? Ông sợ thằng con trai ông về đây? Chuyện hi hữu quá! Nhưng biết đâu là hắn thì sao, ông trời sắp đặt đố mà tránh được. Nhưng nếu là hắn làm sao ông nhận ra được. Gương mặt chưa đầy một tuổi đã hơn bốn chục năm qua rồi, dễ chi! Còn cái tên Nhị Kỳ có thay đổi không nữa?

Bà già nằm giường bên cắt ngang suy nghĩ của ông:

– Ông Bô mệt hay sao mà bỏ ăn?

– Tui không đói, chiều ăn bù!

– Rứa thì ngủ chút cho khỏe!

Mọi người đang chập chờn trong giấc ngủ thì con Phượng từ đâu chạy vào thông báo:

– Bác sĩ giám đốc đến khoa rồi, xuống phòng mình chừ đó, bà con sắp xếp lại giường chiếu cho gọn gàng cái nào!

Ông Bô đâu có ngủ, nghe thấy hết. Ông trở thế nằm, mặt quay về phía cửa cốt nhìn cho rõ người ra kẻ vào. Ông nhắm mắt, chuyện ngày xưa lại ùa về. Ông bỏ Tây Nguyên về quê chỉ để tìm vợ con. Thế mà khi nghe tin bà ấy đã có chồng lại có thêm mấy đứa con nữa ông đành âm thầm chịu đau chịu nhớ. Không thể làm hỏng hạnh phúc gia đình của bà ấy nhưng vẫn mong một ngày được gặp con rồi có nhắm mắt cũng an lòng. Mà sao bà ấy không nói cho thằng Nhị Kỳ biết ông là cha nó chứ! Tỉnh với huyện có xa xôi chi đâu!

Có tiếng chân người vào phòng. Ông mở mắt nhìn. Những chiếc áo trắng quen thuộc.

– Xin giới thiệu với bà con đây là bác sĩ Nhị Kỳ, giám đốc bệnh viện mình, ông đến thăm bà con.

Có nghe lầm không, bác sĩ Nhị Kỳ, sao lại thế này? Ông nhổm dậy nhướn mắt nhìn cho rõ vị bác sĩ trạc bốn mươi đang đứng trước mặt ông. Đúng là Nhị Kỳ con ông rồi, đôi mắt giống mẹ như đúc, ông chưa bao giờ quên được đôi mắt ấy. Những chiếc áo trắng nhập nhoạng chòng chành rồi vụt bay lên. Ông với tay kéo lại. Hụt hẫng. Chới với. Ông hét lên không thành tiếng rồi thõng tay ngã nhào xuống giường.

– Ông Bô lại lên cơn đau tim rồi bác sĩ ơi!

Bác sĩ giám đốc hơi bất ngờ một chút, nhưng với thói quen nghề nghiệp vội chạy đến, bật mí mắt, sờ ngực rồi nói với bác sĩ trưởng khoa:

– Chuyển qua phòng nặng, cho tôi xem bệnh án ông ấy.

Ở phòng bệnh nặng mấy ngày mà ông Bô vẫn không khỏe lại như những lần trước. Mỗi lần tỉnh lại ông dáo dác tìm kiếm ai đó rồi thều thào đòi gặp bác sĩ giám đốc, rồi lại khóc, hết khóc lại mê.

Con Phượng thập thò ngoài cửa lo lắng rồi gọi điện báo ông Chinh xuống gấp. Ông Chinh tìm gặp bác sĩ giám đốc xin chuyển viện cho ông. Ai ngờ cái tên Nhị Kỳ đã làm ông Chinh sửng sốt đến phát run. Ông đã hiểu vì sao ông Bô trở bệnh nặng như vậy. Phải nói sự thật thôi, nhưng bằng cách nào đây, ai tin chứ! Cuối cùng ông cũng tìm được cách tốt nhất để nói:

– Ông Bô có người con thất lạc trùng tên với bác sĩ vì lý do đó mà ông trở bệnh nặng. Bác sĩ giám đốc nên xuống phòng thăm ông một lần, biết đâu ông sẽ khỏe lại.

– Thật sao?

– Thật mà! Nếu… nếu ông ấy gọi bác sĩ là con bác sĩ đừng giận nghe!

Ông Chinh lo lắng cuối chào. Giám đốc Nhị Kỳ cũng lo lắng không kém vội vàng gọi điện cho mẹ và nhận được câu trả lời rất nghề nghiệp:

– Nếu nhận ông ấy là cha mà ông ấy hết bệnh thì việc nên làm. Sau đó sẽ giải thích cho ông ấy hiểu.

Thời gian trôi thật nhanh, bác sĩ Nhị Kỳ chưa kịp xuống thăm thì đã thấy con Phượng và ông Chinh đứng trước cửa phòng:

– Ông Bô chết rồi!

Nhị Kỳ khựng người trong giây lát.

– Khoa nội sẽ làm thủ tục, anh thu xếp đưa ông về. Nếu cần bệnh viện hỗ trợ xe.
Con Phượng đôi mắt đỏ hoe. Ông Chinh lừng khừng nhìn Nhị Kỳ như muốn nói thêm điều gì đó.

Bà con chòm xóm lo hậu sự cho ông chu đáo. Giờ đưa tiễn ông về với đất cũng đờn cũng trống cũng liễn cũng hoa. Vợ chồng ông Chinh trở thành nhân vật quan trọng trong tang lễ. Đã đến giờ “hạ rộng” nhưng ông Chinh vẫn chần chừ chưa cho thực hiện. Ông dáo dác tìm kiếm. Lạ thật, Nhị Kỳ hứa với ông sẽ đến đưa tang sao giờ này vẫn chưa đến. Giả vờ lăng xăng đi tới đi lui để chờ đợi. Vẫn không thấy đến. Không còn lý do gì để nấn ná nữa, ông quyết định bắt đầu công việc cuối cùng… Chợt có tiếng í ới phía xa. Mọi người quay đầu nhìn. Mẹ con Nhị Kỳ đến với áo tang khăn trắng. Ông Chinh cảm động đến ứa nước mắt. Con Phượng mừng thầm trong bụng. Chắc ông Bô cũng vô cùng mãn nguyện. Họ đến trước huyệt mộ. Người đàn bà chẳng giấu diếm điều gì:

– Ông Bô đó phải không? Là tôi đây, Diệu Thoa đây! Cứ tưởng ông đã sống ở Tây Nguyên ai ngờ lại về đây! Hai mẹ con tôi đến thăm ông lần cuối. Đây là Nhị Kỳ, ông đã đặt tên cho nó, ông đã từng yêu thương nó. Cảm ơn ông đã cưu mang mẹ con tôi trong những ngày gian khó.

Họ mang sẵn giỏ hoa bỏ vào huyệt mộ. Mọi người làm theo, đất được ném xuống. Trời chiều hanh khô buồn buồn. Không có tiếng khóc nào vang lên. Ông Chinh đã nghe rõ những điều bà Diệu Thoa nói. Đúng là vợ con ông ngày xưa rồi. Ông lật đật móc túi lấy ra một gói giấy đưa cho Nhị Kỳ.

– Cậu tôi dặn đưa cái này cho bác sĩ.

Nhị Kỳ không dám cầm. Bà Diệu Thoa nhắc nhở:

– Con cứ nhận cho ông thanh thản ra đi.

Ông Chinh nói to với những người có mặt:

– Đây là mấy quyển sổ tiết kiệm gom lại gần hai tỉ đồng và một tờ giấy viết tay ông Bô để lại cho bác sĩ Nhị Kỳ.

Mọi người há hốc mồm kinh ngạc. Bà Diệu Thoa cũng không giữ được bình tĩnh, sụp xuống khấn vái:

– Ông Bô có linh thiêng thì nghe tôi lần cuối. Mẹ con tôi nhận lấy tấm lòng của ông nhưng không thể nhận tài sản ông để lại. Nhị Kỳ không phải là con ông, ông tha lỗi cho tôi. Ông còn nhớ, năm ấy, gia đình ông thất lạc, gia đình tôi cũng vậy, cha thằng Nhị Kỳ chạy đi đâu tôi cũng chẳng biết. Một thân một mình lại mang thai thằng Nhị Kỳ, chẳng còn cách nào khác tôi đã tìm đến ông. Khi thằng bé gần được một tuổi, hay tin cha nó quay về, nhân cơn giận dữ của ông, tôi đã bế thằng bé bỏ đi. Đến giờ phút này tôi còn khiến ông tuyệt vọng và đau lòng, tôi vô cùng có lỗi, mong ông mở lòng tha thứ. Kiếp sau tôi sẽ đền đáp nghĩa tình ông đã dành cho mẹ con tôi.
Chẳng biết dưới mấy lớp đất kia ông Bô nghĩ gì…

Lời kết:

Tôi viết câu chuyện này theo lời kể của con Phượng. Tôi gọi mẹ con Phượng là thím. Thím tôi đau tim mãn tính. Nằm viện non non nửa tháng rồi xuất viện. Về nhà được non non nửa năm lại nhập viện. Một lần đến thăm thím, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bệnh viện khang trang bề thế. Hỏi ra mới biết, gia đình ông Chinh và mẹ con bác sĩ Nhị Kỳ đã quyết định dùng số tiền ông Bô để lại tu sửa mở mang bệnh viện. Con Phượng mến mộ ông Bô lắm. Nó rủ tôi khi nào rảnh lên thăm mộ ông. Ngôi mộ được lát đá hoa cương đẹp nhất khu này. Đám giỗ đầu của ông không chỉ có nhà ông Chinh lo mà còn có cả đại gia đình bà Diệu Thoa nữa, cũng mấy chục người chứ không ít.

Tôi chưa đến thăm mộ ông được. Hẹn ông một ngày nào đó. Mong rằng sẽ không còn bất ngờ nào nữa đến với ông.

N.B.H