Áo gấm của bần – Truyện ngắn của Lại Văn Long

225

(Vanchuongphuongnam.vn) – Làng chài Tây Hải có người đàn ông tuổi gần bốn mươi vẫn độc thân, được cả làng gọi là anh Bần. Bần sợ sóng gió nên không dám ra khơi quăng chài, thả lưới như những người đàn ông khác.

Cứ chiều đến lại chờ chực ở bãi, đợi những ghe thuyền cập bến, tranh giành với đám đàn bà, con nít mót cá vụn. Anh có kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề này, lại cao, khỏe hơn các đối thủ nên bao giờ thu hoạch cũng khá hơn. Có điều từ đứa con nít, bà góa chồng đến cánh ngư phủ lực lưỡng cởi trần đen bóng đều khinh khi Bần, gọi là “chị Bần”, “ả Bần”… Trời sinh Bần có khuôn mặt thật lạ, vui buồn đều nhơn nhơn như sắp cười. Vinh thì không có, nhưng nhục vẫn cười. Người già trong làng kể, lúc Bần còn nhỏ đã đi mót cá, ai hỏi cha mẹ đâu, Bần chỉ lên trời, vênh mặt bảo:

– Cha mẹ tôi là thần tiên, ở trên đó!

– Mày là con thần, con tiên sao khổ quá vậy?

Bần chỉ xuống đất:

– Tôi bị đọa xuống đây, hết hạn lại về trời…

Khi Bần thành thanh niên khỏe mạnh, có người rủ theo thuyền ra khơi, Bần lắc đầu, chỉ ra biển nói tỉnh bơ:

– Tôi có mạng thần tiên nên cá tôm sợ tôi lắm, ra đó chúng chạy hết!

Ghét Bần nói dóc, thanh niên trong làng hè nhau lôi Bần xuống thúng, đẩy ra xa bờ, Bần run lập cập, mặt xanh như tàu lá. Nhiều anh nghịch, bơi đẩy thúng ra rồi lôi Bần xuống nước, Bần rối rít van xin: – Tha cho tôi, tôi sợ biển lắm!

Bần vừa lười vừa nhát nên con gái trong làng thà ế không lấy làm chồng. Bần lủi thủi một mình trong một túp lều trơ trọi trên đồi cát, cách làng vài trăm bước chân. Túp lều đó dân làng dựng lên cho một lão ăn mày, lão chết, Bần chiếm ở luôn. Lâu ngày mái cỏ mục, dột, Bần bẻ cành lá cây rừng phủ lên hết lớp này đến lớp khác. Bốn vách đất xác xơ lở lói lòi các cọc tre, Bần không trét lại mà cứ lấy cành lá tấp vào. Dần hồi túp lều thành cái tổ lá quái dị. Mỗi ngày mót được ít cá, Bần đem đổi gạo. Cũng có khi nướng cá ăn no bụng rồi lên chỏng tre đánh một giấc. Quần áo của Bần cũng là “di sản” lão ăn mày để lại. Lão xin đồ cũ, đồ rách tứ phương từ năm này sang năm khác về đổ một đống trên chỏng nằm cho êm, cho ấm. Lão chết rồi Bần cứ rút dần ra mặc, bất kể rộng hay chật, đồ nam hay đồ nữ…

Nhà văn Lại Văn Long

*

*       *

Một hôm lúc đứng bãi chờ thuyền vào mót cá, Bần đau bụng dữ dội nên dù tiếc hùi hụi vẫn cắm đầu chạy. Đến một đụn cát ven bờ khuất tầm nhìn của cả làng, Bần yên chí tìm thế “phun châu, nhả ngọc”. Sau đó Bần ra mép biển dùng nước rửa. Khi đã thanh thản, Bần tính quay lại bãi thì thấy một vật lạ nổi lềnh bềnh. Bần lội xuống nước, rấn rấn ra chỗ quá đầu gối thì nắm được vật lạ lôi vào. Bần rú lên sung sướng khi nhận ra đó là một cái áo gấm còn nguyên vẹn. Nhìn xung quanh không có ai, Bần giặt sơ áo chỗ nước sạch rồi vò lại một cục sau khi vắt khô nước. Bần cởi cái áo tàn tạ đang mặc bọc áo gấm lại để trên đường về tránh các ánh mắt tò mò. Đêm đó không mót được cá, nhịn đói nhưng Bần vẫn khấp khởi. Chờ trời tối hẳn, biết chắc không còn ai lai vãng đến căn lều ở gần bãi tha ma này, Bần lấy cái áo gấm ra treo trên vách cho khô. Bần trằn trọc với biết bao dự định. Lúc đầu tính đem áo gấm đến nhà phú ông bán kiếm một số tiền. Sau đó lại muốn đem tặng cho quan huyện để được ban thưởng và làm quen với quan cho thiên hạ chừa cái thói khinh rẻ Bần. Đến lúc tiếng gà trong làng te te, Bần lại sực nhớ đến nhà ông Tam có ba chiếc thuyền cá và một cô con gái lỡ thì. Hay là đem áo tặng ông Tam rồi xin cô gái lỡ thì về làm vợ? Nghĩ đến đó thì Bần sướng rung rung hai đùi một lát rồi thiếp đi…

Khi Bần thức dậy bên ngoài đã sáng bảnh, ánh sáng soi qua kẻ lá để Bần nhìn rõ vật lạ trong nhà. Bần bật dậy vuốt ve, mân mê cái áo gấm. Nó ấm áp, mịn màng và đẹp làm sao. Bần xem kỹ mặt trong, mặt ngoài thấy áo còn mới lắm. Mặt trong là lớp lụa trắng mát rượi. Mặt ngoài là gấm sắc xanh tía óng ánh có thêu một đôi chim công ngũ sắc trước ngực. Hai ống tay, cổ và vạt áo thêu những đường viền vàng. Càng nhìn càng thấy nét sang trọng uy nghi của chiếc áo. Cả làng chài xưa nay  chưa ai được mặc áo gấm. Mấy năm trước, làng bên có hội, Bần sang xem thì thấy quan huyện cũng về dự. Quan ngồi kiệu cho bốn lính hầu khiêng và khi ngài bước ra khỏi kiệu, người người trố mắt kính ngưỡng, cái áo gấm ngài mặc như phát ra hào quang… càng nghĩ càng sướng trong lòng. Đi ra cửa nhìn quanh thấy không có ai, Bần vào rón rén lấy áo gấm mặc thử. Mặc rồi tự ngắm nghía và kinh ngạc với chính mình. Bề ngang thì vừa, nhưng hai ống tay và vạt áo hơi ngắn so với chân tay lòng khòng của Bần. “Chả sao cả, người ta chỉ ngắm áo ai để ý đến chân tay làm gì!”. Bần nghĩ vậy rồi nhoẻn miệng cười, trong lòng hồ hởi vui sướng định mặc áo gấm dạo quanh làng một vòng cho lớn nhỏ già trẻ bất ngờ chơi. Nhưng rồi anh chợt nghĩ: “Cả làng ai chẳng biết mình nghèo, nay sao có áo gấm mặc? Nếu nói thật là nhặt được chả mấy người tin, mà có tin thì cũng chả vinh dự gì, không chừng còn bị nghi trộm cắp giải lên quan. Nếu nói điêu thì thế nào? Không lẽ bảo cha mẹ trên trời gửi xuống? Chúng lại ghét đánh cho rụng răng…”. Nghĩ ngợi một lát, Bần bật ra ý tưởng lạ: “Phải rồi ta sẽ đi thật xa cái làng này để không còn ai biết gốc tích, lúc đó mới lấy áo gấm ra mặc thì còn ai nghi ngờ…”

*

*      *

Để thực hiện kế hoạch đổi đời nhờ áo gấm, Bần cố tranh giành, chộp giựt trong những buổi mót cá, được bao nhiêu đem đổi gạo và một ít muối. Khi được hơn nửa thúng gạo, Bần lần lượt nấu thành cơm trộn muối rồi đem phơi khô. Sau đó dùng cái nồi đất sứt mẻ cố hữu rang lên làm cốm, đổ cốm trong một cái áo cũ bọc lại, Bần có “kho lương thực” dự trữ. Bần rời làng lúc nửa đêm, đi ngược hướng ra biển, đi nhiều ngày qua biết bao cánh rừng, đồng ruộng, xóm làng. Bần đã ăn hết túi cốm, uống nước của vô số con sông, con suối, con mương dọc đường, vậy mà vẫn chưa tìm được nơi ưng ý để lấy áo gấm ra mặc. Sau hơn mười ngày ròng rã đi theo hướng mặt trời lặn, Bần đến một cánh đồng, nhìn sang bên kia là làng mạc trù phú. Bần nghĩ “đã đến lúc” nên chui vào bụi rậm lôi chiếc áo gấm trong tay nải ra mặc chồng lên bộ đồ rách rưới của mình. Bần đĩnh đạc theo bờ ruộng về phía xóm làng. Một anh nông dân đang dùng dao phát cỏ bờ ruộng, thấy vị khách lạ mặc áo gấm đi ngang, anh trợn mắt, sững sờ, há hốc mồm. Bần nhìn rõ nét mặt của anh ta, càng hãnh diện tung bước chân thản nhiên đi tới. Đi được vài chục bước, Bần nghe tiếng lội bùn bì bõm, tiếng thở hồng hộc ở phía sau nhưng vẫn chấp tay sau đít, thong thả đi. Anh nông dân chạy nhanh qua mặt Bần rồi nhảy lên bờ ruộng sụp lạy Bần:

– Bẩm thầy con có chuyện muốn thưa!

Bần dừng lại, giọng rất hách:

– Biết ta là ai mà thưa với gửi? Mà sao gọi ta là thầy?

– Thầy có cốt cách phong lưu, không trạng nguyên thì cũng là đại học sĩ, con được gọi bằng thầy là vinh hạnh lắm ạ!

 Bần lo lo, trong bụng nghĩ “lỡ nó hỏi chữ nghĩa thì sao, mình có biết chữ nào đâu mà trả lời”, hay là… Bần gục gật đầu:

– Ta học nhiều nên chán chữ, đang ngao du cho đầu óc thanh thản, ghét kẻ nào nói chuyện chữ nghĩa!

Anh nông dân mừng rỡ đứng lên khoanh tay, cúi đầu:

– Dạ con biết người học cao hiểu rộng thường rất khiêm tốn. Nhưng chuyện con nhờ thầy không liên quan chữ nghĩa đâu ạ!

Bần thở phào nhẹ nhõm, vẫn giữ giọng bề trên :

– Nào… có chuyện gì muốn thưa với ta?

– Dạ con kính thầy về nhà, nhà con ở gần đây…

Bần theo anh nông dân đến một ngôi nhà lợp ngói, chung quanh trồng tre um tùm và khoảng sân rộng có nuôi nhiều gà, vịt. Trưa hôm đó, bụng đang đói suốt hai ngày, Bần được một bữa no nê với thịt gà, cá chép và mấy chung rượu. Ăn xong còn có kẹo mè xửng với nước chè thơm. Khi Bần đang khoan khoái ngồi trên bộ phảng xỉa răng thì chủ nhà dắt trong buồng ra một ông cụ hom hem, lụm cụm. Bần nghĩ nhanh trong đầu “chắc nó tưởng mình biết cả chữa bệnh…” nhưng chủ nhà lại thong thả kể:

– Thưa thầy, ở làng con vừa có một thợ vẽ truyền thần rất đẹp trên tỉnh về. Nhà nào cũng mời ông ta…

Bần giật mình “có khi nào nó bắt mình so tài vẽ với ông ấy?”, nhưng chủ nhà lại đưa ra đề nghị bất ngờ:

– Con xin thầy cho cụ nhà con mượn cái áo gấm mặc vào để thợ vẽ một bức truyền thần. Sau này cụ con trăm tuổi, con cháu dùng bức ấy để thờ luôn ạ!

Rồi chủ nhà lại gãi đầu cười cười:

– Từ đời cụ tổ đến giờ nhà con chưa ai được mặc áo gấm, mà cả làng này cũng chỉ có nhà phú hộ mới có mấy bức truyền thần các cụ mặc áo gấm thôi ạ! Xin thầy giúp con được làm tròn chữ hiếu, vợ chồng con xin hậu tạ…

Ông cụ nãy giờ đứng bụm tay trước ngực, cúi đầu. Nghe con trai nói xong chấp tay lạy Bần ba cái rồi ồ ề giải bày:

– Nhà tôi không đói, không nghèo, nhưng các cháu cứ ước ao có gì đó để gọi là… như người ta. Xin đội ơn thầy !

Bần nhẹ cả người, cởi áo cho mượn không khó, cái khó là… áo bên trong rách rưới quá, họ mà biết thì còn đâu rượu thịt, cơm ngon cá ngọt! Bần nghĩ ngợi rồi phá ra cười:

– Ta là người học rộng nên thấu hiểu chữ hiếu. Lấy cho ta một bộ đồ tươm tất rồi ta cho mượn áo.

Cha con ông lão mừng húm, vội mang ngay một bộ đồ còn mới tinh ra cho Bần…

Do thợ vẽ đắt khách nên bốn ngày sau chủ nhà mới rước được về. Sau đó phải mất trọn ngày mới vẽ xong bức truyền thần ông cụ mặc áo gấm nét mặt hồ hởi. Trong năm ngày đó, Bần cứ nằm trong buồng cơm bưng, rượu rót vì chủ nhà năn nỉ “thầy mà ra thì người ta biết bố con mượn áo gấm của thầy…”. Đó cũng là lý do hôm rước Bần từ ruộng về, anh nông dân cứ nằng nặc xin Bần khoác cái áo tơi  bằng lá để che mưa, dù đang nắng đẹp. Khi trả lại áo gấm và tiễn Bần lên đường, chủ nhà tặng luôn bộ quần áo “đưa thầy mặc tạm” hôm trước, dâng một ít bạc và gói theo cho một ổ xôi, một con gà hấp, bầu rượu. Bần lại lên đường tìm vận may với cái áo gấm… Một hôm Bần đến một thị tứ nhộn nhịp, thích thú đi dạo quanh khu chợ tấp nập kẻ mua người bán. Nếu mấy hôm trước Bần mặc áo gấm với cái quần nâu sồng cũ kỹ, chắp vá, đi chân đất thì nay tự tin hơn với cái quần trắng vải lanh mới và dưới chân là đôi guốc mộc sơn đen mà Bần cố tình “quên” trả cho anh nông dân hiếu thảo. Bần đang ung dung giữa chợ thì một người đàn ông to béo, mặc một bộ đồ đỏ rực còn mới tinh chạy đến trước mặt chấp tay, cúi đầu sát đất thi lễ:

– Dạ bẩm quan lớn… xin kính cẩn mời quan lớn về tệ xá của con để chúng con được hầu hạ ngài…

Từ nhỏ Bần hay giật mình, rúm ró khi gặp người giàu có. Nay bất ngờ được nhà giàu bái vọng, Bần lúng túng ấp úng:

– …. Sao…. Sao… gọi là quan lớn?

Kẻ kia vẫn chưa dám ngước lên:

– Ngài là quan lớn ở kinh thành, được Hoàng thượng cử đi thị sát nhân tình thế thái. Ba năm trước ngài cũng cải trang dân thường về đây điều tra, xử tội mười mấy quan trung, quan bé tham nhũng, làm cho dân chúng hả hê. Sáng nay ngài vừa xuất hiện ở phố chợ này, con đã nhận ra nên vội vàng đến cung thỉnh ngài…

Ông áo đỏ nói chưa dứt câu, bốn gã trai lực lưỡng mặc võ phục đen, khênh cái kiệu sơn đỏ, có lộng che đến. Không còn cách nào khác Bần đánh liều bước lên kiệu – “tới đâu thì tới”, Bần nghĩ. Dân chúng bu lại xem rất đông, ông áo đỏ gào muốn bể chợ:

– Tránh ra ! Tránh ra !… Ta rước quan lớn về tư gia!

Thế là cả dòng người ùn ùn theo sau kiệu bàn tán xôn xao rồi một đồn mười, mười đồn một trăm…

Ông áo đỏ là chủ hiệu vải Phúc Ấm lớn nhất ở phố chợ này. Cửa hàng của ông ta rộng hơn hai chục bước chân và sâu hun hút ra tận bờ sông có bến thuyền. Bên trong cửa hàng, vải các loại, đủ màu sắc treo dọc theo các lối đi như sân phơi vải. Ở trung tâm cửa hàng là một gian phòng rèm sáo rũ bốn phía, ngày thường là nơi ông bà chủ ngồi điều hành việc buôn bán và thu tiền. Khi rước được Bần về, ông chủ mời Bần dự tiệc linh đình sau các bức rèm thưa đó. Cái tin quan lớn giả dạng thường dân đang ở trong tiệm vải Phúc Ấm lan tỏa rất nhanh, người từ các nơi rủ nhau kéo đến. Các quan địa phương cũng nghe được tin này và ngầm cử thuộc hạ nắm tình hình để còn kịp thời đối phó. Nhiều người không có nhu cầu vẫn đến mua vải để được nhìn thấy “quan lớn” mờ mờ ảo ảo sau những bức màn thưa, để được nghe thêm những lời đồn đại. Tiệm vải Phúc Ấm mỗi ngày đón hàng nghìn khách, vải nhập thêm bao nhiêu cũng không đủ bán. Ông bà chủ hồ hởi quơ quào tiền, vàng chất đầy rương. Quan quân trong trấn ai cũng nể oai gia đình có người thân là thượng quan triều đình nên chẳng dám bén mảng đến gây khó dễ. Bần ở đây suốt năm ngày, ngày nào cũng sơn hào hải vị đến no nê, chán ngấy. Thế nhưng trong bụng luôn lo sợ. Bần biết trước sau gì cũng lộ tẩy nên tính bài chuồn càng sớm càng tốt. Một đêm Bần vờ đau bụng, gia nhân cuống quít đưa “ngài” ra nhà xí ở mép sông sau nhà. Bần đuổi hai cô người hầu: “vào trong nhà đi cho quan được riêng tư”… Rồi Bần cạy ván sàn nhà xí, chui qua đó để ra sông. Bần phải chọn cách này vi gia nô, vệ sĩ canh gác nghiêm ngặt các lối ra vào thương quán rộng lớn này. Xách đôi giầy vải chủ tiệm mới dâng, Bần lội nhẹ nhàng vào bờ, rồi nhắm hướng núi mờ mờ trong đêm chạy thục mạng. Hai cô hầu chờ lâu không thấy “đại quan” quay vào, chạy ra gọi “quan ơi, quan hỡi” không nghe trả lời, họ vội giật cửa soi đèn vào thì thấy ván sàn đã bị cạy bung. Hai cô hớt hải chạy báo cho ông bà chủ. Ông chủ đuổi họ ra rồi rung đùi cười đắc chí nói vợ:

– Ta đã kiếm được nghìn lượng vàng trong mấy ngày qua là nhờ vị quan giả đó. Hắn đi như thế là đúng lúc, ngày mai cứ phao tin: “Đêm qua Hoàng thượng cho quân đến rước ngài về kinh lo đại sự. Ngài gửi lời vấn an quan viên, bá tánh”…

*

*      *

Bần xách giầy chạy thục mạng suốt đêm, đến mờ sáng thì theo đường mòn lên sườn núi. Vừa đi vừa thở hồng hộc, mồ hôi ướt đẫm áo trong thấm ra cả áo gấm bên ngoài. Thấy có khe nước, Bần đến uống mấy ngụm rồi lảo đảo đi vào ngôi miếu cổ gần đó tìm chỗ nghỉ ngơi. Trước bệ thờ bụi bặm nhện giăng, có ai đó đã trải sẵn một mớ cỏ khô, Bần lăn vào đệm cỏ dang chân tay thoải mái. Bỗng có tiếng gọi:

– Bần hở?

Bần giật mình ngồi nhổm dậy. Trong ánh ban mai còn mờ mờ, một trung niên đầu cột khăn, áo buộc ngang bụng khoe thân hình rắn chắc, quần vo lên quá gối đang chống nạnh nhìn Bần cười cười. Bần nhìn anh ta chằm chằm rồi reo lên:

– Thằng Bất… Sao mày ở đây?

Bất cũng là trẻ mồ côi ở làng chài Tây Hải mấy mươi năm trước, chơi thân với Bần từ nhỏ. Hồi đó Bất bơi lội rất giỏi nên không đi mót cá như Bần mà theo thuyền ra khơi. Bất tháo vát, nhanh nhẹn nhưng có tật trộm cắp, gian lận. Vì vậy thuyền nào đã thuê một lần, lần sau Bất xin làm không công cũng không nhận. Thế là ngày ngày Bất la cà khắp xóm làng, thấy ai hở ra cái gì là trộm đem sang làng khác bán. Bất trộm từ quần áo, chó gà, cá khô cá tươi đến cả nồi niêu chén bát… Sau đó còn “trộm tình” của mấy ông mải mê đi biển bỏ vợ thui thủi một mình. Khi chuyện vở lỡ, bị cánh ngư phủ vây bắt, Bất bỏ làng trốn đi từ lúc mới ngoài hai mươi tuổi đến giờ…

Bất lấy ra một bầu rượu với một miếng sườn heo nướng to hơn bàn tay xòe, đặt lên cái lá môn còn ướt sương hái sau miếu. Cả hai vừa ăn thịt, uống rượu vừa nhắc chuyện mười lăm năm trước. Bất thích nghe chuyện làng chài nên hỏi hết người này đến người khác. Khi Bần tả những người đàn bà ngày xưa vụng trộm với Bất bây giờ già héo xấu xí, Bất nôn hết rượu thịt xuống nền miếu.

Bất có vẻ chán chường, định lên đệm cỏ nằm ngủ, nghĩ sao quay lại hỏi Bần:

– Làng mình bây giờ có người giàu lắm à, hay là có ai làm quan to?

– Đâu có, cũng như xưa thôi!

– Thế lấy đâu áo gấm cho mày trộm?

– Tao nhặt được trên biển…

– Nhặt có tội gì mà phải bỏ làng?

Bần trầm ngâm mơ màng:

Ở làng mình ai mà không biết tao là… Bần!

Bất bỗng bật dậy reo lên mừng rỡ:

– Tao có cách này để hai đứa mình cùng giàu, lúc đó mỗi đứa không chỉ có một mà là hai, ba áo gấm…

*

*       *

Sau khi bàn bạc chu đáo, Bất và Bần rời miếu hoang đi về hướng nam. Bất chia cho Bần một bộ nâu sồng cũ, còn bộ đồ the trắng anh nông dân tặng, đôi giầy vải êm ái chủ tiệm Phúc Ấm cho, cái áo gấm “trời ban”, Bần bỏ hết vào một cái khăn lớn Bất đưa, cột lên vai. Một hôm, đến một phố thị sầm uất, Bần vừa đi vừa ngắm các cửa hiệu san sát nhau hai bên đường, sung sướng hỏi Bất:

– Đây là kinh thành?

 Bất nói nhỏ vào tai bạn:

– Kinh thành đông quan quân, đến đó khác nào chui đầu vào rọ. Ở đây còn cách một ngày đường, nhưng nhiều phú gia, thương lái không thua gì kinh kỳ!

Bần lại hỏi:

– Thế tối nay mình ngủ đâu?

Bất cười khùng khục:

– Mấy chục năm đi ăn trộm tao đâu có ngủ, cần gì đến chỗ ngủ… Nhưng nay công việc có khác, lại phải tử tế với mày…

Bất móc ra một nén bạc thảy thảy trên tay:

– Tối nay mình sẽ ăn thật sang, ngủ thật ấm bù hai ngày ăn bờ ngủ bụi nhé!

Sáng hôm sau đợi lúc mặt trời lên gần đỉnh đầu, Bất bấm bấm mấy ngón tay rồi hối Bần:

– Đến giờ tốt rồi, xuất hành thôi!

Từ quán trọ bước ra, Bần chững chạc trong áo gấm, đầu đội khăn xếp, chân mang giầy vải bước thong thả như một quý ông dư dả, nhàn rỗi. Bất mặc đồ nâu, quấn khăn trên đầu, chân đi đất, quảy tay nải chạy theo làm người hầu. Đến một cửa tiệm kim hoàn đang đông khách, Bất chạy vào nói nhỏ vào tai bà chủ đang đứng sau quầy: “Cậu của tôi có mười sở nhà, ruộng đất cò bay thẳng cánh, muốn mua nữ trang để cưới thêm bà vợ thứ sáu…” bà chủ nhìn ra cửa thấy Bần mặc áo gấm, mặt vênh vênh nên lật đật chạy ra vồn vã:

– Bẩm cậu, mời cậu vào xem nữ trang của tiệm con đẹp lắm, toàn vàng ròng không pha đồng, pha xỉ…

Bần mặt câng câng đi vào, bà chủ lật đật lôi hết các dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn, bông tai… trải hết lên mặt quầy cho Bần lựa chọn. Ngoài bà chủ, sau quầy còn có ba cô gái phụ bán, nhưng các cô cũng đang mải mê phục vụ cho hơn một chục khách. Bần bắt bà chủ đeo thử hết sợi dây chuyền này đến đôi bông tai khác. Bà chủ tuổi ngoài ba mươi, xinh đẹp, cố chiều lòng ông phú hộ khó tính… Đang đứng sau lưng Bần, thoắt cái Bất đã biến mất. Rất nhanh sau đó, Bất quay lại vị trí cũ, hốt hoảng nói to:

– Chết rồi cậu ơi, quan phủ hẹn gặp mình giờ ngọ mà đã là giờ tỵ…

Bần cũng giả lả, rối rít:

– Thế thì đi cho kịp, bảo bọn nó đánh xe nhị mã vào rước ta mau lên…

Quay sang bà chủ Bần khổ sở phân bua:

– Nhiều vợ cũng khổ, phải ăn đều chia đủ không thì các bà kiện nhau. Thôi hẹn khi khác tôi đến mua cho cả mấy bà luôn !

Bà chủ liếc sơ thấy vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền được “phú ông” trả lại đầy đủ nên vui vẻ, đon đả:

– Vâng, hôm sau lại mời cậu tới mua hàng ạ!

Ra khỏi tiệm Kim Hoàn, Bất dắt Bần đi như ma đuổi vào các con hẻm chằng chịt thẳng ra bờ sông. Sau đó cả hai chạy lúp xúp trong những vườn dâu, vườn bắp cao quá đầu người. Đến lúc thấy bốn bề yên tĩnh, biết không có ai đuổi theo, cả hai mới nằm lăn ra cỏ thở hồng hộc. Bất móc trong áo ra một nắm dây chuyền, vòng đeo tay bằng vàng cười đắc thắng:

– Chừng này đủ cho tao với mày say sưa suốt tháng!

Bần đưa tay run run nắn nót sợi vàng, lần đầu có vàng nên Bần hồi hộp và cả kinh ngạc:

– Mày lấy lúc nào hay quá vậy?

– Bà chủ thấy khách sộp nên mở hộc bên dưới lôi các loại nữ trang bày lên mặt quầy cho “phú hộ” xem. Tao lòn vào thò tay bóc một nắm bỏ vào trong áo. Bả mải mê đưa đẩy với “phú hộ” đâu có nhìn xuống dưới…

Bần im lặng ngồi xuống vuốt ve, ngắm nghía mớ nữ trang óng ánh một hồi bỗng bật ra ý tưởng lạ :

– Tao nghĩ… tụi mình nên… dành dụm mua… một chức quan!

Bất đang nằm thở hổn hển bật dậy :

– Mày vừa nói cái gì ?

Bần hướng đôi mắt xa xăm ra dòng sông yên ả:

– Không lẽ cả đời mình cứ khổ sở với nghề ăn trộm, bị người ta rượt đuổi? Chỉ cần trăm lượng vàng là có thể mua được một chức quan nhỏ, hai ba trăm lượng thì có chức kha khá.

Bất ôm bụng cười nắc nẻ:

– Tao với mày một chữ bẻ đôi không biết thì sức đâu mà làm quan?

Bần nghiêm mặt:

– Khi đã làm quan tất có bọn thư lại lo chuyện chữ nghĩa. Thời buổi này thiếu gì những ông quan dốt chứ phải chỉ có tao với mày đâu? Làm quan mà biết chữ có khi lại rắc rối…

Bất trợn mắt kinh ngạc:

– Rắc rối thế nào?

– Biết chữ thì phải đọc sách, đọc sách rồi thì phải thì… phải suy nghĩ theo sách sao còn làm được việc này, việc nọ để kiếm bổng lộc. Làm quan mà không có bổng lộc thì thua cả thằng ở đợ! Hơn nữa dù mua được chức tước nhưng không có tiền cúng cho quan trên đều đặn thì chức cũng chẳng bền.

Nghe Bần nói như vậy, Bất vân vê râu cằm đi tới đi lui suy nghĩ. Một lát hắn nhảy cẩng, reo lên:

– Ráng đi trộm vài năm nữa rồi làm quan cho sướng thân mày ạ!

*

*       *

Trời thu trong mát, một đoàn người lễ mễ khênh đôi võng nặng trĩu đi ra phía bờ sông. Đến sát mặt nước, từ đôi võng bước xuống hai vị quan to béo mặc phẩm phục triều đình. Mỗi vị có bốn lính khênh võng, một lính cầm lộng che nắng và một lính khác phe phẩy quạt lông công. Ngoài những người phục dịch, mỗi quan có một thư lại áo dài, khăn đóng cầm giấy bút theo ghi chép. Sau khi bàn bạc, hai quan đuổi bọn phục dịch, thư lại ra thật xa để nói chuyện riêng. Vị quan cao lớn phốp pháp chấp tay sau đít, nhìn ra mặt sông tư lự:

– Thời gian trôi qua nhanh quá Bất nhỉ. Mới đó mà đã mười lăm năm!

Vị thấp hơn gật gù:

– Đúng đó Bần. Ngày đó cũng từ nơi xuất phát này nhờ ông sáng suốt nên hai ta mới được vinh hiển. Hôm nay hẹn nhau đến đây ôn cố tri tân, ông có sáng kiến gì thăng quan tiến chức cho nhanh không?

Quan Bần không trả lời, bước ra gần mép sông soi mình xuống nước ; giọng bồi hồi:

– Tôi già đi nhiều quá ông ạ!

Bỗng Bần quay lại hốt hoảng la lên:

– Mặt tôi… mặt tôi… thế nào đấy ông ạ. Ồ, mà sao đầu ông… đầu ông lạ lắm!

Quan Bất vội vã chạy ra mép nước soi mình rồi ôm đầu rên rỉ:

– Ối, tôi bị mọc sừng thật rồi… Còn mặt ông thì dài ngoằng ra. Sao chúng ta lại ra nông nỗi này?

Hai quan sợ hãi ôm nhau khóc rưng rức một hồi, Bần tỏ ra nhanh trí hơn bảo :

– Có khi bờ sông này ám chúng ta, thử bỏ chạy ra xa xem nào ?

Bất thút thít:

– Phải đó, nhưng phải lấy khăn lấy áo che đầu, che mặt lại cho thiên hạ khỏi thấy…

Hai quan cắm đầu chạy. Từ xa xa, đám lính tráng, thư lại cũng hớt hải chạy theo quan. Chạy một hồi, Bất mừng rỡ reo lên :

– Đầu tôi hết sừng rồi… Xem nào… mặt ông cũng ngắn lại…

Bần rờ lên đầu bạn rồi rờ lên mặt mình sung sướng, hồ hởi:

– Bình thường rồi, hết đầu trâu mặt ngựa rồi ông ạ! Từ nay đừng bao giờ quay lại bờ sông quá khứ, đã làm quan thì chớ dại mà soi lại mình!

Lúc đó đám lính tráng, thư lại cũng vừa chạy đến. Chúng lật đật hỏi:

– Sao đột nhiên nhị vị quan nhân lại… bỏ chạy thế ?

Bần cười vui vẻ:

– Chúng ta thi xem ai có sức khỏe tốt hơn. Làm quan mà ốm yếu làm sao phục vụ triều đình, phục vụ bá tánh được!

Tất cả cùng cười vui vẻ, mãn nguyện…

Theo Văn Nghệ Quân Đội