Ảo mộng – Truyện ngắn của Việt Thắng

789

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Hôn nhân dị chủng từ lâu là vấn đề của xã hội, đặc biệt ở những đất nước nặng truyền thống gia đình Á Đông, tứ đại đồng đường, quây quần ông bà, cha mẹ con cháu trong ngôi nhà. Trong những gia đình hôn nhân dị chủng, không tránh được va chạm hai nền văn hóa khác biệt, Nhưng “Ảo mộng” của Việt Thắng không chỉ là hôn nhân dị chủng mà còn nhiều điều để suy ngẫm. “Ảo mộng”  chạm đến vấn đề xã hội với những ẩn số không dễ tìm lời giải đáp nếu không có đủ trái tim để yêu thương, không có sự thay đổi về thu hút chất xám…” 

Nhà văn Việt Thắng

Đã từng là lính chiến; lại là đồng hương với anh Thành; nên tôi chơi với anh rất thân từ mấy năm nay. Cách đây mấy tháng, do bị một cơn tai biến mạch máu não quật ngã, anh đã bị liệt nửa người bên trái. Qua mấy tháng điều trị, anh có thể chống gậy đi vòng quanh nhà. Đầu óc anh đã tỉnh táo trở lại, giọng nói không còn méo mó như khi mới bệnh. Vì nhà ở gần nhau, thi thoảng tôi cũng ghé thăm an ủi động viên anh.

Hôm nay ghé nhà anh, chưa uống cạn bình trà. Anh nhìn thẳng vào mắt tôi đề nghị:

  -Anh biết chú viết nhiều truyện ngắn, đã từng xuất bản và đăng ở một số báo. Nên hôm nay anh đề nghị với chú một điều.

Tôi nắm bàn tay trái co quắp của anh:

  -Có gì anh cứ nói, trong khả năng giúp anh được gì thì em sẽ cố gắng.

Anh nhìn tôi trìu mến:

     -Chú chịu khó ngồi đây nghe anh kể về cuộc đời của anh; và những điều chú chưa biết về gia đình anh. Từ nhà cao của rộng ngoài mặt phố; bây giờ phải chui vào ở trong căn nhà cấp bốn xập xệ tít trong hẻm sâu này. Tuổi đời cũng đã trên bảy mươi, chẳng có đứa con nào bên cạnh. Nỗi cô đơn và buồn tủi cuối đời, chẳng có tiền bạc nào bù đắp nổi. Chú cố gắng viết về hoàn cảnh gia đình anh gửi đăng báo; âu cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh với xã hội, có rất nhiều gia đình trong tình cảnh như gia đình anh hiện nay.

   Tôi lặng lẽ ngồi nghe anh kể…

Học hết cấp ba, với thân hình cao to khỏe mạnh khi vào bộ đội. Sáu tháng hành quân dọc Trường Sơn, đơn vị anh cũng vào tới chiến trường. Chân ướt chân ráo, bổ sung vào một đơn vị chủ lực miền Đông Nam bộ. Tám năm trời vùng hoạt động là chiến trường ác liệt sát nách Sài Gòn. Tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, hồng phúc ông bà để lại anh chẳng hề bị sây sát tí nào. Chỉ còn những trận sốt rét kinh niên, đeo đẳng đến mấy năm khi anh trở về thành phố Sài Gòn. Nhiều người hết chiến tranh là họ xin giải ngũ hoặc chuyển ngành, riêng anh vẫn chọn quân đội là nghề. Những năm đầu mới giải phóng, khó khăn kham khổ trong cuộc sống, nhiều bạn bè bảo xin chuyển ngành cho có lương bổng cao hơn và cuộc sống không bị gò bó. Anh chặc lưỡi: “ Có khổ cỡ nào bây giờ hòa bình cuộc sống cũng hơn hàng chục lần trong lúc chiến tranh.”

Năm tháng cứ trôi đi, anh đã lập gia đình riêng với một đồng đội. Theo quy luật nhân sinh, có vợ thì phải sinh con. May mắn thay anh chị cũng sinh được hai đứa con có nếp có tẻ. Cố gắng tằn tiện cho chúng ăn học. Đứa con trai vừa hết cấp ba, đất nước trong thời kỳ kinh tế mở cửa cả chục năm. Dậy lên phong trào cho con đi du học nước ngoài. Trong hàng chục năm vợ chồng anh gom góp từ đồng lương, và làm kinh tế phụ cũng dành dụm được ít tiền. Anh bàn với vợ:

   -Người ta đi du học rần rần, thôi thì mình cũng cố gắng cho con đi; để nở mày nở mặt với họ hàng ngoài quê, cùng bạn bè.

Chị vợ nhăn nhó:

     -Gia đình có mình anh là con trai duy nhất, ông bà ngoài quê cũng đã già rồi. Mai mốt khi ông bà khuất núi ai sẽ về ở ngôi nhà đó để hương khói cho các cụ?

Anh cười cười:

   -Thì mình cho nó đi du học chứ có cho nó qua ở đó luôn đâu mà lo. Mai mốt học xong nó lại về Việt Nam làm việc chứ đi đâu mà sợ.

  Chị vợ nghe cũng xuôi xuôi tai, thế là vợ chồng nhất chí cho thằng con trai sang Mỹ du học.

    Đứa con trai chưa học xong; cô con gái cũng đã tốt nghiệp trung học. Một điều nó cũng nằng nặc đòi phải cho đi du học như anh nó. Theo như nó nghĩ, chỉ có đi du học thì bằng cấp mới có giá trị, và tiền lương ở nước ngoài cao gấp hàng chục lần ở Việt Nam. Suy đi tính lại đã đời, anh vỗ vai vợ:

   -Anh suy nghĩ kỹ rồi em ạ!

Chị vợ nhìn anh:

   -Tiền lo cho thằng anh nó đi du học, làm mửa mật chưa trả hết nợ. Bây giờ vợ chồng mình đã về hưu lương ba cọc ba đồng tiền đâu nữa mà lo?

  Anh cười xởi lởi:

      -Tiền là cái nhà mình đang ở đây này.

    Chị vợ trề môi hỏi lại anh:

     -Anh nói vậy ý là sao?

  Anh chậm rãi:

      -Đất của nhà nước cấp cho mình được lô mặt tiền. Nhà thì do mình tằn tiện xây nên hai tầng lầu. Bây giờ mình bán nó đi cũng được vài tỷ.

  Nghe tới đây chị vợ giãy nãy:

     -Anh điên rồi à? Chả du học nước ngoài thì học trong nước, mắc mớ gì phải bán nhà, rồi lấy chỗ đâu mà ở?

    Anh cười khì khì:

    -Em điên thì có, anh tính kỹ cả rồi.

  Chị vợ nhìn anh trân trân, anh thủng thẳng:

    -Chúng mình bán căn nhà mặt tiền này, mua lại một căn nhà khác ở trong hẻm nhỏ nào đấy. Số tiền còn dư mình sẽ lo cho con ra nước ngoài học. Bây giờ chúng mình đều có lương hưu, cộng số tiền cả hai người cũng hơn chục triệu; thôi thì : “khéo ăn thì no khéo co thì ấm” tằn tiện sống cũng đủ mà. Mình cứ lo cho chúng nó ăn học thành tài, sau này chúng ra trường làm việc tất nhiên lương phải cao, lo chi chuyện nhà mặt tiền mấy tầng lầu, lúc đó muốn mua mấy cái chả được.

  Thấy vợ im lặng có vẻ nhất trí với kế hoạch bán nhà của anh. Anh vỗ vai vợ nhỏ nhẹ:

   -Em không nhớ mình còn căn nhà của bố mẹ anh ngoài quê; đang phải nhờ mấy đứa cháu ngoại trông hộ, kể từ khi ông bà khuất núi. Đợi con cái thành đạt, rồi anh với em cũng phải về quê mà sống những năm tháng cuối đời; để còn hương khói cho ông bà nữa chứ.

   Thế là anh chị xót xa bán căn nhà; để lo cho cô con gái qua bên nước Úc du học. Số tiền còn lại, đành phải mua lại căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm sâu hun hút này đây.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Hai đứa con của anh đã tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Chẳng đứa nào chịu về Việt Nam làm việc cả. Theo như chúng nó bảo, về nước không có nơi thi thố tài năng, lương thì dăm ba triệu. Muốn vào làm cho nhà nước thì phải chạy chọt lo lót. Trong khi đó với cái bằng đại học làm việc bên đó một tháng cũng mấy ngàn đô la, so với tiền Việt bằng gần cả trăm triệu đồng. Thôi thì đất chả chịu trời thì trời chịu đất vậy, anh chị tự nhủ. Mà bây giờ chúng nó cũng đã lớn, ra nước ngoài tầm nhìn của chúng hiểu rộng ra; chúng nó có quyền tự chọn hướng đi cho cuộc sống chứ.

     Chưa được vài năm, thằng con trai báo tin về đã lấy vợ. Khổ nỗi nó chẳng lấy người Việt Nam mà lấy ngay một cô Mỹ trắng. Anh chị chưa hết sững sờ; thì cô con gái bên Úc cũng báo tin, đã xây dựng gia đình với một anh Tây. Vợ chồng chỉ biết nhìn nhau than vắn thở dài. Cứ cái kiểu này chắc chắn chúng sẽ sinh ra một lũ con lai; anh chị có lẽ mất hết cả con lẫn cháu.

    Hẹn hò mãi, hai đứa con mới sắp xếp dẫn gia đình của chúng về thăm bố mẹ. Đứa con trai cả về trước em gái nó vài ngày. Anh chị vui mừng vì gần chục năm trời mới gặp mặt các con. Trong niềm vui trộn lẫn cả nỗi buồn tủi. Cô con dâu thì mắt xanh, mũi lõ cao hơn chồng gần nửa cái đầu. Đứa cháu nội trai thì giống mẹ hơn giống cha. Cả hai mẹ con nó cứ xí xô xí xào, thành thử đứa con trai cứ phải đứng ra làm thông ngôn. Cô con gái cũng chả hơn gì anh nó. Thằng chồng cao lênh khênh, có đứa con gái thì tóc vàng mũi lõ giống cha. Cả hai đứa cháu chỉ biết gọi ông bà chúng bằng mấy tiếng Việt ngọng nghịu: ong, ba… Về nhà cả hơn nửa tháng trời, thời gian chúng ở nhà với ông bà được mấy ngày. Còn bao nhiêu chúng dắt díu nhau đi tham quan hết nơi này đến nơi kia. Anh chị có cằn nhằn thì chúng bảo, làm bên Tây quần quật suốt ngày, con người ta như cái máy đã được lập trình. Mấy khi được về Việt Nam phải dẫn gia đình đi tham quan cho biết.

   Kể tới đây, nước mắt anh trào ra lăn dài xuống hai gò má nhăn nheo. Uống một hơi hết cốc nước lọc, anh nhìn mông lung ra ngoài đường hẻm. Chị vợ từ nãy đến giờ lo nấu nướng ở dưới bếp. Công việc cũng đã xong, chị lên ngồi cạnh anh. Lấy cái khăn lau nước mắt cho chồng, chị nhỏ nhẹ:

    -Chuyện cũng đã rồi, anh đừng tủi thân mà suy nghĩ nữa, rủi cơn huyết áp nó lên bất tử; nếu bị tai biến lần nữa thì khổ.

 Vừa ngồi xoa bóp tay chân cho anh, chị thủ thỉ:

   -Ông bà xưa có câu: “ Nước mắt chảy xuôi,” chẳng sai. Chú biết đấy, nhà tôi mặt tiền đường mấy tầng lầu, phải bán đi lo cho con ra nước ngoài ăn học. Gần cả chục năm trời, chúng nó biết cha mẹ có tiền lương hưu nên cũng chả thèm gửi tiền về. Thậm chí thằng con trai muốn mua nhà cũng điện về hỏi xin cha mẹ tiền. Tôi có la nó tiền lương hưu của cha mẹ, ba cọc ba đồng khéo lắm thì đủ ăn, tiền đâu mà có dư. Nó phân bua rằng thuê nhà bên đó đắt lắm, làm tiền nhiều nhưng trăm thứ phải trả góp, có khi hàng chục năm mới hết nợ.

 Chị thở dài chép miệng:

    -Theo chị nghĩ chả đâu bằng quê hương mình. Bây giờ anh nhà bị bệnh thế này, chị cũng đã bước qua tuổi bảy mươi, trong người cũng vài ba bệnh mãn tính, cứ trở trời là nó lại hành hạ. Chả biết lúc nào ông trời gọi về với tổ tiên, ông bà. Khổ nỗi còn cái nhà thờ ở ngoài quê, rồi mồ mả ông bà ai hương khói?

 Nước mắt cứ lăn dài trên hai gò má của chị. Anh nhìn chị:

    -Em khuyên anh sao em cũng phải khóc? Em không thấy đây là tình trạng chung của đất nước thời mở cửa à. Nếu nhà nước không có chính sách thu hút nhân tài; thì những người ra nước ngoài học, một đi không trở lại. Nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng này. Rất nhiều gia đình hiện nay lâm vào tình cảnh như gia đình mình đây.

 Chị thổn thức:

   -Không nghĩ tới hai đứa con thì thôi, nghĩ đến là tủi thân, nước mắt nó cứ trào ra không kềm được.

  Tôi ái ngại nhìn những giọt nước mắt, lăn dài trên gò má nhăn nheo của anh chị ở cái tuổi: “Thất thập cổ lai hy”này.

VT