Lê Hương
(Vanchuongphuongnam.vn) – Áo trắng của Thanh Bình Nguyên là tập thơ dày dặn gồm 90 bài thơ nhưng cùng xâu chuỗi ở những chủ đề lớn: Quê hương, Kỷ niệm, Cuộc sống, Tình yêu, Thiếu nhi. Đây là những mảng đề tài gắn chặt với đời sống nên nó chạm đến những tầng sâu nhất trong ký ức của mỗi con người/ mỗi cuộc đời, đánh thức cả những “góc khuất” thầm kín nhất trong tiềm thức, làm cho người đọc bừng tỉnh nhận ra những giá trị hiện tồn của cuộc sống để biết trân trọng, nâng niu từng khoảnh khắc, từng giây phút, từng không gian – thời gian, khoảng lặng mà mình đang sống.
Tập thơ Áo trắng của nhà thơ Thanh Bình Nguyên
Quê hương đối với Thanh Bình Nguyên không chỉ là mảnh đất đã nuôi anh khôn lớn, là Sài Gòn hoa lệ – nơi anh đang sinh sống và gắn bó từ thời còn là sinh viên cho đến giờ. Quê hương dưới nhãn quan của người nghệ sĩ còn là những nơi anh từng bước chân qua: Chiều đông sương kín đầu/ Sông Hồng như dáng lụa/ Vẫn trọn tình đôi lứa/ Thủy chung Hà Nội ơi (Hà Nội mùa em tan). Với thể thơ năm chữ, khung cảnh thiên nhiên của Hà Nội hiện lên thật thơ mộng và duyên dáng. Hà Nội không phải là mảnh đất mà Thanh Bình Nguyên từng sinh ra hay gắn bó lâu dài nhưng tình cảm mà anh dành cho Hà Nội khiến người đọc phải khâm phục và trân trọng. Trái tim đa cảm và tràn ngập yêu thương của Thanh Bình Nguyên đã lan tỏa tình cảm của anh, đến vùng đất tận cùng của Tổ quốc để rồi dồn nén và cô đọng lại trong từng lời thơ chân thành và sâu lắng đến nao lòng: Thương miền cuối/ Nhớ chơi vơi Đất Mũi/ Dẫu chưa một lần/ Ngập ngừng bước xuống biển mặn (Miền cuối).
Không chỉ tâm huyết với chủ đề Quê hương, Thanh Bình Nguyên còn dành nhiều tình cảm cho mảng đề tài về cuộc sống và tình yêu. Đây là hai đề tài chủ đạo trong tập thơ Áo trắng của Thanh Bình Nguyên, chiếm 62,3 % các chủ đề khác.
Cuộc sống đối với Thanh Bình Nguyên không phải là thứ gì đó xa vời, trừu tượng mà rất đỗi thân quen, gần gũi. Đó là một khoảnh khắc ray rứt, bâng khuâng khi nhìn những vòm mây lãng đãng trôi. Đó là cơn mưa bất chợt giăng lối, “ngả ngiêng cỏ cây”, “lạc bầy chim non”. Đó còn là phút giây rạo rực, vững tin bước vào đời: “Nhưng lòng rộn ràng xôn xao nắng đỏ/ Bước vào đời với tất cả niềm tin!” (Xôn xao nắng mới). Cuộc sống của thi nhân còn là khoảnh khắc trầm ngâm, cô đơn và “phiêu bạt” về quá khứ để bỗng thấy lòng mình chênh chao: “Có bao giờ một mình ngồi trầm lặng/ Rồi nhủ lòng có phải đã cô đơn/ Và cười khẩy lục tìm trong ký ức/ Bạn bè ơi giờ ở tận phương nào?” (Tìm kiếm). Và đôi lúc, Thanh Bình Nguyên chợt có những thời khắc suy tư, chiêm nghiệm về cõi nhân sinh – kiếp người đến triết lý: “Thả chân trần đạp xác lá thu/ Nghe nặng trĩu vòng quay trần thế” (Vòng quay).
Nhà văn Thanh Bình Nguyên
Nếu cuộc sống là vô vàn những suy tư, vui buồn, lo lắng, cô đơn và rùng mình đến lạnh người thì tình yêu là đôi cánh thắp lên niềm tin, thổi bùng khát khao sống để con người tìm lại bản nguyên của chính mình. Thanh Bình Nguyên cũng vậy. Tình yêu là một kỳ tích lấp lánh giữa những chủ đề trong thơ anh: Biển không em, không em/ Hoài niệm anh, hoài niệm/ Sóng, gió, bờ và biển/ Cuốn ngút ngàn trong đêm (Biển không em).
Đối với Thanh Bình Nguyên, yêu không chỉ là phút giây nhớ mong, chờ đợi. Tình yêu còn là động lực khơi dậy niềm tin trong cuộc sống, là lời động viên, an ủi, vỗ về nhau. Yêu là khát vọng được hòa tan – hòa hợp, lắng nghe “nhịp đập – hơi thở” của nhau để cùng chia sẻ và xây đắp hạnh phúc bền lâu: Gọi em ngày sau/ Qua ngàn sóng vỗ/ Quyện vào hơi thở/ Theo thời gian trôi (Gọi em). Trái tim ngập tràn men yêu của thi nhân đã nhận ra một chân lý muôn thuở rằng chỉ có tình yêu mới cứu rỗi nhân loại này. Hình ảnh nhân vật trữ tình em được so sánh như “tia nắng giữa trời”, “nguồn sống giữa đời mênh mang”, chứng tỏ tình yêu có một sức mạnh cực kỳ ghê gớm; Nó khơi dậy bản năng sinh tồn trong mỗi con người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn và xứng đáng với hai chữ CON NGƯỜI hơn bao giờ hết: Em như tia nắng giữa trời/ Em như nguồn sống giữa đời mênh mang (Em như?),
Áo trắng không chỉ là tập thơ viết về quê hương, cuộc sống, tình yêu, mà còn là cuốn hồi kí lưu giữ những kỉ niệm thời thanh xuân, thời thiếu nhi mà ai đã từng đi qua đều cảm thấy lòng nghẹn ngào, luyến tiếc. Thanh Bình Nguyên đưa người đọc ngược dòng ký ức để tìm về một thời đã xa: Tạm biệt những ngày qua thơ dại/ Vương vấn sân trường cánh phượng xoay/ Nhớ ngày nào thơ thẩn ai hay/ Giờ xao xuyến, luyến thương tìm lại (Áo trắng).
Bằng sự trải nghiệm cùng tài quan sát và thấu hiểu tâm lý của trẻ thơ, Thanh Bình Nguyên đã có những vần thơ thật mộc mạc, hồn nhiên đến lạ kỳ: Trở về tuổi thơ/ nghe hồn xao động/ trời cao đất rộng/ sao mình mỏng manh (Đồng dao cho tuổi thơ).
Thế giới tuổi thơ trong Áo trắng của Thanh Bình Nguyên không chỉ đầy ắp tiếng cười, sự hồn nhiên, vô tư, trong trẻo: Đêm qua bé nằm mơ/ Cùng bạn bè bay lượn/ Trong khu vườn cổ tích/ Vui đùa và hát ca (Giấc mơ Cổ tích); mà còn là thế giới ngập tràn nỗi cô đơn, buồn tủi của những đứa trẻ mồ côi nghèo đói và thiếu thốn tình thương của đồng loại: Đứa trẻ mồ côi/ Rách rưới cả tình thương/ Xòe tay cầu xin/ Chỉ là một niềm tin bé bỏng… (Mồ côi). Tuổi thơ trong tập Áo trắng của Thanh Bình Nguyên còn là tâm trạng nhớ nhung, nuối tiếc về một thời đã xa: Nhặt đầy tay thời gian/ Đếm ngón tay năm tháng/ Sân trường bao kỷ niệm/ Giờ xa cách ngỡ ngàng (Nhặt…).
Để chuyển tải được những tư tưởng – tình cảm, thông điệp sâu sắc về Quê hương, Cuộc Sống, Tình Yêu, Kỷ niệm, Thiếu nhi, Thanh Bình Nguyên đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, điệp từ, tương phản… kết hợp với tính từ chỉ màu sắc, hình dáng, trạng thái để làm nổi bật hình ảnh được đề cập – trở nên sinh động, giàu tính biểu cảm – tạo hình, phong phú và cuốn hút người đọc. Bên cạnh đó, trong tập thơ Áo trắng, Thanh Bình Nguyên đã vận dụng linh hoạt nhiều thể thơ khác nhau như: lục bát, bốn chữ, năm chữ, thất ngôn bát cú, đường luật, tự do… làm cho cấu trúc tập thơ (cách sắp xếp, vần điệu, nhịp điệu, thanh điệu….) trở nên cân đối, hài hòa.
Ngoài những điều đáng ghi nhận, tập Áo trắng còn có những giới hạn nhất định của một hồn thơ giản dị, mộc mạc; đó là sự thận trọng, dè dặt, chưa mạnh bạo trong việc sử dụng ngôn từ và tạo tứ thơ. Điều đó ít nhiều làm hạn chế quá trình trải nghiệm và đồng sáng tạo ở bạn đọc/ người tiếp nhận.
L.H