Bà cô – Tùy bút của Trần Thị Bảo Thư 

763

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm sau tại cao nguyên miền Nam tít tắp, Giang nhận tin bà cô mất. Em bưng mặt khóc nghẹn. Gió cao nguyên khác gió quê nhà, khô lạnh, hoang vu. Giang ngắt mấy bông hoa hồng trắng trong vườn ôm vào ngực.

Nhà văn Trần Thị Bảo Thư  

Từ nhà trong Giang nghe tiếng bà Sửu gào lên từng chập ngoài cổng

-Này, này, nhà chị kia, chị mang ngay con ngan ấy ra khỏi nhà tôi, nhà tôi không biết ăn cái thứ ấy ngày Tết. Chị định cho rông rủi nhà tôi cả năm đấy hử?

Giang chạy ra, chưa kịp mừng mẹ về, thấy mắt mẹ đỏ hoe lí nhí với bà cô

“Cháu xin lỗi cô, cháu không biết. Vâng để cháu mang đi ngay ạ”

Mẹ nhìn Giang

“Con vào nhà đi kẻo gió, mấy hôm nữa mẹ lên chơi với con!” Xong mẹ quay đi luôn như sợ chỉ chậm thêm chút nữa là mẹ không đi nổi. Giang chạy ngược phố gọi mẹ

“Mẹ ơi, mẹ đón con về ở với mẹ, mẹ ơi…”

Cuối tháng Chạp, phố xá nhộn nhịp, cờ hoa, nhà nhà chuẩn bị đón Tết. Rất nhanh, bóng mẹ em đã khuất sau lối rẽ ngã tư đầu phố.

Giang lủi thủi quay về, bà Sửu đứng chờ lôi xềnh xệch em vào nhà rồi đóng rầm cánh cổng gỗ lại, bà vừa đẩy em vừa rít qua kẽ răng:

“Vào ngay, đi theo con mẹ mày sau này rồi chẳng làm nên trò trống gì”

Bà Sửu không có chồng, bà là em gái của ông nội Giang và cô ruột của bố Giang. Bà sống cùng gia đình anh trai và các cháu. Thời trẻ bà nổi tiếng cô Sửu chợ huyện, xinh gái, giỏi giang. Bị tật một chân từ nhỏ, bà đi khập khiễng hơi lệch bên người. Bù lại bà có khuôn mặt bánh lá, đôi môi cắn chỉ, cặp mắt đen láy, buôn bán rất tháo vát. Tóc bà dày và dài tới đầu gối, mỗi lần gội đầu bà phải đứng kê cái chậu trên chiếc bàn gỗ. Cả đời bà dùng một chiếc lược đuyra, tới già vẫn không hư hỏng.

Cửa hàng của bà Sửu lớn nhất chợ huyện, chuyên cung cấp thực phẩm rau quả. Bà có mối giao hàng cho tàu biển thu nhập rất tốt. Nhưng bà vẫn hà tằn hà tiện nhặt nhạnh từ đồng xu nhỏ, tuy các khoản hợp đồng lợi nhuận thu về bà đủ mua đất đai nhà cửa ruộng vườn, nhưng bà không hoang phí vất đi cái gì dù nhỏ nhất.

Cơ ngơi lớn ở mặt phố của gia đình ông bà nội Giang có sự chung tay không nhỏ của bà cô.

Bọn trẻ con phố huyện rất sợ bà, ghét bà. Những lần chúng bị bà đuổi về khi trèo cây, nô nghịch ngoài vỉa hè trước cửa. Không biết chúng học ở đâu mà vừa chạy vừa đồng thanh câu vè trêu chọc

“Long lanh như bát nước chè

Đẹp thì có đẹp nhưng què một chân”

Bà không ghét mẹ Giang, với các nàng dâu trong nhà bà đều soi xét thế. Câu cửa miệng bà nói với các cháu dâu là “Tôi nói cho chị biết… tôi nói cho chị biết”.

Từ bà nội Giang là chị dâu cho đến các cháu dâu bà chẳng bao giờ vừa ý, bà luôn sợ họ làm hại đến anh trai và các cháu của bà. Hình như bà được sinh ra là để thực hiện bổn phận “bà cô” của giòng họ nên rất khó tính và có phần cay nghiệt, bản thân bà có khi không ý thức điều đó. Giới tính của phụ nữ là vun vén, bà coi các cháu như con của mình, họ cũng ruột rà máu mủ bà nghĩ thế. Bà tin chắc sẽ nhờ cậy các cháu lúc về già, có khi chúng còn thương bà hơn mẹ chúng chưa biết chừng.

Sau này lớn lên Giang mới hiểu và cảm thông cho bà. Một phụ nữ không được làm vợ, làm dâu, làm mẹ nên bà chưa trải qua nỗi day dứt của một người phụ nữ thường tình. Dù ghê gớm mấy với xã hội, với người ngoài, vẫn trở nên bé mọn cam chịu bởi những ràng buộc phu thê, những xót xa mẫu tử, đó là sự hy sinh điển hình bởi thiên chức.

Ông bà nội Giang sinh hạ ba người con trai thì bà nội không đẻ thêm được nữa. Mặc dù bà đã chạy chữa khắp nơi mong có thêm mụn con gái chấy rận cũng đành chịu bó tay. Giang ra đời, con đầu cháu sớm lại là cháu nội gái, sau mấy chục năm nhà không có tiếng trẻ, cả gia đình vô cùng vui mừng và cưng chiều em hết sức. Bà Sửu lên chức bà cô từ đó, bà yêu Giang bằng tất cả nỗi đơn thân của bà. Có thể không ai hiểu, nhưng chắc chắn một người có cuộc sống nội tâm như bà thì yêu thương cũng cực đoan lắm. Bà giành giật tình cảm của em với bà nội, với mẹ, với hết thảy ai tới gần em. Càng hiểu rõ sự yếu thế bởi vị trí của bà, bà càng quyết liệt một cách vô lý.

Cha mẹ chia tay năm em ba tuổi, Giang ở lại với nội. Mỗi sáng ông bà nội em đi làm, Giang ra nhà ngoài với bà Sửu. Bà rỉ rả đủ chuyện, từ chuyện bà nội em trước là bạn của bà rồi chịu lấy ông nội ra sao. Bà nói đi nói lại, chẳng ai tinh khiết như bà, viên ngọc còn có vết chứ bà thì không một gợn mảy may…

Bà ám chỉ cứ ai có vợ có chồng cũng phàm tục, cũng không được như bà.

Có lần ngây thơ Giang hỏi bà, thế bao giờ bà mất mọi người phải viếng hoa trắng cho bà chứ ạ? Bà nghiêm mặt, đúng thế, phải hoa trắng chứ, không là bà về bóp cổ.

Sau này khi Giang lớn đủ hiểu biết, bà kể chuyện ngày xưa bà cũng đã muốn xây dựng gia đình với ông Phương. Ông là bạn thân với ông nội Giang, nhưng vì bà tự ti, sợ rồi ông chê bà có tật sẽ bỏ mà đi lấy người khác, rồi bà cũng sợ thành gánh nặng cho người bà lấy làm chồng.

Nhưng với bà, như thế đã là tình yêu, đã có những đắn đo và chọn lựa, bà không chê con người ông, đành từ bỏ chỉ vì hoàn cảnh.

Rồi ông Phương cũng lập gia đình, bà vui mừng đi dự đám cưới. Sau ông mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, bà vẫn gắn bó và yêu thương vợ con của ông cho đến cuối đời.

Tuổi già ập đến, bà Sửu lên chức cụ. Những đêm dài một mình vò võ, các cháu gọi bà bằng cô cũng lên ông lên bà. Lớp cháu như Giang trưởng thành đứa đi học đứa đi làm, đứa lập gia đình riêng chẳng ai ở cùng chăm sóc bà, các cháu mà bà chắt chiu từng đồng quà tấm bánh để phần ngày nhỏ, thỉnh thoảng về thăm bà một lúc một nhát, cũng chẳng đủ thời gian để nghe bà phàn nàn về ai đó đã vội vã đi.

Giang chuyển về ở với mẹ khi cha lấy vợ khác. Thỉnh thoảng bà lại đi xích-lô tới nhà mẹ Giang. Lần nào bà cũng xách một làn đầy các thứ quà bánh mà em thích. Nhưng vào nhà chưa kịp uống nước bà đã ra về ngay vì bà đi xích-lô khứ hồi cho rẻ.

Bà không khắt khe với mẹ Giang nữa, còn căn dặn em phải thương mẹ. Phận đàn bà góa sống có khác đàn bà ở giá là mấy, đơn thân lạnh lẽo như tuổi già của bà vậy.

Giang lập gia đình, bà có chắt. Mỗi lần chắt lên chơi vào mùa hè, bà Sửu tập tễnh dẫn chắt ra máy nước tắm rửa, bà mắng yêu chắt mà vang cả phố

“Sư cha nó chứ, hầu từ ông ngoại nó, mẹ nó, giờ đến nó”

Ai cũng biết bà Sửu khoe khéo, nhà bà phúc đức con cháu chắt đầy nhà. Người lớn hiểu và thương bà, họ nói với nhau những người độc thân thường khó tính. Bà tai ngược mấy họ cũng không chấp.

Buôn bán là phải có duyên, có lộc. Không phải ai ra buôn bán cũng đắt hàng đâu nhé. Nhiều người sạch sẽ, lịch sự, khôn khéo, vậy mà ngồi bán hàng chỉ đuổi ruồi. Ế chảy ế thiu, cuối buổi phải đổ đi, vài bữa là lỗ vốn dẹp tiệm. Bà Sửu mua thì mắng người bán, bán lại mắng người mua như tát nước vào mặt. Vậy mà hàng bà cứ đông như hội. Ngẫm ông trời chẳng lấy hết của ai, một đời bà hai bàn tay thụ lộc trời hậu hĩnh mà tận tâm can lại vất vả. Hay có lẽ vì bà vất vả nên ông trời bù lại cho bà hưởng lộc buôn lộc bán.

Cũng vào một ngày cuối năm, bà khóc nức nở khi Giang chuyển gia đình vào Nam sinh sống, mới đầu Giang giấu bà nhưng rồi bà biết.

“Sao cháu lại bỏ bà đi khi bà đã già thế này?”

Giang nói

“Bà yên tâm, cháu chỉ đi thời gian ngắn làm ăn rồi lại về với bà”

Em không ngờ đó cũng là lần chia tay mãi mãi.

Năm sau tại cao nguyên miền Nam tít tắp, Giang nhận tin bà cô mất. Em bưng mặt khóc nghẹn. Gió cao nguyên khác gió quê nhà, khô lạnh, hoang vu. Giang ngắt mấy bông hoa hồng trắng trong vườn ôm vào ngực. Em hình dung mình chạy dọc vỉa hè phố cũ, tuổi thơ của Giang đầy ắp tiếng bà cô gọi “Giang ơi, Giang, quay lại bà cho bánh đã rồi hãy về…”.

T.T.B.T 

Hội viên VHNT Đồng Nai