Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 3)

637

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sách Trung Hoa có câu: “dĩ bất biến ứng vạn biến” thấy cũng đã hay, nhưng suy cho cùng đó chỉ là một giải pháp tình thế. Còn ở đây: “Quốc biến dân bất biến” Không nghi ngờ gì nữa, ấy là một tư tưởng lớn, một triết lý mang tính khái quát cao, bao trùm nhiều thời đại hay nói đúng hơn là mọi thời đại. Ý nghĩa câu triết thi đó rất rộng, không dễ bàn thấu được, mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại lại có thể vận dụng khác nhau.

CHƯƠNG 3

“Quốc biến dân bất biến”

Triết lý của nghìn năm

Bản ngã vô ngã

Sư thông tuệ uyên thâm.

 

Chùa Pháp Vân, dân trong vùng gọi nôm là Chùa Nành tọa lạc trên khu đất cao ở giữa làng, lúc ấy đang giờ thân, bóng cây cau ở nhà Tổ kéo dài đến giữa sân, nhà sư đang dùng trà, chuyện văn chương thời cuộc cùng ông Cống Hải. Sư thầy Thanh Tâm chừng năm mươi tuổi người thanh mảnh vận thiền phục màu nâu. Cống Hải kém sư thày khoảng chục tuổi đỗ cử nhân khoa thi năm quý mùi (1763). Hai người thường trà đàm tâm giao. Trà Thái Nguyên hương đậm vừa mới chuyên được nhất tuần thì ngoài cổng chùa một người dong dỏng cao, đầu chít khăn nhiễu tím, áo đông bộ chẽn, giày văn hài, dáng vẻ quan nhân bước vào. Đến giữa sân nhà Tổ, khách nói:

-Mô Phật, xin hỏi sư thầy ở nhà không ạ?

Nhà sư đứng dậy đón khách:

-Xin mời quan nhân vào tệ xá dùng trà với bần tăng.

Cống Hải cũng đứng dậy chào khách.

Nhà sư và Cống Hải ngồi một bên tràng kỷ, khách ngồi một bên, cùng lần lượt giới thiệu danh tính. Thì ra khách mới đến là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, quê quán gần đây, làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, Phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc (nay là làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Ôn Như Hầu nói:

-Thưa nhị vị, hôm nay tôi đến giảng sách cho công chúa. Lát nữa tôi phải về quê, vậy xin phép cho tôi lên thắp hương lễ Phật.

-Vâng, xin mời.

Nhà sư và Cống Hải cùng lên Tam bảo lễ Phật với khách.

Xong xuôi, nhà sư mời khách trở lại nhà Tổ dùng trà.

Nhà sư nói:

-Thật hân hạnh quá, chúng tôi từng nghe danh và đọc thơ của đại quan, nay mới gặp. Nhà chùa đạm bạc, xin đại quan miễn chấp.

Ôn Như Hầu nói:

-Bạch thầy, tôi vào chùa không phải tư cách quan nhân, xin cứ xưng hô bình thường như bằng hữu. Thưa nhà chùa, tôi kém tuổi nhà chùa nhiều, năm nay tôi bốn mươi hai, xin sư thày cho biết thày được bao nhiêu tuổi Phật rồi ạ?

-Dạ thưa Hầu gia, tôi vừa tròn năm chục.

Ôn Như hỏi Cống Hải:

-Thế thưa thầy Cống Hải, thầy tuổi gì?

-Thưa cao huynh, đệ kém cao huynh hai tuổi ạ.

-À, Kỷ Mùi. Thật may mắn và quý hóa gặp hai vị đây. Xin thưa vắn tắt thế này, Kinh thành không được yên ổn, Nhà Vua muốn Chiêu Nghi và các công chúa tạm lánh về quê để tiện việc học hành. Tôi nhân lúc công việc không bận lắm, được Nhà Vua vời vào giảng bài cho các hoàng tử, công chúa. Vì thế hôm nay mới được đến quê nhà, lễ Phật, vãn cảnh chùa lại gặp nhị vị thật may mắn. Nghe tiếng đồn về Phù ninh đã nhiều, tôi rất ngưỡng mộ vùng đất văn vật này, xin nhị vị giới thiệu cho một số nét.

Cống Hải nói:

-Thưa Hầu gia, thời gian có ít, ngài muốn biết điều gì trước, để chúng tôi xin thưa.

-Vâng, tôi từng nghe nói ở Phù Ninh thường lưu truyền câu: “Quốc biến dân bất biến”, xin nhị vị cho biết xuất xứ như thế nào?

Cống Hải nhìn sư Thanh Tâm:

-Nhà sư Thanh Tâm cao niên trụ trì chùa Nành đã lâu, xin nhà sư có nhời trước, tôi xin hầu sau.

Nhà sư nói:

-Dạ, tôi không dám. Ông Cống Hải đây văn sách chữ nghĩa nhiều, tôi chỉ đáng học trò.

Ôn Như Hầu nghĩ có thể mới sơ kiến, đề cập đến chuyện dân quốc, liên quan đến thời cuộc hai ông này e ngại chăng, bèn nói:

-Thưa nhị vị, tôi tuy làm việc ở Kinh đô nhưng lại hay giao du với các bậc tài tử văn nhân, bởi thế cũng thường hay bị chúa buồn phiền quở trách. Tôi rất trân trọng trực ngôn. Xin ông Cống tự nhiên như bằng hữu vậy.

Cống Hải nói:

-Thưa Hầu gia, ngài hỏi xuất sứ câu “Quốc biến dân bất biến”, xin thưa, đệ là đời thứ năm trông ngược về quá khứ, đó là vị Tướng công đời Lê Sơ triều Lê Chiêu Tông. Cụ bị oan buộc phải bức tử. Trước khi chết, cụ Tướng công của chúng tôi ký thác cho con cháu bài thơ có bốn câu:

Phù Ninh danh thắng địa

         Thanh lịch quán xuân thu

         Quốc biến dân bất biến

         Đông Ngàn tĩnh nhất khu.

Mười hai tháng sau nhà vua ban chiếu minh oan cho cụ tôi. Nhà vua biết bài thơ này của cụ tôi, người khen và càng nể phục vùng đất danh thắng này, nhưng có ý không bằng lòng với câu thứ ba. Điều này một vị đại thần tiết lộ cho gia đình chúng tôi biết. Điều nhà vua không hài lòng lại chính là đề tài để mọi người mang ra bình luận. Người thiện chí và người không thiện chí đều có những bình luận riêng, lợi có mà hại có lẽ nhiều hơn. Có người còn phóng đại: “Quốc biến dân bất biến” như thế là coi thường những biến cố của quốc gia? Coi thường phép nước? Và chính điều này làm cho con cháu và cả dân ở đây chịu hệ lụy không ít. Từ đó làng tôi có nhiều người tài cao học giỏi nhưng đỗ đạt rất khó, thường chỉ dừng ở trung khoa, chứ đại khoa hầu như không có. Cũng có người học rộng có tài, kiên trì lều chõng nhưng khoa nào cũng hỏng văn sách.

Sư Thanh Tâm tiếp lời:

-Mô Phật! Phải chăng có sự thành kiến đó mà ông Hải đây chỉ thi lấy cái cử nhân rồi ở nhà dạy học chứ không đi thi tiếp nữa. Nhưng gần ông cử lâu rồi tôi nhận thấy tài học của ông không kém gì nhiều tiến sĩ.

Ôn Như Hầu tiếp:

-Tôi đồng ý với ý kiến nhà sư, một số câu đối của ông cử nhân mà tôi mới được chiêm ngưỡng ở chùa và trong dinh Thiết Lâm đã thể hiện điều đó. Ống Cống Hải thực xứng đáng tiến sĩ từ lâu rồi.

Cống Hải đứng lên chắp tay nói:

-Dạ thưa, đệ không dám ạ.

Ôn Như Hầu gật gù:

-À ra vậy. Tôi hết sức ngạc nhiên về bài thơ. Thầy cử nhân có thể nói thêm về ý nghĩa?

Ôn Như Hầu bất ngờ đổi cách xưng hô, có vẻ như mới khởi đầu đã rất phục Cống Hải.

Cống Hải nói:

-Dạ thưa, trước hai bậc cao tăng và cao học, đệ đâu dám luận đàm ý nghĩa, chỉ xin có ý kiến riêng thế này, bấy lâu nay đệ để ý, bài thơ có bốn câu, nhưng không hiểu sao dân chúng ở đây chỉ hay nhắc nhớ câu thứ ba mà thôi. Hầu như là câu cửa miệng của các ông đồ ông cống làng Phù Ninh. Nghe năm chữ này, nhiều người từ nơi xa đến giật mình kinh ngạc nói: “Dân đây không vừa, khí phách quá”! Nghe câu khen ấy, người Phù Ninh chúng tôi chỉ cười mà rằng: “Không thế thì sống làm sao được, trên hai trăm năm nay nước có khi nào yên đâu, hết biến cố này đến biến cố khác khi thì Mạc truất ngôi Lê, lúc lại Trịnh phù Lê diệt Mạc, khi thì Trịnh Nguyễn phân tranh, thế rồi bây giờ ở đàng trong lại Tây Sơn đánh Nguyễn. Một nước cỏn con mà có tới hai vua, ba chúa tranh bá đồ vương, chinh phạt chém giết nhau ròng rã trên hai trăm năm nay thì thử hỏi dân trông cậy vào đâu? Biết nghe vua nào, nghe chúa nào? Không còn có cách nào khác, chúng tôi phải tự tìm lấy cách sống cho mình thôi: “Quốc biến dân bất biến”, mặc kệ ai kia mưu bá đồ vương, dân cứ nương tựa vào nhau, cưu mang lấy nhau sống và làm ăn”. Và, điều này nữa rất hệ trọng, ấy là “dân bất biến” là để giữ cho nước được yên.

Nghe đến đây, Ôn Như Hầu gật đầu tỏ ý bái phục bài thơ. Ông nói:

-Không ngờ hôm nay tới đây tôi gặp được điều sâu sắc lớn lao. Tổng Nành đây phía đông là làng Phù Đổng, nơi xuất hiện thiên thần Thánh Gióng; phía tây là làng Cổ Pháp, nơi phát tích vương triều Lý Bát Đế; xa một chút nữa là Kinh đô Cổ Loa nổi tiếng; nhìn lên hướng bắc thấy núi Chè, núi Thiên Thai; trông xuống phía nam gặp Sông Đuống, Sông Hồng, quả thật cảnh trí, con người không hổ danh một vùng địa linh nhân kiệt. Trước hết, tôi rất sung sướng được cảm thấu một kiệt tác thi ca. Bài thơ ngắn mà khái quát cao, phác họa một vùng đất “danh thắng”, một cộng đồng dân cư “thanh lịch” quán triệt cả “xuân thu”.

Phù Ninh danh thắng địa

Thanh lịch quán xuân thu

Lời văn đẹp và sang trọng, tả cảnh tả người đến thế là tuyệt bút.

Xưa nay thơ thường vịnh phong hoa tuyết nguyệt, thương nhớ nỉ non, nhưng muốn tìm một bài thơ có tư tưởng là hiếm lắm, ở bài thơ này đó là câu thơ thứ ba “Quốc biến dân bất biến”. Một triết lý sống! Nó được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đó là những biến cố tệ hại làm cho đất nước suy yếu kiệt quệ, dân tình đói khổ tang thương. Lúc tướng công viết bài thơ này là thời Lê sơ, đất nước chưa đến nỗi nát tan như sau này, nhưng tướng công đã tiên tri thời cuộc và báo trước cho con cháu cùng dân làng, để mọi người có cách ứng xử thích hợp để mà tồn tại, và để giữ cho dân yên và nước yên, cương thường xã tắc bền vững trường tồn.

Sách Trung Hoa có câu: “dĩ bất biến ứng vạn biến” thấy cũng đã hay, nhưng suy cho cùng đó chỉ là một giải pháp tình thế. Còn ở đây: “Quốc biến dân bất biến” Không nghi ngờ gì nữa, ấy là một tư tưởng lớn, một triết lý mang tính khái quát cao, bao trùm nhiều thời đại hay nói đúng hơn là mọi thời đại. Ý nghĩa câu triết thi đó rất rộng, không dễ bàn thấu được, mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại lại có thể vận dụng khác nhau.

Câu thứ tư mở ra không gian rộng, nói đến cả huyện Đông Ngàn, tôi quê quán gần đây, tôi biết, quả thật những khi tao loạn, nhiều nơi bị cướp bóc đốt phá, nhưng riêng vùng Đông Ngàn ta đây nói chung yên tĩnh. “Đông Ngàn tĩnh nhất khu”, câu thơ như sấm truyền, nhắc các thế hệ mai sau gắng mà giữ lấy sự an cư cho dân chúng, trong đó chủ yếu là sự gắng sức của người đương thời nhưng cũng có phần phù trợ của các bậc tiền nhân.

Bài thơ ngắn mà bao quát một vùng đất văn vật cao sang, rất đẹp, rất khí phách, lại như lời sấm thiêng, thể hiện minh triết và tiên tri tuyệt vời, có thể nói: một kiệt tác thi ca!

Nhà sư nói:

-Mô Phật, bần tăng nhận thấy câu “Quốc biến dân bất biến” là sự ứng xử nhu nhuyễn có lý có tình giữa bản ngã, bản mệnh và ngoại giới, một cứu cánh nhân sinh. Suy cho cùng thì phải đạt tới bản ngã vững vàng thì mới vô ngã được! Câu thơ thứ ba của tướng công đúc kết đầy đủ từ bản ngã đến vô ngã đó.

Cống Hải đứng dậy chắp tay bái tạ, cảm động nói:

-Kính thưa nhị vị cao huynh, đệ là kẻ hậu sinh của tướng công, hôm nay được nghe lời bình vô cùng sâu sắc và minh tuệ của hai ngài, đệ vô cùng cảm kích. Xin đa tạ! Đa tạ!

Ôn Như Hầu hướng sang sư thầy:

-Bạch thầy, nhân bình bài thơ trác tuyệt vừa rồi, tôi được nghe ý kiến của sư thầy: “Phải đạt tới bản ngã vững vàng thì mới vô ngã được”! Dạ, xin hỏi, điều này có trái với lời giảng ở một số nhà chùa mà tôi từng nghe được: “tiền oan nghiệp chướng đều từ bản ngã mà ra. Phải diệt trừ bản ngãmà hướng tới vô ngã”?

Cống Hải giật mình lo cho nhà sư, bởi câu hỏi này chạm đến điều cốt yếu của đạo Phật lại mang uẩn khúc phức tạp, lý giải thật là khó khăn. Nhà sư tự nhiên đưa ra câu đúc kết không ngờ lại tự làm khó cho mình. Chuyện này cũng thường gặp ở các cuộc cao đàm khoát luận, mình đưa ra một câu khái quát nào đó mà chưa có cơ sở vững vàng để lý giải khi cần thiết, thì bị “gãy” là chuyện không phải hiếm. Thường thì nếu thấy người đối thoại bị dồn vào thế bí, người đưa ra câu hỏi lịch sự tháo gỡ bằng cách nói lảng sang chuyện khác hoặc hỏi câu khác dễ hơn. Quả thật, đây là câu hỏi cực khó, không biết Ôn Như Hầu có gỡ thế bí cho nhà sư không nếu nhà sư lúng túng không giải được? Cống Hải hồi hộp đưa mắt nhìn nhà sư.

Nhưng nhà sư rất điềm tĩnh hơi mỉm cười đặt chén nước xuống khay, nói:

-Thưa Hầu gia, điều tôi nói ban nãy với điều ngài nghe giảng ở một số chùa nào đó không hề trái ngược nhau. Mỗi con người chúng ta trước hết phải đạt tới bản ngã. Bản ngã, đó là sự tự khẳng định mình khi đã hiện diện trong cõi thế gian này. Tôi phải là chính tôi đã, ngài phải là chính ngài đã rồi có làm gì thì hãy làm. Khi làm công việc, tôi dám chịu trách nhiệm, ngài dám chịu trách nhiệm trước thành công hay thất bại, thậm chí cả sống, chết. Mọi người nhìn vào tôi, vào ngài mà xem xét, đánh giá. Chứ nếu không có bản ngã, tôi không còn là tôi, ngài không còn là ngài, thì sự hiện diện của tôi, của ngài  trên cõi đời này là vô nghĩa, không ai cần đến nữa. Những người không bản ngã khác gì vong thân, sống mờ nhạt trong đám đông, do không quang minh, họ thường chui lủi lẩn tránh rồi làm những điều mờ ám, tội lỗi gieo tai họa cho cộng đồng, trước sau họ phải trả giá về cái sự không bản ngã ấy.

Trở lại câu thơ “Quốc biến dân bất biến”, khi một nước nhỏ mà có tới 5 vua chúa tranh giành nhau, đó là đại biến. Trước tình thế tồi tệ ấy, trước hết, dân vẫn phải là dân đã chứ, mỗi người phải khẳng định bản ngã một người dân, khẳng định vị thế bất biến của mình trong sự đùm bọc cưu mang “lá lành đùm lá rách” thì mới tồn tại được để rồi làm việc giúp dân, giúp nước. Nếu không khẳng định bản ngã, đến người gần gũi nhất cũng không đùm bọc giúp đỡ được gì thì thử hỏi có thể vô ngã mà hy sinh vì nước không? Chắc là không, giặc đến, anh ta chạy trước hoặc đầu hàng. Ngài Ôn Như Hầu đánh giá câu thơ ấy là một triết lý lớn, tư tưởng lớn có giá trị mọi thời đại là rất chí lý.

Mô Phật, thưa nhị vị, bản ngã có hai mặt. Mỗi người phải khẳng định cái tôi của mình, ấy là cần thiết. Nhưng nếu mang cái tôi của mình ra để lấn át, phủ định cái tôi của người khác thì không được. Thổi phồng cái tôi của mình thật to ra, bóp cái tôi của những người khác cho thật bé lại thì đấy là hiểm họa của thế gian. Đó chính là “tiền oan nghiệp chướng từ bản ngã mà ra” điều ngài Hầu gia nghe giảng ở chùa nào đó, hoàn toàn đúng đắn.

Mục đích tối thượng của việc tu hành là để đạt tới vô ngã. Phải vô ngã thì mới vị tha được. Đức Phật dạy ta biết cuộc đời là khổ não, đưa ta vào con đường giải thoát khỏi luân hồi sinh tử bằng thuyết Tứ thánh đế và Thập nhị nhân duyên, nhưng chung quy vẫn là đạt tới vô ngã. Nhưng ai vô ngã vị tha? Ai nhường nhịn giúp đỡ người khác, hay lớn lao hơn, hy sinh vì đại nghĩa? Phải rất cụ thể, là tôi, là ngài, là ông ấy, bà nọ “chính danh”, chứ không thể là một cái gì mơ hồ không có thực, không có một ai cả. Vì vậy, trước tiên mỗi con người chúng ta phải khẳng định được mình trong bản ngã thì mới ngộ đạo mà vô ngã được! Đó là tinh thần thuần khiết bất nhiễm của triết lý Phật giáo.

Ôn Như Hầu đứng dậy chắp tay vái nhà sư:

-Bạch thầy, lời sư thầy lý giải thật thấu đáo thông tuệ đến lạ kỳ. Xin đa tạ! Đa tạ!

Sư thầy đứng dậy đáp lễ:

-Mấy điều thô thiển, bần tăng xin được chỉ giáo.

Cống Hải hết sức ngạc nhiên, sư Thanh Tâm luận thuyết trác việt quá! Thường ngày chuyện trò với Cống Hải, ông rất nhu mì mà hôm nay lại ngẫu phát lạ lùng? Hay là nhờ nguồn sáng từ bi vô lượng của Đức Phật khai thị phần siêu thức thẳm sâu để lúc này gặp khách lạ, lại có ý như “thử tài”, nhà sư mới hiển lộ rõ bản lĩnh thiền triết của mình vừa uyên bác vừa linh diệu như vậy?

Ôn Như Hầu nhìn sư thầy đầy ngưỡng mộ:

-Bạch thầy, xin hỏi, sư thầy quê ở đâu ta?

-Tôi quê chính làng Nành này, tôi ở thôn trên, ông Cống Hải ở thôn dưới. Hồi nhỏ tôi hay tha thẩn lên chùa chơi, làm đỡ sư cụ việc lặt vặt, thế rồi như tiền duyên mặc định, tôi thành tiểu, thành sư.

Cống Hải nói:

-Thưa Hầu gia, đệ xin tiếp lời, gia nghiêm (cha) của sư thầy là nội thị về hưu hàm tam phẩm, cụ bảo sư thầy ứng thí mấy khóa, nhưng cơ duyên với Đạo Phật, sư thầy chỉ ở chùa chay tịnh.

-Quý hóa quá, nhị vị đúng là bậc chân tài của đất nước mà chịu ở mãi nơi thôn dã này! -Ôn Như nói- Chỉ tiếc chính sự thời nay không ra gì, quá ư bỉ thử, thô lậu. Buồn thay cho nước Đại Việt (chép miệng).

Vế sau Ôn Như nói nhỏ nhưng Cống Hải thính tai nghe được. Ôn Như lại vỗ đùi dậm chân không nói gì ra chiều đau khổ lắm. Ông ngẩng đầu nhìn nhà sư và Cống Hải nói:

-Bao năm rồi, tôi chưa hề được nghe những lời đẹp đẽ như thế này. Ở kinh đô vàng son mà chỉ toàn nghe những lời rác rưởi, những câu xúc xiểm thô bỉ, những lời to nhỏ thầm thì về mưu đồ thoán đoạt tối tăm, những lời về mua quan bán chức bẩn thỉu; chỉ gặp ở đó những kẻ mang danh sĩ phu mà nhân cách không bằng thất phu. Người trung lương đều tìm cách xa lánh. Hôm nay gặp nhị vị, tôi mới ngộ ra một điều rằng những chân tài, trực ngôn chỉ tìm thấy ở nơi thôn dã mà thôi!

Có người từ dinh Thiết Lâm sang tìm:

-Bẩm tướng công đã sang giờ dậu rồi.

Ôn Như Hầu đứng dậy:

-Rất tiếc hôm nay ít thời gian quá, tôi phải về quê ở phủ Thuận Thành. Mong rằng sẽ có dịp khác được hạnh ngộ nhị vị, bởi tôi còn phải phụng mệnh nhà vua sang đây giảng bài cho hai công chúa.

Cống Hải hỏi:

-Thưa Hầu gia, vua Lê có nhiều công chúa, hai công chúa về đây là công chúa nào vậy?

-Thưa, đó là công chúa Ngọc Hân và Ngọc Bình.

-Cảm ơn Hầu gia.

Nhà sư và Cống Hải tiễn Ôn Như Hầu qua cổng chùa đến tận giếng Cầu Cả, chủ khách lưu luyến chia tay nhau. Mới sơ kiến đã tâm giao, dư âm cuộc gặp gỡ còn xôn xao trong lòng Ôn Như Hầu! Ông vừa đi vừa gật gù nói một mình: “Lạ thật, lạ thật! Sẽ trở lại Phù Ninh! Sẽ trở lại Phù Ninh”!

(Còn tiếp)

Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 1)

Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 2)