(Vanchuongphuongnam.vn) – Đến cả dinh của Quốc sư tể tướng Nguyễn Khản đẹp là thế cũng bị chúng đập phá tan tành. Quốc sư cùng gia quyến phải chạy sang xứ Đoài. Nguyễn Khản có chú em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Du. Anh này năm nay mới mười bảy tuổi vừa đậu tam trường ở trường Sơn Nam, hình như mười bảy thì chưa đến tuổi bổ làm quan nên vẫn ở nhà. Nguyễn Du làm thơ hay lắm nổi tiếng thần đồng.
CHƯƠNG 4
Thần linh lúc chính ngọ
Nhắc thầy giáo, thầy tu.
Nông phu thời tao loạn
Cứu thiên tài Nguyễn Du.
Sư thầy Thanh Tâm đi lễ động thổ ở Phù Đổng về đến Chùa Lúc thì vừa đứng bóng, chính ngọ rồi! Nhà sư có thói quen xem bóng nắng để biết giờ giấc, vì thế sư hẹn với ai là không bao giờ sai. Mải nhìn bóng mình dưới chân, ngẩng đầu lên thấy một lão ông tóc trắng búi tó bằng nắm tay sau gáy, râu dài đến ngực, tiền đình sáng láng, khí đường phù hiện ra nhật giác, đầu đội nón Nhị thôn, áo địa lam chẽn, giày cỏ. Nhà sư cúi đầu chào, lão ông mỉm cười: “Chào sư thầy, có người nhờ lão nói với nhà sư, bên dinh Thiết Lâm nhờ sư thầy dạy học thì đừng từ chối nhé”! Nói rồi lão ông chống gậy rảo bước đi về phía Phù Đổng có vẻ vội lắm. Sư Thanh Tâm nhìn theo muốn hỏi vài câu nhưng vừa thoáng cái, lão ông đã bước đi khá xa rồi. Đành thôi.
Về đến Chùa Nành, sư thầy ra giếng kéo nước rửa mặt, nước giếng trong mát quá, tỉnh cả người. Nhưng cái chuyện gặp lão ông, vẫn làm sư băn khoăn không rõ thế nào. Vào nhà ngả lưng, sư vẫn áy náy, giá lúc đó níu lão ông lại hỏi rõ đầu đuôi thì phải, nhưng mà, ông cụ đi nhanh quá. Lạ thật!
Đầu giờ mùi, nhà sư trở dậy gọi chú tiểu nhóm bếp đun nước pha trà.
Có tiếng Cống Hải ngoài sân:
– Mô Phật, chào sư thầy.
– Mời ông Cống vào chơi.
Hai người ngồi đối diện ở tràng kỷ, Cống Hải nói:
– Bạch thầy, sáng nay đệ đi sang làng Yên Thường thăm người bạn, mải chuyện, nhìn ra sân thì đã giờ tỵ rồi, vội cáo từ ra về. Trên đường về gặp một chuyện lạ, muốn hỏi sư thầy, nhờ sư thầy chỉ giáo cho.
– Không dám, có chuyện gì ông Cống cứ nói, ta cùng bàn.
– Bạch thầy, đệ lững thững đi bộ khỏi làng Trùng Quán một quãng thì chính ngọ, bóng nắng in tròn ỏ dưới chân. Mải nhìn bóng mình, lúc ngẩng lên thì thấy một lão ông tóc trắng như mây, búi tó củ hành, râu bạc dài đến ngực, tiền đình như có hào quang rất sáng, khí đường phù uy nghiêm, đầu đội nón Nhị thôn, áo địa lam chẽn, giày cỏ, lão ông mỉm cười nhìn đệ. Đệ gật đầu chào, lão ông nói: “Này ông Hải, có người nhờ tôi nói với ông: nếu bên dinh Thiết Lâm nhờ ông dạy học thì đừng từ chối nhé. Ông về nhà nghỉ ngơi rồi đến giờ tỵ lên chùa gặp sư thầy có việc đấy”. Nói rồi lão ông rảo bước đi về phía Yên Thường. Tôi ngoảnh lại toan hỏi thêm thì lão ông đã đi khá xa rồi. Nhớ lời nhắn ấy, đệ lên gặp sư thầy, xin sư thầy giải thích xem thế nào?
Sư thầy ngạc nhiên hỏi:
– Lúc ấy có thật chính ngọ không?
– Thưa, đệ vừa nói, đệ nhìn xuống chân mình, tròn bóng mà.
– Lạ nhỉ. Bần tăng cũng gặp lúc chính ngọ, chả nhẽ đi nhanh thế ư, quãng đường phải ba bốn dặm chứ ít đâu.
Đến lượt Cống Hải ngạc nhiên hỏi:
– Sư thầy bảo gặp ai kia?
Sư thầy kể với Cống Hải chuyện gặp lão ông ở Chùa Lúc. Kể hình dáng, nón, áo, giày… thì trong hai cuộc gặp ấy, hai người vẫn chỉ là một người, sao lại hiện diện cùng một lúc ở hai nơi cách xa như thế? Lại nhắn cùng một nội dung? Hai người nhìn nhau, lại nhìn ra sân phán đoán, hồi hộp, chả lẽ thần linh hiển hiện ư?
Chú tiểu Thanh Tùng pha trà trong ấm tích, bỏ vào ấm giỏ đậy nắp ủ cho nóng rồi bưng ra đặt trên bàn. Vừa lúc đó ngoài sân có tiếng hỏi:
– Mô Phật! Xin hỏi sư thầy có ở nhà không ạ?
Hai người nhìn ra thì thấy bà Chiêu Nghi và Ôn Như Hầu. Cả hai cùng đứng dậy ra sân đón khách.
– Xin mời bà Chiêu Nghi và Ôn Như Hầu vào chơi xơi nước.
Sư ông mời Chiêu Nghi ngồi một bên tràng kỷ, bên kia là Ôn Như Hầu, còn nhà sư và Cống Hải kéo hai chiếc ghế đẩu ngồi chếch hai bên. Bà Chiêu Nghi mời cùng ngồi ở tràng kỷ nhưng hai người bảo “không dám”. Nhà sư rót nước mời khách.
Ôn Như nói:
– Mô Phật, thưa hai thầy, thật may mắn gặp cả hai thầy ở đây, tôi xin đỡ lời bà Chiêu Nghi thưa trước với hai thầy việc thế này. Được tiếp chuyện với hai thầy lần trước, tôi đã về tâu với Vua và Chiêu Nghi rằng hai thầy là bậc văn tài ẩn danh của đất nước, hiện hai công chúa về đây cần có thêm người dạy về văn sách, tôi tiến cử hai thầy. Nhà Vua và Chiêu Nghi đã đồng ý. Hôm nay bà Chiêu Nghi đến để chính thức thưa chuyện.
Bà Chiêu Nghi nói:
Thưa hai thầy, tôi được nghe danh hai thầy từ lâu. Mới đây quan Ôn Như Hầu tiến cử, Nhà Vua và chúng tôi thấy đây là một vinh hạnh cho hai công chúa nếu được sự dạy bảo của hai thầy. Hai thầy cùng quê với chúng tôi, phi nội tắc ngoại, mong hai thầy bớt chút thì giờ vàng ngọc chiếu cố cho. Hoàng Thượng bảo tôi trực tiếp gặp hai thầy và xin miễn cho lệnh chỉ.
Ôn Như Hầu nói:
– Thưa hai thầy, việc Chiêu Nghi trực tiếp thưa chuyện và “xin miễn cho lệnh chỉ” là điều tế nhị. Bởi lẽ Hoàng Thượng và Chiêu Nghi đã chấp nhận lời thưa của tôi, là không câu nệ phẩm hàm chức sắc mà chú trọng thực tài. Hai thầy không phẩm hàm chức sắc nhưng thực tài thì hơn rất nhiều các vị phẩm hàm chức sắc bên kinh đô. Đó là lý do “xin miễn cho lệnh chỉ”. Mong hai thầy thông cảm.
Lúc này sư thầy và Cống Hải mới vỡ lẽ về lời nhắn bảo của lão ông lúc đúng ngọ vừa rồi, ôi thật là ứng nghiệm tài tình. Vì thế cả hai đều sẵn sàng nhận lời. Sư thầy nói:
– Bẩm, bần tăng ở nơi thôn dã, có một chút kiến thức do khổ công rèn luyện, nếu Nhà Vua và Chiêu Nghi có ý vậy, chúng tôi không dám trái lời.
Cống Hải nói:
– Bẩm Chiêu Nghi và Hầu gia, tôi cũng như ý của sư thầy ạ.
Ôn Như Hầu để túi vải vẫn khoác vai xuống, lấy trong đó hai bọc giấy hồng điều đưa cho Chiêu Nghi. Chiêu Nghi nói:
– Hai thầy cảm thông cho, cung vua bấy nay vốn đạm bạc, gọi là có chút quà mọn biếu hai thầy.
Sư thầy và Cống Hải nhận quà và vái lạy Chiêu Nghi.
Ôn Như Hầu nói:
– Rất may mắn hai thầy nhận lời dạy công chúa. Tôi xin nói vào việc thế này. Việc dạy công chúa Ngọc Bình thì công chúa Ngọc Hân đảm trách là chính. Cô em còn nhỏ mới học xong Tam Tự Kinh. Hai thầy dạy cho Ngọc Hân là chính và để ý xem Ngọc Bình có gì cần uốn nắn. Ngọc Hân đã học Luận ngữ, Trung dung và bắt đầu vào sách Đại học. Đồng thời học xen kẽ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Sử truyện. Từ ngày về Phù Ninh thì Ngọc Hân phải tự học là chính. Chỗ nào chưa hiểu thì Ngọc Hân đánh dấu, có thầy sang thì hỏi. Bấy lâu nay thầy bên Kinh đô sang dạy một tháng sáu lần vào các ngày mùng một, mùng năm, mùng mười, mười lăm, hai mươi, hai lăm hàng tháng. Bây giờ hai thầy nhận dạy cho vào ba ngày nửa tháng trước tức là ngày mùng một, mùng năm, mùng mười hàng tháng. Còn ba ngày sau thì vẫn thầy bên Kinh đô sang dạy.
Cống Hải hỏi:
– Dạ thưa, hai chúng tôi chia nhau sang dạy công chúa vào ngày ba ngày đó, có lẽ thế này cho tiện: Sư thầy dạy buổi sáng, tôi dạy buổi chiều có được không ạ?
– Theo tôi thì được – Ôn Như nói – Hoặc hai thầy có thể đổi sáng chiều thay nhau, thì tùy.
– Vậy xin Hầu gia gợi ý cho về các luận đề để dạy công chúa.
– Thưa hai thầy, công chúa Ngọc Hân đã có thể tự học, hai thầy là người hướng dẫn, chỉ bảo những chỗ khó. Ngoài ra mỗi buổi học hai thầy soạn cho một luận đề, thi đề, hoặc giảng giải một số bài ứng thí hay của các sĩ tử được chấm điểm cao, hay xen kẽ là những bài bình thơ, bình văn. Cuối mỗi buổi học, các thầy ra một số đề văn, thơ để công chúa làm bài trong mấy ngày sau đó rồi nộp quyển. Các thầy chấm, đến buổi học sau mang ra bình, sửa chữa… Việc này thì thầy Cống Hải quá rành rồi. Đây tôi có mang sang tặng hai thầy một số đề thi những năm gần đây và một số quyển thi xuất sắc của các sĩ tử để hai thầy tham khảo, soạn bài cho tiện.
Sư thầy và Cống Hải đón nhận những tập sách giấy bản, giấy xuyến chỉ cả giấy dó được đóng bìa rất cẩn thận.
Cống Hải nói:
-Ôi, quý quá, đây là những văn bản độc nhất vô nhị, chúng tôi cảm ơn Hầu gia.
Ôn Như nói:
-Ở bên Cung Vua, Phủ Chúa có rất nhiều tài liệu văn sách bấy lâu nay các quan tư giảng vẫn dùng để soạn giáo án, nhưng nhiều quá tôi không mang sang được, nhưng tôi sẽ lựa chọn rồi mang sang dần dần cho hai thầy để hai thầy soạn giáo án giảng dạy. Và xin thưa thế này, phần cổ sử, công chúa được học ở bên kinh đô thì chủ yếu là sử Trung Hoa, nay phần quốc sử, xin sư thầy đảm trách cho, có được không ạ?
-Xin vâng, được ạ. –Sư thầy chắp tay nói.
-Tôi xin lưu ý thêm một chút thế này, là công chúa Ngọc Hân có thiên phú văn chương, nên hai thầy, nhất là thầy Cống Hải nên quan tâm tìm chọn những áng văn chương đặc sắc cổ kim đặc biệt là văn chương đương đại mang ra bình để công chúa học tập, tỉ dụ như Chinh phụ ngâm cả nguyên tác và bản dịch.
-Dạ, được ạ. –Cống Hải nói.
Ôn Như Hầu:
-Vậy thì tốt quá. –Ông hỏi Chiêu Nghi:
-Dạ thưa, Chiêu Nghi còn dạy gì nữa không ạ?
Chiêu Nghi nói:
-Xin cảm ơn quan Ôn Như Hầu, cảm ơn hai thầy. Quý vị lo lắng sắp đặt việc học của con chúng tôi vậy là rất chu đáo. Hôm nay là ngày hai mươi tám. Vậy mùng một này mời hai thầy sang dinh Thiết Lâm để dạy buổi đầu tiên, chúng tôi xin nghênh tiếp.
Sư thầy và Cống Hải nói:
-Xin vâng!
-Vậy xin chào hai thầy. – Chiêu Nghi nói.
-Xin đa tạ.
Tiễn khách xong rồi, chỉ còn hai người, nhà sư nói:
-Không biết ông thế nào, chứ riêng tôi, nếu không có lời nhắn gửi kỳ lạ của lão ông bí ẩn lúc chính ngọ, tôi không dám nhận dạy công chúa.
-Bạch thầy vì sao ạ? –Cống Hải hỏi.
-Chắc ông Cống thừa biết, hoàng cung súy phủ bất mục cùng nhau, mình nhận lời giúp bên này, lỡ có chuyện gì giữa hai bên, sao tránh khỏi hệ lụy!
-Thầy nói đúng. Đệ cũng vậy. Nhất là hiện nay nạn kiêu binh ngày càng tệ hại.
-Có lẽ chính vì thế mà thần linh mới hiển hiện nhắc bảo trước hai chúng ta.
-Thế ra thần linh biết trước cả? –Cống Hải hỏi.
–Tâm động quỷ thần tri mà. Vả lại khí số với nhân sự thường đồng đẳng với nhau.
Sư Thanh Tâm nói rồi ngồi đăm chiêu nhìn ra sân nhà tổ lúc này bóng chiều phủ gần hết sân chùa, bắt đầu vào giờ dậu. Tiểu Thanh Tùng cầm chổi quét sân. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lùa từ lối cổng xua đám lá nhãn bay xao xác. Thấy tiểu Thanh Tùng quen quét sân từ trong ra ngoài, nhà sư đứng lên nhắc:
-Thanh Tùng, hôm nay gió tây nam, con phải quét theo chiều gió, kẻo quét mấy hàng, gió lại thổi ngược trở vào mất công.
-Vâng ạ, thưa thầy con vô ý quá.
Cống Hải tiếp câu chuyện:
-Bạch thầy, sáng nay đệ sang Yên Thường gặp mấy người bên kẻ chợ nói chuyện ở Kinh đô mà rùng rợn. Đến cả dinh của Quốc sư tể tướng Nguyễn Khản đẹp là thế cũng bị chúng đập phá tan tành. Quốc sư cùng gia quyến phải chạy sang xứ Đoài. Nguyễn Khản có chú em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Du. Anh này năm nay mới mười bảy tuổi vừa đậu tam trường ở trường Sơn Nam, hình như mười bảy thì chưa đến tuổi bổ làm quan nên vẫn ở nhà. Nguyễn Du làm thơ hay lắm nổi tiếng thần đồng.
-Chỉ riêng cái việc mười bảy tuổi đậu tam trường đã kỳ tài lắm rồi, hỏi thiên hạ mấy ai.
-Nghe nói quê mẹ Nguyễn Du ở làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn xứ Kinh Bắc gần ta đây.
-Đó là cái nôi của văn hóa Đại Việt, nơi tích tụ nhiều tinh hoa sông núi. Ông Cống có biết thêm gì về bà mẹ ấy không?
-Bạch thầy, bà tên là Trần Thị Tần, con gái một người làm chức câu kế. Bà hát quan họ rất hay, có tài sáng tác các bài quan họ. Bà là vợ ba của quan Tư đồ (Tể tướng) Nguyễn Nghiễm. Nghe nói quan Tư Đồ rất mê giọng hát và sắc đẹp của cô nàng vùng Quan họ. Ông sáng tác lời cho một số làn điệu để cô hát. Lời ấy toàn là lời nhớ lời thương thiết tha đến mềm lòng, hai bên dù chênh lệch tuổi tác đến 32 tuổi, ấy thế mà người viết lời, người xướng ca nhập hồn vào nhau lúc nào không biết.
-Thiên bẩm của bà mẹ này đã giúp cho việc kết tụ thần đồng. Thượng Đế dè sẻn lắm lâu lâu mới cho giáng thế một người. Có lẽ một thiên tài xuất hiện.
-Nhà sư bảo Nguyễn Du là một thiên tài?
-Đúng thế.
-Vậy thì may cho nước Đại Việt mình, vẻ vang cho nòi giống. Chứ chả lẽ toàn lũ trâu ngựa ngu đần bạo nghịch thì quốc gia giống nòi lụn bại à?
– Thi tài Nguyễn Du lạ lùng lắm, tôi có chép được một số, lời thơ trau chuốt tài tình, nhất là thơ Nôm.
-Sáng nay ở Yên Thường, đệ cũng chép được hơn mười bài thơ của Nguyễn Du do một ông cống bên kẻ chợ mang sang.
-Thiên tài xuất hiện trong cảnh loạn ly này liệu có tồn tại được hay không?
Cống Hải buồn rầu:
-Bọn kiêu binh biết cái vụ chúa bí mật gọi bốn trấn về dẹp bọn chúng là do Nguyễn Khản bày ra, chúng căm ghét tìm cách hại ông. Hôm bọn kiêu binh đến đập phá dinh, bắt tể tướng Nguyễn Khản, mọi người chạy túa đi các ngả. Cậu tam trường Nguyễn Du vượt rào, lội qua rãnh nước, chạy tắt cánh đồng người lấm như trâu đằm gai cào rách hết quần áo, may có người nông phu đỡ đần cưu mang mới thoát chết (1).
(Còn Tiếp)
Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 1)
Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 2)
Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 3)
—
- Hoàng Lê Nhất thống chí (hồi thứ ba) viết:
Quốc sư Nguyễn Khản đóng cửa nằm nhà không dám vào triều. Tan chầu, quân lính chia nhau đi bủa vây các dinh thự. Vào nhà Dương Khuông và Triêm Vũ Hầu, chúng không thấy hai người, chúng hò nhau phá nhà. Chỉ trong chốc lát, cả hai dinh đều bị san thành đất bằng.
Riêng ở dinh quốc sư Nguyễn Khản có một thủ hạ là người khách phương Bắc (người Trung Quốc) vốn rất giỏi kiếm pháp. Nghe tin có biến, anh này vội tuốt gươm đứng giữa cổng. Quân linh trông cũng ngại, lại ngờ là còn nhiều tay kiếm khách khác nên không dám vào. Nhưng lâu lâu họ thấy ra vào vẫn chỉ có một anh này tức thì cả bọn đều sấn ngay vào sát cổng. Kiếm khách múa gươm ra đánh, chém bị thương vài người, quân lính kéo ùa vào bao vây vằm anh này nát như bùn. Rồi họ xống thẳng vào trong dinh; lúc ấy quốc sư Nguyễn Khản đã thay đổi quần áo, theo đường tắt chạy ra cửa ô Trường bắn trốn đi rồi. Quân lính lập tức phá tan dinh của Khản.
Chúa vốn quý Khản, nghe tin dinh của ông có kiếm khách canh giữ, cho rằng Khản đã phòng bị chắc không việc gì, bèn sai một hiệu quân đến ngay đó để phân giải. Nhưng lúc quan quân tới nơi thì dinh thự đã bị phá hết.
Sau đó đám tàn quân lại kéo về phủ bảo với chúa rằng:
-Quốc sư mang quân ra ngoài làm loạn, xin chúa cho người đuổi bắt!
Chúa bất đắc dĩ phải sai viên thị thần là Thiêm tri binh phiên Thoan Trung hầu đem quân đuổi theo Khản nhưng lại dặn nhỏ là cứ đi từ từ để cho Khản chạy thoát. Thoan Trung Hầu đuổi đến ô Cầu Giấy không theo kịp Khản, lại quay trở về.
Kiêu binh giận Thoan Trung Hầu không chịu đem hết sức ra đuổi, liền kéo đến phá nhà Thoan. Thoan Trung Hầu cũng phải chạy trốn nốt.