Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 5)

725

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hai bản dịch trên, đầu giờ học thầy đưa ra như một khuôn mẫu vậy mà đến lượt Ngọc Hân dịch, cô rút lại gọn gàng còn mười câu. Táo bạo! Táo bạo thật. Thầy Cống từng chấm hàng nghìn bài của học trò, chưa bao giờ gặp trường hợp bất ngờ như thế này.

CHƯƠNG 5

Thầy giáo làng dạy hai công chúa

Bà Chiêu Nghi phơi lụa ươm tơ

Kỳ đồng nhi nữ dịch thơ

Buổi đầu tiên đã bất ngờ khuyên son.

Ngày đầu tiên dạy học cho hai công chúa là mùng một tháng chạp năm quý mão (28 tháng 12 năm 1783), sư Thanh Tâm bảo ông Cống Hải dạy buổi sáng cho nhà sư ngồi dự để tham khảo cách dạy. Cống Hải đã quen, còn sư thầy thì là lần đầu. Hai người từ bên chùa sang dinh Thiết Lâm đúng giờ thìn. Chiêu Nghi và hai công chúa đón hai thầy từ cổng.

-Xin chào hai thầy. – Chiêu Nghi nói.

-Tiểu sinh xin chào thầy ạ. Hai công chúa nói và cúi đầu thấp.

Hai thầy đáp:

-Chào bà Chiêu Nghi . Chào hai tiểu sinh.

Chiêu Nghi dẫn hai thầy vào nhà Đãi nguyệt tạ, mời hai thầy ngồi trên chiếc sập gụ chân quỳ ở gian giữa. Bên ngoài, cách sập chừng một bước chân là hai bàn học của hai công chúa.

Trình độ của Ngọc Bình thấp hơn chị nhiều, nhưng hai thầy cho ngồi nghe, tiếp thu được chút nào càng tốt.

Buổi đầu là bài học về thơ đương đại. Thầy Cống Hải đưa Ngọc Hân bài thơ dài “Chinh Phụ Ngâm” của thi sĩ Đặng Trần Côn bảo cô đọc. Trước hết để kiểm tra xem vốn chữ Hán của cô thế nào. Sau là xem tình cảm của cô thể hiện qua những dòng thơ lâm ly bi tráng ấy ra sao.

Ngọc Hân hai tay đỡ tập sách thầy đưa cho, cô ngồi xếp bằng tròn trước bàn mở sách đọc:

Thiên địa phong trần

         Hồng nhan đa truân

         Du Du bỉ thương hề, thùy tạo nhân?

         Cổ bể thanh động Trường an nguyệt,

         Phong hoa ảnh chiếu Cam tuyền văn.

         Cửu trùng ấn kiếm, khởi dương tịch

         Bán dạ phi hịch truyền tướng quân.

         Thanh bình tam bách niên thiên hạ,

         Tùng thử nhung y thuộc vũ thần

Sứ tinh Thiên môn thôi hiếu phát

         Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt…

Hai thầy ngồi nghiêng nghiêng, đầu hơi cúi xuống thưởng thức áng thi ca tuyệt tác nhưng chủ yếu là theo dõi cô học trò mới. Giọng đọc của Ngọc Hân trong trẻo, tròn và rõ, đôi khi thể hiện sự xúc động và cô có sự kìm nén. Ngọc Hân đọc một mạch, không sai chữ nào, rất lưu loát mà đúng nhịp, đúng cung bậc tình cảm của bài thơ một cách khá tự nhiên, chân thực. Cống Hải rất hài lòng. Ngọc Hân đọc khoảng một nửa áng thơ, thấy cô ngồi xếp bằng tròn có vẻ đã mỏi, hai chân nhúc nhích xoay bên này xoay bên kia. Sợ trò tê chân, thầy Cống bảo:

-Thôi, trò hãy nghỉ đã.

Ông bảo hai trò ra ngoài chơi một lát, hai thầy ngồi uống trà. Bà Chiêu Nghi đang ươm tơ ở nhà dưới, xong việc lại ra giúp người hầu gái phơi lụa trên sân. Tấm lụa dài phải vắt nhiều vòng như rồng cuộn trên hai cây sào tre dài gần suốt sân. Hai thầy để ý trong khi thầy Cống dạy học thì Chiêu Nghi và những người làm việc ở mấy nếp nhà xung quanh đều giữ yên tĩnh, mọi tiếng động hầu như không có.

Sư thầy và Cống Hải đứng dậy mời Chiêu Nghi vào dùng trà. Chiêu Nghi ngồi một bên phản, hai thầy ngồi một bên.

-Thưa hai thầy, trà này dùng có được không? – Chiêu Nghi hỏi.

-Thưa Chiêu Nghi, đây là trà Thái Nguyên trồng trên núi cao được chọn lựa tinh khiết, quý lắm ạ. Sư thầy nói.

Cống Hải đặt chén trà xuống, chắp tay:

-Thưa Chiêu Nghi, hai công chúa thông minh, chăm học. Xin bà Chiêu Nghi lưu ý cho việc này, là hai tiểu sinh ngồi chiếu, với chiếc bàn thấp thế kia sẽ chóng mỏi, ảnh hưởng tới việc học và ảnh hưởng tới cả sức khỏe, bởi cơ thể đang độ phát triển. Vậy xin Chiêu Nghi cho thợ đóng hai cái bàn học khác cao đúng tầm hai trẻ và ngồi bằng ghế có tựa.

-Vâng, cảm ơn thầy, tôi sẽ cho làm ngay. Thầy có thể ghi cho kích thước bàn ghế được không?

-Dạ được. Ở lớp học của chúng tôi cũng đã có những chiếc bàn ghế theo kích thước này.

Cống Hải lấy giấy vẽ mẫu bàn ghế ghi rõ kích thước cho thợ dễ làm rồi trao cho Chiêu Nghi .

Chiêu Nghi vui mừng:

-Nói thực với hai thầy, chúng tôi cũng hay qua loa tùy tiện, được thầy chỉ cho thật là quý. Nhưng ở bên Kinh đô, tôi thấy đa số các trò ngồi học cũng vẫn theo kiểu xếp bằng tròn trên chiếu, nhiều lớp không có cả bàn học nữa, thầy trò phải cúi lom khom viết. Thì ra lớp học của các thầy ở Phù Ninh ta đây còn tiến bộ hơn cả bên kinh kỳ.

-Thưa Chiêu Nghi, chúng tôi dạy học trò là phải quan tâm đến tất cả mọi mặt, nhất là sức khỏe của các cháu, có khỏe thì mới học và hành được chứ ạ.

Sư thầy nói:

-Thưa Chiêu Nghi, lớp học của ông Cống đây rất đông học trò. Nhiều người ở xa cả bên kia sông cũng sang đây xin cho con em được học. Nhiều trò phải tìm nhà trọ.

-Ôi, con cái nhà ai được học các thầy thật là may mắn. Chúng tôi cũng trong số những người may mắn ấy. Xin chân thành cảm ơn hai thầy. Thôi, xin phép khỏi mất thì giờ của hai thầy.

-Xin đa tạ!

-Xin đa tạ!

Cống Hải ra thềm gọi to:

-Hai tiểu sinh vào học tiếp nào!

-Vâng ạ.

Hai cô công chúa trở lại chiếu học có vẻ hào hứng. Thầy Cống bảo Ngọc Hân chuẩn bị chép bài. Thầy đọc hai khúc bản dịch phần đầu bài thơ Chinh phụ ngâm, bảo Ngọc Hân viết bằng chữ Nôm mục đích kiểm tra trình độ chữ Nôm:

Bản thứ nhất:

Trời đất thuở gió bay bụi nổi

         Khách hồng nhan nhiều nỗi truân chuyên

         Kìa xa thăm thẳm Thương nhiên

         Hỏi ai gây dựng nhân duyên lỡ làng

         Vang tiếng trống rung Tràng An nguyệt

         Ngoài cam tuyền lửa khét trời mây

         Chín lần gươm việt cầm tay

         Nửa đêm cửa tướng hịch bay bời bời

         Ba trăm năm dưới trời bình trị

         Việc nhung y nẩy ý can trường

         Sử tinh sớm giục lên đường

         Người đi vì nước xem thường biệt ly…

 

Bản thứ hai:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

         Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

         Xanh kia thăm thẳm từng trên

         Vì ai  gây dựng cho nên nỗi này

         Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt

         Khói cam tuyền mờ mịt thức mây

         Chín lần gươm báu trao tay

         Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh

         Nước thanh bình ba trăm năm cũ

         Áo nhung trao quan vũ từ đây

         Sứ trời sớm giục đường mây

         Phép công là trọng, niềm tây sá nào…

Thầy Cống hỏi:

-Trong phần đầu hai bản dịch này, có chữ nào tiểu sinh không viết được không?

Ngọc Hân thưa:

-Thưa thầy, tiểu sinh viết được đầy đủ cả nhưng xin thầy chấm xem có chữ nào tiểu sinh viết sai không ạ!

Ngọc Hân soi tờ giấy thấy mực cũng vừa khô cả, hai tay đưa bản vừa viết cho thầy.

Thầy Cống xem rồi nói:

Tiểu sinh viết chữ rõ ràng, tốt. Chỉ có hai chữ sai, ấy là chữ biệt và chữ tây. Tiểu sinh chú ý nghe đây, trong từ biệt ly, thì chữ biệt không viết bằng chữ Hán được mà viết chữ viễn bên phải và chữ biệt bên trái để thể hiện biệt ly xa xôi cách trở. Ở bản dịch thứ hai, chữ tây này là riêng tây, từ thuần Việt thì trò không được viết chữ tây là phương tây theo chữ Hán mà phải hiểu thế này, niềm tây là nỗi niềm riêng của con người vậy phải có chữ nhân là người bên phải, đó là chữ nhân đứng cùng với chữ tây bên trái để chỉ ra cách đọc. Trò hiểu chưa?

Ngọc Hân đứng dậy khoanh tay nói:

-Thưa thầy tiểu sinh hiểu rồi ạ!

-Chữ Nôm hiện nay chưa được điển chế, có nhiều cách viết khác nhau, ở hai bản này tiểu sinh có sáng tạo một số cách viết khác với thông thường nhưng đều có lý và chấp nhận được như chữ má hồng, chữ lung lay bóng nguyệt. Cả hai bản dịch chữ Nôm, tiểu sinh chỉ sai có hai chữ, như vậy cũng là khá. Cần cố gắng hơn cho thật giỏi. Nhớ chưa?

-Thưa thầy, tiểu sinh xin ghi nhớ ạ.

-Cho tiểu sinh ngồi xuống.

-Tiểu sinh cảm ơn thầy.

-Bây giờ tiểu sinh lắng nghe thầy giảng khái quát chung về tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Tác phẩm “Chinh phụ ngâm” do Đặng Trần Côn tiên sinh viết bằng Hán văn. Đây là lời tâm sự thở than của người chinh phụ có chồng chinh chiến xa lâu không về. Cảnh ly biệt, nỗi nhớ thương, mong chờ, nỗi lo cho chồng ở nơi trận mạc hiểm nguy, nỗi buồn cho mình trong cảnh lạnh lùng chiếc bóng vẫn thủ tiết chờ chồng… Phần cuối là mong chồng sớm lập công danh mau chóng trở về xum họp gia đình.

Bài thơ dài gồm bốn trăm tám mươi ba câu. Hôm nay học phần mở đầu thôi, hai buổi sau thầy dạy những phần còn lại.

Bài thơ theo cách trường đoản cú, tức là thơ tự do. Trong khi hầu hết các áng văn thơ vẫn theo niêm luật chặt chẽ gò ép từ thời nhà Đường bên Trung Hoa, vậy mà Đặng tiên sinh phá cách, phá luật viết khoáng đạt là một sự tìm tòi táo bạo, rất tiến bộ, mọi người nên học tập tiên sinh. Viết tự do rất khó bởi không dựa tí gì vào vần luật, muốn đứng vững được phải có bản lĩnh lớn, phải có ý tứ cao sâu, nghệ thuật hình ảnh phải điêu luyện, ngôn từ phải sáng tạo mới mẻ. Hai câu mở đầu bài thơ có hai hình ảnh là hình ảnh gì và nói lên điều gì? Trò hãy đọc lên và trả lơi?

Ngọc Hân vẫn ngồi khoanh tay, nói:

Thưa thầy, hai câu mở đầu:

Thiên địa phong trần

         Hồng nhan đa truân

Có hai hình ảnh đó là trời đất gió bụi và người con gái má hồng nhiều truân chuyên.

-Hai hình ảnh đó đặt cạnh nhau thể hiện điều gì?

-Thưa thầy hai hình ảnh đó đặt cạnh nhau thể hiện cái thì to lớn phũ phàng mà phận người thì nhỏ bé mong manh.

-Trò nói đúng, đáng khen. Trong nghệ thuật thi ca, người ta gọi cái đó là tương phản. Cách này rất phổ biến và rất hữu hiệu trong thơ. Trời đất gió bụi là một sự ẩn dụ chỉ nước non tao loạn, làm cho người hồng nhan phải chịu nhiều khổ cực. Hai câu đầu gây cho ta cảm xúc gì?

-Thưa thầy, hai câu đầu gây cho ta cảm xúc thương xót ạ.

-Trò nói đúng. Ngay mở đầu, tiên sinh đã khiến ta cảm thương sâu sắc phận người hồng nhan. Câu sau, trò đọc tiếp?

-Thưa thầy:

Du Du bỉ thương hề, thùy tạo nhân?

-Trò dịch nghĩa?

-Thưa thầy, nghĩa là: ôi buồn thay, hoàn cảnh bi thương này ai gây ra?

-Trò dịch được. Tốt, đáng khen. Hai bản dịch thầy đọc cho trò chép đó là bản dịch của Đoàn Thị Điểm nữ sĩ và Phan Huy Ích tiên sinh. Nói chung cả hai bản dịch đều tuyệt diệu. Hôm nay thầy ra hai bài để trò tập: Một là hãy so sánh hai bản dịch ấy xem mỗi bản hay ở chỗ nào và chưa hay ở chỗ nào? Rõ chưa?

-Thưa thầy tiểu sinh nhớ rồi ạ!

-Còn bài tập thứ hai, trò hãy dịch những câu thơ chữ hán trong phần đầu ấy bằng thể thơ khác như ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát… Rồi kỳ sau đưa thầy chấm.

-Thưa thầy vâng ạ. Tiểu sinh xin thầy một điều được không ạ?

-Điều gì trò nói đi?

-Thưa thầy hai bài tập ấy, tiểu sinh xin làm một bài tại đây đó là bài dịch thơ, còn bài so sánh hai bản dịch thì để sau ạ. Trong lúc ấy xin thầy kiểm tra và chỉ bảo cho em Ngọc Bình học ạ.

-Được. Vậy trong khi thầy dạy Bình học thì trò lui xuống nhà dưới làm bài cho yên tĩnh. Nghe thầy bảo đây, dịch thơ là việc rất khó, trò hãy tĩnh tâm suy nghĩ, chọn hình ảnh chọn chữ cho kỹ, viết vào bản nháp sửa đi sửa lại thật tốt rồi chép lại sạch sẽ để thầy chấm.

-Vâng ạ. –Ngọc Hân mang giấy bút xuống nhà dưới làm bài.

Thầy Cống Hải hỏi Ngọc Bình:

-Trò học những sách gì rồi?

-Thưa thầy, tiểu sinh học hết sách “Tam tự kinh” rồi ạ.

-Trò còn bé mà học được thế là tốt, đáng khen. Trò đọc mấy trang cho thầy nghe:

Ngọc Bình không cầm sách mà cô đọc thuộc lòng:

Tam tự kinh

Nhân chi sơ

Tính bản thiện

Tính tương cận

Tập tương viễn…

Cô bé đọc chừng năm trang sách, thầy Cống bảo dừng lại, thầy khen “tốt”. Rồi thầy bảo cô bé viết lại những câu mới đọc đó. “Trò viết lấy một trang giấy, chữ nào quên thì hỏi, thầy chỉ cho…”.

Ngọc Bình viết, thỉnh thoảng lại hỏi: “Thưa thầy, chữ “thiện” viết thế nào ạ? Chữ “viễn” viết thế nào ạ”?

Viết một trang, cô bé hỏi đến năm chữ. Như thế cũng là khá. Được thầy khen, cô bé thích lắm.

Ngọc Hân cầm bản dịch thơ từ nhà ngang vào:

-Thưa thầy, tiểu sinh làm xong bài rồi ạ.

Thầy Cống ngạc nhiên, cô bé dịch nhanh thế a?

-Trò dịch sang thể thơ gì?

-Thưa thầy tiểu sinh dịch ra thơ lục bát.

-Tốt. Đọc đi.

Ngọc Hân cầm giấy đứng nghiêm trang đọc:

Đất trời gió bụi tiêu điều

Phận hồng nhan phải chịu nhiều đắng cay

Ai gây ra cảnh đau này

Tràng thành trống giục lung lay trăng tà

Cam tuyền khói tỏa mây xa

Trao gươm truyền hịch canh gà xuất binh

Ba trăm năm nước thanh bình

Áo nhung quan vũ tạc hình uy nghi

Sứ trời sớm giục quân đi

Nặng là phép nước, biệt ly xá gì.

-Thưa thầy hết ạ.

Thầy Cống bảo:

-Đưa thầy xem.

Ngọc Hân hai tay đưa bản dịch cho thầy.

Thầy Cống Hải nói:

-Nguyên tác chữ Hán có mười một câu, trò dịch còn mười câu phải không?

-Thưa thầy vâng ạ. Bởi lục bát mỗi cặp hai câu, mười một thì lẻ, bởi vậy hai câu:

Cửu trùng ấn kiếm, khởi dương tịch

Bán dạ phi hịch truyền tướng quân.

Trò dồn lại trong một câu là:

Trao gươm truyền hịch canh gà xuất binh.

-À trong khi hai bản dịch trước thì ngược lại, mười một câu chữ Hán thành mười hai câu song thất lục bát.

Du Du bỉ thương hề, thùy tạo nhân?

Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch thành hai câu:

Xanh kia thăm thẳm từng trên

         Vì ai  gây dựng cho nên nỗi này

Còn trò thì dịch là:

Ai gây ra cảnh đau này.

Thầy Cống xem bản nọ bản kia đối chiếu có ý so sánh cân nhắc. Một bên kéo dài ra một chút, một đằng thì cô đọng lại. Nên chê hay nên thưởng? Hai bản dịch trên, đầu giờ học thầy đưa ra như một khuôn mẫu vậy mà đến lượt Ngọc Hân dịch, cô rút lại gọn gàng còn mười câu. Táo bạo! Táo bạo thật. Thầy Cống từng chấm hàng nghìn bài của học trò, chưa bao giờ gặp trường hợp bất ngờ như thế này.

Ngọc Hân hồi hộp chờ đợi có vẻ lo lắng lắm.

-Bản dịch ra thơ lục bát của trò, thầy có nhận xét thế này. –Nhưng thầy lại dừng lại lần nữa, ra chiều suy nghĩ cân nhắc thêm, căng thẳng lắm chăng?

Ngọc Hân càng lo.

-Dạ, tiểu sinh xin lắng nghe.

Giọng cô run lên, có vẻ như nếu chờ lâu chút nữa, cô sẽ khóc. Thầy thì băn khoăn, trò thì chờ đợi.

Thế rồi thầy ngồi thẳng người nghiêm trang như sắp ban ra một quyết định khó khăn quan trọng. Thầy nhìn cô học trò đang run lên, thầy nói chậm rãi, chắc nịch từng tiếng:

-Thầy nhận xét về bài tập của trò. Nghe đây: trò dịch sát nghĩa, thơ rất có hồn, cảm động. Thơ lục bát vần nhịp tốt, thỉnh thoảng trò thay nhịp bốn-hai-hai thành nhịp ba-ba-hai như câu “Phận hồng nhan phải chịu nhiều đắng cay” làm cho câu thơ linh động. Có điều đặc biệt này, mười một câu nguyên tác trò dịch còn mười câu lục bát, ý tứ vẫn bảo toàn trọn vẹn, thật đáng khen. Thầy thưởng cho trò hai khuyên.

Thầy cống cầm bút son khuyên tròn hai khuyên vào bản dịch của Ngọc Hân.

Sự hồi hộp căng thẳng của Ngọc Hân lúc bấy giờ mới được giải tỏa, những giọt lệ trong như ngọc lăn xuống má, cô sung sướng đón nhận:

-Tiểu sinh cảm ơn thầy rất nhiều ạ!

Cô giơ tay áo quệt nước mắt. Ngọc Bình cũng sung sướng đứng lên ôm lấy chị: “Ôi, chị giỏi quá!” “Cảm ơn em!”

Nhìn bóng nắng đã sắp sang giờ ngọ, thầy Cống bảo:

-Thầy cho hai trò nghỉ.

Hai trò nói:

-Xin đa tạ! Xin đa tạ!

Nhà sư Thanh Tâm nói:

-Hai trò nghe thầy bảo đây, chiều nay đúng giờ thân, thầy sang dạy hai trò về quốc sử Đại Việt. Hai trò chuẩn bị sách bút nghiên cẩn thận và mang theo cuốn Sử ký nhé.

-Thưa thầy, tiểu sinh xin nhớ lời thầy ạ.

 

*

Ra khỏi dinh Thiết Lâm, nhà sư bảo:

-Mời thầy Cống vào chùa xơi nước đã.

-Xin vâng.

Hai thầy thưởng thức ấm trà tiểu Thanh Tùng dâng lên.

Nhà sư nói:

-Cảm ơn thầy Cống cho tôi ngồi nghe để học hỏi cung cách dạy của thầy, chiều nay đến lượt tôi, tôi cũng theo cung cách ấy cho thống nhất.

-Có gì không được, xin thầy chỉ giáo cho.

-Dạ, thầy dạy mẫu mực và sâu sắc lắm. Chiều nay đến phiên tôi dạy, xin mời thầy Cống ngồi dự rồi chỉ cho những chỗ khiếm khuyết.

-Xin sư thầy miễn cho, chiều nay đệ phải giảng quyển cho hai học trò có hẹn trước.

-Bần tăng ngồi học tập thầy và có điều kiện quan sát hai học trò, tôi thấy hai công chúa không những xinh đẹp mà rất thông minh.

-Bạch thầy, điều này thì quá rõ. Xem mười câu thơ dịch của Ngọc Hân, nói thực với sư thầy, tôi sửng sốt giật mình, thật là kỳ tài. Nhưng lúc ấy tôi phải nén lòng lại điềm tĩnh nhận xét vừa phải thôi, kẻo dẫn đến tuổi trẻ dễ tự phụ kiêu căng. Nhưng rồi tôi cũng phải hạ bút cho hai khuyên son.

-Thầy nhận xét và thưởng hai khuyên son là rất đúng. Cô trò này có lẽ là một kỳ đồng. Tôi còn thấy điều nữa ở hai công chúa, thực ra thì cũng chưa rõ lắm, chiều nay tôi sẽ hỏi về ngày giờ sinh của hai cô ấy và mở sách xem lại thì mới dám nói. Nhưng hiện giờ thì chỉ thấy một điều thế này, ông Cống ạ.

-Điều gì, thưa thầy?

-Ấy là cả hai cô đều thể hiện quý tướng rất lạ lùng. Sử sách sau này sẽ nhắc tới hai cô nhiều đấy, các tài tử văn nhân sẽ tốn nhiều giấy mực.

Cống Hải giật mình:

-Lại đến thế nữa, thưa sư thầy? Vậy thì trách nhiệm của thầy, của đệ rất nặng. Dạy học trò mà biết sau này họ liên quan đến cả lịch sử nữa, đệ lo lắm. Không biết hay dở thế nào, hay thì không sao, mà dở, lịch sử lên án mình thì khổ cho con cháu.

-Quả như thế thật, tôi cũng rất lo, nhưng theo thiển ý tôi thì không đến nỗi quá dở đâu. Nói đúng hơn là mừng có mà lo cũng có. Thời nào thì cũng vậy, trách nhiệm ở ông thầy trước hết phải định hình nhân cách cho trò, sau mới là văn sách. Nhưng lo cũng chẳng còn cách nào thoái thác được nữa rồi. Thầy với bần tăng như cưỡi trên lưng cọp rồi, chỉ còn cách là làm hết sức mình, rồi trông chờ ở phúc trạch vậy thôi.

(Còn Tiếp)

Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 1)

Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 2)

Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 3)

Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 4)