Bạch Mai – ‘nhành mai trắng’ của sân khấu tuồng cổ

850

Nghệ sĩ Bạch Mai một thời tung hoành với đoàn Huỳnh Long, góp công vực dậy tuồng cổ qua loạt tác phẩm “Xử án Phi Giao”, “Giang sơn mỹ nhân”…

Nghệ sĩ – soạn giả Bạch Mai qua đời ở tuổi 73, khuya 25/8 sau gần một tháng nhập viện điều trị Covid-19 và bệnh nền như suy hô hấp cấp, tiểu đường… Nghệ sĩ Linh Tâm nói bàng hoàng khi đàn anh Vũ Linh khóc báo tin buồn qua điện thoại. Anh cho biết: “Sân khấu đã mất đi một ngôi sao, một tác giả với nhiều kịch bản đặc sắc. Không thể kể hết những đóng góp của chị ở lĩnh vực tuồng cổ”.

Trong làng sân khấu miền Nam, giới mộ điệu từng ví nghệ sĩ như một nhành mai trắng hương sắc thanh tao. Vóc người nhỏ nhắn, đôi mắt to tròn, cô bé Ngọc Mai (tên thật của Bạch Mai) gia nhập giới tuồng cổ thập niên 1960. Bà thuộc thế hệ đầu tiên thành danh với cải lương hồ quảng, sau sự khai phá của các tên tuổi đi trước như Khánh Hồng, Bảy Huỳnh, Minh Tơ… Thừa hưởng đam mê ca diễn từ cha mẹ – nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương (hai tên tuổi sáng lập đoàn Huỳnh Long), bà nhanh chóng có được những vai đào thứ khi mới 13-14 tuổi.

Bước ngoặt đến với Bạch Mai năm 15 tuổi. Khi ấy, nghệ sĩ Năm Thài – ngôi sao của gánh – nghỉ hát, đúng vào đêm diễn tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài, không ai dám thay thế. Bạch Mai bèn xin cha mẹ cho bà được đóng vai Mạnh Lệ Quân để cứu nguy cho đoàn. Bất ngờ, vai diễn thành công ngoài sức tưởng tượng. Từ đó, Bạch Mai chuyên đảm trách các vai chính cho gánh hát của gia đình.


Nghệ sĩ Bạch Mai qua đời khuya 25/8, thọ 73 tuổi.

Khác nhiều cô đào đương thời, bà có khả năng diễn nhiều dạng nhân vật, nhất là đào võ và đào độc, nhờ thủ pháp nhập vai biến hóa, vũ đạo điêu luyện. Bà chinh phục nhiều thế hệ công chúng với vai Lưu Kim Đính trong tuồng kinh điển Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, nhất là cảnh múa đao đánh hạ ba tướng ở ba cửa thành. Đến cửa thành thứ tư, hình ảnh Lưu Kim Đính ngồi bệt xuống đất, vừa khóc thương vừa run run đưa tay vuốt lưng con ngựa đã kiệt sức vì tận lực với chủ tướng, lấy nhiều nước mắt khán giả. Diễn xuất nhập tâm, lời ca tiếng hát cảm xúc của nghệ sĩ khiến khán giả quên đi sự ước lệ, tượng trưng của sân khấu tuồng cổ để hòa trọn vẹn vào tình cảnh của nhân vật. Bạch Mai – cùng chồng – cố nghệ sĩ Đức Lợi trở thành đôi đào kép được yêu thích lúc bấy giờ bởi tương xứng về tài năng lẫn ngoại hình.


Bạch Mai bên con trai – cố nghệ sĩ Chinh Nhân.

Bạch Mai là một trong những tên tuổi quan trọng của sân khấu tuồng cổ miền Nam hơn nửa thế kỷ qua. Bà cùng các em Thanh Bạch (tuồng cổ), Kim Phượng, Bạch Nga, Thanh Châu – gây dựng Huỳnh Long trở thành đại bang hùng mạnh. Tiến sĩ Lê Hồng Phước – chuyên nghiên cứu ngành lịch sử văn hóa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM – đánh giá, trong hai gia tộc tuồng cổ lớn nhất miền Nam, nếu nghệ sĩ Thanh Tòng là trụ cột của nhánh Minh Tơ, Bạch Mai là linh hồn của nhánh Huỳnh Long. Sự khác biệt giữa hai gia tộc cũng thể hiện rõ nét trong phong cách ca diễn, sáng tác của hai tên tuổi này. Anh Hồng Phước nói: “Tôi mê Bạch Mai ca diễn Lưu Kim Đính từ nhỏ. Đến khi cô qua đời, đó vẫn là phong cách độc nhất của cô, không trùng lặp với ai, từ cách ca đặc trưng và vũ đạo điêu luyện. Thế hệ sau của Huỳnh Long nói riêng và của cải lương tuồng cổ nói chung còn phải học hỏi cô rất nhiều”.

Đến tuổi trung niên, bà dần lùi lại ở vị trí đạo diễn, soạn giả của hơn 50 tác phẩm tuồng cổ như Giang sơn mỹ nhân, Tấm Cám, Mạnh Lệ Quân, Ngũ biến báo phu cừu… Trong đó, Xử án Phi Giao – vở Bạch Mai viết đo ni đóng giày cho học trò, nghệ sĩ Ngọc Huyền – là tác phẩm tiêu biểu. Ngọc Huyền vào vai mỹ nhân Phi Giao, người từ khi mới nhập cung đã khiến hoàng đế Anh Tôn (Kim Tử Long đóng) mê mẩn, bỏ bê triều chính. Ban đầu, chị lo lắng vì trước đó chỉ chuyên đóng đào thương, chưa quen vai phản diện. Bạch Mai khuyên học trò tự tin để có vai diễn ghi dấu ấn trong sự nghiệp.

Với tài dựng vở của Bạch Mai, Ngọc Huyền có nhiều “đất” diễn, từ cảnh Phi Giao bộc lộ tham vọng quyền lực đến khi ăn năn vì nhận ra bi kịch của tranh quyền đoạt vị. Tác phẩm trở thành một trong những vở tuồng ăn khách bậc nhất thập niên 1990, đưa tên tuổi Ngọc Huyền lẫn Kim Tử Long lên hàng ngôi sao. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 2019, Bạch Mai cho biết: “Sau một đêm đài truyền hình phát ‘Xử án Phi Giao’, sáng hôm sau, tôi đi ra chợ, người dân xúm lại đông nghẹt, hỏi tôi về vở diễn”. Năm 2017, Ngọc Huyền tái diễn vở trong liveshow hội ngộ khán giả sau 17 năm xa quê. Tác phẩm tiếp tục tạo nên cơn sốt dù giá vé lên đến sáu triệu đồng. Trong bản dựng này, Bạch Mai vẫn theo sát học trò, giúp chị tạo nhiều lớp diễn mới.

Thập niên 1990, trào lưu làm video cải lương lên ngôi, đưa loạt nghệ sĩ sân khấu trở thành tên tuổi nổi tiếng như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Linh Tâm, Cẩm Thu, Thoại Mỹ, Vũ Luân… Nhiều vở họ diễn đều là tác phẩm do Bạch Mai chấp bút. Nhiều nghệ sĩ đoạt huy chương vàng cải lương Trần Hữu Trang cũng nhờ thể hiện các sáng tác của Bạch Mai, học hỏi kinh nghiệm ca diễn từ bà.


Bạch Mai bên con gái Bình Tinh.

Những năm sau này, Bạch Mai đau đáu nỗi niềm duy trì của nghệ thuật tuồng cổ. Bà thương các diễn viên trẻ ngày nay kém may mắn vì ít có sàn diễn để thi thố tài năng. Tuổi già, sức khỏe suy giảm, bà gửi gắm kỳ vọng phục dựng thời hoàng kim của Huỳnh Long cho các con. Khi con trai – nghệ sĩ Chinh Nhân đột ngột qua đời đầu năm 2016, bà tìm đến Phật pháp để nguôi ngoai nỗi đau. Niềm an ủi cuối đời của Bạch Mai là con gái út Bình Tinh đã đủ mạnh mẽ, cứng cáp để thay mẹ lèo lái đoàn hát của gia tộc. Bình Tinh cho biết, mỗi khi dựng vở, sửa kịch bản, chị đều nhờ mẹ góp ý. “Khi ấy, tôi thấy đôi mắt mẹ ánh lên niềm hạnh phúc. Có lẽ, bà nhận ra con gái đã làm được điều gì đó để bà tự hào”, Bình Tinh từng nói.

Theo Mai Nhật/VnExpress