Bài thơ ly biệt

2186

Nguyễn Thanh

“Anh ở, em về, ai nhớ ai?
Chắc là thương nhớ cả về hai?”

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đoàn tụ và biệt ly là sự cố thường gặp, trong thi ca, qua phạm trù không gian và thời gian của một đời người. Chủ thể chính của xen (scène) tấn kịch đời mang ít nhiều tính bi hài này là người đi và kẻ ở diễn ra trong một bối cảnh tương hợp.

Có người ra đi là để đoạn tuyệt dứt khoát với quá khứ buồn đau hay thoát ly một thực tại không đáp ứng được lòng hoài mong, để tìm về một bình minh tươi sáng hơn: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta, có thế thôi/ Đã biết không mọi người sum họp mãi/ Bận lòng chi nữa lúc chia phôi”. Đôi khi, đối lập với trạng huống tình cảm trên thì đi là chết trong lòng một ít.(1)

Khác với cảnh chia tay giữa Thái tử Đan, nước Yên ngày xưa đã tiễn đưa Kinh Kha bên bờ sông Dịch, với hùng khí bốc dựng tóc, chàng tráng sĩ trước cảnh trời rộng sông dài, biểu trưng một ý chí mãnh liệt, quyết tâm tiêu diệt Thủy Hoàng bạo chúa: “Giã từ Yên thái tử/ Tóc hùng chạm mũ ai/ Người thời xưa đã khuất/ Nước còn lạnh hôm nay” (Trần Trọng San dịch). Thử địa biệt Yên Đan/ Tráng sĩ phát xung quan/ Tích thời nhân dĩ một/ Kim nhật thủy do hàn – Lạc Tân Vương (Dịch thủy tống biệt).

Thường khi, cảnh chia tay diễn ra với hình ảnh những giọt lệ đau buồn của nỗi lòng vụn vỡ, với âm vang ảo não của những cung nhạc sầu tê tái: “Giờ phút chia ly đã điểm rồi/ Nghẹn ngào lặng nuốt lệ thầm rơi/ Mang mang nửa cõi lòng tan tác/ Ly biệt xui chi tủi trọn đời.” (2) Nguyễn Thanh dịch.

Nhưng có lẽ đau khổ bi thương nhất là cuộc chia tay giữa hai bạn tù khác phái diễn ra trong nhà ngục đế quốc. Một người được trả về thế giới tự do rộng rãi bên ngoài và một còn bị kéo dài cuộc đời bị giam cầm nơi lao lý tối tăm. Bi kịch này diễn ra trong bài thơ “Tiễn người em gái ra tù” của Ái Nhân.

Bài thơ viết theo lối thơ mới bảy chữ với âm hưởng thơ Đường, gồm năm khổ trong đó khổ thứ ba chỉ gồm hai câu là trường hợp ít thấy ở thể loại này.

Mở đầu bài thơ là lời của người sắp giã từ, một câu hỏi bâng khuâng ghi trên mảnh giấy cùng với chiếc mền kẻ sắp ra đi trao gởi cho người còn ở lại: “Ai ở em về, ai nhớ ai?”. Câu hỏi mà cũng là câu trả lời tự trong lòng mình đang nổi lên mưa bão, không đợi lời đáp của người đồng chí còn bị kẹt lại: “Chắc là thương nhớ cả về hai?”.

Vừa giản dị trong sáng, vừa chân thành cảm động, phần nhạc dạo của ly khúc hé mở cho người đọc thấy trước tính cách thật thà, hiền hậu của đôi bạn chiến đấu cùng lý tưởng cũng như bút pháp nghệ thuật vừa điệp vừa láy chữ một cách tự nhiên không đẽo gọt của Ái Nhân gây cho người đọc nhiều thú vị và cảm xúc. Hai câu cuối của khổ một diễn tả tâm trạng chung của hai người bằng tất cả nỗi bịn rịn luyến lưu như chinh phụ và chinh phu ngày trước: “Bước đi một bước, dây dây lại dừng” (Đoàn Thị Điểm): Em ra đến cổng quay quay lại/ Anh ở trong song dõi dõi hoài.

Luyến lưu, bịn rịn mà không bị lụy sướt mướt như thái độ nhi nữ thường tình: “Cầm tay, anh khẽ nói – Khóc lóc mà làm chi – Hôn nhau một lần cuối – Em về đi, anh đi” (Nguyễn Bính). Ở đây thể hiện tính đôn hậu, kín đáo đáng quí của người phụ nữ Việt Nam, nhờ tác giả khéo dùng cách đối song quan kết hợp với từ điệp: “quay quay, dõi dõi” rất có duyên.

Bối cảnh ở phần mở đầu bài thơ chỉ đóng khung trong mấy chi tiết tiêu biểu cho thế giới u tối của nhà tù như “cổng, song, cửa sắt…” vốn quá quen thuộc và nhàm chán đối với “thân chủ” của nhà lao. Chắc hẳn Ái Nhân đã có lý khi không nhắc đến thời gian lúc chia tay vì ở đây ý niệm về thời gian sáng tối, ngày đêm đâu được biết tới ngoài lớp màn đen bao quanh bởi không khí nặng nề ngột ngạt của “địa ngục trần gian”.

Đau khổ, dùng dằng rồi cũng phải chia xa. Nhưng người còn ở lại vẫn mường tượng dáng hình người em gái ra đi dù cánh cửa sắt nhà giam đã lạnh lùng khép kín. Tâm trạng và thái độ của hai người trở nên giằng co, mâu thuẫn nhau một cách đáng thương: Cửa sắt đóng rồi e khuất dạng/ Mà anh cảm thấy bước chân em/ Chân bước ngập ngừng, chân bước vội/ Nửa mừng rồi lại nửa bâng khuâng/ Bước vội để mau về gặp mẹ/ Ngập ngừng vì tiếc phải xa anh”.

Lời thơ giản dị, tự nhiên như đọc thoại nội tâm một cách thành thật. Giọng thơ không kiểu cách, văn vẻ mà giống như lời thủ thỉ tâm tình dàn trải từ khổ thứ ba cho đến hết bài. Bởi vì chỉ còn lại một mình, nhà thơ đang “rót dòng cảm xúc” không còn nghĩ đến việc nắn nót từng từ ngữ, chắt lọc, trau chuốt từng vần, từng chữ trong câu thơ…

Nhờ vậy, ta cảm nhận một cách trong sáng tình cảm và ước mơ của Ái Nhân trong phần nửa sau của bài thơ. Đó là sự nồng nã đi tìm lại người em gái và người mẹ của em mà tin tức “biệt biệt” từ lâu: “Một đống tro tàn, trơ trước mắt/ Em và Mẹ hỡi: biết tìm đâu?!/  Từ ấy đến giờ tin biệt biệt/ Bóng chim tăm cá mãi lòng đau.

Nhưng biết tìm đâu được người xưa! Nỗi xót xa thương nhớ của Ái Nhân cũng man mác không kém niềm tái tê đau khổ của Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy tìm không gặp nàng Thúy Kiều hay chàng thi sĩ Thôi Hộ không tái ngộ được với cố nhân khi quay về chốn cũ: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm trước còn cười gió đông”. Nguyễn Du hay “Nhân diện tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong”. Thôi Hộ (Đề tích sở kiến xứ): “Người xưa giờ ở nơi nao/ Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông”. ( Đề vào chỗ này năm trước).

Non sông gấm vóc nay đã thuộc về ta sau khi hòa bình tái lập, ước mơ chính của muôn người là được sum họp vui vầy với người thân sau bao năm xa cách, khổ đau vì chiến tranh. Chàng thi sĩ Ái Nhân cũng ôm ấp từ lâu không ngoài ước vọng đó. Nhưng chao ôi, “bóng chim tăm cá”, khiến tác giả đành phải nhờ phương tiện truyền thông để lên tiếng tìm tông tích người xưa: “Từ ấy đến giờ tin biệt biệt/ Bóng chim, tăm cá mãi lòng đau…/ Thơ này anh gửi nhờ cánh sóng/ Em có nghe… mà tìm thấy nhau?”

Nhà thơ Ái Nhân đã cho chúng ta bài thơ cảm động về một nỗi niềm ly biệt nhưng ta cũng mong sao tình cảnh của tác giả không chỉ dừng lại chỗ bài thơ kết thúc, nghĩa là “chia ly” mà không “biệt biệt”.

Tóm lại, có thể nói “Tiễn người em gái ra tù” của Ái Nhân là một bài thơ trữ tình đẹp. Nó xinh tươi dễ yêu như một đóa dạ lan, thoảng nhẹ hương thơm, nở ra trong đêm đen ngục tù đế quốc và nó cũng sẽ còn rực rỡ như bông sen vàng (3) cao quí trong vườn hoa thơ cách mạng miệt vườn.

Ái Nhân, nhà thơ nhân hậu (*) dễ thương như dòng sông quê Trà Mơn yên bình, lăng sóng, ông thật đáng ngưỡng mộ vì đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, văn chương cho đến gần tuổi “bách niên” và cũng đã để lại những vần thơ hay cho “tín đồ của thi ca giáo” và nhiều anh em mặc khách tao nhân.

N.T

* Ái Nhân (1913-2011) tên thật là Nguyễn Văn Khâm (hay Nguyễn Thành Khâm), còn có tên Nguyễn Lương, quê quán tại Trá Mơn (Bình Tân ngày nay). Ông từng là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Tân Quới, Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, được các đồng chí trong chiến khu gọi là Thần hòa bình do tính tình hiền lành, hay thương người (Theo nhà thơ Hà Thanh Trúc). Ông là cán bộ kháng chiến hai thời kỳ, hoạt động hợp pháp tại Cần Thơ và Sài Gòn. Ái Nhân còn viết văn, làm thơ, từng được giải thưởng về truyện ngắn của báo Tiếng chuông. Sau giải phóng, ông là Trưởng đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long, nguyên là Hội viên Hội Nhà văn TP. Cần Thơ.

+ Xem thêm bài: “Ái Nhân – một hồn thơ nhân hậu” (Nguyễn Thanh) trên Báo Văn nghệ ngày 08.10. 2016

(1) Thơ Pháp: “Partir, c’est mourir un peu dans son coeur”

(2) Thơ Anh: “When two the parted, In silence and tears, Half-broken-hearted, To serve for year”

(trong “Love poems” translated by Nguyễn Thanh)

(3) Sen vàng: kim liên, ngụ ý chỉ tên của người em gái tù của tác giả.