Nhân dịp về tham dự Lễ Kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 2022), Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều dẫn đầu đã có cuộc gặp mặt, giao lưu với hội viên 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh vào chiều tối 29/6, tại TP Bến Tre.
Đến tham dự cuộc gặp gỡ còn có 3 thành viên Ban Chấp hành (BCH) Hội: nhà văn Bích Ngân – Phụ trách Ban Nhà văn nữ; nhà thơ Phan Hoàng – Giám đốc, Chủ biên Vanvn.vn; nhà văn Vũ Hồng – Phó Giám đốc Vanvn.vn, phụ trách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhà thơ Dương Dương Hảo – Chánh Văn phòng Hội.
Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều thay mặt BCH Hội đã báo cáo tình hình hoạt động Hội từ sau Đại hội X và phương hướng sắp tới. Dù trong hoàn cảnh cùng cả nước chống đại dịch Covid-19 rất khó khăn nhưng BCH đã có nhiều nỗ lực đổi mới, bám sát Nghị quyết Đại hội X, vận động xã hội hóa kinh phí để có những hoạt động hiệu quả, hướng tới sự phục vụ tốt nhất hội viên.
Sau những thành quả bước đầu như cải cách Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống, Vanvn.vn, đổi mới hoạt động Bảo tàng Văn học, củng cố Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tổ chức lần đầu trao Giải thưởng Tác giả trẻ, mở Cuộc vận động Sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi, kết nạp hội viên và trao Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2021,… sắp tới BCH Hội sẽ phối hợp các cơ quan tổ chức trở lại Ngày Thơ VN, Ngày Văn hóa Nguyễn Du lần đầu tiên ở Hà Nội, tiếp tục thành lập Chi hội Nhà văn VN tại các địa phương có 3 hội viên trở lên…
Nhà thơ Kim Ba – Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn VN thay mặt hội viên 3 tỉnh tặng hoa cho Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều và Ban Chấp hành Hội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt
Hầu hết các nhà văn hội viên có mặt tại cuộc gặp gỡ đều có những phát biểu đánh giá, góp ý sâu sắc, chân thành đối với hoạt động Hội. Các nhà văn cho rằng, BCH Hội khóa mới do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đứng đầu đã có những cải cách mạnh mẽ, tích cực mọi mặt hoạt động Hội.
Tuy nhiên, BCH cần lưu ý hơn nữa vùng đất xa xôi Đồng bằng sông Cửu Long trong việc kết nạp hội viên, đăng tải tác phẩm mới trên các cơ quan báo chí, truyền thông của Hội. Các nhà văn cũng đề nghị Trung tâm Viết văn Nguyễn Du mở lớp bồi dưỡng các cây bút trẻ tại miền Tây Nam Bộ, xuất bản tạp chí Thơ dưới dạng chuyên đề, mở thêm trại sáng tác văn học và đẩy mạnh đổi mới hơn nữa một số hoạt động Hội.
Nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên (Bến Tre) trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà văn Trần Dũng – Phó Chủ tịch Hội VHNT Trà Vinh đề xuất mở lớp bồi dưỡng các cây bút trẻ
Nhà thơ – nhà phê bình Võ Tấn Cường của Tiền Giang bày tỏ sự đồng tình trước những đổi mới mạnh mẽ hoạt động Hội
Nhà nghiên cứu Hồ Trường – Phó Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Tổng biên tập Tạp chí Hàm Luông chia sẻ về văn học đồng bằng
Nhà nghiên cứu Hồ Trường – Phó Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Tổng biên tập Tạp chí Hàm Luông chia sẻ về văn học đồng bằng
Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều lắng nghe, cảm ơn và trả lời ý kiến của các hội viên
Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều và các Ủy viên BCH đã lắng nghe và trả lời từng ý kiến của các hội viên trên tinh thần trách nhiệm, cầu thị. Một số ý kiến đề đạt của các hội viên sẽ được đưa ra bàn bạc tại cuộc họp BCH Hội vào trung tuần tháng 7/2022 sắp tới để đi tới thống nhất và thực hiệm.
Các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện sinh sống, làm việc tại 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, gồm:
– Nhà văn Huỳnh Thị Thu Trang
– Nhà thơ Lê Ái Siêm
– Nhà thơ Võ Thị Kim Liên
– Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa
– Nhà thơ – nhà LLPB Võ Tấn Cường
– Nhà thơ Trần Đỗ Liêm
– Nhà thơ Kim Ba
– Nhà văn Nguyên Tùng
– Nhà văn Phạm Thị Ngọc Điệp
– Nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên
– Nhà văn Từ Phạm Hồng Hiên
– Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên
– Nhà thơ Đình Thu
– Nhà văn Vũ Hồng
– Nhà văn Trần Dũng
– Nhà thơ Lê Tân
– Nhà thơ Văn Triều
Theo Vanvn