Bản con hoang – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

519

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mình cũng là một đứa con hoang sinh ra từ hôn phối của lòng trắc ẩn, đồng tiền, lòng thương hại, sự ham muốn vô cùng tận của lòng tham con người không được kiềm chế… hay một điều gì đi nữa thì tất cả đã là sự an bày. Rồi đây nơi, vùng rừng núi này còn có bao nhiêu đứa trẻ ra đời từ sự hôn phối đó. Hoàn cảnh xô đẩy rồi chúng có lặp lại bước chân như mình không nhỉ.

Tác giả Võ Văn Trường

Cơn mưa vội vã tràn qua buổi chiều vùng cao thoắt cái đã ráo hoảnh. Những giọt nước chạy men theo gân lá ngoằn ngoèo một hồi rồi đổ hẳn xuống sân quán. Hiên quán lợp mái lá, những dòng nước long tong chảy tràn vào những chiếc bàn gỗ sậm đen như đã bày biện tự bao giờ. Góc quán bìa rừng ánh điện chạy bằng tuốc bin do đồng bào tự tạo xanh len lét soi rõ khuôn mặt thiếu nữ bầu bỉnh, bọt bia dính bết vào mớ tóc thả hờ xuống trán. Mỏi mệt.

Chợt một tiếng thủy tinh vỡ vang lên khô khốc. Tiếng cười khùng khục bốn gã đàn ông im bặt. Tay mặc bộ rằn ri với dáng người vạm vỡ, ấn tượng cặp chân mày đậm, đuôi mắt có nốt ruồi đen nhánh, đổ cáu.

– Đ. Mẹ đời.

Từng quen cảnh phu phen làm vàng nên Lình chỉ liếc qua rồi phần ai nấy nhậu. Hết chai 50 Lình nghe đầu óc sao lạ. Chẳng có chút gì là uống rượu. Mùi hơi đất mưa dối khi chiều xông lên hăng hắc. Hơi bia rượu truyền tải qua “bộ xả” con người làm không khí thêm đậm đặc mùi đặc trưng khó tả. Lình nghĩ thầm, mình phải uống thêm thôi, không uống thêm sẽ không thể ngủ được… đó là chưa nói cái rét về khuya…

Rồi giấc ngủ mê man vì mệt nhọc cộng với hơi men làm Lình thiếp đi trên chiếc võng dù mang theo được treo trước đó ở góc quán, phía cây mít già cỗi. Bắt mắt là bộ rễ chùm của nó ăn nổi trên mặt đất, trườn sát kệ tủ đầy những vỏ bia các loại, vứt không theo một trật tự nào. Hình như có tiếng la thất thanh của một phụ nữ vắn mà gấp gáp chìm trong giấc ngủ của Lình.

-Bớ người. Bớ người.

Đợi lúc Lình thức hẳn cũng là lúc những gã đàn ông ăn nhậu tại quán chiều qua vây quanh xác một người đàn ông đã tắt thở tự bao giờ. Tấm chăn chiên cũ mềm cáu bẩn đắp ngang bụng.

–  Đ.Mẹ. Thượng mã phong.

– Chuồn.

– Tay vẻ đàn anh chị mà Lình biết qua cử chỉ chiều qua vỗ vai Lình.

– Chú giúp bọn này, sau có gì bọn này hỗ trợ chú.

Mọi công việc sắp đặt nhanh gọn. Lình được phân công chở tay tắt thở ngồi sau lưng và tay nữa áp tải trên chiếc Min100. Đi được đoạn khá dài Lình rà chân xuống đất hãm tốc độ, tay ngồi áp tải sau lưng thúc.

– Đái hả, mần luôn đi.

– Bây giờ còn mở ba tia, ba gết quái gì!

Sợi dây thừng buột choàng từ gã tắt thở vào thắt lưng Lình căng cứng, cái xác va vào lưng, vào vai rồi tấp ra khừng khựng. Ban đầu còn rùng mình, sởn gai ốc, dần hồi mồ hôi tứa ra ướt đẫm, hai tay ôm ghi đông tê cứng. Lình ngẫm nghĩ, hồi còn ở nhà mẹ Lình thường kể chuyện ma giấu người bỏ cứt trâu, lá cây vào miệng. Những lúc như thế cứ bình tĩnh đái xong lấy tay hứng tí chút xoa xoa lên mặt.

– Thì đái ngán gì. Ai bảo sợ không còn giọt nước đái.

Đái xong một hồi Lình cảm giác mót đái và cứ như thế… đến những lần thứ tư, thứ năm gì đấy tay ngồi sau mới bảo dừng.

– Đến nơi rồi chú em.

Từ đường lớn tấp vào chưa đầy vài chục mét là bãi cỏ hoang ngút mắt, thấp thoáng những miếng bìa gỗ cắm trên những vuông đất cao hơn mặt bằng 20-30cm.

Xác gã đột tử được bó trong hai miếng bìa gỗ đặt xuống hố đất đào vội sâu chừng 0,5m. Không biết hai gã đi xe phía sau lo tự bao giờ. Mấy thẻ hương được đốt lên. Tay đàn anh chị móc túi, lấy chai rượu trắng vừa ngửa cổ tu vừa khóc a, a…

– Phải ghi cho hắn cái tên.

– Gã ngồi tháp tùng sau Lình cắt đoạn su lốp xe châm lửa, cây định 10 được làm bút khắc lên miếng bìa gỗ mấy chữ:

– Nguyễn A, dân Nghệ An…

Chỉ trong mấy phút tấm bia đã hoàn thành và được cắm lên đuôi mả.

Chung quanh gió đuổi rần rật trên vạt cỏ dại. Không ai nói gì, tất cả đều lặng lẽ kết thúc như số phận những người nằm lại nơi đây ngày một nhiều hơn. Lình nghĩ không thể phủ phàng nói là lãng xẹt. Mặc dù, chắc chắn là người thân vợ, con, cha mẹ của họ chẳng thể nào hình dung được một kết cuộc như vậy.

*

Một năm sau trở lại quán cũ Lình cảm được cuộc sống nơi đây thay đổi khá nhanh. Số lượng người từ xuôi lên ngày một đông. Cuộc ăn nhậu cũng kéo theo sáng, trưa, chiều tối. Và cũng chẳng mấy chốc chủ quán tên Hà trở thành người bạn khá thân của Lình. Vẫn đều đặn đến quán ăn nhậu, khi rỗi Hà bê ly lại trò chuyện, vài câu hỏi thăm ngọt nhạt, chân tình. Lình mơ hồ nhận ra Hà muốn giúp mình điều gì đó, nhưng với Lình nếu trả nghĩa hành động trong cái đêm lần đầu tiên Lình đến quán Hà thì thật là kinh khủng.

– Những sóng gió đời Hà trải qua, một cô gái quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Cuộc sống những tưởng tươi sáng hơn khi Hà lập gia đình với người đàn ông đứng tuổi, thương vợ con, siêng năng làm lụng, nhưng bất ngờ tai nạn giao thông ập đến. Chồng chết, một mình Hà ôm con thơ về quê gửi bà ngoại nuôi. Theo quần sáng những ảo vọng đổi đời hay ít nhất cũng kiếm lưng vốn lập nghiệp nên Hà trôi dạt lên tận đầu nguồn sông Trạnh mưu sinh trong sự khắc nghiệt phận gái.

Khâu trung gian vận chuyển hàng tiếp ứng bãi vàng vẫn đều đặn. Như mọi hôm phải 2, 3 giờ chiều Lình ra quán nhâm nhi. Sao lạ, trưa hôm ấy bụng Lình cứ nóng hầm hập, như chó phải bả. Bước thấp bước cao đến quán Hà. Không gian ing ắng. Lạ. Quán nghỉ hay sao. Cất tiếng gọi từ ngoài cửa vào Lình biết Hà đang nằm bên trong.

– Anh Lình tự phục vụ.

– Hơn tuần nay em không ngượng nổi.

Lách vào, nhìn khuôn mặt thiểu nảo, đôi mắt đen buồn sâu thẳm những hoang vu rừng núi.

– Chắc em chết thôi anh Lình ơi!

– Thằng anh chở đi chôn hồi năm ngoái… chắc hắn truyền bệnh cho em rồi.

Nắm lấy bàn tay người con gái mà Lình thầm cảm mến bởi đôi mắt mỗi khi nhìn cứ làm Lình gợi nhớ về cái đêm hôm đầu tiên đến với quán của Hà. Rồi những lần ân ái mãnh liệt, thêm chút hư đốn hoang dại, khiến đã là đàn ông thì khó ai có thể rời được.

Lình lại nhớ thời trung học. Cái khung cảnh chia tay tuổi học trò xa ngái hồ như có mà cũng như không trong đời. Bất giác Lình ôm Hà hôn thật sâu. Nụ hôn như của hai người yêu nhau mà khoảng cách làm cho họ chỉ có thể đến với nhau thế thôi.

– Em chẳng thể chết đâu!

Tay quờ chai bia đưa lên miệng chỉ bằng một động tác, vỏ chai bia rơi ra. Lình nuốt ừng ực lượng nước vừa tiếp vào, như chưa bao giờ được uống. Đó cũng là bữa say cuối cùng của Lình ở quán Hà. Lần cuối chia tay với một người con gái trong đời một thằng con trai.

*

Bẵng đi thời gian khá dài Lình trở lại phố núi, nơi đón lõng sự phồn hoa bởi hiện diện những câu chuyện hậu thủy điện có sức làm say lòng người. Những lời hứa hẹn về một cuộc lấp bể dời non. Giải quyết việc tiêu tiền nhất thiết cần chỗ phục vụ từ A đến Z. Không còn tham gia cõng chuyến vào bãi Lình đầu quân cho đơn vị khai thác đá cung cấp vật liệu cho tuyến kè gần đấy.  Lán trại dựng giữa rừng, chung quanh cây cối phủ phê rất khó xác định phương hướng, duy chỉ tiếng suối cầm canh rót vào những trưa thanh vắng, những đêm rỉ rả tiếng côn trùng. Kinh nghiệm ở rừng cứ lần theo con nước cũng có thể hạ sơn, đổ đèo theo đường chim bay là ra được đường mòn.

Ngoài công việc nặng nhọc, vất vả ở đây Lình còn cảm được giây phút đầu óc thật sảng khoái, đó là lúc sáng sớm. Những đỉnh núi mờ sương, khói đá dâng lên cao thấp như những trụ biểu đồ, khi thì như ai đó vẽ. Khói đá bay nhờ nhờ bao phủ cũng là lúc cả người cảm giác rét tê cóng. Khi mặt trời đằng đông bừng lên những tia nắng đỏ rói chen vào khói, vào mây rồi đỏ lừng lựng một góc trời thì cái rét mới tạm lánh đi.

Mùa này cứ trở chiều trời đang nắng bất chợt đổ ào cơn mưa. Cứ thế mưa dẫm dai, rả rích, ủ dột như mưa Huế. Buồn đến mức chỉ một con đường tìm đến rượu.

Ngay trong tuần đầu tiên định cư tại lán Lình cùng mấy lao công tại đây đã lần ra một hàng quán cách đó không xa. Duyên ngộ tình cờ đó lại là quán Hà. Nhưng quán Hà giờ đã đổi thành Tiểu Lý do ông chủ dưới xuôi lên đảm trách. Câu chuyện tại bàn nhậu cho Lình biết, sau cái chết của Hà, những tay từng đến quán trong đó có chừng mươi cán bộ huyện và xã hoang mang lăn ra ốm. Hình như họ ốm tinh thần là chủ yếu, còn ai dính AIDS mà chết thì chưa nhưng mọi người được phen hú vía.

Nhiều sự đồn thổi rồi cũng dần lắng để dành cho những sự kiện mới lên ngôi. Đó là câu chuyện hút khách của quán Tiểu Lý. Đội ngũ phục vụ tại chỗ có hai em tươi mát. Khách thì tấp nập từ phu vàng, người cõng chuyến đến tay kỹ sư thầu khoán công trình, cán bộ trong vùng, cán bộ dưới xuôi lên…

Chủ quán Tiểu Lý tên Sự trạc chừng 50, 55 gì đó. Mặt mũi, tóc tai chải chuốt, duy chỉ đôi mắt mỗi khi nhìn ai đó lại ánh lên vẻ lõi đời, tự cho mình cái quyền là kẻ từng trải. Song lúc chuyện trò lão ta cũng thành thật ra phết. Mà chẳng có gì phải giấu giếm. Biết đâu thành thật chính chiêu bài “tiếp thị” của lão. Cánh đàn ông cứ toạc máu heo mà hay. Lình ngẫm nghĩ vậy mà đúng ra phết.

– Dàn giáo, pháo đài như chú… mấy em chân dài mà không cười tít mắt thì trời có mà sập.

– Mà thật chú cứ sập thử mới biết “nem chả” trên này ra món ra tấm chứ.

– Thì ông cứ làm mai mối dẫn đường cái đã. Thằng em lạ nước lạ cái…

Tay Sự cũng lém lỉnh đáo để. Chú cứ gật đầu cái đã, tui bưng mâm bát ra sau rồi hẵng…

Oái ăm, lão không giới thiệu hai em phục vụ quán mà chỉ về xóm nhà trước mặt. Trong tầm mắt Lình thấy rõ những mái nhà lúp xúp men sườn đồi.

– Bản con hoang đấy.

Hai từ con hoang mới phát ra miệng lão Sự đã ngấm ngay óc Lình. Lình hình dung về những câu chuyện trong sách vở và ngoài cuộc đời ở đâu đó đại loại:

– Bến không chồng.

– Xóm góa phụ.

– Làng biển Chan Chu…

Tiết trời tháng Chạp mưa lay phay cả trưa. Trời đất cứ chập chờn bủa vây quán nhỏ lúc nắng lúc sập xìu câm đặc như ở đâu đó một cơn mưa đang đến gần nhưng rồi không đến. Cu cậu phục vụ bưng bê có tên Mỗ được tay Sự chủ quán yêu cầu đưa Lình về bản con hoang. Hơi men bốc lên nghe phừng phừng, Lình mặc cho cu cậu nắm tay lôi đi. Men theo con suối lội ngay vào cánh rừng chênh vênh với lối đi khá hiểm trở rồi lại tiếp con đường đất nhẵn. Nước mưa tấp vào chỗ trũng loang loáng những vũng nước liền kề. Lình cố tránh nhưng chân lại giẫm vào tung tóe.

Liếc mắt quan sát hai bên đường những mẫu giấy báo, ni lông vứt bừa bãi, chen đó là vỏ các bao thuốc thơm dưới xuôi, con ngựa, Jet, Vinataba, 555…

Dấn thân đi như quán tính một hồi cậu bé dừng lại bảo: Đã đến rồi. Chung quanh đây là bản mà mấy chú vẫn thường tới hoài. Đại bản doanh chính là căn nhà khá rộng, thấp lè tè lợp tôn lẫn tranh. Nhìn màu tôn biết ngay cách thay mái lợp chưa qua một mùa mưa. Tiếng cười đùa trong nhà xôn xao. Lình hỏi cu cậu.

– Làm gì mà nhà đông người vậy.

– Hàng xóm đó chú, không việc gì nên đến chơi, có khách họ lại về mà.

Nắm trước thông tin Lình nhận ra ngay mẹ cu cậu có tên Mỗ có khuôn mặt khá xinh, dáng dấp sơn nữ. Chị ta có chồng tai nạn xe máy mới mua tông ngay cây mít trước sân nhà khi nhận tiền đền bù nhường cho công trình thủy điện. Một thiếu nữ, chừng ngoài 20, có lẽ bạn đồng nghề với chủ nhà bưng ly nước mời Lình, rồi che miệng cười tình ý.

Lình nhìn bàn thờ người quá cố. Bình nhang leo queo mấy chân tăm ngả không theo hướng nào. Khung ảnh thờ là một thanh niên có đôi mắt sáng to nhưng là ảnh chụp chung với chiếc xe hon da. Chung quanh ảnh nào cũng có hon đa, ghép với nhà cao tầng, điện đài sáng loáng…

Bỗng giật mình tiếng chuông điện thoại ai đó sôi lên điệu nhạc tuổi teen. Nhìn quanh, đúng phía trên đầu giường, dưới tấm chăn chiên. Người phụ nữ mẹ cậu bé tên Mỗ chạy lại hất tung tấm chăn để cầm điện thoại, rồi vội vã.

– Lô lô.

– Anh bảo đang đến ư.

– Hôm nay mẹ cháu lại có khách rồi. Chú phải đợi hôm khác thôi. Cu cậu tên Mỗ lên tiếng giải bày với Lình.

Nhìn ba phụ nữ vẫn trò chuyện nhau nhưng thi thoảng liếc nhìn khách ý tứ. Lình nán lại hỏi vài chuyện vu vơ cố kéo dài thêm sự có mặt của mình cho thêm phần thân thiện.

Khá lịch lãm nữ chủ nhân ngôi nhà chào khách ở lại chơi sau khi quơ vội mớ quần áo để trên mấy lu thóc đặt góc nhà. Chị ta rủ rê ba nữ láng giềng xuống suối tắm gội. Dạo loanh quanh bên ngoài căn nhà nhìn những nhà cạnh đó hình như nhà nào cũng mở lối từ bếp lên nhà giữa với mấy bậc thang làm bằng cây rừng. Tiếng nước róc rách chảy theo đường ống kéo về ngay khu vườn, chảy tràn xuống mấy bậc đá. Đàn heo con từ đâu kéo đến chúc đầu ủi đất tìm giun rồi hin hít kêu chẳng hề quan tâm chung quanh.

Khoảng 30 phút tiếng cười nói mấy phụ nữ xuống suối trở về gần lại. Họ vừa đi vừa vung vẫy những mớ tóc ướt nhũn, những bộ ngực vồng cao hơ hớ.  Căn nhà ngai ngái mùi ẩm mốc, trong không gian khá yếm khí bởi những tán cây cối che phủ bỗng sực nức mùi xà phòng Comay pha trộn không khí nghe chờn chợn cổ họng. Lình chủ ý tằng hắng mấy tiếng thật to nhưng mùi xà phòng vẫn cứ sộc vào mũi. Lình cùng cậu bé Mỗ quay về thì cũng là lúc khách làng chơi lại đến trong tiếng máy xế nổ mà Lình cũng chẳng để tâm ngước nhìn, chỉ phán đoán bởi âm thanh bất đắc dĩ dội vào tai.

Trong đầu Lình lại hiện ra con đường dẫn vào bản với vỏ thuốc thơm vứt bừa bãi, tiếng nhạc tuổi teen sôi lên dưới tấm chăn chiên và đâu đó mùi loài thú hoang mùa động cỡn cứ bao trùm lấy Lình.

Lình lại nhớ về nơi mà mình đã sinh ra.

Đó là một ngôi làng biển, khi Lình đi rồi mới xảy ra thảm họa hơn 100 đàn ông ra khơi đã vĩnh viễn không về. Tên ngôi làng cũ chừ thay bằng tên cơn bão. Có lần hắn về làng nghe bàn tán, đã có lần chính quyền ở tỉnh ưu ái vạch ra cái dự án đầu tư xây dựng hẳn một ngôi làng cạnh đấy, chủ nhân là những người phụ nữ mất chồng, con. Có ý kiến không nên làm vậy sẽ kéo dài mặc cảm, buồn đau cho những người được nhận sự ưu ái. Họ phải được hòa vào cộng đồng và cộng đồng phải hòa với họ. Và như thế ngôi làng ấy đã không ra đời.

Từ sự giúp sức của cộng đồng, nhiều gia đình khuyết nửa vầng trăng quê Lình đã vươn lên, con gái học hành chăm ngoan… hơn 10 năm sau không ít góa phụ còn rất trẻ vẫn công khai không đi bước nữa. Song nhãn tiền là các trường hợp nhận số tiền khá lớn đã bỏ làng ra phố, đổi đời. Mới hôm nào đầu nón tơi chân giẫm cát biển mê mê bỗng thoắt cái móng tay, móng chân, tóc tai… xanh, đỏ, tím, vàng, nuôi thân bằng cái vốn tự có. Khốn khó mà bình yên, giàu sang chưa hẳn đã bình yên, một khi từ tay trắng, đồng tiền bỗng nhiều lên mà hoàn toàn không bằng công sức lao động của chính mình.

– Nơi đây là bản con hoang.

– Ai đặt tên thế nhỉ.

Mình cũng là một đứa con hoang sinh ra từ hôn phối của lòng trắc ẩn, đồng tiền, lòng thương hại, sự ham muốn vô cùng tận của lòng tham con người không được kiềm chế… hay một điều gì đi nữa thì tất cả đã là sự an bày. Rồi đây nơi, vùng rừng núi này còn có bao nhiêu đứa trẻ ra đời từ sự hôn phối đó. Hoàn cảnh xô đẩy rồi chúng có lặp lại bước chân như mình không nhỉ.

*

Hai năm sau, tôi gặp Lình ở dưới xuôi. Bữa rượu hôm ấy thật say, Lình xúc động, cho biết, sẽ quay lại nơi chốn cũ để xem bản con hoang bây giờ ra sao. Còn bây giờ Lình đã có công việc mới ở một ngay quán rượu. Mồ hôi, công sức lao động mình làm ra một cách đàng hoàng sẽ không phụ rẫy mình.

Nắm tay tôi thật chặt Lình thầm thì, làm quán rượu mình có điều kiện hiểu thêm cuộc đời dâu bể. “Gian nhân nhiều, gian tửu cũng không ít”. Câu nói của Lình làm tôi chợt nghĩ đến mấy kẻ trà trộn trong chiếu rượu, chờ mình say kích tướng nói bậy, rồi đi đồn thổi để làm chuyện hại người. Vặt. Thế mà buồn. Huống chi…

Câu chuyện trên do chính Lình kể. Bởi anh là bạn học thời phổ thông của người viết truyện này. Bản con hoang với tôi và cả Lình mãi mãi là vùng ký ức không lấy gì làm vui đã và đang xuất hiện ở dưới biển và cả trên rừng.

Tam Kỳ đêm 26.5.2020

V.V.T