“Bạn cũ” – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

583

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có hai người bà con cùng tên Tỵ và đều sinh năm 1953, thời nhỏ học chung một lớp. Tôi gọi một người bằng cậu (ruột) và một bằng chú (họ). Trong lớp chú Tỵ có tên là Lê để phân biệt với cậu Tỵ được gọi là Đặng do cô Bằng đặt. Lúc đó hai người chơi thân với nhau lắm. Xóm tôi ai cũng kêu cậu Tỵ là Rong.

Hồi bà ngoại sinh cậu ra, lúc cậu cất tiếng khóc chào đời, ông ngoại tôi thấy một con rắn rồng chừng hai mét đang uyển chuyển bò trên sà nhà, cái bụng lặc lè, chắc là con rắn ních căng một bụng chuột rồi. Ông ngoại bèn đặt ngay tên cậu là Rồng, Đặng Văn Rồng. Nhưng khi cơn phấn khích đi qua, ông ngoại nghĩ lại thấy cái tên Rồng phạm tới một con vật linh thiêng trên nóc chùa Viên Quang, ông hơi sợ nên đổi qua tên Tỵ, không rồng thì rắn chớ sao? Bà ngoại kể vậy. Vả, cậu sinh ra đụng năm Quý Tỵ thì đặt tên Tỵ là đúng quá rồi! Vậy thì cái tên Rong từ đâu ra? Cớ sự như vầy: bà ngoại đem cái chuyện con rắn rồng kể với hàng xóm nên ai cũng gọi cậu là cu Rồng. Cu Rồng, cu Rồng, ờ cũng được, chỉ là một chút xíu của rồng thôi mà! Từ nhỏ cậu đã hay đi chơi, cậu rong chơi quên cả giờ về khiến bà ngoại đi tìm cậu khắp xóm. “Mồ tổ cha mi, mi đi chơi rong như ri tau biết đâu mà tìm, mi là thằng đi rong chớ cu Rồng cái nỗi gì?”. Bà ngoại mắng cậu như vậy và từ đó cậu mất cái giống của rồng và có tên mới: thằng Rong. Cái tên Rong vậy mà vận vào suốt cả cuộc đời của cậu. Năm mười tám tuổi, cậu bị bắt lính lúc đang học lớp mười (trước kia gọi là lớp đệ tam) không đủ điều kiện để được làm giấy hoãn dịch vì lý do học vấn. Người ta đưa cậu Rong xuống quân trường Đồng Đế, sau sáu tháng lê lết cậu Rong ra trường với cái lon Trung sĩ và bị đẩy ngay ra miền Trung, đâu như sư đoàn hăm hai, hăm ba gì đó.

Chú Tỵ không như cậu Rong, chú học hành đàng hoàng, lại học giỏi nữa. Tên chú ở nhà là Đùng, tôi không biết vì sao chú có tên đó. Ngoài giờ đi học chú ở nhà giúp bà nội Bảy làm vườn. Tôi vẫn nhớ hồi đó vườn nhà bà Bảy chuyên trồng hoa ô dê (bây giờ kêu là hoa cẩm chướng) và rau ngắn ngày, tỷ như xà lách. Hơn tháng thì xà lách chưa cuốn nhưng đã bán vạt được rồi, người buôn rau lời ăn lỗ chịu. Thường thì họ đều lời, nhiều khi lời to bởi họ nắm được thị trường. Còn hoa ô dê, năm ngày bà Bảy cắt một lứa, một bó là năm chục bông bà mang xuống chợ mới bỏ mối cho bà Chơn. Đây là nguồn thu nhập thường xuyên của nhà bà Bảy, nhờ đó bà nuôi chú Tỵ và chú Ngọ học hành đàng hoàng dù ông nội Bảy chết sớm. Những năm sáu mươi, người làm vườn ưa dùng phân cá, cái xóm nhỏ của tôi được bao bọc bởi con đường Vòng Lâm Viên cũng vậy. Cái mùi thum thủm từ những vườn rau, hoa vương vất khắp nơi, dường như đó là đặc trưng của nhà vườn Đà Lạt thời đó.

Bây giờ chú Tỵ đã về hưu, không còn làm người Nhà nước nữa. Chú về lại Đà Lạt, nhìn miếng vườn trước nhà, chú nói với tôi “tao tiếc quá, phải chi hồi đó đừng bán vườn giờ có cái để làm”. Tôi cười ngất nói chú ơi chú làm chi cho cực, hàng tháng chú có lương hưu xài, mà chú cần tiền nhiều để làm gì? Chắc gì chú kiếm ra tiền ở miếng vườn đó, chua ăn lắm chú! Tôi nói vậy để chú biết chuyện làm vườn khác hẳn thời của chú, bây giờ người ta áp dụng công nghệ cao trong làm vườn, rau hoa được trồng trong nhà kính khác hẳn ngày xưa, chú theo sao kịp?

…Xóm nhỏ của tôi dưới chân đường Vòng Lâm Viên thuở ấy thanh niên trai tráng vắng dần, lớp đi lính, lớp vắng mặt không rõ đi đâu. Tôi vẫn nhớ sáng sớm hôm đó, bà nội Bảy qua nhà tôi thì thào nói với má tôi “tối qua thằng Đùng bị Việt Cộng bắt!”. Má tôi dặn con đừng nói với ai, ai hỏi con trả lời con không biết, nghe! Sau đận ấy, nhà bà nội Bảy chỉ còn hai mẹ con, cảnh mẹ góa con côi khó càng thêm khó. Vắng chú Tỵ tôi mất vui, trong lòng cứ thắc thỏm không biết chú Tỵ ở trong rừng có làm sao không, mũi tên hòn đạn biết đâu…. Rồi tôi tự an ủi chắc chú không sao đâu, lúc ở nhà chú khéo léo lắm, có lẽ chú né đạn như chú từng né gió khi chọc tôi “mày lại trúng gió à, gặp gió phải né như tao nè, sao trúng được?”. Chú Tỵ bị bắt sau cậu Rong một tháng.

Chú Tỵ và cậu Rong bị bắt, chị Minh chắc là buồn lắm. Tôi là người làm chứng cho nỗi buồn của chị. Chị Minh là con ông Chín, chị nhỏ hơn cậu tôi hai tuổi. Người ta nói con gái mười sáu đẹp như trăng tròn quả thật đúng, ít ra trong trường hợp chị Minh. Cậu Rong và chú Tỵ tôi mê chị như điếu đổ. Chú Tỵ tôi tính nhút nhát mê chị Minh mà không dám nói, chú nhờ tôi đưa thơ của chú tặng chị Minh nhưng chú dặn tôi đừng nói chú là tác giả. Chị Minh theo tôi tra hỏi hoài, một lần tôi buột miệng “là chú…í quên”, rồi tôi chạy mất. Chú Tỵ biết chuyện chú trách tôi sao cháu làm như vậy nhưng mắt thì ánh lên một nỗi vui mừng! Còn cậu Rong thố lộ tình cảm của mình một cách khác, cậu tán tỉnh chị Minh bất cứ chỗ nào miễn là có dịp, nhưng có lẽ chị Minh không thích cậu nên chị thẳng thừng từ chối lời mời đi coi xi nê của cậu. Cậu tức lắm hỏi tôi sao vậy? Tôi dại dột trả lời chắc là chị thích chú Tỵ vì chú Tỵ biết làm thơ tặng chị? Cậu im lặng lầm bầm điều gì đó trong miệng tôi không nghe rõ, nhưng từ đó cậu thôi không nhắc đến chị Minh nữa và cũng không qua nhà chú Tỵ chơi, cho đến ngày bị bắt. Mười tám tuổi chị Minh đi lấy chồng, chị lấy anh Lương rồi dọn ra Đất mới làm vườn. Trước khi chị đi lấy chồng, chị qua nhà tôi nhờ tôi giữ hộ mười sáu bài thơ của chú Tỵ, chị dặn tôi chừng nào chú Tỵ về mang qua cho chú và nói chị thuộc nằm lòng thơ của chú.

Năm bảy lăm chú Tỵ về, chú qua nhà thăm tôi, sau một hồi mừng rỡ tôi hỏi liền sao hồi đó chú để bị bắt vậy? Chú cười nói bắt cái nỗi gì, là ông cậu Ba móc nối đưa tao vô rừng, ở nhà bị tụi nó bắt lính như thằng Rong sao? Chú hỏi tôi giờ chị Minh ra sao rồi? Tôi kể đám cưới của chị, ông Chín làm thịt con heo to đãi cả xóm một bữa ra trò, tôi lục trong tủ lấy tập thơ của chú và nói mấy lời chị Minh dặn. Chú Tỵ lặng im, chú nói thôi cháu giữ giùm chú, mắt chú láo liên như thể sợ ai nghe thấy chuyện này. Nói xong chú đi liền, chiếc xe Jeep chắc chú và mấy ông kia tịch thu của “Mỹ Nguỵ” đang chờ chú trên đường, chú ngồi vào xe, mũ tai bèo chú chưa kịp đội chiếc xe đã chồm lên con dốc như con ngựa đực phi nước đại bỏ lại đằng sau một quầng bụi mịt mù và bỏ lại cả khuôn mặt ngơ ngác của tôi. Chú đi tôi đứng ngẩn nhìn theo, sau một lúc mới nhớ tập thơ trong tay, tôi đọc thử. Thơ tình chú làm hay quá, lâu nay tôi nén tò mò coi đó là chuyện riêng của chú, bây giờ chú không thèm nhận “đứa con” của mình tôi mới dám xem thử nó ra sao. Sau lần đó tôi ít gặp chú, chỉ biết chú chuyển về một tỉnh có biển, có ruộng, có rừng. Mỗi lần gặp chú hỏi tôi “sao rồi?”, rồi nói qua chuyện khác chẳng để tâm câu trả lời của tôi, chú Tỵ của tôi ngày xưa đâu có như vậy?

Cậu Rong năm bảy lăm cũng về xóm cũ. Gặp tôi cậu cũng hỏi chị Minh, tôi cũng kể y như kể cho chú Tỵ, nhưng không kể câu chuyện tập thơ, cậu im lặng mặt thoáng sắc buồn. Mấy năm sau cậu đăng ký đi kinh tế mới ở Tà In, tôi ít nghe tin tức về cậu, chỉ biết có lúc cậu quay qua đào đãi vàng, đi làm nhựa thông, chạy xe ngựa….Cậu ít về thăm nhà, mãi mười lăm năm sau cậu mới dắt mợ Thanh về cái xóm nhỏ dưới chân đường Vòng Lâm Viên ở hẳn. Cậu Rong qua nhà thưa với má tôi, cậu nói em xin lại miếng vườn của ba má để lại, lênh đênh miết rồi em không còn ham hố gì nữa, giờ về làm vườn thôi. Ông bà ngoại tôi đã mất lâu rồi. Lúc ông ngoại mất cậu Rong không biết, cậu đang ở trong K67, là ký hiệu của một tiểu khu rừng đâu như ở Đức Trọng. Giống như hàng ngàn người khác cậu cũng chui rúc xuống những cái hầm sâu đào “xái”, tiếng lóng chỉ loại cát có lẫn vài vảy vàng, khi có khi không tùy từng mẻ. Tôi xuống Tà In nhờ người quen tìm cậu báo tin rồi về ngay phụ má tôi lo đám tang ông ngoại. Chú Tám không tìm ra cậu trong cái biển người hổ lốn đang vàng mắt giữa rừng! Phải ba tháng sau cậu mới về để chịu tang ông ngoại, cậu không nhỏ một giọt nước mắt nhưng sáng hôm sau tôi thấy mắt cậu đỏ hoe, tôi hỏi cậu bảo cậu bị đau mắt đỏ….Giờ cậu về xin lại đất, má tôi bảo tôi trả đất cho cậu, qua nhà má chia cho một ít mà làm. Nhìn cậu làm vườn tôi buồn cười quá, cái dáng lóng nga lóng ngóng của cậu trên miếng vườn tôi thấy không hợp một chút nào. Không lâu sau cậu bán vườn, cậu thưa chuyện với má tôi, cậu nói em không làm được, em quên mất chuyện làm vườn từ lâu nên thất bát hoài, mà chị ơi hồi đó ba má làm là chính chớ em cứ rong chơi có giúp gì ba má được? Má tôi thở dài nói tùy cậu, chị chỉ tiếc công cố giữ miếng vườn của ba má để lại cho cậu mà bây giờ cậu lại….Nghỉ làm vườn, còn mỗi cái nhà, cậu làm nghề chạy xe ôm. Cậu sắm được chiếc Simson xin vô bến cầu thang chợ. Mấy lần đi làm về ngang qua cầu thang chợ tôi gặp cậu, cậu kêu lại mời tôi ly sữa đậu nành. Chiều muộn, đang dắt xe đạp lên dốc được cậu đãi ly sữa với cái bánh cam tôi cảm động lắm.

Chắc cậu Rong chạy xe ôm cũng khá, cậu bỏ chiếc Simson mua được chiếc Win, cậu thôi chở khách ta, quay qua chở khách tây. Ban đầu chỉ là những chuyến đi trong tỉnh, sau người ta thích đi đâu cậu chở tới đó, nhiều khi cả tháng mới về. Mợ Thanh ở nhà bán xôi sáng, lúc rảnh cậu dậy sớm giúp mợ đồ xôi rồi cậu chở ra ngã ba cho mợ bán. Vậy mà đùng một cái mợ Thanh chết. Lo đám xong cậu bỏ nghề chạy xe thay mợ bán xôi. Tôi tưởng cậu Rong không thể nào chịu đựng được một công việc tẻ nhạt như vậy, cậu là chân chạy mà. Trong một lần uống rượu, tôi hỏi cậu sao cậu chịu được cái cảnh ngồi một chỗ như vậy? Đang vui cậu ỉu xìu. Cậu nói mày đừng kêu tao là cậu Rong nữa, kêu tên cúng cơm của tao đi, tao ngồi đó để hủ hỉ với mợ mày, lúc mợ mày chết trong bụng trống trơn, mợ chưa kịp ăn miếng xôi tao nấu, chiếc xe Simson tao cho thằng Hạnh vậy mà chính chiếc xe đó lại tông chết vợ tao ngay chỗ ngồi bán, tao còn đi rong được nữa sao? Hóa ra cậu yêu thương mợ Thanh như vậy đó, không biết lúc mờ sáng mợ có về cùng cậu hủ hỉ không? Cái dáng cậu còm rom mỗi sáng ở ngã ba quen thuộc đến nỗi mỗi lần cậu bệnh ai cũng hỏi có thấy ông Tỵ không, sao sáng nay ổng không đi bán? Chắc là cậu sống được lòng mọi người. Có lần cậu mời tôi nhậu với một ông bạn đãi vàng ngày trước ghé thăm cậu, khi rượu đã ngà say chú Vinh kể chuyện đãi vàng ở K 67, cả nhóm được năm chỉ, đúng lúc đó vợ chú Vinh bệnh nặng, cậu Tỵ đưa hết phần của cậu cho chú Vinh không lấy một đồng! “Ổng là vậy đó, hết lòng với bạn bè!”, chú Vinh nói vậy. Tôi hỏi sao cháu không thấy cậu qua nhà chú Tỵ chơi, dù sao hồi xưa cậu và chú Tỵ cũng một thời là bạn? Cậu im lặng.

Nghỉ hưu chú Tỵ về lại xóm nhỏ ngày xưa chỉ một mình. Tôi hỏi thím đâu, sao chú về có một mình? Chú nói nhỏ tụi tao chia tay rồi, ra tòa trước lúc tao nhận quyết định về hưu một tháng. Tôi hỏi sao vậy? Chẳng sao cả, chuyện cũ sì, không hợp thì chia tay! Vậy mà trong một cuộc rượu chú kể khác. Chú lấy thím Vân để giữ thể diện cho ông già vợ, thằng con đầu đâu phải con chú, chỉ có thằng thứ hai mới mang dòng máu họ Lê. Được vài năm, ngựa quen đường cũ, thím Vân lại tòm tem với ai đó, chú bắt gặp được, ai đời con một ông cán bộ to lại hư hỏng…mà thôi tao nói chắc mày cũng không hiểu! Quả tôi không hiểu thật, tôi ngồi im nghe chú kể nhiều chuyện nghe lạ quá! Chú có vẻ say dù chú chỉ mới uống tới lon bia thứ tư. Lạ thiệt, chú uống cứng lắm mà, chú có thể uống cả thùng bia trong một trận nhậu là thường. Tôi suy ngẫm, nhiều khi trong lòng mình có sự buồn thì uống mau say, tôi biết nhiều người thường gặp phải chuyện này, còn có chuyện vui, uống tới bờ tới bến mà có say đâu? Chú tiếp vợ chồng chú thống nhất cứ sống chung, ai ngủ phòng nấy, việc ai nấy làm, chừng nào hai đứa con khôn lớn trưởng thành thì ra tòa chia tay. Chú kể nhiều thứ lắm tôi không nhớ chút nào ngoài chuyện chú nghỉ hưu trước tuổi theo “67”. Tôi không biết 67 là cái gì, nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng chú bị thất sủng bởi nhìn vào cặp mắt chú thấy lóng lánh buồn! Cái cặp mắt đó tôi thấy ở đâu rồi. Đó là của ông Đại, một người khách đi xe ôm không hỏi giá cứ bảo đi đi, ông muốn chạy đâu thì chạy! Tôi cứ thấy đường là chạy, thuận thì rẽ không thì cứ thế phang tới. Đi miết cũng buồn, tôi bắt chuyện với vị khách, rồi kể về những thắng cảnh, về gốc gác con người, về những nơi phải đến …ở Đà Lạt. Dường như ông khách có vẻ hài lòng. Ông khách bảo tôi “ông chở tôi vào một quán cà phê nào đó, ta nói chuyện chơi”. Tôi chở ông Đại vào quán cà phê 171 được pha bằng vợt kêu là cà phê bí tất nóng hổi vừa thổi vừa uống. Ông Đại nói “ông chở tôi vào đây hay quá, hồi xưa tôi cũng hay uống cà phê vợt như vậy mà ở quán Domino, ông có biết quán đó không?”. Tôi nói đó là quán của bà Sáu Cầu Đất ở đường Phan Bội Châu trước 75, cà phê ở đó ngon có tiếng. Tôi tiếp quán đó có hai chị em con bà chủ, một người tên là Mỹ? Ông Đại mắt sáng lên, bắt đầu từ đó ông coi tôi như người tri kỷ. Ông kể ông lên Đà Lạt trọ học, hay ra quán đó uống cà phê và trồng “cây si” cô Mỹ. Sau năm 75, ông đi thanh niên xung phong, rồi đi học tiếp, sau đó cứ thẳng đường tiến lên trở thành một quan chức cấp cao. Và chắc giàu sang, tôi nghĩ bởi thấy cách ăn mặc của ông Đại ra vẻ một người giàu. Lần này ông Đại lên Đà Lạt sau khi buộc phải về vườn, “tôi lên một mình để hít thở thứ không khí phảng phất mùi nhựa thông cho nhẹ người”. Nghe cách ông Đại kể chuyện, tôi thấy ông còn cay cú lắm và mắt ông ánh lên một thứ ánh sáng lạ lùng khó tả! Chú Tỵ tôi cũng có ánh mắt như vậy lúc chú kể chuyện với tôi. Tôi chịu không an ủi nỗi chú Tỵ một câu bởi tôi có biết gì đâu, tôi chỉ biết cầm ly lên hối chú:

– Kệ mọi chuyện chú ơi, uống đi chú, chuyện gì rồi cũng giống bọt bia thôi, một chút là nó tan hết mà!

Chú Tỵ sáng mắt lên “cháu nói đúng” rồi uống cạn ly bia một hơi.

Buổi sáng tôi dậy sớm tưới hoa, tôi chỉ cần bật cầu dao điện rồi đứng ngắm một màn múa nước của những vòi nước tự động. Tôi nhẩm tính, đợt hoa cúc này chắc phải thắp đèn đến năm tuần. Hơn sào vườn hy vọng lời hai chục triệu. Cha, hai chục triệu gởi cho hai đứa con đang ở Sài Gòn được chừng hai tháng, còn tiền tiêu pha lấy ở đâu? Thôi cứ ra sức cày, sáng chịu khó dậy sớm, ráng chở hàng cho Học viện lục quân tháng cũng được vài triệu rồi. Để coi, còn phải để dành tiền cho thằng Hạnh hàng tháng nữa. Tội nghiệp cái thằng tên Hạnh sao bất hạnh vậy? Nhớ hồi tôi mới ra đứng bến, Hạnh là người bênh vực tôi khi cái bến nhỏ xíu mà có tới năm người, mấy người kia không chịu cho tôi vô bến, trừ Hạnh. Sau, khi thân rồi tôi mới biết Hạnh nhận ra tôi là cháu cậu Tỵ, Hạnh kể em ân hận suốt đời, mới hơ hỏng dựng xe trước nhà, thằng em út lấy xe chạy ra ngã ba mua thuốc hút, nó đụng cô Thanh té ngay chỗ bán xôi, cú té nhẹ hều nhưng khốn nỗi lại chấn thương sọ não, bữa đó em chạy xe sớm hơn thì đâu đến nỗi! Vậy mà Hạnh lại bị tai nạn giao thông, giờ còn sống là may, chỉ cái tội không chạy xe được nữa, cả bến xe gom tiền tháng tháng giúp Hạnh đắp đổi qua ngày. Một ngày phải dành ra mười ngàn gởi Hạnh, tôi nghĩ trong đầu….

– Nè mới sáng mà sao đứng bần thần vậy?

Chú Tỵ theo tôi ra vườn, có lẽ chú muốn coi đám cúc của tôi. Tôi nói có gì đâu chú. Trong lòng tôi nghĩ không lẽ kể những chuyện tầm phào cho ổng nghe, ổng đâu biết gì về xe ôm, về thằng Hạnh, về những kẻ tận cùng…?

Lứa cúc đó tôi lời hai mươi lăm triệu, trên kế hoạch năm triệu, tôi qua chợ ven đường Thánh Mẫu mua con vịt xiêm về nấu cà ri mời mấy ông bạn xe ôm và hai ông Tỵ “bề trên” tới nhà nhậu. Mấy ông bạn xe ôm không uống bia chỉ ăn một tô cà ri bánh mì rồi đòi về chở mối, đi xe ôm ai lại uống rượu bia? Chỉ còn ba cậu cháu, chú cháu, bạn cũ. Chúng tôi uống hết cái chỗ bia đáng lẽ của sáu người. Vui, cậu Tỵ gõ đũa hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”, cậu Tỵ chỉ hát đúng hai câu đó thôi và cứ hát đi hát lại hoài. Chú Tỵ nghe vậy không chịu:

– Sai rồi, cuộc đời có cái gì đẹp?

Cả ba người im lặng, tôi nhớ đến hoàn cảnh của chú. Chú tiếp:

– Như chú đây, về hưu rồi có thằng nào, con nào đoái hoài đến hả?

Tôi nói đỡ:

– Họ ở xa mà chú?

– Xa gì, mà chú đâu có bạn, may mà còn thằng cháu mời nhậu giống như bạn bè rủ nhau nhậu vậy, nhưng mà…mày làm bạn chú mà mày đâu có hiểu chú?

Chú quay qua phía cậu Tỵ:

– Còn ông, ông có coi tôi còn là bạn không hả?

Đúng rồi, tôi đâu có hiểu chú và chú cũng đâu có hiểu tôi, vậy bạn làm sao được, chú là chú của tôi mà!

Chú nói tiếp:

– Hồi đó, tôi không giúp được ông, chắc ông giận tôi lắm phải không?

Cậu Tỵ không trả lời chú Tỵ, cậu hát tiếp “cuộc đời vẫn đẹp sao…”. Tôi nghĩ thầm chắc giữa hai người bạn cũ có chuyện gì khúc mắc. Tôi sực nhớ cậu Tỵ có thời gian ở tù một năm vì can tội vượt biên trái phép, lúc đó chú Tỵ còn làm ở ngành công an, không lẽ…, mà làm công an đâu phải là chiếc chìa khóa để mở các cánh cửa tù? Và xa hơn nữa là chuyện chị Minh, không lẽ chuyện chị Minh còn làm cậu Tỵ nặng lòng?

Cuối cùng cậu Tỵ cũng nói:

– Thôi bỏ qua, chuyện cũ kể lại làm gì, mình là người Đà Lạt mà, Đùng ơi!

Chú Tỵ và cậu Tỵ bắt tay nhau, cái sự bia rượu đôi khi cũng được việc, tôi nghĩ. Hai người kể chuyện ngày trước, họ bắt đầu bằng câu “hồi đó ở Đà Lạt…”. Chỉ có một chuyện hai người bắt đầu bằng chữ hồi đó, nhưng không phải là ở Đà Lạt:

– Hồi đó sau khi ông ra tù, tôi chuyển ngành về cơ quan X, gặp ông lang thang bốc xếp ở bến xe, tôi hứa qua tết sẽ đưa ông vào làm bảo vệ ở cơ quan tôi cho đỡ cực. Vậy mà qua tết tôi quên mất, khi gặp người bảo vệ giám đốc mới tuyển tôi sực nhớ lời hứa của mình.

Tôi chạy ra bến xe tìm ông nói lời xin lỗi thì ông đã bỏ đi….

– Hồi đó tôi mới ra tù, gặp ông tôi mặc cảm lắm, tôi chờ miết mà không thấy ông gọi đi làm, tôi nghĩ chắc ông quên rồi, tôi về lại Tà In rồi đi đào vàng chưa chết ở K là may lắm!
Hóa ra là vậy, một lời hứa gió đưa không giống như tôi nghĩ, cuộc đời của hai ông Tỵ chỉ có một lần tao ngộ đó, vậy mà họ lại để lỡ làng.

Cái bắt tay của cậu Tỵ với chú Tỵ là cái bắt tay cuối cùng. Sáng ra, không thấy chú Tỵ dậy sớm như mọi ngày, tôi qua nhà chú thấy chú nằm thõng thượt một nửa trên giường, chân chạm đất. Người ta bảo chú chết vì đột quỵ, người thì nói trúng gió. Tôi là người đầu tiên phát hiện ra cái chết của chú, tôi thấy trên môi chú dường như còn đọng lại nụ cười.

Khi đốt vừa xong mười sáu bài thơ của chú viết tặng chị Minh trong ngày mở cửa mả, một chiếc xe hơi chạy trờ tới, thím Vân và hai đứa em tôi bước xuống xe. Hóa ra mọi chuyện đâu có muộn màng gì, phải không chú Tỵ? Thím Vân không khóc, tôi thấy một sự buồn chân thực nơi mắt thím. Sau một hồi ngồi trầm tư, thím nói với tôi:

– Cuộc đời chú cũng thiệt lạ lùng, lúc chú chuyển ngành chú làm giám đốc cơ quan thím, thím vẫn nhớ như in cặp mắt sáng của chú khi chú vô phòng tài vụ, vậy mà….

Tôi không nghe những lời sau của thím, tai tôi lùng bùng, tôi lặng lẽ nhìn tàn tro mười sáu bài thơ của chú bay tấp vào một góc mộ đìu hiu.

17/9/2013
V.A.C