(Vanchuongphuongnam.vn) – Sắp đến ngày giỗ đầu của Đại rồi đó! Bà xã khi mang lỉnh kỉnh các túi đựng thức ăn vào nhà sau nhắc tôi giọng đầy cảm xúc. Đang pha dở ly café, tôi ngẩn người. Nhanh thật! Đời người khép lại giờ chỉ còn nhớ tiếc, hoài niệm. Một qui luật của đạo lý tình người trên cõi nhân gian nhưng ngẫm ra mang mang vô thường quá đỗi.
Cách đây chưa tròn năm, nghe tin Đại qua đời vì tai nạn lúc sử dụng máy bơm tưới cây kiểng, tôi bàng hoàng không tin là sự thật. Và cũng mới đây thôi vợ chồng tôi đến dự tiệc cưới con gái của Đại hơn 500 khách mời chung vui hoành tráng. Vậy mà… Ôi một chàng trai hào hiệp nghĩa tình lang bạt vẫy vùng nhiều tỉnh thành kể cả đất Chùa Tháp xa xôi nay đã ra đi ngỡ ngàng chóng vánh đến thế.
Quen biết Đại từ việc buôn hàng bia, nước giải khát bù đắp vào đồng lương ít ỏi thời bao cấp. Xét về quan hệ chúng tôi không cùng “hệ” với nhau nhưng lại gắn kết lâu bền tình cảm nhiều năm. Vợ chồng tôi đứng lớp dạy một trường cấp 3 còn Đại là tài xế chở hàng hóa từ vùng ven dưới chân núi Chứa Chan, Rừng lá về Thành phố những năm 80 thế kỉ trước. Vùng ven thời ấy hoang sơ còn nhiều vạt rừng với nhiều loại gỗ quí cũng là nơi tụ hội cư dân các vùng miền sinh sống lập nghiệp. Đốt phá rừng mở thêm đất mới làm rẫy trồng chuối, mì, đậu, chôm chôm, sầu riêng… cả việc xây lò đốt than, làm củi trở thành nhu cầu thiết yếu cho người dân nơi đây để có cơm ăn, áo mặc, con cái học hành. Sản phẩm thu hoạch, làm ra theo các chuyến xe than về Thành phố mà điểm dừng dưới chân cầu Văn Thánh. Sau đó, các chủ hàng đón xe ba gác, xích lô máy chuyển đến các nơi mua, trao đổi lấy các nhu phẩm về bán lại cho cư dân. Cuộc giao thương nghe ra quá thuận chiều êm ái. Thực ra không phải vậy. Một chuyến buôn hàng từ mờ sáng lên xe thì chiều tối mới về. Xe đa phần chạy bằng than, chậm rì rì. Xe hư chủ lẫn khách ngủ đêm dọc đường là chuyện thường đêm! Tuyến xe này đi về gần hai trăm cây số chứ ít đâu. Khó khăn nhất là xe phải vượt qua các trạm kiểm soát gắt gao như ngã ba Tân Phong, Dầu Dây, Trảng Bom, cửa ngõ vào Thành phố. Tắc nghẽn thị trường, “ngăn sông cấm chợ” là nỗi ám ảnh đọng mãi trong hồi ức người dân nhất là các dì, các chị đi buôn hàng thời bao cấp ấy. Đó là các “ông thần” đã đi vào cửa miệng đầy cảm thán, “Công an, Thuế vụ, Kiểm lâm/ Ba ông thần ấy chẳng ham thần nào”. Hàng đặc sản các loại đậu, hồ tiêu, điều… bị soi đánh thuế không thì tịch thu. Xe chở gỗ tròn, súc gỗ vuông, cây ván bán thành phẩm có đậy điệm kĩ cách mấy – hàng đặc biệt cấm – bị phát hiện chỉ có tuôn hàng, giam xe. Quyền uy soi chiếu, thu hàng của các “thần” còn trở thành giai thoại lệnh xét xe cán bộ cấp cao chở hơn chục kí gạo trắng làm quà cho người thân. “Xe Bác Mười hả, Mười Một, Mười Hai cũng xét” ở một chốt trạm miền Tây. Vậy mà xe hàng cấm của Đại như con thoi đều đặn qua nhiều trạm xét thật tài tình. Nhờ thế mấy chục két vỏ chai bia, nước ngọt trên tấm bạt che phủ hàng gỗ của xe Đại như một cách ngụy trang nên không tốn phí chuyên chở mà còn được giằng cột đưa về tận nhà an toàn không thất thoát, vỡ rạn chai nào. Còn mấy tay chủ hàng giới buôn cây gỗ có tiếng trong danh xưng như Ba Thế, Lam rừng, Tam cưa líu không nghẽn chuyến thì cũng ngắc ngứ ngâm hàng chờ thời. Những chuyến đổi hàng ấy. tôi chỉ theo xe Đại vài lần. Còn bà xã tôi có đến mấy năm trời, nhớ lại còn thấy thương, hàng tháng ít nhất cũng ba bốn chuyến theo xe trong âm u mờ sương bon bon về Thành phố. Đại nhỏ người ít nói, ấn tượng là đôi mày rậm, nhanh nhẹn có nhiều thế võ phòng thân. Uy của Đại là chữ tín, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn. Một anh Đại hào hiệp xứng danh. Trôi dạt từ xứ Quảng vào vùng đất mới được một sư thầy nhận nuôi, tu tập ở chùa. Đẹp trai không bằng chai mặt. Rời chùa ra đời kiếm sống với phong thái đó Đại chinh phục kết thành vợ chồng với Diệu Thanh một trong ba chị em xinh đẹp của vùng sau thời gian dài đeo đuổi. Chuyện tình li kì của Đại mà giới làm ăn buôn cây rừng bàn đến trong bữa rượu, café không ngớt lời hâm mộ. Để thông quan hàng cấm, tài quãng giao của Đại khó ai bì. Chốt trạm nào sau lần tuôn hàng đều giúp đỡ ngầm cho Đại biết giờ khắc giao ca trực, chỉ cần khoảng trống giữa lịch trình là xe vù vọt qua! Đổi lại các anh, các chú cần gỗ xây nhà, đóng tủ bàn gỗ quí Đại giao hàng tận nơi. Thú rừng các loại chỉ bắn tin là anh em đi rừng, xẻ gỗ mang về tươi nguyên cho Đại làm quà hữu hảo kèm theo bia rượu đắt tiền cho Bác Sáu, chú Tư ở trên tiếp khách! Quả người đời nói không sai li nào, bánh sáp đi thì bánh qui lại. Các tài khác xe bị giam trạm là giúp ra xe, lấy hàng về không điều kiện vì Đại cảm thông ai cũng vì chén cơm, sự sống của gia đình hết. Cần vốn làm ăn, Đại sẵn sàng chia sẻ. Ngay chính vợ chồng tôi thu nhập nghề dạy học còn lắm khó khăn phải làm thêm việc lấy hàng nước giải khát về bỏ mối cho các quán ăn. Hàng quán lúc đó đông đặc sầm uất, điểm dừng chân các tuyến xe đò Đông Bắc, QL 1A Nha Trang, Huế, Hà Nội – ngã Ba xã Tân lập – nhờ vậy chúng tôi mới bám trường dạy chữ cho đến lúc nghỉ hưu. Cả kho chứa hàng bia, nước ngọt tại nhà, Đại cũng cho cây, ván làm tất. Sau này, các con Đại vào trường cấp 3 học lớp vợ chồng tôi dạy, chúng tôi chăm chút yêu thương dạy dỗ.
Năm 91 huyện mới thành lập, cuộc sống gia đình ổn định, chúng tôi không còn làm nghề tay trái đổi lấy hàng Thành phố nữa. Rừng được quản lí chặt (gỗ quí bị chặt phá hết còn đâu), Đại cũng giã từ những chuyến xe hàng cấm. Thi thoảng tôi gặp lại Đại, giờ gầy hơn, phong trần hơn. Ngồi ở quán trước nhà, nơi mà những khuya mờ sáng nhấn còi gọi bin bin, Đại và phụ tài nhanh gọn chất két vỏ chai đi đổi hàng. Uống một ngụm nhỏ café, bật chiếc zippo vẫn sành điệu như ngày nào, khói thuốc ba con 5 thơm, Đại nhẹ giọng trầm ngâm. Em đi làm ăn xa ở Bình Phước, Bình Dương có lúc sang tận mấy tỉnh Campuchia cũng rong ruổi những chuyến xe hàng chở gỗ nhưng khó khăn hơn trước bởi nhiều xưởng gỗ, trại cưa ghim tiền, lừa tiền hàng tỉ bạc. Em dừng chân thôi anh, hàng giao rồi ký giấy giao hẹn, đến ngày chủ cứ kênh mặt đòi hàng mới, tiền cũ mới được nhận. Anh tính đi, làm ăn chỉ cần tiền tươi, thóc thật chứ nói tiền mặt, rồi lại đưa mặt chây lì, lần lựa… Chủ nắm đằng cán, chữ tín làm tin chứ thưa kiện ai được…Và em phải thế chấp khu đất vàng ở đường trung tâm Thị Trấn đó. Khu đất mà Đại đã mua bằng công sức bao chuyến vượt đêm trắng sôi mồ hôi dính cả máu với cây rừng để trả nợ bạn bè góp vốn làm ăn. Vợ em Thanh anh biết mà, nết mê bài bạc chưa bỏ. Các con ngày càng lớn, nhu cầu cho việc học phải lo toan nhiều. Được niềm vui là chúng ngoan học hết bậc Đại học đều xin được việc làm. May là còn căn nhà nhỏ ở Thị Trấn cho vợ con. Mấy mẫu cà phê ở Gia Lai thế thôi. Làm tài xế riêng cho tay Giám đốc nông trường K để không quên vô lăng, tài vẫn còn bén nha anh… Ngồi lại với anh, cảm động lắm chuyện ngày xưa chở hàng em quên rồi. Những người từng nhờ vả trước đây gặp lại chỉ vẫy chào nhả khói xe vọt mất, không dám gọi em sợ tốn ly nước, điếu thuốc. Chữ đời là chữ buồn sao anh? Cặp mày đen đã có chút điểm bạc. Cười nhẹ với đôi lời triết lí, một Đại vẩy vùng giờ sao cô đơn… Thôi em đi, mai sớm về lại núi rừng… Chỉ kịp siết tay, thoắt một cái Đại đã vù chiếc xe cà tàng về phía xa…
Từ biệt cõi tạm, ai biết được khắc giây nào chân bước vào chốn hư vô. Tất nhiên không kể những người bệnh trầm kha, cao tuổi chủ tâm dặn dò người thân qua di chúc, di thư. Còn ở Đại dấu hiệu dự báo cho cuộc ra đi có chăng là chữ tình thất thế. Bạn cũ giờ là ông chủ nhà cao tầng, cửa hàng hiệu khách ra vào tấp nập hỏi mượn ít tiền thì lảng tránh khéo. Đứa em kết nghĩa nhờ lấy mấy trăm triệu xưởng gỗ nợ, tiền báo giao xong gọi điện cứ ngoài vùng phủ sóng. Khi “rừng xưa đã khép” Đại chỉ còn là cái bóng của thời vẩy vùng, hào hiệp giữa bạn bè và cả trong mái ấm gia đình. Bà xã tôi đã tinh ý nhận ra nỗi cô đơn của Đại trong buổi nhóm họ trước ngày cưới của con gái mà vợ chồng tôi được mời dự. Thanh vẫn đẹp, vẫn tươi tắn lắm nhưng chăm sóc chồng nhiều hơn nha, gầy đen quá. Ảnh cứ đi suốt chị ơi, có khi mấy tháng mới về nhà… Em khỏe mà – Đại nói chen vào – anh chị đừng lo cho em, về Gia Lai phóng xe bảy chỗ một lèo không cần nghỉ…
Đấy người bạn, người em quý mến của chúng tôi, Đại yêu đúng hơn mê say tiếng nổ máy dòn, xe vút ào lăn bánh trên những cung đường mờ sương trong nhập nhòa đêm tối. Đại lang bạt, nổi trôi cùng núi rừng cây gỗ nhiều nơi, nhiều chỗ. Như người mang nghiệp phải trả nợ đời, nợ rừng. Và Đại bước vào cõi mênh mang sau vườn nhà đơn độc không lời sau cuối với vợ con, bạn hữu. Hồi kinh siêu thoát vừa dứt, tôi thắp nén nhang cho Đại. Tiếng mõ tụng đều như còn âm vang. Vẫn màu mày rậm đen, ánh mắt tự tin và hình như Đại đang cười. Không, chữ Đời không phải là chữ buồn, là chữ Tình. Sống chí tình, trọn tình sẽ nhận đủ chữ tình. Trong mùi hương nhang bay tỏa tôi nói thầm với Đại người không cùng “hệ” nhưng mãi mãi là người bạn thâm tình cùng thời bao cấp khó khổ đã qua.
Xuân Lộc, ngày 12/8/2017
N.N.P
\