Bạn học – Truyện ngắn Vũ Việt Thắng

798

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghe tin hắn bị xơ gan giai đoạn cuối, vừa chuyển lên bệnh viện thành phố. Tôi tất tả tới thăm hắn.

Nhà văn Vũ Việt Thắng 

Khi đã nhìn thấy hắn, tôi không tin vào mắt mình nữa: Một hình hài tóp tọp, chân tay như ống xe điếu; chỉ có cái bụng là to phình như người đàn bà sắp đến ngày sinh nở. Dọc ngang bụng là những mạch máu nổi lên xanh thẫm, như những con đĩa đang chĩa những cái vòi vào hút máu trong nội tạng. Bên hông bụng phải là một ống nhựa cắm vào trong ổ bụng; đầu ra cắm vào một bịch nhựa to. Nhìn kỹ thấy nước trong đó có màu vàng đục đã lên tới nửa bịch. Hắn nằm đó mắt nhắm, đôi môi tím bầm. Nghe vợ hắn nói chuyện với tôi, hắn lờ đờ mở đôi mắt, mấp máy đôi môi giọng thều thào:

-Ông mới tới?

Tôi gật đầu nhìn hắn, chuyện xưa mấy chục năm cứ lần lượt hiện lên trong tôi…

 

Tôi với hắn cùng xóm, nhà cách nhau chưa tới một trăm mét. Hắn thua tôi một tuổi, cùng học chung một lớp, từ lớp một cho đến cuối cấp ba. Đi học thì thôi, hễ về nhà là y rằng đi đâu cũng cặp kè có đôi. Bắt cua, ốc, tắm sông… Thậm chí đi hái trộm ổi, nhãn… cũng có nhau. Tính tình hai đứa như hai thái cực. Trong những cuộc vui chơi, hoặc bắt cua ốc lúc nào hắn cũng phải muốn hơn bạn bè bằng mọi cách, vì hắn rất láu cá và ma lanh.

Năm học cuối lớp chín tôi bị động viên đi bộ đội vào chiến trường Long An giáp ranh Sài Gòn. Nhờ ít tuổi hơn, hắn đã học hết lớp mười mới phải đi bộ đội. Trời xui đất khiến hắn được bổ sung vào làm liên lạc trên ban chỉ huy cùng đại đội với tôi. Trong một lần bị quân lính hỗn hợp Mỹ và Quốc Gia càn quét bao vây. Đơn vị trợ chiến của tôi ở gần ban chỉ huy. Sau những đợt bom pháo, địa hình tan tành, quân lính bộ binh hỗn hợp của địch tràn xuống. Quân số còn lại ít không chống trả nổi, đơn vị luồn theo bờ sông rút lui.

Đang trườn trong đám cỏ dọc mé sông, thấy  một người đầu tóc bê bết máu. Tôi bò lại lay gọi. Hắn mở mắt ra tôi thét lên:

-Hùng!

Hắn ôm lấy tôi mà khóc. Tôi xé vội cuộn băng cá nhân còn lủng lẳng bên hông ra; lấy tay khoát nước rửa vết máu. Mừng rỡ vì tôi thấy đằng sau gáy hắn chỉ bị mất một mảng da đầu, có lẽ do mảnh pháo hoặc hỏa tiễn máy bay bắn sượt qua. Tôi bò trước hắn bò sau, những chiếc trực thăng chiến đấu vẫn quần thảo trên đầu, để tìm dấu vết Việt Cộng. Thỉnh thoảng nó nghi ngờ chỗ nào có quân ta ẩn nấp lại phóng hỏa tiễn: Oành đùng, oành đùng… và xả súng đại liên, tiếng đạn nổ ò, ò, ò…như tiếng bò bị chọc tiết. Tôi kéo nó bò ngược trở ra ngoài đồng, nơi đó trống trải hơn, nhưng có những bụi ô rô, cóc kèn. Bò được đoạn xa, tôi bảo nó:

-Chỗ này hơi trống, nên chúng nó không nghi ngờ; mình nằm đây đợi tối rồi tìm đường về đơn vị.

Trên trời ầm ầm tiếng trực thăng, tiếng nổ của hỏa tiễn, tiếng súng của tụi lính bộ binh đang dàn hàng ngang vào lục lọi đám địa hình đã bị bom, hỏa tiễn và đạn cày nát gãy gục. Nó cứ ôm cứng lấy tôi vì nghe tiếng la hét của tụi lính, kèm theo những tràng AR-15. Trên trời chiếc đầm già OV-10 liên tục phát ra những lời kêu gọi: “Hỡi anh em cán binh Cộng Sản Bắc Việt, anh em đang bị quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh bao vây. Con đường sống duy nhất là hãy trở về với chính nghĩa quốc gia; anh em sẽ được đối xử tử tế…”. Những tờ truyền đơn kêu gọi đầu hàng bay trên trời như bươm bướm. Có hàng chục tờ rơi xuống chỗ chúng tôi ẩn nấp. Tôi cứ phải khom người chăm chú nhìn về phía có tiếng la hét của tụi lính, xem tụi nó có thấy dấu vết và đi về phía chúng tôi hay không.

Trời đã ngả về chiều, tiếng máy bay chở quân nghe phành phạch trên phía đồng trống. Địch rút quân. Không gian yên tĩnh quá. Tôi đứng dậy quan sát: Chả còn bóng dáng thằng lính nào. Phía địa hình hồi nãy, những cây bần gãy ngọn, cành cây trắng hếu đang chảy nhựa màu vàng thẫm như những ngón tay chỉ lên trời. Những tàu dừa nước bị bom đạn phạt đứt lá như những mũi chông lởm chởm. Những cụm khói bốc lên trời ngoằn nghèo như những con rắn. Tôi quyết định hai đứa sẽ đi dọc bờ sông, tới con rạch bơi qua bên kia chắc sẽ tìm được đơn vị. Có lẽ bị choáng, phần chắc chắc vết thương đang nhiễm trùng, nó lên cơn sốt. Tôi phải kè hắn, lắc lư lội dưới đám sình lầy ven sông. Tới bờ sông tôi rút dao găm xắn những bặp dừa nước kết làm bè. Bảo hắn ôm bè, tôi vừa bơi vừa kè kéo hắn qua sông. Không dám lên mé đồng trống vì sợ tụi lính còn nằm phục kích. Đã thở không ra hơi mà hắn cứ luôn miệng bảo tôi đừng bỏ hắn.

Lần mò tới nửa đêm, hai đứa cũng gặp được đơn vị. Lúc chia tay để hắn đi trạm quân y. Hắn cứ ôm tôi mà khóc, còn mếu máo bảo rằng:

-Nếu sau này đứa nào còn sống; hãy kể lại cho gia đình biết cái trận này hai đứa còn gặp nhau nghe không.

 

Hết chiến tranh. Phúc đức ông bà để lại, hai đứa còn sống. Hắn chuyển ngành theo thủ trưởng của hắn đã làm một ông phó trưởng ty (ngang sở bây giờ). Với cấp bậc quân đội hắn chuyển qua làm một phó phòng tổ chức.

Tôi chẳng có ai đỡ đầu, phần quá mừng sau tám năm bom đạn còn sống sót. Nên xin xuất ngũ về quê, với ân huệ được 90 kí lô gam tem phiếu gạo cùng mấy trăm đồng phụ cấp.

Về làm việc trong hợp tác xã. Tôi được cử vào đội cày, đêm đi gác bảo vệ. Sau sáu tháng tạm ứng sáu mươi cân thóc. Chạy chợ đủ kiểu mới có tiền mua thêm hạt bo bo độn vào gạo. Dạ dày đã đau ăn hột bo bo cứng ngắc càng đau dữ dội. Đói quá tôi đành khoác ba lô quay lại miền Nam lần thứ hai, với hai bàn tay trắng.

Người đầu tiên tôi nghĩ đến là hắn, thằng bạn học cùng xóm; đã một thời khăng khít và sống chết trong chiến tranh. Tôi mò tới nhà hắn vào ngày Chủ Nhật. Lúc này hắn còn đang ở nhà cơ quan và chưa có vợ. Hắn tiếp tôi với vẻ thờ ơ, hỏi thăm mấy câu qua loa khách sáo. Tôi đặt thẳng vấn đề, nhờ hắn xin vào làm trong cơ quan của hắn, làm lao công hay anh bảo vệ cũng được. Miễn sao có mỗi tháng mười mấy cân gạo khỏi phải lo đói khát như ngoài quê là tốt rồi. Hắn nhếch mép cười ruồi:

-Khó lắm ông ạ, tất cả đã đủ biên chế rồi. Thôi ông hãy về và chờ khi nào…

Nói xong hắn kiếm chuyện là có việc gấp phải đi mong tôi thông cảm. Tôi đâu có ngờ nó trở mặt nhanh thế; à thì ra nó kiếm chuyện đuổi khéo mình đây. Tôi khoác ba lô thất thểu ra khỏi cơ quan của hắn. Lòng buồn và lo. Trời đã chuyển về chiều rồi. Giữa cái thị xã mênh mông này, tôi đâu có quen biết ai. Đêm nay không biết ăn đâu, ngủ đâu. Niềm hy vọng của tôi chỉ còn nước về vùng sâu vùng xa khi còn chiến tranh, tôi đã được các bà má cưu mang. Tôi ra bến tàu thủy thị xã mua vé chờ sáng mai sẽ lên vùng Mộc Hóa.

Đêm. Bến tàu thị xã muỗi nhiều vô kể. Phần nghĩ về lòng dạ của thằng bạn học chí cốt mà không tài nào ngủ được. Con người ta chẳng hiểu nổi, lúc sống chết thì hết mình vì nhau. Hòa bình rồi có chút chức quyền thế trong tay; bạn bè tới nhờ vả thì thoái thác hất hủi. Biết bạn cầu bơ cầu bất xứ người mà không mời được bữa cơm, cho ngủ nhờ một đêm. Tôi tự hứa với lòng mình, dù có chết cũng không bao giờ gặp mặt và nhờ vả hắn bất cứ việc gì.

Cả chục năm sống nơi miền quê bằng sự đùm bọc của những người dân Nam Bộ. Nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất, nơi tấm lòng nhân đức còn tồn tại. Tôi đã gầy dựng được một gia đình êm ấm, dưới mái nhà lợp lá dừa nước, vách cũng thưng bằng lá dừa. Có lẽ do lao động bốc vác nặng nhọc, hậu quả bị đau thần kinh tọa. Tôi xuống nằm bệnh viện đông y tỉnh.

Một buổi chiều tôi lang thang đi bộ; và dừng chân nơi cây cầu bắc ngang một nhánh sông chảy xuyên qua thị xã. Đang thả hồn dõi mắt nhìn theo những đám lục bình trôi xuôi dòng nước đổ ra sông Vàm Cỏ Tây. Tôi giật mình vì tiếng xe máy thắng gấp và tiếng gọi:

-Ông Bình!

Quay lại nhìn, thì ra cái thằng tôi đã tự hứa với lòng sẽ không bao giờ thèm gặp mặt nữa. Nhìn hắn tôi nhận muốn không ra, vì hắn đã phát tướng to béo bụng phệ; áo bỏ trong quần, sợi thắt lưng quần trễ xuống khỏi rốn, như càng phô trương cái bụng to.  Hắn vỗ vai tôi:

-Ông đi đâu mà chiều sắp tối rồi còn đứng đây?

Ngoảnh mặt nhìn xuống dòng sông, tôi trả lời trống không:

-Nằm bệnh viện!

Hắn xoắn xuýt hỏi thăm và năn nỉ tôi lên xe để hắn chở về cho biết nhà. Nhớ chuyện khi xưa, tôi từ chối không đi. Hắn cứ nài kéo tôi, cực chẳng đã tôi phải leo lên xe. Chừng nửa cây số đã tới nhà hắn. Căn nhà nằm cạnh mé sông gió thổi lên mát rượi. Tôi ngỡ ngàng trước căn nhà có tường bao quanh, cổng sắt kiên cố. Bên trong là ngôi biệt thự xây theo kiểu Tây mái ngói còn đỏ chói. Hỏi ra mới hay hắn đã lấy vợ, nghe nói vợ hắn mới học hết lớp 12. Hắn chạy chọt vào làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu. Hắn còn khoe là đã học xong đại học tại chức. Nhờ cái bằng đại học đó, hắn đã leo lên chức phó giám đốc sở ở tuổi ngót nghét bốn mươi. Tôi cứ im lặng trong sự khoe khoang thao thao bất tuyệt của hắn. Khoảng ba mươi phút, tôi rất khoát bắt hắn trả tôi về bệnh viện; trong khi hắn cứ cố nài tôi ở lại dùng bữa cơm với gia đình.

Trong thời gian tôi nằm bệnh viện cứ vài ngày hắn lại ghé thăm. Tôi cứ tự chất vấn mình: “Bản chất con người khó thay đổi; hay hắn giàu, có chức quyền lòng vị tha nảy nở. Hay hắn ân hận về những gì hắn đối xử với tôi cách đây chục năm?”.

Biết tôi sắp xuất viện, hắn ra vẻ tử tế vỗ vai tôi đề nghị:

-Hay ông đi làm việc cho nhà nước để mai này còn có chút lương hưu.

Đúng là hắn đánh đố tôi. Biết tôi đã bị thần kinh tọa thoát vị đĩa đệm không thể làm việc nặng được mà hắn lại gợi ý cho đi làm. Trong khi bằng cấp và nghề chuyên môn tôi không hề có. Cắc cớ tôi buột miệng hỏi hắn:

-Ông sắp xếp cho tôi làm việc gì?

Hắn vẫn xởi lởi:

-Bên công ty xây lắp đang cần người, tôi xin cho ông về đấy.

Tôi cười hỏi lại hắn:

-Cách đây cả chục năm, tôi còn sức khỏe nhờ vả sao ông không giúp? Bây giờ biết tôi bệnh tật, không thể làm việc như người bình thường; cắc cớ chi ông lại ra vẻ tử tế cứu giúp là sao?

Hắn gãi gãi đầu:

-Bây giờ tôi mới có điều kiện.

Tôi đã quá hiểu con người của hắn. Mục đích hắn chở tôi về nhà để khoe nhà cửa và chức danh của vợ chồng hắn, chứ hắn mà tử tế gì. Rời bệnh viện chẳng bao giờ tôi quay lại nhà hắn.

Kinh tế thị trường đã mở. Người dân không bị trói buộc bằng những sợi dây vô hình do cơ chế. Nhờ bạn bè, từ anh lính quèn sa cơ thất thế làm anh hai lúa; đã bò lên thành phố làm ăn. Trong thời gian lăn lộn mày mò; tôi đã gặp may mắn và có vốn liếng thành lập công ty.

Một buổi sáng, văn phòng công ty vừa mở. Đang ngồi uống nước trà, xem lại mấy văn bản hợp đồng. Tôi ngạc nhiên thấy hắn dừng xe Hon Da trước văn phòng. Hắn đi vào chào tôi. Ngẩng mặt lên tôi thấy hắn vẫn còn bụng to phát tướng như năm nào, nhưng nay đã ỏng eo, da mặt xanh nhợt, nhăn nheo. Khuôn mặt thất thần như kẻ mất hồn. Đâu rồi cái thuở oai phong của ông phó giám đốc, cách đây cả chục năm.

Qua chuyện trò tôi mới hay vợ hắn bị đi tù ba năm, vì công ty làm ăn thua lỗ thâm hụt vốn. Tay giám đốc trình độ “Rút rơm trâu ăn no” quẫn trí đã tự sát. Hắn bị đi tù hai năm, mới ra tù gần tháng nay. Hắn nghe người ta nói tôi đã lên thành phố mở công ty. Hắn rất ngạc nhiên khi nhìn cơ ngơi và cách làm ăn của tôi; trong khi tôi chẳng có bằng cấp và qua trường lớp đào tạo chuyên môn như hắn. Hắn đã thất thế, tan tành hết sự nghiệp từ vợ tới chồng. Chắc lên nhờ vả gì đây? Tôi hất hàm hỏi y như giọng của hắn năm nào:

-Ông lên tôi có chuyện gì?

Hắn gãi gãi đầu:

-Tôi bí quá tính lên nhờ ông chút việc.

Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn:

-Có gì ông cứ vào thẳng vấn đề đi.

-Chả nói giấu gì ông, vợ chồng tôi đều gặp vận rủi. Nay trắng tay, đứa con lớn đang học đại học, đứa thứ hai sắp tới cũng vào đại học. Nếu có thể ông cho mượn ít tiền?

Tôi bỏ ly trà xuống:

-Ông nhớ chuyện ngày xưa chứ? Cái đêm tôi mang bụng đói ra ngủ ngoài bến tàu. Tôi đã thề không bao giờ gặp mặt ông mà trời xui đất khiến làm sao tôi cứ phải gặp ông. Ông làm quan to, bạn bè thiếu gì mà lúc cùng đường túng quẫn lại tìm tới tôi?

Hắn cúi mặt xuống:

– Chuyện xưa mong ông bỏ qua cho.

Ngập ngừng hắn ngẩng mặt lên vẻ phẫn nộ:

-Đ.M! đời toàn là một lũ chó má, giả nhân giả nghĩa. Khi mình có chức có quyền, chúng nó cần mình thì xun xoe khúm núm. Biết mình sa cơ thất thế thì chúng trở mặt ngay.

Hắn ôm mặt khóc. Bản tính của hắn đã có sẵn, được tôi luyện trong những năm tháng ở chốn quan trường. Tôi đã quá hiểu.

Tôi mỉm cười cho những câu hắn chửi người đời; cũng chính là hắn tự chửi vào mặt hắn.

Tôi nhìn hắn thấy tội nghiệp, chặc lưỡi: “Giúp người ta lúc khó khăn mới quý”. Lật ngửa bài tôi nói thẳng với hắn:

-Tôi làm ăn đây cũng là đi vay vốn của ngân hàng; khi cần vốn gấp phải vay nóng bên ngoài, cao nhất là hai mươi phần trăm.

Ngừng giây lát, tôi vỗ vai hắn:

-Thôi thế này nhé: Dù ông có thất thế cũng còn ngôi biệt thự. Hãy về đem giấy chứng nhận nhà đất ra ngân hàng vay hai trăm triệu. Ngân hàng lấy lãi ông có tám phần trăm một năm. Tôi vay giúp ông là hai mươi phần trăm sẽ trả lãi trước. Phần tiền chênh lệch trả lãi ngân hàng để ông lo cho con nó vào đại học. Thế nào ổn chưa?

Hắn xoa xoa hai bàn tay ra vẻ khúm núm:

-Ông tốt với tôi quá!

Mười ngày sau, hắn cầm lên đúng hai trăm triệu. Hắn luyên thuyên kể lể nỗi vất vả chạy chọt xin chứng nhận và vay tiền. Có lẽ hắn quen môi trường sống đó rồi.

Đếm tiền xong, tôi đưa lại hắn bốn mươi triệu như đã hứa. Hắn vui vẻ, ôm tiền cảm ơn rối rít ra về. Vợ tôi nhìn theo cứ cằn nhằn:

-Loại người phản trắc thượng đội hạ đạp đó, ông đã kiềng mặt còn giúp nó làm gì.

Tôi chặc lưỡi:

-Chấp gì nó em ơi! Cùng đường nó mới mò tới mình mà.

 

Dạo này hắn vẫn cứ hay nhậu nhẹt như khi còn đương chức. Cái bụng đã to, nay càng to xệ bèo nhèo. Da mặt đã chuyển sang màu vàng, vì theo lời hắn kể: Trong những năm vợ hắn đi tù bị lây bệnh viêm gan siêu vi B. Một điều chắc chắn là đã lây qua hắn. Đôi lần hắn ghé lên văn phòng, tôi chân tình khuyên hắn nên bớt uống rượu, bia đi. Vì theo các nhà khoa học thì rượu bia cùng siêu vi B tàn phá tế bào gan với tốc độ rất nhanh. Hắn nhe răng cười:

-Đời sống được bao lâu, việc gì phải kiêng khem cho khổ.

Tôi nhìn hắn lắc đầu ngao ngán.

 

Được tám tháng kể từ ngày hắn đưa tiền cho tôi. Hắn ghé văn phòng tôi đề nghị:

-Tôi thấy cách làm ăn của ông quá chuẩn; chắc phần tiền của tôi ông đã thu dư phần lãi trả cho tôi. Bây giờ tôi cần tiền quá, ông thông cảm có thể đưa lại số tiền của tôi được không?

Tôi trợn mắt nhìn hắn:

-Ông từng làm cán bộ to của nhà nước; đã từng ký hợp đồng kinh tế. Thời hạn trả vốn cho ông còn bốn tháng nữa, chưa tới hạn làm sao lên đòi vốn? Tôi đâu phải trẻ con!

Hắn ấp úng:

-Nhưng…

Bực mình tôi dụi vội điếu thuốc đang hút vào cái gạt tàn:

-Tôi tưởng ông đã thay đổi tính tình ít nhiều. Ai ngờ bản chất trời sinh thế nào vẫn vậy. Ông xà xẻo của nhà nước quen rồi, nên vợ chồng mới đi tù hết đó. Lúc sa cơ thì cầu khẩn, thoát nạn thì trở mặt ngay.

Ngừng giây lát, tôi nhìn thẳng vào mắt hắn.

-Bây giờ thì không có tiền. Đúng một tháng nữa ông lên đây tôi trả tiền, hủy hợp đồng.

Đúng ngày hẹn, văn phòng vừa mở cửa đã thấy hắn đứng đợi. Hắn cười xởi lởi:

-Tôi đi sớm cho mát mẻ.

Tôi gọi hắn vào, thanh lý những giấy tờ hợp đồng giữa hai người. Giao đủ số tiền hai trăm triệu. Trước khi chia tay, Tôi lấy hai lon bia trong tủ lạnh ra mời hắn uống. Uống chừng nửa lon tôi thủng thẳng:

-Chả cần nói nhiều, hồi vợ chồng ông có chức có quyền, khinh rẻ tôi như thế nào, ông tự hiểu lấy. Con người ta sống trên thế gian này chả được bao nhiêu năm. Thế mà xảo trá, lừa gạt nhau miễn sao mình đạt được ý nguyện. Chúng ta đã sắp bước sang tuổi “Tri Thiên mệnh” cả rồi, quỹ thời gian chả còn bao nhiêu. Nhưng con người có số cả đấy, đúng không?

Tôi ngửa cổ uống thêm ngụm bia nữa. Nhìn vào hai con mắt của hắn đã có màu vàng của chứng bệnh gan:

-Tôi rất tiếc về tình bạn học của chúng ta. Hôm nay tôi nói thẳng, tôi đã tự hứa không bao giờ tới nhà ông. Kể từ hôm nay, ông cũng phải hứa với tôi là không bao giờ ông ghé nhà tôi nữa. Để ít nhiều còn chút tình bạn và quê hương trong mỗi người.

Hắn sa sầm nét mặt chẳng nói gì. Tôi đưa lon bia lên cụng với hắn lần cuối chia tay. Ngửa cổ trút những giọt bia cuối cùng, hắn thất thểu ôm bọc tiền ra xe.

 

Đoạn hồi tưởng đã trả tôi về thực tại, khi mấy cô điều dưỡng đẩy xe tới tiêm và phát thuốc buổi chiều. Tất cả người nhà bệnh nhân phải ra ngoài hành lang bệnh viện. Trên giường bệnh hắn vẫn nằm thiêm thiếp. Khi cô điều dưỡng đâm mũi kim tiêm vào mông, hắn á lên một tiếng nhỏ, đôi mắt đờ đẫn nhìn mông lung lên trần nhà.

Đợi gần tiếng đồng hồ, khi các điều dưỡng đẩy xe ra khỏi phòng. Tôi vào ngồi bên cạnh, hắn nắm lấy tay tôi nói phều phào:

-Ông tha nỗi cho tôi về những chuyện giữa hai người.

Cổ nhân có câu: “Chim khôn hót tiếng hay, người sắp chết nói lời thật”. Tôi xiết chặt tay hắn động viên:

-Ông yên tâm, đừng nghĩ ngợi làm gì ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hắn cố nghiêng người qua phía tôi vẫn giọng thều thào:

-Tại tôi có chức, có quyền, không biết kìm chế mình. Ăn nhậu xả láng, làm ăn để lỗ lã mới lĩnh hậu quả tù tội. Khi ra tù gia đình, ông và bạn bè khuyên bỏ rượu; tôi không thèm nghe. Bây giờ xơ gan giai đoạn cuối rồi…

Hắn há miệng hít hơi vào lấy sức; bàn tay gân guốc yếu đuối cố xiết tay tôi. Hắn thều thào:

-Biết thế này, đừng làm cán bộ cán bèo, cứ làm dân như ông mà thảnh thơi, sung sướng, có sức khỏe.

Hắn buông tay tôi, nước mắt từ hai khóe mắt cứ tràn ra hai gò má xám xịt xương xẩu.

V.V.T