Bạn nhà quê – Bút ký Hoàng Tiến Điểm

681

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuổi thơ tôi là những tháng ngày lặn lội, gắn liền với “cái đó, cái đơm, cái rơm, cái rạ” và cùng với bao nhiêu bài đồng dao quen thuộc khác. Trưởng thành, tôi lên thành phố Hải Dương làm việc. Sáng đi làm, cứ tối đến hễ tiếng chuông nhà thờ ngân vang là tôi đã về đến nhà, nên mọi người nói về tôi là thành phần “ly nông bất ly hương”.

Sau biến cố về sức khỏe, tôi không còn dẻo dai và phù hợp với thời tiết mùa đông giá lạnh miền Bắc. Tôi đành phải làm một cuộc cách mạng, đưa cả gia đình Nam tiến, định cư tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Và từ đây tôi “ly nông và ly hương” thật rồi. Tạm gác lại nghiệp văn chương, tôi chuyển theo công việc kinh doanh. Cũng từ đó, sự bù đầu lấp dần đi những kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng rồi cũng không thể “trách lẫn trời gần, trời xa”. Sắp xếp mãi, tôi mới có một dịp về thăm quê nhân chuyến đi thực tế sáng tác, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Từ lâu, thiên hạ đã nhận xét làng tôi là phố trong làng. Giờ đây, nhà cao tầng, đủ kiểu cách, màu sắc khiêm tốn nép dưới tháp chuông nhà thờ xứ vẫn sừng sững, chót vót. Thế mới biết anh bạn đồng môn của tôi “liều” thật, nhà trong làng đường bê tông chạy đến tận cổng mà không ở; lại mò ra tận khu triều trũng cuối làng để lập trại, đường đi lối lại mới vất vả làm sao. Ngày hắn có ý định “tậu” khu triều trũng này của xã, ai cũng gàn. Nhưng hắn khăng khăng: “Khôn lập trại, dại xây nhà”. Thế là bao nhiêu vốn liếng vợ chồng tích cóp được từ những công việc hiện có của làng nghề Phú Lộc, nổi tiếng nhất tỉnh Hải Dương: Nghề chưng cất rượu truyền thống. Ngoài ra còn nghề tráng bánh đa, bánh mỳ sợi, làm bún, hàng xáo… Mạnh dạn vay mượn thêm để đầu tư cải tạo khu ruộng trũng thành một trang trại. Thỉnh thoảng hắn gọi Zalo, Facebook cho tôi, qua hình ảnh công việc, cơ ngơi và mô hình trang trại mà tôi mừng cho nó. Đặc biệt là giọng cười hể hả làm sao: “Con cháu bà Nghi Địch (Thủy tổ làng nghề nấu rượu) chỉ thế thôi. Cứ bám lấy nghề truyền thống thì bao đời nay chẳng lo bị đói… Khà… Khà!”.

Đi bộ tắt qua cánh đồng lúa “mơn mởn thì con gái” để đến cơ ngơi của anh bạn đồng môn. Đêm qua, có trận mưa rào đầu mùa, đường trơn nên phải dò từng bước. Hương lúa ngào ngạt làm tôi thấy xốn xang. Nhớ lại những buổi đi làm cỏ, sục bùn cho lúa, lá lúa gai gai quạc vào mặt rằm rặm. Bất chợt, tôi đưa tay xoa lên má, thấy gờn gợn khi nghĩ đến làn da mỏng manh tuổi mười lăm bị vài vết xước do lá cứa vào thành vệt đỏ dài, nhỏ li ti. Mải nghĩ, tôi trượt chân suýt ngã…

Gần tới dinh cơ của hắn, tôi mới thấy hết cái khôn của nó. Chỉ có dăm năm, hắn đã có trong tay một trang trại rộng lớn. Lòng quyết tâm, biết tính toán, cộng với sự chịu thương, chịu khó mà vợ chồng hắn đã trở thành triệu phú.

Minh họa: Hà Huy Chương.

Thấy tôi đến chơi, anh bạn ló đầu qua vòm vải thiều nói to: “Cậu vừa vồ được ếch hả? Nhưng món ếch nấu chuối, đậu không ngon bằng món này đâu. Tớ sẽ đãi cậu món đặc sản này”. Hai bàn tay nó vàng khè, dứ cái túi vải bên trong bùng nhùng, núc nhúc là bọ xít, loại côn trùng chuyên hút nhựa cây vải, nhãn để sống. Tôi hơi sững sờ, tưởng nó đùa, chứ ai lại thết khách từ miền Nam ra bằng cái loại hôi xì xì ấy. Nhìn hắn “làm thịt” lũ bọ xít một cách thuần thục, tôi bắt đầu tin nó thết mình món này thật. Nó hoà nước vôi tôi, để trong lại, đổ bọ xít vào, chúng xoè cánh ra rũ rượi, vặt chân, vặt cánh, rửa sạch, để ráo nước rồi thả vào chảo mỡ đang sôi. Mùi thơm của bọ xít rán kích thích khứu giác và tính tò mò của tôi. Thấy nó nếm, tôi cũng thử ăn… Chà! Quả là thơm thơm, ngầy ngậy, giòn giòn, không còn chút nào là mùi hôi của bọ xít. Hấp dẫn quá!

Ngày bọn tôi học cấp hai trường làng. Buổi trưa chúng tôi thường trốn ngủ, rủ nhau đi bắt bọ xít, dùng nhựa mít, nhựa sung đặc hoặc nhựa đường gắn vào cái xe tự chế bằng vỏ hộp kem đánh răng, có bánh xe làm bằng đồng xèng hay bằng cúc áo. Ngày ấy, chỉ nhà ai có người đi bộ đội về phép hoặc đi làm việc trên tỉnh về chơi mới có vỏ hộp kem đánh răng bằng nhôm mỏng. Chúng tôi thường hay đến chơi, chờ cơ hội kem hết để xin vỏ về làm xe. Kiếm nhựa cây khó lắm, phải rình mò nhà ai có cây mít, cây sung liền mang dao băm trộm mấy nhát, đợi nhựa rỉ ra, hứng vào mảnh sành rồi đem phơi nắng mới có nhựa đặc. Nếu bị gia chủ phát hiện, nhẹ thì mấy cái véo tai, nặng thì bị mách bố mẹ, lúc ấy vài con lươn ở mông là cái chắc.

Học kinh nghiệm của các anh lớp trên, những lần chúng tôi được bố mẹ đồng ý cho chạy bộ hơn mười cây số lên thị xã xem duyệt binh ngày Quốc Khánh. Khi về, đứa nào đứa nấy cũng đầy hai túi quần những mảng đường nhựa vụ vỡ bằng quả táo, to lắm thì bằng cái bánh rán. Kiếm cái nồi gang hỏng, chất đầy mảng đường nhựa mà đun lên. Đủ độ nóng thì nhựa đường chảy ra, trơ lại những hòn đá, hòn sỏi. Chắt nước nhựa vào cái bát, để nguội nó đóng thành bánh mềm mềm, dẻo dẻo, dinh dính. Có đứa vội vàng cho tay vào thử độ mềm khi còn nóng, nhựa đường dính vào tay bị bỏng, bong ra cả mảng da, xót và rát làm sao, mấy ngày sau mới khỏi. Khi xe đã làm xong, chỉ cần véo cục nhựa bằng hạt lạc, hơ qua lửa, ịn vào xe thì dính luôn. Quan trọng là khi dính bọ xít vào cục nhựa đang mềm, nếu gắn thẳng bọ xít với xe thì xe sẽ chạy thẳng, nếu gắn lệch thì kiểu gì xe cũng chạy lệch về bên ngược lại. Bọ xít càng cố bay lên hòng thoát khỏi cục nhựa, xe càng chạy nhanh và đi xa. Những cuộc thi xem xe của đứa nào đi nhanh và xa hơn cũng choán hết thời gian lông bông của chúng tôi…

Gió từ tứ lướt qua những vòm cây trái trong vườn, nơi tôi đang thảnh thơi buông cần câu cá, dường như đọng lại quanh ngôi nhà hai tầng mà chúng tôi đang “ôn cố tri tân”. Mùi hương nồng nàn của hoa vải, hoa nhãn tràn vào, cũng khác hẳn với hương tràm lưu luyến níu chân tôi của cái không khí oi nồng giữa mùa khô Nam Bộ. Dưới ao, cá tung tẩy đùa giỡn, kéo những ngọn cỏ rẽ nước ra xa, chả màng đến mồi câu của tôi. Trên bờ, giàn mướp trĩu quả, hoa mướp nở vàng khè dọc bờ ao. Đàn lợn con rít lên đòi bú. Một cơn mưa rào đầu mùa ập xuống. Gà mẹ lục tục gọi đàn con đi trú mưa. Đám bọ xít trên cây bị động bay lả tả… Cảnh tượng ấy, âm thanh ấy chỉ có bạn tôi ở quê mới được hưởng no nê.

Thấy tôi không câu được con cá to nào ưng ý, nó vuốt ngược mái tóc hoa râm, lộ ra khuôn mặt đen đúa vì suốt ngày trật vật ngoài trời; nhe hàm răng hơi xỉn màu vì ám khói thuốc và nước chè, bảo:

– Tôi mới thu hoạch cá, đánh tỉa được cả thảy năm tấn, giờ ao động nên cá khó câu. Hơn nữa, sau dịch tả châu Phi, gầy lại đàn lợn cả chục con lớn bé, bao nhiêu phân xả cả xuống, đàn cá mới thả bù cũng no trương bụng rồi.

– Một năm ông thu hoạch cá mấy bận? Tôi hỏi.

– Ba lần – Nó nheo mắt, hất hàm – Chủ yếu thực hiện phương pháp “đánh tỉa, thả bù”. Trước trận mưa rào đầu mùa, đã phải thu. Vì trận mưa đầu nước mưa sẽ nhiều a-xít, nước mưa trong làng đổ ra, cuốn theo nhiều chất bẩn lưu cữu, hàm lượng ô-xy trong nước giảm, kẻo cá ngộp là toi công.

Thế mới biết, làm nông phải “trông trời trông đát trông mây”. Trận mưa rào đầu tiên thì “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, còn nuôi cá thì bất lợi thật. Chợt trong lúc tôi rửa ráy chân tay, tôi nhớ đến một bài thơ trong sách giáo khoa: “Mồ hôi mà đổ xuống đồng/ Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương/ Mồ hôi mà đổ xuống vườn/ Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm/ Mồ hôi mà đổ xuống đầm/ Cá lội phía dưới, rau nằm phía trên/ Mồ hôi xuống, cây mọc lên…”.

Chúng tôi ngồi vào mâm cơm mà vợ con anh bạn đã dọn sẵn. Món ăn được chế biến toàn là đồ “của nhà nuôi trồng được”. Bên mâm cơm không thể thiếu cút rượu đút lút bằng lá chuối khô, chuối cũng nhà trồng. Cao hứng, hắn tung tẩy:

– “Rượu ngon bạn hiền nghìn chén thiếu/ Người không tri kỷ nửa câu thừa”. Mà thôi, chẳng dám múa rìu qua mắt “nghệ nhân chữ” nữa.

Tôi bảo:

– Cứ như ông là hơn đứt tôi. Dân chữ nghĩa khổ thấy bà nội. Ăn nói, viết lách phải đắn do từng câu chữ, có khi phát rồ vì ngộ chữ ấy chứ chẳng chơi. Điều đặc biệt là “Cơm áo không đùa với khách thơ”.

Anh bạn không quên sở trường về ăn uống của tôi, liền bảo vợ bưng món cơm rang lên:

– Đã lâu lắm rồi, mình chưa ăn cơm rang.

– Mình cũng thế! Tôi thốt lên.

Lại nhớ về thời học trường huyện, trường xa nhà đến chục cây số, phải đi học bằng xe đạp. Sáng sáng, u tôi dậy sớm, rút những sợi rơm vàng óng mang vào bếp, hì hục rang cơm để anh em tôi ăn lót dạ tới trường. Bên hàng xóm cũng vậy, ánh lửa lập loè trong bếp, mùi cơm rang, tiếng thìa nhôm đảo cơm chạm với chảo gang quèn quẹt, rộn ràng xóm nhỏ.

Ngày ấy, điều kiện vật chất còn khó khăn, thịt mỡ lợn bán chạy hơn thịt nạc. Có mỡ nước để rang cơm đã là quý lắm. Năm cuối cấp, chúng tôi phải trọ gần trường để có thời gian ôn thi tốt nghiệp và ôn thi đại học. U tôi chuẩn bị nhiều thứ để tôi có thể xa nhà dăm bữa, nửa tháng. Trong hành trang ấy không thể thiếu chai mỡ nước. U dặn rất kỹ: “Ăn cơm rang buổi sáng chắc dạ hơn, có sức mà học đến trưa”. Rồi dạy tôi cách rang cơm sao cho ngon. Đầu tiên phải dằm cơm nguội cho tan chầng, đảo nóng đều, tưới ít mỡ nước để các hạt cơm khỏi dính vào nhau và dính vào nồi; thái vài nhánh hành khô, cho ít nước mắm, đun đều lửa… Chúng tôi tự phân công mỗi dứa một ngày phải dậy sớm rang cơm. Những ngày đầu tôi tự rang cơm, tốn nhiều mỡ mà cơm rang chỗ ướt, chỗ cháy đen. Làm mãi mà vẫn không ngon bằng nó rang, dù là nó chỉ cho rất ít mỡ.

Điều kiện ăn uống ngày nay không đến nỗi khó khăn nữa, tôi được đi nhiều nơi, ăn đặc sản của nhiều vùng miền, ít khi có thời gian để rang cơm hay đi ra quán ăn cơm rang. Nhưng mỗi lần bưng bát cơm rang, tôi lại nhớ kỷ niệm một thời sáng sáng ăn cơm rang tới lớp và hình ảnh u tôi cũng như bao bà mẹ thôn quê tần tảo, cặm cụi rang cơm vào mỗi buổi sáng. Hương vị cơm rang, tiếng quèn quẹt ấy luôn còn đọng trong ký ức tôi. Có lẽ anh bạn cũng như tôi, ăn cơm ramg và nghĩ về một thời thuở học trò.

Đĩa bọ xít rán đầy tú hụ vơi dần theo những câu chuyện xa gần. Kỷ niệm tuổi thơ trỗi dậy, làm tôi vơi đi những lo toan, tính toán, vật lộn với chốn thương trường. Bất chợt tôi nhớ đến câu danh ngôn quen thuộc: “Ai sống với quá khứ, người đó đã sống hai lần”. Tuổi thơ đang trở lại trong tôi và anh bạn đồng môn chốn thôn quê này.

H.T.Đ