Đoàn Minh Tâm
(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngoài đời sống văn hóa tâm linh, trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử, Phùng Văn Khai còn chú trọng khai thác những giá trị văn hóa khác của dân tộc. Đó là những giá trị của nền văn hóa nông nghiệp. Nền văn hóa ấy được Phùng Văn Khai gợi nên từ những trang văn miêu tả các sản vật đặc trưng của nền văn minh lúa nước.
1. Quan sát tiểu thuyết Việt Nam hiện – đương đại, chúng ta sẽ nhận thấy có một số triều đại, nhân vật được các nhà văn tập trung khai khác với mật độ khá dày như nhà Trần với Trần Khánh Dư, Trần Hưng Đạo (xuất hiện trong Sương mù tháng giêng của Uông Triều, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sĩ, Đức Thánh trần của Trần Thanh Cảnh…), nhà Lê với Nguyễn Trãi (xuất hiện trong Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Trãi của Bùi Anh Tấn…), nhà Tây Sơn với Nguyễn Huệ (xuất hiện trong Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh…).
Trong khi đó, lại có những triều đại, nhân vật lịch sử vẫn là những “khoảng trắng”, chưa và ít được các nhà văn đoái hoài, để ý đến, đặc biệt là những triều đại và nhân vật trước cột mốc lịch sử 938. Ý thức được việc lấp đầy những khoảng trắng này vừa là bổn phận, trách nhiệm của con cháu đối với công ơn của các bậc tiên liệt vừa mở ra những hướng tiếp cận khác cho đề tài lịch sử, trong vòng 5 năm trở lại đây, Phùng Văn Khai đã xuất bản liên tiếp ba tiểu thuyết Phùng Vương (Nxb Hội nhà văn 2015), Ngô Vương (Nxb Văn học 2018) và Nam Đế Vạn Xuân (Nxb Văn học 2020) viết về Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Nam Đế – những bậc anh hùng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc mà cho đến nay vẫn hiển diện một cách mờ nhạt trong văn học Việt. Với bộ ba tiểu thuyết này, Phùng Văn Khai đã có cú “lội ngược dòng” lịch sử trên phương diện thi pháp thể loại. Việc trở lại một trong những hình thức “nguyên thủy” của tiểu thuyết là chương hồi là một hướng tiếp cận khá thú vị và đầy bất ngờ của Phùng Văn Khai. Tiểu thuyết chương hồi với đặc trưng cơ bản là diễn tiến cốt truyện tuân theo thời gian tuyến tính có thể giúp bạn đọc tiếp thu tác phẩm dễ dàng hơn trong bối cảnh nhịp sống xã hội đang ngày càng hối hả, gấp gáp như hiện nay.
Tuy nhiên đây không phải là vấn đề đáng quan tâm nhất trong tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai. Điểm cốt yếu trong bộ ba tiểu thuyết này, theo tôi là cái cách anh miêu tả và tái hiện lịch sử. Lịch sử qua ngòi bút của Phùng Văn Khai không chỉ là những câu chuyện xưa cũ, không chỉ gợi nên những vấn đề của xã hội đương đại mà lịch sử còn chính là văn hóa. Và trong bộ ba tiểu thuyết này, chúng ta bắt những dòng chảy văn hóa Việt song hành cùng dòng chảy lịch sử.
2. Lịch sử quốc gia, dân tộc Việt luôn chịu tác động trực tiếp, gián tiếp của lịch sử Trung Quốc từ thuở dựng nước cho đến tận thời điểm hiện tại và có lẽ là cả trong tương lai. Đó là định mệnh của quốc gia, dân tộc mà dù muốn hay không chúng ta cũng phải chấp nhận. Trong nhiều tiểu thuyết lịch sử, các tác giả thường chỉ chú ý miêu tả đời sống chính trị – xã hội nước nhà mà bỏ qua hoặc miêu tả khái lược về đời sống chính trị – xã hội Trung Quốc cùng thời và những tác động của đời sống chính trị – xã hội đó đối với vận mệnh dân tộc. Phùng Văn Khai đã chọn cho mình một hướng tiếp cận lịch sử khác. Anh miêu tả kĩ đời sống chính trị – xã hội Trung Quốc, đặt nó trong mối quan hệ biện chứng với đời sống chính trị – xã hội nước nhà trên cả hai bình diện vĩ mô và vi mô.
Ở tầm vĩ mô, sự tan rã của nhà Đường khi xảy ra loạn An Lộc Sơn, Sử Tư Minh (Phùng Vương) là thời cơ có một không hai để họ Phùng đất Đường Lâm phất cờ tụ nghĩa; việc “thay tướng giữa dòng” của Lương Vũ Đế (Nam Đế Vạn Xuân) là “giọt nước tràn li” khiến người dân vùng Giao Châu vùng nổi dậy dưới lời hiệu triệu của Lí Bí; chiến sự giữa nhà Hậu Đường và Hán đế Lưu Cung (Ngô Vương) là nhân tố ngoài dự kiến khiến việc xưng vương của Ngô Quyền gặp thuận lợi sau đại thắng Bạch Đằng 938. Ở tầm vi mô, những toan tính, đấu đá chính trị giữa nội bộ những viên quan Trung Quốc cai trị nước ta như giữa Cao Chính Bình và Trương Bá Nghi (Phùng Vương), giữa Tiêu Tư và Lý Tắc, Trương Húc (Nam Đế Vạn Xuân), Lưu Hoằng Tháo và Độc Toàn Chân (Ngô Vương) có ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí quyết định đến cục diện chiến trường giữa nghĩa quân và quân xâm lược.
Tuy nhiên, theo tôi, điểm cốt lõi Phùng Văn Khai muốn nhấn đến qua những miêu tả này là sự khác biệt giữa văn hóa chính trị của hai quốc gia, dân tộc. Đối lập với văn hóa chính trị mang tính chất áp đặt, tự nhận là trung tâm thế giới, coi thiên hạ bên ngoài đều là chư hầu, thuộc địa của Trung Quốc là nền văn hóa chính trị uyển chuyển theo nguyên lí “miên lí tàng châm” của Việt Nam. Văn hóa chính trị của người Việt vừa uyển chuyển, mềm mại như sợi bông vừa cương quyết, cứng rắn, mạnh mẽ và khó đoán định như mũi châm vô hình, vô ảnh. Người Việt chỉ mong sống trong hòa bình, yên ổn, không có dã tâm xâm lược, chiếm đoạt nhưng không hề yếu đuối. Sợi bông tuy mềm mại không hại ai nhưng mũi châm nhọn ẩn trong đó đủ sức làm đau, làm chùn ý định chiếm đoạt của bất cứ thế lực nào.
Khi Sĩ Nhiếp dùng đức phục chúng, không làm phương hại đến dân tộc, quốc gia, người Việt tôn ngài làm Nam Giao học tổ, còn khi những kẻ cuồng hãn như Tiêu Tư, Cao Chính Bình, Lưu Hoằng Tháo đem vũ lực hòng trấn áp, cướp bóc, giết hại thì ngay lập tức chúng vấp phải những đòn đáp trả sấm sét từ nghĩa quân. Những đòn đáp trả đủ “độ” để vừa giành lại độc lập tự do cho dân tộc, vừa đảm bảo tình “hòa hiếu”, “thể diện” cho thiên triều nhằm tránh họa binh đao sau này như cái cách Lý Bí tha cho tướng giặc Thạch Đạt (Nam Đế Vạn Xuân), Phùng Hưng lấy thành Tống Bình khi Cao Chính Bình ốm chết (Phùng Vương). Có thể nói, nguyên lí “miên lí tàng châm” đã toát lên cái sâu sắc, miên viễn, linh hoạt, tinh tế trong văn hóa chính trị của người Việt. Một nền văn hóa chính trị đề cao sự hòa bình, hòa hợp, hòa hiếu.
3. Bên cạnh văn hóa chính trị, bộ ba tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai còn khắc họa những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, trong đó có văn hóa tâm linh. Nguyễn Văn Hùng trong bài viết “Tiểu thuyết lịch sử như là sự kiến tạo diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa” đã rất tinh và sâu sắc khi nhận thấy qua tiểu thuyết lịch sử: “Phùng Văn Khai đã nỗ lực phục dựng văn hóa Phật giáo như là nền tảng tinh thần của người phương Nam (khu vực ngoại biên) kháng cự lại văn hóa phương Bắc (khu vực trung tâm)… Tác giả đã dày công tìm hiểu lịch sử và văn hóa Phật giáo, đặt định song hành với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của Lý Nam Đế, hình thành nên diễn ngôn định vị văn hóa bản địa”. Nhận định trên của Nguyễn Văn Hùng mới chỉ đề cập đến một phương diện tôn giáo trong tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai. Tôn giáo là một thành tố cốt lõi của bất kì nền văn hóa tâm linh của quốc gia nào. Tuy nhiên, tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai ngoài tôn giáo còn có những yếu tố khác của nền văn hóa tâm linh bản sắc Việt. Để tái hiện những yếu tố văn hóa tâm linh này, Phùng Văn Khai một mặt dựa vào những tư liệu, khảo cứu dân tộc học, văn hóa học như những nghiên cứu về dòng thiền Luy Lâu, một mặt sử dụng triệt để thần thoại, truyền thuyết, huyền sử và dã sử.
Văn hóa tâm linh trong bộ ba tiểu thuyết biểu hiện ở các khía cạnh sau. Thứ nhất, tín ngưỡng thờ vua Hùng, thờ Lạc Long Quân – Âu Cơ – những vị quốc tổ của người Việt (Phùng Vương, Nam Đế Vạn Xuân). Thứ hai, hệ thống thần và tín ngưỡng thờ thần của riêng người Việt. Đó là những vị thần được nhân dân tôn vinh là bất tử như Chử Đồng Tử và Tản Viên sơn thánh, là hệ thống thần bản địa như thần sông Tô Lịch, thần thành Đại La… và hệ thống nhân thần vốn là những người có công với đất nước khi mất đi hóa thành thần như Bố Cái Đại vương (Ngô Vương). Phùng Văn Khai luôn miêu tả hai tín ngưỡng này và các bậc quốc tổ, thần đất Việt trong mối quan hệ, gắn bó với địa thế, địa hình tụ hội linh khí của dân tộc có hình thế “trạch đắc long xà”, “phát đế xưng vương” như đất Phong Châu, đất Đường Lâm, núi Tản Viên…
Sự hiện diện với tần suất dày đặc của văn hóa tâm linh trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử có tác dụng khơi dậy ý thức về nguồn cội dân tộc một cách mạnh mẽ. Trong Nam Đế Vạn Xuân, hình ảnh đối lập giữa ngôi đền Lạc Long Quân “khang trang, vững vàng giữa quả đồi đất lớn xung quanh là những tầng cây cổ thụ hàng lối nghiêm ngắn” với người thờ cúng đông đảo và ngôi đền thờ Sĩ Nhiếp nằm ở “cách đó không xa, trên một đồi đất rộng phía bên phải” mang một dụng ý rõ ràng. Sự đối lập giữa vị trí và vị thế của hai ngôi đền là cách Phùng Văn Khai khẳng định người Việt là một dân tộc “khu biệt” hoàn toàn không dính dáng gì với người Trung Hoa, không phải là một nhánh của người Trung Hoa xuống phía Nam kiếm sống. Sự thất bại trong việc yểm bùa, trấn trạch long mạch nước Nam và cái chết trong đau đớn, tức tưởi của Trương Thuận khi dám mạo phạm thần Tản Viên, thần sông Tô Lịch, sự phản kháng dữ dội của nhân dân thành Đại La trước bản dụ xấc xược xúc phạm tổ tiên của Tiêu Tư, là những minh chứng rõ ràng cho tính tôn nghiêm, toàn vẹn của nền văn hóa tâm linh Việt.
Mặt khác, Phùng Văn Khai đã để cho các nhân vật có hàng loạt “phát ngôn” ngợi ca nguồn cội và sự trường tồn của dân tộc từ khía cạnh văn hóa tâm linh như lời của Phùng Hạp Khanh với Vũ Khánh và con trai Công Phấn “Tản Viên còn thì nước Nam còn, đời đời sẽ là như thế”(1), lời Phùng Hưng với chư tướng: “Phong Châu là vùng văn cốt, đất rộng, người đông, nơi xưa kia các vua Hùng từng đặt quốc đô ở đó, linh khí đất trời hưng vượng của An Nam ta cũng từ đó mà ra”(2). Qua những phát ngôn trên, Phùng Văn Khai đã khẳng định sự vĩnh cửu và sức mạnh của văn hóa tâm linh người Việt chính là nhân tố quyết định làm thất bại âm mưu “đồng hóa”, cai trị người Việt của người Trung Quốc dù họ đã áp dụng “trăm phương nghìn kế” từ dùng nhân trị, đức trị như Sĩ Nhiếp đến pháp trị, võ trị như Tiêu Tư, Trương Thuận, Cao Chính Bình. Đây là một trong những điểm cốt lõi tạo nên giá trị cho tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai.
Ngoài đời sống văn hóa tâm linh, trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử, Phùng Văn Khai còn chú trọng khai thác những giá trị văn hóa khác của dân tộc. Đó là những giá trị của nền văn hóa nông nghiệp. Nền văn hóa ấy được Phùng Văn Khai gợi nên từ những trang văn miêu tả các sản vật đặc trưng của nền văn minh lúa nước như bánh chưng, bánh dày, bánh giò, món cá rô nấu xôi (Ngô Vương), từ những phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt như tục săn, thuần hóa voi (Phùng Vương), từ những lễ hội truyền thống diễn ra vào mùa xuân, tháng giêng – tháng ăn chơi theo quan niệm của người Việt như lễ hội đi cà kheo ở vùng biển, lễ hội đua thuyền, lễ hội chọi trâu (Ngô Vương), lễ hội săn voi (Phùng Vương), cùng những trò chơi dân gian đánh đu, chọi gà (Nam Đế Vạn Xuân). Ngoài văn hóa nông nghiệp, văn hóa quân sự cũng là một khía cạnh đáng chú ý khác của bộ ba tiểu thuyết lịch sử kể trên.
Ở phương diện đối kháng cá nhân, người Việt nổi tiếng với môn võ vật truyền thống. Những trận đấu giữa sới vật ngày xuân trong Nam Đế Vạn Xuân đã tái hiện những miếng vật cổ truyền, bí hiểm của cha ông dựa trên hình thể của mình nhằm khuất phục những kẻ thù to lớn hơn. Về lực lượng tác chiến, Phùng Văn Khai dồn bút lực miêu tả hai lực lượng quân sự trọng yếu, mang đậm “bản sắc Việt” trong thế đối sánh với sức mạnh của quân xâm lược là tượng binh và thủy binh. Phương Bắc cưỡi ngựa, phương Nam đi thuyền, lịch sử quân sự Việt Nam đã chứng minh thủy binh Việt là lực lượng tác chiến có những công lao, chiến tích “oanh liệt thiên thu” góp phần đặt dấu chấm hết cho các cuộc xâm lược của kẻ thù trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Cách huấn luyện, sử dụng voi trong chiến trận của người Việt cũng có những điểm độc đáo, khác lạ làm kẻ thù khiếp sợ. Những trang viết về những chuyến đi săn, thuần hóa, huấn luyện, chiến đấu của tượng binh trong trận phục binh giết chết tướng giặc Thang Ân Bá tại núi Ngõa Cương, xéo nát quân Đường trong trận chiến giữ Đường Lâm (Phùng Vương), cách chọn gỗ để đóng thuyền, kĩ thuật đóng, cách sơn, cách huấn luyện binh sĩ và phương pháp tác chiến của thủy binh Việt trong những trận hải chiến dữ dội trên sông Bạch Đằng (Ngô Vương), ở đầm Sương Mù (Nam Đế Vạn Xuân) trận là những trang viết sinh động, lôi cuốn bậc nhất ở cả ba tiểu thuyết. Về nghệ thuật tác chiến, phương châm “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu thắng thắng mạnh” vốn là tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng được thể hiện rõ việc điều binh khiển tướng của ba vị anh hùng Ngô Quyền, Phùng Hưng và Lý Nam Đế trong qua hành trình giành lại độc lập cho dân tộc.
Văn hóa chính trị, văn hóa tâm linh, văn hóa nông nghiệp và văn hóa quân sự là bốn “cột trụ” của văn hóa Việt trong bộ ba tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai. Với ý đồ phục dựng các thiết chế văn hóa Việt trong tiểu thuyết lịch sử, tôi cho rằng cái đích sau cùng Phùng Văn Khai hướng đến không phải là câu chuyện về sự kháng cự giữa văn hóa ngoại biên (văn hóa Việt) đối với nền văn hóa trung tâm (văn hóa Trung Quốc) như nhận định của Nguyễn Văn Hùng trong bài viết kể trên mà là lời khẳng định về sự bình đẳng (tôi nhấn mạnh ý này) giữa hai nền văn hóa, hai quốc gia và hai dân tộc. Đây là điểm hết sức quan thiết trong đời sống hiện nay. Chỉ trên cơ sở sự bình đẳng, nước ta, dân tộc ta mới có thể tồn tại vững vàng, an nhiên bên cạnh một người láng giềng như Trung Quốc. Giá trị cốt lõi của bộ ba tiểu thuyết lịch sử mấy nghìn trang của Phùng Văn Khai, tôi nghĩ nằm ở đấy.
Đ.M.T