Nguyễn Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Không gian Tây Đô sang khuya thưa dần xe cộ và người qua lại. Thành phố bắt đầu trở lạnh với cơn gió chớm đông từ sông Hậu xao xác thổi qua mấy ngọn dương già cao lỏng khỏng nơi bến sông không còn tấp nập tàu bè như ban ngày…
Dựng chiếc xe máy cà tàng bên lề đường, thầy giáo Tâm thong thả kéo cao cổ chiếc áo gió cũ bạc màu. Vừa xong cuốc đưa khách còn thấm mệt, như thông lệ, Tâm chống chân xe ngồi tựa một bên yên đón khách bên lề đường Ngô Quyền gần cột đèn ba ngọn tại bến Ninh Kiều. Theo thói quen chứ không nghiện, để quên đi thì giờ đợi khách nhạt nhẽo, Tâm lại móc ra gói thuốc lá bình dân. Rít nhẹ một hơi cho đầu óc bớt nghĩ vu vơ, Tâm bỗng nhận ra có bàn tay vỗ mạnh trên vai mình từ phía sau. Tâm ung dung quay lại nhìn thì nhận ra Nguyễn Hùng – giáo sư Toán nổi tiếng tại Tây Đô.
– Hùng, chào anh. Khỏe chứ. Anh đi đâu một mình ban đêm vậy?
Cố nén đi mặc cảm, Tâm chủ động lên tiếng trước chào anh bạn học ngày xưa xa cách nhau lâu ngày không gặp.
– Ừ… Tâm, tao mới đi đám cưới một đứa học trò về. Bao lâu nay công việc mày cũng bình thường phải không?
Dáng người to lớn trong bộ áo veste trịnh trọng và thoang thoảng hơi bia, Hùng tỏ ra tế nhị, không hỏi Tâm nhiều vì sợ bạn mình mặc cảm là trí thức lại đi làm một nghề khó coi.
Khí thế tiến công cách mạng ở miền Nam trở nên mãnh liệt từ sau phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre, khiến đế quốc Mỹ và chính quyền cộng hòa gia tăng kế hoạch bắt lính đôn quân để đối phó với tình hình chiến sự nguy ngập. Giữa thập niên bảy mươi, khi đang yên ổn làm giáo sư dạy học tại trường trung học Trà Ban – một quận lỵ heo hút cách xa thành phố hơn năm mươi cây số, bỗng một hôm Tâm cảm thấy bàng hoàng khi phong thanh nghe tin mình bị gọi đi học khóa sĩ quan trù bị Thủ Đức. Trước kia, khi còn mài đũng quần ở Trung học Đệ nhất cấp chưa qua Tú Tài, Tâm đã ba lần bị gọi khám sức khoẻ đi học hạ sĩ quan tại Đồng Đế. Nhờ cố ép xác nhịn ăn, tấm thân gầy ốm của Tâm nhanh chóng trở nên tiều tụy, chỉ còn da bọc xương năng không tới bốn mươi ký. Sức khỏe anh được liệt vào loại bất lực vĩnh viễn – miễn đi lính suốt đời – ghi rõ đàng hoàng trong một sổ tùy thân. Tưởng đâu được vậy là yên thân với nghề gõ đầu trẻ. Không ngờ…
Thế là trong “Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng”, không kèn không trống, Tâm âm thầm bỏ trường lớp, xa đám học trò trường huyện hiền lành, bè bạn thân quen và hiệu trưởng Văn Trương, trốn về tỉnh nhà. Lánh mặt về Tây Đô, mặc cảm là người bất phục tùng sống ngoài vòng pháp luật, Tâm cảm thấy trong lòng luôn nơm nớp lo sợ cảnh sát. Ngày ngày, Tâm sống lầm lũi, hạn chế gặp mặt bạn bè và ít khi đi đám tiệc hay đến nơi chợ búa đông người.
Lúc từ quê mới ra tỉnh học, Tâm ở tại nhà trọ bên bờ sông Cái Khế, gần nhà Hùng ở sau một hẻm nhỏ quanh co lau lách mọc đầy hai bờ, bò len lỏi ngang qua am Đại Càng và chùa Cây Bàng, còn gọi là Bửu Liên Tự thuộc khu vực hồ Xáng Thổi. Hùng và Tâm vừa học trung học Đệ Nhất cấp cùng lớp cùng trường, lại vừa đi học thêm võ Judo với một võ sư huyền đai đệ nhị đẳng đầu tiên ở Việt Nam vừa từ hải ngoại mới về làm việc tại Cần Thơ. Do tính tình thích hợp, hai đứa chơi thân nhau như anh em ruột thịt.
Khi còn ở thành phố, ngoài đam mê võ thuật như Hùng và say mỹ thuật như Nguyễn Trung, Tâm vốn là dân gạo, học giỏi đều các môn, được nhà trường cấp học bổng nguyên. Trong lúc Hùng học nổi trội môn Toán, xem ra rất có duyên với những con số, say mê đặc biệt hai môn Đại số và Hình học. Đỗ Trung học Đệ nhất cấp, như con sâu gạo, Tâm tiếp tục lên Đệ nhị cấp, Đại học rồi vào Sư phạm.
Trong thời gian đó, Hùng thích nghề gõ đầu trẻ nên nghỉ học ngay để bắt đầu mở lớp dạy thêm môn Toán sở trường của anh. Hùng có thế mạnh ở thể lực, vóc hình vạm vỡ, giọng nói sang sảng và cách trình bày bảng đẹp, rõ ràng, cộng thêm thái độ quan hệ ân cần thân thiện với học trò. Thầy Hùng sớm được học trò và phụ huynh ngưỡng mộ là một giáo viên dạy giỏi. Lớp dạy thêm môn Toán của anh lúc nào cũng đông học sinh dù ai cũng biết thầy giáo đứng lớp chưa qua ngưỡng cửa Tú Tài, có chuyên môn hoặc xuất thân từ trường lớp chính quy.
Ngày tốt nghiệp sư phạm ra trường, Tâm nhận quyết định về dạy tại một trung học ở ngay trung tâm thành phố nhà. Thương bạn và nghĩ ở đâu cũng là quê hương, Tâm hoán chuyển cho Phong, một anh bạn quê ở tận miền Trung xa xôi được cử về dạy tại Long Mỹ. Vì Phong nghe đâu đất Trà Ban là vùng Việt Cộng…
Lánh mặt về tỉnh nhà, Tâm âm thầm chịu sống khốn đốn trong hoàn cảnh chưa có việc làm, kinh tế khó khăn. Một hôm, Tâm may mắn gặp lại Hùng là bạn cũ cùng trường.
Mày chân ướt chân ráo từ trường huyện mới về, để tao lo chỗ dạy cho.
Cảm thương hoàn cảnh ngặt nghèo của bạn, sớm mồ côi vợ, thân gà trống nuôi con khi chưa tới tuổi băm, Nguyễn Hùng giới thiệu cho Tâm đi dạy giờ tại những trường tư lớn như Thủ Khoa Huân, Ngọc Phú ở nội ô thành phố và sắp thêm cho bạn một số giờ dạy ở Lớp Toán tại Trung tâm Luyện thi của anh. Vì Hùng hiểu Tâm đã tốt nghiệp trước tiên trong đời môn Toán trước các môn khác như Văn hay Ngoại ngữ.
Chính trong thời gian lăn lóc dạy ở các tư thục mà Nguyễn Hoàng Tâm đã có cơ hội liên hệ với những nhà giáo ưu tú, có tư tưởng tiến bộ như Nguyễn Bá Thảo, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Hoàng Nam… tất cả đều là cơ sở cách mạng tại thành phố sông nước miền Tây. Trong mùa bão nổi của sinh viên học sinh tại Tây Đô vào những năm sôi sục khói lửa chiến tranh từ thập niên 1970, 1980 thế kỷ trước, tin tức thời sự nóng bỏng Hùng, Tâm và anh em giáo viên đều thông báo cho nhau khi gặp mặt tại trường học hoặc tại quán cà phê trong những lúc trà dư tửu hậu.
Chiến sự khốc liệt ở miền Nam, tình hình gay cấn tại thủ đô bị dội bom nơi miền Bắc, anh em trí thức để ý lắng nghe. Anh em đau đáu cảm nhận, xót xa với nỗi thống khổ của đồng bào ba miền. Trong khi đó, tại Đại học khu đường Mạc Tử Sanh sau những buổi hoạt động sôi nổi của sinh viên học sinh như: thuyết trình, đốt lửa câm thù và hát nhạc phản chiến để chống chính sách bắt lính, quân sự hóa học đường là cuồn cuộn phong trào rầm rộ mít tinh, ồ ạt xuống đường giữa lòng thành phố. Thảm cảnh đoàn biểu tình của sinh viên yêu nước bị đàn áp: ăn lựu đạn cay, uống nước vòi rồng và bị bắn gảy chân (anh Phạm Văn Xang) không phải là hiếm gặp trong thời điểm này.
Trong bối cảnh mịt mùng không khí chiến tranh ngột ngạt, anh em giáo viên các trường công tư Tây Đô vẫn đến lớp làm bổn phận. Trừ trường hợp một số người kín tiếng, nhút nhát, hoặc vì một lý do sâu sắc không tiện nói ra, tư tưởng và lập trường của mỗi thầy cô giáo, nhân viên và cấp lãnh đạo nhà trường cũng thể hiện rõ trước học sinh ở trường học và trước bạn bè nơi tiệm cà phê, quán rượu hay các buổi họp mặt, tiệc tùng tại cơ sở hoặc gia đình. Nhóm nhà giáo gồm có Hùng, Tâm, Nguyễn Hoàng Nam (Giám học Trung học tư thục Tân Văn), Nguyễn Vũ Xuân (Hiệu trưởng Trung học Tư thục Ngọc Phú)… là những người cá tính Nam bộ, rất nhạy cảm và tính tình bộc trực. Do vậy, những sự kiện thời sự địa phương hoặc biến cố thời sự, chính trị đặc biệt trong nước, một người biết thì cả nhóm đều hay, không một ai dấu giếm anh em.
Đôi lúc Tâm nghĩ lại càng tự mình khó nhịn được cười thầm. Trừ Hùng là khá đặc thù, còn lại thì thật ngộ nghĩnh. Rõ là một đám tàn quân coi như sống ngoài vòng pháp luật. Tâm trốn trường, Xuân bỏ tên cũ, lấy khai sanh khác để trốn lính, Xuân thì quá bé tý tẹo làm sao vác nổi súng đạn nên không quân ngũ nào thèm ngó tới… Chỉ còn duy nhất có Hùng. Nguyễn Hùng dáng dấp phương phi, cường tráng, đẹp như lực sĩ thể hình nên dễ được tha. Một hôm, trong lúc đang đứng lớp, giữa thời điểm đôn quân dồn dập của chính quyền đương thời, Hùng bị gọi trình diện đi học Hạ sĩ quan tức Trung sĩ của quân đội Cộng hòa.
Nguyễn Hùng vắng mặt một ngày ở trường học. Không ai biết chàng giáo sư Toán tài danh, đẹp giai của thủ đô miền Tây đã ở nơi mô. Không ngờ, chỉ hôm sau, Nguyễn Hùng xuất hiện lại trong trường, giảng bài thao thao bất tuyệt trước học trò. Vấn đề nhạy cảm của Hùng, bạn bè, anh em giáo viên chỉ biết mừng anh vui vẻ trở lại với trường lớp, học trò và bạn bè bằng cà phê, thuốc lá, rượu bia sau giờ lên lớp… mà tế nhị không hề hỏi anh chút nào về chuyện đã qua. Sự có mặt trở lại của Hùng tại trường học sau sự kiện bất chợt không bình thường, không mong muốn với anh, nhưng cũng không phải là chuyện lạ hơn tình hình thời sự xung quanh lúc bấy giờ. Chiến sự cả nước lúc càng sôi bỏng với sự leo thang chiến tranh tác động bởi thế lực ngoại lai khiến dân tình càng khổ sở và thành phần trí thức là nhà giáo và sinh viên học sinh yêu nước ở trung và đại học tại Tây Đô cũng không thể ngồi yên. Với Tâm, Hùng hiểu hoàn cảnh và thương bạn.
Hùng vẫn biết Tâm vừa đi dạy còn vừa tranh thủ vào giảng đường đại học tiếp tục chương trình Cử Nhân. Hùng còn biết Tâm tham gia văn nghệ báo chí, có mặt trong những đêm đốt lửa căm thù, gắn liền với buổi thuyết trình và những đợt mít tinh, xuống đường của sinh viên, kéo dài từ đường Mạc Tử Sanh tới đại lộ Hòa Bình hoặc đường Tự Đức. Bằng hữu thương nhau, không dấu giếm nhau bất cứ chuyện gì về gia đình, đất nước hay cụ thể trước mắt là những trận bão nổi của sinh viên học sinh yêu nước để bè bạn cùng nhau cảm thông, san sẻ. Đã nhiều lần, ngồi trong quán, trong hơi rượu, Hùng nói vu vơ nửa hư nửa thực với Tâm:
– Ngày mai, coi chừng khu tập trung của sinh viên sẽ bị Cảnh Sát phong tỏa.
– Đêm lửa trại ở sân trường Đại học, có lẽ sẽ bị Cảnh Sát phong tỏa.
– Cuộc xuống đường sắp tới của sin viên học sinh có thể sẽ bị đàn áp mạnh bằng ma trắc, xe vòi rồng và lựu đạn cay.
Nhờ câu nói có vẻ bông lông của Hùng mà Tâm phòng xa, đã mách cho các bạn sinh viên chuẩn bị trước phương tiện bằng chanh, nước để đối phó khi bị đàn áp bằng lựu đạn cay và chuẩn bị chu đáo cả lương thực như: bánh mì, bánh lá dừa, bánh tét… trong những đêm sinh hoạt đốt lửa trại bị phong tỏa bên ngoài. Đã có lần, buổi sáng vừa đi dạy học ở trường về, Tâm đã phải vội vã bỏ cặp sách, làm động tác giả như đi đám giỗ hay đám cưới. Tâm trịnh trọng khoác nhanh áo veste, cài chiếc cà vạt màu một cách đường hoàng rồi xách chiếc bao lớn, chạy mua nhanh một khối bánh mì. Sau đó, Tâm quày quã chạy xe máy nhanh chóng đi viện trợ lương thực cho các bạn sinh viên một cách an toàn. Tâm không bị cảnh sát chặn lại giữa đường vì biết anh là giáo sư.
Sau ngày giải phóng, thầy giáo Nguyễn Hùng, người lính kiểng (1) cộng hòa mà anh em không biết, người bạn bên kia chiến tuyến của Tâm, nghiêm túc đi tập trung cải tạo tại trại Chi Lăng một thời gian cùng bạn bè giáo viên biệt phái (2) của anh theo quy định của chính quyền cách mạng. Sau khi học tập chính thức được trả lại quyền công dân, từ bốn thập niên qua, Nguyễn Hùng làm giám đốc Trung học Tư thục Trạng Trình tại thủ đô miền Tây, vẫn là người bạn thù (3) gần gũi của thầy giáo Tâm.
N.T
(1)Lính trên danh nghĩa, chỉ hụ hợ vô thưởng vô phạt cho qua thời gian quân dịch, mà không làm công việc quan trọng. (2) Giáo viên gốc ở giáo dục bị động viên, được hoàn trả lại cho trường học. Có người hiểu không đúng ý nghĩa của từ này.
(3) Bạn thù: Enemy friend / l’Ennemi – ami: người bạn tư tưởng tốt và nhân cách cao đẹp dù ở khác nhau chiến tuyến.