Nguyễn Thị Việt Nga
Đọc “Oscar và bà Áo hồng” của Eric Emmanuel Schmitt – Ngô Bảo Châu và Nguyễn Khiếu Anh dịch – NXB Văn học, 2018
(Vanchuongphuongnam.vn) – Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 100 trang khổ 13×20,5cm nhưng dồn nén những thông điệp quan trọng về cuộc sống và cái chết. Viết về cái chết mà không bi lụy, không khiến người đọc căng thẳng và sợ hãi, dẫu cái chết được nhắc đến rất nhiều, bóng dáng của nó bao trùm lên từng trang sách.
Nguồn ảnh: Internet
Nỗi ám ảnh sợ hãi nhất đối với con người là cái chết. Chưa có bất kỳ ai vượt qua được ranh giới khủng khiếp này, cho nên cái chết trở thành bi kịch lớn nhất của đời người. Nói về cái chết thực sự là một điều khó khăn và cả kiêng kỵ nữa. Nhất là đối với những bệnh nhân – đặc biệt những bệnh nhân nhỏ tuổi, chưa kịp nếm trải mùi vị của cuộc sống đã phải đối mặt với bi kịch đau đớn này…
“Oscar và bà Áo hồng” của Eric Emmanuel Schmitt – Nhà văn Pháp (hiện đang sống và làm việc tại Bỉ) hóa giải bi kịch này thật tài tình. Cốt truyện giản dị và ngắn gọn: Cậu bé Oscar bị bệnh máu trắng nan y, qua rất nhiều đợt hoá trị đã vô phương cứu chữa. Thời gian sống trên thế gian của cậu chỉ còn được tính bằng ngày. Trước sự thật khủng khiếp này, Oscar và người thân của cậu đón nhận ra sao? Bà Áo hồng – Một người đàn bà lớn tuổi, làm tình nguyện viên trong bệnh viện đã giúp Oscar sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình thật ý nghĩa và tuyệt diệu. 12 ngày cuối cùng ấy của Oscar được bà Áo hồng giả định tương ứng với cả cuộc đời trọn vẹn, mỗi ngày tương ứng với 10 năm và trong mỗi ngày -10 năm cuộc đời ấy – Oscar cố gắng viết cho Chúa trời một lá thư để kể về cuộc sống và bày tỏ những mong ước của mình. Những ước mơ, hy vọng, niềm vui và cả nỗi đau của cậu bé được thổ lộ hồn nhiên và chân thật qua mỗi lá thư. Mỗi lá thư gói ghém một chặng đường đời…
Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 100 trang khổ 13×20,5cm nhưng dồn nén những thông điệp quan trọng về cuộc sống và cái chết. Viết về cái chết mà không bi luỵ, không khiến người đọc căng thẳng và sợ hãi, dẫu cái chết được nhắc đến rất nhiều, bóng dáng của nó bao trùm lên từng trang sách. Điều sai lầm nhất của chúng ta là thường tránh nói, tránh nghe và tránh nghĩ về cái chết, trong khi nó hiển nhiên tồn tại. Oscar từng trăn trở: “Nếu ông nói ra từ “chết” ở bệnh viện thì chả ai nghe thấy gì hết. Ông có thể tin rằng có một lỗ hổng trong không khí và rằng mọi người sẽ chuyển sang nói chuyện khác, (trang 14)… cháu cảm giác là người ta đã tạo ra một cái bệnh viện khác với cái bệnh viện có thật. Người ta làm như đến bệnh viện chỉ để khỏi bệnh ấy. Trong khi đó, người ta đến bệnh viện còn để chết nữa” (trang 15).
Chân lý đơn giản mà nghiệt ngã ấy, chừng nào chúng ta chưa dũng cảm nhìn thẳng vào nó, đón nhận nó, thì còn lo sợ không yên… Bà Hoa Hồng (tên thân mật mà Oscar gọi bà Áo hồng của riêng cậu) đã xác nhận điều đó thật nhẹ nhõm: “Cháu có lý đấy, Oscar ạ. Bà nghĩ người ta phạm sai lầm ấy với cả cuộc sống nữa. Chúng ta quên rằng cuộc sống là mong manh, dễ vỡ, phù du… (trang 15)
Cuộc sống là mong manh, dễ vỡ, phù du! Vậy chúng ta phải sống thế nào đây? Nhất là khi cuộc sống vỏn vẹn chỉ còn 12 ngày ngắn ngủi. Những lá thư của Oscar gửi Chúa, dưới sự hướng dẫn của bà Hoa Hồng là câu trả lời hoàn hảo. Trước tiên, phải có niềm tin. “Mỗi khi cháu tin là có Chúa, ông ấy sẽ thật hơn một chút. Nếu cháu cứ tin như vậy, ông ấy sẽ hoàn toàn có thật” (trang 17). Niềm tin sẽ giúp chúng ta sẽ không mất phương hướng, không đi hoang mang trong cuộc đời này. Niềm tin vào Chúa, cũng là niềm tin vào lẽ phải, sự công bằng, tình yêu và những điều tốt đẹp, kỳ diệu khác của cuộc đời.
Còn phải sống thế nào nữa? Câu trả lời là hãy yêu thương thật nhiều và đừng chần chừ, ngần ngại. Oscar thích bạn Peggy Blue một cô bé đang điều trị bệnh về máu trong bệnh viện cùng cậu, cậu không ngần ngại hay chờ đợi mà gặp Peggy Blue ngay, thổ lộ tình cảm của mình, cùng nhau trải qua những giây phút tuyệt diệu của yêu thương và đồng cảm – dù chỉ là tình yêu tưởng tượng của một cậu bé lên 10 ốm yếu.
Phải sống như thế nào? câu hỏi trăn trở ấy vang ngân trong từng trang sách, và câu trả lời cũng lấp lánh hiện lên. Cái chết không phải điều khủng khiếp, nếu ta hiểu được rằng nó là cái đích chung mà tất cả chúng ta đều phải đến, dù trước, dù sau: “Oscar ơi, bệnh tật cũng giống như cái chết. Đó là một sự việc, chứ không phải là một hình phạt (trang 66)… không phải chỉ mình cháu chết. Tất cả mọi người đều sẽ chết, một ngày nào đó là bố mẹ cháu. Một ngày nào đó là ta” (trang 81). Cho nên, tốt nhất là chúng ta sống trọn vẹn, từng giây phút tận hưởng cuộc sống theo cách chúng ta muốn và thôi hành hạ bản thân bởi những lo âu, sợ hãi: “Cháu thì nghĩ thế này bà Hoa Hồng ạ, không có lời giải nào cho cuộc sống, nếu có thì chỉ là hãy cứ sống” (trang 89). Cứ sống, nghĩa là “Mỗi ngày, hãy cứ nhìn thế giới thể đó là lần đầu tiên… lần đầu tiên. Cháu ngắm nhìn ánh sáng, màu sắc, cỏ cây, chim chóc, muông thú (…) cháu thấy mình đang sống. Cháu run lên vì niềm vui thuần khiết, niềm hạnh phúc được tồn tại (trang 96). Cứ sống, nghĩa là như “một cái cây sống ở sa mac Sahara, cả đời nó chỉ kéo dài một ngày thôi. Hạt giống vừa được tưới nước, nó liền nẩy mầm rồi mọc thân và ra lá, đơm một bông hoa, kết hạt rồi héo đi, teo lại và bụp một cái, đến tối là chẳng còn gì nữa cả” (trang 87). Dù chỉ được sống một ngày ngắn ngủi, nhưng cũng phải sống – trọn – vẹn – một – đời, như cái cây nảy mầm, ra lá, đơm hoa và kết hạt. Cho nên sống bao lâu không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta sống thế nào.
Tác phẩm kết thúc bằng cái chết mà không khiến độc giả sợ hãi hay tuyệt vọng. Trong dư âm xa xót vẫn lấp lánh niềm tin và tình yêu vô bờ với cuộc sống tuyệt diệu này. Cậu bé Oscar bé bỏng đã truyền cảm hứng sống tới tất cả những độc giả đến với cuốn sách này – tôi tin là như vậy. Và tôi cũng tin rằng, sau khi đọc xong “Oscar và bà Áo hồng” tôi và tất cả các bạn sẽ thêm nhiều nghị lực, sẽ bình thản và an nhiên bước qua tất cả những đớn đau. Bởi lẽ: “Không ai có thể tránh được đau khổ. Cả Chúa, cả cháu, cả bố mẹ cháu, cả ta (…) (trang 59) đau đớn thể xác, ta phải chấp nhận, đau đớn tinh thần, ta chọn lựa được” (trang 60).
Trong cuộc đời, có những lúc chúng ta không thể nào tránh nổi bi kịch, không thể nào chọn được con đường không có đau khổ để đi. Vậy thì trong bi kịch, chúng ta đừng chọn đau đớn tinh thần. Được chứ?
N.T.V.N