Bạn tôi – Nhà thơ Trịnh Công Lộc

685

Tôi viết như vậy mà không ngại “thấy người sang bắt quàng làm họ” vì tình bạn của tôi và Lộc đã được thử thách qua hơn 50 năm, thời gian của gần một đời người, ở những năm tháng đẹp nhất của chúng tôi (khi tôi và Lộc cùng là sinh viên năm thứ nhất Văn khoa, Đại học Sư phạm Hà Nội,1970), cũng là những năm tháng gian nan, khốc liệt và tự hào của đất nước.

Và cũng từ những năm sinh viên ấy, tôi được đọc thơ của bạn. Thơ sinh viên in trên báo tường, viết vào những cuốn sổ, viết đây đó trong những trang vở tặng bạn bè… Lộc khi ấy khá hồn nhiên, sôi nổi, hay làm thơ và thích đọc thơ mình cho bạn bè nghe.

Tôi không thuộc diện được Lộc tặng thơ, nhưng hay nghe “chầu rìa”, thế mà có những câu thơ của bạn từ ngày ấy, không hiểu sao đến giờ tôi vẫn nhớ “Con ốc biển có bao giờ biết nói dối đâu/ Rằng chuyện tình, anh yêu em chân thật…” (Con ốc biển). Tôi nghĩ, có lẽ tôi nhớ vì câu thơ có hình ảnh lạ, lấy con ốc (chả có gì là chân thật, “ăn ốc nói mò”) để biểu cảm về sự chân thật của mình!

Thời sinh viên của chúng tôi đúng là “thời hoa lửa”. Sơ tán, chiến tranh, chiến đấu… Hầu hết các bạn nam của khóa ra trận trong hai năm 1971, 1972. Chúng tôi cứ vội vàng như thế, hơ hải như thế rồi ra trường. Hậu chiến, rồi mưu sinh, con cái, gia đình…

Bẵng đi vài chục năm chúng tôi không gặp nhau, nhưng cũng chưa hề quên nhau. Rồi gặp lại. Trịnh Công Lộc vẫn dáng người nhỏ nhắn, lúc vui vẫn cười ngoác miệng đến mang tai, nhưng Lộc của mấy chục năm sau cẩn trọng, chín chắn, đằm thắm hơn rất nhiều so với thời “sinh viên sôi nổi”.

Duy chỉ sự tinh tế trong tư duy thơ, cái dứt khoát mạch lạc trong tư tưởng thơ và cái bao dung nhẹ nhàng trong cảm xúc thơ là không thay đổi. Lộc tặng tôi tất cả những tập thơ bạn viết, từ Cánh buồm nâu, Mộ gió, Mặt trời đêm, Tim núi và mới đây nhất là Từ biển mà đi.

Ngay cả những bài thơ chưa in ở tập thơ nào cả, thỉnh thoảng bạn cũng gửi cho tôi và “đòi” cho ý kiến. Có lẽ Lộc thích chia sẻ thơ với tôi bởi tôi hiểu con người và thơ bạn, Lộc không thích tôi khen dễ dãi mà thích cái đo đắn trong cảm nhận và nếu cần cũng chê, cũng sửa, và khen đúng những chỗ đáng được khen nhất trong thơ bạn.

Có lẽ như một mối duyên, ngay từ khi còn là sinh viên thơ Lộc đã có sông, có biển, có cánh buồm nâu… Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn về với vùng biển Quảng Ninh và bén rễ ở đó, trưởng thành, thành danh cũng ở đó. Biển, sóng, gió, những con tàu, những cánh buồm đã gắn bó với Trịnh Công Lộc dường như cả cuộc đời:

“Sóng đã đập vào tôi hết cả tuổi thanh xuân

Sóng tung bọt hai bờ vai trắng xóa

Còn lay mãi bàn chân đi suốt cuộc đời”

(Sóng vỗ đôi bờ vai – Cánh buồm nâu)

Từ gắn kết đến yêu thương, từ yêu thương đến sẻ chia, thơ của Lộc có bụi than xóm thợ, có con đường lên mỏ, có đường nét của than, có tượng đài than, có mặn mòi gió biển, sóng biển, nước biển, muối biển, đường đi tới biển, đảo nhỏ trên biển… Biển đã thành nỗi niềm thường trực để những chất liệu cuộc sống bình dị, gần gặn qua cảm nhận và bộ lọc thơ Trịnh Công Lộc trở nên có hồn cốt, có đời sống riêng. Những gì là biển, thuộc về biển, gắn với biển, liên quan đến biển đều có cớ để thành thơ, đi vào thơ bạn. Đây là biển nhìn từ đá:

“Đá tinh khiết, triệu triệu năm tinh khiết

Trầm tích đây tay đá vẫn cầm

Những linh ảo rung rinh biển biếc

Vẫn dịu dàng mắt đá xa xăm”

(Đá và Nước)

Còn đây là biển và sóng:

“Sóng vẫn hát những lời của biển

Lời thẳm sâu tít tắp chân trời”

(Lời của sóng)

Tín hiệu biển trong thơ Lộc còn là những đảo đá, đảo cây, khi đảo là “trái tim của biển”, khi lại được ví như “mắt biển”, “mắt biển ấy, khi gió yên biển lặng/ bao nỗi niềm chất chứa yêu thương”

Từ tình yêu thắm thiết và máu thịt với biển mà Trịnh Công Lộc nghĩ và hình dung về tổ quốc như “từ biển mà đi”. Tình yêu ấy thẳm sâu, giàu chất suy tư, mang tính triết luận và là những lời gan ruột:

“Đất nước là rừng xanh

                là biển đảo xa xôi

Là muối mặn, gừng cay,

               lên ghềnh, xuống thác

Từng miếng trầu cay,

               từng con sóng bạc

Dẫu có lúc mưa giông bão giật,

Biển của ta vẫn liền đất liền trời”

(Lời của sóng)

Mỗi chúng ta ai cũng biết cột mốc biên giới cắm trên đất phân định rõ ta – người, nhưng cột mốc trên biển là đâu những biền biệt trùng khơi? Trịnh Công Lộc rất rõ ràng trong cảm nhận ranh giới đó. Lộc hình dung đảo, những dãy đảo tạo thành rừng của biển, trên những rừng đảo đó ranh giới quốc gia được phân định chẳng khác gì trên đất, trên rừng:

“Đất có rừng, biển cũng rừng như đất

Biển mỡ màu, rừng đảo ngàn xưa…

Đây Hoàng Sa

                      Kia Trường Sa

                                          Rừng mọc

Biển một ly không thể cắt rời”

(Rừng đảo)

Tình yêu tổ quốc, yêu biển, yêu người là những tình cảm sâu nặng, giàu chất sử thi, những tình cảm ấy vào thơ Lộc tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm thía. Tình yêu ấy không cần lên gân lên cốt, cũng không định dạy dỗ người ta. Đó là những lời thì thầm nho nhỏ mà sâu nặng, bền vững, máu thịt nên nó đi vào lòng người và sự đồng điệu, tính khái quát, tính gợi cảm trong thơ lay động tận tâm can người đọc.

Tôi hơn một lần đã nhận xét, thơ của Lộc là thơ chính trị, nhưng chính trị một cách trong sáng, hồn nhiên, dễ gần, dễ cảm. Tính chính trị, tính triết luận đó tạo chiều sâu và sức lan tỏa trong thơ Lộc, bạn không chỉ viết về cảm nhận của cái tôi, mà còn chia sẻ những cảm nhận chung của cái ta, của chúng ta và vì thế ngay cả những nỗi niềm, những đớn đau cũng mang màu sắc bi tráng mà không phải là bi lụy:

“Người yêu đảo mặn mòi với đảo

Đảo yêu người, hạt muối cắn đôi

Máu thấm đất, hồng tươi mặt đất

Máu biển loang, sóng đỏ chân trời…

(Rừng đảo)

Lộc đã rất thành công trong bài thơ Mộ Gió, bài thơ viết về những người con đất biển từ thời Nguyễn, ra quần đảo Hoàng Sa cắm cột mốc chủ quyền, rồi bỏ thân ngoài biển. Người thân của họ đắp lên những ngôi mộ không có cốt, ngôi mộ tượng trưng để dồn trút nỗi nhớ thương.

“Mộ gió đây,

               đất thành xương cốt,

Cứ gọi lên là rõ hình hài

Mộ gió đây,

                cát vun thành da thịt

Mịn màng đi,

                 dìu dặt bên trời…”

Những cái chết tưởng như thầm lặng, mang chút ngậm ngùi về thân phận, cái chết giữa biển khơi chỉ có sóng và gió chứng kiến. Nhưng không, mộ gió là những chứng nhân bất tử về sự hi sinh của những người giữ đảo, và sóng và gió như anh linh của người đi, cứ “thổi hoài, thổi mãi”, cứ nhắc nhớ khôn nguôi tới bao nhiêu thế hệ rằng Hoàng Sa là của chúng ta, nó là sự trăn trở, là nỗi niềm đau đáu và nhạy cảm của những người ở lại:

“Chạm vào gió như chạm vào da thịt,

Chạm vào

Nhói buốt

Hoàng Sa”

Như một chân lí, có gió mới có sóng, sóng mang lời của gió, tình của gió, hồn của gió, gió thổi sóng xô… đã có bao nhiêu nhà thơ có hình ảnh “sóng”, “gió” trong thơ mình. Ở Mộ Gió của Lộc, hồn của gió của sóng, anh linh của biển, không ngủ yên nơi những nấm mộ chờ mà mang khí thế ngút trời:

“Là mộ gió,

          gió thổi hoài, thổi mãi,

Thổi bùng lên

              những ngọn sóng

                                 ngang trời!”

Đọc hai câu cuối của Mộ gió, tôi hình dung khúc bi tráng của Tây Tiến (thơ Quang Dũng) khi viết về sự hi sinh của người chiến sĩ “mền viễn xứ” cách đây mấy chục năm “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Sóng dâng lên ngang trời, sông Mã gầm lên dữ dội, thiên nhiên, đất trời như đau đớn nghiêng mình trước sự hi sinh của các anh cho Tổ quốc. Đúng như nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đã đánh giá khi trao giải nhất thơ về Biển Đảo cho Trịnh Công Lộc: “Chúng ta trao giải này không chỉ vinh danh tác giả mà còn là để tưởng nhớ những anh hùng hữu danh và vô danh đã hi sinh cho biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.

Cùng cảm hứng thơ với Mộ gió, Trịnh Công Lộc viết Mở cõi biển Đông “Cánh buồm nâu lưng trần bám biển/ vượt nghìn trùng mở cõi xa khơi”, Rừng đảo “Đảo thành rừng chiến lũy biển Đông/Những chiến hạm vượt đại dương rừng đảo/ Như binh đoàn ào ạt tiền phương…”. Quả thật, sóng gió ấy, biển đảo ấy như có tim có óc, nào có vô tình! Một sự hình dung tuyệt vời,giữa thiên nhiên và con người Việt Nam như cùng chung một khí thế bám biển và giữ biển.

Cùng với những vần thơ hào hùng về Tổ quốc, về biển đảo, thơ Lộc còn có những bài viết cho mình và viết về bạn bè. Đó là những bài thơ, những câu thơ khá nhẹ nhàng, bình dị, những tâm tình thủ thỉ sâu lắng, những cảm nhận và rung động mong manh, tinh tế về cuộc đời, về con người mà không dễ diễn tả “Có những lúc buồn tênh như gió/ Lá bay bay dào dạt quanh mình…” (Lá – Tim núi), lại có lúc thấy mình nho nhỏ, một chút cô đơn, một chút nhẹ buồn thầm lặng giữa muôn người “Vẫn biết mình nho nhỏ/ Cứ thế này, chầm chậm về sau… Nho nhỏ tôi lại phập phồng như gió/ Giữa lớn khôn đầy đặn bao người” (Nho nhỏ thôi, -Cánh buồm nâu).

Trong thơ bạn có hình ảnh quê nhà, chiếc áo may ô sờn cũ của người cha, những ngày tất tả long đong của mẹ, có tiếng gà gọi thức, có thời gian điểm vào li ti sợi tóc, có ga xép “chen chân vẫn chật tiếng cười” và có cả những rung động bất chợt mà tuyệt vời “Vẳng tiếng nai chạm núi/ Cỏ xanh lên bất ngờ”… Tất cả dồn góp lại,thành những cái chốt trong thơ bạn, neo giữ một tấm lòng, một tâm hồn hướng nội nhiều hơn.

Trong những dồn góp đó có một khoảng sâu lắng Lộc dành cho bạn bè. Thế hệ chúng tôi, những bạn cùng lớp thời đại học, từng trải qua những ngày vô cùng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, khó khăn bộn bề thời hậu chiến, nhưng cũng lại chứng kiến những đổi thay chóng mặt và vô cùng lạ lẫm sau “đổi mới”. Lộc viết:

“Chúng ta sống giữa một thời biến động

Cái vương vãi đồng quê, thành đặc sản phố phường

Cây hoang dại thành cây trong chậu cảnh

Bậc hiền tài đâu đó rong chơi”

(Đi cùng những người bạn – Cánh buồm nâu)

Giữa những biến động đó, có những hằng số không biến đổi, đó là bạn học, là cái tình của những đồng môn, cái nhìn ấy về bạn bè mới đáng tin cậy làm sao!

Bạn bè đến, gặp nhau như trẻ lại

Thủa đồng dao – ta đã cùng đi

Dáng cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa

Lại cùng đi,

             gió hát trên đầu!

(Đi cùng những người bạn – Cánh buồm nâu).

Cùng đi với nhau vào trường đại học, cùng cần mẫn với chữ nghĩa, với nghề và giờ vẫn cùng nhau những dây phút thảnh thơi nghe Thái “vuốt dây đàn thành sợi/ Buộc vào Hà tiếng rừng/ Buộc vào Nga tiếng mây… Gọi chúng ta về giữa bạn bè” (Bạn và cây đàn. Từ biển mà đi).

Lộc cũng viết về các bạn học đã mãi mãi ở tuổi 20, về các liệt sĩ tuổi bạn bè ở Vị Xuyên Hà Giang; viết về người bạn xa lâu ngày gặp lại; viết về Loan cô bí thư chi đoàn năm xưa đã sớm dời cõi tạm“có vầng mây tần tảo/ Kịp bay về bên Loan…”.

Còn nhiều nữa là các bạn văn thơ vùng than như Tô Ngọc Hiến, Yên Đức, Bùi Hữu Thiềm…và các bạn thuở đồng dao, thuở con cò con vạc ăn đêm trên đồng đất quê mình với chút biểu cảm:“…anh vẫn làm cánh vạc/ Để em không phải đỗ cành mềm…”

Lộc say thơ từ thời sinh viên, cũng cặm cụi trên cánh đồng thơ suốt cuộc đời, nhưng đến năm 2010 bạn mới in tập thơ đầu Cánh buồm nâu. Rồi sau đó, chỉ mười năm bạn in liên tiếpbốn tập thơ nữa, ngày càng dày dặn hơn, cũng già dặn và đằm thắm hơn.  Từ năm 2011-2012, Trịnh Công Lộc đoạt giải nhì thơ toàn quốc với chủ đề “Đây biển Việt Nam” mà Ban giám khảo không trao giải nhất.

Bài thơ Mộ gió ngay sau đó được nhạc sĩ  Vũ Thiết phổ nhạc Khúc tráng ca biển vô cùng ấn tượng. Đặc biệt, năm 2020, Trịnh Công Lộc đoạt giải nhất thơ về biển đảo Tổ quốc. Sự ấp ủ cẩn trọng mấy chục năm, sự đau đáu với niềm yêu nỗi nhớ biển trời Tổ quốc và sự thăng hoa của bút lực, sự tài hoa của “người làm vườn thơ” đã khiến thơ Lộc có thành tựu lớn như vậy.

Chúng tôi tự hào về bạn, “người làm vườn thơ” suốt đời không mệt mỏi, người luôn tự nghĩ “vẫn biết mình nho nhỏ, để mọi người dễ nhớ dễ gần nhau”, người biết dùng thơ nói hộ chúng tôi và thế hệ chúng tôi về tình bạn, tình người và trên tất cả là tình yêu những vùng biển đảo hay biên viễn của tổ quốc. Chúng tôi tự hào về bạn và những gì bạn đã đóng góp cho thơ Việt Nam, cho biển đảo Việt Nam.

Theo Nguyễn Bích Hà/Arttimes.vn