Ngoài tài năng, văn chương đòi hỏi sự kiên trì, kiến văn và tình yêu sáng tạo chữ nghĩa vô cùng của người viết. Văn chương đôi khi là sự cứu rỗi, như một bạn thơ nói: “Với tôi, văn chương là cái cọc cho tôi vịn. Nếu không có văn chương dìu mình sẽ không có tôi bây giờ”. Tiếp tục kỳ 2 chuyên đề “Vì sao chúng ta viết?” là tiếng nói nhiều khác biệt của các bạn văn trẻ Kiều Maily, Võ Quốc Việt, Lê Nhi, Tạ Ngọc Điệp, Trần Ngọc Đức, Phan Thuận, H Xíu H Mok, Lê Đình Trung.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V năm 1998 đi tham quan Tam Đảo – Vĩnh Phúc
Nhà thơ trẻ Kiều Maily (Ninh Thuận):
Khi sự “cô đơn” hiện hình đến cuộc sống thì trò chơi về ngôn ngữ, âm thanh đã chảy tràn theo suy tư chợt đến. Sống trung thực với cảm xúc là điều tôi luôn nghĩ đến vì chỉ có ngôn ngữ mới có thể biểu diễn giúp tôi giải bày tất cả những gì diễn ra ở thực tại.
Nhà thơ trẻ Kiều Maily
Những dự định cho trang viết mới của bạn? Dự định? Tôi chưa bao giờ nghĩ đến những dự định gì cả, có lúc có dự định đang định hình làng gió nào đó nhưng cảm xúc lại mất đi, chỉ lúc hứng khởi bắt chợt ngẫn nhiên thì dự định mở ra điều mới! Với tôi, vẫn tiếp tục sống, trong sự chừng mực có thể, một cách trung thực với cảm xúc riêng của mình. Ai biết được…?
Trong kiếp nhân sinh lăn lóc có nhiều băn khoăn mà tôn giáo huyền nhiệm hay triết học thông thái không thỏa mãn được, khoa học chính xác cũng dừng lại vì những giới hạn đương nhiên. Trong cái mênh mông thẳm sâu ấy văn chương có thể mang lại những kích thích hoặc sẽ là phương tiện đồng hành của cuộc đời một con người. Qua văn chương, người viết cũng như người đọc, có thể bay lượn nhảy múa hoặc trầm tư nhìn ngắm thế gian nhìn người nhìn mình một cách tự do. Như một nét đẹp gì đó từ ngôn ngữ. Gần hơn tí, mà không phải dễ hơn, là văn chương còn có thể soi sáng rất nhiều sự thật chưa được khơi mở trong cõi người, trong thân phận người vốn luôn khốn khó.
Nhà lý luận phê bình trẻ Võ Quốc Việt (Long An):
Song hành quá trình học tập, trưởng thành, bồi tụ nhận thức đời sống, tôi đến với văn chương. Với tôi, văn chương tự nhiên như đời sống vốn có. Quá trình đến với văn chương đồng thời quá trình tự khám phá và thấu hiểu chính mình.
Bởi vậy, trang viết của tôi đã và có lẽ vẫn tiếp tục trên con đường nắm bắt, khám phá và thấu hiểu nhiều hơn nữa về sự hiện hữu của con người trong đời sống. Với tâm thế này, tôi nhận thấy văn chương hẳn nhiên có mối liên hệ mật thiết với rất nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau. Văn chương, từ sự phản ánh “cơ sở hạ tầng”, đã trở thành hình thái ý thức xã hội thuộc về “kiến trúc thượng tầng”. Dù muốn dù không, văn chương vẫn luôn là vấn đề nhân bản.
Nhà lý luận phê bình trẻ Võ Quốc Việt
Hiện tại cũng như sắp tới, tôi đặt mối quan tâm ở những vấn đề văn hóa xã hội (nhất là văn hóa Nam bộ trong dòng chảy truyền thống văn hóa dân tộc Việt) bên cạnh vấn đề nhân bản luận (như vấn đề đương đại được nhiều học giả quan tâm hiện nay). Bởi lẽ, văn chương hẳn nhiên phản ánh nhiều vấn đề khác nhau, nhưng vấn đề con người trong phạm vi nhân bản luận, vẫn là nền tảng trọng yếu.
Văn chương: một vấn đề nhân bản. Rõ ràng, những tác phẩm kinh điển cũng như nhiều sáng tác đương thời, hầu như đều xoay quanh vấn đề con người (dẫu rằng góc độ, tâm thế với phương thức phản ánh và kiến giải khác nhau). Tuy vậy, văn chương không thể thoát ly vấn đề con người với nhiều trắc diện hiện hữu người trên cuộc thế. Do đó, văn chương góp phần “nối dài” hiện hữu người trong đời sống. Nhận thức vai trò “nối dài” đời sống của văn chương, mỗi người mỗi khác. Riêng tôi, văn chương nối dài hiện hữu người biểu hiện ở hai khía cạnh: (1) thức tỉnh và khai phóng nhân tâm; (2) giữ gìn và phát huy nhân tính.
Nhà thơ trẻ Lê Nhi (Hải Phòng):
Tôi đến với văn chương như một định mệnh được sắp đặt. Vậy mà có lúc tôi tưởng rằng gánh nặng mưu sinh hàng ngày đã lấn át đi những câu từ, lấn át đi cảm xúc.
Thú thật suốt quãng học sinh sinh viên tôi mê viết lắm, những buổi trốn làm đi học tôi thích tha thẩn trong sân trường nhặt những bông phượng rồi mơ mộng ép cánh làm thơ, vẽ đời mình thăng hoa trên trang giấy. Thế rồi cuộc đời rẽ tôi sang một hướng khác, tôi trở thành kẻ đi buôn và găm mình lại trong mớ bộn bề mặc cả.
Nhưng cái máu viết cứ như đống rấm âm ỉ lửa chảy trong lòng chỉ chờ có cơ hội là bùng cháy, tôi đã thấy mình, đã bật lòng mình bằng câu thơ được chắp vá trong sự cô đơn cùng quẫn, trong bứt phá nổi loạn đôi khi không thể nào tìm cách phơi bày cho người bên cạnh được. Đến với văn chương tôi được sống là chính mình, được thoả mãn tâm hồn có khi chỉ là cảm xúc thoảng qua của một nỗi đau nào đó, của một cơn mưa bất chợt, một chiếc lá thú tội với mùa thu hay đơn giản tôi bắt gặp ánh mắt rạng rỡ của đứa bé bán tăm dạo ven đường lúc đi làm về.
Nhà thơ trẻ Lê Nhi
Sau khi xuất bản tập thơ đầu tiên cho riêng mình, tôi đang tìm tòi khám phá để làm mới mình, mới tư duy và lối viết.
Với tôi, văn chương là cái cọc cho tôi vịn. Nếu không có văn chương dìu mình sẽ không có tôi bây giờ.
Tôi vịn vào thơ để vượt lên nỗi đau số phận, tôi nhìn thấy thứ ánh sáng lấp lánh mơ hồ mang hình con chữ mà dường như lúc tận cùng của tuyệt vọng định buông bỏ. Đặc biệt, cái tài của văn chương đã giúp tôi sống bao dung hơn, tôi trở thành kẻ lương thiện với chính mình khi biết tha thứ.
Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp (Gia Lai):
Tôi đến với nó vì mê viết lách, thích đọc, lúc đầu đến để có một sân chơi nhưng càng viết càng dấn thân thì càng thấy rõ trách nhiệm của người cầm bút, về lối sống, nhân cách, cá tính của mình trong từng trang viết. Tôi biết đó là một cuộc chơi nên mình phải “chơi đẹp”, đồng nghĩa với “sống đẹp” và có trách nhiệm với lời văn câu chữ của mình.
Dự định, tôi nghĩ rằng tôi sẽ vẫn viết về Tây Nguyên, về Gia Lai nơi tôi đang sống, về rừng, về sự chuyển mình của vùng đất mới, về đời sống của người dtts trên vùng đất đang trỗi dậy nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro dành cho số đông người yếu thế, dễ bị tổn thương. Tôi vẫn sẽ viết về những “mảng tối” của các vđ xh mà tôi đang thấy như lối sống thực dụng, tham nhũng, lừa lọc, tệ nạn. Để văn chương thực sự là đời, nó không chỉ là nghệ thuật lấp lánh mà còn là đời sống thực thụ để người đọc có dịp đọc, soi chiếu. Tôi nghĩ nếu mình có nhiều thời gian ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học tôi sẽ sắp xếp để về làng, về rừng, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số đang sống để có những trang viết khác lạ về họ trong thời kỳ công nghiệp.
Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp
Văn chương là hiện thực đời sống được phản ánh bằng câu chữ. Nhà văn khi viết cần hóa thân vào nhân vật, sống với họ. Chính vì vậy, ngoài việc góp phần cổ vũ những điều tốt đẹp, mang lại cảm xúc tích cực cho người đọc khi đọc những câu từ giàu cảm xúc thì còn phản ánh hiện thực xã hội để mọi độc giả khi đọc tác phẩm của họ thấy những trăn trở, lo lắng, thấy thực tế để sửa mình, để sống tốt hơn. Mặt khác, viết cũng là rèn mình, và tôi nghĩ, nhà văn có sự ảnh hưởng nhất định đến xã hội mà anh ta thuộc về.
Nhà văn trẻ Trần Ngọc Đức (Quảng Nam):
Tôi đến với văn chương là do yêu thích những tác phẩm văn học trong nhà trường. Tôi say mê những giờ giảng văn của các thầy cô giáo từ những năm Trung học cơ sở, rồi cũng từ đó tập tành làm thơ, viết truyện thiếu nhi. Có thể nói, chính những tác giả, nhân vật trong các tác phẩm từ văn học nhà trường đã luôn thôi thúc tôi tìm hiểu về văn chương. Với tình yêu đó, tôi phấn đấu để thi vô ngành Sư phạm Ngữ văn để trở thành một giáo viên dạy bộ môn Văn.
Ra trường, tuy không thể thực hiện được mơ ước đứng trên bục giảng, nhưng do làm nhiều công việc khác nhau nên tôi có thời gian đi, quan sát, tiếp xúc với nhiều con người, nhiều mảnh đời, vùng đất khác nhau trong xã hội nên ngọn lửa văn chương từ đó cũng được duy trì, hun đúc cho đến bây giờ. Tôi đến với văn chương không đường đột như là một ngã rẻ trên đường đời, đó là quá trình xuất phát từ tình yêu văn chương thuở nhỏ rồi đến sự thôi thúc của bản thân về việc phản ảnh cuộc sống hiện nay, viết là để thoả mãn đam mê và cũng là quá trình tôi tự hoàn thiện bản thân mình.
Nhà văn trẻ Trần Ngọc Đức
Được phản ảnh về mọi mặt hiện thực của xã hội mình đang sống là nhu cầu và cũng là định hướng trong các trang viết của mình. Dự định những trang viết mới của tôi vấn là đề tài về sự phản ứng của con người trước sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện nay: sự phát triển nhanh của quá trình đô thị hoá, nông thôn hôm nay và các trào lưu văn hoá mới…
Theo tôi, văn chương đóng một vai trò rất lớn trong đời sống xã hội hiện nay. Đây không chỉ là chủ thể phản ánh hiện thực cuộc sống, nó còn là môi trường định hướng, gửi gắm thông điệp cho hiện nay và tương lai. Văn chương không thể tách rời khỏi cuộc sống và ngược lại cuộc sống sẽ chỉ là tồn tại nếu không có văn chương làm cho nó trở nên sinh động. Và càng là người viết trẻ thì sự ý thức bản ngã đối với văn chương càng trở nên rõ rệt và mãnh liệt hơn. Ở đây người trẻ có thể nói lên được tiếng nói của mình trước cuộc sống, hoà mình vào dòng chảy của văn học đương đại để góp phần xây dựng xã hội và sự phát triển của tiến trình Văn học Việt Nam hôm nay.
Nhà văn trẻ Phan Thuận (TPHCM):
Tôi may mắn đến với văn chương vào thời đại mạng xã hội và internet còn chưa được phổ biến rộng rãi. Lúc ấy, văn chương là một người bạn thân cùng đồng hành giúp mình phát triển.
Nhà văn trẻ Phan Thuận
Những dự định trong tương lai trong việc viết của tôi có phần hơi… bao đồng và… khó thực hiện. Đó chính là có thể góp sức trẻ của mình để giúp đỡ những người bạn sáng tác khác tìm được hướng đi của mình trên con đường phát triển nghệ thuật. Bản thân tôi cũng đang phát triển nên hi vọng sẽ cùng các bạn đồng hành và phát triển.
Đối với tôi, văn chương sẽ luôn có tác dụng chữa lành những tâm hồn. Nhiều người tìm đến văn học khi sâu trong tâm đang tổn thương và cần sự xoa dịu một cách nhẹ nhàng và tỉ mỉ. Văn học không phải là loại thuốc chữa bách bệnh, nhưng là người thầy thuốc giúp chúng ta chuẩn đoản và tự thân chúng ta, trong lúc thưởng ngoạn tác phẩm văn chương, sẽ tự chữa những vết thương lòng.
Nhà văn trẻ H Xíu H Mok (Đắk Lắk):
Tôi có cơ hội tiếp xúc với văn chương từ khi còn là học sinh cấp 3, đó là vào mùa hè năm lớp 11, khi tôi được tham gia Trại sáng tác Hương rừng – trại sáng tác văn, thơ dành cho học sinh dân tộc thiểu số được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Đắk Lắk, được các cô chú hướng dẫn cách để viết nên một truyện ngắn hay làm một bài thơ, viết một tản văn. Tôi vẫn còn nhớ truyện ngắn đầu tiên mình tập viết đã được cô Niê Thanh Mai – giáo viên dạy văn ở trường cấp 3 (hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk) biên tập và gạch đỏ giấy để chú thích, hướng dẫn lại cách viết. Những ngày tháng sau đó, cô Mai cùng với nhiều cô chú ở Hội Văn học nghệ thuật đã dìu dắt tôi từng bước, chỉnh sửa từng câu chữ, ý văn để tôi có được những tác phẩm dần thành hình sau này.
Trước đây, tôi tập tành viết truyện ngắn, làm thơ, kể cả thơ song ngữ Êđê – Việt. Nhưng hiện nay, tôi tập trung nhiều hơn vào mảng truyện ngắn. Tôi đang cố gắng để khai thác tốt hơn tâm lý nội tâm nhân vật, chuyển tải tốt hơn cảm xúc của nhân vật qua câu chữ. Tôi hi vọng sẽ có được những truyện ngắn mang đậm màu sắc vùng đất, thể hiện được giá trị văn hóa dân tộc mình trong môi câu chuyện, nhất là những câu chuyện về đề tài vùng đất, con người nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Nhà văn trẻ H Xíu H Mok
Theo tôi, văn chương là một phần của đời sống, là nơi mỗi tác giả thể hiện cái tôi và thế giới quan tư tưởng của bản thân trước cuộc sống. Đối với người viết, mỗi tác giả có một cảm quan riêng, góc nhìn riêng về thế giới xung quanh mình. Họ dùng câu chữ để diễn tả điều mà họ thấy, họ cảm nhận được, từ đó chia sẻ, “tâm sự” với người đọc về tâm tưởng, tình cảm của họ.
Đối với người đọc, văn chương cũng làm cho tâm hồn con người trở nên mềm mại hơn, đa sắc hơn. Cùng là một tác phẩm văn học nhưng mỗi người lại có cách cảm nhận khác nhau, suy nghĩ khác nhau, từ đó tạo nên sự đa dạng trong sắc thái tình cảm. Văn chương khiến người ta tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu, thấp thoáng đâu đó hình ảnh của bản thân hay một cá nhân mà ta quan tâm. Đó có thể là những mảnh đời, những thân phận nói lên tiếng nói, suy nghĩ của họ. Do đó, họ dường như được mở lòng, được bộc bạch cái tôi của chính họ từ góc nhìn của tác giả.
Nhà văn trẻ Lê Đình Trung (Thanh Hóa):
Tôi bước vào con đường viết văn khá muộn. Những bước chân chập chững đầu tiên ấy được định vị theo một cách rất tự nhiên – không áp lực, kỳ vọng hay gò bó. Mục đích duy nhất của tôi là được lưu giữ, sẻ chia những suy nghĩ, ký ức, kỷ niệm. Những bài viết ấy được tôi đăng tải trên trang cá nhân facebook như một cách để giải tỏa sau những giờ làm việc căng thẳng. Lúc đăng tôi không nghĩ rằng những bài viết của mình khi đó lại được bạn bè đón nhận, ủng hộ và khích lệ nhiều đến thế. Một vài người nói rằng có thể gửi những trang viết đó cho chuyên mục văn hóa – văn nghệ của một số tờ báo. Ý tưởng ấy khiến tôi thích thú nhưng cái cảm giác thiếu tự tin ban đầu của một người viết trẻ, vô danh khiến tôi khá dè dặt.
Sau nhiều lần bạn bè động viện tôi mới dám gửi đi những bài viết của mình với suy nghĩ: “Biết đâu bài viết của mình sẽ hợp gu và được đăng tải ở tờ báo nào đó”. Những tác phẩm đầu tiên của tôi đã được gửi đi theo cách đơn giản như thế. Thực sự lúc gửi tôi cũng không hy vọng bài của mình sẽ được đăng. Thế nhưng, một số bài viết đã may mắn được tòa soạn lựa chọn đăng tải. Nhận được tin phản hồi về bài viết của mình, tôi đã vui sướng đến mức không tin vào mắt mình. Có lẽ cái niềm vui và sự khích lệ của bạn bè khi đó là tiền đề để tôi duy trì việc viết lách của mình đến tận ngày hôm nay.
Nhà văn trẻ Lê Đình Trung
Nhận thấy hạn chế của bản thân là vốn liếng từ vựng, mong muốn được tự do thể hiện cảm xúc, triển khai ý tưởng của mình trên “cánh đồng chữ nghĩa”. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng, hoàn thiện mình hơn mỗi ngày. Niềm đam mê là điều kiện cần nhưng chưa đủ cho con đường đến với văn chương. Tôi sẽ tiếp tục duy trì viết về những chủ đề làng quê và cuộc sống thôn quê nơi tôi lớn lên. Đó là những khoảng trời ký ức tuyệt đẹp và là nguồn cảm hứng bất tận đối với tôi. Xa hơn tôi đặt mục tiêu bản thân có thể xuất bản một cuốn sách nhỏ của riêng mình như một cách tôi đánh dấu cột mốc tiến bộ trên con đường chinh phục chữ nghĩa của mình.
Với tôi, văn chương là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Văn chương làm cho cuộc sống bớt khô khan, trở nên thi vị hơn và tràn ngập những sắc màu. Văn chương còn là nguồn cung cấp tri thức và làm khơi dậy những cảm xúc nhân ái. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống này sẽ ra sao nếu thiếu vắng bóng hình văn học.
(Còn tiếp)