Bạn văn trẻ: Vì sao chúng ta viết? – Kỳ 6

291

Hội nghị đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đang diễn ra tại Đà Nẵng trong không khí ấm áp, xúc động, sẻ chia giữa những đồng nghiệp trẻ phần lớn từng biết tên mới lần đầu gặp mặt. Tiếp theo chuyên đề kỳ này, Vanvn.vn ghi nhận ý kiến của các bạn văn về con đường cầm bút: Trần Mỹ Thương, Mai Diệp Văn, Trương Văn Tuấn, Trần Như Quỳnh, Kiều Xuân Quỳnh, Nguyễn Kim Hương, Trần Phan Đinh Lăng, Nguyễn Đỗ Văn Quốc.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các cây bút trẻ tại Hội nghị đại biểu Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X ở Đà Nẵng sáng 19/6/2022

Nhà văn trẻ Trần Mỹ Thương (Hà Giang):

So với lần đầu dự Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ IX tại Hà Nội diễn ra vào năm 2016, tôi đến với hội nghị lần này với một tâm thế hoàn toàn khác. Hồi đó, tôi dè dặt, khép nép bao nhiêu, không chỉ bởi bản thân thấy mình nhỏ bé trước nhiều cây bút tràn đầy năng lượng mà còn bởi sự nhìn nhận của tôi về việc viết chỉ đơn thuần là sự trải nghiệm, là một cách để bày tỏ chính lòng mình, cho mình, chưa có tầm ảnh hưởng gì đối với xã hội.


Nhà văn trẻ Trần Mỹ Thương

Cho đến khi cuốn sách đầu tay của tôi ra đời, được ghi nhận, đánh giá một cách công bằng và khách quan, được độc giả đón nhận cùng sự yêu mến, ủng hộ của nhiều người, tôi bắt đầu tự tin hơn để bơi dần ra khỏi bờ của cái ao nhà bé nhỏ. Và gặp gỡ những bạn viết giàu nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo. Lẽ tất nhiên, tôi ý thức rõ hơn về trách nhiệm cầm bút của mình.

Vẫn coi văn chương như những trang “nhật ký mở”, song tôi không chỉ viết cho mình, mà viết cho những tiếng lòng của một người phụ nữ trong lằn ranh của cửa sinh – cửa tử; viết cho cái khó của những đứa con đứng trước bờ vực chia ly của bố mẹ vì những rào cản văn hoá phong tục không thể tìm ra tiếng nói chung; viết cho những mảnh đời bất hảo trong đáy cùng của xã hội đã và đang khao khát cơ hội hoàn lương trong vô vàn khắc nghiệt, thử thách; viết cho cả những số phận phải bước sang một rẽ ngoặt cuộc đời mà nếu chỉ một mình họ sẽ mãi mãi không thể nào tìm thấy nguồn sáng cuối đường hầm tăm tối…

Với ý thức trách nhiệm như thế, tôi hừng hực hơn trong sự nghiệp sáng tạo, và luôn cố gắng tự soi mình từ quãng trước cho đến quãng sau để cố gắng ngày một hoàn thiện, một vững bước, một chuyên nghiệp hơn.

Hà Giang chúng tôi còn là một tỉnh nghèo, song luôn dành sự quan tâm, trân trọng đến người viết, đặc biệt là thế hệ người viết trẻ. Đó chính là động lực lớn nhất để những người trẻ trên mặt trận văn hoá chúng tôi cống hiến nhiều hơn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Nhà thơ trẻ Mai Diệp Văn (Hà Nội):

Người gặp người là cái duyên. Người đến với nghề cũng là cái duyên. Tôi đến văn chương ngoài cái duyên ra thì nó còn là một sự việc đánh đố sự cao ngạo của bản thân, giải thích bản thân.

Hiện tại, tôi có duyên với một ngành kỹ thuật (trái ngược với văn chương) nhưng viết đang là hành trang trong cuộc sống của tôi. Tôi đau đáu với những con chữ còn đang viết dở, những ý thơ chưa được đúc khuôn hình. Tôi thích tìm tòi để thấy được cái mới trong văn chương. Tôi viết mỗi ngày, định hướng sẽ thử nghiệm một vài cách viết khác, cấu trúc khác.


Nhà thơ trẻ Mai Diệp Văn (ngoài cùng bên trái)

Khi mà tôi luôn loay hoay với những mâu thuẫn, hoài nghi giữa hai thái cực xấu – đẹp luôn tồn tại song song trong cuộc sống, cách giải thoát mình lúc này là tôi tìm đến văn chương.

Đến với văn chương tôi thấy mình vị tha hơn với cuộc sống, yêu thương, trân quý cuộc sống hơn. Văn chương là một thế giới khác mà tôi nghĩ chúng ta đều hướng tới: từ hiện thực đi đến những giải pháp, từ cái đẹp có sẵn và tôn vinh nó lên. Văn chương là cầu nối gắn kết tình nhân ái giữa con người với con người với nhau; giải thoát những ẩn khuất hiện hữu trong mỗi cá nhân.

Với tôi, Văn chương là một nguồn sáng, mỗi người đọc là vật hắt lại ánh sáng vào nó.

Nhà văn trẻ Trương Văn Tuấn (Bến Tre):

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, lúc nhỏ ngoài sách giáo khoa ra thì tôi chỉ được đọc những quyển sách cũ mà gia đình sẵn có. Chúng bị mối mọt ăn gần hết, mất những trang đầu trang cuối, đến mức tôi không biết đó là tác phẩm gì, nhưng một vài trang lưng chừng cũng đủ cuốn hút tôi đọc đi đọc lại.

Tôi cứ hóa thân, tưởng tượng mình là nhân vật trong quyển sách lưng chừng đó. Lớn lên xíu nữa thì tôi được đọc những quyển báo cũ của thư viên trường – trường nông thôn nên chỉ có báo cũ và cũng không nhiều. Tôi đọc câu chuyện của mọi người, thích thú, ngưỡng mộ và tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người về thế giới của tôi, câu chuyện của tôi. Vậy là tôi dần có những mẩu chuyện nhỏ được đăng báo khi đang là học sinh trung học.


Nhà văn trẻ Trương Văn Tuấn

Tôi tâm niệm một điều: muốn viết được, viết tốt thì phải điềm tĩnh nuôi dưỡng nhận thức và cảm xúc. Không nên miễn cưỡng, vội vàng chạy đua vì số lượng hay hời hợt đi qua “nhiều vùng đất mới”. Cuộc sống đa chiều, muôn màu muôn vẻ, cứ từ tốn đón nhận những điều ở quanh mình, suy ngẫm và viết.

Với tôi văn học chính là chiếc cầu kết nối mình với thế giới bên ngoài. Tôi trải qua tuổi thơ ở vùng nông thôn hẻo lánh, vắng vẻ, chính những quyển sách cũ, những trang báo cũ đã giúp tôi khám phá, kích thích tôi suy nghĩ, tưởng tượng, hóa thân. Khi tôi viết xong một truyện ngắn, tôi mở ra một thế giới nhỏ, mang màu sắc của riêng mình để mời mọi người bước vào cùng khám phá, sẻ chia với tôi. Còn giữa đời thực, nhờ nghiệp viết mà tôi được gặp gỡ các bậc tiền bối, được giao lưu cùng bạn bè ở nhiều nơi.

Nhà văn trẻ Trần Như Quỳnh (Bắc Giang):

Tôi đến với văn chương qua những trang sách của cuốn Truyện đọc lớp 1. Ngày đó, dân 95 chúng tôi vẫn còn học bộ sách cũ. Những câu chuyện trong đó, đã thực sự khơi mở thế giới văn chương trong tôi.

Dự định cho những trang viết sắp tới. Tôi có rất nhiều dự định. Nhưng trước hết sẽ là hoàn thành những bài review sách dang dở, hoàn thiện những đề tài tiểu luận lên ý tưởng đã lâu nhưng chưa hoàn thành như “Biểu tượng căn bếp trong văn học nữ Nhật Bản” hay “Kiểu nhà văn song ngữ trong Mỹ nhân Nga và Lolita của Nabokov”. Đồng thời hoàn thành truyện ngắn “Dưới trời đêm”.


Nhà văn trẻ Trần Như Quỳnh

Vai trò của văn chương trong đời sống? Văn chương là thế giới vừa khách quan, cũng vừa chủ quan của nhà văn. Nên văn chương, là nơi nhà văn gửi gắm tâm tư, tình cảm cùng cái nhìn phản biện xã hội. Hướng người đọc đến giá trị “chân-thiện-mỹ”. Nhất là, văn học trẻ, gần gũi với người trẻ, sẽ khắc hoạ lên một thế giới trẻ trung, hiện đại của những con người ham mê tìm tòi, thể hiện cái mới của một thế hệ, không trải qua binh đao khói lửa hay những buổi đói ăn từng ngày nhưng phải đối mặt những lo âu, nỗi buồn, áp lực, cô đơn ngỡ rằng nhỏ nhặt mà vô hình, đè nén lên trái tim, tâm hồn…

Nhà văn trẻ Kiều Xuân Quỳnh (Hà Nội):

Với tôi viết là sự sẻ chia của cuộc sống từ những điều giản dị nhất. Những mảnh đất tôi từng đến và đi qua đã khơi nguồn cho những bước đi đầu đời trong văn chương của tôi. Ngày tôi còn nhỏ, công việc của bố mẹ tôi thường phải di chuyển đến những công trường xây dựng khắp miền Tổ quốc đa số gắn với sông núi. Nơi ấy, tôi gặp những mảnh đời cũng từ những vùng miền khác trên khắp đất nước tìm về mưu sinh.


Nhà văn trẻ Kiều Xuân Quỳnh

Phía sau nụ cười của bố mẹ, của những người đồng nghiệp của bố mẹ tôi, của thầy cô bạn bè… tôi vẫn cảm nhận những nỗi vất vả của họ trong cuộc sống mưu sinh xa gia đình. Tôi chợt hình thành nên ý tưởng mang những mảnh đời trên miền bụi nắng đến với những trang viết đầu đời.

Được tham dự Hội nghị Những người viết văn trê lần thứ X với những người viết trẻ như tôi là một niềm vinh dự rất lớn. Tôi mong rằng sẽ học được nhiều điều từ những cây đại thụ trong nền văn học Việt Nam đương đại và các bạn trẻ tài năng đến từ mọi miền đất nước. Hội nghị văn học sẽ là nơi gắn kết những cây bút trên khắp mọi miền đất nước để chúng ta có thể hiểu biết thêm về văn hoá vùng miền của nhau.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Kim Hương (Hậu Giang)

Tôi đến với văn chương bằng tình yêu và lòng đam mê văn học. Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã thích học văn. Bởi tôi nhận thấy văn học là cuộc đời, văn học hướng chúng ta đến với cái đẹp, giúp con người biết tự kiềm chế mình và biết sống tốt với mọi người chung quanh. Đồng thời, tôi đến với văn chương như một cách để chia sẻ tình yêu cuộc sống, là cách để tôi cảm ơn đời. Nó cũng giúp tôi cân bằng cuộc sống của chính mình, nhất là những lúc tôi căng thẳng vơi bao công việc.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, trước hiện thực cuộc sống phong phú, mỗi người nghệ sĩ đều có hướng đi riêng trong khám phá, sáng tạo. Đó cũng là mục đích mà tôi luôn cố gắng hướng tới và cũng là cái tâm của người cầm bút. Bởi lẽ, văn học chân chính phải là văn chương vì đời, nhà văn chân chính phải là nhà văn vì con người.

Cảm nhận là thế, nhưng thực hiện được là cả con đường gian nan và đòi hỏi quyết tâm rất cao. Trước mắt, tôi dự tính sẽ cố gắng viết nhiều hơn, để có thể khẳng định chính mình và để có thể lan toả tình yêu cuộc sống, tiếp tục dâng đời nhựa sống của câu thơ.


Nhà thơ trẻ Nguyễn Kim Hương.

Theo tôi, văn chương có khả năng soi rọi cho người đọc ánh sáng của cuộc đời, khơi gợi tình yêu cuộc sống, nuôi dưỡng sự đồng cảm, bồi đắp và thanh lọc tâm hồn con người, làm cho ta gắn kết với những người chung quanh và đồng bào của mình hơn.

Mặt khác, văn chương là một cách khám phá mình, và sau đó, thay đổi mình. Con đường sáng tạo văn chương chính là hành trình khám phá nội tâm của mỗi cá nhân. Và nhờ đó, có khả năng xoa dịu nỗi đau của kiếp người trầm luân.

Vì vậy, theo tôi, nhà văn chân chính và bản lĩnh phải luôn có khao khát giúp nâng tầm thị hiếu, sức vóc thẩm mỹ của cộng đồng mình đang sinh sống.

Tôi vẫn luôn tự dặn mình sống thực, sống chân thành với chính mình trước hết để có thể giúp cho người đọc có thể tìm thấy bản thân họ trong tác phẩm của tôi.

Nhà văn trẻ Trần Phan Đinh Lăng (Bình Dương):

Mẹ là người đưa tôi đến với văn chương. Trong cuốn nhật ký mẹ viết cho tôi từ ngày thai nghén chất chứa trong đó nhiều cảm xúc của một người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ. Càng lớn tôi nhận ra rằng, hóa ra văn chương không phải thứ gì đó quá cao siêu, nó có thể là những câu từ đơn giản để khi đọc, người đọc cảm nhận được nguồn lặng lượng, có được sự đồng cảm, và được an ủi để tiếp thêm sức mạnh trong cuộc sống.

Ngày trước tôi học kém môn văn, việc viết một bài văn hoàn chỉnh luôn là cực hình với tôi. Có những thời điểm tôi phải tìm mọi cách để học thuộc những bài văn mẫu, thức đến khuya hay ghi âm và chiếc điện thoại cũ và nghe mọi lúc mọi nơi, chỉ mong chúng được ngấm vào đầu.


Nhà văn trẻ Trần Phan Đinh Lăng

Đến năm lớp 12, mẹ tặng cho tôi một cuốn sách của chú Nguyễn Nhật Ánh. Đó là cuốn sách cho tôi biết có một thế giới sống động trong từng trang giấy. Văn chương cho tôi sống nhiều cuộc đời, có đau khổ có hạnh phúc. Vì được “sống nhiều” nên tôi thấy mình được hiểu nhiều hơn.

Trong thời gian tới tôi muốn thử sức nhiều hơn trong thể loại phi hư cấu. Mỗi người xung quanh mình đều có một cuộc đời đặc biệt. Tôi muốn trò chuyện với nhiều người hơn, thông qua đó giúp họ tự chữa lành những tổn thương bên trong mình. Mong rằng cuối năm 2022 tôi sẽ thu hoạch được những tư liệu tốt như mình mong muốn.

Với tôi, văn chương là thứ không thể thiếu để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Có những người vực dậy trong bóng tối chỉ nhờ một câu văn. Chúng có sức mạnh vô hình. Chính vì vậy, người viết văn nên có trách nhiệm với những gì mình viết ra. Tôi tin rằng, những người viết văn trẻ với cái nhìn tươi mới sẽ giúp cuộc sống này thêm hạnh phúc hơn.


Các nhà văn trẻ tham quan KCN Thaco Chu Lai ở Quảng Nam

Nhà văn trẻ Nguyễn Đỗ Văn Quốc (Đà Nẵng):

Vốn sinh ra trong một gia đình có ba là người cầm bút, từ khi còn là một cậu bé, ba thường dạy cho tôi cách làm thơ, viết văn để mô tả, ví von một cách sinh động những cảnh vật xung quanh cũng như kể lại những câu chuyện trong đời sống thường ngày của tôi. Đó là những ngày cả gia đình tôi đi từ Đà Nẵng về vùng quê Quảng Nam trên cung đường trải dài những thảm cỏ xanh mướt và ruộng lúa chín vàng óng, thơm phức với những cánh cò trắng bay rập rờn trên bầu trời xanh ngắt. Ba tôi thường ra đề để tôi mô tả lại vẻ đẹp của quê hương xứ sở và sau đó chỉnh sửa, uốn nắn từng câu, chữ cho tôi. Văn chương đã ấp ủ trong tôi từ những ngày còn thơ bé.

Mãi đến khi tôi thi đại học, trong lúc bạn bè cùng chan lứa đã hoàn thành hồ sơ nhập học còn tôi vẫn chờ đợi các trường công an nhân dân công bố kết quả. Cảm giác bất lực khi nhìn bè bạn đến lớp còn bản thân phải chờ đợi một điều rất mơ hồ. Lúc ấy, tôi đã quyết định dùng văn chương để nói lên những điều sâu kín đáy lòng, gửi gắm tâm sự vào tác phẩm truyện ngắn đầu tay “Đợi chờ để làm gì?” và gửi cho một trang truyện ngắn online. Vô tình mẩu truyện ngắn của tôi đã nhận được nhiều lượt phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng. Từ ấy, tôi đã đắm mình say mê trong dòng chảy văn học đầy ngọt ngào nhưng đôi khi rất huyền bí, hấp dẫn lạ thường. Văn chương đã là một điều không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.

Tôi mong muốn được cầm bút và không ngừng viết để vun trồng những bông hoa nở rộ trên nền cuộc sống đầy màu sắc, làm đẹp cho đời.

Theo Vanvn